KHÁM PHÁ PHỔ RỐI LOẠN CẢM GIÁC

Một trẻ đặc biệt, khi được chẩn đoán thường chỉ được chú ý, quan sát về khả năng giao tiếp ,tình trạng chậm nói hay cách xử dụng công cụ, đồ chơi, cách tương tác và năng lực về nhận thức . Nếu có quan sát kỹ hơn, thì có thể ghi nhận các hành vi bất thường của trẻ, và xem đó là một trong những dấu hiệu của trẻ tự kỷ .
Thế nhưng, nếu cần phải có sự chẩn đoán , đánh giá xem xét kỹ lưỡng về những đáp ứng của trẻ qua các giác quan, từ việc sờ chạm, nghe, nhìn, nếm , ngửi cho đến khả năng thăng bằng, và nhận thức về bản thân . Đó chính là những dấu hiệu cho thấy có hay không tình trạng RỐI LOẠN XỬ LÝ CẢM GIÁC của trẻ . Điều này được xem là nguồn gốc hay nguyên nhân gây ra những phản ứng bất thường trong nhiều lĩnh vực của trẻ ..
Sau khi sinh ra, hệ thống thần kinh của trẻ bắt đầu tiếp xúc với môi trường bên ngoài qua 5 giác quan : Nhìn – nghe – sờ chạm – nếm – ngửi – Cùng một số nhu cầu về bản năng cơ bản ( ăn uống, ngủ và cảm xúc ) Đến khi biết đi và có mối tương tác với mẹ, trẻ phát triển thêm 3 năng lực : Khả năng thăng bằng – sự cảm nhận về bản thân. và ý thức bên trong cơ thể .
Chúng ta thấy rằng trẻ tiếp xúc với thế giới qua các giác quan, trẻ học tập qua giác quan và phát triển vận động để tự lập và khởi đầu trong mối quan hệ. Giai đoạn cảm giác vận động là giai đoạn khởi đầu của quá trình phát triển nhận thức (Piaget).
Với một trẻ bình thường, thì sự phát triển giác quan sẽ giúp cho trẻ có khả năng giao tiếp bằng cái nhìn, phân biệt được khuôn mặt của người mẹ và những người khác . Trẻ cũng nghe được những âm thanh quen thuộc Đặc biệt là XÚC GIÁC VÀ VỊ GIÁC giúp cho trẻ cảm thấy yên ổn, dễ chịu với sự ôm ấp vuốt ve của người mẹ. Thích thú hưởng thụ vị ngọt của sữa và phản ứng với các vị khác. Tất cả những phát triển đó giúp cho trẻ có được sự quân bình về giác quan để phát triển một cách hài hòa.
VỚI TRẺ ĐẶC BIỆT thì không như vậy. Sự cảm nhận hay tiếp thu các cảm giác không quân bình. Có trẻ thì quá nhạy cảm, có trẻ thì quá thờ ơ với những tác động của ánh sáng, âm thanh, sự sờ chạm và các hương vị của thức ăn, đồ uống cùng với những phản ứng hay hành vi kỳ lạ..
Khi trẻ không có được sự quân bình về giác quan , ta gọi đó là tình trạng rối loạn chức năng hòa nhập cảm giác , hay tình trạng RỐI LOẠN QUÂN BÌNH CẢM GIÁC ( Sensory Processing Disoder) hoặc ngắn gọn là rối loạn cảm giác. Sự mất quân bình về cảm giác sẽ tạo ra những phản ứng và hành vi không bình thường. Điều này sẽ khó hiểu nếu không biết đến khả năng tiếp nhận cảm giác của trẻ.
Rối loạn cảm giác hiện diện trong nhiều lãnh vực phát triển khác nhau của trẻ như nhận thức, vận động, xã hội/cảm xúc, âm ngữ/ngôn ngữ hay chú ý. Khi có khó khăn về cảm giác, trẻ không thể phản ứng một cách phù hợp với những cảm giác đã tiếp nhận cũng như sẽ có những khó khăn không thích nghi với môi trường bên ngoài.
Chính những rối loạn về giác quan ( Nhìn /nghe / sờ chạm /sự quân bình và sự cảm thụ bản thân) đã làm bộc lộ những khó khăn trong nhiều lĩnh vực khác nhau như:
– Có những phản ứng quá mức hay dưới mức bình thường với các cảm giác thông qua các giác quan .
