Chúng ta thường tập trung vào cách trẻ thể hiện bản thân bằng lời nói. Tuy nhiên, một phần rất quan trọng để việc giao tiếp diễn ra tốt đẹp trước khi đứa trẻ nói từ đầu tiên của mình – đó là sự phát triển của cử chỉ.
Một số mốc quan trọng trong sự phát triển của cử chỉ:
Khoảng 10 tháng, trẻ em đã bắt đầu có sự chú ý và chỉ tay vào những đồ vật/con người ở xung quanh: Đầu tiên trẻ em sẽ có xu hướng cầm đồ vật lên, tiếp theo là trẻ đặt đồ vật vào tay người lớn, và sau đó trẻ mới có thể chỉ tay vào đồ vật/con người/ địa điểm mà trẻ muốn bạn chú ý đến.
Khoảng từ 9-13 tháng, trẻ bắt đầu có những cử chỉ mới để yêu cầu đồ vật/ hành động từ phía người lớn bằng cách đặt tay người lớn vào đồ vật đó, kéo tay người lớn về phía đồ vật hoặc muốn người lớn tiếp tục hành động mà trẻ mong muốn.
Trước khi trẻ có thể nói 25 từ đầu tiên, trẻ bắt đầu có những cử chỉ “mang tính biểu tượng”- đại diện cho 1 từ nhất định: ví dụ trẻ làm động tác “thổi” để biểu thị cho từ “bong bóng”, trẻ làm cử chỉ “xin” để biểu thị cho từ “xin”, vẫy tay qua lại để biểu thị cho từ “bye”…Và những cử chỉ mang tính biểu tượng này sẽ khác nhau ở các nền văn hóa khác nhau.
Từ 12-18 tháng trẻ hiếm khi sử dụng đồng thời cả lời nói và cử chỉ
Đến khoảng 18 tháng, trẻ bắt đầu kết hợp cử chỉ với lời nói: Việc kết hợp cử chỉ và lời nói có 2 cách khác nhau: ở giai đoạn đầu, trẻ kết hợp 1 cử chỉ với 1 từ có ý nghĩa nhất định, ví dụ: trẻ chỉ vào con chó và nói “chó”; giai đoạn 2: trẻ kết hợp 1 cử chỉ với 1 từ có ý nghĩa đa dạng hơn, ví dụ cũng là chỉ vào con chó nhưng trẻ sẽ nói “lớn”, khi đến giai đoạn này, dự báo cho một điều trẻ đang bắt đầu có xu hướng kết hợp các từ với nhau.
Bởi vậy, ở mỗi giai đoạn, cử chỉ sẽ phát triển ở những cấp độ khác nhau và đó cũng là biểu hiện cho việc phát triển các cấp độ giao tiếp của trẻ.
Mối liên hệ giữa cử chỉ và sự phát triển lời nói của trẻ
Nhiều cha mẹ lo lắng về việc khuyến khích con sử dụng cử chỉ sẽ cản trở việc phát triển lời nói. Thực tế lại hoàn toàn ngược lại. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, cử chỉ và lời nói có mối liên hệ rất chặt chẽ với nhau. Không chỉ vậy, việc sử dụng cử chỉ sẽ dự đoán khi nào các mốc ngôn ngữ nhất định sẽ xuất hiện. Những đứa trẻ tạo ra nhiều cử chỉ sớm hơn có thể sẽ có vốn từ vựng diễn đạt phong phú hơn trong quá trình phát triển sau này. Một đứa trẻ dùng cử chỉ để chỉ một đồ vật có thể sẽ học được từ để chỉ đồ vật đó trong vòng 3 tháng tới.
Trẻ sẽ kết hợp cử chỉ và lời nói trước khi chúng kết hợp các từ với nhau.
Trẻ có khả năng kết hợp cử chỉ với lời nói với các ý nghĩa khác nhau (như ví dụ trẻ chỉ tay vào chó và nói “lớn”) sẽ có khả năng sử dụng những mẫu câu phức tạp hơn sau này.
Việc sử dụng cử chỉ của trẻ dự đoán khả năng kể chuyện của trẻ sau này.
Trẻ chậm phát triển ngôn ngữ diễn đạt có thể cải thiện khả năng ngôn ngữ khi cha mẹ trẻ sử dụng các cử chỉ và lời nói cùng lúc trong quá trình tương tác với trẻ.