TRỊ LIỆU VẬN ĐỘNG CHO TRẺ TẠI TRUNG TÂM TRONG GIAI ĐOẠN THÍCH ỨNG AN TOÀN VỚI ĐẠI DỊCH COVID – 19

TRỊ LIỆU VẬN ĐỘNG CHO TRẺ TẠI TRUNG TÂM TRONG GIAI ĐOẠN THÍCH ỨNG AN TOÀN VỚI ĐẠI DỊCH COVID – 19

 

Thời điểm trước khi dịch bệnh Covid 19 diễn ra, Trẻ đặc biệt tại Trung tâm được chăm sóc bằng một “thực đơn” đầy đủ và cân bằng cho các giác quan thông qua các giờ can thiệp cá nhân chuyên sâu, các tiết trị liệu nhóm đan xen liên tục trong ngày, cùng với thời gian hoạt động chất lượng với cha mẹ tại gia đình dưới sự hướng dẫn định kỳ của các trị liệu viên tại Trung tâm. Điều này giúp trẻ đạt được trạng thái cân bằng để sẵn sàng cho việc tiếp nhận những kiến thức mới, chuẩn bị hành trang vững chắc cho con đường hòa nhập trong những giai đoạn tiếp theo. Tuy nhiên, dịch bệnh khiến Trung tâm buộc phải đóng cửa, “thực đơn” hàng ngày này của trẻ cũng bị cắt giảm đột ngột, thậm chí là thay đổi theo hướng tiêu cực. Việc phải ở nhà trong thời gian dài, các giác quan bị “đói” khiến trẻ gia tăng những căng thẳng và phát sinh thêm nhiều các vấn đề hành vi, cảm xúc tiêu cực.

Những lo lắng của cha mẹ và người thân trong gia đình trước đại dịch, trước các vấn đề của con cũng có thể gián tiếp ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ, khiến trẻ càng trở nên bất an và căng thẳng.

Bên cạnh đó, việc dạy học online không những không thể thực hiện một cách hiệu quả với nhóm trẻ này, mà còn khiến cha mẹ mất nhiều thời gian hơn để hỗ trợ con, gia tăng thời gian ngồi trước màn hình máy tính của con, khiến con bị kích thích nhiều hơn. Việc mời giáo viên về can thiệp tại nhà trong thời điểm khó khăn này không những gây tốn kém cho gia đình, mà còn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh do giáo viên có thể di chuyển qua nhiều gia đình trẻ khác nhau.

Giống như việc ăn uống hàng ngày, “Thực đơn giác quan” này cũng cần được duy trì để giúp trẻ cân bằng và ổn định hơn. Hiểu được điều này, Trung tâm đã tập trung tất cả các bộ phận để đảm bảo “Thực đơn” này cho các con ngay khi lệnh giãn cách được gỡ bỏ. Tuy nhiên, dịch bệnh chưa chấm dứt, vẫn còn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ trong cộng đồng. Vì vậy, Trung tâm, đặc biệt là nhóm trị liệu viên đã và đang triển khai rất nhiều biện pháp để đảm bảo việc cung cấp “Thực đơn giác quan” cho các con đầy đủ, liên tục và an toàn trong giai đoạn thích ứng an toàn này.

Cụ thể, nhóm trị liệu viên được phân chia để dạy ở các tầng riêng, cố định và chỉ dạy học sinh trong cùng một nhóm lớp, đảm bảo 1 trị liệu viên với 1 hoặc 2 trẻ trong một phòng trị liệu vận động. Trị liệu viên và trẻ đều phải đeo khẩu trang 100%, sát khuẩn tay trước và sau mỗi giờ can thiệp cá nhân chuyên sâu. Đối với trị liệu nhóm đôi hoặc ba, các hoạt động được thiết kế để đảm bảo duy trì khoảng cách an toàn giữa các trẻ. Cuối ngày, phòng trị liệu và đồ dùng sẽ được vệ sinh và xịt khuẩn sạch sẽ.

Một trong những khó khăn ở thời điểm này là việc trẻ cảm thấy khó chịu khi phải đeo khẩu trang cả ngày dài, thậm chí có trẻ còn thích cắn và nhai khẩu trang. Khi đó, các cô thường sử dụng thẻ hành vi, dán ở cửa phòng, các thẻ thường xuyên sử dụng như: Đeo khẩu trang, không chạm tay vào mắt, không cắn khẩu trang… sẽ được dán ở các vị trí trong phòng. Cha mẹ có thể tham khảo và áp dụng với con khi cho con ra ngoài.

Contact Me on Zalo
0912 218 692