Không phải bây giờ bố mẹ mới viết nhật kí cho con. Từ khi con vừa chào đời, bố đã ghi lại những phút giây đáng nhớ của em bé mỗi ngày. Nhưng hôm nay, bố và mẹ vẫn phải làm một cuốn nhật kí khác, với một tâm thế khác, nhiều nước mắt và tình thương dành cho con gấp bội, cùng cả một bầu trời hi vọng mong con tiến bộ từng ngày.
NHẬT KÝ CỦA LĐGP
Không phải bây giờ bố mẹ mới viết nhật kí cho con. Từ khi con vừa chào đời, bố đã ghi lại những phút giây đáng nhớ của em bé mỗi ngày. Nhưng hôm nay, bố và mẹ vẫn phải làm một cuốn nhật kí khác, với một tâm thế khác, nhiều nước mắt và tình thương dành cho con gấp bội, cùng cả một bầu trời hi vọng mong con tiến bộ từng ngày.
I.Quá trình mang thai và sinh: Sinh mổ cấp cứu, bé 3,47 kg, khỏe mạnh.
-Trong suốt quá trình mang thai trộm vía mẹ rất khỏe, ăn uống điều độ và mỗi lần đi siêu âm cả nhà đều mừng vì con phát triển tốt.
-Ngày 12-7-2011: Mẹ đi khám thai, bác sỹ bảo là cạn ối, ngày mai vào bệnh viện để kích thích đẻ. Mẹ gọi điện thoại cho bố (đang làm việc ở cơ quan), lúc ấy tâm trạng bố rất là đặc biệt, bố đã viết lên facebook: “Theo dự kiến (của bác sỹ) ngày mai 13-7, Con sẽ ra đời, bố cầu chúc mọi điều tốt lành nhất sẽ đến với hai mẹ con…”.
-Ngày 13/07/2011 là một ngày dài với cả nhà mình ở bệnh viện Việt Pháp. Mẹ đau đẻ từ 9 giờ sáng mà em vẫn không chịu chui ra. Bác sĩ vào kiểm tra lần cuối thấy ối mẹ đã đục rồi nên quyết định cho mổ cấp cứu. Vào trong phòng mổ lạnh toát, mẹ vẫn tỉnh táo chờ đợi cho đến khi em bé nặng 3,47 kg chui ra, khóc oe oe.
-22h45, hai cô y tá đẩy xe từ phòng mổ ra… Con đây rồi. Lúc đó Con đỏ hỏn, tay chân giơ lên loe ngoe… Bố chỉ kịp nhìn vào đôi mắt Con, thấy đúng là mắt của mình, và bố nhận thấy tóc Con đen và dài hơn tất cả các bạn sinh cùng ngày hôm đó. Cô y tá không cho bố bế Con ngay, mà đẩy Con vào phòng tập trung các bé. Bố cứ thấp thỏm đứng ngoài nhìn vào qua cửa kính, đến lúc cô y tá không cho bố đứng đó nữa.
II. Trong 04 tháng đầu tiên: Ăn ngoan, ngủ ngoan, biết hóng chuyện và biết lẫy.
-11 ngày Con chào đời. Trộm vía. Con thật ngoan. Cứ đều đặn khoảng 3 tiếng một lần, Con thức giấc, đòi ăn, bố mẹ cho Con ăn rồi thay bỉm cho Con.
-Sang tháng thứ 2, Con bắt đầu biết hóng chuyện khi nghe bố mẹ hát, kể chuyện. Và con cũng ngủ một mạch từ 10 giờ tối cho đến 4h sáng hôm sau.
-Con đã biết nhận ra hơi mẹ, kiên quyết chiến đấu để đòi quyền lợi, ăn sữa bình thì khóc toáng lên, dỗ mãi mới ăn, nhưng lao vào ti mẹ thì mắt nhắm nghiền, mút chùn chụt.
Nhưng tệ nhất là lúc đó mẹ lại muốn tập cho con ti bình, nên hay vắt sữa ra bình để bố hoặc bà cho con mút hơn.
