GIAO TIẾP TÍCH CỰC VỚI TRẺ PHẦN 1/4: NHỮNG LỖI GIAO TIẾP TIÊU CỰC MÀ CHA MẸ CẦN TRÁNH !!!

Để thay đổi hành vi của con, Cha Mẹ cần có một mối quan hệ tốt với trẻ. Việc xây dựng một mối quan hệ tốt không bắt đầu từ trẻ mà nó bắt đầu từ chính bản thân của Cha Mẹ.
Thật không may, nhiều bậc cha mẹ không biết là họ sử dụng các hình thức giao tiếp tiêu cực với con cái của họ nhiều như thế nào. Hậu quả là họ có thể đang gieo mầm mống cho sự nghi ngờ và làm giảm lòng tự trọng trong con trẻ. Thế nên, điều quan trọng là cha mẹ phải chú ý NHẬN THỨC và SỬA CHỮA bất kỳ hình thức giao tiếp tiêu cực nào mà họ có thể đang sử dụng với con mình.
Dưới đây là danh sách các ví dụ về các phương pháp giao tiếp TIÊU CỰC. Cha mẹ nên xem qua danh sách này và xác định bất kỳ mẫu giao tiếp tiêu cực nào có vẻ quen thuộc với chính mình. Sau khi xác định các chỗ có vấn đề, cha mẹ có thể bắt đầu THỰC HÀNH VIỆC THAY ĐỔI. Hãy nhớ rằng danh sách dưới đây không chứa mọi ví dụ có thể có về giao tiếp tiêu cực. Có lẽ có rất nhiều thứ có thể được coi là giao tiếp tiêu cực không có trong danh sách dưới đây.
1. Cằn nhằn và “lên lớp”
Cằn nhằn là khi Cha Mẹ lặp lại điều gì đó đã được nói. “Lên lớp” là khi Cha Mẹ cung cấp nhiều thông tin hơn mức cần thiết mà không ngừng lại để lắng nghe ý kiến hoặc suy nghĩ của con trẻ. Cha Mẹ có thể tránh việc cằn nhằn và “lên lớp” bằng cách nói chuyện ngắn gọn với trẻ. Cha Mẹ cũng nên nhớ rằng khi đã nói với con điều gì một lần thì không cần nói lại nữa. Thay vì cằn nhằn, Cha Mẹ nên sử dụng một hành động hệ quả (ví dụ: phạt đứng một mình – “Time out”) khi con cái họ không làm một việc mà chúng đã được yêu cầu. Cằn nhằn và “lên lớp” khiến trẻ không lắng nghe hoặc trở nên phòng vệ hay khó chịu.
2. Ngắt lời trẻ.
Khi giao tiếp, Cha Mẹ nên cho trẻ cơ hội nói hết những gì trẻ đang nói trước khi đến lượt mình. Đây là phép lịch sự thông thường trong giao tiếp. Những trẻ cảm thấy rằng chúng không thể nói một lời nào có thể sẽ ngưng hoàn toàn việc giao tiếp với Cha Mẹ của chúng.
3. Chỉ trích.
Cha Mẹ nên tránh chỉ trích chính bản thân trẻ hoặc những suy nghĩ, cảm xúc, ý tưởng của con. Trẻ em thường coi những lời chỉ trích như vậy là sự tấn công trực tiếp, và kết quả là có thể hạ thấp lòng tự trọng của chúng. Khi cần thiết, cha mẹ chỉ nên phê bình HÀNH VI, hoặc những gì trẻ đã làm mà KHÔNG phải chính bản thân trẻ.
4. Nhắc lại chuyện đã qua.
Một khi vấn đề hoặc xung đột đã được giải quyết, cha mẹ KHÔNG nên đề cập đến vấn đề đó nữa. Trẻ em nên được cho cơ hội bắt đầu lại. Những bậc Cha Mẹ thường xuyên kể lại những lỗi lầm trong quá khứ của con trẻ nghĩa là họ đang dạy con trẻ phải giữ mối hận trong một thời gian dài. Ngoài ra, trẻ em cần biết rằng một khi vấn đề đã được giải quyết thì nó sẽ được ổn thỏa.
5. Cố gắng kiểm soát trẻ thông qua việc lợi dụng cảm giác tội lỗi.
Điều này liên quan đến việc cố gắng làm cho trẻ em cảm thấy tội lỗi vì những suy nghĩ, cảm xúc và/hoặc hành động của trẻ. Cha Mẹ sử dụng cảm giác tội lỗi để kiểm soát con trẻ có thể gây tổn hại lớn đến mối quan hệ của họ với trẻ.
