Một cuốn sách nên đọc, đáng đọc mà mỗi bậc làm cha, làm mẹ như chúng ta nên đọc, nên xem để giúp con hoàn thiện và trưởng thành. Cuốn sách cũng có cái hay đáng để học hỏi và những cái chưa đạt. Một người đọc thông minh thì ta sẽ biết “gạn đục khơi trong”
Dưới đây là đoạn trích dẫn về Lời bình sách khá tâm huyết và đầy đủ của Yến Khanh được đăng tải trên trang Facebook Mosaic
Quyển này động tới những vấn đề rất thực tế trong giáo dục của TQ, và cũng gần với VN, những vấn đề mà phương Tây đã coi là chuyện hiển nhiên từ lâu. Tác giả đưa ra những ví dụ khá hay, cụ thể, của chính con mình, cô bé Viên Viên, mỗi chủ đề gắn với một câu chuyện, một ví dụ dễ nhớ. Sách tuy không có đề mục lớn, đề mục nhỏ, hay không có những bullet points như những sách parenting khác, nhưng mình cũng đủ kiên nhẫn để đọc hết.
Tinh thần chung mà mình lĩnh hội được ở sách là: không có đứa trẻ tự nhiên hư, lười, nói dối… chỉ có những tích tụ từ những sai lầm tưởng chừng rất nhỏ của bố mẹ từ năm này qua năm khác mới gián tiếp hay trực tiếp làm cho đứa bé ngày càng khó bảo. Mình rất rất đồng ý với tác giả rằng, để thay đổi con, trước hết bố mẹ phải thay đổi cách giáo dục của mình.
Học tập không nên “cực khổ nỗ lực”. Như một quán tính tự nhiên, đa số phụ huynh nhồi vào đầu con trẻ rằng cần phải học giỏi, để được abcd. Mà muốn học giỏi thì phải “cực khổ nỗ lực”. Điều đó giống như nói với trẻ con rằng cố mà ăn những cái bánh đắng này đi, rồi mấy chục năm nữa sẽ được ăn bánh ngọt. Kể cả nhiều người lớn cũng không làm được việc ăn bánh đắng. Trong việc bồi dưỡng tính chuyên cần cho trẻ, không nên nhấn mạnh cái “khổ” mà phải cố gắng xóa đi cái “khổ”. Vậy thì giai đoạn tiểu học chủ yếu giải quyết vấn đề say mê học tập, cấp 2 cần quan tâm phương pháp học tập và cấp 3 mới là vấn đề chăm chỉ, chuyên cần.
Làm bài tập thay cho con: Tác giả còn cực đoan trong việc bảo vệ niềm say mê học tập của con tới mức khi thấy giáo viên giao bài tập viết nhiều quá mức cần thiết đã thỏa thuận với con là con chỉ cần tập viết đến khi con thuộc chữ, hoặc làm bài tập tới mức nắm vững cách làm bài, phần còn lại chị sẽ làm hộ con, để con khỏi phải làm bài tập trong sự chán ngán. Và cứ thế, chị làm hộ con nhiều bài tập tới tận lớp 7. Mình đọc xong thấy rất băn khoăn về giải pháp của chị, mặc dù cũng chẳng nghĩ ra cách nào hơn. Rõ ràng, chị là một người mẹ ở TQ, không thể phản đối cô giáo như các mẹ Tây. Nhưng con chị rõ ràng cũng biết việc chị làm hộ bài cho nó là việc không nên để cô giáo biết. Vậy thì nó sẽ rất bối rối thế nào là trung thực.
Chỉ lập “sổ ghi công”, không lập “sổ ghi tội”. Cái này thì cũng không mới. Tác giả đã mua một quyển sổ nhỏ, mỗi trang ghi một chuyện của Viên Viên, những việc đơn giản như thu dọn đồ chơi, vứt rác, tối một mình vào bếp lấy tăm… Phương pháp này rất có ích cho quá trình trưởng thành của trẻ. Một là trẻ được biểu dương, cảm thấy rất vinh dự, hai là những việc được ghi trong sổ có tác dụng nhắc nhở bé, giúp bé từ sau càng tích cực làm những việc tốt này… Tuy nhiên, trong sổ ghi công không có lần nào ghi Viên Viên được điểm cao vì cha mẹ không nên vào hùa với nhà trường quá coi trọng điểm số.
