DẠY TRẺ BIẾT YÊU CẦU

A. Khái quát về “yêu cầu”
Hình thức ngôn ngữ đầu tiên mà ta chọn dạy cho trẻ chưa nói chính là yêu cầu. Bằng cách cho người khác biết mình muốn gì, trẻ có thể đạt được điều mà mình muốn. Chính yêu cầu là yêu tố khích lệ cho trẻ giao tiếp với những người xung quanh. Trẻ sơ sinh, khi chưa biết nói, đã biết khóc để lôi kéo sự chú ý của mẹ, để được ôm ấp, được cho ăn. Có thể coi tiếng khóc của trẻ sơ sinh là hình thức sơ khai nhất của yêu cầu. Trẻ phát triển bình thường, vào khoảng 12 tháng, đã biết dùng những từ ngữ đơn giản để đòi hỏi cái mà bé muốn (măm măm, ô tô…). Yêu cầu là hình thức ngôn ngữ duy nhất ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của trẻ. Qua việc yêu cầu, trẻ biết được sức mạnh của ngôn ngữ và có đuợc động lực để tiếp thu ngôn ngữ tốt hơn
Có một số cách giúp trẻ học yêu cầu được nhanh chóng. Đầu tiên là dùng phần thưởng hấp dẫn như đồ ăn, thức uống, đồ chơi. Tuy nhiên, do không có trẻ nào lại giống với trẻ nào, ta cần tìm hiểu kỹ sở thích của từng trẻ trong từng thời điểm. Vì vậy, vấn để kế tiếp được đặt ra là yêu cầu phải được thực hiện khi trẻ có mong muốn cao nhất đối với vật yêu thích. Ví dụ: nếu con bạn muốn nghe nhạc vào bữa ăn sáng, bạn nên chọn thời điểm này để dạy bé yêu cầu nhạc. Thêm vào đó, ta cần phải dùng nhiều hình thức giúp đỡ trẻ như dùng cử chỉ, lời nói.
Để bắt đầu một chương trình huấn luyện ngôn ngữ, ta cần đánh giá khả năng của trẻ. Nếu trẻ không thể lập lại một từ hoặc âm gần đúng của từ đó khi nghe người khác nói thì ta không thể lập tức dạy trẻ ngôn ngữ nói được. Nếu như trẻ nói trên có khả năng bắt chước một số hành động., ngôn ngữ dấu hiệu sẽ là hình thức phù hợp nhất lúc này. Ngay cả khi trẻ chưa bắt chước được hành động, ta vẫn có thể chọn ngôn ngữ dấu hiệu vì việc giúp trẻ thực hiện động tác sẽ dễ dàng hơn rất nhiều so với việc giúp trẻ phát âm.
Nếu như con bạn yếu về cả hai kỹ năng phát âm và vận động thì hệ thống hình ảnh sẽ là phù hợp nhất. Để dạy trẻ giao tiếp bằng hình ảnh, ta có hẳn một chương trình riêng biệt (PECS). Chương trình này sẽ được đề cập tới trong những tài liệu tiếp theo.
B. Dạy yêu cầu đối với những trẻ không bắt chước được lời nói cũng như hành động.
Ta cần dùng những phần thưởng mạnh, đồng thời áp dụng một số hình thức giúp đỡ rồi từ từ giản dần việc giúp đỡ. Ban đầu, ta nên chọn ngôn ngữ dấu hiệu vì việc giúp trẻ thực hiện hành động tương đối để thực hiện.
Bảng 1 : Các vấn đề cần xem xét khi chọn những từ đầu tiên để dạy trẻ yêu cầu.
1. Chọn những từ chỉ về đồ vật, hành động mà trẻ yêu thích, đặc biệt là những từ chỉ về đồ vật, hành động mà người lớn dễ đang nắm quyền kiểm soát và dùng làm phần thưởng được, như là:
– Phần thưởng ăn được.
– Phần thưởng mà trẻ chỉ chơi được một lát là hết (bong bóng xà bông..).
