PHÁT TRIỂN ÓC TÒ MÒ KHÁM PHÁ CHO TRẺ

                              PHÁT TRIỂN ÓC TÒ MÒ KHÁM PHÁ CHO TRẺ

 Nghiên cứu đã chỉ ra rằng tất cả chúng ta sinh ra đều có bản tính tò mò tự nhiên và có mong muốn khám phá được thế giới xung quanh. Trẻ nhỏ có sự tò mò tự nhiên ngay từ khi mới sinh ra. Từ 8 tháng tuổi, não trẻ đã bắt đầu hình thành rất nhiều câu hỏi, nhất là các trẻ ở giai đoạn từ 3 đến 8 tuổi, các bé có thể đặt ra hàng trăm câu hỏi “ vì sao?” mỗi ngày.

Trước hết cần hiểu óc tò mò là gì? Nói một cách dễ hiểu óc tò mò chính là mong muốn học hỏi, hiểu những điều mới và biết cách mà chúng hoạt động.

Như vậy tò mò chính là động lực cho sự phát triển của trẻ nhỏ. Óc tò mò là thứ nuôi dưỡng hứng thú học hỏi của trẻ, điều này vô cùng hữu ích trong tương lai sau này. Tuy vậy, theo quy luật tự nhiên, khi trẻ lớn lên, sự háo hức về thế giới xung quanh không còn nhiều nữa, óc tò mò cũng dần bị giảm đi. Nếu không được tiếp tục nuôi dưỡng, giáo dục đúng cách có thể trẻ không còn nhiều sự tò mò với mong muốn tìm hiểu và khám phá về mọi thứ nữa.

Vậy tò mò mang lại lợi ích gì cho trẻ?

  • Tò mò giúp trẻ mở rộng tư duy. Một đứa trẻ tò mò luôn trong tâm thế sẵn sàng tìm kiếm câu trả lời cho các thắc mắc của mình, vì thế chúng sẽ khám phá ra rất nhiều điều “bí ẩn” trong cuộc sống hàng ngày.
  • Sự tò mò khiến trẻ say mê khám phá, học hỏi và trở nên linh hoạt hơn trong cuộc sống bởi khi trẻ tò mò trẻ sẽ nhìn bất kỳ một vấn đề cần tìm hiểu ở nhiều góc độ khác nhau vì vậy không dập khuôn theo lối suy nghĩ có sẵn.
  • Tăng cường trí thông minh bởi khi tò mò não bộ sẽ được kích thích từ đó phát triển trí thông minh.
  • Giúp trẻ rèn luyện được sự kiên trì, nhẫn nại, quyết tâm vượt qua khó khăn để khám phá những điều trẻ cho là  “mới mẻ”.
  • Sự tò mò giúp trẻ tạo động lực để hoàn thành xuất sắc bất kỳ công việc nào và hoàn thành công việc đó tốt hơn.

 Với các trẻ gặp vấn đề về rối loạn phát triển thì có rất nhiều trẻ tỏ ra “ thờ ơ”, “ ít quan tâm” tới thế giới xung quanh. Điều đó kéo theo hệ quả là trẻ không có mong muốn khám phá bất cứ thứ gì xảy ra xung quanh trẻ. Tuy nhiên óc tò mò không phải là tố chất cố định như nhiều người vẫn tưởng mà có thể được bồi dưỡng, hướng dẫn và phát triển thông qua giáo dục.

        Chúng ta nên bắt đầu từ đâu? Các nhà nghiên cứu đã đưa ra lời khuyên là nên bắt đầu từ giáo dục gia đình, ngay từ khi trẻ đang ở giai đoạn phát triển ngôn ngữ và phát triển tư duy cụ thể ( tức nhận thức thế giới từ những điều mắt thấy, tai nghe, tay sờ…).  Và khi trẻ lớn lên trong môi trường gia đình có nhiều cơ hội được khuyến khích tìm hiểu về khoa học, về thế giới tự nhiên, được thử nghiệm, được hướng dẫn … thì trẻ sẽ có được sự phát triển vượt trội về các năng lực tư duy bậc cao như kỹ năng phân tích, tổng hợp, đánh giá và tư duy phản biện sâu sắc dựa vào các quan sát và đưa ra bằng chứng cụ thể.

Vậy làm sao để kích thích óc tò mò cho trẻ ngay khi trẻ còn nhỏ? Ba mẹ cùng tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  1. Hãy bắt đầu từ đam mê và sở thích của trẻ

    Khi trẻ thích một điều gì đó thì trẻ sẽ có xu hướng nỗ lực tìm hiểu về nó từ đó sẽ phát huy óc tò mò khám phá của trẻ. Không nên bắt đầu từ những điều con không thích bởi khi không thích thì trẻ sẽ không có sự tập trung chú ý kể cả khi “ bắt ép” con phải tham gia. Vì vậy ba mẹ phải tinh ý quan sát và lắng nghe những mong muốn của trẻ.

