RỐI LOẠN GIẤC NGỦ Ở TRẺ TỰ KỶ

Rối loạn giấc ngủ ở trẻ tự kỷ và cách khắc phục (Phần 1)
Trong vài tháng đầu đời, trẻ sơ sinh dễ dàng đi vào giấc ngủ và chúng giảm dần các giấc ngủ ngắn ban ngày, bắt đầu ngủ trong thời gian dài hơn vào ban đêm. Nhưng một số trẻ lại khó đi vào giấc ngủ hoặc ngủ quá nhiều. Vấn đề này có thể kéo dài rất lâu, thậm chí tới khi trẻ bắt đầu đi học.
Rối loạn giấc ngủ cũng thường phổ biến hơn ở trẻ em mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ. Các nhà nghiên cứu ước tính rằng từ 40% đến 80% trẻ em mắc chứng ASD khó ngủ. Các vấn đề về giấc ngủ lớn nhất ở những trẻ này bao gồm:
• Khó đi vào giấc ngủ
• Thói quen ngủ thất thường
• Bồn chồn hoặc chất lượng giấc ngủ kém
• Thức dậy sớm và thức giấc thường xuyên
Thiếu một giấc ngủ ngon không chỉ có thể ảnh hưởng đến trẻ mà còn ảnh hưởng tới tất cả mọi người trong gia đình. Nếu bạn cũng bị thức đêm này qua đêm khác khi phải thức cùng con, một số biện pháp can thiệp lối sống và thuốc hỗ trợ giấc ngủ dưới đây có thể giúp ích.
👉Biểu hiện của rối loạn giấc ngủ ở trẻ tự kỷ
Mất ngủ, rối loạn giấc ngủ hay cảm thấy khó khăn để có một giấc ngủ ngon là dấu hiệu thường gặp ở trẻ tự kỷ. Rối loạn giấc ngủ ở trẻ tự kỷ là tình trạng thường gặp khiến trẻ dễ cáu kỉnh, kích động hơn vào hôm sau
Vậy làm thế nào để xác định con đang bị rối loạn giấc ngủ? Phụ huynh cần theo dõi chu kỳ giấc ngủ của con sau một thời gian, nếu có các biểu hiện bất thường sau thì có thể liên quan đến chứng bệnh này. Cụ thể
• Con cảm thấy khó ngủ, bứt rứt trước khi ngủ, sự lo lắng căng thẳng gia tăng khi chuẩn bị đi ngủ
• Thời lượng ngủ ngắn, thường xuyên thức giấc giữa chừng và khó ngủ lại được
• Thức dậy sớm do không ngủ lại được
• Luôn trong trạng thái lờ đờ vào ban ngày
• Dễ cáu kỉnh, tức giận do buồn ngủ
Tùy theo từng độ tuổi và giai đoạn mà thời gian ngủ cần thiết của con là khác nhau. Tuy nhiên trẻ nhỏ cần ngủ rất nhiều để đảm bảo các năng lượng và sự phát triển của trí não. Cụ thể thời gian ngủ trung bình theo từng độ tuổi của con như sau
• Trẻ từ 1 đến 3 tuổi: cần đảm bảo ngủ đủ 12 đến 14 tiếng mỗi ngày.
• Trẻ 4 đến 6 tuổi: có thời lượng giấc ngủ mỗi ngày từ 10 đến 12 giờ mỗi ngày.
• Trẻ 6 đến 12 tuổi: cần được ngủ 10 đến 11 giờ mỗi ngày.
• Trẻ 12 đến 16 tuổi: có giấc ngủ trung bình cần thiết từ 8,5 giờ mỗi ngày.
Thời lượng giấc ngủ có thể tăng hoặc giảm tùy hoàn cảnh, tuy nhiên tốt nhất nên đảm bảo thời lượng này, đặc biệt cần coi trọng giấc ngủ vào ban đêm. Nếu thời lượng trung bình giấc ngủ bị thiếu hụt quá nhiều, trẻ đi ngủ sau 11h đêm thì có thể liên quan đến việc rối loạn giấc ngủ, phụ huynh cần nhanh chóng tiến hành xác định các phương pháp cải thiện phù hợp.
👉Khó ngủ có thể ảnh hưởng như thế nào tới trẻ?