-Tròn 3 tháng con bắt đầu biết lật và chỉ khoảng 10 ngày sau, con lật nhanh nhoay nhoáy khiến cả nhà không thể rời mắt vì chỉ sợ con lăn được xuống giường.
-Nhưng cũng sang tháng thứ 4 thì con bắt đầu lười ăn, đang cười hơn hớn, nhưng thấy bế lên cho bình sữa vào miệng con lại giãy lên khóc toáng, ti mẹ cũng không thèm bú. Cũng chính bởi thế mà sữa mẹ cạn dần. Lúc đó cũng gần đến ngày đi làm, nên mẹ quyết định để kệ cho con bú sữa ngoài. Hichic.
Và từ lúc này, con chỉ chịu ăn sữa khi được đặt nằm xuống giường, mắt nhìn mấy bạn ong, bướm treo trên thanh treo hình chữ A, còn mẹ thì phải vừa cầm bình vừa hát.
Vì vậy, em bé 4 tháng chỉ được 7,5 kg, nhưng chiều dài phát triển khá tốt. Mẹ không nhớ chính xác, nhưng kkhi con tròn 5 tháng là con đã dài được 70 cm lận.
-Ngày 17-11(4 tháng): Tuần này có vẻ Con tiến bộ khá nhanh. Hôm nọ Con đã tự lật ngược lại được. Đặc biệt là Con nhận biết và so sánh giữa bố mẹ với người khác rất rõ. Trưa nay Con đang nằm chơi với bà nội, mẹ Diệp lên mải nói chuyện với bà, Con ê ê một lúc mẹ Diệp không nghe, không nói lại, bỗng dưng Con tủi thân khóc òa lên, mẹ Diệp phải chạy ra bế và xin lỗi thì Con mới chịu.
II. Giai đoạn 5-8 tháng: Ăn dặm, biết bò và mọc răng
-Sang tháng thứ 5 mẹ phải đi làm, Con ở nhà với bà ngoại, bác giúp việc, ngoài ra còn một bà giúp việc khác đến dọn dẹp và nấu nướng vào buổi chiều.
-Giai đoạn này Con bắt đầu ăn dặm. Con ăn khá ngoan, tuy nhiên con cũng khá tinh trong việc cảm nhận món ăn. Món nào phải ngon con mới xơi, còn không là từ chối ngay. Bà cũng chịu khó đổi món cho Con, hôm thì cháo, hôm thì mì, hôm lại khoai tây. Đến hết tháng 7 là Con đã ăn khá sam sưa, cháo cũng không cần xay nhuyễn nữa. Mỗi ngày con ăn 2 bát cháo, 3 bữa sữa, 1 sữa chua, 1 váng sữa. Sữa mỗi ngày chàng tu tới 1 lít nhưng lên cân rất chậm
-Con cũng ê a nhiều hơn trước, và bắt đầu chơi trò phun mưa
-Khi tròn 6 tháng tuổi, con đã biết chủ động và thích thú cầm các món đồ chơi bằng đôi tay của mình. Con cười nhiều hơn và cũng tinh nghịch hơn.
-Cậu bé 7 tháng tuổi luôn là một đứa bé yêu đời, Con luôn nhoẻn miệng cười với bất cứ ai bắt gặp. Con ít khóc và không mè nheo. Con ăn uống điều độ và ngủ cũng theo giờ giấc. Rớm uốn bố nhất nhà, cứ mỗi khi bố đi công tác hoặc đi làm về là Con lại ê a đòi bế, bố mà chưa kịp bế thì Con sẽ mếu máo.
-Hôm qua (7,5 tháng), con trai đã đạt được tiến bộ vượt bậc, đó là con đã biết vỗ tay. Vỗ tay cả buổi tối. Con rất thích được nghe chuyện, mỗi khi bác hoặc bố mẹ đọc truyện là Con đều nằm im, chăm chú lắng nghe. Mong sau này con thích sách vở và ham học hỏi.
Tối qua, Con còn làm bố ngạc nhiên, vì khi nhìn thấy bố mở ipad ra dùng, Con cứ khóc đòi bằng được. Những lần trước Con cũng biết đòi như vậy, nhưng khi bố bế Con ra chỗ khác là Con nín và quên ngay, còn hôm qua thì Con ngoái đầu lại, khóc và đòi quyết liệt, đến nỗi bố phải cho Con chơi ipad, Con chăm chú nhìn hình con chim hót.
