Nguyên tắc bút mực xanh được giới thiệu bởi Tatiana Ivanko, một nhà tâm lý học trẻ em và cũng là một người mẹ. Trong quá trình dạy và sửa bài cho con, cô đã lựa chọn dùng mực xanh để khoanh những chữ con viết tốt và đẹp thay vì dùng mực đỏ để gạch những chữ con viết sai hoặc chưa đạt.
Kỹ thuật này có gì khác biệt?
Thông thường chúng ta tập trung vào những sai lầm. Điều gì khắc vào trong trí nhớ của ta? Chỗ đó đó, chỗ đó đã sai đó, nhớ nhé, lần sau đừng có mắc lại. Dù có thích hay không, tiềm thức của chúng ta vẫn có xu hướng nhớ về những gì đã được đánh dấu. Nguyên tắc mực xanh tập trung vào những gì đã được thực hiện tốt. Lúc này, trải nghiệm cảm xúc và thái độ của chúng ta hoàn toàn khác. Một cách vô thức, tiềm thức của chúng ta có xu hướng lặp lại những gì chúng ta đã cố gắng hay tự điều khiển để làm tốt (và nó đã được đánh dấu).
Một động lực nội tại hoàn toàn khác biệt đã được khơi gợi: thay vì cố gắng tránh sai lầm, chúng ta cố gắng làm những gì được cho là đúng. Đó là một sự thay đổi quan trọng về mindset.
Dùng mực xanh để khoanh những chữ con viết tốt và đẹp thay vì dùng mực đỏ để gạch những chữ con viết sai hoặc chưa đạt.
Kỹ thuật này thực sự khiến mình phải liên hệ ngay với quan điểm nuôi dạy con cái mà mình vẫn theo đuổi và tư vấn trong những năm qua: hãy tập trung vào những điểm tích cực của trẻ và tìm cách phát triển, lặp đi lặp lại nó.
– Ôi Ốc tự dọn sàn nhà trước khi đi ngủ đó hả, sạch sẽ quá!
– Cảm ơn con vì đã giúp mẹ dọn bát trên bàn ăn nhé!
– Mẹ thấy rất vui vì con đã biết nhường đường cho bà cụ lúc nãy mình gặp trong siêu thị đấy!
Đó là cách mình vẫn thường làm mỗi khi con trai làm được điều gì đó tích cực. Và những câu nói đó cũng chính là động lực để bạn ấy tiếp tục hăng hái dọn dẹp sàn ngày hôm sau, bê bát từ bàn ăn ra máy rửa mỗi bữa hay nhìn xem người vô tình gặp trên đường có cần giúp đỡ gì hay không.
Tất nhiên, trẻ con mà, không phải lúc nào chúng cũng dễ thương ngoan ngoãn chăm chỉ gọn gàng sạch sẽ biết nghe lời. Nhưng chỉ cần người lớn cố gắng kiên nhẫn nhìn vào điểm tích cực để khuyến khích, thì dần dà con càng có nhiều cơ hội để lớn lên với sự tích cực và tự tin. Và công nhận điểm tích cực của con không có nghĩa là phủ nhận, lấp liếm cái sai. Trẻ nhỏ cần học về giới hạn và kỷ luật theo độ tuổi, theo nhận thức để dần dần tự điều chỉnh hành vi, cư xử đúng mực và đảm bảo những nguyên tắc của gia đình, xã hội.
Khi một đứa trẻ không còn sợ mắc lỗi, chúng cũng không trốn tránh, nói dối. Chúng dám đối mặt với vấn đề để tìm cách giải quyết, thay vì nản lòng hay chờ đợi trong hao mòn.
Nhưng chỉ nhìn vào điểm tích cực để nói với con, liệu đã đủ chưa? Mình nghĩ là chưa đâu!
Nếu đã đọc tới đây, hãy thử một lần ngẫm lại xem chính bạn đã có bao nhiêu dấu gạch xanh trong cuốn sổ dày cộp của cuộc đời mình. Thật không may mắn, mình cá là rất nhiều người trong chúng ta, mực đỏ có vẻ nhiều lấn át mực xanh. 20 năm đi học, mình cũng từng có những lần điểm kém, nhận những lời phê bình đanh thép và những vệt gạch chéo, dấu chấm hỏi màu đỏ to bự chảng như mũi tên đâm trúng vào trái tim non nớt.
Nhiều người thì tiếp tục nhận về những lời mắng mỏ, chê bai, thậm chí khinh miệt, chì chiết… từ chính những người thân thiết nhất. Toàn là những vết mực đỏ không thể xóa nhòa. Ngã thì chỉ nghĩ tới cái chân đau. Đâm xe thì chỉ nghĩ về những vết xước. Nướng vài chục chiếc bánh nhưng chỉ nghĩ tới mẻ bánh đã cháy đầu tiên.
Mệt mỏi quá thì trút giận lên con cái, vợ hoặc chồng. Có những người chỉ lăm le nhìn vào điểm yếu và sai lầm của người khác để hả hê. Còn chính ta nhìn thấy mình chỉ là người học sinh chậm tiến, người bạn tệ hại, người đồng nghiệp bất cẩn, người mẹ người cha tồi tệ. Xung quanh không có người cho phép chúng ta đúng. Bản thân mình cũng tự trách mình đã sai quá nhiều.
Cuộc sống là một trò chơi. Nhưng nó rất thực và cũng đòi hỏi một sự trung thực công bằng. Chúng ta đã từng đối xử hết lòng với bè bạn. Chúng ta cũng rất tận tụy trong công việc. Chúng ta yêu thương con cái mà muốn mang tới những điều tốt đẹp nhất cho con. Đôi chân này đã từng đi từ Bắc tới Nam, Á sang Âu. Chiếc xe này đã đi hàng chục vạn mà vẫn giữ cho ta an toàn. Mẻ bánh sau gần như hoàn hảo, từ lớp vỏ giòn tới phần nhân tròn vị. Ai mà không có sai lầm? Đâu thể cứ nghĩ và sống mãi cùng với những sai lầm đó?
Đúng là quy tắc bút mực xanh rất cần thiết với con trẻ, nhưng đừng quên áp dụng cho chính bản thân mình.
Chúng ta dạy con hãy sống trách nhiệm với bản thân, hãy đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp nhé. Nhưng khi chúng ta đi xe, thì rất có thể chúng ta chẳng thèm đội chiếc mũ nào cả.
Vậy đó. Nên từ ngày hôm nay, hãy hành động để thay đổi chính mình. Hãy dùng một chiếc bút xanh để bắt đầu tích chọn những điều tốt đẹp, vui vẻ, tích cực mà ta đã làm được.
Hãy bắt đầu trước, rồi con cái bạn cũng sẽ được lớn lên theo cách mà bạn đã đối xử với chính bản thân mình vậy.
Với mình, có lẽ từ hôm nay, thay vì gạch đi chi chít những lỗi sai của học viên trong những bài tập viết, mình sẽ cố gắng chỉ nói cho họ biết họ đang viết, đang làm tốt nhất cái gì, ở đâu, tại sao và như thế nào.