CAN THIỆP SỚM CHO TRẺ TỰ KỶ
thông qua hoạt động sinh hoạt hàng ngày giúp trẻ hòa nhập, giao tiếp và học tập
Đồng tác giả: Sally J. Rogers, PhD
Geraldine Dawson, PhD
Laurie A. Vismara, PhD
MỤC LỤC
SỬ DỤNG CUỐN SÁCH NÀY NHƯ THẾ NÀO.. 9
CHƯƠNG 1. XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH CAN THIỆP SỚM CHO CON BẠN 10
CHƯƠNG 2. CHĂM SÓC BẢN THÂN VÀ GIA ĐÌNH CỦA BẠN… 23
CHƯƠNG 3. NỖ LỰC SỚM CÓ THỂ GIÚP CON BẠN HÒA NHẬP VÀ TĂNG CƯỜNG KHẢ NĂNG HỌC 41
Can thiệp sớm như thế nào?. 42
Những khó khăn liên quan đến khả năng học hỏi của trẻ tự kỷ.. 45
Tại sao trẻ tự kỷ lại có những vấn đề này?. 46
Cha mẹ can thiệp cho con: Đâu là bằng chứng?. 47
PHẦN II. CÁC CHIẾN LƯỢC GIÚP CON CỦA BẠN HÒA NHẬP, GIAO TIẾP VÀ HỌC TẬP 51
CHƯƠNG 4. TĂNG CƯỜNG SỰ CHÚ Ý CỦA TRẺ.. 51
Tại sao sự chú ý của trẻ đến mọi người lại quan trọng đến vậy?. 51
Bước 1. Xác định điều gì có thể gây chú ý với trẻ. 52
Bước 2. Chọn vị trí thích hợp cho bạn.. 56
Bước 3. Loại bỏ những yếu tố làm con xao nhãng. 60
Bước 4. Xác định vùng an toàn của con bạn về mặt giao tiếp xã hội 63
Bước 5. Hòa nhập với con bằng cách làm theo hướng dẫn của con.. 65
Tổng kết Chương 4: Xác định xem điều gì có thể gây chú ý với con bạn.. 70
CHƯƠNG 5. TÌM KIẾM NỤ CƯỜI. 72
Trải nghiệm thú vị với các trò chơi xã hội cảm giác. 72
Tại sao những phút giây vui vẻ cùng nhau lại quan trọng đến vậy?. 72
Bước 1: Tìm kiếm sự nhịp nhàng trong các trò chơi xã hội cảm giác. 75
Bước 2: Thêm yếu tố mới làm phong phú các trò chơi xã hội cảm giác. 78
Bước 3: Tối ưu năng lượng học tập của trẻ. 81
CHƯƠNG 6. XÂY DỰNG CÁC TƯƠNG TÁC QUA LẠI. 85
Tại sao tương tác qua lại quan trọng đến vậy?. 85
Bước 1: Hiểu được bốn- phần chính của các hoạt động chung cần sự luân phiên.. 88
Bước 2: Bắt đầu thực hành – xây dựng hoạt động. 89
Bước 4: Kéo dài hoạt động chung – Thêm vào các yếu tố mới 96
Bước 5: Kết thúc hoạt động chung và chuyển sang hoạt động tiếp theo.. 98
Bước 6: Tạo ra các hoạt động chung trong các hoạt động khác hàng ngày.. 101
CHƯƠNG 7. NGÔN NGỮ CƠ THỂ – TẦM QUAN TRỌNG CỦA GIAO TIẾP PHI NGÔN NGỮ 107
Tại sao giao tiếp phi ngôn ngữ (ngôn ngữ cơ thể) lại quan trọng đến vậy?. 107
Bạn có thể nào gì để tăng cường giao tiếp phi ngôn ngữ cho trẻ. 109
Bước 1: Làm ít và để cho bé làm nhiều hơn.. 109
Bước 3: Tạo ra thật nhiều cơ hội thực hành.. 112
Bước 5: Xác định vị trí của bạn.. 120
Bước 1: Cường điệu hóa các điệu bộ của bạn.. 121
Bước 2: Thêm vào các bước có thể đoán trước được. 122
Bước 3: Cung cấp sự giúp đỡ cần thiết. 124
CHƯƠNG 8. “HÃY LÀM THEO MẸ!” – GIÚP CON HỌC QUA BẮT CHƯỚC 132
Tại sao bắt chước lại quan trọng đến vậy?. 132
Bước 1: Bắt chước giọng nói 135
Bước 2: Bắt chước các hoạt động với đồ vật. 139
Bước 3: Bắt chước các cử chỉ của tay, chuyển động của cơ thể và điệu bộ nét mặt 145
Bước 4: Bắt chước và mở rộng các hoạt động. 150
CHƯƠNG 9. NẮM BẮT KỸ THUẬT: TRẺ HỌC NHƯ THẾ NÀO.. 155
Tại sao việc áp dụng Phương pháp phân tích hành vi ứng dụng – ABA lại quan trọng đến vậy? 155
Vậy điều gì xảy ra đối với trẻ tự kỷ khi áp dụng nguyên lý ABC?. 156
Tại sao đó lại là vấn đề?. 157
Bước 1: Tập trung vào những hoạt động của con: B- hành vi của trẻ. 158
Bước 2: Lựa chọn phần thưởng (kết quả): C là hệ quả của hành vi 161
Bước 3: Phát hiện ra yếu tố nào xuất hiện đầu tiên, tác động đến hành vi: A hay chính là tiền tố 165
Bước 4: Áp dụng đồng thời triết lý ABC để dạy trẻ. 168
Bước 6: Thay đổi các hành vi không mong muốn.. 172
CHƯƠNG 10. TAM GIÁC GIAO TIẾP: CÁCH CHIA SẺ MỐI QUAN TÂM… 176
Bước 1. Dạy trẻ đưa cho bạn đồ vật. 176
Bước 2: Dạy trẻ cách cho bạn xem các đồ vật. 179
Bước 3. Dạy trẻ cách chỉ vào đồ vật và chia sẻ kinh nghiệm… 183
CHƯƠNG 11. TĂNG CƯỜNG KỸ NĂNG CHƠI. 189
Tại sao chơi đồ chơi đa dạng, linh hoạt lại quan trọng đối với việc học của trẻ?. 189
Xây dựng kỹ năng chơi từ Bắt chước. 191
Quyết định loại đồ chơi để dạy trẻ. 191
Chơi các đồ chơi với hành động nhân- quả. 192
Biến tấu trong quá trình dạy giúp trẻ thao tác các hành động phức tạp.. 194
Bạn cần làm gì để giúp trẻ chơi độc lập.. 196
Bước 1. Sắp xếp đồ chơi để trẻ có thể chơi độc lập.. 196
Bước 2. Đóng vai là bạn chơi dễ dàng rút lui 197
Bước 3: Giảm dần sự hỗ trợ trong giai đoạn thiết lập và kết thúc/chuyển giao.. 198
Bước 4. Thay đổi đồ chơi thường xuyên.. 199
Bước 5. Di chuyển xa dần trẻ. 199
Tại sao chơi giả vờ lại quan trọng đến vậy?. 202
Bạn cần làm gì để tăng cường kỹ năng chơi giả vờ của trẻ?. 203
Bước 1: Dạy trẻ kỹ năng chơi chức năng. 204
Bước 2. Hóa vai búp bê và con thú đồ chơi thành nhân vật sống. 208
Bước 3. Chuyển từ quá trình trẻ bắt chước chơi giả vờ tới quá trình chủ động chơi giả vờ 211
Bước 4. Dạy trẻ các thay thế tượng trưng. 212
Bước 5. Dạy trẻ các kết hợp tượng trưng. 213
CHƯƠNG 13. DẠY TRẺ HỌC NÓI. 214
Tại sao phát triển ngôn ngữ lại đóng vai trò quan trọng đối với trẻ. 214
Bạn có thể làm gì để giúp trẻ hình thành ngôn ngữ và diễn đạt lời nói 215
Bước 1: Thiết lập âm vị, từ vựng cho trẻ. 216
Bước 2: Phát triển các trò chơi có sử dụng giọng nói (âm thanh) của trẻ. 217
Bước 3: Tăng cơ hội lắng nghe và hồi đáp của trẻ với âm thanh hoặc tiếng nói của người khác 218
Bước 4: Nói theo cách để thúc đẩy sự phát triển ngôn ngữ cho trẻ. 220
Bước 5: Gắn liền âm thanh (tiếng nói) với hành động, cử chỉ 223
Tóm tắt phần: Tạo lập ngôn ngữ diễn đạt và khả năng diễn đạt cho trẻ. 227
Bạn có thể làm gì để giúp trẻ hiểu được lời nói (ngôn ngữ tiếp nhận) 228
Bước 1: Mong chờ và đón nhận hồi đáp của trẻ. 230
Bước 3: Ít chỉ dẫn nhưng phải kiên quyết hơn.. 233
Bước 4: Dạy trẻ hiểu từ với và các hướng dẫn.. 233
Tóm tắt phần Ngôn ngữ tiếp nhận.. 235
CHƯƠNG 14. PHỐI HỢP CÁC KỸ THUẬT.. 238
LỜI GIỚI THIỆU
Nếu bạn là phụ huynh của một đứa trẻ mới được chuẩn đoán mắc hội chứng tự kỷ, bạn không đơn độc. Một nghiên cứu năm 2009 bởi US Centers for Disease Control and Prevention ở Atlanta, Geogria, cho thấy hội chứng phổ tự kỷ ảnh hưởng tới 1 trên 110 trẻ ở Mỹ, có nghĩa là hàng trăm, hàng ngàn cha mẹ đã phải đối mặt với việc con mình bị tự kỷ. Bây giờ thì bạn không còn đơn độc, cảm thấy bấn loạn giữa hàng trăm câu hỏi, băn khoăn, hay lo ngại. Trẻ tự kỷ hoàn toàn có thể sống một cuộc sống chủ động, đầy màu sắc. Cuốn sách này sẽ giúp bạn có những hành động ngay tức thì để giúp bạn và con mình vào một cuộc hành trình để đạt được điều này.
Mục tiêu của cuốn sách này là cung cấp cho các bậc cha mẹ cũng như những người yêu quý và quan tâm tới con bạn những công cụ, chiến lược để giúp cho con bạn có những bước phát triển tích cực trên con đường của mình càng sớm càng tốt. Không quan trọng cuộc sống hiện tại khó khăn ra sao, có những thứ bạn có thể bắt đầu ngày mai, liên tục, tạo ra một sự khác biệt vô giá cho tương lai của con bạn. Bạn có thể dạy con bạn tương tác với bạn và mọi người, giao tiếp, thích thú với các tương tác xã hội, vui chơi. Bạn có thể hi vọng con bạn có thể học tập, hòa nhập và tương tác với mọi người.
Chúng tôi biết rằng rất nhiều bậc phụ huynh đã tự xoay xở một mình một thời gian sau khi con của họ bị chuẩn đoán mắc hội chứng phổ tự kỷ. Bởi có lẽ không có nhiều chuyên gia can thiệp tại khu vực của họ, hoặc có những danh sách chờ dài để tham gia vào các chương trình can thiệp. Chúng tôi hiểu rằng, bạn được khuyến khích để bắt đầu giúp đỡ con của mình. Vì thế hãy xoá bỏ những lo âu, chán nản trong khi chờ đợi chương trình can thiệp được bắt đầu. Với cuốn sách này, chúng tôi cung cấp thông tin, các công cụ và kỹ thuật để bản thân bạn có thể trực tiếp can thiệp cho con ngay lập tức. Các cách thức được mô tả ở đây được thiết kế để sử dụng trong các tương tác hàng ngày với con bạn – chơi, thay đồ, tắm, ăn, hoạt động ngoài trời, đọc sách và thậm chí là làm các việc vặt trong nhà. Thông qua những hoạt động hàng ngày này, bạn có thể biến thành những cơ hội học tập tuyệt vời của con, và qua đó cải thiện rõ rệt tình hình của con như một trị liệu hữu hiệu trong khi chờ đợi các chương trình can thiệp khác bắt đầu.
Với việc nắm bắt được các phương pháp này, chúng tôi tự tin rằng bạn sẽ giúp con của mình học, giao tiếp và chơi. Bạn cũng sẽ nhìn thấy những sự thay đổi hàng ngày, hàng tuần của con mình. Ngay khi sử dụng các phương pháp này, bạn sẽ nhìn thấy bạn đã giúp con của mình hiệu quả như thế nào và sự phản hồi tích cực của con bạn ra sao. Chúng tôi hi vọng rằng những lo âu, chán nản, sợ hãi sẽ nhường chỗ cho những hi vọng, mục tiêu và sự tự tin của bản thân bạn, gia đình và con trẻ.