-Ngày 24-3 (8 tháng 10 ngày): Xin chào mừng một anh răng trắng ngần đã chui lên khỏi lợi. Bố mẹ chờ anh đến thấp thỏm cả lòng. Chiều qua, bố đi làm về, nghe bà ngoại bảo đã thấy răng con giai mọc lên rồi, bố chạy lên bế con trêu cho con cười để được chiêm ngưỡng anh răng đầu tiên của con.
Ngày càng nghịch ngợm hơn con ạ. Bây giờ bò nhoay nhoáy rồi. Cả buổi tối không chịu nằm, ngồi yên. Bố cứ thả xuống gường là bò. Bò rồi leo trèo lên người bố mẹ. Mồ hôi hôm nào cũng làm tóc ướt rượt. Lại thêm cái tính hay ê a la hét nữa chứ. Cơ mà đáng yêu lắm. Bởi hôm nào bố đi làm về nhìn thấy bố cũng lon ton bò ra, giơ tay đòi bố bế. Buổi tối cũng vậy, chỉ nằm ở giường chơi được mấy phút, thấy bố ngồi đâu là bò đến, trèo lên
III. Từ 8,5 tháng-12 tháng: Mây đen ùn ùn kéo đến.
-Ngày 10-4: Chiều bố đi làm về, Con đang chơi với bác Bích, ông ngoại trong phòng. Bố đứng cửa phòng gọi cách gì cũng không được. Vào tận trong phòng ngồi ngay sau lưng gọi cũng không thèm quay lại. Lúc xuống thì bà nói chả hiểu tại sao dạo này Con lại thế, các con theo dõi một tuần xem con nó thế nào. Bỗng dưng bố thấy lo quá. Nhưng lúc sau lên phòng thì làm nũng bố, đòi bố bế, cứ đặt xuống là mếu. Bố đưa cho cái bánh gạo, lúc đầu bố hướng dẫn tự bỏ vào mồm ăn, lúc sau không tự bỏ vào cũng mếu. Rồi đang cầm bánh ăn bị rơi xuống cũng cáu và mếu. Sáng nay ngủ dậy thì ôm bố, gục xuống vai ngủ mãi không thèm dậy, bố trêu cho lại nhoẻn miệng cười.
-Thời gian này mẹ bắt đầu lo lắng, vì mẹ lên mạng xem thấy trẻ 9 tháng gọi không quay lại là một trong những dấu hiệu tự kỉ. Tuy nhiên, mọi người đều bảo mẹ vớ vẩn, suy nghĩ linh tinh. Rồi mẹ cũng lắng theo dõi con. Đúng là con có hơi thờ ơ với mọi thứ nhưng mẹ thử chơi trò ú òa, nấp sau lều bóng, con vẫn dáo dác đi tìm.
-Mọi thứ lại xua tan đi bởi chuyến đi chơi đầu tiên của con ở Đà Nẵng. Con đi máy bay rất ngoan, có vẻ sảng khoái với không gian rộng rãi thoáng mát khi chơi đùa trong căn biệt thự sát biển. Khi ra biển thì con hơi sợ, ôm chặt lấy mẹ nhưng lúc vào bể bơi, con lại thích thú ngồi trên phao và nghịch nước. Cơ bản là bể bơi nông, con có thể chạm chân xuống đáy bể nên con rất tự tin chơi đùa.
-Nhưng sau đó gần 01 tháng, chiều 14-5 là một buổi chiều đầy căng thẳng trong gia đình mình. Mẹ đưa con đi khám bệnh về rồi ngồi bệt xuống ghế, chứa chan nước mắt, đưa cho bố tấm giấy giới thiệu của ông bác sỹ tai – mũi – họng tên Cành giới thiệu đến bà bác sỹ tên Cơi với chẩn đoán lâm sàng “câm – điếc”. Quả thật, nhìn mấy chữ ngệch ngoạc đó của bác sỹ, bố muốn quỵ xuống, nhưng bố phải cố trấn tĩnh bởi trong thời khắc đó, bố cần làm điểm tựa để mẹ không suy sụp.
