***** * *****
Trong thời buổi hiện tại, chúng ta không thể phủ nhận vai trò quan trọng của công nghệ hiện đại. Nhờ có chiếc điện thoại mà con bạn chịu ngồi 1 chỗ chơi cho bạn làm việc, nhờ có chiếc điện thoại mà con bạn chịu ăn cơm,…Mới đầu có thể chúng ta chỉ tranh thủ chúng một chút thôi nhưng sau dần lại thành ỉ lại, phụ thuộc vào chúng lúc nào không hay.
Phải thừa nhận rằng trẻ em nói chung và trẻ có RLPTK nói riêng học tiếp nhận qua các kênh hình ảnh trên tivi, ipad…cực nhanh. Với những hình ảnh chuyển động nhanh, sinh động về màu sắc dễ thu hút lôi cuốn trẻ chú ý không rời hơn nữa trẻ lại có thể chuyển để lựa chọn các kênh có nội dung mà mình thích. Nhiều người cho rằng trẻ bị Tự kỷ là do xem tivi ipad- vì thấy khi trẻ xem tivi ipad thì trẻ chẳng quan tâm gì đến mọi sự vật hiện tượng hay mọi người xung quanh nữa, thậm chí gọi không quay lại, đút cơm cho ăn cũng không nhìn mẹ chỉ chăm chăm vào chiếc điện thoại. Việc cho trẻ xem các thiết bị điện tử nhiều từ khi còn nhỏ không phải là nguyên nhân chính dẫn đến trẻ bị mắc hội chứng RLPTK nhưng nó cũng là 1 trong các yếu tố khiến tình trạng của trẻ trầm trọng hơn, đặc biệt là việc học và phát triển các kỹ năng.
Vậy liệu chúng ta có thể sử dụng các thiết bị điện tử một cách hữu ích hơn không?
Chúng ta cho trẻ nhỏ xem điện thoại vì thấy chúng học chữ cái, học hát,…qua đó rất nhanh. Nhưng điểm dừng lại của chúng ta không phải chỉ dạy trẻ ở giai đoạn tiếp nhận mà cần dạy trẻ hiểu và biết khái quát, ứng dụng trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Đây cũng là phần ưu điểm và nhược điểm của kênh thiết bị điện tử mà chúng ta cần nắm được để biết cách tận dụng và cải thiện kết hợp với các phương pháp khác. Nếu các phương pháp được kết hợp hài hòa về lời nói, hình ảnh sử dụng, điệu bộ minh họa,…sẽ càng giúp cho trẻ phát triển tốt. Đặc biệt, hiện nay giáo dục đang chú trọng nhiều đến việc phát triển qua đa giác quan cho trẻ: trẻ được nhìn hình ảnh sinh động của một quả táo trên tivi biết nó gọi là quả táo, có màu đỏ vị ngọt rồi thì cần cho trẻ sờ chạm để thấy quả táo trơn nhẵn như thế nào, thơm ra làm sao, vị ngọt khi được ăn được cảm nhận,…
Một câu hỏi đặt ra: Trẻ hiểu được, khái quát được thông tin khi xem trên tivi, ipad,…nhưng liệu trẻ có biết sử dụng đúng bối cảnh xã hội hay không? Mà chúng ta biết rằng khó khăn về tương tác xã hội, chia sẻ cảm xúc là những khó khăn cốt lõi của trẻ RLPTK. Đây chính là nội dung chúng ta cần chú trọng để sử dụng tivi,ipad như là một phương tiện dạy học hiệu quả cho trẻ. Có thể sử dụng những video mẫu để dạy trẻ về các kỹ năng xã hội, chia sẻ cảm xúc, trong thời gian được xem video mẫu trẻ có thời gian suy nghĩ mình sẽ xử lý như thế nào khi mình ở trong hoàn cảnh đó: gật đầu, lắc đầu, đẩy ngã hay đỡ dậy, cách nói và trật tự từ trong câu ra sao…nhất là với nhóm trẻ bị dập khuân. Sau đó mới đưa trẻ vào tình huống thực tế, lúc này trẻ đã có kinh nghiệm và chắc chắn sẽ có những hành vi ứng xử phù hợp hơn. Những video mẫu cũng có thể sử dụng để dạy trẻ về kỹ năng tự phục vụ, ví dụ trong hoạt động quét nhà: trẻ có thể dễ dàng học được cách cầm chổi, đưa các mái chổi khi quét nhưng quét đến khi nào thì dừng và quét từ đâu đến đâu thì những khái niệm như sạch/ bẩn, trong/ ngoài…là rất khó với trẻ RLPTK, dựa vào những video mẫu trẻ có thể làm theo và độc lập thực hiện không cần lúc nào cũng phải có người bên cạnh hỗ trợ.
Khi cho trẻ tiếp cận với các thiết bị điện tử, bố mẹ cần xác định: sử dụng các thiết bị điện tử là phương tiện dạy học hay sử dụng chúng chỉ đơn thuần như phần thưởng củng cố. Với mỗi mục đích sử dụng chúng ta sẽ có quy định về thời gian cho trẻ sử dụng khác nhau. Nếu là một phương tiện dạy học, thì trẻ có thể sử dụng nhiều trên ngày nhưng nếu là phần thưởng thì nên giới hạn thời gian không quá 30 giây cho mỗi lần và càng về sau này cần giảm dần việc sử dụng các thiết bị điện tử này làm phần thưởng cho trẻ nên hướng đến những phần thưởng xã hội như khen, ôm,…nhiều hơn.
Một số lưu ý khác là trẻ quá nhỏ dưới 2 tuổi cũng không nên cho trẻ tiếp xúc với các thiết bị điện tử sớm sẽ làm ảnh hưởng đến thị giác, thần kinh…Trước giờ đi ngủ (khoảng 1 giờ) cũng không nên cho trẻ xem các thiết bị điện tử sẽ dễ gây kích thích làm trẻ khó vào giấc ngủ hơn.
_Người thực hiện: GV N.T.P_