Tác giả có một người bạn cũng hưởng ứng phương pháp lập bảng ghi công treo trên tường nhà, đồng thời bên cạnh cột ghi công thì có thêm cột ghi khuyết điểm. Tác giả cho rằng đây là cách làm sai. Bởi vì “sổ ghi công” là để nhằm đạt tới tác dụng xúc tác, khiến con trẻ có được niềm vui và sự tự tin sau khi thỉnh thoảng có những biểu hiện tốt, khiến những hành vi thỉnh thoảng mới có này cuối cùng trở thành một hành vi ổn định của chúng. Cũng với cái lý như vậy, đem những khuyết điểm của trẻ viết ra bằng giấy trắng mực đen rồi dán lên tường, không ngừng nhắc nhở, cũng có thể khiến những hành vì này ổn định lại, vốn là những cái xấu muốn vứt bỏ, dưới sự kích thích này dễ khiến con trẻ tự ám thị với mình, tưởng rằng những thói quen xấu đó là hành vi tất yếu của mình. Hơn nữa khách đến nhà đều đọc được bao nhiêu khuyết điểm ghi trên tờ giấy này, làm tổn thương đến lòng tự trọng của trẻ.
Tác giả gợi ý cho người bạn biến hết mọi cái “tội” của trẻ thành “công”. Ví dụ, không nói con “không tự giác luyện đàn” mà phải thấy rằng ít nhất con trẻ ngày nào cũng luyện đàn, nên ghi nhận xét rằng “con đã kiên trì luyện đàn hàng ngày”. Hay không ghi “không chơi đủ một tiếng đồng hồ” mà ghi “mặc dù chỉ luyện được bốn mươi phút, nhưng chơi rất tiến bộ”. Cũng có nghĩa là trong những mặt chưa tốt của trẻ, luôn tìm ra được điểm đáng để biểu dương, luôn tạo ám thị và kích thích tốt.
Tác giả nhiệt tình cổ vũ việc đọc sách, cho rằng đọc sách giống như “cây gậy thần” đối với việc học tập, phát triển tư duy của trẻ. Điều này chẳng có gì mới mẻ, nhưng đọc lại vẫn thấy bổ ích. Tác giả trích lời một nhà giáo dục Nga: “Thiếu khả năng đọc sách sẽ gây trở ngại và ức chế sự hình thành những liên kết rất nhỏ trong não…” Tác giả cho rằng dành thời gian làm bài tập nhiều hơn không bổ ích bằng đọc sách nhiều hơn. Đây chính là điều mà nhiều phụ huynh hay nhầm lẫn, rằng ưu tiên học bài đã, làm bài tập đã, đọc sách chỉ là hoạt động phụ, không có tác dụng trực tiếp tới điểm số ở trường. Thực tế đọc sách là cách bồi dưỡng trí lực tốt nhất. Vì tiếp thu kiến thức mới chỉ hiệu quả trên nền một kiến thức rộng và sâu.
Không đọc sách “có ích” mà nên đọc sách “thú vị”: Vậy Doãn Kiến Lợi khuyến khích con đọc sách gì? Trên thực tế “thú vị” và “có ích” không đối lập với nhau, mà tác giả cố tình nhận mạnh sự “thú vị”. Mục tiêu là ưu tiên nuôi dưỡng sự ham thích đọc sách của trẻ. Người ta hứng thú và dần dần chăm chỉ làm việc gì đó trước hết vì thích thú, thú vị, chứ không phải vì nó có ích. Cô bé Viên Viên là một cô bé xuất sắc, đã có thể đọc tiểu thuyết “Hồng lâu mộng”, “Hoàn châu Cách Cách”, hay chưởng Kim Dung, tiểu thuyết Quỳnh Dao từ lớp 2. Tác giả cũng cho rằng tiểu thuyết Quỳnh Dao về căn bản không có “giá trị” to lớn về tư tưởng, nhưng câu chữ mạch lạc, rõ ràng, lời văn đẹp đẽ, do đó, cũng có lợi cho trẻ. Những phụ huynh mua “Tuyển tập những bài văn đạt điểm tối đa”, hay tệ hơn là “Thép đã tôi thế đấy” hay “Anna Karenina” về bắt con đọc khi chúng chưa có thói quen và niềm say mê đọc sách là phi lý vì làm cho con sợ đọc. Để nuôi dưỡng niềm ham mê đọc sách của con, cha mẹ phải biết dụ dỗ!
Hơn nữa, khi trẻ còn nhỏ, chưa tự đọc được, cha mẹ nên đọc lời văn viết trong sách chứ không nên kể chuyện theo tranh bằng văn nói của mình, không nên thay thế những từ mới và khó trong sách bằng những từ quen thuộc hơn với trẻ. Lời văn trong truyện đã được người viết lựa chọn chuẩn mực, nên để trẻ được nghe những lời văn viết chuẩn mực. Tác giả cũng khuyến khích đọc thơ cổ cho trẻ, giúp trẻ bồi dưỡng tâm hồn. Mình thì thấy rằng cứ dùng những từ mới và khó trong cả trò chuyện hàng ngày với trẻ sẽ giúp con có vốn từ tốt hơn, và thường thì con cũng tự suy luận được nghĩa của từ qua văn cảnh.