Nhiều ngày qua, ít nhất là từ hai tuần trở lại đây, mẹ luôn mất ngủ và nhiều lần khóc vì lo cho con, một nỗi lo sợ là con mắc bệnh tự kỷ. Kể từ hôm mọc răng, không hiểu sao con ít nhìn thẳng vào mắt người đối diện, bố mẹ gọi thì con rất ít khi quay lại. Khác hẳn với trước đó, mỗi lần bố đi làm về gọi là con quay lại ngay, đòi bố bế bằng được. Bố luôn cố trấn an mẹ rằng sẽ không có chuyện gì tồi tệ đến với con, và bố tin rằng đó không phải là dấu hiệu của bệnh tự kỷ, mà chỉ là ức chế sinh lý vì cùng lúc con mọc tới 5-6 cái răng, và do con quá tập trung nên không chịu quay lại khi bố mẹ gọi.
Chiều qua bố mẹ đưa con đi đo thính lực, tất cả các chỉ số liên quan đến thính giác đều rất tốt, như vậy có thể loại bỏ nguy cơ con bị điếc. Chắc chắn là trong những ngày tháng tới đây, cho đến khi con biết nói, bố mẹ sẽ rất hồi hộp, và mẹ – với tình thương vô bờ bến dành cho con – mẹ sẽ còn mất ngủ nhiều đêm nữa.
-Rồi từ đó mỗi biểu hiện bất thường của con lại làm mẹ phát sốt lên và nghĩ đến tự kỉ:
*Thỉnh thoảng đang ngồi con lại đưa tay lên vẫy vẫy.
*Con rất hay chú ý đến chi tiết nhỏ, ví dụ đinh ốc, hạt bụi trên sàn nhà và thích nghịch quạt.
*Ra ngoài đường con không nhìn ai, ngồi trên xe đẩy con cứ cắm cúi nhìn xuống đất. Đi ra chỗ đông người là con có vẻ mặt buồn ngủ và nhiều lúc lăn ra ngủ thật.
*Đi chơi Tuần Châu resort với cơ quan mẹ, mắt con lúc nào cũng xịu xuống, mẹ bế ra biển thì ôm chặt mẹ và nhất định không đặt chân xuống. Khi bố bế ra bể bơi con cũng bám chặt lấy bố chứ không vui thích nghịch nước như hồi đi Đà Nẵng.
*Thỉnh thoảng con khó ngủ, đêm vừa ngủ lăn từ đầu giường tới cuối giường cũng làm mẹ lo.
*Từ tháng tháng thứ 10 đến tháng thứ 12 mỗi tháng lại có vài ngày ốm, viêm họng, sốt virus.
*Con đi ngoài thành khuôn nhưng mỗi ngày ị tới 2 lần, có hôm 3 lần. Con lên cân cũng chậm. Tròn 1 tuổi con dài 80 nhưng vỏn vẹn 10kg. Mẹ cũng nghĩ là con tiêu hóa kém, hấp thụ không tốt — và cũng nghĩ tới tự kỉ.
*Con không chịu chỉ, vỗ tay, bai bai dù ngày nào bố mẹ cũng dạy. Mẹ cảm nhận là con chưa hiểu được những gì bố mẹ nói lắm.
IV. Lo lắng và những việc đã làm cho con.
-Ai cũng mắng mẹ rảnh rỗi quá nên có thời gian theo dõi con kĩ thành ra lo lắng. Nhưng không hiểu sao, cứ mỗi lần lên mạng, search những biểu hiện lạ của con là mẹ lại thấy có dấu hiệu của tự kỉ. Không biết bao nhiêu giọt nước mắt đã rơi kể từ khi con được 9 tháng tới nay. Mẹ lo lắng, hoang mang. Tâm trạng mẹ buồn vui theo mỗi biểu hiện của con, hoặc những dòng chữ ở đâu đó mẹ đọc được về tự kỉ. Nếu là thông tin tự kỉ không bao giờ bình thường lại được, hoặc một mẹ nào đó kể rằng đã can thiệp cho con mẹ ấy từ rất sớm nhưng giờ vẫn tiến bộ rất ít, phải đi học trường câm điếc xã đàn thì hôm đó về mẹ lại không ngủ được, nhìn con mà nước mắt lại trào ra xót xa. Nhưng nếu là thông tin bé này, bé kia tiến bộ rất nhiều, hòa nhập tốt thậm chí còn thi đỗ vào trường điểm lại khiến mẹ bừng bừng hi vọng.
