MỘT SỐ HỖ TRỢ VỚI CHA MẸ

CẢM THẤY QUÁ CHÁN NẢN MỆT MỎI VÌ PHẢI GIỤC CON NHANH LÊN MỖI NGÀY?
Mình đã từng một đứa trẻ lề mề, hậu đậu và chậm chạp trong nhiều thứ. Mẹ mình làm việc gì cũng nhanh chóng, nên lúc nào cũng cảm giác hối hả, phải làm việc này việc kia cho xong. Gặp đứa con chậm như mình, dĩ nhiên là mẹ mình nóng ruột. Sao mà làm mãi chưa xong? Sao giờ này còn chưa ngủ dậy? Sao giờ này còn chưa dọn cơm, nhanh nhanh còn đi ra vườn làm? Sai có mấy việc mà vẫn chưa làm xong? Nhanh lên, nhanh lên…
Cái cảm giác bị thúc giục rất mệt mỏi các bạn ạ. Không thoải mái. Cảm giác bị hụt hơi. Cảm giác mình làm việc gì hình như cũng không nên hồn. Bị nói nhiều quá nên bắt đầu quaụ quọ theo. Đến khi trưởng thành, mình ghét cảm giác bị người khác giục giã kinh khủng. Nó như là 1 sự ám ảnh.
Nếu bạn là 1 người mẹ, bạn sẽ thấy có nhiều nỗi lo. Con ăn chậm, con ngủ dậy muộn, con làm bài chậm, làm mãi không xong, mà chuẩn bị tới giờ đi ngủ rồi. Giờ không giục con, thì con trễ học, mẹ trễ làm, mà con thì cứ rề rề, hoặc là chuẩn bị thi tới nơi rồi, mà thấy con cứ nhởn nhơ, chẳng biết lo là cái gì cả. Vì lo nên mới giục. Vì sợ lỡ công lỡ chuyện, lỡ chuyện học hành, nên mới giục giã con.
Nhưng nói thật, mình thấy tất cả nằm trong đầu của bạn, trong đầu của người mẹ. Vì nhiều áp lực nên đầu óc lúc nào cũng như 1 mối bùi nhùi, nhìn đâu cũng thấy cái để mà giục con cả. Chứ còn nếu bình tâm xem xét, con trễ học, bạn trễ làm chẳng phải là ngày tận thế. Hơn nữa, điều quan trọng nhất là bạn có giục giã, thì bạn là người mệt trước, chứ con bạn chưa chắc đã tiến bộ. Con bạn sẽ cảm thấy khó chịu, cảm thấy mệt và chưa chắc đã hợp tác lại với bạn, thậm chí càng nhắc càng chậm. Lúc này, giục hay không giục cũng thế mà thôi!!
Giải pháp cho việc này là gì? Làm sao để cân bằng được giữa cái chậm, cái lề mề của con và yêu cầu/ đòi hỏi của việc học việc làm trong gia đình?
Làm nhanh, học nhanh, sống nhanh, hay làm chậm, học chậm, sống chậm, theo mình nó hoàn toàn phụ thuộc vào quan điểm cá nhân. Không thể có 1 cái khung chuẩn cho bất kì ai, hay bí quyết nào để cân bằng các điều đó. Nó phụ thuộc vào từng giai đoạn trong cuộc sống của bạn, quan điểm sống, lứa tuổi, và thậm chí phụ thuộc vào lượng tiền bạn đang có trong túi nữa chứ! Tự bạn phải tìm ra cái nhịp độ ấy cho chính bạn. Lúc nào cần nhanh, lúc nào cần chậm, lúc nào cần tận hưởng thì tận hưởng.
Không nên ai hối thúc ai hết, miễn sao hoàn thành nhiệm vụ, có kết quả tốt, hoặc miễn sao chính bản thân người đó hài lòng. ( Nếu người nào đó vì lười, vì năng lực có hạn mà làm chậm, làm không xong việc, và chỉ nhận được lương thấp,v.v. thì cũng tự bản thân người đó nhận được cái quả mà người ấy gieo, chứ bạn là người ngoài không nên phán xét, cũng không nên thúc giục, mà thực ra thúc cũng chả được.