Để cây bút nở hoa: Chương này đề cập đến vấn đề phổ biến ở TQ là dạy trẻ làm văn nói dối, chẳng khác gì ở VN. “Nếu trong quá trình tập viết văn, trẻ không được nói thật, luôn bị yêu cầu phải viết những lời giả dối, biểu đạt những “tình cảm tư tưởng” không tồn tại của mình, tư duy của chúng sẽ bị đảo lộn… Viết văn nhưng không nói thật khiến học sinh khi phải đối mặt với một đề văn thường tự bỏ qua những con người và sự việc quen thuộc với mình nhất, từ bỏ suy nghĩ và trải nghiệm chân thực nhất của mình, lực bất tòng tâm đi tìm những đề tài vô lối, viết ra những quan điểm “tích cực”, mình và không có cảm giác, lại không thể nắm bắt được.” Kỹ xảo lớn nhất là nói thật đã bị bỏ qua.
“Khi trẻ biến lối biểu đạt chân thực thành lối biểu đạt giả dối, trẻ sẽ bắt đầu đi nói những lời không thực với lòng mình; khi trẻ gò bó những lời biểu đạt tự do vào khuôn khổ do người lớn đưa ra, nội tâm của trẻ bắt đầu nảy sinh những tư tưởng hèn kém; khi trẻ vì đạt điểm cao mà phụ họa hùa theo, là lúc chúng tự vùi dập cá tính của mình…”
Riêng cá nhân mình thấy nếu từ nhỏ mẹ đã luôn chú trọng nói cho con nghe những quan sát, nhận xét của mình về thế giới xung quanh, từ trời, mây, cây cỏ, chim chóc, côn trùng, tới con người, đồ chơi, sách vở, bạn bè… thì trẻ con sẽ học được cách quan sát, cảm nhận trong mọi hoạt động chơi, học và sinh hoạt của chúng. Tất nhiên, cha mẹ phải nhìn sự việc với con mắt ngây thơ, mới mẻ, như được nhìn mọi thứ lần đầu tiên trong đời, chứ không cho rằng mọi việc hiển nhiên phải thế, thì mới truyền được cho con nhân sinh quan và sự tò mò của mình. Và hi vọng, từ đó con sẽ đưa được những quan sát, lý giải của mình vào bài tập làm văn.
Chủ đề “Con trẻ vốn không biết nói dối” cho rằng những đứa trẻ hay nói dối là do cha mẹ dồn ép, không cho phép chúng phạm sai lầm. Và để giúp trẻ tránh sai lầm, thì phải dùng “biện pháp đề phòng” chứ không phải là dùng “phê bình”. Nếu trẻ có một số lỗi nhỏ như hay để quên đồ dùng học tập, nếu bố mẹ đã dùng biện pháp phân tích và đề phòng mà không khắc phục được thì đôi khi cần bỏ qua, chứ “phê bình” cũng không thể khắc phục. Không ép trẻ hứa những điều mà chúng khó thực hiện vì đó cũng là cách dồn trẻ phải nói dối, phải thất hứa, nhiều lần sẽ thành đứa trẻ thiếu tự trọng.
Sách cũng có các chương khác thú vị như không lấy việc học và bài tập làm biện pháp trừng phạt vì đó là “bài tập bạo lực”, hạn chế cho con xem tivi, phê bình thầy cô trước mặt con như thế nào, không đùa cợt làm tổn thương trẻ, coi những vấp váp của con là chuyện nhỏ, không kịch tính hóa, trầm trọng hóa vấn đề… Đồng thời, cha mẹ cũng phải biết “nghe lời” con, tức là để cho con được tự lựa chọn các giải pháp, được tự do trong những hoạt động không ảnh hưởng tới an toàn hay đạo đức, để con cảm thấy cha mẹ luôn đứng về phía mình…
Tuy nhiên, chương cuối cùng của sách lại làm mình cảm thấy bất bình. Tác giả đã quá chủ quan cho rằng “bệnh tăng động ở trẻ em là một lời dối trá”. Rõ ràng là chị không có chuyên môn về y sinh học và đọc tài liệu chưa đủ sâu rộng. Chắc chắn nhiều đứa trẻ khó bảo là do phương pháp giáo dục của cha mẹ. Nhưng một đứa trẻ khó bảo do các vấn đề tâm lý, giáo dục, rất khác với một đứa trẻ tăng động, giảm chú ý, mà vấn đề của chúng bắt nguồn từ các rối loạn y sinh, hóa sinh trong cơ thể từ lúc sơ sinh, chứ không chỉ do giáo dục hay những tác động tâm lý. Chương cuối cùng làm mình hơi thất vọng khi đặt sách xuống vì quan điểm rất chủ quan của tác giả rằng quá nhiều trẻ được gắn mác ADHD, thực ra không có hội chứng gì cả, mà chỉ do cách giáo dục của cha mẹ mà thôi. Trừ chương cuối này ra, mình nghĩ đây là một quyển sách “thú vị” và “có ích”.
Yến Khanh – Doanh nghiệp Truyền thông & Đào tạo MOSAIC