-Mẹ cũng mua sách và tham khảo rất nhiều tài liệu trên mạng: Tự kỉ và can thiệp sớm, Mạnh hơn cả lời nói, Hãy cho mẹ nghe giọng nói của con, Những bài học từ dễ đến khó, Từng bước nhỏ… Rồi những tài liệu mẹ load được trên tretuky.com về floor time, về Bio, về ABA và cả kinh nghiệm của các bố mẹ khác nữa.
-Mẹ cất bớt đồ chơi để con không có nhiều thời gian một mình đắm đuối nữa. Mẹ tận dụng các thứ đồ chơi con thích rồi giơ lên bắt con nhìn vào mắt mẹ. Mẹ cũng cho con ti lại để kết nối tình cảm mẹ con, kì diệu thay là sau 03 tháng con mê mẩn mút ti thì mẹ đã có sữa trở lại. Với những hành vi xấu của con như vẫy tay, mẹ dặn cả nhà phải trêu đùa, giữ tay con lại để con không vẫy tay nữa. Mẹ cũng thay ga trải giường thành ga ca rô trắng đen để luyện mắt cho con (không biết cách này có đúng không). Mẹ nhờ bạn bố từ Mỹ gửi đĩa nhạc (lulla baby, hym and bible, classic for baby) để con nghe âm thanh êm dịu trước khi đi ngủ. Mẹ cũng tích cực mát xa cho con.
Sáng và chiều bác Huyền đều đưa con xuống sân nhà chơi với các bạn. Thứ bảy, chủ nhật bố mẹ cho con đi công viên, siêu thị và kể từ khi con tập đi, con luôn được ra lăng bác chơi vào các buổi tối. Bố mẹ cũng tận dụng thời gian ở bên con để chơi ú òa, chơi cụng đầu, dạy con vỗ tay, chào, chỉ tranh ảnh hình cá, chó, mèo, pooh…. (nhưng con chưa làm được những thứ này).
Mẹ cũng cho con kiêng hoàn toàn bột mì và các loại thức ăn sẵn có chất bảo quản, kể cả sữa chua, váng sữa…. Còn sữa thì con vẫn ăn một ngày 320ml +với sữa chua mẹ tự làm. Tháng thứ 13, mẹ cũng đặt trên trang kirkman một số sản phẩm bổ sung cho con để nâng cao thể lực: Kẽm, Sữa non, dầu cá, magie, can-xi. Con lên được gần 10,5 kg, nhưng mấy hôm nay lại bị rối loạn tiêu hóa rồi. Buồn quá.
Tuy nhiên con cũng có những tiến bộ:
-Tháng thứ 12: Dạo này bố thấy con tiến bộ rất nhiều. Con không lảng tránh ánh hình của bố mẹ và người thân như trước, trái lại, con còn chủ động đưa mắt tinh nghịch trêu bố mẹ. Ra đường, con cũng bớt thờ ơ hơn, thay vào đó là con quan sát mọi người. Thậm chí khi người lớn dẫn con tập đi, con còn chỉ huy mọi người vào nhà người này người kia chơi (nhưng mẹ cũng không hiểu đây là dấu hiệu tốt: con đã mạnh dạn, hay là dấu hiệu xấu: là con không biết sợ gì hết nữa cơ). Mẹ luôn bi quan thế đấy.
