GIAO TIẾP TÍCH CỰC VỚI TRẺ PHẦN 2/4: NHỮNG CÁCH ĐỂ GIAO TIẾP HIỆU QUẢ VÀ TÍCH CỰC !!!

Việc giao tiếp hiệu quả và cởi mở rất quan trọng đối với các bậc Cha Mẹ, với trẻ và với các thành viên khác trong gia đình. Khi người Cha Mẹ hay chăm sóc giao tiếp hiệu quả và cởi mở, mối quan hệ của họ với trẻ sẽ được cải thiện, đồng thời, trẻ sẽ học được cách giao tiếp tương tự. Hơn nữa, việc giao tiếp hiệu quả là cách để phụ huynh thể hiện cho trẻ thấy sự yêu thương và tôn trọng, từ đó giúp trẻ nhận thức tốt hơn về bản thân, cải thiện sự tự tin của mình.
Sau đây là những cách để giao tiếp hiệu quả và tích cực với trẻ. Cha Mẹ có thể lựa chọn từng cách phù hợp với gia đình của mình, THỰC HÀNH, LẶP ĐI LẶP LẠI liên tục, để việc giao tiếp tích cực với trẻ trở thành một thói quen hằng ngày. Sau khi “thuần thục” một kĩ năng, Cha Mẹ có thể chuyển sang kĩ năng tiếp theo. Việc thay đổi đổi hành vi của Cha Mẹ sẽ dẫn đến thay đổi thói quen trong cung cách giao tiếp với trẻ.
👍 1. Hãy bắt đầu tập giao tiếp hiệu quả với trẻ ngay KHI TRẺ CÒN NHỎ 👍
– Trước khi các bậc Cha Mẹ và con trẻ có thể giao tiếp, cả hai phải cảm thấy đủ thoải mái. Khi con còn rất nhỏ, Cha Mẹ nên bắt đầu tạo tiền đề cho việc giao tiếp cởi mở và hiệu quả. Cha Mẹ có thể làm điều này bằng cách hãy luôn SẴN SÀNG khi con trẻ có thắc mắc hay muốn nói chuyện. Hơn nữa, những bậc Cha Mẹ dành cho con cái nhiều tình yêu thương, thấu hiểu và sự chấp nhận sẽ giúp tạo ra một môi trường giao tiếp cởi mở. Những đứa trẻ cảm thấy được Cha Mẹ yêu thương và chấp nhận sẽ dễ dàng cảm thấy cởi mở và chia sẻ những suy nghĩ, cảm xúc và mối quan tâm của mình hơn với Cha Mẹ của chúng.
– Đôi khi Cha Mẹ cảm thấy khó khăn trong việc thể hiện sự chấp nhận vô điều kiện với trẻ. Cha Mẹ cần phải THỂ HIỆN cho con trẻ thấy rằng chúng được yêu quý và được chấp nhận. Cha Mẹ có thể làm điều này bằng cả lời nói và cử chỉ.
+ Với lời nói, cha mẹ có thể cho con biết rằng con được chấp nhận qua những gì mà Cha Mẹ nói với con trẻ. Phụ huynh nên cố gắng gửi những thông điệp tích cực đến con trẻ. Ví dụ, khi trẻ nhặt đồ chơi của mình sau khi chơi xong, cha mẹ có thể cho trẻ biết rằng mình trân trọng điều đó bằng cách nói những câu như: “Ba/Mẹ rất vui khi con tự dọn đồ chơi mà không chờ Ba/Mẹ nhắc”. Khi nói chuyện với con trẻ, Cha Mẹ nên CẨN THẬN với những gì mình nói cũng như cách mình nói với trẻ. Mọi điều cha mẹ nói với con trẻ đều gửi một thông điệp về cảm nhận của mình đối với trẻ. Ví dụ, nếu cha mẹ nói “Đừng làm phiền Ba/Mẹ, Ba/Mẹ đang bận lắm”, trẻ có thể nghĩ rằng mong muốn và nhu cầu của chúng không quan trọng với Cha Mẹ.
