Hỗ trợ trẻ Kiểm Soát Cảm Xúc và Hành Vi
Trẻ tự kỷ thường gặp khó khăn trong việc xử lý thông tin cảm giác và thích nghi với những thay đổi bất ngờ, dẫn đến những cơn bùng nổ về cảm xúc hoặc hành vi bất thường. Điều này có thể gây ra sự căng thẳng và khó khăn cho cả trẻ và gia đình. Tuy nhiên, bằng cách hiểu rõ những thách thức mà trẻ phải đối mặt và áp dụng các phương pháp phù hợp, phụ huynh có thể giúp con mình kiểm soát cảm xúc và hành vi hiệu quả hơn.
XÂY DỰNG LỊCH TRÌNH TRỰC QUAN
Hình ảnh trực quan dễ hiểu hơn so với lời nói, đặc biệt đối với trẻ gặp khó khăn về ngôn ngữ. Sử dụng hình ảnh để minh họa chuỗi hoạt động trong ngày sẽ giúp trẻ:
- Biết được những gì sẽ xảy ra và giảm sự lo lắng và hành vi không mong muốn
- Hiểu rõ trình tự hoạt động: Lịch trình sử dụng khái niệm “Đầu tiên ____, sau đó ____” để minh họa.
- Tạo thói quen: Duy trì lịch trình ổn định giúp trẻ cảm thấy an toàn và dễ dàng áp dụng hơn
Lưu ý:
- Không nên phá vỡ lịch trình đã đặt ra vì sẽ làm mất lòng tin của trẻ
- Khi trẻ đã quen với danh sách, nên để trẻ linh hoạt hơn thay vì quá phụ thuộc vào danh sách. Như việc thay đổi thứ tự trong danh sách, để trẻ tự lựa chọn ở một số mục hay chuyển dần danh sách từ văn bản đến dạng trực quan và sau đó là sang lời nói…
LÀM MẪU QUA VIDEO
- Video modeling (VM) là quay video và bật lại cho trẻ xem để làm những mẫu hành vi hay kỹ năng mong muốn (thường là hành vi, giao tiếp, chơi hoặc tương tác) để trợ giúp trẻ học hoặc thực hiện những hành vi đó
- Phụ huynh có thể tìm video trực tuyến cho con xem hoặc có thể tự tạo video cho riêng mình
Lợi ích
- Có thể xem đi xem lại video nhiều lần
- Có thể chia hoạt động thành các bước nhỏ bằng cách tạm dừng video
- Cách thể hiện trong video luôn giống nhau, tránh gây bối rối cho trẻ.
SỬ DỤNG ĐỒNG HỒ ĐẾM NGƯỢC
Sử dụng đồng hồ đếm ngược giúp trẻ:
- Biết được hoạt động lúc nào sẽ kết thúc và hoạt động mới sẽ bắt đầu lúc nào, giúp trẻ giảm sự lo lắng và khó chịu
- Kết hợp với lịch trình trực quan giúp trẻ chuyển tiếp giữa các hoạt động dễ dàng hơn
- Giúp trẻ kiểm soát được thời gian, tránh cảm giác bị thúc ép
Lưu ý
- Đặt thời gian đếm ngược phù hợp, có thể tăng dần khi trẻ đã quen.
- Nhắc nhở trẻ khi gần hết giờ.
- Kết hợp khen ngợi, thưởng khi trẻ hoàn thành đúng giờ.
PHẦN THƯỞNG VÀ ĐỘNG LỰC
Củng cố tích cực thông qua khen thưởng là yếu tố quan trọng giúp thúc đẩy hành vi mong muốn của trẻ:
- Sử dụng những phần thưởng hấp dẫn với trẻ để khuyến khích trẻ nỗ lực và hợp tác, giúp trẻ tập trung vào hành vi tích cực
- Lập bảng khen thưởng trực quan: Giúp trẻ dễ dàng theo dõi tiến bộ và phấn đấu đạt mục tiêu (sử dụng bảng con học để)
- Đặt mục tiêu phù hợp: Đảm bảo mục tiêu vừa sức và phù hợp với trẻ
- Để trẻ nhanh đạt được phần thưởng hơn ở những lần đầu để tạo động lực cho trẻ cố gắng.
Lưu ý:
- Không nên sử dụng kiểu củng cố tiêu cực như lấy đi đồ vật trẻ thích khi có hành vi chưa phù hợp. Điều này vừa không có tác dụng, vừa làm trẻ thêm cảm giác lo lắng và cảm xúc tiêu cực.
SỬ DỤNG CÂU CHUYỆN XÃ HỘI
Câu chuyện xã hội là chuỗi hình ảnh và văn bản ngắn gọn, dễ hiểu, giúp giải thích các tình huống xã hội cho trẻ.
- Đây là một cách để đưa ra cho trẻ những thông tin cần thiết về một môi trường, một sự kiện hay một kỹ năng mới.
- Giúp trẻ hiểu về những gì sẽ xảy ra và cách phản ứng phù hợp trong một tình huống xã hội.