-Khi con tròn 1 tuổi: Con trai yêu ơi, mấy hôm nay bố bận quá nên đi Vạn Chài resort về bố chưa viết nhật ký cho con được. Cả nhà mình về quê đúng ngày con tròn 1 tuổi (13-7), sau khi làm lễ vật cúng ông bà tổ tiên xong buổi trưa thì chiều cả nhà mình xuống Sầm Sơn tắm biển, Mọi người đều vui vẻ trong lễ mừng sinh nhật con, nhưng con thì 2 lần ăn vạ bố mẹ, khóc dữ dội lắm nhé, bà nội nghe cũng phải sợ luôn ý.
Một năm nuôi con, bố mẹ không buồn, chỉ có niềm vui và nỗi âu lo. Con cao 80 cm (hơn chuẩn một chút), nặng 10 kg (chuẩn), biết đứng vững rồi (một số trẻ khác 1 tuổi đã biết đi), con biết phát âm các từ khác nhau như măm măm, mạ mạ, ba ba…, nhưng con chưa biết chỉ các đồ vật, người quen.
-Cũng từ tháng thứ 12, con bắt đầu quấn bố mẹ trở lại. Mẹ cảm nhận rõ ràng là con rất yêu và rất cần mẹ. Mẹ đi làm về gọi là con quay lại ngay, cười, rối rít bò tới đòi mẹ bế. Me cũng sợ là con thích ti mẹ chứ không phải mẹ, nhưng cho con thử ti bác Bích hay bà con đều từ chối hết. Tối đến cả nhà đi ngủ, mẹ massage, chơi ú òa với con rất sôi nổi. Thỉnh thoảng con mải chơi gì đó lại nhớ tới mẹ và bò tới ôm ngang người mẹ nữa cơ. Nhưng có vẻ như con là cậu bé không biết chờ đợi, muốn gì là khóc ngay lên được.
-Con đã biết cầm bình uống sữa, hút ống hút và ăn bánh rất gọn gàng.
-Khi con muốn mẹ bế con gọi mẹ, mẹ, muốn ti mẹ hay đòi hỏi một cái gì đó thì măm măm. Còn những từ khác như bà, đi, tè, nhanh, mạ, ba… con chỉ luyên thuyên thôi.
-Khi mẹ tặc lưỡi, đôi khi con tặc lưỡi theo. Hoặc xi con tè, còn cũng xì xì.
-Con biết đẩy xe ô tô, biết chơi bàn nhạc, biết kéo con ngựa gỗ và cầm nắm tốt.
-Con cũng không vẫy tay và chú ý đến mọi thứ chứ không chỉ là bụi, quạt… như trước.
V. Bắt đầu đi kiểm tra và tìm hướng can thiệp
-Ngày 16/8, bố mẹ về sớm đưa con trai đi gặp chuyên gia tâm lý. Mẹ muốn đưa con vào viện Nhi kiểm tra, nhưng bạn bố làm mảng y tế tư vấn đưa con đến khoa tâm thần bệnh viện Bạch Mai. Bác sĩ Thiện trưởng khoa rất nhiệt tình, nhưng cũng thú thật là chưa có kinh nghiệm làm việc với cháu bé như vậy nên bác chỉ tới chỗ trung tâm hỗ trợ tâm lý này. Tuy nhiên, theo mẹ đánh giá, chuyên gia này chưa có kinh nghiệm với bé tự kỉ, mà chỉ đánh giá và đưa cho bố mẹ lời khuyên để can thiệp với trẻ bình thường. Ví dụ cô có nói là phải dạy bé vỗ tay. Ừ, ngày nào bố mẹ cũng dạy con mà, điều mẹ cần là có ai chỉ dẫn cho mẹ tâm lí của bé phát triển như thế nào đó, và bố mẹ cần phải dạy theo cách nào đó, trong một thời gian nào đó để con làm được.
-Hai hôm sau, mẹ hẹn được vào gặp bác Dũng trưởng khoa phục hồi chức năng, viện Nhi. Mới nhìn Con đi, bác bảo hình như có dấu hiệu tăng trương lực cơ và bác đi làm điện não đồ, MRI và Denver. Chiều bố lại phải đi họp, bà và bác Huyền phải vào bệnh viện cùng mẹ. Mẹ vừa gọi điện cho bố bảo chụp xong cả rồi, Con đang nằm truyền nước. Trời lại mưa bão to quá. Lòng bố như lửa đốt. Thương con quá. Con chắc là mệt lắm vì cả ngày trong bệnh viện. Cố lên con trai nhé, bố yêu con rất nhiều.
