Có rất nhiều bậc phụ huynh cảm thấy lúng túng, bế tắc, áp lực trước hành vi ăn vạ của con. Vậy thì nguyên nhân của hành vi ăn vạ là gì và làm thế nào để quản lý được ăn vạ của trẻ là điều mà rất nhiều phụ huynh quan tâm.
Ăn vạ là hành vi của trẻ khi không được thỏa mãn, đáp ứng nhu cầu. Hành vi ăn vạ được biểu hiện như: Khóc lóc, la hét, giãy giụa, nằm lăn xuống sàn, mè nheo, đánh, cào xé người khác hay tự bứt dứt làm tổn thương mình. Hành vi này sẽ dừng lại nếu như bé được thỏa mãn và đáp ứng.
– Đối với trẻ có nhu cầu đặc biệt thì hành vi ăn vạ có thể diễn ra ở bất kỳ lứa tuổi nào, nhưng đối với trẻ bình thường thì đến một độ tuổi nhất định từ 2-4 tuổi trẻ có nhiều dấu hiệu của hành vi ăn vạ hơn. Nguyên nhân của hành vi ăn vạ có thể là khi bé có nhu cầu, mong muốn hay trốn tránh về một điều gì đó nhưng bố mẹ không cho phép nên tỏ ra khó chịu, hờn dỗi, chống đối.
– Bên cạnh đó, do trẻ có những hạn chế nhất định về khả năng ngôn ngữ, khả năng diễn đạt, trẻ chưa có ngôn ngữ lời nói hay do tốc độ phản ứng của ngôn ngữ so với suy nghĩ và mong muốn cá nhân chưa song hành với nhau nên chưa diễn đạt trôi chảy và trọn vẹn mong muốn của mình tới người khác. Trẻ ăn vạ còn để thu hút sự chú ý và quan tâm nuông chiều từ người khác.
Một số gia đình quá nuông chiều trẻ, hỗ trợ và đáp ứng mọi mong muốn, nhu cầu của trẻ, lâu dần trẻ sẽ ỉ lại và hình thành thói quen. Cũng có thể do các yếu tố về thực thể, y tế khiến bé khó chịu. Ví dụ thời tiết thay đổi khiến cơ thể của bé không được khỏe mạnh, bé đói, khát, buồn ngủ hay khó chịu khi không được thỏa mãn nhu cầu về cảm giác, cảm xúc trong cơ thể. Hay đơn giản là bé chưa đủ khả năng để tự mình giải quyết các tình huống, khó khăn nào đó.
– Để quản lý hành vi ăn vạ của trẻ ta cần xác định được nguyên nhân của hành vi ăn vạ, ta quan sát và xem xét biểu hiện của trẻ ở thời điểm trước, trong và sau khi xuất hiện hành vi để từ đó xác định được nguyên nhân và đưa ra hướng quản lý hành vi ăn vạ phù hợp.
Nếu mục đích hành vi ăn vạ của trẻ nhằm thu hút sự chú ý, quan tâm và nuông chiều từ người khác thường có những biểu hiện:
+ Trẻ sẽ cố tình tạo ra tình huống, một cái cớ nào đó để dẫn đến hành vi ăn vạ.
+ Trẻ sẽ có các hành vi khóc lóc la hét rất to, nằm lăn ra sàn, giãy giụa, cào xé nhưng trẻ biết cách không thực sự gây đau cho mình.
+ Trong quá trình xảy ra hành vi trẻ sẽ lén quan sát xung quanh xem có ai để ý đến hành vi của mình không, nếu có ai đó tỏ ra quan tâm thì trẻ sẽ la hét, giãy giụa nhiều hơn để thu hút sự quan tâm và chú ý của họ.
+ Trẻ sẽ dừng ngay cơn ăn vạ nếu có ai đó chú ý và tỏ rõ thái độ quan tâm, âu yếm trẻ.
+ Hành vi này sẽ được lặp lại ngày càng nhiều và gia tăng nếu được gia đình thường xuyên cũng cố.
Chiến lược quản lý đối với hành vi này là làm ngơ trước những hành vi, đòi hỏi vô cớ của trẻ. Thông thường cha mẹ thường hay tỏ ra lo lắng và yếu lòng trước hành vi của trẻ, do vậy trong trường hợp này nếu cha mẹ chưa thực sự giữ được bình tĩnh và thể hiện cảm xúc thái độ rõ ràng với trẻ thì nên lánh mặt, hoặc chuyển hướng quan tâm sang một ai đó, một hoạt động nào đó.