- Có thể sử dụng các câu chuyện xã hội cho bất cứ điều gì bạn muốn chia nhỏ và giải thích cho trẻ như: nội quy ở nhà và trường học, giải thích cách tương tác với bạn bè,… hoặc giúp trẻ học thêm về kỹ năng giao tiếp, yêu cầu, xin giúp đỡ,…
- Câu chuyện xã hội thường được viết ở ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba
- Sử dụng ngôn ngữ đơn giản, gần gũi
- Các câu chuyện xã hội không cần tuân theo bố cục nhất định. Phụ huynh có thể tự viết ra hoặc điều chỉnh các câu chuyện xã hội phù hợp với các đặc điểm riêng của trẻ.
TẠO ĐIỀU KIỆN CHO TRẺ GIAO TIẾP
Trẻ tự kỷ thường gặp khó khăn trong việc thể hiện nhu cầu của bản thân hay khó hiểu được người khác nói gì
Vậy nên cần cung cấp cho trẻ phương tiện để trẻ giao tiếp có thể làm giảm sự khó chịu của trẻ và giúp cải thiện hành vi
- Sử dụng phương pháp giao tiếp tăng cường và thay thế (AAC)
- AAC giúp cho các đối tượng không thể/chưa thể dùng ngôn ngữ để giao tiếp có thể diễn đạt nhu cầu của mình thông qua các công cụ trực quan, hệ thống các ký hiệu hay một số thiết bị chuyên dụng khác.
- Thiết lập không gian biểu đạt trạng thái cảm xúc (Zones of Regulation)
- Sử dụng màu sắc để biểu thị các trạng thái cảm xúc, giúp trẻ nhận biết và thể hiện cảm xúc của bản thân. Vd: Xanh lá cây (cảm xúc bình thường, tỉnh táo), Đỏ (cảm xúc tức giận, căng thẳng), Vàng (cảm xúc hào hứng, phấn khích) và Xanh lam (cảm xúc buồn chán, mệt mỏi)
- Trẻ có thể sử dụng biểu đồ để cho người khác biết trẻ cảm thấy thế nào trước khi cảm xúc tiêu cực bắt đầu leo thang.
- Phụ huynh có thể biết được cảm xúc của trẻ và biết nên cho trẻ nghỉ ngơi lúc nào
- Ngoài ra nên cho trẻ quyền quyết định trong một số hoạt động, đồ ăn, trang phục,…
- Cần sử dụng cả hình ảnh minh họa trực quan và từ ngữ khi cho trẻ lựa chọn
TRÁNH NHỮNG NGUYÊN NHÂN GÂY KHÓ CHỊU CHO TRẺ
Một số tình huống có khả năng khiến trẻ khó chịu và dẫn đến hành vi thách thức bao gồm:
- Bị đói
- Trẻ thường cần các bữa ăn và đồ ăn nhẹ thường xuyên
- Đảm bảo bữa chính và bữa phụ có đủ chất đạm và chất xơ để ổn định lượng đường trong máu.
- Tránh các thực phẩm có nhiều đường
- Bị thiếu ngủ:
- Đảm bảo trẻ ngủ trưa đều đặn
- Tuân thủ giờ đi ngủ nhất quán và thiết lập thói quen đi ngủ lành mạnh.
- Những nơi quá kích thích với nhiều tiếng ồn, ánh sáng rực rỡ và con người
- Thay đổi thói quen đột ngột: Cần chuẩn bị từ trước cho trẻ về những thay đổi bằng những câu chuyện xã hội và lịch trình trực quan như đã trình bày ở trên
Nhận biết và phòng tránh những nguyên nhân gây ra sự khó chịu có thể giúp giảm nguy cơ xảy ra hành vi xấu ở trẻ. Và quan trọng là chúng ta phải biết thấu hiểu và đáp ứng nhu cầu của trẻ một cách phù hợp.
CHÚ Ý ĐẾN TÌNH TRẠNG Y TẾ CỦA TRẺ:
Phụ huynh nên chú ý đến và giải quyết một số vấn đề sức khỏe có khả năng khiến trẻ gặp khó khăn về hành vi như: Táo bón, nhạy cảm với thực phẩm, phản ứng với thuốc mới hoặc chất bổ sung…
NHỮNG ĐIỀU ĐƠN GIẢN GIÚP CON BÌNH TĨNH
- Có một số phương pháp khác có thể giúp con trở nên bình tĩnh hơn như là tắm muối Epsom, massage, tập các bài tập hít thở sâu cho con, chế độ ăn uống phù hợp…
- Phụ huynh cũng phải làm gương những hành vi tốt cho con và hãy nhẹ nhàng, bình tĩnh với con nhất có thể.
- Xoa dịu khi trẻ mất bình tĩnh bằng cách đánh lạc hướng sự chú ý
- Cho con vận động và tập thể dục thường xuyên sẽ giúp con tiêu hao năng lượng dư thừa và bình tĩnh hơn.
Mỗi trẻ tự kỷ đều có những đặc điểm riêng, vì vậy việc áp dụng các phương pháp cần linh hoạt và phù hợp với nhu cầu của từng trẻ. Quan trọng nhất, cha mẹ hãy kiên nhẫn, thấu hiểu và luôn đồng hành cùng con trên hành trình phát triển.
Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin tham khảo và KHÔNG nhằm mục đích thay thế cho lời khuyên, chẩn đoán hoặc điều trị chuyên môn.
Tài liệu tham khảo: https://tacanow.org/family-resources/strategies-for-a-calmer-home/
Người dịch: Thùy Vân