Cuốn sách này được xây dựng dựa trên các kết quả công việc khi làm việc với các gia đình như bạn, sử dụng mô hình ESDM để giúp trẻ trở nên chủ động, tò mò và ham thích tìm hiểu về thế giới xung quanh. Bạn sẽ được tiếp cận các kỹ thuật đến từ những nghiên cứu khoa học cơ bản cho thấy sự hiệu quả khi kết hợp với các kỹ năng của cha mẹ. Mặc dù những lợi ích trẻ tự kỷ nhận được đến từ những dịch vụ can thiệp sớm của các chuyên gia được đào tạo, chúng tôi vẫn tin tưởng rằng bố mẹ, những người thân trong gia đình có thể tạo ra những khác biệt to lớn trong việc học của trẻ.
Chúng tôi, 3 đồng tác giả của cuốn sách này đã làm việc nhiều năm trong việc hướng dẫn các gia đình tăng cường sự hợp tác, học tập và giao tiếp trong những hoạt động hàng ngày vốn xuất hiện một cách tự nhiên trong cuộc sống của trẻ. Chúng tôi đã nhận ra rằng, cha mẹ có tác động hiệu quả tương tự như là các chuyên gia tâm lý trong việc dạy trẻ các kỹ năng nền tảng. Cha mẹ đồng thời cũng có cơ hội để dạy các kỹ năng, hành vi tại nhà khi mà trẻ không có nhiều cơ hội thực hành trong các chương trình học khác ở lớp.
Phương pháp ESDM hỗ trợ mối quan hệ giữa cha mẹ và trẻ. Nó cũng giúp cha mẹ phát triển các cơ hội học tập của trẻ thông qua các trò chơi đơn giản, các hoạt động tương tác giao tiếp hàng ngày. Không cần phải có chuyên môn gì đặc biệt hay các yêu cầu về bằng cấp. Những phương pháp được mô tả ở đây được thiết kế cho bố mẹ và trẻ tương tác một cách vui vẻ, giàu cảm xúc và ý nghĩa trong khi vẫn đem đến cho trẻ những cơ hội trải nghiệm và học tập. Chúng tôi hi vọng rằng các bậc phụ huynh với rất nhiều con đường, cách đi khác nhau và với nhiều nền tảng kiến thức khác nhau sẽ tìm thấy sự bổ ích ở những phương pháp này trong việc phát triển các kỹ năng, trải nghiệm cho con cái mình từ những hoạt động hàng ngày liên quan tới chơi đồ chơi, tắm, ăn,… hoặc các hoạt động hàng ngày khác.
Chúng tôi cũng hiểu rằng mỗi trẻ tự kỷ đều thật đặc biệt, không giống nhau. Mỗi trẻ đều có khả năng riêng, sở thích riêng, tài năng riêng cũng như khó khăn riêng. Nhưng tất cả trẻ tự kỷ, theo như định nghĩa, đều có các vấn đề liên quan tới giao tiếp với người khác cũng như chơi các trò chơi theo một cách riêng biệt.
Các lĩnh vực mà hầu hết trẻ tự kỷ đều gặp khó khăn với:
- Để ý tới người khác
- Cười trong khi giao tiếp xã hội
- Chờ đến lượt và hòa đồng trong khi chơi các trò chơi xã hội
- Sử dụng cử chỉ nét mặt và ngôn ngữ
- Bắt chước người khác
- Giao tiếp, đặc biệt giao tiếp mắt với người khác
- Chơi đồ chơi theo một cách khác biệt
Qua hàng thập kỷ nghiên cứu các phương pháp phát triển và can thiệp sớm đối với trẻ tự kỷ, chúng tôi đã rút ra rất nhiều bài học đáng giá về các loại trở ngại, khó khăn mà trẻ tự kỷ phải đối mặt. Đôi khi có thể là khó khăn trong việc để ý tới mọi người xung quanh trẻ – bao gồm ngôn ngữ và các hoạt động của người xung quanh. Đôi khi lại có thể là khó khăn trong việc chia sẻ cảm xúc – hạnh phúc, tức giận, buồn bực, thất vọng – với người khác bằng cách gửi đi những thông điệp cảm xúc tới người khác qua biểu đạt nét mặt, điệu bộ, âm thanh hoặc từ ngữ. Trẻ tự kỷ cũng trải nghiệm đầy đủ các cung bậc cảm xúc nhưng đôi khi không chia sẻ cảm xúc đó theo cách mà người khác có thể dễ dàng hiểu được. Trẻ tự kỷ có thể không quan tâm nhiều tới việc chơi với các trẻ khác và có thể phản ứng không tốt lắm với những nỗ lực của các trẻ khác trong khi chơi. Trẻ tự kỷ thường không sử dụng quá nhiều điệu bộ, cử chỉ trong giao tiếp và dường như không hiểu được điệu bộ, cử chỉ của người khác. Trẻ cũng ít khi sẵn sàng bắt chước người khác, do đó thật khó để dạy trẻ thông qua việc làm mẫu một hành động nào đó và kỳ vọng trẻ có thể làm theo. Nhiều trẻ tự kỷ rất thích đồ chơi, nhưng thường chơi đồ chơi theo những cách đặc biệt, không đúng chức năng của đồ chơi và thường lặp đi lặp lại. Việc phát triển ngôn ngữ, và phản ứng lại lời nói của người khác có thể là một khó khăn rất lớn đối với nhiều trẻ tự kỷ, ngay cả với những trẻ học cách nhắc lại lời người khác. Trẻ tự kỷ thường không phản ứng lại các hành vi theo cách thông thường mà bố mẹ dạy. Trẻ tự kỷ thường quăng, ném mọi thứ, đánh hoặc cắn mọi người, đập phá đồ vật, và đôi khi còn làm thương mình.
Cuốn sách này sẽ cung cấp cho bạn các cách thức để giúp con bạn đối phó với các vấn đề trên. Rất nhiều nghiên cứu, bao gồm cả những nghiên cứu mà chúng tôi đã công bố, đã chỉ ra rằng can thiệp sớm là biện pháp đem lại hiệu quả vô cùng to lớn đối với trẻ tự kỷ, các kết quả đạt được trong việc học tập, giao tiếp và các kỹ năng xã hội. Một vài trẻ thậm chí còn biến mất các dấu hiệu của tự kỷ sau các chương trình can thiệp sớm; số khác vẫn còn gặp nhiều thách thức nhưng đã có thể tham gia vào các lớp học thông thường, phát triển quan hệ bạn bè và giao tiếp tốt với mọi người. Vẫn còn một số trẻ còn nhiều thách thức cần đến các dịch vụ đặc biệt, nhưng can thiệp sớm sẽ giúp trẻ cải thiện tình hình.
Hầu hết nghiên cứu về can thiệp sớm đều tập trung vào việc nghiên cứu các liệu pháp được cung cấp bởi các chuyên gia trị liệu được đào tạo. Các nghiên cứu về can thiệp sớm cho cha mẹ vẫn đang ở những bước đi đầu tiên. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã cho thấy rằng cha mẹ hay người chăm sóc có thể học sử dụng nhiều phương pháp trị liệu giống như các nhà trị liệu được đào tạo, và khi cha mẹ sử dụng các phương pháp đó, chất lượng trong các tương tác với trẻ được cải thiện và trẻ trở nên hứng thú với các hoạt động tương tác xã hội và giao tiếp tốt hơn với người khác. Chúng tôi đã giúp đỡ nhiều bậc cha mẹ sử dụng những phương pháp này tại nhà với con của họ, và họ đã nói với chúng tôi rất nhiều lần về hiệu quả của phương pháp tiếp cận này trong việc dạy con cái của họ học tập, tương tác với người khác, giao tiếp và chơi theo cách thông thường. Trong quá trình làm việc với nhiều trẻ em trong nhiều năm, chúng tôi đã khám phá ra rằng mỗi cá nhân trẻ tự kỷ có thể học giao tiếp, cải thiện tương tác xã hội với người khác và có thể nâng cao các kỹ năng. Chúng tôi tự tin với những kỹ thuật này sẽ giúp bạn cảm thấy hiệu quả hơn như là bố mẹ, bạn chơi, và là người thầy đầu tiên của bọn trẻ. Và khi bạn sử dụng những kỹ thuật này và nhìn thấy con mình có thể nâng cao khả năng học tập, bạn sẽ cảm thấy tự hào khi thấy mình góp phần vào sự tiến bộ, thành công của con mình.
Cuốn sách này được viết cho bố mẹ của trẻ mầm non bị chuẩn đoán tự kỷ. Bạn có thể sử dụng chúng cả khi trẻ nghi ngờ có nguy cơ hoặc đã được chuẩn đoán là tự kỷ. Nó sẽ cung cấp cho bạn các hướng dẫn từng bước và ví dụ mà bạn có thể sử dụng trong các hoạt động hàng ngày để giúp con bạn hòa đồng hơn, hoạt bát và tương tác với các bạn cũng như những thành viên trong gia đình.
SỬ DỤNG CUỐN SÁCH NÀY NHƯ THẾ NÀO
Mỗi chương của cuốn sách này được xây dựng dựa trên các câu hỏi, mối lo ngại và các thách thức của hầu hết các bậc cha mẹ có con tự kỷ trải qua. Trong số các vấn đề, chúng tôi nhấn mạnh vào các cảm giác, lo ngại liên quan tới việc tổ chức cuộc sống của bố mẹ, bao gồm cả việc bắt đầu như thế nào. Bắt đầu với những sự trợ giúp chuyên nghiệp nhất sẽ là quan trọng hàng đầu, vì thế nó sẽ được mô tả trong chương 1. Bởi vì làm cha mẹ của một trẻ tự kỷ là rất căng thẳng, do đó việc cần thiết khi bắt đầu hành trình này là làm thế nào bạn đảm bảo được cho bản thân và những thành viên còn lại trong gia đình, và tránh xa những sắp xếp không cần thiết để tập trung toàn bộ vào trẻ. Những vấn đề này sẽ được đề cập ở Chương 2. Tiếp theo, các phương pháp can thiệp được trình bày trong các chương còn lại. Chương 3 cung cấp những kiến thức cơ bản về Tự kỷ. Ngoài ra, chương này còn cung cấp một bối cảnh cho phương pháp trị liệu được sử dụng trong cuốn sách này. Mỗi một chương còn lại môt tả các phương pháp can thiệp một cách chi tiết, mỗi chương được xây dựng trên cơ sở của chương trước đó, do đó để dễ dàng lĩnh hội, bạn nên đọc các chương theo tuần tự. Tuy nhiên, Chương 9 và 13 không phụ thuộc vào các chương trước đó vì vậy bạn có thể đọc các chương đó trước. Chúng tôi nhận ra rằng nhiều bậc cha mẹ sẽ thấy một vài chương hấp dẫn hơn các chương khác, tuy nhiên, nó sẽ còn tùy thuộc vào các thách thức của từng trẻ tự kỷ.
Vì bạn chuẩn bị thực hành các phương pháp can thiệp và sử dụng chúng trong các hoạt động tương tác hàng ngày với trẻ, xin hãy lưu ý rằng mục tiêu của cuốn sách này không phải là biến bạn từ phụ huynh trở thành chuyên gia trị liệu! Cũng không phải là bạn sẽ giành rất nhiều thời gian với con của mình để “điều trị”. Hơn thế nữa, những phương pháp này phát huy tác dụng khi sử dụng trong các hoạt động hàng ngày như là một phần trong sinh hoạt hàng ngày như tắm giặt, chơi ngoài trời, hoặc khi cho trẻ đi ngủ. Chúng không mất nhiều thời gian hơn các hoạt động bình thường của bạn khi chơi với trẻ. Phương pháp này được xây dựng dựa trên tình yêu thương, sự quan tâm và mối quan hệ sẵn có của bạn với trẻ, và chúng được sử dụng như là sự khởi đầu để giúp đỡ trẻ vượt qua phần nào những khó khăn mà một trẻ tự kỷ phải trải qua. Vì thế, hãy bắt đầu thôi!
PHẦN I. KHỞI ĐẦU
CHƯƠNG 1. XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH CAN THIỆP SỚM CHO CON BẠN
Carmen và Roberto được thông báo rằng Teresa – bé ba tuổi của họ bị rối loạn phổ tự kỷ vào tuần trước. Họ đã dành cả một ngày ở phòng khám nơi các bác sỹ tiếp cận Teresa và đề nghị cô bé chơi đồ chơi, vẽ, chơi trò bay lên, và làm nhiều trò thú vị. Carmen và Roberto rất ngạc nhiên vì Teresa đã làm được rất nhiều lời đề nghị của các bác sỹ. Những vị bác sỹ này dường như khá hiểu Teresa và biết điều gì khuyến khích cô bé tham gia chơi. Teresa hào hứng chơi và làm theo một vài chỉ dẫn của các bác sỹ, điều mà bố mẹ cô bé chưa bao giờ làm được. Họ cảm thấy rất đỗi tự hào về con mình và cảm thấy có chút hy vọng.