– Phần thưởng mà ta có thể chủ động điều khiển (nhạc, phim…)
– Phần thưởng nhỏ gọn, dễ trao cho trẻ (sách, xe đồ chơi)
– Phần thưởng có thể trao cho trẻ nhiều lần, mỗi lần một chút (kẹo, một ngụm nước trái cây)
– Phần thưởng mà trẻ luôn yêu thích (đồ chơi có tính kích thích, đi dạo)
Có những phần thưởng mà trẻ rất yêu thích nhưng khó dùng để dạy trẻ yêu cầu được như đi dạo bằng xe gắn máy, đi xe đạp, xem phim hoạt họa, ăn kem…. Những phần thưởng này ta vẫn có thể dùng vào những dịp đặc biệt như khi trẻ học tốt hoặc vào cuối buổi học.
2. Chọn những từ quen thuộc đối với trẻ. Đó là những từ mà trẻ đã bắt chước được hoặc đã hiểu ý nghĩa. Ví dụ khi ta nói với trẻ ” Con có muốn đi dạo không?” trẻ liền đi về phía cửa.
3. Đối với trẻ biết phát âm, chọn những từ tương đối dễ và ngắn. Ví dụ như một số âm: aaa, mmm, dadada… sẻ dễ nói đối với trẻ hơn là: ll, rr … .Chúng ta cũng nên chọn từ mà trẻ đã bắt chước được.
4. Đối với những trẻ dùng dấu hiệu, ta nên chọn những từ có tính tượng hình. Có nghĩa là dấu hiệu trông giống như hành động hoặc đồ vật mà nó thể hiện. Ví dụ : dấu hiệu “ăn” thì giống như đưa đồ ăn vô miệng, còn sách thì giống như ta đang mở cuốn sách.
5. Chọn những từ gần gũi với trẻ, thể hiện hành động hoặc đồ vật quen thuộc. Đó là những hành động, đồ vật mà trẻ thường xuyên tiếp xúc mổi ngày. Tốt nhất là chọn những hành động hoặc đồ vật mà tên gọi không thay đổi khi các đặc điểm bên ngoài có biểu hiện khác nhau. Mặc khác, mọi người tiếp xúc với trẻ phải dùng chung một tên gọi. Ví dụ: như “Trái banh”, màu xanh, màu đỏ, lớn, nhỏ đều là trái banh và một khi đã gọi là “Trái banh” thì không nên lúc là “Trái banh” lúc là “quả bóng”.
6. Chọn các từ nhiều chủng loại khác nhau. Ví dụ: như không nên chọn toàn bộ đồ ăn, vì nếu trẻ không đói thì khó mà dạy trẻ yêu cầu. Ta có thể chọn bánh – ô tô – TV để tuỳ hoàn cảnh mà dạy trẻ.
7. Tránh chọn những từ hoặc dấu hiệu trông có vẻ giống nhau. Trẻ sẽ khó phân biệt lúc nào thì dùng từ (dấu hiệu nào). Ví dụ: trẻ sẻ khó phân biệt từ “bánh” và “banh” hoặc dấu hiệu “ăn” và “uống”.
8. Tránh những từ chỉ hành động, đồ vật mà trẻ ghét (đi ngủ, giường, toilet)
B.1 Giúp trẻ học ra dấu
Cần phải giúp trẻ bằng hành động (nắm tay trẻ….). Cách giúp đỡ này có hiệu quả vì ban đầu trẻ bắt chước chưa giỏi, cũng chưa hiểu lời nói nhiều. Trẻ được giúp đỡ sẽ lập tức đạt được cái mà bé muốn. Ban đầu ta nên chọn lúc trẻ có nhu cầu cao nhất về vật yêu thích, đồng thời ta cần chọn các dấu hiệu tương đối dễ thực hiện và có tính tượng hình. Ta cũng cần thận trọng đối với những trẻ nhạy cảm về xúc giác vì tiếp xúc quá mức có thể tạo ra cảm giác khó chịu cho trẻ. Một khi trẻ đã có thể yêu cầu, ta nên nhanh chóng giảm dần việc giúp đỡ đến mức tối thiểu, càng nhanh càng tốt.
