NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT TRƯỚC KHI THAM VẤN TÂM LÝ (Phần 2)

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT TRƯỚC KHI THAM VẤN TÂM LÝ (PHẦN 2)
Phần này đề cập đến: Khám tâm lý tại bệnh viện hay trung tâm? Chuyên gia đầu ngành có phải là tốt nhất? Có nên chọn theo kĩ thuật trị liệu? Nếu tham vấn, trị liệu không hiệu quả thì do đâu? Nếu không thiện cảm với nhà tâm lý thì làm thế nào?
❓ Nên đi khám tâm lý ở bệnh viện tâm thần hay tại trung tâm tham vấn, trị liệu tâm lý?
Dưới đây là một số điểm ưu thế hơn của mỗi nơi:
✅ Tại bệnh viện tâm thần hoặc bệnh viện có chuyên khoa tâm thần, tâm lý lâm sàng:
– Hỗ trợ điều trị ban đầu phù hợp hơn với người có triệu chứng hoang tưởng, ảo giác và những triệu chứng đó làm cuộc sống của họ khổ sở. Chẳng hạn thấy mình mọc thêm một con mắt; thấy đồ vật trong nhà nói chuyện với mình; liên tục nghĩ mình bị đầu độc, không đưa ra được lý lẽ phục nào và thực tế không xảy ra chuyện đó;…
– Các rối loạn phát triển ở trẻ em (có dấu hiệu chậm phát triển, tự kỉ, tăng động giảm chú ý,…) có thể được chẩn đoán tin cậy tại bệnh viện, nếu cha mẹ chưa biết về các trung tâm tâm lý uy tín, trong bối cảnh nhiều cơ sở dạy trẻ tự phát, không có chuyên môn vẫn đang hoạt động.
– Chi phí phù hợp với cả những người hạn chế về tài chính. Theo bảng phí dịch vụ bệnh viện công (link khảo [1] [2] [3] được đặt cuối bài viết), một lần khám có mức phí khoảng 39.000đ. Nếu khám tự nguyện hoặc khám chuyên gia theo yêu cầu thì phí từ 70.000đ đến 200.000đ. Thực hiện mỗi loại trắc nghiệm tâm lý khoảng 20.000đ đến 60.000đ. Ví dụ một bệnh nhân khám thường, thực hiện 4 bài test tâm lý với mức phí lần lượt là 20-20-40-60 ngàn đồng, thì tổng phí khám tâm lý lần đầu là 180.000đ, chưa tính tiền khám loại trừ vấn đề não bộ, cơ thể và thuốc kê đơn (nếu có). Trong khi đó, phí tham vấn với nhà tâm lý thường từ 300.000đ (xem thêm link [3] và [4] ở cuối bài viết).
✅ Tại trung tâm tâm lý:
– Được hỏi chuyện kĩ để hiểu bối cảnh sống và các thói quen vận hành tâm trí. Một buổi thăm khám tâm lý có thời gian khoảng 50 đến 90 phút với người lớn. Một số trắc nghiệm đánh giá tâm lý được thực hiện, phân tích, phản hồi kết quả trong 1-2 buổi. Trong khi đó, tại bệnh viện, thời gian hỏi chuyện của một bác sĩ tâm thần tận tâm là 15 phút, các bản trắc nghiệm tâm lý được tiến hành nhanh chóng, xử lý mang tính kĩ thuật để lấy con số và trả kết quả ngay trong buổi. Tại bệnh viện, đặc biệt là bệnh viện công rất đông, nên không có thời gian để lắng nghe, tìm hiểu kĩ vấn đề tâm lý của người đến khám. Nhìn chung, đánh giá tâm lý tại trung tâm, hoặc với các nhà tâm lý độc lập được tiến hành kĩ lưỡng, giúp hiểu sâu về tâm lý và có giá trị trị liệu tinh thần hơn so với khi làm tại bệnh viện (Bệnh viện quốc tế thì mình chưa được biết).