Những bác sỹ khá tốt và thân thiện với Carmen và Roberto. Họ dành nhiều thời gian cho Carmen và Roberto, hỏi họ tất cả mọi câu hỏi. Cuối cùng, Carmen và Roberto gặp chuyên gia tâm lý trong nhóm bác sỹ đó, bác sỹ Avila, người nói được cả tiếng Tây ban nha và Tiếng Anh. Bà bác sỹ nhận xét rằng Teresa có một vài năng khiếu đặc biệt – cô bé đã biết đọc! Tuy nhiên, cô bé có một vài khó khăn trong giao tiếp và chơi. Bác sỹ Avila nói rằng Teresa mắc hội chứng phổ tự kỷ. Đó là lý do tại sao cô bé chưa thể có hội thoại với người khác, thường di chuyển các ngón tay một cách khác thường, hay cáu giận, và những vấn đề tương tự khác. Vị bác sỹ chắc chắn về điều đó. Điều đó làm cho Carmen và Roberto hiểu ra rằng, con gái họ không bướng bỉnh hay ngoan cố. Cô bé bị rối loạn phổ tự kỷ, một dạng tâm bệnh. Hội chứng này lý giải mọi điều về cô bé. Và cô bé khá thông minh.
Bác sỹ Avila cũng khẳng định rằng Carmen và Roberto không phải là nguyên nhân gây ra hội chứng tự kỷ của Teresa, cũng như họ không thể phòng tránh được hội chứng này. Tuy nhiên, họ có thể giúp Teresa cải thiện tốt tình hình bằng cách tìm ra một chương trình can thiệp phù hợp cho cô bé. Bác sỹ cũng nói rằng hội chứng tự kỷ không thể tự mất đi. Điều đó nghe thật khó khăn, nhưng đổi lại cần một niềm tin vững vàng. Carmen và Roberto bây giờ thì đã biết đến tên một hội chứng – gây ra một sự rối loạn trong Teresa.
Bác sỹ Avila đưa cho họ số điện thoại và tên những người có thể giúp đỡ họ, và các tài liệu để đọc (một vài tài liệu bằng tiếng Tây Ban Nha), một danh sách các đầu sách và website, một loạt các số liệu về hội chứng tự kỷ, và nhóm các cha mẹ có hoàn cảnh giống họ. Carmen và Roberto quay trở về nhà trong tâm trạng đầy lo lắng, băn khoăn và bộn bề thắc mắc. Vài ngày sau đó, họ thậm chí còn không thể nhắc đến hay nghĩ đến một cách rõ ràng về hội chứng này. Họ đi làm rồi lại về nhà, tâm trạng buồn bã khó tả.
Tuy nhiên, vào cuối tuần, sau bữa sáng, Carmen đã bắt đầu nói với Roberto về tất cả. Có quá nhiều cảm xúc đau khổ đè nặng lên Carmen. Cô ấy cảm thấy tuyệt vọng về Teresa, về tương lai của con gái, về làm thế nào để mình có thể giúp đỡ con gái. Cô ấy muốn bắt đầu tìm các chương trình can thiệp theo như bác sỹ khuyên, nhưng cô không biết bắt đầu từ đâu. Roberto lắng nghe Carmen cũng như khuyến khích cô ấy bộc lộ mọi cảm xúc. Carmen cũng cố nói hết mọi suy nghĩ và cảm xúc của mình. Họ đã hiểu nhau. Roberto đứng dậy và nắm lấy tay Carmen, rồi nói “Chúng ta sẽ vượt qua. Chúng ta hãy cầu nguyện, làm tất cả vì con gái. Và rồi chúng ta sẽ vượt qua chuyện này”. Carmen ôm lấy chồng, lau những giọt nước mắt và cảm thấy thật tuyệt vời vì đã có một người chồng như vậy – anh ấy đã lắng nghe, đã hiểu và đang ở đây cùng cô vượt qua khó khăn. Cô không hề cô đơn. “Nhưng chúng ta nên làm gì bây giờ?” Cô hỏi. “Chúng ta nên gọi ai trước?”. Có quá nhiều thông tin mà vị bác sỹ đã đưa ra, và cô ấy không biết bắt đầu từ đâu.
Bài báo trên về hội chứng tự kỷ có thể đã đem đến hàng loạt cảm xúc và suy nghĩ cho bạn, cũng giống như những cảm xúc mà Carmen và Roberto đã trải qua, bao gồm cả những cảm xúc rối bời khi bắt đầu tìm kiếm phương pháp điều trị cho con mình. Một mặt, bạn cảm thấy thật sự muốn xúc tiến mọi việc ngay lập tức. Mặt khác, bạn cảm thấy quá bối rối và có chút gì đó miễn cưỡng để bắt đầu tiến hành. Có quá nhiều thông tin và thuật ngữ mới làm bạn nản lòng. Số lượng cuộc gọi và hẹn gặp khổng lồ dường như không bao giờ kết thúc. Thậm chí có thể bạn còn suy nghĩ muốn tạm ngừng việc tìm kiếm một chút, mọi thứ có lẽ còn tốt hơn. Đó là tất cả mọi cảm xúc được chia sẻ bởi những bậc cha mẹ và các thành viên khác trong gia đình – những người đã tự mình tìm kiếm phương pháp can thiệp cho con họ. Vì thế, chúng tôi hy vọng có thể giúp bạn cảm thấy dễ dàng hơn trong hành trình tìm kiếm của mình bằng việc cung cấp các thông tin và kỹ thuật can thiệp cần thiết mà bạn có thể tự mình làm.
Bắt đầu trong Chương 4, chúng tôi sẽ mô tả các cách thức giúp con bạn tăng cường các hoạt động tương tác xã hội và cảm xúc, giao tiếp, và chơi trong các hoạt động hàng ngày, vì thế bạn có thể giúp con trải nghiệm các cơ hội học tập suốt cả ngày. Những bậc cha mẹ mà đang sử dụng các kỹ thuật này, có thể tiến hành đồng thời các phương pháp can thiệp khác cho con mình với một số chuyên gia khác nhau. Trong Chương đầu tiên này, chúng tôi sẽ cung cấp các thông tin và lời khuyên trong việc tìm kiếm và thúc đẩy song song các yếu tố để chương trình can thiệp sớm dành cho con bạn thành công.
HÃY BẮT ĐẦU: TRI THỨC LÀ SỨC MẠNH
Ban đầu, các thuật ngữ mới, khó khăn trong việc tìm kiếm một phương thức trị liệu phù hợp, và những khó khăn khác có thể làm các bậc cha mẹ rối bời. Nhưng may mắn thay, cảm xúc ấy sẽ nhanh chóng qua đi khi cha mẹ tìm ra điều gì là tốt nhất cho con mình và phương thức điều trị nào là thực sự phù hợp nhất. Tuy nhiên, việc trả lời đầy đủ những câu hỏi sau vẫn có thể khá khó. Có quá nhiều vấn đề – nhiều ý kiến khác nhác nhau và nhiều bất đồng quan điểm giữa mọi người.
Cuộc khảo sát gần đây khảo sát hàng ngàn bậc cha mẹ chỉ ra rằng phần lớn cha mẹ (trên 81%) sử dụng Internet để bổ sung các kiến thức về tự kỷ và tìm kiếm sự giúp đỡ cho con mình. Internet cho phép cha mẹ tiếp cận các nguồn thông tin hữu ích một cách toàn cầu. Tuy nhiên, các nguồn thông tin trên Internet có thể làm sai định hướng của người đọc hoặc không đáng tin cậy. Vì vậy, khi bạn tiếp cận các nguồn tin này, hãy luôn giữ trong đầu các câu hỏi sau:
- Ai là tác giả? Tác giả có kinh nghiệm và kiến thức để cung cấp các tư vấn, nguồn thông tin chính thống?
- Các thông tin được kiểm chứng bởi tổ chức nào? Đã được phát hành trên tạp chí khoa học nào?
- Ngày đăng tin? Tin có cập nhật không?
- Website có đang quảng cáo bán thứ gì đó cho bạn không? Sản phẩm, các đánh giá, hoặc phương thức điều trị?
- Website có tự cho là đang cung cấp một phương thức chữa trị hội chứng tự kỷ “thần dược”?
- Quan điểm của các bài viết trên website? Thảo luận về các quan điểm khác nhau hay chỉ dựa trên một quan điểm duy nhất?
Lời khuyên hữu ích
Tổ chức ung thư thế giới đã đưa ra những lời khuyên hữu ích về việc đánh giá các thông tin trên Internet:
– Độc giả dễ dàng tìm thấy ai là người quản lý website và các thông tin liên quan cần thiết;
– Các nguồn trích dẫn được xác định rõ ràng.
Hãy thận trọng! Nếu bạn không cảm thấy thoải mái với những câu trả lời trên, hãy đặt câu hỏi cho tính tin cậy của các thông tin trên website bạn đang đọc.
Có lẽ sẽ dễ dàng hơn nếu bạn tìm kiếm và tiếp cận các nguồn tin trên web của tổ chức Autism Speaks, tổ chức khoa học nghiên cứu về tự kỷ lớn nhất thế giới – sẽ mang đến cho các bậc cha mẹ và các chuyên gia các công cụ giúp cha mẹ vượt qua những khó khăn trong những ngày đầu con mình bị chuẩn đoán rối loạn phổ tự kỷ.
Là cha mẹ có con bị rối loạn phổ tự kỷ, bạn sẽ tìm thấy nhiều thông tin hữu ích trên website của Autism Speaks, trong mục “Dịch vụ dành cho gia đình”. Nếu bạn vẫn bị rối bời bởi thuật ngữ tự kỷ, thì bạn có thể tìm hiểu rõ hơn về khái niệm này tại www.autismspeaks.org/what-autism/video-glossary. Mục này bao gồm hơn 100 clip về hành vi của trẻ, minh họa sự khác biệt rõ rệt giữa một hành vi thông thường và hành vi đặc biệt. Chuyên mục này có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về rối loạn phổ tự kỷ.
Cẩm nang thứ hai dành cho bạn là tài liệu “100 ngày sau khi con bị chuẩn đoán rối loạn phổ tự kỷ”. Bạn có thể tải miễn phí từ trang www.autismspeaks.org/family-services/tool-kits/100-day-kit. Cẩm nang này sẽ đưa ra các thông tin và nguyên nhân gây ra tự kỷ, quyền giáo dục của trẻ, các phương pháp trị liệu khác nhau, và 10 điều mà trẻ tự kỷ muốn người lớn hiểu, cũng như nhiều lời khuyên hữu ích khác. Cẩm nang sẽ cung cấp cho bạn một kế hoạch hành động chi tiết sau 100 ngày con bạn bị chuẩn đoán rối loạn tự kỷ. Sức mạnh là tri thức, và cuốn cẩm nang này sẽ giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn khi chuẩn bị hành trình mới giúp con mình thoát khỏi tự kỷ.
Bên cạnh đó, các kỹ thuật bạn được hướng dẫn ở Chương 4 sẽ giúp bạn có thể chơi với con mình tại nhà ngay lập tức, trong lúc bạn chờ đợi một phương thức can thiệp khác. Các kỹ thuật này sẽ là một phần bổ ích trong chương trình can thiệp dành cho con bạn. Điều này lý giải bởi con bạn sẽ không chỉ được học với các giáo viên và nhà trị liệu, mà còn có thể học thông qua các hoạt động hằng ngày với cha mẹ. Sau cùng, bạn chính là giáo viên tốt nhất của con – vì chỉ có bạn mới hiểu rõ nhất con mình và chính bạn mới là người có thể dành nhiều thời gian nhất cho con mình. Vì vậy những hoạt động hằng ngày của bạn với con sẽ mang lại những cơ hội học tập tuyệt vời cho con mình. Vì vậy, bạn hãy cùng con bắt đầu thực hiện những kỹ thuật đó!
TÌM KIẾM CHƯƠNG TRÌNH CAN THIỆP HIỆU QUẢ NHẤT
Vào năm 2001, Ủy ban Nghiên cứu quốc gia, một tổ chức chuyên tư vấn cho Quốc hội Mỹ ban hành chính sách, đã đưa ra hàng loạt các khuyến nghị về những thực hành tốt nhất về can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ. Những khuyến nghị này có thể được coi như những định hướng và chỉ dẫn cơ bản để đánh giá tính hiệu quả của một chương trình can thiệp sớm. Các tiêu chí đánh giá cụ thể như sau:
- Chương trình can thiệp bắt đầu càng sớm càng tốt.