Ví dụ: Khi muốn dạy trẻ dấu hiệu “ăn” ta cần thực hiện trong bối cảnh sau:
– Trẻ đang đói (nhu cầu cao với thức ăn)
– Thức ăn trước mặt
– Ta hỏi con muốn gì đồng thời ra dấu “ăn”
– Cầm tay trẻ đưa lên miệng trẻ (có thể nhờ người thứ hai làm việc này trong khi người thứ nhất ra dấu)
– Khen trẻ “giỏi lắm” đồng thời đưa trẻ thức ăn mà trẻ muốn
B.2 Giảm dần sự giúp đỡ.
Khi đứa trẻ đã thực hiện được yêu cầu ta làm theo trình tự các bước sau (khi trẻ đói và thức ăn trước mặt):
B.2.1 Giảm một phần hành động giúp đỡ. Thay vì cầm tay trẻ đưa lên miệng, ta chỉ đụng vào tay trẻ.
B.2.2 Bỏ luôn hành động giúp đỡ, chỉ ra dấu cho trẻ bắt chước
B.2.3 Bỏ việc ra dấu cho trẻ bắt chước, chỉ dùng lời để gợi ý trẻ (con muốn gì?)
B.2.4 Đưa thức ăn đi chỗ khác, dùng lời để gợi ý trẻ (con muốn gì?)
Một khi trẻ đã ra dấu được mà không cần sự giúp đỡ bằng hành động nữa, ta bắt đầu thêm vào dấu hiệu thứ hai. Dấu hiệu thứ hai này phải trông hoàn toàn khác dấu hiệu thứ nhất (tham khảo bảng 1). Ta cần dạy xen kẽ các dấu hiệu trẻ đã học chứ không nên khi dạy cái mới thì bỏ quên cái cũ. Cách thức dạy dấu hiệu mới cũng giống hệt như khi dạy dấu hiệu đầu tiên.
C. Dạy yêu cầu đối với trẻ biết bắt chước cử động.
C.1 Giúp trẻ học ra dấu
Bắt đầu tương tự như phần 1, nhưng ta không cần hướng dẫn trẻ toàn phần bằng cách nắm tay mà chỉ ra dấu cho trẻ bắt chước. Cách thức thực hiện như sau:
– Trẻ đói , thức ăn trước mặt.
– Hỏi trẻ ” Con muốn gì ?”
– Ra dấu “ăn” đồng thời nói “ăn”
– Trẻ bắt chước.
– Khen trẻ và đưa đồ ăn cho trẻ.
C.2 Giảm dần sự giúp đỡ
Dần dần ta bỏ ra dấu, chỉ nói với trẻ “ăn” trẻ sẻ tự ra dấu. Sau đó ta chỉ gợi ý cho trẻ
“Con muốn gì ?” và làm tương tự như phần 1.
D. Tăng thêm các dấu hiệu mới và bỏ dần việc giúp đỡ.
Một khi trẻ đã nhuần nhuyễn 2 dấu hiệu đầu tiên và có thể thực hiện mà không cần giúp đỡ, ta nên bắt đầu thêm vào các dấu hiệu khác và giảm sự giúp đỡ dần dần.
Bạn nên tham khảo bảng 1 để biết cách chọn những từ mới.
Xin lưu ý là ta không nên chờ trẻ thực hiện thật hoàn hảo những dấu hiệu đã học trong mọi hoàn cảnh mới dạy trẻ thực hiện dấu hiệu mới. Chúng ta chỉ cần trẻ tự giác thực hiện khi được gợi ý mà không cần làm mẫu hay giúp đỡ là được. Cử chỉ đúng hoặc gần đúng của trẻ đều phải được chấp nhận thì trẻ mới có động lực để học tiếp.