– Nếu vấn đề chỉ tập trung ở khía cạnh tâm lý, không cần chăm sóc tâm thần hoặc thần kinh thì nên đến trung tâm tâm lý hoặc gặp các nhà tâm lý hành nghề độc lập.
– Nhiều trung tâm tâm lý can thiệp rối loạn phát triển cho trẻ em có kết nối với nhà trẻ, trường mẫu giáo, giúp phụ huynh yên tâm gửi bé đến trị liệu và đến trường rồi cuối chiều đón về nhà, không phải chỉ đến trị liệu như tại bệnh viện.
❓ Có phải tìm đến chuyên gia đầu ngành, nhà tâm lý có học vị cao thì sẽ được hỗ trợ tốt nhất?
Không hẳn. Hiện các chuyên gia đầu ngành của ngành Tâm lý học là các giáo sư tại trường đại học – những người có đóng góp lớn về nghiên cứu và giảng dạy Tâm lý học. Các tiến sĩ Tâm lý học tại Việt Nam chủ yếu cũng hoạt động trong lĩnh vực giảng dạy, nghiên cứu. Do đó, tiêu chí chuyên gia, học vị rất cần thiết nếu bạn đang tìm kiếm khóa học về tâm lý hoặc các dự án tâm lý ứng dụng. Còn với mục tiêu tham vấn, trị liệu, cần hiểu rằng có nhiều yếu tố làm nên chất lượng tốt, như:
– Mức độ mà bạn sẵn sàng để nhìn sâu vào bản thân và thử nghiệm, cam kết với sự thay đổi
– Sự ấm áp, chân thực, tôn trọng, nâng đỡ, chiều sâu, trải nghiệm sống, lòng mong muốn điều tốt, thái độ không (hoặc rất ít) phán xét, tinh thần yêu quý con người và cuộc sống,… của nhà tâm lý
– Sự tương hợp giữa tính cách cá nhân của bạn và của nhà tâm lý
– …
❓ Có nên tìm nhà tâm lý sử dụng kĩ thuật can thiệp mình mong đợi ko?
Ngày càng dễ để đọc thông tin về một số kĩ thuật hoặc phương pháp đánh giá và hỗ trợ tâm lý như CBT (nhận thức hành vi), MBCT (trị liệu nhận thức dựa vào chánh niệm), DBT (trị liệu hành vi biện chứng), thăm dò vô thức, thôi miên,… Bạn có thể ấn tượng với một phương pháp nào đó, vì đọc thấy nó rất hay, hoặc được biết rằng nhiều nghiên cứu ủng hộ tính hiệu quả của phương pháp đó.
Tuy nhiên, quá trình nhìn sâu vào tâm hồn, nhìn thấy đúng nỗi đau như nó vốn là, chấp nhận và giải phóng bản thân cần nhiều hơn các kĩ thuật hay bài tập. Một mối quan hệ trị liệu an toàn, chân thực và đủ sức dung chứa mới là nền tảng để các kĩ thuật giúp ích được cho bạn.
Bên cạnh đó, bạn sẽ thấy một số kĩ thuật, phương pháp trị liệu được nhiều bằng chứng khoa học ủng hộ hơn là vì… chúng khả thi để thiết kế thực nghiệm khoa học và đo lường. Điều đó không có nghĩa rằng, những kĩ thuật, phương pháp không dễ hoặc không đo lường được thì sẽ không hiệu quả trên cá nhân bạn.
Việc tự gia tăng hiểu biết về kĩ thuật, phương pháp hỗ trợ tâm lý sẽ giúp ích bạn làm chủ hơn về phân tích tâm lý cá nhân. Tuy nhiên, đừng để kĩ thuật trị liệu trở thành một chấp niệm. Mối quan hệ trị liệu mới là nền tảng.