Còn trong việc dạy con, mình nghĩ cái nguyên tắc mà bạn cần hướng tới, đó là làm sao để khi còn nhỏ con bạn nhận ra: GIỜ NÀO VIỆC ĐÓ, và sau đó, từ từ con bạn cũng phải tìm ra cái nhịp điệu cho chính cuộc sống của con.
Giờ nào việc đó, con bạn sẽ biết khi nào cần phải ăn, phải tắm, phải học. Giờ nào việc đó, con bạn sẽ sống có nề nếp và kỉ luật hơn. Mỗi khi con bạn chệch hướng, mất tập trung, sẽ cần bạn nhắc nhở “ Con ơi, giờ này mình đang cần làm gì ấy nhỉ?”, nhưng trẻ chắc chắn sẽ không cảm thấy gặp áp lực, dù là vẫn bị nhắc.
Vì rõ ràng, trẻ sẽ nhận ra là mình đang bị lạc, có bố mẹ dẫn dắt. Nó hoàn toàn khác với cảm giác “ mình chưa đủ nhanh, mình chưa đủ giỏi, mình đang quá chậm” khi bị giục giã “ con nhanh lên chứ!”. Và đối với người nhắc, cha mẹ sẽ cảm thấy mình nhắc có mục đích, nhắc có sự rèn luyện, và chắc chắn sẽ có kết quả. Con bạn sẽ áp dụng được vào nhiều việc trong việc học, việc làm, việc chơi.
Còn sau này khi con bạn lớn lên, con bạn chậm hay nhanh là lựa chọn của con bạn, chứ không phải cái kiểu “ chậm chạp thế, ra đường húp cháo đấy con ạ! Hay là “chậm thế, mai mốt biết làm được cái tang rạng gì không?”. Hay thậm chí là lời phán xét “ lúc nào cũng vội vội vàng vàng, số khổ vậy đấy!”. Trong xã hội Việt Nam, trong những lời nói của những người xung quanh, các bạn thấy đấy, nhanh chậm gì cũng có vấn đề hết, không thể nào làm hài lòng ai được cả.
Bây giờ quay trở lại việc dạy con, làm sao để cải thiện được việc giục giã con, thì mình xin gợi ý việc bạn có thể LÀM NGAY, đó là bạn cần cải thiện từng bước như dưới đây:
1. Clear your thoughts – Suy nghĩ rõ ràng, rành mạch. Cả ngày lúc nào cũng bận rộn, mệt mỏi, nghĩ tới con là thấy 1 mớ bùi nhùi. Mãi mãi bạn sẽ thấy con bạn có vấn đề. Nhỏ thì ăn chậm, dậy muộn, lớn tí thì mê game, mê yêu, lười học, không tập trung. Hãy viết ra, con bạn giai đoạn này có ưu điểm gì, cần luyện tập những kĩ năng gì, có tệ như bạn tưởng hay không?
Những bạn nào học qua khoá Tư duy cùng Thuỷ Tulip đã có sự tiến bộ rất lớn về việc này. Suy nghĩ rõ ràng và tích cực hơn rất nhiều.
2. Hiểu rõ tâm lý của chính bạn và con bạn. Bạn đang sợ hãi điều gì, bạn đang lo lắng điều gì? Điều gì khiến bạn không kiên nhẫn được với con? Con bạn giai đoạn này đang có những đặc điểm tâm sinh lý thế nào? Thấu hiểu thì mới tìm ra các biện pháp giải quyết được. Còn không, mãi mãi bực mình và đổ lỗi thôi. Thậm chí, nếu bạn không hiểu, bạn sẽ không nhận ra đâu là gốc rễ vấn đề để mà giải quyết.
