BÀN CHÂN BẸT VÀ CÁC VẤN ĐỀ LIÊN QUAN

Phần 1: Bàn chân bẹt có đáng sợ đến thế?
* Lưu ý: tất cả thông tin trong bài viết đều được trích dẫn từ các nghiên cứu khoa học được đính kèm danh sách dưới phần comment, người viết không tự nghĩ ra 😊*
Trên các phương tiện truyền thông hiện nay, không khó để bắt gặp các thông tin về bàn chân bẹt ở trẻ em, đi kèm với đó là rất nhiều quảng cáo về các biện pháp điều trị, thăm khám khác nhau và những “hậu quả” nghe rất khủng khiếp. Việc này dẫn tới cảm giác bàn chân bẹt là một “bệnh” nghiêm trọng ở trẻ em, có thể gây hoang mang, lo lắng cho các bậc phụ huynh nếu không tìm hiểu kỹ. Vậy bàn chân bẹt là gì, liệu có nguy hiểm nếu bị bàn chân bẹt hay không?
Trong hình đầu tiên là 3 dạng của vòm gan chân (foot arch):
– Bàn chân bình thường
– Bàn chân bẹt (flat foot / low arch / Pes planus)
– Bàn chân vòm cao (hollow foot / high arch / Pes cavus / Cavovarus)
TẤT CẢ TRẺ EM ĐỀU TRẢI QUA GIAI ĐOẠN BÀN CHÂN BẸT:
– 97% trẻ dưới 2 tuổi có bàn chân bẹt [1]
– 54% trẻ dưới 6 tuổi có bàn chân bẹt [2]
– Các nghiên cứu trong khoảng 50 năm trở lại đây cho thấy 20% đến 37% dân số có bàn chân bẹt, tùy từng nghiên cứu [3-11]
Trong quá trình phát triển của trẻ, vòm gan chân cũng được phát triển dần và trở nên rõ hơn từ khoảng 6 tuổi trở lên. Trong trường hợp vòm gan chân vì 1 lí do nào đó không thể phát triển cao lên như bình thường, trẻ sẽ xuất hiện bàn chân bẹt. Ngược lại, một số trường hợp bất thường khác trong cấu trúc giải phẫu hoặc trương lực cơ có thể khiến bàn chân có dạng vòm cao.
Vì vậy đây hoàn toàn không phải là bất thường hiếm gặp. Đa số trường hợp bàn chân bẹt không ảnh hưởng đến chức năng vận động, sinh hoạt của trẻ. Một nghiên cứu trên hơn 2000 người chơi thể thao cho thấy có đến 12.8% có bàn chân bẹt [12] và theo kinh nghiệm cá nhân khi mình làm việc với các VĐV đội tuyển quốc gia thì số lượng các bạn có bàn chân bẹt cũng không ít.
Quan trọng nhất: không tìm thấy sự liên quan giữa hình dạng bàn chân với triệu chứng đau và hạn chế chức năng bàn chân [13,14].
Tóm lại, bàn chân bẹt chỉ là 1 trong số các yếu tố có thể gây đau bàn chân hoặc hạn chế vận động, chứ không phải là nguyên nhân chính. Vì vậy, cho dù trẻ có bàn chân bẹt, bố mẹ cũng không có gì phải quá lo lắng cả.
Phần tiếp theo mình sẽ nói về cách xác định bàn chân bẹt, từ đơn giản để bố mẹ có thể tự quan sát, các tiêu chuẩn về thăm khám lâm sàng, Xquang, cho đến những cách chính xác nhất sử dụng hệ thống phân tích vận động cho trẻ khi đang đi hoặc chạy (chứ không phải đứng im 1 chỗ trên máy scan) mà hiện nay lab mình đang áp dụng (hình 2).
Contact Me on Zalo
0912 218 692