Khi ánh mắt của trẻ tỏ vẻ cầu cứu tất cả mọi người không được thì trẻ sẽ dừng hành vi ăn vạ và chủ động lại gần, làm lành. Lúc này cha mẹ tiếp nhận và cho trẻ tham gia vào hoạt động chung, coi như chưa có chuyện gì xảy ra. Nếu lúc này sự quan tâm của ba mẹ khiến trẻ tiếp tục nảy sinh hành vi ăn vạ thì ba mẹ lặp lại cách xử lý trên. Để quản lý hành vi ăn vạ nhằm thu hút sự chú ý của trẻ thì gia đình nên thống nhất cách quản lý của tất cả thành viên trong gia đình. Cho trẻ biết quy tắc, giới hạn hành vi như thế nào là được phép và không được phép.
Hành vi ăn vạ với mục đích đòi quà như đồ ăn, đồ uống, đồ chơi hay một nhu cầu nào đó thường có các biểu hiện sau:
+ Hành vi xảy ra khi trẻ nhìn thấy đồ mà trẻ thích như đồ ăn, đồ uống, hay đồ chơi trẻ thích.
+ Trong quá trình xảy ra hành vi trẻ thường xuyên nhìn về phía đồ mà trẻ muốn và hướng ánh mắt đến đối tượng giao tiếp mà trẻ muốn người đó thực hiện.
+ Hành vi sẽ chấm dứt khi trẻ được đáp ứng nhu cầu của mình.
+ Hành vi sẽ leo thang khi không đạt được vật yêu thích.
Cách quản lý đối với hành vi này là xem xét trẻ có thực sự có nhu cầu đói, khát hay không, nếu trẻ có nhu cầu thì cha mẹ nên giúp trẻ bình tĩnh để thể hiện, nói ra nhu cầu của mình bằng hành vi thay thế và đáp ứng nhu cầu cho trẻ. Nếu trẻ không thực sự có nhu cầu về thực thể thì trước khi có hành vi xảy ra cha mẹ nên hạn chế để trẻ nhìn thấy đồ trẻ có khả năng đòi, và thông báo giao hẹn trước với trẻ tránh hành vi ăn vạ xảy ra.
Nếu trong trường hợp ngẫu nhiên, không có sự chuẩn bị và thông báo trước khi trẻ nảy sinh hành vi thì nên ngừng củng cố hành vi đòi quà. Cha mẹ giúp trẻ bình tĩnh và cho trẻ biết vì sao không được, nếu hành vi đòi quà vẫn tiếp tục leo thang thì ngay lập tức cha mẹ tách trẻ khỏi không gian chung có các yêu tố gây hành vi, nói dứt khoát, rõ ràng và ngắn gọn cho trẻ biết vì sao không được. Khi trẻ đã bình tĩnh và hết cơn ăn vạ thì cha mẹ tiếp nhận và cho trẻ tham gia vào hoạt động chung, thưởng quà cho bé nếu bé có biểu hiện hành vi phù hợp.
Hành vi ăn vạ với mục đích trốn tránh nhiệm vụ thường có các biểu hiện sau:
+ Hành vi xảy ra khi đưa ra yêu cầu, bài tập, nhiệm vụ. Trẻ sẽ cố tình ăn vạ nếu yêu cầu và bắt buộc trẻ làm.
Ví dụ: Yêu cầu trẻ nhặt đồ, trẻ sẽ làm ngơ không làm, khi yêu cầu bắt buộc trẻ nhặt thì trẻ sẽ khóc và ăn vạ.
+ Trẻ thường kéo dài, trì hoãn nhiệm vụ:
+ Trẻ từ chối rõ ràng với nhiệm vụ được giao
+ Hành vi sẽ dừng lại ngay khi yêu cầu, bài tập hay nhiệm vụ dừng lại.
Cách xử lý đối với hành vi ăn vạ trốn tránh nhiệm vụ, cha mẹ cần xem xét yêu cầu nhiệm vụ đưa ra cho trẻ có phù hợp với khả năng của trẻ hay không, điều chỉnh yêu cầu phù hợp vừa sức với trẻ, không quá cao và không quá thấp so với khả năng của trẻ. Nên có thông báo trước cho trẻ khi yêu cầu nhiệm vụ nào đó. Sắp xếp môi trường để việc thực hiện yêu cầu được diễn ra dễ dàng thuận lợi.
