PHẦN II: NGÔN NGỮ LÀ NỀN TẢNG PHÁT TRIỂN KĨ NĂNG XÃ HỘI
Chuyên gia Lorna Wing nói rằng tất cả trẻ con và người lớn bị tự kỷ đều có trở ngại về vấn đề ngôn ngữ. Ngôn ngữ của họ có thể bị khiếm khuyết hay không bị khiếm khuyết về văn phạm, ngữ vựng, ngay cả họ có khả năng định nghĩa từ vựng một cách chính xác, tuy nhiên, trở ngại về ngôn ngữ của họ chính là cách sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp xã hội (pragmatics), bất kể họ dùng loại ngôn ngữ nào (.
Chuyên gia Deborah Fein và Michelle A. Dunn giải thích thêm rằng cách sử dụng ngôn từ trong giao tiếp xã hội (pragmatics or the use of languages) là một khiếm khuyết chung của trẻ tự kỷ ở bất cứ dạng tự kỷ nào. Khả năng sử dụng ngôn ngữ bao gồm sự chào hỏi, nhận định, đặt câu hỏi, trả lời, đồng ý, yêu cầu, phản đối. Trẻ tự kỷ thường dùng ngôn ngữ hạn chế của mình để khống chế, điều tiết với môi trường hơn là để hòa nhập hay giao tiếp xã hội. Lúc còn nhỏ, trẻ tự kỷ có khả năng ngôn ngữ có thể dùng từ ngữ để yêu cầu hay phản đối một điều gì đó, nhưng các em không có khả năng mở lời chào đón, phê bình hay đặt vấn đề (ngoại trừ đó là những chủ đề về sở thích các em rất ưa chuộng) (9).
Khả năng sử dụng ngôn từ còn bao gồm khả năng đối thoại, biết duy trì chủ đề, nhận biết những phát biểu của người đối thoại, biết có ý kiến hay bổ xung vào những lời phát biểu của người khác, đồng thời biết kiềm giữ mức độ giao thiệp bằng mắt và khoảng cách giữa mình và người đối thoại. Trẻ tự kỷ thường có khó khăn về âm giọng, nhịp điệu trong lời nói. Trẻ tự kỷ có khi nói chuyện quá to, quá nhỏ, quá máy móc, đơn điệu, và thiếu tự nhiên (9).
Sự giới hạn hay khiếm khuyết về nói/ngôn ngữ là nguyên nhân khiến trẻ tự kỷ không thể bày tỏ nhu cầu, ý muốn hay giao tiếp với mọi người. Sự trị liệu về nói/ngôn ngữ là điều cần thiết cho sự phát triển kỹ năng xã hội, bởi vì khi trẻ tự kỷ có sự tiến bộ về kỹ năng giao tiếp bằng lời hoặc không bằng lời thì tự nhiên những hành vi thách đố, tiêu cực sẽ giảm dần theo thời gian (10).
Theo chuyên gia Wallin J., các em tự kỷ ở các lớp mầm non rất khó tiếp thu hay bắt chước kỹ năng xã hội từ các trẻ có sự phát triển bình thường vì những lý do sau đây (11):
1) Trẻ tự kỷ muốn trốn tránh sự giao tiếp hằng ngày.
2) Trẻ tự kỷ vô tư, vô cảm, và thụ động.
3) Trẻ tự kỷ rất vụng về trong cư xử, lời nói, đi đứng và trong mọi hoạt động.
Ở các lớp mầm non, các em tự kỷ lên cơn, trốn chạy, hoặc lẩn tránh giao tiếp khi giáo viên, phụ giáo yêu cầu các em tham gia sinh hoạt nhóm có thể vì các em bị chứng tăng động hay rối loạn về giác quan. Một số nhà chuyên môn gợi ý rằng trước khi dạy trẻ tự kỷ về kỹ năng xã hội, giáo viên và phụ huynh nên lưu ý đến vấn đề môi trường có tạo nên sự kích thích về cảm giác, gây khó khăn cho sự can thiệp, học tập cho các em hay không.
