Thoạt nghe cái tên PHÁT TRIỂN PHỐI HỢP VẬN ĐỘNG tưởng chỉ cần đối với những trẻ trông phối hợp lóng ngóng vụng về, nhưng tác động của những bài tập này sâu hơn rất nhiều, tác động trực tiếp đối với những trẻ có vấn đề về rối loạn xử lý cảm giác, đặc biệt là cảm giác về bản thể.
Cảm giác về bản thể (hay gọi là cảm thụ bản thể) là cảm giác biết về chính cơ thể mình (biết bộ phận nào ở đâu mà không cần nhìn) để từ đó có thể điều khiển các hoạt động, điều khiển các động tác phối hợp. Gần như các trẻ mình đã gặp đều thiếu cảm giác bản thể, biểu hiện rất đa dạng: cảm giác mót vệ sinh chưa rõ ràng, chưa nhận thức được nguy hiểm, đi lại hay va vấp, ra không gian rộng mất kiểm soát, lăng xăng/chuyển động nhiều, có những biểu hiện tìm kiếm cảm giác bằng ôm/sờ/chạm các bộ phận cơ thể (khác nhau tùy từng trẻ), khó bắt chước các động tác tay chân, trông lóng ngóng vụng về, tư thế người không ổn định (liên tục thay đổi vị trí/tư thế, ngồi thõng thượt…)… Cảm giác bản thể thiếu dẫn đến nhận biết các bộ phận cơ thể không tốt, dẫn đến việc điều khiển các bộ phận này không khéo, được gọi là Rối loạn Phối hợp Vận động (1 trong 2 loại rối loạn thuộc Rối loạn Vận động dựa trên Cảm giác theo mô hình của Miller).
Cái tên Phát triển Phối hợp Vận động được mình tạm dịch ra từ nội dung của Archetype. Archetype có nghĩa là các mô hình vận động mẫu, rất cơ bản, mà con người ai cũng phải trải qua từ lúc sơ sinh, bao gồm: Co duỗi toàn thân, Xoay người, Duỗi thẳng trục thân, Co duỗi bên cạnh, Cùng chi, Cùng bên, Chéo bên. Các mô hình này làm nền tảng cho các vận động phức tạp. Ví dụ: để trẻ có thể bật nhảy 2 chân thì cần Co duỗi toàn thân, Duỗi thẳng trục thân và phối hợp Cùng chi. Nếu gặp khó khăn với 1 hoặc cả 3 nền tảng này thì trẻ sẽ rất khó khăn, mất nhiều thời gian để học bật nhảy 2 chân cùng lúc.
Đặc biệt 4 mẫu nền tảng đầu tiên là những vận động liên quan trực tiếp đến phần thân người, giúp cảm giác và phát triển các cơ lưng, bụng, đem lại cảm giác nhận biết về cơ thể mình, phát triển cảm giác bản thể, góp phần lớn cho việc ổn định cơ thể (phụ thuộc tiền đình, xúc giác và cảm thụ bản thể), cho kiểm soát tư thế (phụ thuộc tiền đình và cảm thụ bản thể) và cho việc phối hợp vận động khéo léo (phụ thuộc cảm thụ bản thể).
Những trẻ có cảm giác mót vệ sinh chưa rõ ràng thì càng cần những mô hình vận động mẫu này vì chúng tác động trực tiếp đến lưng, nơi cảm giác và phản ứng của hoạt động đi vệ sinh.
Vì vậy, mình thậm chí còn đánh giá nội dung Phát triển Phối hợp Vận động còn quan trọng hơn, đóng vai trò nền tảng hơn nội dung Rối loạn Xử lý Cảm giác đối với những trẻ có rối loạn xử lý cảm giác ý...
(hình mình họa tác động trực tiếp – màu đỏ, hoặc gián tiếp – màu xanh của nội dung Phát triển Phối hợp vận động đối với các vấn đề rối loạn xử lý cảm giác theo mô hình của Miller).
Nguồn : Cô Ngọc Phạm