Một trong những hậu quả của rối loạn giấc ngủ ở trẻ tự kỷ chính là làm khả năng nhận thức và học tập của trẻ ngày càng trở nên yếu kém. Trẻ có thể có những hành vi bộc phát thái quá, dễ tăng động kích động, gặp các vấn đề về rối loạn hành vi nặng đồng thời tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm hơn. Ngủ không ngon giấc có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và sức khỏe tổng quát của trẻ. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, ở trẻ em mắc chứng tự kỷ có mối liên hệ giữa việc thiếu ngủ và các đặc điểm sau:
• Hung hăng
• Trầm cảm
• Hiếu động thái quá
• Gia tăng các vấn đề về hành vi
• Cáu gắt
• Hiệu quả học tập và nhận thức kém
Nếu trẻ không ngủ, rất có thể phụ huynh cũng gặp tình trạng thiếu ngủ do phải thức cùng trẻ. Một nghiên cứu cho thấy rằng cha mẹ của trẻ tự kỷ ngủ ít hơn, chất lượng giấc ngủ kém hơn và thức dậy sớm hơn so với cha mẹ của trẻ không mắc chứng tự kỷ.
👉Các nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ ở trẻ tự kỷ
Từ những khó khăn mà trẻ và gia đình gặp phải khi bị rối loạn giấc ngủ nên cần biết chính xác nguyên nhân gây bệnh để có hướng kiểm soát kịp thời.
Có rất nhiều yếu tố tác động khiến con bị rối loạn giấc ngủ mà phụ huynh cần phải biết. Theo các bác sĩ, các nguyên nhân có thể dẫn tới rối loạn giấc ngủ ở trẻ tự kỷ bao gồm
• Sự nhạy cảm quá mức với môi trường xung quanh: Cân nhắc môi trường. Trẻ mắc ASD có thể nhạy cảm hơn với tiếng ồn vào ban đêm, mặc dù những tiếng ồn đó không làm phiền những trẻ khác. Những thứ như nước chảy hoặc tiếng ồn trong gia đình cũng có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ. Trẻ mắc ASD có thể gặp các vấn đề về tính nhạy cảm với những thứ như kết cấu của ga trải giường và đồ ngủ. Hãy cố tìm hiểu xem những thứ này có ảnh hưởng đến con quý vị hay không. Ví dụ, trẻ thích đồ ngủ chật hay rộng, mềm hay thô ráp? hoặc chăn mỏng hay chăn dày?
• Khó khăn trong giao tiếp: trẻ tự kỷ thường chưa hiểu được hoàn toàn những gì cha mẹ muốn nói, đồng thời chịu ảnh hưởng từ các hành động của mọi người xung quanh. Ví dụ như trẻ chưa hiểu được câu “muộn rồi đi ngủ đi con” nghĩa là gì hay dù hiểu được hành động của mẹ nhưng thấy anh chị vẫn chưa đi ngủ thì trẻ cũng chưa ngủ theo
• Ảnh hưởng từ hormone melatonin: đây là một loại hormone cần thiết được tiết ra để điều hòa chu kỳ giấc ngủ bình thường và hormone này thường có mối liên hệ với amino axit tryptophan. Tuy nhiên các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, ở trẻ tự kỷ lượng amino axit tryptophan thường có xu hướng cao hoặc thấp hơn bình thường khiến lượng hormone melatonin không được tiết ra đúng thời điểm cần thiết vì vậy việc điều hòa giấc ngủ ở trẻ tự kỷ khó khăn hơn ở trẻ thường.
• Rối loạn cảm xúc: trẻ tự kỷ cũng thường kèm theo các rối loạn lo âu, trạng thái lo lắng căng thẳng quá mức, điều này cũng có thể làm giảm chất lượng giấc ngủ, khiến trẻ khó đi vào giấc ngủ. Các nghiên cứu cũng cho thấy trẻ tự kỷ cũng có xu hướng dễ bị bồn chồn hơn các nhóm trẻ thường đồng trang lứa
• Thiếu các đồ vật thân thuộc: việc không có một bộ quần áo yêu thích, không có đồ chơi thân thuộc cũng khiến con cảm giác vô cùng khó chịu, bất an và không ngủ được
• Do liên quan đến các bệnh lý: tự kỷ có thể kèm theo các vấn đề sức khỏe khác như viêm tai, hen suyễn hay động kinh cũng sẽ làm giảm chất lượng sức khỏe và giấc ngủ. Ngoài ra việc sử dụng các loại thuốc trong điều trị hay kiểm soát các triệu chứng liên quan này cũng gây ra các tác dụng phụ là rối loạn giấc ngủ.
🌱Hiểu rõ các tác nhân gây bệnh sẽ giúp việc kiểm soát có kết quả tốt hơn, ngăn chặn những ảnh hưởng xấu khác trên sức khỏe của trẻ.
—————————-
Tài liệu tham khảo:
Nguồn: Thắp đèn xanh- đồng hành cùng trẻ tự kỷ
Contact Me on Zalo
0912 218 692