Một điểm cần lưu ý ở đây là những dấu hiệu đầu tiên ta dạy cho trẻ phải liên quan đến những hành động, đồ vật mà trẻ rất yêu thích. Như vậy, việc tăng thêm dấu hiệu mới được thuận lợi. Một lỗi thường mắc phải khi dạy trẻ ra dấu là việc thêm quá nhanh và quá nhiều từ mới (từ đây trở đi ta tạm gọi là dấu hiệu từ). Trẻ sẻ lẫn lộn và dẫn đến việc đoán mò. Người dạy cần kiên nhẫn chờ đợi trong vòng vài tháng và phải tạo nhiều cơ hội cho trẻ yêu cầu để trẻ không quên từ cũ khi ta bắt đầu dạy trẻ từ mới.
Để giúp trẻ nhanh chóng phát triển vốn từ, ta nên tìm cách bỏ câu nhắc “ra dấu ăn” hoặc “ăn” cho trẻ. Ví dụ: Trong hoàn cảnh thích hợp (trẻ đói, đồ ăn ở trước mặt) ta hỏi trẻ “con muốn gì” và đợi vài giây. Nếu trong vòng 5-10 giây mà trẻ không có câu trả lời, ta nhắc trẻ “ăn” và thưởng cho trẻ nếu trẻ đáp ứng. Lập lại bài học trong vòng vài giây và tiếp tục chờ. Thông thường sau một vài lần như vậy, trẻ sẻ bắt đầu trả lời trước khi ta nhắc nhở. Khi trẻ làm tốt như vậy, ta nên cho trẻ phần thưởng nhiều hơn bình thường.
E. Dạy trẻ nhiều từ mới
Trong giai đoạn đầu, số lượng từ dạy trẻ không nên quá 5-10 từ. Cho đến khi nào trẻ đã hoàn toàn chủ động trong việc yêu cầu với số lượng từ này thì ta mới phát triển vốn từ thêm lên. Quá nhiều từ mới sẽ làm trẻ dễ dàng quên đi từ đã học. Mỗi từ mới phải được dạy độc lập, từ này nhuần nhuyễn mới tới từ kia.
. Giúp trẻ yêu cầu mà không có đồ vật trước mặt
Người dạy cần giấu đồ vật mà trẻ muốn (ví dụ như bánh) rồi hỏi “con muốn gì?”, Nếu chờ 5 giây mà trẻ chưa trả lời, ta mới đưa bánh ra trước mặt trẻ. Vì lúc này trẻ đã rất rành về việc ra hiệu “bánh”, trẻ sẻ trả lời nhanh chóng. Lập lại bài học nhiều lần. Cũng như ở phần (3), sau một vài lần thử như vậy, trẻ sẽ bắt đầu có câu trả lời trước khi ta đưa “bánh” ra trước mặt trẻ.
G. Dạy yêu cầu với trẻ có khả năng bắt chước phát âm.
Ngôn ngữ nói là mục tiêu cao nhất mà chúng ta mong muốn. Do đó, nếu trẻ có khả năng bắt chước một vài từ, ta nên cố gắng dạy trẻ dùng lời nói để yêu cầu. Đối với những trẻ mà cả hai khả năng phát âm và bắt chước đều tốt, ta có thể kết hợp dạy trẻ yêu cầu bằng lời nói và cử chỉ. Phương thức dạy trẻ yêu cầu bằng lời cũng tương tự như dạy trẻ yêu cầu bằng dấu hiệu. Tuy vậy, mức độ giúp đỡ bằng lời sẽ ít hơn giúp bằng cử chỉ.
Nguyên tắc dạy trẻ yêu cầu bằng lời nói:
Từ đầu tiên ta dạy trẻ nói phải là từ chỉ đồ vật hoặc hành động mà trẻ yêu thích.
Thời điểm thích hợp để dạy trẻ là khi trẻ có nhu cầu cao nhất.
