Hoạt động trị liệu (OT) cho Trẻ tự kỷ
Trẻ tự kỷ thường khó khăn trong việc tương tác với mọi người xung quanh. Đa số trẻ tự kỷ có vấn đề về xử lý cảm giác. Trẻ thường có khó khăn trong việc lọc bỏ những thông tin cảm giác không quan trọng hoặc phản ứng chậm chạp với các thông tin cảm giác đầu vào. Do vậy, trẻ dễ trở nên quá tải và rút lui.
OT có thể giúp trẻ tự kỷ cải thiện các chức năng tốt hơn và đương đầu với những khó khăn hàng ngày một cách thành công hơn. Mục tiêu của OT cho trẻ tự kỷ nhằm giúp trẻ độc lập hơn và tham gia được nhiều hoạt động sinh hoạt hàng ngày hơn.
Thế nào là OT cho trẻ tự kỷ?
OT tập trung vào mục tiêu cải thiện kỹ năng cho trẻ để trẻ có thể thực hiện được các hoạt động hàng ngày một cách thoải mái. OT giúp trẻ cải thiện kỹ năng xã hội, tăng cường thể chất, nhận thức và kỹ năng vận động cần thiết trong các sinh hoạt hàng ngày.
Đầu tiên, chuyên viên OT sẽ quan sát trẻ tự kỷ và đánh giá các kỹ năng hiện tại của trẻ. Chuyên viên OT sẽ quan sát đặc điểm của trẻ, chẳng hạn cách trẻ tương tác với mọi người xung quanh, cách trẻ học và chơi, và cách trẻ tự làm các hoạt động cá nhân của trẻ.
Khi chuyên viên OT nắm được khó khăn của trẻ là gì, họ sẽ tư vấn các chiến lược và mục tiêu quan trọng nhằm cải thiện kỹ năng sinh hoạt hàng ngày của trẻ. Các mục tiêu có thể bao gồm:
– Thay quần áo
– Sử dụng nhà vệ sinh
– Tắm
– Cắt tóc/Cạo râu
– Ăn
– Kỹ năng vận động tinh (viết, vẽ, cắt kéo)
Mục tiêu của OT cho trẻ tự kỷ là gì?
Do được tăng cường tham gia các sinh hoạt hàng ngày, hành vi của trẻ tự kỷ cũng sẽ được cải thiện. Khi quá trình trị liệu tiến triển tốt, sự tự tin, lòng tự tôn, và tính tự lập của trẻ cũng tăng lên. Khi đó, trẻ và gia đình trẻ sẽ thấy:
– Trẻ tập trung hơn
– Các mối quan hệ được cải thiện
– Tự kiểm soát bản thân tốt hơn
– Hợp tác và kiên trì hơn
– Biểu đạt cảm xúc tốt hơn
Cơ hội mà OT mang lại cho trẻ tự kỷ là rất lớn. Nó có thể giúp thay đổi cuộc sống của trẻ tự kỷ và gia đình trẻ – những người đặc biệt yêu thương và luôn bên cạnh chăm sóc cho trẻ.
Nguồn : Sách Tự kỷ