- Chương trình can thiệp được thiết kế cho riêng đứa trẻ, dựa trên đặc điểm tính cách, điểm mạnh và những khó khăn của đứa trẻ.
- Chương trình can thiệp được thiết kế và giám sát bởi đội ngũ chuyên gia được đào tạo một cách bài bản.
- Chương trình dạy tâp trung vào những lĩnh vực cụ thể mà trẻ tự kỷ gặp khó khăn.
- Chương trình sẽ thu thập dữ liệu đánh giá tiến trình phát triển của trẻ trên mỗi lĩnh vực, và điều chỉnh chương trình nếu như trẻ không có dấu hiệu phát triển.
- Trẻ được khuyến khích chủ động tham gia vào các hoạt động can thiệp và được can thiệp ít nhất 25 giờ một tuần với chương trình được cấu trúc.
- Bố mẹ được tham gia một cách mật thiết vào chương trình can thiệp, được đặt mục tiêu và thứ tự ưu tiên, và sẽ được dạy các kỹ thuật để can thiệp cho trẻ ở nhà.
Chúng tôi muốn đưa thêm một tiêu chí khác vào danh sách trên: Phương pháp can thiệp dành cho trẻ dựa trên những thực tế đã được kiểm chứng (EBP). Điều này nghĩa là phương pháp can thiệp đã được khoa học kiểm chứng và được đưa ra trong các bài báo khoa học, và có nhiều kết quả chỉ ra rằng chương trình can thiệp đó tốt cho trẻ tự kỷ hơn là không can thiệp. Với tất cả quyền lợi chính đáng của mình, chúng tôi muốn chắc chắn một điều rằng con bạn đang được hưởng chương trình can thiệp đã được kiểm chứng và được kết luận là hiệu quả.
Bạn sẽ có các thông tin để đánh giá chương trình can thiệp như thế nào? Bạn có thể hỏi người cung cấp dịch vụ can thiệp về việc liệu chương trình can thiệp có dựa trên EBP, và nếu bạn muốn, bạn có thể hỏi người đó về việc chia sẻ cho bạn những bài báo nghiên cứu về thành công của chương trình can thiệp. Bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin về EBP trên website (www.nationalautismcenter.org/afiliates) của Dự án chuẩn quốc gia hoặc website http://autismpdc.fpg.unc.edu của National Professional Development Center on Tự Kỷ.
Tiếp nhận một chương trình can thiệp hiệu quả dựa trên những thực tế đã được kiểm chứng thành công không chỉ là một mục tiêu, mà còn là quyền hợp pháp của con bạn theo Luật Tăng cường Giáo dục đặc biệt cho con người (IDEA), đã được ban hành năm 1975 và sửa đổi năm 2004. Luật này đảm bảo quyền của tất cả trẻ em, bao gồm cả trẻ em tự kỷ, được tiếp cận các chương trình giáo dục hiệu quả phù hợp với nhu cầu đặc biệt và đặc điểm của trẻ. Điều này có nghĩa là con bạn có quyền được hưởng miễn phí chương trình giáo dục phù hợp với nhu cầu của trẻ (thậm chí là trưởng thành).
Bạn có thể tìm kiếm người cung cấp dịch vụ can thiệp như thế nào? Các chuyên gia chuẩn đoán có thể cung cấp cho bạn tên và số điện thoại cần gặp để tìm đến một chương trình can thiệp sớm. Nếu chuyên gia chuẩn đoán không thể cung cấp tên và số điện thoại như thế, thì bác sỹ chuẩn đoán có thể biết tên và số điện thoại của một tổ chức nào đó. Một cách khác là bạn có thể gọi đến phòng giáo dục đặc biệt của quận, và nói con bạn vừa bị chuẩn đoán tự kỷ và hỏi họ xem có thể tìm kiếm chương trình can thiệp ở đâu. Bạn cũng có thể tham khảo thông tin về các dịch vụ can thiệp sớm ở quốc gia mình tại website của Autism Speaks.
Chương trình can thiệp sớm hướng tới 2 nhóm đối tượng:
- Trẻ dưới 3 tuổi, bạn có thể làm việc với các chuyên gia can thiệp để xây dựng một kế hoạch dịch vụ tại nhà dành riêng cho cá nhân trẻ (IFSP). Đây là một kế hoạch mà bạn và chuyên gia can thiệp cùng xây dựng. Kế hoạch này sẽ mô tả chi tiết những nhu cầu và mục tiêu can thiệp cho trẻ, và những loại hình dịch vụ giúp bạn và con bạn đạt mục tiêu trên.
- Trẻ trên 3 tuổi, trẻ sẽ được đánh giá, bạn và các chuyên gia sẽ xây dựng một chương trình giáo dục cá nhân (IEP) cho trẻ tại trường, thường dưới sự định hướng của cơ quan quản lý giáo dục tại địa phương. Chương trình can thiệp cho con bạn sẽ diễn ra tại trường.
Chọn chương trình can thiệp tại trường cho các bé đạt 3 tuổi
Vì nhu cầu của mỗi trẻ tự kỷ rất khác nhau, do đó có nhiều phương thức để xây dựng một chương trình can thiệp sớm, dựa trên nhiều mô hình can thiệp. Một vài trẻ nhận được dịch vụ can thiệp tại một bệnh viện chuyên biệt hoặc lồng ghép vào các chương trình học ở trường, trong khi một vài trẻ khác lại nhận dịch vụ can thiệp tại nhà. Thông thường, đối với trẻ nhỏ bị tự kỷ thường sẽ được can thiệp kết hợp ở trường, tại nhà và tại bệnh viện. Tại một số nơi, các chương trình can thiệp được quản lý và triển khai bởi các tổ chức của nhà nước. Ở một số nơi khác, các tổ chức tư nhân lại là nơi đưa ra các chương trình can thiệp.
Như đã nói ở trên, một chương trình can thiệp chất lượng là một chương trình dựa trên EBP (đã được kiểm nghiệm thành công). Phần lớn EBP đến từ phương pháp Phân tích hành vi ứng dụng (ABA). Vậy ABA là gì? ABA được sử dụng trong việc giảng dạy dựa trên nghiên cứu khoa học về việc học nhằm dạy và thay đổi hành vi. Nguyên tắc của ABA có thể dùng để dạy các kỹ năng mới, củng cố hành vi, và giảm các hành vi tiêu cực. Ở trong chương 9, chúng tôi mô tả chi tiết nguyên lý của ABA. Còn bây giờ, việc quan trọng hơn là tìm kiếm một nhà cung cấp dịch vụ can thiệp sớm dựa trên EBP. Nếu câu trả lời là không, hãy tìm kiếm lựa chọn khác.
Nhà cung cấp dịch vụ can thiệp sớm có thể là các nhà giáo dục sớm, nhà trị liệu ngôn ngữ, nhà phân tích hành vi, nhà trị liệu chức năng, và các chuyên gia khác, cùng với những trợ lý trị liệu và giáo dục. Mặc dù thời lượng can thiệp cho các trẻ đã đi học được National Research Council khuyến nghị là 25 giờ một tuần (tham khảo checklist trang 16), chúng tôi cũng không biết thời lượng tốt nhất cho trẻ dưới 3 tuổi, và dịch vụ can thiệp do cơ quan nhà nước cung cấp thường có thời lượng ít hơn. Bạn có thể học các kỹ thuật can thiệp được mô tả tại các chương sau của cuốn sách này, hoặc từ nhóm các nhà can thiệp để tăng thời lượng can thiệp cho con tại nhà. Điều này sẽ giúp trẻ có thể phát triển thêm các kỹ năng mới ở nhiều nơi trong cuộc sống hằng ngày ở nhà và trong các hoạt động của gia đình.
Nếu bạn đã lựa chọn một chương trình can thiệp, hãy đến xem và quan sát các chương trình khác nhau thực tế, gặp người quản lý và giáo viên can thiệp, nói chuyện với gia đình đang cho con tham gia chương trình can thiệp đó. Trong khi quan sát và nói chuyện với giáo viên và phụ huynh, hãy tưởng tượng con bạn đang được can thiệp bởi chương trình này. Chương trình can thiệp có dựa trên EBP? Đây có phải là quyền lợi dành cho con bạn? Đây có phải là cách tiếp cận tốt nhất cho con bạn không? Chương trình can thiệp sẽ khác nhau về mức độ cấu trúc và hoạt động hằng ngày, chương trình sẽ tác động thế nào lên cha mẹ, sẽ cải thiện ngôn ngữ như thế nào, yên tĩnh hay ồn ào, và sẽ được triển khai ở nhà hoặc trong một nhóm,… Những đặc điểm này có phù hợp với tính cách con bạn, cách học của con bạn và khả năng của con bạn? Bạn có thể tiềm hiểu các tiêu chí đánh giá các chương trình can thiệp ở trang 16 – 17, tuy nhiên sẽ tốt hơn nếu bạn trực tiếp quan sát và hỏi các câu hỏi.
Sử dụng thêm các trị liệu
Các chương trình can thiệp công thường có sự tham gia của các nhà trị liệu ngôn ngữ, trị liệu chức năng, nhà tâm lý và trị liệu vận động. Nếu bạn dự định tìm kiếm một chương trình can thiệp công, con bạn sẽ được đánh giá bởi nhà trị liệu ngôn ngữ, và có thể bởi cả nhà trị liệu chức năng. Những thông tin đánh giá sẽ được sử dụng để xây dựng mục tiêu và kế hoạch can thiệp cho con bạn (IFSP hoặc IEP). Thỉnh thoảng các nhà trị liệu sẽ làm việc trực tiếp với mình con bạn, thỉnh thoảng họ sẽ làm việc với cả nhóm nhỏ trong đó có con bạn, hoặc làm việc với cả bạn và con bạn, hoặc có thể họ chỉ tư vấn cho giáo viên can thiệp hơn là làm việc trực tiếp với trẻ. Một vài gia đình có thể thuê các nhà trị liệu tư, sử dụng chế độ bảo hiểm y tế của trẻ để chi trả chi phí. Nếu con bạn không thấy sự tiến bộ đáng kể về mặt ngôn ngữ trong quá trình can thiệp, bạn có thể trao đổi với nhóm can thiệp và hỏi liệu có thể sử dụng thêm trị liệu ngôn ngữ nào khác để giúp con tiến bộ. Bạn có thể hỏi họ để các nguồn tìm kiếm trị liệu bổ sung. Và trị liệu có thể tập trung vào giao tiếp thông thường, bao gồm cả giao tiếp ngôn ngữ và phi ngôn ngữ, phát triển hội thoại, thậm chí cả chơi và tương tác xã hội.
Nếu bạn lo lắng về vận động hoặc cảm giác của con mình, bạn có thể tham khảo các bước trên và tìm kiếm một nhà trị liệu chức năng. Thảo luận vấn đề này với nhóm trị liệu và bác sỹ của con, hỏi liệu rằng những trị liệu chức năng hoặc trị liệu vận động nào có thể giúp con bạn tiến bộ. Một loạt các nhà trị liệu có kinh nghiệm làm việc với trẻ tự kỷ ở khu vực của bạn được liệt kê trong mục Nguồn tìm kiếm ở website của Autism Speaks.
Trị liệu tại nhà
Khi chương trình can thiệp được thực hiện ở nhà, một người được đào tạo bài bản sẽ làm việc với tư cách quản lý hoặc giám sát của chương trình. Người quản lý này có thể có kiến thức chuyên sâu về can thiệp hoặc giám sát đội ngũ trị liệu, đào tạo những người trị liệu ít kinh nghiệm và giám sát chặt chẽ họ. Những người trị liệu ít kinh nghiệm (ở đây có thể bao gồm gia sư, người hỗ trợ, giáo viên can thiệp hoặc người trị liệu tại nhà) thường xuyên làm việc với trẻ. Ở một số nơi, các công ty công cung cấp dịch vụ can thiệp sớm sẽ đứng ra chi trả những chi phí của toàn bộ dịch vụ can thiệp tại nhà này. Ở một số nơi, thì bảo hiểm sẽ đứng ra chi trả, hoặc bố mẹ chi trả. Nếu bạn chọn một chương trình can thiệp tại nhà, bạn cần đảm bảo rằng người quản lý chương trình được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, sẽ quan sát trẻ cũng như đội ngũ trị liệu thường xuyên, và sử dụng chương trình dựa trên EBP. Sử dụng checklist ở trang 17 để lựa chọn chương trình can thiệp ở nhà hiệu quả và phù hợp cho con mình.
