Phần 2: Làm thế nào để nhận biết bàn chân bẹt?
Về chuyên môn y khoa, bàn chân bẹt (flat foot) được chia làm 3 loại:
– Bàn chân bẹt mềm (flexible flat foot – FFF), đại đa số trẻ em có bàn chân bẹt là loại này.
– Bàn chân bẹt cứng (rigid flat foot – RFF).
– Bàn chân bẹt mắc phải ở người trưởng thành (Adult – acquired flatfoot) gây ra do khiếm khuyết của gân chày sau (Posterior tibial tendon insufficiency – PTTI).
Để phân định được các loại này cần kiến thức chuyên sâu của Bs chuyên khoa, còn với các phụ huynh bình thường, mình chỉ cần bố mẹ quan sát con và tự trả lời 2 câu hỏi:
1. Con có bàn chân bẹt hay không?
2. Nếu có, con có cần đến khám Bs không?
Câu hỏi 1: Con có bàn chân bẹt hay không?
Rất đơn giản, bố mẹ quan sát chân con khi đứng như hình dưới. Nếu gót vẹo ngoài, không thấy vòm gan chân, mặt trong gan chân sát đất, vết bàn chân đầy (cho con đi chân ướt trên mặt đất/sàn) như hình thì tức là con có bàn chân bẹt. Cái này chắc chắn bố mẹ nào cũng làm được.
Câu hỏi 2: Nếu có, con có cần đến khám Bs không?
Như đã nói trong phần 1, tất cả các bé từ 2 tuổi trở xuống, nếu bé đã biết đi, bố mẹ không cần quan tâm đến bàn chân bẹt hay không vì 97% các bé đều bẹt. Nếu chưa biết đi cần cho bé đi khám Bs Nhi khoa hoặc Bs Chỉnh hình Nhi, tuy nhiên chắc chắn 1 điều rằng bàn chân bẹt không ảnh hưởng đến việc chậm biết đi của trẻ.
Từ 2 tuổi trở lên bố mẹ trả lời tiếp các câu hỏi sau:
2.1. Con có ngại/không dám chạy nhảy, leo trèo, vận động mạnh hay không? Hay vẫn chơi đùa bình thường như các bạn khác?
2.2. Con có bao giờ kêu đau mặt trong bàn chân, cổ chân, mắt cá chân bên trong, nhất là sau khi chạy nhảy, sau khi đi học về hay không? Không tính trường hợp bị chấn thương.
Nếu cả 2 câu trả lời đều là không, bố mẹ không nhất thiết phải cho con đi khám bởi trong trường hợp này bàn chân bẹt không ảnh hưởng đến khả năng vận động của con, bố mẹ chỉ cần tự theo dõi tới khi con 6 tuổi.
Nếu 1 trong 2 hoặc cả 2 câu trả lời là có, hoặc sau 6 tuổi chân con vẫn bẹt thì bố mẹ cho con tới khám Bs chuyên khoa chỉnh hình Nhi.
Tóm lại, nếu trẻ dưới 6 tuổi, vẫn chạy/chơi đùa vận động bình thường thì bố mẹ không cần lo lắng, không phải làm nẹp hay lót giày hay can thiệp gì cả. Khi nào cần can thiệp và can thiệp như thế nào mình sẽ nói trong phần 4 (dự kiến là phần cuối) của series này.
Phần 3 sẽ là: Đi khám bàn chân bẹt đúng nghĩa thì cần khám những gì? Mình vốn định gộp vào phần 2 này luôn nhưng thấy dài quá nên phải cắt ra, sẽ update sớm.
Cảm ơn mọi người đã theo dõi!