Từ mà ta chọn dạy phải là từ mà trẻ có khả năng bắt chước đúng hoặc gần đúng. Ví dụ như khi trẻ biết bắt chước nói “ba”, ta hoàn toàn có thể dạy trẻ yêu cầu “banh”.
Trình tự dạy trẻ yêu cầu bằng lời:
– Trẻ đói, thức ăn trước mặt.
– Ta hỏi trẻ “con muốn gì?”.
– Nhắc trẻ “Nói ăn” hoặc “Ăn”.
– Trẻ lập lại “ăn”.
– Xoa đầu trẻ hoặc khen trẻ “con giỏi lắm”, đồng thời đưa đồ ăn cho trẻ.
Khi trẻ bắt chước thành công, ta nên dần dần loại bỏ việc nhắc nhở ăn mà chỉ hỏi “con muốn gì?”. Cách thức thực hiện cũng giống như ngôn ngữ dấu hiệu. Quá trình thực hiện như sau:
– Trẻ đói, thức ăn trước mặt.
– Ta hỏi trẻ “con muốn gì?”.
– Trẻ trả lời “ăn”.
– Xoa đầu trẻ hoặc khen trẻ “con giỏi lắm”, đồng thời đưa đồ ăn cho trẻ.
Trong trường hợp trẻ không lập lại được khi đã được nhắc nhở, ta nên tiến hành lại từ đầu một lần nữa. Nếu trẻ vẫn không đáp ứng, ta nên chọn một loại thức ăn khác hoặc chọn một thời điểm khác thích hợp hơn để thử.
Nếu trẻ vẫn tiếp tục không đáp ứng thì ta nên xem xét lại thái độ hợp tác của trẻ. Từ đó ta áp dụng một số biện pháp để làm cho trẻ hợp tác tốt hơn hoặc chuyển sang dạy ngôn ngữ dấu hiệu, vốn dĩ dễ dàng hơn cho ta trong việc giúp trẻ trong giai đoạn đầu (với điều kiện là trẻ phải biết bắt chước hanh động mẫu của ta).
Tiến trình dạy trẻ từ thứ hai và các từ kế tiếp cũng tương tự như đối với ngôn ngữ dấu hiệu. Bước cuối cùng trong việc dạy trẻ yêu cầu là bỏ luôn câu hỏi “con muốn gì?”. Lúc này yêu cầu của trẻ được coi là yêu cầu thuần túy. Tuy bước này không quan trọng bằng bước dạy trẻ yêu cầu khi không có sự hiện diện của vật được yêu cầu, ta cũng cần phải thực hiện. Việc thực hiện này nhằm hoàn tất quá trình tự giác yêu cầu của trẻ.
H. Dạy học trong môi trường tự nhiên
Ta cần phải đưa quá trình học của trẻ từ trường lớp ra môi trường tự nhiên. Việc học tiến hành trong sinh hoạt hàng ngày của trẻ sẽ làm tăng khả năng trẻ tiếp thu. Những từ mà ta chọn để dạy trẻ cần đựơc lặp đi lặp lại nhiều lần trong khi trẻ giao tiếp với người khác và trong chính môi trường mà trẻ đang sống. Cha mẹ, thấy cô, bạn bè, đều có thể là người dạy trẻ và tất cả cần áp dụng chung một cách thức tiếp cận với trẻ. Hơn nữa, trẻ cần phải sử dụng ngôn ngữ trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Trẻ cũng cần phải giao tiếp với nhiều người khác nhau. Nếu trẻ chỉ học ở trường lớp và chỉ giao tiếp với giáo viên, việc tiếp thu ngôn ngữ sẽ rất chậm. Ngoài ra, cha mẹ và người chăm sóc trẻ cũng cần học cách ra dấu, ít nhất là học hết tất cả các dấu hiệu mà trẻ đã học để có thể giao tiếp với trẻ hàng ngày.