+ Với cử chỉ, Cha Mẹ có thể cho trẻ thấy họ chấp nhận chúng thông qua những cử chỉ, nét mặt và các hành vi phi ngôn ngữ khác. Cha Mẹ nên cố gắng BỎ đi những hành vi như la mắng và không chú ý đến con cái. Những hành vi như vậy sẽ cản trở sự giao tiếp hiệu quả. Việc luyện tập sẽ giúp Cha Mẹ thành thục hơn: Cha Mẹ phải học cách thể hiện sự chấp nhận của mình với con bằng những cách mà con trẻ có thể tiếp thu được.
👍 2. Hãy giao tiếp ở mức độ PHÙ HỢP VỚI KHẢ NĂNG tiếp nhận của trẻ 👍
– Khi Cha Mẹ giao tiếp với con trẻ, điều quan trọng là họ phải HẠ MỨC ĐỘ của mình xuống, cả về lời nói và tư thế. Với lời nói, Cha Mẹ nên cố gắng sử dụng ngôn ngữ PHÙ HỢP LỨA TUỔI mà con họ có thể dễ dàng hiểu được. Với trẻ nhỏ, điều này có thể được thực hiện bằng cách sử dụng những câu từ ĐƠN GIẢN. Ví dụ, trẻ nhỏ có thể dễ dàng hiểu một câu yêu cầu như “Không đánh em”, thay vì với “Thật không thể chấp nhận được khi con làm tổn thương em”. Cha Mẹ nên cố gắng tìm hiểu xem những gì con họ có thể hiểu và không nên giao tiếp theo những cách quá mức hiểu của con. Về mặt tư thế, cha mẹ KHÔNG nên ĐỨNG CAO khi nói chuyện hoặc giao tiếp với trẻ. Thay vào đó, Cha Mẹ nên cố gắng HẠ THẤP NGƯỜI, có thể bằng cách quỳ xuống, ngồi xuống hay khom lưng, v.v. Điều này sẽ giúp duy trì việc giao tiếp bằng mắt dễ dàng hơn nhiều và trẻ ít có cảm giác bị Cha Mẹ đe dọa.
👍 3. Học cách THỰC SỰ LẮNG NGHE👍
Lắng nghe là một kỹ năng cần phải HỌC và HÀNH. Lắng nghe là một phần quan trọng của giao tiếp hiệu quả. Khi Cha Mẹ lắng nghe con cái cũng là cách họ nói với trẻ rằng họ đang rất quan tâm tới trẻ cũng như những gì con trẻ đang nói. Dưới đây là một số bước quan trọng để trở thành một người Cha Mẹ biết lắng nghe hiệu quả:
– Thực hiện và duy trì giao tiếp bằng MẮT: Cha Mẹ làm điều này sẽ cho con cái của họ thấy rằng họ đang để tâm và hứng thú với trẻ. Trẻ em có thể nhận được thông điệp ngược lại – rằng Cha Mẹ chúng không quan tâm đến những gì chúng đang nói – nếu giao tiếp bằng mắt ít được thực hiện.
– Loại BỎ SỰ PHÂN TÂM: Khi trẻ bày tỏ mong muốn được nói chuyện, Cha Mẹ nên dành cho trẻ sự chú ý tuyệt đối. Cha Mẹ nên gác lại những việc đang làm, tương tác với con cái và dành cho chúng sự quan tâm nhiều nhất . Ví dụ: nếu Cha Mẹ tiếp tục đọc báo hoặc xem tivi trong khi con cái đang cố gắng giao tiếp với họ, trẻ có thể nhận được thông báo rằng Cha Mẹ chúng không để tâm đến những gì chúng nói, hoặc những gì chúng nói là không quan trọng. Nếu trẻ bày tỏ mong muốn được nói chuyện vào lúc mà Cha Mẹ không thể, Cha Mẹ có thể HẸN một thời gian sau đó để nói chuyện với trẻ.
– Hãy NGHE, đừng nói: Cha Mẹ nên cố gắng giảm gián đoạn lời của con trẻ trong khi con đang nói. Cha Mẹ có thể khuyến khích, chẳng hạn như bằng một nụ cười hoặc một cái chạm mà không làm gián đoạn trẻ. Sự gián đoạn thường phá vỡ chuỗi suy nghĩ của người nói và điều này có thể rất khó chịu cho trẻ.