Vai trò của bác sỹ cho con trong chương trình can thiệp sớm
Chỉ gần đây, người ta mới nhận thức đầy đủ về tác động của việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ cũng như các chương trình can thiệp sớm ảnh hưởng như thế nào lên khả năng học của trẻ. Chúng tôi đã nhận thấy tự kỷ không chỉ tác động lên não và hành vi của trẻ, mà hội chứng này còn tác động lên toàn bộ cơ thể trẻ. Vì thế một bác sỹ chơi và làm việc với trẻ giữ vai trò quan trọng trong chương trình trị liệu. Các vấn đề sức khỏe thông thường mà trẻ tự kỷ có thể đối mặt bao gồm: vấn đề về giấc ngủ như khó ngủ hay thường xuyên thức giấc, khó ăn như ăn được ít loại thức ăn và táo bón, và những cơn bùng nổ khó kiểm soát. Một vấn đề về sức khỏe thường khác là rối loạn trong quá trình trao đổi chất. Vì vậy, bác sỹ sẽ phải xem xét kỹ các vấn đề này như một phần của chuẩn đoán cho trẻ.
Các tiêu chí đo lường chất lượng của một chương trình can thiệp sớm
- Chương trình có sự tham gia của trẻ một cách đầy đủ không?
- Tất cả trẻ trong lớp học đều tham gia vào các hoạt động của lớp? Học chỉ một vài trẻ được quan tâm tham gia?
- Chương trình có đảm bảo thời lượng ít nhất là 25 giờ/tuần với giờ can thiệp được cấu trúc?
- Mỗi giáo viên hoặc người can thiệp chỉ can thiệp cho 2 – 3 trẻ?
- Chương trình diễn ra quanh năm?
- Các hoạt động giảng dạy được lên kế hoạch một cách hệ thống và được phù hợp với độ tuổi phát triển của trẻ?
- Có sự ghi chép và theo dõi hàng ngày về sự tiến bộ của trẻ do đó có thể đánh giá được tính hiệu quả của phương pháp?
- Đội ngũ can thiệp đạt tiêu chuẩn?
- Họ có biết cách xây dựng Kế hoạch phát triển cá nhân (IEP) phù hợp với nhu cầu của trẻ?
- Họ có biết cách sử dụng các công cụ dạy phù hợp với trẻ tự kỷ?
- Họ có thể điều chỉnh môi trường học và sử dụng các phương pháp hướng dẫn trẻ tự kỷ học?
- Họ có sử dụng các kỹ thuật nhằm thúc đẩy giao tiếp và tương tác xã hội của trẻ?
- Họ có sử dụng các kỹ thuật quản lý hành vi dựa trên ABA?
- Họ có kỹ năng giải quyết với các cơn bùng nổ của trẻ?
- Họ có bằng cấp chuyên môn?
- Những trợ lý trị liệu và giảng dạy được hướng dẫn và giám sát trực tiếp?
- Những nhân viên mới được thường xuyên đào tạo về giáo dục trẻ tự kỷ?
- Có người cố vấn cho chương trình can thiệp?
- Chương trình dạy phù hợp với trẻ tự kỷ?
- Có các giáo cụ, phương pháp và hoạt động phù hợp với chương trình dạy?
- Nhân viên điều chỉnh chương trình dạy phù hợp với khả năng, khó khăn, độ tuổi và cách học của trẻ?
- Chương trình dạy tập trung vào những lĩnh vực học quan trọng, bao gồm giao tiếp và ngôn ngữ, vận động tinh và vận động thô, chơi đồ chơi, chơi tưởng tượng, và kỹ năng xã hội?
- Trẻ có cơ hội tương tác với trẻ bình thường cùng lứa tuổi?
- Phương pháp dạy có hiệu quả không?
- Phương pháp dạy đã được kiểm chứng thành công (EBP)?
- Phương pháp dạy giúp trẻ tham gia các hoạt động một cách chủ động?
- Phương pháp dạy có dựa trên phần thưởng một cách tự nhiên không?
- Phương pháp dạy có khuyến khích trẻ sử dụng các kỹ năng đã được học liên tục ở các môi trường khác nhau không?
- Nhân viên can thiệp có thu thập dữ liệu về các hành vi tiêu cực, sử dụng phân tích hành vi chức năng, và khuyến khích hành vi tích cực nhằm giảm các hành vi tiêu cực?
- Phương pháp có sự tham gia của gia đình?
- Gia đình bao gồm bố mẹ và các thành viên khác có chủ động tham gia vào chương trình can thiệp từ khâu đánh giá và giáo dục trẻ?
- Chương trình có đưa cho cha mẹ các thông tin về triết lý giáo dục, chương trình dạy và các kỹ thuật dạy?
- Nhân viên can thiệp có tôn trọng sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ, giá trị và phong cách dạy của cha mẹ trong gia đình?
- Chương trình giúp cha mẹ hiểu sự phát triển của trẻ và hỗ trợ cha mẹ trong việc nỗ lực áp dụng các kỹ thuật giảng dạy tại nhà? Nhân viên có thường xuyên gặp gỡ cha mẹ để thông tin về quá trình tiến triển của trẻ?
- Chương trình có làm việc với gia đình để hỗ trợ gia đình tìm các dịch vụ hỗ trợ?
- Chương trình có giúp đỡ quá trình chuyển giao phương pháp giáo dục cho gia đình vào giai đoạn tiếp theo?
Các tiêu chí đo lường chất lượng của chương trình can thiệp tại nhà
Nếu câu trả lời là có cho các câu hỏi sau, bạn có thể tự tin về trình độ và kinh nghiệm của nhóm can thiệp tại nhà.
- Người quản lý chương trình có được đào tạo bài bản để làm việc với trẻ tự kỷ, bao gồm cả bằng tốt nghiệp (thạc sỹ hay tiến sỹ) trong lĩnh vực như phân tích hành vi, giáo dục đặc biệt hoặc tâm lý?
- Người quản lý chương trình và nhà trị liệu có được đào tạo và cấp chứng chỉ một phương pháp can thiệp đã được khoa học công nhận? Phương pháp đó là gì?
- Người quản lý chương trình và toàn bộ nhà trị liệu tại nhà đã vượt qua kỳ kiểm tra kiến thức cơ bản về giáo dục?
- Người quản lý chương trình có dành thời gian thường xuyên để giám sát các nhà trị liệu tại nhà, quan sát họ làm việc với trẻ, đánh giá sự tiến triển của trẻ và làm việc trực tiếp với trẻ, và điều chỉnh chương trình dạy để thúc đẩy sự tiến bộ của trẻ?
- Các nhà trị liệu tại nhà có được đào tạo tốt, có năng lực, chuyên nghiệp và có tâm?
- Người quản lý chương trình và các nhà trị liệu tại nhà có khuyến khích bạn quan sát và tham gia các buổi trị liệu cho con bạn và giải thích những kỹ thuật mà họ đang làm?
- Người quản lý chương trình có tư vấn một cách chuyên nghiệp về những vấn đề chuyên môn (như trị liệu chức năng, trị liệu ngôn ngữ) khi cần?
- Chương trình can thiệp có sử dụng các nội dung dạy hướng tới một mục tiêu cụ thể mà trẻ đang cần phải đạt được?
- Các nhà trị liệu tại nhà có thu thập dữ liệu về sự tiến triển của con bạn hàng ngày và xem dữ liệu thường xuyên với người quản lý nhóm?
- Người quản lý nhóm có gặp bạn thường xuyên và những người khác trong nhóm?
- Bạn có được coi là một phần của nhóm can thiệp, và người quản lý nhóm đang lắng nghe bạn?
- Người quản lý nhóm đang giúp bạn tìm ra mục tiêu tập trung can thiệp cho con bạn? Anh/Cô ấy có chỉ cho bạn cách tương tác với con tại nhà để giúp con đạt được các mục tiêu phát triển?
Chứng khó ngủ của trẻ tự kỷ
Vấn đề giấc ngủ thường là vấn đề nghiêm trọng của trẻ tự kỷ. Thực tế, hơn nửa số trẻ tự kỷ gặp ít nhất 1 vấn đề khó khăn về giấc ngủ một cách thường xuyên. Điều đó có nghĩa là hơn nửa số cha mẹ có con bị tự kỷ phải đối mặt với tình trạng trẻ quấy nhiễu trong khi ngủ, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới giấc ngủ của cả nhà. Chứng khó ngủ của trẻ có thể bao gồm: khó chìm vào giấc ngủ, thức dậy giữa đêm, dậy sớm, khó thở khi ngủ, nhu cầu ngủ ít.
Nếu đứa trẻ đang phải đối mặt với chứng khó ngủ, thì trẻ sẽ không thể tận dụng được hết những lợi ích của chương trình can thiệp sớm. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, chứng khó ngủ ở trẻ, bao gồm cả trẻ tự kỷ làm giảm sự chú ý, giảm trí nhớ, các khó khăn về hành vi như các cơn bùng nổ hay hung hăng. Trong một bài báo do American Academy of Pediatrics phát hành, đã được ra các khuyến nghị giúp trẻ chậm phát triển ngủ tốt hơn:
- Môi trường ngủ thoải mái cho trẻ, bao gồm về nhiệt độ, ánh sáng, đệm, ga,…
- Ánh sách thích hợp (có thể dùng đèn ngủ nếu cần thiết)
- Xây dựng một lịch biểu ngủ – thức, bao gồm thời gian cho giấc trưa, chuẩn bị đi ngủ, và giờ dậy. Nhìn chung, lịch biểu ngủ trong tuần và cuối tuần không nên lệch nhau quá 1 tiếng.
- Lập kế hoạch ngủ một cách cẩn thận nhằm giúp trẻ giữ trạng thái nhẹ nhàng trước khi ngủ, vì trẻ tự kỷ thường dễ bị kích thích. Tránh hoạt động mới hoặc hoạt động không mong muốn, tiếng ồn quá mức, chơi trò mạnh, hoặc ăn nhiều sát giờ ngủ. Tắm, chơi đồ chơi quen thuộc, cùng đọc một cuốn sách thường sẽ giúp con ngủ tốt hơn. Những hoạt động nhẹ nhàng khác bao gồm cả mát xa, chải tóc, nghe nhạc nhẹ.
- Không để ti vi trong phòng ngủ của trẻ. Không xem phim hoặc TV cũng là một cách giúp trẻ dễ chìm vào giấc ngủ hơn.
Nếu con bạn bị chứng khó ngủ, người đầu tiên có thể tư vấn cho bạn là nhà tâm lý trong nhóm can thiệp cho con bạn. Có một vài phương pháp giúp con bạn tăng cường giấc ngủ một cách đáng kể. V.Mark Durand đã viết hai cuốn sách giúp cha mẹ tăng cường giấc ngủ của con dựa trên nghiên cứu khoa học: Sleep better (1998) và When children don’t sleep well: interventions for Pediatric sleep disorders: parent workbook (2008). Nếu những phương pháp trong cuốn sách áp dụng không thấy hiệu quả, bạn hãy gặp bác sỹ nhi. Thuốc có thể hỗ trợ cho việc tạo thói quen ngủ – thức đúng giờ, nhưng chỉ nên dùng thuốc dưới sự giám sát của bác sỹ.
Vấn đề ăn uống và tiêu hóa
Một vấn đề về sức khỏe thường gặp ở trẻ tự kỷ là vấn đề rối loạn tiêu hóa. Theo báo cáo của cha mẹ, trẻ tự kỷ thường bị đau bụng, tiêu chảy, đầy hơi, và táo bón. Các cha mẹ cũng ghi nhận lại rằng những trẻ bị tự kỷ có thể bị cả hai tiêu chảy và táo bón thường xuyên. Tuy nhiên, trẻ bình thường cũng có thể gặp những vấn đề tiêu hóa này, nhưng một vài bằng chứng chỉ ra rằng chúng thường xuyên xuất hiện ở trẻ tự kỷ. Những vấn đề tiêu hóa đó làm cho đứa trẻ đau và khó chịu, giống như việc khó ngủ, dẫn đến những hành vi khó khăn và sự mất tập trung của trẻ. Hơn nữa, những vấn đề tiêu hóa này sẽ làm cho trẻ không thể tận dụng được hết lợi ích từ chương trình can thiệp.
Vì trẻ tự kỷ khó khăn trong giao tiếp, nên người lớn không thể biết được trẻ có đang bị đau bụng hay đau bộ phận nào khác hay không. Hãy quan sát, nếu con bạn xuất hiện những biểu hiệu tiêu cực nào đó trong hành vi, khóc to và không dừng, tự làm đau mình, ôm chặt bụng, hoặc những biểu hiện thể hiện sự đau đớn. Nếu bạn nghi ngờ, hãy đưa con tới bác sỹ để chuẩn đoán. Phụ thuộc vào mức độ và loại vấn đề tiêu hóa, bác sỹ sẽ có những phương pháp điều trị như điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, ăn kiêng, và thuốc. Chưa có bằng chứng khoa học nào về việc cho trẻ ăn kiêng theo một chế độ đặc biệt, bao gồm loại bỏ casein và gluten, có thể cải thiện hành vi của trẻ tự kỷ. Tuy nhiên, một số cha mẹ đang thực hiện chế độ ăn kiêng cho trẻ, và ghi nhận rằng con họ đã cải thiện được đáng kể hành vi.