Ví dụ: Trẻ thích màu/ thích vẽ thì hãy để trẻ thỏa sức đam mê với vẽ tranh hoặc pha màu để trẻ biết được sự đổi màu ra sao khi pha màu nọ với màu kia. Ví dụ: Đỏ pha xanh dương tạo thành màu tím.

Trẻ thích ô tô thì hãy để trẻ chơi sáng tạo với các kiểu chơi khác nhau hoặc để trẻ tự do tìm hiểu các bộ phận cấu tạo của ô tô. Từ đó trẻ có thể đặt ra những câu hỏi kiểu như: Vì sao bánh xe lại hình tròn ( mà không phải hình vuông)? Và lúc đó bố mẹ sẽ là người cung cấp câu trả lời cho trẻ.

  1. Luôn sẵn sàng cung cấp cho trẻ thật nhiều thông tin.

        Cần cung cấp cho trẻ nền kiến thức cơ bản trước khi mong muốn trẻ đặt ra            những câu hỏi để tìm kiếm thông tin mới. Ba mẹ có thể dạy trẻ mọi lúc mọi nơi ở nhiều môi trường khác nhau từ trong nhà cho tới bên ngoài như khi đi ra công viên, siêu thị, khu vui chơi…

Ví dụ: Trẻ cần biết kem là gì? Kem là một loại thực phẩm đông lạnh, thường có vị ngọt, dùng làm món ăn nhẹ hoặc món tráng miệng. Cho trẻ quan sát kem trong các cửa hàng/ siêu thị. Khi có được những kiến thức cơ bản đó thì trẻ sẽ có nhu cầu tìm hiểu thêm các thông tin mới như: Vì sao kem lại được bảo quản trong tủ đông/ tủ đá? Hay: Tại sao ăn kem lại dễ viêm họng?

  1. Cho trẻ trải nghiệm thật nhiều các hoạt động bên ngoài.

     Mỗi một lần trải nghiệm sẽ cung cấp cho trẻ những kiến thức bổ ích về thế giới xung quanh. Vì vậy hãy cho con thời gian để con được cảm nhận, thực hành và ghi nhớ những điều trẻ đã làm. Bố mẹ đừng bao giờ sợ trẻ “ bẩn” mà không cho trẻ tiếp xúc và có những trải nghiệm thật với các hoạt động mà trẻ muốn.

Ví dụ: Cho trẻ gieo hạt xuống đất để trẻ khám phá quá trình nảy mầm của hạt.

Cho trẻ trải nghiệm việc nhặt rác ngoài công viên để trẻ học cách bảo vệ môi trường.

  1. Thực hiện thật nhiều các hoạt động khám phá khoa học tại gia đình.

Bất kể đứa trẻ nào dù là trẻ “ thờ ơ”  hay  “ thụ động” cũng đều tỏ ra hào hứng trước mỗi hoạt động khám phá khoa học bởi nó khơi dậy tính ham học hỏi, khám phá ở trẻ. Trong quá trình học trải nghiệm các giác quan của trẻ cũng phát triển bởi trẻ học thông qua đa giác quan. Việc trẻ tự khám phá cũng sẽ giúp trẻ ghi nhớ được lâu hơn bên cạnh đó cũng giúp phát triển tính kiên nhẫn ở trẻ.

  Ví dụ một số hoạt động khám phá khoa học bố mẹ có thể làm như: “ Sự đổi màu của nước” ; “ Vật chìm- vật nổi”, “ Thấm nước hay không thấm nước”, “ Núi lửa phun trào”; …

  1. Hãy sử dụng mọi giọng điệu để mọi thứ trở nên hấp dẫn hơn.

    Tại sao có khi cùng một hoạt động mà với người này trẻ chú ý quan sát còn với người khác trẻ lại tỏ ra thờ ơ? Nó nằm ở cách thức tổ chức và một yếu tố cũng rất quan trọng để thu hút được trẻ chính là giọng nói. Nếu cứ giọng đều đều trong cả một buổi thì đứa trẻ sẽ cảm thấy chẳng có gì thu hút cả. Nhưng nếu thỉnh thoảng bố mẹ cường điệu/ nhấn nhá giọng nói một chút thì đảm bảo trẻ sẽ cảm thấy hứng thú vô cùng. Khi trẻ có sự chú ý thì trẻ sẽ ghi nhớ/ tiếp thu được nhiều thông tin hơn từ đó trẻ có mong muốn khám phá thêm những tri thức mới.

  1. Hãy khuyến thích trẻ hỏi thật nhiều

 Có được câu trả lời cho các câu hỏi của mình là cách để trẻ cảm thấy thoả mãn trí tò mò.  Bố mẹ sẽ là người dẫn dắt để khơi gợi những câu hỏi mang tính chất tư duy từ phía trẻ như “ Vì sao?” hay “ Khi nào?” lại như thế? Tuy nhiên trẻ cũng nên được động viên để tự tìm câu trả lời cho các thắc mắc của mình. Điều này giúp trẻ thêm lòng tự tin và nâng cao hiểu biết về mọi thứ xung quanh.

Contact Me on Zalo
0912 218 692