❓ Nếu tôi gặp nhà tâm lý và không thấy hiệu quả, phải chăng vấn đề của tôi không thể giải quyết bằng tham vấn, trị liệu tâm lý?
Không chắc mà cũng có thể. Sự thiếu hiệu quả của bạn có thể rơi vào những tình huống sau:
– Nhà tâm lý chưa tìm cách để hiểu được đúng cảm nhận của bạn, hoặc chưa đủ năng lực để nhận ra và đồng hành với bạn. Một nhà tâm lý khác có thể sẽ giúp bạn được tốt hơn.
– Sự nóng lòng muốn cải thiện vấn đề của bạn đang làm bạn chưa chấp nhận những chuyển biến nhỏ ban đầu (đôi khi còn là sự thụt lùi tâm trạng đến mức muốn chạy trốn khỏi bất cứ quá trình nào nhìn sâu vào tâm trí).
– Bạn có thể thử những tiếp cận chữa lành khác như yoga, du lịch, xa phố về nơi thanh vắng một thời gian,… Sự nghỉ ngơi và rút khỏi các kích thích quá tải một thời gian mới là điều bạn cần, chứ không phải cố xử lý các vấn đề tâm trí.
❓ Nếu tôi thấy nhà tâm lý khó ưa, làm sao đây?
Nếu cảm giác khó ưa xuất phát từ những điều sau đây, bạn hãy cân nhắc ngừng làm việc với nhà tâm lý ấy: chi phí quá cao mà không hỗ trợ gì mấy; không hề lắng nghe và quên cả điều bạn nói; ép buộc bạn phải đi theo điều họ cho là đúng; nhiều lần hạ thấp bạn và không hề ý thức về hành động đó;… Nghĩa là bạn đã quan sát rõ ràng thấy nhà tâm lý đó hành nghề thiếu đạo đức.
Nếu cảm giác khó ưa mơ hồ hơn, giống như sự phật lòng hoặc bị tổn thương từ tương tác với nhà tâm lý, nhưng vẫn nhận thấy nhà tâm lý rất nỗ lực lắng nghe, suy nghĩ, hỗ trợ mình, thì bạn hãy nói ra cảm nhận với nhà tâm lý. Thực tế, cảm nhận phật ý hoàn toàn có thể diễn ra trong mối quan hệ trợ giúp tâm lý và cần là một “chất liệu” để nhận ra những yếu tố tâm lý bị ẩn giấu để chữa lành.
Những nhà tâm lý tận tâm với nghề và đủ năng lực đều được học rằng, cần làm việc với “chất liệu” ấy để thực sự giúp đỡ khách hàng. Một mối quan hệ trị liệu nói riêng và bất kì mối quan hệ nào, chỉ mang tính an toàn khi kể cả sự phật lòng, thậm chí ghét bỏ được cùng nhau đối diện và tìm cách đúng để chấp nhận và chuyển hóa.
Đặng Hoàng Ngân, Tiến sĩ Tâm lý học
Tham khảo thêm:
[1] Bảng giá được Bệnh viện Tâm thần Phú Thọ niêm yết: https://benhvientamthanphutho.com.vn/bang-gia-mot-so-dich…
[2] Thông tư của Bộ Y tế về khung giá khám chữa bệnh (29/6/2023): http://soyte.baria-vungtau.gov.vn/…/2029316/18298.pdf – để thuận tiện, hãy Ctrl + F với từ khóa “tâm lý”
[3] Chi phí, thời lượng thăm khám của các bác sĩ, nhà tâm lý đăng tải trực tuyến: https://bookingcare.vn/…/chi-phi-kham-tam-ly-tai-cac…
[4] Bài viết trước về một số điều cần biết trước khi tham vấn tâm lý (chi phí, thời gian, tiến hành, cách lựa chọn): https://www.facebook.com/photo?fbid=10224368066612537&set=a.2078397122803
Contact Me on Zalo
0912 218 692