I. Sự cần thiết của môi trường ngôn ngữ.
Việc dạy một trẻ chưa nói tiếp cận với ngôn ngữ quả là rất khó. Để gia tăng khả năng thành công của trẻ, ta cần lưu ý tới một số vấn đề. Môi trường ngôn ngữ chính là một trong những vấn để quan trọng đó. Con bạn sẽ tiến bộ nhanh hơn nếu bạn tạo cho bé một môi trường ngôn ngữ. Các yếu tố cấu thành môi trường loại này khá phức tạp và bao gồm rất nhiều phương diện khác nhau
Bước đầu tiên, đứa trẻ phải là trung tâm của việc giảng dạy và ngôn ngữ phải xuyên suốt các hoạt động hàng ngày của trẻ như tự phục vụ, chơi bời, giải trí, các bài học về hành động…- Hơn nữa, trẻ phải được thực tập rất nhiều, suốt ngày, với nhiều loại đồ vật khác nhau, trong tất cả những tình huống thuận lợi mà trẻ có thể học hỏi. Người hướng dẫn trẻ nên tập trung nắm bắt các cơ hội mà trẻ có thể sử dụng ngôn ngữ để giao tiếp. Mặt khác, trẻ sẽ tiếp thu ngôn ngữ nhanh chóng hơn nếu tất cả những người tiếp xúc với trẻ hàng ngày được huấn luyện kỹ năng dạy ngôn ngữ cho trẻ. Quan trọng hơn nữa, tất cả mọi người cần được hướng dẫn khi nào và làm thế nào để thưởng hoặc khen ngợi trẻ, mức độ đáp ứng gần đúng nào của trẻ thì có thể chấp nhận được, mức độ giúp đỡ nào là cần thiết và làm thế nào để giảm thiểu sự giúp đỡ. Ngoài ra, ta phải thống nhất cách thức hướng dẫn trẻ đối với toàn bộ giáo viên, trong toàn bộ các hoàn cảnh cũng như cần tạo điều kiện cho trẻ phát huy những cái đã học. Ta cũng cần chuẩn bị một kế hoạch giảng dạy (hoặc là chương trình giảng dạy) một cách có hệ thống để từng bước nâng cao khá năng ngôn ngữ cho trẻ. Ta cũng cần thu thập dữ liệu để theo dõi sự tiến bộ của trẻ.
Bảng 2: Các yếu tố của một môi trường ngôn ngữ
1. Ngôn ngữ phải được coi là yếu tố chính của việc giảng dạy
2. Ngôn ngữ phải được dạy xuyên suốt các hoạt động của trẻ (tự chăm sóc bản thân, chơi bời, giải trí, phát triển vận động…)
3. Cần phải thực tập liên tục với nhiều đồ vật, hành động trong tất cả các tình huống thuận lợi mà ta có được.
4. Cần phải hướng dẫn cho toàn bộ giáo viên và các thành viên trong gia đình cách thức dạy ngôn ngữ cho trẻ.
5. Người dạy trẻ cần phải biết khi nào và làm thế nào để thưởng cho trẻ cũng như làm cách nào để giảm dần các phần thưởng do ta xếp đặt sẵn, tiến tới dùng các phần thưởng tự nhiên, phù hợp với lứa tuổi.
6. Người dạy trẻ cần phải biết ở mức độ nào thì việc đáp ứng gần đúng của trẻ được chấp nhận cũng như làm cách nào để giúp trẻ đáp ứng tốt hơn.
7. Người dạy trẻ cần phải biết mức độ giúp đỡ nào thì thích hợp cho trẻ và làm thế nào để giảm thiểu việc giúp đỡ nhanh chóng nhất.
8. Người dạy trẻ phải đảm bảo tính đồng nhất trong suốt quá trình giảng dạy.
9. Người dạy trẻ phải biết tận dụng tất cả các cơ hội để giúp trẻ giao tiếp bằng lời.
10. Bạn phải dạy trẻ tất cả các yếu tố ngôn ngữ có liên quan, như là việc tiếp thu ngôn ngữ, việc diễn đạt bằng ngôn ngữ, kỹ năng yêu cầu, khả năng gọi tên sự vật xung quanh, kỹ năng trò chuyện….Sự đa dạng của các loại hình ngôn ngữ mà ta dạy trẻ đóng vai trò quan trọng hơn là số lượng các buổi học.