Vấn đề ăn uống cũng là một vấn đề thường gặp ở trẻ tự kỷ. Một nghiên cứu mới đây của American Academy of Pediatrics tìm ra rằng trẻ tự kỷ thường khó ăn ngay từ nhỏ. Chẳng hạn, trong năm đầu tiên, giống những trẻ bình thường khác, trẻ tự kỷ thường chỉ ăn một loại thức ăn duy nhất. Sau một tuổi, trẻ tự kỷ được ghi nhận là “khó ăn” hoặc “kén ăn”. Khi lớn lên, trẻ tự kỷ ăn được rất ít loại thức ăn. Tuy nhiên, nghiên cứu này cũng đã không tìm ra sự khác biệt về dinh dưỡng giữa trẻ tự kỷ và trẻ bình thường. Một số nghiên cứu khác đã tìm ra một số khác biệt về dinh dưỡng, có lẽ vì trẻ tự kỷ kén chọn thức ăn hoặc tuân thủ một chế độ ăn kiêng đặc biệt.
Nếu bạn lo lắng về việc ăn uống của con mình, hãy đưa con tới bác sỹ nhi khoa để tư vấn. Cùng thảo luận vấn đề này với trưởng nhóm can thiệp, người điều chỉnh hành vi hoặc chuyên gia tâm lý trong nhóm can thiệp. Có nhiều cách giúp con bạn ăn đa dạng thức ăn, và các nhà trị liệu sẽ có thể giúp bạn trong vấn đề cải thiện ăn uống cho con. Nếu bác sỹ lo ngại về vấn đề dinh dưỡng của trẻ, bác sỹ có thể sẽ giới thiệu cho bạn tới một chuyên gia dinh dưỡng nào đó. Thỉnh thoảng ở trường đại học hay bệnh viện, nơi các chuyên gia dinh dưỡng có thể cung cấp cho bạn một vài gợi ý cụ thể giúp con bạn ăn uống tốt hơn hoặc làm thế nào bạn có thể đảm bảo được chế độ ăn uống đủ chất cho con. Một vài lý do khiến con bạn khó ăn, có thể do trẻ có vấn đề về nhai và nuốt, các cảm giác liên quan đến bày món ăn, thói quen với một loại thức ăn, không thích sự thay đổi món. Nhóm can thiệp sớm và bác sỹ sẽ làm việc với nhau, để giúp bạn tìm ra nguyên nhân con bạn khó ăn, từ đó thay đổi thói quen ăn uống của trẻ, và đảm bảo một chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ.
Động kinh/ Rối loạn co giật
Mặc dù rối loạn co giật thường không xuất hiện ở giai đoạn trẻ nhỏ, chỉ có khoảng ¼ trẻ tự kỷ bị rối loạn co giật tại một vài thời điểm khi lớn lên. Rối lạn co giật thường xuất hiện thời kỳ vị thành niên hoặc thậm chí khi ở giai đoạn trưởng thành, tuy nhiên chúng thường xuất hiện sớm trong cuộc đời trẻ tự kỷ. Việc chữa trị rối loạn co giật rất quan trọng, vì chúng có thể tác động lên chức năng và sự phát triển của não. Vì thế nếu con bạn bị rối loạn co giật hoặc có triệu chứng (như đã mô tả dưới đây) có thể dẫn đến rối loạn co giật, hãy tìm cách chữa càng sớm càng tốt.
Có rất nhiều loại động kinh: co giật liên quan đến việc nhìn chằm chằm (không có cơn co giật), co giật có liên quan đến chuyển động lặp đi lặp lại (co giật phức tạp một phần), và động kinh (co giật toàn thân). Các triệu chứng nhẹ có thể khó phát hiện vì một số triệu chứng, chẳng hạn như nhìn chằm chằm vào không gian và không phản ứng khi được gọi, cũng là các triệu chứng điển hình của tự kỷ. Các triệu chứng của một cơn động kinh (không co giật) có thể bao gồm “đờ người” hoặc trở nên không phản ứng với âm thanh và nhìn vô thức trong 10-20 giây, chớp mắt liên tiếp, hay hơi trợn mắt, chuyển động miệng, cứng cơ, di chuyển mạnh bất thường, cọ xát ngón tay lại với nhau, và nhìn chằm chằm. Nếu bạn lo ngại về trẻ có thể bị rối loạn co giật, hãy đưa con đi kiểm tra bởi bác sỹ nhi khoa, bác sỹ sẽ khám và chuẩn đoán cho trẻ.
Hợp tất cả lại
Như bạn có thể thấy, có rất nhiều cấu phần khác nhau trong một chương trình can thiệp sớm, trong đó bao gồm chương trình can thiệp cơ bản (trong nhóm hoặc can thiệp một-một), và đôi khi một vài trị liệu bổ sung từ các nhà trị liệu ngôn ngữ, trị liệu chức năng và/hoặc bác sỹ. Theo thời gian, bạn sẽ tìm hiểu về các lựa chọn có sẵn trong cộng đồng của bạn, quyết định lựa chọn chương trình tốt nhất cho con bạn, và bày tỏ những mong muốn của bạn vì thế con bạn có thể nhận được dịch vụ tốt nhất có sẵn trong cộng đồng của bạn. Bạn sẽ cần phải khuyến khích mọi người trong nhóm can thiệp làm việc và trao đổi thông tin với nhau. Tuy nhiên, nên nhớ rằng những điều lẽ ra cần diễn ra thì sẽ luôn không tự động diễn ra hoặc diễn ra cùng lúc. Chúng chỉ diễn ra từng bước từng bước một khi cha mẹ thúc đẩy và làm cho chúng diễn ra.
Nhiều bậc cha mẹ thấy hữu ích khi thường xuyên có “cuộc họp nhóm” với tất cả các thành viên trong nhóm can thiệp. Các cuộc họp nhóm giúp thống nhất mục tiêu giữa tất cả các thành viên trong nhóm, cùng giải quyết các vấn đề theo một cách nhất định, các thành viên có cơ hội học hỏi từ nhau hay lắng nghe nhau. Bạn có quyền đòi hòi cuộc họp nhóm bất kỳ lúc nào, để xem xét IFSP hoặc IEP của con bạn. Tuy nhiên cũng có những cách khác giúp nhóm có thể có thể trao đổi thông tin với nhau bao gồm:
- Có một cuốn sổ cạnh con bạn suốt cả ngày, vì thế giáo viên, nhà trị liệu và các thành viên gia đình khác có thể ghi chép về hành vi và tiến triển của con bạn.
- Yêu cầu nhóm can thiệp gửi cho bạn thông tin về sự tiến bộ của con mình mỗi tuần.
- Một số gia đình sử dụng công nghệ thiết lập một blog hay trang web để các thành viên nhóm can thiệp cũng như các bậc phụ huynh có thể trao đổi những gì họ đang làm, mô tả những hoạt động hiệu quả (hoặc không), và đưa ra lời khuyên rằng hữu ích cho những người cung cấp dịch vụ can thiệp khác. Đây là một nơi để chia sẻ các vấn đề và thành công từ khi con bạn bắt đầu phát triển các kỹ năng mới.
Trong chương này, chúng tôi đã cung cấp thông tin cơ bản về việc thành lập một chương trình can thiệp cho con mình. Để đọc thêm, chúng tôi đã cung cấp danh sách các cuốn sách và website tuyệt vời về các chủ đề được đề cập trong cuốn sách này (xem phần Tài nguyên ở mặt sau của cuốn sách này). Tính đến thời điểm này, chúng tôi đã hoàn toàn tập trung vào con của bạn. Nhưng còn bạn thì sao? Giống như con của bạn, bạn và gia đình cần quan tâm đặc biệt để đối mặt với những thách thức phía trước. Như vậy, bạn và gia đình bạn sẽ duy trì sức khỏe, tinh thần tốt để có thể chăm sóc con tự kỷ tốt hơn. Chương kế tiếp sẽ cung cấp các chiến lược để giúp bạn và gia đình đạt được sự cân bằng đó.
CHƯƠNG 2. CHĂM SÓC BẢN THÂN VÀ GIA ĐÌNH CỦA BẠN
Khi Carmen và Roberto bắt đầu cùng quyết tâm tìm ra kế hoạch can thiệp tốt nhất cho Teresa – con gái 3 tuổi của họ bị tự kỷ, họ đã mất vài tuần với hàng tá cuộc gọi và cuộc gặp. May mắn thay, Carmen làm việc ca chiều, từ 15h – 23h, vì thế cô ấy có thể ở nhà vào buổi sáng và gọi điện. Tất cả đều tập trung cho Teresa. Roberto làm việc ca sớm, từ 6h – 14h. Họ có thời gian gặp nhau rất ít, ngoại trừ vào cuối tuần. Khi họ có thời gian cùng nhau, Carmen cố gắng kể lại với chồng tất cả những cuộc gặp, những người mới, lời khuyên của mọi người về hướng can thiệp cho Teresa và giúp cô bé tăng cường giao tiếp. Dường như Teresa là đề tài nói chuyện chủ yếu của họ, và Roberto bắt đầu cảm thấy mệt mỏi. Anh mong rằng mọi thứ qua nhanh, như một cơn ác mộng, và cuộc sống nhanh chóng trở lại như trước – lúc anh có một cuộc sống hạnh phúc, như hồi mới cưới xong, một cuộc sống nhẹ nhàng và êm ấm. Anh lo lắng về trách nhiệm của mình trong chăm sóc vợ, con trai và con gái trong giai đoạn này, tương lai dường như vô định.
Carmen đã bắt đầu chấp nhận cuộc sống mới, sau mỗi sáng thức dậy. Có rất ít thời gian để nói về những vấn đề khác, cậu con trai 5 tuổi Justino – cũng vừa mới đi học. Carmen bắt đầu thấy khó ngủ. Cô thường nằm trên giường và lo lắng về Teresa. Có chương trình can thiệp nào thật sự tốt cho cô bé? Bảo hiểm có thể chi trả toàn bộ chi phí được không? Cô có nên nghỉ làm để tập trung cho Teresa và Justino không? Họ sẽ sống như thế nào nếu chỉ có Roberto đi làm? Cô ngập trong hàng ngàn câu hỏi và lo lắng, và rồi cô lại khóc. Cô nhìn Roberto và cảm thấy anh ấy thật xa lạ. Anh ấy dường như tỏ ra khá tĩnh lặng. Họ ít cười với nhau. Anh ấy ở lại cơ quan muộn hơn. Cô không thể chỉ trích anh ấy vì chưa dám đối mặt với thử thách này, nhưng thực sự cô đang rất cần anh ấy nỗ lực nhiều hơn nữa.
Và còn Justino thế nào? Cậu bé tới trường vào buổi sáng, bà ngoại đón cậu bé, vì Teresa có buổi trị liệu sau buổi chiều tại địa điểm khá xa trường của Justino. Bà ngoại trở cậu bé về nhà lúc 13h, ở lại chơi với bọn trẻ cho đến khi Roberto trở về nhà vào lúc 15h hoặc muộn hơn thế. Carmen cảm thấy dường như không còn thời gian cho Justino ngoại trừ lúc chở cậu bé tới trường vào buổi sáng.
“Tôi hoàn toàn tuyệt vọng. Thậm chí ngay cả khi tôi làm việc trong lĩnh vực giáo dục đặc biệt, không ai có thể hiểu được tôi lúc này. Tôi cảm thấy hoàn toàn bất lực và cô đơn. Cảm giác thật là tuyệt vọng.”
Cô kéo chăn chùm kín đầu và úp mặt xuống gối. Cô ước mình có ai đó để tâm sự lúc này, nhưng dường như thật khó để nói chuyện với gia đình cô và bạn bè. Họ nói rằng cô ấy quá lo lắng, rằng bác sỹ đã sai, rằng cô ấy nên dành thời gian nhiều hơn cho Teresa. Không ai biết cô ấy đang nghĩ gì. Cô cần một lời khuyên từ mẹ, giúp đỡ từ gia đình, và yêu thương nhiều hơn từ người chồng. Cô ấy cần năng lượng để chiến đấu. Đầu tiên, cô ấy cầm bút và viết danh sách mọi người thân. Liệu cô có thể tìm ai đó giúp cô vượt qua vấn đề này – liệu ai là người có thể giúp đỡ Teresa và mang đến cho cô bé niềm hy vọng?