Trong trường hợp hành vi ăn vạ đã diễn ra và có thể thực hiện trong khả năng của trẻ thì cha mẹ nên bình tĩnh đưa yêu cầu dứt khoát rõ dàng để con thực hiện, nếu con cố tình không thực hiện và hành vi ăn vạ leo thang thì cha mẹ nên kiên quyết, có thể hỗ trợ, rút ngắn thời gian thực hiện để con có thể nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ, không xóa lệnh khi đã đưa ra yêu cầu.
Hành vi ăn vạ do không được thỏa mãn nhu cầu tìm kiếm hoặc trốn tránh cảm giác do những yếu tố liên quan đến rối loạn cảm giác thường có các biểu hiện sau:
+ Hành vi liên quan đến rối loạn cảm giác, cảm xúc được diễn ra thường xuyên, xảy ra mọi lúc, mọi nơi, khi có đối tượng giao tiếp hoặc khi ở một mình thì hành vi vẫn xảy ra. Nếu không được đáp ứng nhu cầu liên quan đến rối loạn cảm giác, cảm xúc thì bé tỏ ra khó chịu bức bối và nảy sinh hành vi ăn vạ.
Do vậy chiến lược quản lý hành vi ăn vạ này là cha mẹ nên thường xuyên matsager để điều hòa cảm giác cho trẻ, tách trẻ khỏi không gian gây cảm giác khó chịu, sử dụng các kích thích về giác quan để kiểm soát cơn giận của trẻ như ngửi dầu thơm, nghe nhạc nhẹ, cho ăn bánh kẹo, đi bộ, nhảy tại chỗ, cầm nước đá, ôm chặt cơ thể trẻ… Những hành vi ăn vạ liên quan đến rối loạn cảm giác để xử lý được cần nhiều thời gian và sự kiên trì.
+ Hành vi ăn vạ do trẻ có những hạn chế nhất định về khả năng ngôn ngữ, khả năng diễn đạt, hay khi con chưa đủ các kỹ năng để giải quyết tình huống nào đó. Cách xử lý là cha mẹ nên giúp con bình tĩnh, hướng dẫn con sử dụng hành vi thay thế, nói ngắn gọn, nói đúng từ trọng tâm hoặc sử dụng cử chỉ điệu bộ để thể hiện nhu cầu, hướng dẫn con cách giải quyết tình huống.
+ Hành vi ăn vạ do các yếu tố về thực thể, y tế. Cách giải quyết là cha mẹ nên tìm hiểu nguyên nhân, đưa con đi khám, đáp ứng nhu cầu của con.
+ Một chiến lược quan trọng trong quản lý hành vi ăn vạ ở trẻ nhỏ nữa đó là cân bằng cảm xúc cho trẻ. Thông thường trẻ ăn vạ – đó là hành vi, điều này nảy sinh khi mong muốn của trẻ không được đáp ứng khiến cảm xúc của trẻ trở nên bực bội, khó chịu. Vậy thay vì cha mẹ dùng hành vi để tương tác với hành vi của trẻ thì cha mẹ có thể sử dụng thái độ, cảm xúc tích cực để tương tác với trẻ.
Cha mẹ hãy đi theo cảm xúc của trẻ, đi xuống tầng thấp nhất của bé, đặt địa vị mình vào đứa trẻ, ôm ấp trẻ, nói với trẻ một cách ân cần và chậm rãi, sử dụng các kích thích về giác quan để kiểm soát cơn giận của trẻ. Khi con đã bình tĩnh thì cha mẹ có thể sử dụng hành vi thay thế, yêu cầu con thể hiện, nói ra điều mà con muốn.
Trên đây là một số chiến lược xử lý hành vi ăn vạ ở trẻ nhỏ giúp cha mẹ bình tĩnh và chủ động hơn trước hành vi ăn vạ của con. Việc trẻ gào khóc, mè nheo, ăn vạ là những biểu hiện bình thường do những khó khăn nhất định trong quá trình phát triển của trẻ. Do vậy cha mẹ cần xác định được nguyên nhân của hành vi ăn vạ và đưa ra cách xử lý kịp thời, hợp lý tránh tình trạng ăn vạ trở thành thói quen của trẻ và ảnh hưởng đến mối quan hệ, tâm lý tình cảm của con sau này. Để xử lý hành vi ăn vạ ở trẻ cha mẹ nên thống nhất cách xử lý hành vi ăn vạ chung ở tất cả các thành viên trong gia đình và ở mọi môi trường để việc kiểm soát quản lý hành vi ăn vạ của con được hiệu quả.
—–
Ths. Phùng Thị Tú
Trung tâm giáo dục chuyên biệt Phúc Tâm An – Thanh Hóa