– Hãy cho con bạn biết rằng chúng đã được lắng nghe: Sau khi trẻ nói xong, Cha Mẹ có thể cho trẻ thấy rằng trẻ được lắng nghe bằng cách LẶP LẠI những gì trẻ đã nói, bằng những từ khác ĐI một chút. Ví dụ, “Con trai, có vẻ như con đã thực sự có một ngày học tốt ở trường mầm non ha.” Điều này không chỉ giúp trẻ biết rằng Cha Mẹ chúng đã lắng nghe chúng mà còn tạo cơ hội để làm rõ hơn nếu như Cha Mẹ hiểu sai thông điệp mà con đang cố gắng bày tỏ.
👍 4. Hãy trò chuyện NGẮN GỌN 👍
Trẻ càng nhỏ càng khó ngồi yên để nghe một đoạn nói dài dòng. Một nguyên tắc cho Cha Mẹ đó là hãy nói chuyện với trẻ nhỏ không quá 30 giây, sau đó yêu cầu trẻ NHẬN XÉT về những gì đã nói. Mục đích là để Cha Mẹ truyền tải thông tin mỗi lần một ít trong khi kiểm tra xem con trẻ có đang chú ý và hiểu những gì Cha Mẹ nói trong khoảng thời gian đều đặn đó hay không. Cha Mẹ nên để con tự quyết định khi nào là đủ. Cha Mẹ có thể để ý dấu hiệu xem khi nào trẻ đã thấy đủ. Một số dấu hiệu bao gồm bồn chồn, giảm giao tiếp bằng mắt lại, mất tập trung, v.v. Cha Mẹ cần biết khi nào cần giao tiếp với con, nhưng họ cũng cần biết khi nào nên dừng lại.
👍 5. Đặt câu hỏi ĐÚNG đắn 👍
Một số câu hỏi giúp ích cho các cuộc trò chuyện, trong khi một số câu hỏi có thể ngăn các cuộc trò chuyện bị gián đoạn. Cha Mẹ nên cố gắng đặt những CÂU HỎI MỞ trong cuộc trò chuyện với con cái. Những câu hỏi như vậy thường yêu cầu một câu trả lời sâu hơn và giúp cuộc trò chuyện được tiếp tục. Câu hỏi mở bắt đầu bằng các từ như “cái gì”, “ở đâu”, “ai” hoặc “bằng cách nào” thường rất hữu ích trong việc giúp trẻ cởi mở hơn. Cha Mẹ nên cố gắng TRÁNH những câu hỏi chỉ cần trả lời “CÓ” hoặc “KHÔNG”. Mặc dù đặt những câu hỏi phù hợp có thể giúp ích cho cuộc trò chuyện, nhưng Cha Mẹ cần lưu ý KHÔNG ĐẶT QUÁ NHIỀU câu hỏi trong khi trò chuyện với con cái. Khi điều này xảy ra, các cuộc trò chuyện có thể nhanh chóng chuyển thành các cuộc “hỏi cung” và trẻ sẽ thu mình lại.
👍 6. Thể hiện cảm xúc và suy nghĩ CỦA MÌNH khi giao tiếp với trẻ 👍
Giao tiếp hiệu quả phải là một con đường HAI CHIỀU. Cha Mẹ không chỉ phải sẵn sàng và lắng nghe con cái của họ để quá trình giao tiếp diễn ra hiệu quả, họ cũng phải sẵn sàng chia sẻ những suy nghĩ và cảm xúc của riêng mình với con cái của họ. Cha Mẹ có thể dạy con nhiều điều, ví dụ, đạo đức và giá trị bản thân, bằng cách bày tỏ suy nghĩ và cảm xúc của mình. Tuy nhiên, khi bày tỏ ý kiến và cảm xúc của mình, Cha Mẹ phải cẩn thận làm theo cách không phán xét. Cha Mẹ càng cởi mở với con thì con trẻ sẽ càng cởi mở hơn với mình.
👍 7. Thường xuyên lên LỊCH họp gia đình hoặc dành khoảng thời gian để nói chuyện 👍
Một công cụ giao tiếp hữu ích cho các gia đình có trẻ lớn chính là việc có một thời gian biểu cho khoảng thời gian nói chuyện mà cả gia đình tụ họp lại. Điều này có thể được thực hiện theo một số cách.