Những cảm giác bất thường là một trong những biểu hiện liên quan đến tự kỷ, bất luận các em có chẩn đoán thuộc dạng nào trong rối loạn phổ tự kỷ. Sự nhạy bén về cảm giác được hiểu như là những cảm giác vượt quá sự chịu đựng, gây điên tiết hay đau đớn cho trẻ tự kỷ trong quá trình tiếp nhận những tác động từ môi trường sống. Ví dụ:
Về nghe, trẻ tự kỷ không thích tiếng trẻ khóc, tiếng chó sủa, tiếng bánh xe, tiếng máy hút bụi, chuông trường reng, còi báo động, còi xe cứu thương, cảnh sát, chữa lửa, nghe giọng cao rít, nghe người khác nhai đồ ăn trong miệng, nghe tiếng quạt, hoặc tiếng máy điều hòa không khí.
Về thấy, các em tự kỷ không thể chịu đựng khi nhìn một số màu sắc hay ánh đèn nào đó. Về ngửi, các em tự kỷ không thích ngửi một số mùi thức ăn, mùi dầu thơm, mùi thuốc xì gà, thuốc lá. Về khẩu vị, một số thức ăn như cà rốt, hành, đậu hay những thức ăn mềm như pudding, Jello-O, jelly có thể gây trẻ tự kỷ mắc nghẹn, ói mửa. Về sự vuốt ve hay va chạm, phần lớn các em tự kỷ không thích người khác vỗ về từ phía sau một cách bất ngờ. Không thích được ôm chầm, bắt tay, không thích mặc áo quần chật, vải thô, không thích sờ vật thể quá mềm hay quá cứng, hoặc ẩm ướt.
Những cảm giác bất thường của các em tự kỷ ở nhà trẻ có thể phân thành 3 loại:
1) Thiếu phản ứng về cảm giác: Trẻ tự kỷ nhiều lúc mặc nhiên, không quan tâm đến tiếng động, dửng dưng trong đối thoại, hoặc làm ngơ khi gặp mặt người khác. Có lúc trẻ tự kỷ không tỏ vẻ đau đớn khi bị té trầy, dập mặt, dập tay chảy máu.
2) Phản ứng mạnh về cảm giác: Trẻ tự kỷ nhiều lúc rất nhạy cảm đối với ánh đèn, tiếng động, tiếng máy. Nhiều em bịt tai và cúi mặt khi nghe những âm thanh mà người khác ít khi chú ý, như âm thanh rè rè phát ra từ đèn điện.
3) Những hành vi tự kích: Hành vi tự kích là những hoạt động có tính rập khuôn, lặp lại rất giống nhau của trẻ tự kỷ. Trẻ tự kỷ thường có những hành vi tự kích để tự làm mình dễ chịu, để chống lại những căng thẳng, những bất an, lo lắng trong tình huống nào đó, để cảm thấy an toàn và làm chủ được môi trường.
Riêng về mối quan hệ giữa ngôn ngữ và kỹ năng xã hội, Quill K. A. lý luận rằng các em tự kỷ có trở ngại về ngôn ngữ thì khó lòng tiếp thu hoặc bắt chước kỹ năng xã hội từ những trẻ bình thường trong lớp học. Tuy nhiên, sự giao tiếp không dùng lời, bằng chỉ dấu (sign laguage), điệu bộ thân thể, hoặc nhiều phương tiện khác có thể làm khởi điểm cho sự giáo dục kỹ năng xã hội cho các em chưa biết dùng lời nói (12).
Danang Ho
Tài liệu tham khảo
9.Deborah Fein & Michelle A. Dunn (2007), Autism in Your Classroom.
10.Car & Durand (1985), Reducing behavior problems through functioning communication training.
11.Wallin J.(2004),http://polyso.com/socialstories/introduction.html
12. Quill, K.A. (1995), Strategies to enhance communication and socialization