Điều chỉnh để chăm sóc một đứa con tự kỷ
Những cảm xúc mà Carmen và Roberto đã trải qua cũng là những cảm xúc của nhiều cha mẹ đang cố gắng điều chỉnh để chăm sóc con bị tự kỷ. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nhiều gia đình có con tự kỷ đã kể với chúng tôi: Chăm sóc một đứa trẻ tự kỷ là rất căng thẳng! Nhưng rất nhiều bậc cha mẹ đã nói với chúng tôi rằng nó cũng là phần thưởng và cảm giác bù đắp khi con bạn có tiến bộ và tương lai bắt đầu trở nên tươi sáng hơn.
Sau một vài tháng, thậm chí cả năm tiếp theo, bạn có cảm giác phải tập trung toàn bộ vào đứa trẻ tự kỷ của mình. Tuy nhiên, điều vô cùng quan trọng đó là giành thời gian, một lúc nào đó xem xét đến nhu cầu của toàn bộ gia đình, bao gồm cả bản thân bạn. Đừng đặt bạn ở cuối cùng của danh sách cần quan tâm. Hãy chăm chút cho bản thân vì đây là cách duy nhất để bạn có thể quan tâm tới người khác. Bạn luôn phải chắc chắn rằng, mình khỏe cả về thể lực và tinh thần.
Việc chăm sóc bản thân, người chồng/vợ, và những trẻ khác có thể khiến cho bạn quá sức khi bạn đang dành mọi thời gian cho trẻ bị tự kỷ. Chúng tôi biết điều đó thật không dễ dàng gì, nhưng hàng loạt cha mẹ đã phải đối mặt với vấn đề này đã truyền lại kinh nghiệm cho chúng tôi về việc điều chỉnh để chăm sóc con tự kỷ. Những gì chúng tôi được truyền lại, chúng tôi cố gắng mô tả chi tiết trong chương này với hy vọng có thể giúp bạn.
Chăm sóc gia đình của bạn
Mọi thành viên trong gia đình đều bị ảnh hưởng bởi con đường mới với hội chứng tự kỷ của trẻ, nhưng đừng để sự tác động này là tiêu cực, đặc biệt là sau khi bạn đã vượt qua giai đoạn điều chỉnh khởi đầu. Với hầu hết các bậc cha mẹ, đặc biệt là trong quá trình điều chỉnh, trở ngại lớn nhất để duy trì và giữ các mối quan hệ trong gia đình yên ấm là thời gian giành cho nhau và thời gian trò chuyện với nhau. Dĩ nhiên, đây là một thử thách không hề nhỏ. May mắn thay, cha mẹ những người đã vượt qua khó khăn này sẽ chia sẻ những ý tưởng giúp bạn:
Thắt chặt quan hệ hôn nhân
Những khó khăn trong việc chăm sóc con tự kỷ có tác động tiêu cực lên cuộc hôn nhân (thấp hơn hay cao hơn so với mức tác động so với chăm sóc một đứa trẻ bình thường)? Hoàn toàn không có sự khác biệt! Thực tế, nghiên cứu hàng trăm gia đình chăm sóc con tự kỷ từ nhỏ tới giai đoạn trưởng thành đã chỉ ra rằng không có sự khác nhau về tỷ lệ ly hôn giữa các gia đình có và không có con tự kỷ. (Khi trẻ tự kỷ đã trưởng thành, những vợ chồng có con tự kỷ có thể ly hôn nhưng không rõ nguyên nhân).
Áp lực gia tăng trong việc chăm sóc con tự kỷ thường khiến các cặp vợ chồng dành ít thời gian cho nhau – do nhu cầu chăm sóc trẻ tự kỷ tăng. Bạn cảm thấy như thể không còn lựa chọn nào khác. Nhu cầu của con cái là trên hết, tuy nhiên bạn nên nhớ rằng nếu gạt vợ/chồng mình sang 1 bên, tức là bạn đã phủ nhận 1 thành viên quan trọng có thể hỗ trợ bạn. Hơn nữa, việc một mình đối mặt với hàng trăm thử thách mới sẽ khiến cho khoảng cách giữa 2 vợ chồng càng cách xa. Dưới đây là một vài chỉ dẫn đặc biệt quan trọng ở giai đoạn đầu sau khi con bạn bị chuẩn đoán rối loạn phổ tự kỷ.
Hãy trao đổi với nhau!
Hãy nói chuyện với nhau. Vì bạn đang quá tập trung vào vấn đề điều trị cho con tự kỷ, thật khó để nghĩ về vấn đề này, hay nói chuyện về chúng hoặc thứ khác nữa.
Roberto cảm thấy như thể Carmen đang sống một cuộc sống mới, đảo lộn hoàn toàn so với cuộc sống trước đây và đang khiến họ càng ngày càng khác biệt. Anh vẫn chưa thể bắt nhịp được cuộc sống mới. Cuộc sống trước đây đã qua, một cuộc sống mới dường như ít thoải mái, giống như một nhà tù – mờ mịt, căng thẳng và đầy sợ hãi. Trong khi Carmen đã bắt đầu chấp nhận nó, và điều anh nghe được từ vợ là chỉ về nó – không còn đề tài gì khác. Còn đối với Carmen, tất cả những gì cô nghĩ chỉ là trị liệu và trị liệu. Cô muốn chia sẻ với chồng, nhưng dường như anh rất ít quan tâm. Điều đó làm cô giận dỗi rằng chồng cô không tham gia vào các quyết định của cô, rằng chỉ một mình cô phải đối mặt với vấn đề này, và cô cảm thấy khoảng cách vợ chồng càng ngày càng xa trong cuộc sống mới này.
Việc chia sẻ giữa vợ chồng trong cuộc sống hằng ngày thật vô cùng quan trọng. Khi bạn nhìn thấy vợ chồng có khoảng cách trong cuộc sống hằng ngày, hãy đặt dấu hỏi điều gì đã gây nên tình trạng này: “Có chuyện gì đang xảy ra vậy?” “Chúng ta có thể cùng nhau làm điều gì thú vị vào cuối tuần này?” “Anh đang bị cảm đấy à?” “Em đã gọi điện cho mẹ hôm nay chưa? Có tin gì mới từ bà không?”. Hãy thực sự lắng nghe, và hãy để ý đến cuộc sống của nhau trong lúc nói chuyện. Hãy cố gắng dành ít phút cho nhau mỗi ngày, tập trung cho nhau, trước khi bắt đầu thảo luận về con cái.
Hãy lắng nghe
Khi người bạn đời của bạn đang nói, bạn hãy tập trung lắng nghe. Không xen ngang hoặc phán xét. Hãy diễn đạt lại những ý của người bạn đời để đảm bảo bạn hiểu đúng những gì cô ấy hay anh ấy đang nói và đang cảm thấy. Ví dụ, nếu bạn đời kể về một vấn đề mà hôm nay anh ấy hay cô ấy đã trải qua, bạn hãy kìm chế sự chỉ trích và chỉ dẫn anh ấy hoặc cô ấy cần làm gì. Thay vào đó, sẽ tốt hơn nếu bạn diễn đạt tóm ý những thông điệp mà bạn đời gửi tới và đề nghĩ giúp đỡ, chẳng hạn như “Nghe có vẻ nhưng em đã trải qua một ngày thực sự tồi tệ rồi. Chắc em phải mệt mỏi và tức giận lắm. Anh có thể làm gì giúp em đây?”.
Lời khuyên hữu ích:
Hãy tránh việc đổ lỗi bằng mọi cách. Đó cũng là lẽ tự nhiên khi bạn cố gắng đổ lỗi cho ai đó về chứng tự kỷ của con bạn, về những ước mơ của bạn đã bị tan biến, về những nỗi buồn mà bạn đã trải qua sau khi con bạn được chuẩn đoán. Nhưng hãy đừng đổ lỗi. Không ai gây ra vấn đề này. Không gì có thể ngăn cản hay phòng tránh được hội chứng này. Bạn và gia đình của bạn chính là cách giải quyết hội chứng này, chứ không phải là vấn đề gây ra hội chứng. Tự đổ lỗi cho chính mình không mang lại lợi ích gì cho bạn cả. Đổ lỗi cho người bạn đời chỉ làm giảm sự tự tin, mất dần sự tin tưởng và dẫn đến cảm giác xa rời nhau mà thôi. Các bạn cần ở bên nhau hơn bao giờ hết. Người bạn đời có thể là người giúp đỡ bạn được nhiều nhất trên chặng đường thử thách mới này. Khi bạn bắt đầu cảm thấy muốn đổ lỗi cho ai đó, hãy bình tĩnh nhận ra cảm xúc của mình lúc này và nhắc nhở bản thân rằng, không ai là nguyên nhân gây ra tự kỷ cho con của bạn cả.
Cũng không có gì lạ nếu xảy ra bất đồng giữa các bậc cha mẹ có con tự kỷ. Thường là khác nhau quan điểm về tự kỷ, về lựa chọn chương trình can thiệp, về các quy tắc, và những kỳ vọng trong việc nuôi dạy con. Đối với những bất đồng này, bước đầu tiên là bạn phải chọn thời điểm tốt để nói chuyện với bạn đời một cách thẳng thắn, nghiêm túc hơn là bạn cứ nghĩ rằng người bạn đời không biết hay không hiểu. Ví dụ, nếu bạn đời của bạn gợi ý về một trị liệu mới mà bạn không đồng ý, bạn hãy cố khơi sâu thêm lý do cô ấy hay anh ấy nghĩ trị liệu đó là tốt, hơn là bạn chỉ phản đối và chỉ trích đối phương. Hãy lắng nghe thật kỹ lý do của đối phương, và hãy tìm một quan điểm trung lập giữa hai bạn, hoặc một giải pháp mà phù hợp với cả hai bạn. Nếu trước khi quyết định phương thức trị liệu mới này, bạn cần them thông tin về con bạn chẳng hạn, bạn hãy dành thời gian để ngồi cùng với người điều phối của chương trình trị liệu hoặc thành viên của nhóm trị liệu để đặt các câu hỏi và tập hợp các thông tin cần thiết. Nếu bạn thấy khó hiểu hoặc chưa tìm ra các bằng chứng thuyết phục, bạn hãy tìm một bác sỹ tâm lý hoặc một người có kiến thức để hiểu thêm các quan điểm mới này. Nhưng trước khi tìm kiếm sự giúp đỡ, bạn hãy cố gắng nghe và cởi lòng với những quan điểm mới này một cách trân trọng.
Hãy chỉ cho bạn đời thấy rằng bạn cũng rất quan tâm tới con
Lời khuyên hữu ích:
Nếu bạn cần những nhắc nhớ về việc trao đổi tích cực với bạn đời và chỉ cho bạn đời thấy mối quan tâm của bạn tới con ở giữa lúc căng thẳng nhất của chặng đường thử thách mới này, hãy thử sử dụng những công cụ đơn giản mà chúng tôi gợi ý tại cuối mỗi chương sách ở phần II (Từ chương 4 – 13). Đó là, viết những ghi chú nhắc bạn sẽ giúp bạn luôn ghi nhớ tầm quan trọng của việc xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với người bạn đời trong giai đoạn này. Hãy viết những ghi chú đặc biệt giúp bạn kiểu như “Đừng bao giờ nói “Em/Anh chỉ toàn….”, “Hãy nhớ nói với cô ấy rằng “Anh yêu em” trước khi tắt máy” hoặc “Hãy luôn chào anh ấy khi anh ấy đi làm về”, và không có vấn đề gì nếu bạn gọi đó những “danh sách cần ghi nhớ dán vào tủ lạnh”, nhưng bạn có thể để chúng ở những nơi bạn thường xuyên thấy nhất: như trên điện thoại bàn, trong ngăn tủ mà bạn hay mở vào buổi sáng để lấy đồ, trong buồng thay đồ, hoặc nơi nào phù hợp với bạn.
Hãy chỉ rõ cho bạn đời thấy rằng bạn hiểu và cảm thông với những cảm xúc của cô ấy hay anh ấy, và bày tỏ rõ mối quan tâm tới những gì đang diễn ra trong cuộc sống của cô ấy hay anh ấy, chính là cách tốt nhất để bạn bày tỏ mối quan tâm của bạn tới người bạn đời. Tiến sỹ John Gottman, một chuyên gia tư vấn các vấn đề về thắt chặt quan hệ hôn nhân, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì trò chuyện ngắn hằng ngày giữa các cặp vợ chồng. Những cuộc trò chuyện hằng ngày này là cơ sở để xây dựng cuộc hôn nhân bền vững. Hãy cố tìm một vài cách để làm hoặc nói những lời quan tâm, chăm sóc và giúp đỡ nhau hằng ngày. Tiến sỹ Gottman cũng chỉ ra rằng những cử chỉ đơn giản nhưng đầy yêu thương giống như việc gửi tiền vào “tài khoản tình cảm” vậy. Việc duy trì một tài khoản tình cảm khổng lồ sẽ giúp bạn đương đầu trong lúc khó khăn này, trong lúc mâu thuẫn nảy sinh giữa 2 vợ chồng là điều không thể tránh khỏi. Vì vậy, bạn hãy nhớ nuôi dưỡng và tích góp tài khoản tình cảm đó, càng nhiều càng tốt.