11. Bạn cần tạo cơ hội thường xuyên cho trẻ phát huy các kỹ năng đã học.
12. Bạn phải thiết lập một kế hoạch (chương trình) học để nâng cao khả năng ngôn ngữ của trẻ một cách có hệ thống.
13. Kế hoạch giảng dạy phải xuyên suốt tất cả các sinh hoạt hàng ngày.
14. Bạn cần ghi chép các số liệu liên quan đến quá trình học của trẻ.
K. Thời điểm nào là thích hợp để dạy ngôn ngữ cho trẻ.
Một trẻ 3 tuổi bình thường sẽ nói khoảng 20 ngàn từ mỗi ngày. Chính nhờ thực tập thường xuyên như vậy mà ngôn ngữ của trẻ được phát triển. Những trẻ yên lặng thường là trẻ chậm nói. Đa phần trẻ chậm phát triển ngôn ngữ được huấn luyện về ngôn ngữ quá ít. Thay vào đó, người ta chú trọng tới khả năng tự phục vụ, kỹ năng vận động. Để theo kịp tốc độ thực tập của trẻ bình thường, ta cần phải tăng cường số lượng các buổi học ngôn ngữ. Các buổi học ngôn ngữ do vậy chính là yếu tố quan trọng nhất của quá trình can thiệp và phải được tiến hành bất cứ khi nào có cơ hội. Con bạn có thể cần đến hàng ngàn lần thực tập như vậy trước khi bé có thể chủ động giao tiếp. Việc giảng dạy cần đa dạng và tất cả các thành viên có tiếp xúc với trẻ đều phải tham gia vào quá trình này. Cơ hội để dạy trẻ có thề là ngẫu nhiên, và do các cơ hội ngẫu nhiên này xảy ra không thường xuyên, bạn cần tạo thêm cơ hội bằng các buổi học. Lovaas (cha đẻ của trường phái ABA) đã nói rằng những yếu tố quan trọng nhất có tính quyết định đến sự tiến bộ của trẻ là “can thiệp sớm” và “thực tập rất rất nhiều mỗi ngày”.
L. Bạn có thể bắt trẻ làm tới đâu
Đối với trẻ khuyết tật, phát triển ngôn ngữ là một quá trình rất khó khăn. Ta cần đảm bảo số lần trẻ trả lời đúng phải cao hơn rất nhiều so với số lần trẻ trả lời sai. Ngoài ra ta phải làm cho quá trình học thật vui, thật lôi cuốn. Nếu như trẻ có ý trốn tránh hoặc chán nản, điều đó có nghĩa là buổi học không vui và không mang lại lợi ích cho trẻ. Ta cần chú ý các dấu hiệu tiêu cực của trẻ để ngăn chặn kịp thời. Mặt khác, cố gắng xen kẽ các bài học dễ hơn (hoặc để kiểm soát hơn) như bắt chước, nhận biết tên đồ vật…và luôn dừng bài học khi trẻ có câu trả lời đúng và thái độ tốt. Tuyệt đối không nên dừng bài học khi trẻ trả lời sai hoặc có hành vì xấu. Nếu làm như vậy, vô tình ta đã thưởng cho hành động xấu của trẻ. Trẻ có ý thức là khi hành động xấu như vậy, trẻ sẽ thoát khỏi buổi học không mong muốn. Từ đó trở đi, trẻ có xu hướng hành động xấu để khỏi phải học. Một yếu tố quan trọng nữa khi làm việc với trẻ chưa nói là làm thế nào đạt được câu trả lời tốt nhất với sự giúp đỡ ít nhất.
Nguồn : Siu tầm
Contact Me on Zalo
0912 218 692