Theo các nhà nghiên cứu các kỹ năng xã hội và cảm xúc của trẻ thể hiện khi còn nhỏ có khả năng dự báo lớn nhất về sự thành công khi trưởng thành.
Trẻ em thiếu các kỹ năng xã hội và tình cảm có nhiều khả năng trở lên phụ thuộc vào sự trợ giúp của gia đình- xã hội, gặp các vấn đề trong mối quan hệ; lạm dụng chất kích thích hoặc thậm chí gặp rắc rối pháp lý.
Những trẻ có kỹ năng xã hội tốt có khả năng kết bạn dễ hơn ngược lại nếu trẻ không có hoăc kỹ năng xã hội kém sẽ khiến trẻ gặp khó khăn khi tương tác với người khác, điều này đôi khi cũng có khả năng gây ra căng thẳng cho chính trẻ
Tại Trung tâm việc can thiệp các kỹ năng xã hội cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ đã luôn được đề cao và đặc biệt là những trẻ lớn khi đến Trung tâm học thì việc tiếp tục phát triển cho trẻ những KNXH còn thiếu hụt trong chương trình can thiệp là điều không thể thiếu.
Dưới đây là một số kỹ năng xã hội mà cha mẹ có thể tham khảo để kết hợp áp dụng thêm cho trẻ tại nhà nhằm nâng cao hiệu quả can thiệp cho các con
- Chia sẻ
Hãy bắt đầu từ việc chia sẻ một món ăn hay một món đồ chơi có thể giúp trẻ kết bạn và duy trì tình bạn. Khi trẻ thực hiện việc chia sẻ với người khác thì cha mẹ có thể khen ngợi và cho trẻ biết người khác cảm thấy thế nào về hành động đó. Ví dụ: Con đã chia sẻ đồ chơi với em. Bố rất vui vì điều đó bởi đó là một việc rất tốt.
- Hợp tác
Hợp tác có nghĩa là làm việc cùng nhau để đạt được mục tiêu chung. Những đứa trẻ biết hợp tác sẽ tôn trọng khi người khác đưa ra yêu cầu. Kỹ năng hợp tác tốt là điều cần thiết để tạo nên thành công trong xã hội. Trẻ cần biết hợp tác với các bạn trong lớp ở trên sân cũng như trong lớp học. Hợp tác đặc biệt quan trọng khi trưởng thành. Vì vậy cha mẹ hãy dành thời gian để nói với con về tầm quan trọng của làm việc nhóm, làm thế nào để công việc tốt hơn khi mọi người cùng tham gia. Và hãy bắt đầu cho việc rèn kỹ năng này cho trẻ bằng việc tạo cơ hội cho cả nhà làm việc cùng nhau, chẳng hạn cùng chuẩn bị bữa ăn hoặc dọn nhà…
- Lắng nghe.
Lắng nghe không chỉ là giữ im lặng, nó có nghĩa là thực sự tiếp thu những gì người khác đang nói. Lắng nghe cũng là một phần quan trọng trong việc phát triển sự đồng cảm. Một đứa trẻ không thể thể hiện lòng trắc ẩn, sự giúp đỡ nếu không lắng nghe và hiểu những gì người khác đang nói. Với trẻ thì việc lắng nghe sẽ giúp trẻ tiếp thu kiến thức tốt hơn trên lớp học vì vậy điều đó cũng giúp trẻ tiến bộ hơn trong học tập. Vì vậy cha mẹ hãy tạo cho trẻ nhiều cơ hội để có thể rèn kỹ năng này thường xuyên.
- Làm theo chỉ dẫn
Một kỹ năng cũng rất quan trọng nữa cần rèn cho trẻ đó chính là làm theo hướng dẫn.
Hãy bắt đầu từ những việc trong gia đình như dọn dẹp phòng hay hướng dẫn trẻ chơi một môn thể thao nào đó, ví dụ: đá bóng; cờ vua…. Đôi khi trẻ sẽ mắc sai lầm và điều đó là bình thường bởi việc trẻ mất tập trung, hành xử bốc đồng hoặc quên những gì trẻ phải làm cũng có thể rất hay xảy ra. Vì vậy hãy xem mỗi sai lầm là một cơ hội để giúp trẻ rèn giũa các KN của mình.
Nếu trẻ làm theo chỉ dẫn đừng quên dành cho trẻ một lời khen ngợi và nếu trẻ gặp khó khăn trong việc làm theo các hướng dẫn thì có thể chia nhỏ các yêu cầu để trẻ dễ ghi nhớ hơn
- Tôn trọng không gian cá nhân
Hãy bắt đầu từ việc tao các quy tắc trong gia đình để khuyến khích trẻ tôn trọng không gian cá nhân của người khác, ví dụ: Hãy gõ khi thấy cửa đóng. Nếu thấy con đứng quá gần mọi người khi nói chuyện thì hãy nhân đó dạy dỗ trẻ. Ví dụ: Với trẻ lớn có thể trò chuyện với trẻ về khái niệm ranh giới hoặc hãy nói về mức độ thân thiết với người khác và trẻ phải giữ khoảng cách như nào? Cha mẹ cũng có thể tạo các cơ hội bằng cách nhập vai vào các tình huống khác nhau để giúp trẻ thực hành không gian cá nhân phù hợp.
- Giao tiếp bằng mắt
Giao tiếp bằng mắt tốt là một phần quan trọng của giao tiếp vì vậy hãy nhấn mạnh với trẻ tầm quan trọng của việc giao tiếp bằng mắt. Nếu trẻ gặp khó khó khăn trong việc giao tiếp bằng mắt thì có thể đưa ra lời nhắc nhở với trẻ. Hãy khen ngợi nếu trẻ nhìn người khác khi nói chuyện ( Với trẻ nhỏ nếu giao tiếp mắt hạn chế có thể hỗ trợ thêm một số bài tập phát triển thị giác). Hãy nói cho trẻ biết người khác sẽ cảm giác như thế nào nếu khi trò chuyện với một người mà họ không giao tiếp bằng mắt? Có thể thảo luận với trẻ về nhiều tình huống khác nhau hoặc tạo các cơ hội để trẻ có thể luyện tập khả năng giao tiếp mắt.
- Cư xử
Hãy dạy trẻ cách cư xử lịch sự và tôn trọng đặc biệt khi ở nhà người khác và ở trên trường. Dạy trẻ nói lời cảm ơn; xin lỗi hoặc những hành động thô lỗ đều cần được nhắc nhở, điều chỉnh. Cha mẹ hãy là người làm gương tốt cho trẻ bằng cách thường xuyên có những cư xử tốt với con và những thành viên khác trong gia đình. Đảm bảo đúng mực khi tương tác với người khác. Đưa ra những lời nhắc nhở khi con quên cư xử tốt và khen ngợi khi cha mẹ thấy trẻ cư xử lịch sự.
Trên đây là một số KNXH mà trẻ cần được rèn trong cuộc sống hàng ngày. Bên cạnh những kỹ năng kể trên thì còn rất nhiều kỹ năng khác trẻ đang được can thiệp tại Trung tâm qua những tình huống hoặc với những người bạn rất thú vị bên cạnh trẻ . Nếu như cha mẹ thấy con mình có nhiều hạn chế trong KNXH thì đừng chần chừ trong việc đưa con đi can thiệp. Bởi TRẺ MUỐN THÀNH CÔNG TRONG TƯƠNG LAI THÌ CẦN CÁC KỸ NĂNG XÃ HỘI TỐT.