Trong phần hiểu rõ tâm lý này, bạn cũng cần tính tới vấn đề sức khoẻ của chính bạn, áp lực bạn nhận được từ môi trường sống xung quanh, áp lực từ công việc, từ lời phán xét hoặc so sánh của bạn bè, gia đình, họ hàng, v.v. Thậm chí, bạn cần phải hiểu, mỗi người có 1 cách cảm nhận về thời gian khác nhau. Cùng 1 khoảng thời gian, người này cảm nhận nó ngắn, nên làm nhanh nhanh, người này cảm nhận nó dài, nên nghĩ mình vẫn còn nhiều thời gian để thực hiện, nên làm chậm.
Bạn cũng cần tính tới tâm lý bạn đã bị ảnh hưởng bởi cách giáo dục của cha mẹ. Nên bây giờ khi bạn gặp tình huống tương tự, bạn sẽ nôn nóng và phản ứng nói năng y hệt cha mẹ bạn. Đó là những gì sâu trong tiềm thức của bạn, nên đừng cảm thấy buồn bã hay ân hận gì về việc đó. Nhận ra và sửa chữa, cải thiện, vậy thôi.
Hay nói cách khác, BẠN PHẢI THẤU HIỂU CHÍNH MÌNH – về cơ thể, về suy nghĩ, về những kỉ niệm trong quá khứ.
Khi bạn thấu hiểu mình tốt hơn, thì bạn cũng sẽ thấu hiểu con tốt hơn.
Khi bạn tin tưởng bạn nhiều hơn, thì bạn cũng sẽ tin tưởng con nhiều hơn.
3. Đặt ra mục tiêu rõ ràng và cụ thể cho từng giai đoạn. Ok, 1 ngày bạn giục con bạn 3 việc chính : ăn, dậy sớm vào buổi sáng, đi tắm, v.v. Hãy chọn 1 cái thôi và dành thời gian để chú ý cải thiện điều đó. Chỉ cải thiện 1 điều ở con trong 1 giai đoạn là 1- 2 tuần, chứ không đòi con mình phải làm tốt mọi thứ cùng một lúc.
Điều này càng QUAN TRỌNG nếu bạn đang cố gắng rèn con học tiếng Anh. Điều tuyệt vời là các bạn trong lớp MindEnglish Foundation và lớp tiếng Anh nền 2022 của Thuỷ đang dần hiểu rõ điều này.
4. Đưa ra các biện pháp giải quyết, bắt đầu bằng việc thay đổi cách nói, cách hỏi của bạn đối với con, để con bạn hiểu được khái niệm về “giờ nào việc đó”, bao dung vị tha hơn đối với con bạn, cho con bạn sự sẵn sàng về mặt tâm lý lẫn các bước chuẩn bị thực hiện cho việc đó được dễ dàng.
Phần này chính là kĩ năng giải quyết vấn đề mà rất nhiều người thiếu. Chỉ chăm chăm vào cảm giác khó chịu khi đối mặt với tình huống nào đó, và phàn nàn về tình huống, để cho cảm giác khó chịu lấn át, chứ chưa thực sự viết rõ ra vấn đề để tìm cách giải quyết cho phù hợp với khả năng hiện tại.
Để làm được điều này tốt, thì bạn phải nhận diện suy nghĩ, nhận diện rõ mình đang cảm thấy khó chịu vì con mình không chịu nghe lời, vì mình đang trễ giờ làm rồi, mà con thì mè nheo, để từ đó chuyển hướng sang chấp nhận và giải quyết từng việc một.
Thuỷ chỉ có một mong muốn đó là con của bạn sau này sẽ không bị ám ảnh bởi sự giục giã từ người khác, vì mỗi người sẽ tự tìm ra nhịp độ phù hợp cho chính mình. Nhiệm vụ của bạn là cha mẹ là rèn con, nhưng đồng thời cũng phải giúp con TỰ PHÁT TRIỂN SỰ NHẬN THỨC VỀ CHÍNH BẢN THÂN MÌNH!
Thần chú là BÌNH TĨNH, bình tĩnh, bình tĩnh và tin tưởng!
– Sưu Tầm –
Contact Me on Zalo
0912 218 692