Đầu tiên, phải kể đến buổi họp mặt gia đình. Các cuộc họp gia đình có thể được lên LỊCH, chẳng hạn, mỗi tuần một lần và/hoặc bất cứ khi nào có điều gì đó mà gia đình cần thảo luận. Gia đình có thể sử dụng thời gian họp gia đình này để nói về những thứ trong cuộc sống hàng ngày, ví dụ như việc nhà, giờ giới nghiêm và giờ đi ngủ. Thời gian họp mặt gia đình cũng có thể được sử dụng để xoa dịu những bất bình và để giải quyết các vấn đề. Khoảng thời gian này cũng có thể được dùng để nói về những điều tích cực đã xảy ra trong tuần trước. Điều quan trọng là mỗi thành viên trong gia đình phải có thời gian để TRÒ CHUYỆN và được các thành viên khác trong gia đình LẮNG NGHE.
Việc nói chuyện trong thời gian định kì này không nhất thiết phải quá trang trọng. Ví dụ, các gia đình có thể sử dụng giờ ăn tối hàng đêm làm thời gian để trò chuyện với nhau. Hoặc, cha mẹ có thể dành thời gian để chơi các trò chơi giao tiếp, chẳng hạn như chọn các chủ đề thảo luận cụ thể và cho mọi người trong gia đình có cơ hội bày tỏ ý kiến của mình. Điều quan trọng là gia đình dành thời gian ĐỀU ĐẶN để GIAO TIẾP với nhau.
👍 8. THỪA NHẬN khi bạn không biết điều gì đó 👍
Khi con trẻ hỏi những câu hỏi mà Cha Mẹ không thể trả lời, Cha Mẹ nên thừa nhận rằng mình không biết. Cha Mẹ có thể sử dụng những trường hợp như vậy làm kinh nghiệm học tập cho mình. Ví dụ, Cha Mẹ có thể DẠY CON cách tìm hiểu điều mà trẻ chưa biết bằng cách đưa trẻ đến thư viện, sử dụng bách khoa toàn thư, v.v. Tốt hơn hết là Cha Mẹ nên cho con cái thấy rằng Cha Mẹ cũng là con người bình thường, và do đó không thể biết tất cả mọi thứ, thay vì cố gắng đưa ra một số câu trả lời có thể không chính xác.
👍 9. Cố gắng GIẢI THÍCH đầy đủ cho trẻ 👍
Khi trả lời câu hỏi của trẻ, Cha Mẹ nên cố gắng cung cấp cho con nhiều thông tin cần thiết, ngay cả khi chủ đề là điều mà Cha Mẹ không cảm thấy thoải mái khi thảo luận. Điều này không có nghĩa là Cha Mẹ phải đi sâu vào chi tiết. Điều quan trọng là Cha Mẹ phải biết con cần bao nhiêu thông tin và sau đó cung cấp cho chúng. Cha Mẹ nên đảm bảo rằng thông tin họ cung cấp cho con là phù hợp với lứa tuổi. Cha Mẹ cũng nên khuyến khích con trẻ đặt câu hỏi. Điều này sẽ giúp Cha Mẹ tìm ra thông tin mà con đang tìm kiếm. Không cung cấp đủ thông tin có thể dẫn đến việc trẻ đưa ra kết luận không đúng.
Giao tiếp cởi mở và hiệu quả cần rất nhiều CÔNG SỨC và LUYỆN TẬP CHĂM CHỈ. Cha Mẹ nên nhớ rằng không ai là hoàn hảo cả. Ai cũng có những sai lầm. Điều quan trọng là cha mẹ phải nỗ lực để giao tiếp hiệu quả với con cái của họ, bắt đầu từ khi con họ còn rất nhỏ. Kết quả là Cha Mẹ sẽ tạo được một mối quan hệ tích cực và gần gũi hơn giữa cha mẹ và con trẻ.
Lược dịch từ tài liệu của Kristin & Nicholas Long, Khoa Nhi, đại học Arkansas
Contact Me on Zalo
0912 218 692