– Có sự tăng động hoặc ngược lại, quá thụ động
– Kém tập trung , có hành vi cẩu thả hay bốc đồng.
– Vụng về và Kém khả năng thích nghi với môi trường
– Chậm nói và chậm phát triển về vận động
– Khó kiểm soát cảm xúc ( dễ cười/khóc hay cáu gắt ) và không có khả năng tự ổn định.
Tình trạng mất quân bình về khả năng tiếp nhận cảm giác hay hội chứng Rối loạn xử lý cảm giác ( SPD ) không chỉ là các dấu hiệu đặc trưng cho trẻ Rối loạn Phổ Tự Kỷ ( ASD) hay Rối loạn tăng động – giảm chú ý ( ADHD) mà là các rối loạn chuyên biệt cho một hay nhiều trong 8 giác quan của con người . ( Ngũ giác : Mắt – Tai – Tay và da – mũi – lưỡi cùng 3 giác quan là Hệ tiề đình – Hệ Cảm thụ bản thân Và Hệ Nội cảm .
Như vậy , một trẻ tự kỷ hay tăng động / kém chú ý có thể có thêm các rối loạn giác quan nhưng ngược lại thì một trẻ rối loạn giác quan không thể xem là tự kỷ hay tăng động .
Theo tác giả Carol Kranowitz trong The Out – of – Sync Child (Đứa trẻ rối loạn) thì có nhữngTrẻ vừa có thể phản ứng thái quá vừa kém phản ứng trong cùng một hệ thống cảm giác, hoặc cũng có thể phản ứng thái quá với một loại cảm giác này và kém nhạy cảm đối với loại cảm giác khác, hoặc có thể phản ứng khác nhau đối với cùng một kích thích phụ thuộc vào thời gian và hoàn cảnh, thay đổi liên tục. Hôm qua, sau một thời gian nghỉ dài, cậu bé chịu đựng khá tốt tiếng chuông báo cháy; hôm nay, không có thời gian nghỉ, cậu bé lại trở nên khó kiểm soát với tiếng đóng cửa nhẹ. Hoàn cảnh tạo nên sự khác biệt lớn”. Chính những phản ứng trái ngược nhau ở cùng một đứa trẻ đã khiến cho việc điều chỉnh các rối loạn về cảm giác là không hề dễ dàng
Khi một đứa trẻ có những biểu hiện không bình thường về hành vi và sự đáp ứng hay kém thích nghi với môi trường – Ngoài các chẩn đoán về tình trạng tự kỷ hay tăng động kém chú ý với những dấu hiệu đặc thù, thì chúng ta cần đặt vấn đề về khả năng rối loạn hòa nhập cảm giác của trẻ. Để từ đó, trong kế hoạch can thiệp, cần có những biện pháp điều hoà cảm giác phù hợp. Những dấu hiệu thường thấy là :
• Chậm nói, chậm phát triển vận động – kém thích nghi với môi trường mới
• Kém tập trung – Cẩu thả/ bốc đồng và vụng về trong các vận động.
• Không có khả năng tự ổn định
• Có phản ứng quá mức hoặc dưới mức đối với các cảm giác xúc giác, chuyển động, hình ảnh hay âm thanh
• Khái niệm về bản thân hay lòng tự trọng kém – Các vấn đề về cảm xúc hay xã hội
• Mức hoạt động quá mức hay dưới mức bình thường
Chính những khó khăn về sự tiếp nhận và điều hòa cảm giác, khiến trẻ trở nên hiếu động, bộc phát những ành vi không bình thường để đi tìm cảm giác qua các phản ứng như sau :
– Liên tục di chuyển – Nhảy, leo trèo lên TẤT CẢ MỌI ĐỒ VẬT
– Không quan tâm đến nguy hiểm khi chơi đùa – Có các hành vi tự kích thích như vỗ tay/lắc tay
– Liên tục chạm vào đồ vật hoặc người khác – Thích thú nhìn những vật quay tròn
– Nói liên tục (nhiều khi không có nghĩa) – Nếm, liếm và ăn các đồ vật không ăn được
– Không biết đợi đến phiên của mình
Các hành vi này hoàn toàn tương thích với hành vi của trẻ tăng động – giảm chú ý . Nhưng đó không phải là tình trạng tăng động giảm chú ý vì có những trẻ tăng động hay kém chú ý nhưng không có tình trạng Rối loạn xử lý cảm giác .