– Ngày 20-8
Kết quả điện não đồ và chụp cộng hưởng từ đã có, bác sỹ bảo rằng không có bất kỳ dấu hiệu nào bất thường trong não bộ của con trai. Nguy cơ bị tăng trương cơ lực cũng được loại trừ. Nhưng đúng là con có chậm. Bác sỹ cho con uống cerefort (nhưng mẹ vẫn chưa cho uống) và yêu cầu bố mẹ dành thời gian nhiều hơn cho con, đồng thời tăng cường cho con giai tiếp với bên ngoài. Bác cũng chỉ định một số bác sĩ khác hướng dẫn vận động trị liệu và trị liệu ngôn ngữ. Nhưng như con biết đấy, bệnh viện đông người thế nên việc hướng dẫn chắc không được đến đâu. Với vận động trị liệu chỉ là hướng dẫn mẹ bảo con nhặt các khối gỗ vào hộp, còn ngôn ngữ trị liệu thì cũng chung chung trong vòng 5 phút.
Về cái chân trái của con đi hơi khuỳnh ra, bác Dũng cho mẹ số điện thoại của anh kĩ thuật viên trong viện để đến nhà anh trị liệu. Việc trị liệu này mẹ cũng chưa hiểu sẽ tiến hành thế nào, nhưng anh hẹn phải sau 2/9 mới bắt đầu việc này được.
VI. Băn khoăn và mong muốn:
-Sau 04 tháng kể từ khi mẹ phát hiện con có dấu hiệu lạ, mẹ cũng đã chơi tích cực và bắt chước một số kĩ năng trong các tài liệu mẹ đọc được, con đã có tiến bộ. Tuy nhiên, trong biển kiến thức đó, mẹ vô cùng hoang mang.
*Vì không thật sự hiểu biết diễn biến tâm lý của trẻ em và trẻ tự kỉ nên mẹ không biết ngày mai con sẽ thế nào. Biểu hiện tốt lên của con mẹ cũng không chắc là tốt hay xấu? (ví dụ con cứ đòi vào nhà người khác là mạnh dạn hay không biết sợ). Khi con khóc đòi thứ gì đó mẹ nên đáp ứng ngay hay bắt đầu áp dụng bài học kệ con khóc và ép con phải chỉ hay phải ạ mới được thỏa mãn nhu cầu? Liệu mẹ làm thế con có ghét mẹ, thờ ơ với mẹ không?
*Mẹ và bố dạy con vỗ tay, chào, chỉ nhưng con nhất định không làm. Ai là người có kinh nghiệm để cho bố mẹ biết nên dạy con như thế nào và cần kiên trì đến bao lâu để con biết làm.
*Mẹ cũng hiểu thời điểm này là quá sớm để đưa con đi kiểm tra hay can thiệp gì đó. Nhưng mẹ sợ rằng, nếu mẹ không bắt đầu từ bây giờ, thì sau này, thời gian dành cho con sẽ rất hạn hẹp, vì vậy, mẹ cần tìm một ai đó có thể:
+Chỉ cho mẹ biết mẹ cần phải làm gì một cách cụ thể để con tiến bộ.
+Trao cho mẹ kinh nghiệm để mẹ hiểu hơn những diễn biến trong quá trình phát triển của một em bé tự kỉ và can thiệp sớm.
Ngày 28/08 bố mẹ đã đưa con tới trung tâm cô Phượng. Mẹ đang cần một người dẫn đường đã có kinh nghiệm, một người có tâm và một người đã từng can thiệp thành công cho các bé khác. Và khi tìm hiểu trên mạng, qua các nguồn thông tin khác nhau mẹ đã quyết định chọn nơi này. Với phương án cô đưa ra trong thời điểm này cho con cũng chính là ý nghĩ của mẹ từ lâu: cho con đến nhà trẻ chơi và tìm một cô giáo trẻ về chơi với con, dạy con theo giáo trình mà cô Phượng đưa ra. Và mẹ đang chờ đợi….