6. Dùng lời lẽ châm biếm.
Cha mẹ sử dụng cách nói mỉa mai khi họ nói những điều mà thực sự họ không nghĩ vậy và có ngụ ý ngược lại những gì đang nói thông qua giọng nói của mình. Ví dụ là cha mẹ nói “Ồ, con kĩ tính quá nhỉ” khi trẻ làm hư hay vỡ một thứ gì đó. Việc sử dụng những lời lẽ châm biếm làm tổn thương trẻ em. Việc châm biếm KHÔNG BAO GIỜ là một công cụ hữu ích cho các bậc Cha Mẹ đang cố gắng giao tiếp hiệu quả với con trẻ.
7. Giải quyết vấn đề giúp trẻ
Điều này xảy ra khi cha mẹ nhảy vào và nói với con cái họ nên làm mọi việc như thế nào, thay vì để chúng tự đưa ra giải pháp cho vấn đề. Cha Mẹ nói với con cách giải quyết vấn đề của chúng có thể khiến trẻ tin rằng chúng KHÔNG KIỂM SOÁT được cuộc sống của chính mình. Những đứa trẻ như vậy có thể tin rằng Cha Mẹ chúng không tin tưởng chúng. Hoặc, chúng có thể bực bội khi được yêu cầu phải làm gì và kết quả là chống lại sự chỉ đạo của Cha Mẹ.
8. Hạ thấp trẻ.
Sự hạ thấp có thể xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như chế giễu, phán xét, đổ lỗi, v.v… Việc dìm trẻ xuống gây bất lợi cho việc giao tiếp hiệu quả. Sự hạ thấp có thể gây tổn hại đến lòng tự trọng của trẻ. Những đứa trẻ bị Cha Mẹ coi thường sẽ cảm thấy bị chối bỏ, không được yêu thương và thiếu thốn.
9. Sử dụng sự đe dọa.
Những lời đe dọa hiếm khi có hiệu quả. Chúng thường khiến trẻ cảm thấy bất lực và oán hận Cha Mẹ.
10. Nói dối với trẻ
Dù có thế nào đi chăng nữa, chẳng hạn như việc phải nói dối về những chủ đề không thoải mái như tình dục, Cha Mẹ không nên làm như vậy dù bạn có muốn. Cha Mẹ nên cố gắng cởi mở và trung thực với con cái của họ. Điều này sẽ khuyến khích trẻ cởi mở và trung thực với Cha Mẹ. Ngoài ra, trẻ em rất nhạy bén. Chúng thường rất giỏi trong việc cảm nhận khi Cha Mẹ không hoàn toàn trung thực với chúng. Điều này có thể dẫn đến cảm giác không tin tưởng ở trẻ.
11. Phủ nhận cảm xúc của con cái.
Khi con cái nói với Cha Mẹ cảm giác của chúng, Cha Mẹ không nên coi nhẹ những cảm xúc này. Ví dụ, nếu một bậc Cha Mẹ cảm thấy con mình không nên buồn vì thua một trận bóng, thì Cha Mẹ không nên nói thẳng ra như vậy. Thay vào đó, Cha Mẹ nên nói điều gì đó để ủng hộ, chẳng hạn, “Cha/Mẹ biết con thực sự muốn chiến thắng. Đôi khi con sẽ cảm thấy khó chịu khi mình thua ha”.
Với trẻ nhỏ, điều này có thể được thực hiện bằng cách sử dụng những từ đơn giản, cụ thể. Trẻ em cần cảm thấy cảm xúc của mình được Cha Mẹ chấp nhận. Cha Mẹ cần thể hiện sự hiểu biết con mình khi nói đến cảm xúc của chúng. Nếu không, trẻ sẽ cảm thấy bị Cha Mẹ hiểu lầm.
Giao tiếp cởi mở và hiệu quả cần rất nhiều CÔNG SỨC và LUYỆN TẬP CHĂM CHỈ. Cha Mẹ nên nhớ rằng không ai là hoàn hảo cả. Ai cũng có những sai lầm. Điều quan trọng là cha mẹ phải nỗ lực để giao tiếp hiệu quả với con cái của họ, bắt đầu từ khi con họ còn rất nhỏ. Kết quả là Cha Mẹ sẽ tạo được một mối quan hệ tích cực và gần gũi hơn giữa cha mẹ và con trẻ.
Lược dịch từ tài liệu của Kristin & Nicholas Long, Khoa Nhi, đại học Arkansas
Contact Me on Zalo
0912 218 692