TƯƠNG QUAN GIỮA RỐI LOẠN CẢM GIÁC VÀ TỰ KỶ :
Giữa một trẻ có tình trạng rối loạn cảm giác và một trẻ có tình trạng rối loạn phổ tự kỷ có mối tương quan nào hay không – Có thể nói, rối loạn cảm giác cũng có một phổ rộng như tự kỷ và cũng phức tạp và phổ biến không kém tình trạng tự kỷ . Một nghiên cứu năm 2009 của Viện Child Mind Institut cho thấy có một tỷ lệ khá lớn là cứ 6 đứa trẻ, thì sẽ có 1 trẻ có tình trạng rối loạn cảm giác ( Cao hơn cả tỷ lệ tự kỷ và tăng động kém chú ý ) khiến trẻ có khó khăn trong việc học và khả năng cư xử tại nhà trường . Báo cáo cũng cho thấy rằng không chỉ trẻ Tự kỷ thường gặp vấn đề về xử lý cảm giác, mà ngay cả trẻ tăng động kém chú ý hay Chậm phát triển cũng có thể gặp . Tuy nhiên, điều đáng chú ý là ngay cả trẻ bình thường cũng có thể mắc phải tình trạng rối loạn cảm giác này .
Điều đó có nghĩa là : Trẻ Tự kỷ và trẻ rối loạn xử lý cảm giác là hai thể khác nhau – Trẻ tự kỷ có thể có tình trạng rối loạn xử lý cảm giác , nhưng trẻ rối loạn xử lý cảm giác thì không phải là trẻ tự kỷ . Một trẻ rối loạn cảm giác vẫn có khả năng giao tiếp một cách bình thường. Nhưng tình trạng này có thể gặp ở trẻ Tăng động giảm chú ý ( ADHD ) Hay trẻ bị chứng Rối loạn ám ảnh cưỡng chế ( OCD )
Trẻ có tình trạng này cũng có nhiều mức độ khác nhau, từ nhẹ đến nặng . Các rối loạn này sẽ dẫn đến hàng loạt những khó khăn về cảm xúc, vận động và ứng xử, khiến trẻ có thể gặp nhiều trở ngại trong các sinh hoạt tại gia đình cũng như việc học tập tại trường học .
Trẻ rối loạn cảm giác ( SPD) có thể bị chẩn đoán nhầm sang trẻ rối loạn tự kỷ ( ASD) và ngược lại , nếu chúng ta không căn cứ vào các khó khăn cốt lõi của chúng, mà chỉ dựa trên các phản ứng hay hành vi bên ngoài của trẻ . Một trẻ rối loạn Cảm Giác thường có các hành vi tránh né cảm giác hay đi tìm cảm giác , và thường thì các rối loạn sẽ được thể hiện khá rõ qua những thái độ bất thường của trẻ . Nhưng trẻ sẽ không bộc lộ những hạn chế trong khả năng giao tiếp và hành vi, lời nói rập khuôn như trẻ tự kỷ . Chính những khó khăn trong giao tiếp , những hạn chế về ngôn ngữ và hành vi rập khuôn mới là yếu tố để xác định tình trạng tự kỷ, chứ không phải các hành vi mất kiểm soát về vận động , đi nhón gót, xoay vòng tròn hay có những khó khăn về ăn uống như ở một trẻ rối loạn về cảm giác .
Đối với trẻ Rối loạn xử lý Cảm giác , thì các hoạt động Hoà nhập cảm giác ( Đối với tre thì TRÒ CHƠI CẢM GIÁC là các hoạt động có hiệu quả nhất ) là bước khởi đầu để giúp trẻ tự điều chỉnh và thích nghi với những kích thích từ môi trường sống và thiết lập nhịp điệu sinh học cho chính mình. Khi trẻ ổn định và thoải mái, dễ chịu, trẻ sẽ dễ dàng và sẵn sàng hơn cho hoạt động tương tác và liên hệ với người chăm sóc hay nhà trị liệu. Khi mối quan hệ được thiết lập, lúc đó các bước trị liệu tiếp theo có thể diễn ra một cách dễ dàng và thuận lợi hơn .
CVTL.LÊ KHANH
Contact Me on Zalo
0912 218 692