Duy trì sự hài hước
Các chuyên gia về hôn nhân đã nhận thức rõ rệt về lợi ích của việc duy trì sự hài hước giữa các cặp vợ chồng. Tiếng cười làm giảm stress, cảm thấy tốt hơn và làm tăng sự thân mật giữa vợ chồng. Đặc biệt trong các cuộc tranh cãi, hài hước (miễn là không làm đối phương cảm thấy tổn thương) có thể giải tỏa căng thẳng và làm nhẹ mâu thuẫn. Nghe thì có vẻ hơi buồn cười, nhưng thậm chí chỉ cần cùng nhau xem một bộ phim hài cũng có thể giúp hai vợ chồng bớt căng thẳng. Hãy luôn cố gắng tạo tiếng cười. Hãy thử xem các bộ phim hài vào tối thứ Sáu thay vì lựa chọn những phim thư giãn khác.
Hãy dành thời gian bên nhau
Dành thời gian bên nhau – việc này nói thì dễ nhưng làm thì khó? Chính xác, nhưng không phải không thể làm được. Hãy cố thu xếp thời gian riêng tư dành cho bạn đời, không bị các con quấy rầy, chỉ có 2 vợ chồng tận hưởng khoảng thời gian này. Mỗi ngày chỉ cần dành cho nhau ít phút sẽ giúp bạn hiểu nhau hơn sau một ngày căng thẳng và giúp bạn lắng nghe tâm tư của người bạn đời – cả niềm vui, nỗi buồn một cách ân cần, không phán xét, và chân thành. Khi bạn bè và các thành viên trong gia đình hỏi họ có thể giúp gì bạn không, thì hãy nhờ họ giúp đỡ bằng cách cho vợ chồng bạn chút thời gian riêng tư như trông con giúp bạn đôi chút chẳng hạn. Dành thời gian bên nhau đồng nghĩa với việc tìm kiếm người trông trẻ giúp bạn. Nếu không ai thân thiết có thể giúp bạn, hãy tìm kiếm các dịch vụ trông trẻ thuê hoặc nhờ thành viên của nhóm can thiệp. Ở một vài nơi, dịch vụ trông trẻ thuê có nhận trông trẻ tự kỷ. Chúng tôi sẽ mô tả dịch vụ này ở phần tiếp theo đây.
Sử dụng dịch vụ chăm sóc tạm thời
Chăm sóc tạm thời là một thuật ngữ chỉ về việc thuê người trông trẻ hoặc dịch vụ giữ trẻ tạm thời, vì thế các thành viên trong gia đình có thể rảnh rỗi với các công việc chăm trẻ hàng ngày để dành thời gian cho nhau. Dịch vụ chăm sóc tạm thời có thể giúp bạn giảm stress, bạn có thể ăn sáng và dành thời gian cho chính mình hoặc với các thành viên trong gia đình. Đó cũng là cách để bạn nạp lại năng lượng, nghỉ ngơi, chăm sóc bản thân cũng như các thành viên trong gia đình bạn. Bạn có thể tìm kiếm các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc tạm thời thông qua mạng lưới National Respite Network (www.archrespite.org).
Việc để trẻ tự kỷ ở với người khác một thời gian ngắn không có nghĩa là bạn đang lờ là vai trò làm cha mẹ của mình. Thậm chí đây còn là một điều tốt cho trẻ tự kỷ. Thứ nhất, điều này giúp cho con bạn được chăm sóc bởi các ông bố, bà mẹ tràn đầy năng lượng. Thứ hai, điều này thực sự tốt cho chính con bạn. Con bạn sẽ học được cách điều chỉnh bản thân với những người lớn khác. Điều đó sẽ giúp cho chúng hiểu rằng thế giới đầy niềm tin. Và đó cũng là tiền đề giúp con bạn học tiểu học. Đó là một trải nghiệm thú vị đối với quá trình trưởng thành của con. Giúp mọi người hiểu về hội chứng phổ tự kỷ chính là cách chia sẻ cơ hội chăm sóc con bạn với người khác.
Các con khác của bạn thì sao?
Carmen đã thực sự xao nhãng việc chăm sóc con khác ngoài Teresa, Justino. Trước khi Teresa chào đời, cô đã dành rất nhiều thời gian chơi với Justino. Cô đã rất vui vẻ bên Justino. Tuy nhiên, bây giờ, toàn bộ thời gian và năng lượng của cô dường như dành cho Teresa. Cô không còn chơi với Justino, và cậu bé liên tục nói với cô về vấn đề này. Cô thực sự không muốn cậu bé phải chịu đựng vấn đề này vì hội chứng tự kỷ của em.
Anh chị em của trẻ tự kỷ cũng có những nhu cầu đặc biệt. Hãy để ý đến những nhu cầu này của anh chị em trẻ tự kỷ sẽ giúp chúng có cái nhìn công bằng về sự chăm sóc của cha mẹ. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối lo lắng của anh chị em trẻ tự kỷ. Thường thì những trẻ này cảm thấy thiếu hụt tình thương hoặc cô đơn vì mọi sự chú ý của cha mẹ đều dành cho trẻ tự kỷ. Chúng có thể cảm thấy không hài lòng với trẻ tự kỷ, và khi những đứa trẻ này lớn hơn thì chúng có thể cảm thấy xấu hổ vì đã không hài lòng với anh chị em tự kỷ của mình.
Hãy lập thời gian biểu cụ thể dành cho từng con của bạn
Điều này giúp các anh chị em trẻ tự kỷ có riêng khoảng thời gian với cha mẹ mình. Khoảng thời gian riêng này có thể là cùng nhau tới cửa hàng thực phẩm, cùng nhau đi rửa xe, tắm cho trẻ, hoặc cùng nhau đọc sách. Thường xuyên lắng nghe trẻ – nghe về bạn bè của chúng, về trường học, về các mối quan tâm, các vấn đề và cảm xúc của trẻ. Bạn cũng nên nói với anh chị em trẻ tự kỷ rằng bạn hiểu việc chăm sóc trẻ tự kỷ cần nhiều thời gian và sự chú tâm của bạn, do vậy anh chị em trẻ tự kỷ hãy nói với bạn nếu chúng cần thời gian bên bạn. Những anh chị em trẻ tự kỷ còn ít tuổi có thể sẽ chưa nói được khi nào cần bạn, nhưng chúng có thể bộc lộ thông qua hành vi như khóc, sợ hãi, bám chặt bố mẹ,… Điều quan trọng lúc này là bạn cần làm cho chúng hiểu rằng bạn đang dành thời gian riêng cho trẻ, bạn đang chú ý tới trẻ.
Dạy anh chị em trẻ tự kỷ kỹ năng chơi với trẻ tự kỷ
Anh chị em trẻ tự kỷ có thể cảm thấy không vui hoặc từ chối, thậm chí không yêu trẻ tự kỷ vì trẻ tự kỷ không chơi với chúng. Thật may mắn, rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng anh chị em trẻ tự kỷ có thể được dạy các kỹ năng để cải thiện mối quan hệ với trẻ tự kỷ. Điều này tốt cho tất cả bọn trẻ. Hãy giúp anh chị em trẻ tự kỷ hiểu rằng hội chứng tự kỷ làm cho trẻ con khó chơi, không biết cách chơi, nhưng nếu có thời gian thì trẻ tự kỷ sẽ học được. Hãy dạy anh chị em của trẻ tự kỷ đưa ra những chỉ dẫn đơn giản mà trẻ tự kỷ có thể làm theo, dạy cách chúng có thể khuyến khích trẻ tự kỷ tham gia một vài trò chơi đơn giản, và cách khen thưởng trẻ tự kỷ nếu trẻ tham gia trò chơi. Bạn cũng hãy giúp trẻ tự kỷ làm theo sự chỉ dẫn của anh chị em chúng. Những tương tác đơn giản này sẽ giúp phát triển mối quan hệ giữa trẻ tự kỷ và anh chị em chúng. Các hoạt động chơi song song với anh chị em – chẳng hạn như chơi miếng ghép, hoặc cùng ăn đồ ăn vặt tại bếp, chơi đuổi bắt, chơi bay lên, hoặc thậm chí cùng nhau xem một đĩa DVD cũng đều rất tốt. Những hoạt động chơi cùng nhau này không nhất thiết đòi hỏi trẻ tự kỷ phải tương tác phức tạp hoặc tương tác qua lại với anh chị em của trẻ.
Hãy chuyện trò về vấn đề này!
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc trò chuyện một cách cởi mở và thường xuyên về trẻ tự kỷ với anh chị em của chúng đem lại nhiều lợi ích. Anh chị em của trẻ tự kỷ có thể không biết rằng trẻ tự kỷ không biết chơi và nói chuyện với chúng. Khi bạn giải thích tự kỷ là thế nào và nó tác động tới sự phát triển ngôn ngữ và giao tiếp xã hội ra sau cũng như hành vi của trẻ tự kỷ, thì sự hiểu biêt và cảm thông của anh chị em trẻ tự kỷ sẽ tăng lên, và càng nhiều câu hỏi cũng như lo lắng của anh chị em trẻ tự kỷ được đưa ra. Vì vậy, cần thiết phải có những cuộc trò chuyện trao đổi giữa cha mẹ với anh chị em của trẻ tự kỷ về trẻ tự kỷ. Hãy sử dụng những thuật ngữ và khái niệm đơn giản mà trẻ có thể hiểu được. Hãy cung cấp những lời giải thích đơn giản mà anh chị em trẻ tự kỷ có thể giải thích với bạn bè của chúng.
Giải thích chứng tự kỷ với anh chị em trẻ tự kỷ có thể phải dùng nhiều cách khác nhau, tùy thuộc vào độ tuổi của chúng. Trẻ trước tuổi đi học thì chưa thể hiểu được tự kỷ là gì nhưng có thể nhận thấy trẻ tự kỷ có những hành vi khác thường. Trẻ cấp 2 có thể hiểu được trẻ tự kỷ rất khác biệt và có thể xấu hổ về những hành vi của trẻ tự kỷ khi có bạn bè xung quanh. Nói chuyện với anh chị em trẻ tự kỷ về những khác biệt này khi chúng còn nhỏ có thể giúp trẻ nói ra cảm xúc của mình thay vì xấu hổ vì trẻ tự kỷ. Nếu anh chị em trẻ tự kỷ không muốn bạn bè của mình biết, thì hãy hỏi trẻ vì sao. Bạn hãy tìm cách giúp trẻ thấy thoải mái hơn. Anh chị em của trẻ tự kỷ có thể lo lắng rằng hội chứng tự kỷ có thể ảnh hưởng tới sự phát triển của chúng. Chúng cũng có thể cảm thấy xấu hố vì những suy nghĩ tiêu cực của mình về trẻ tự kỷ. Chúng thậm chí còn có thể cảm thấy xấu hổ vì đã không bị tự kỷ. Một vài trẻ còn cảm thấy băn khoăn về việc liệu chúng có phải là nguyên nhân gây ra tự kỷ cho em. Hãy nói chuyện cởi mở với trẻ về các nỗi sợ, sự lo lắng của chúng. Bạn có thể trò chuyện liên tục bởi vì rất có thể con bản chưa hiểu rõ những điều bạn nói ngay lần đầu tiên. Nếu con bạn không đặt câu hỏi nào, điều đó có thể là trẻ chưa chấp nhận chủ đề này. Hãy nói lại vào lần tiếp theo, càng sớm càng tốt, và càng thường xuyên thì càng tốt hơn. Hãy hỏi con bạn về nỗi lo lắng khi làm anh chị em của trẻ tự kỷ, điều gì làm trẻ lo lắng, điều gì làm trẻ giận dữ, trẻ đang nghĩ gì và điều này tác động lên cuộc sống của trẻ như thế nào.
Một vài anh chị em trẻ tự kỷ cảm thấy chúng phải thật “hoàn hảo” thay cho trẻ tự kỷ; chúng cảm thấy mình phải đạt thành tích tốt trong học tập hoặc các hoạt động thể thao. Áp lực này có thể xuất phát từ chúng hoặc có thể xuất phát từ bạn. Liệu bạn đã bao giờ dồn hết kỳ vọng của mình lên anh chị em của trẻ tự kỷ vì chúng không bị khuyết tật? Không bị tự kỷ không có nghĩa là làm chúng trở thành “siêu nhân”. Hãy giúp trẻ nói ra cảm xúc của mình, hãy lắng nghe thật chú tâm giống như bạn đã làm với vợ/chồng mình. Hãy hiểu và diễn tả lại cảm xúc của trẻ, không từ chối nghe, cắt ngang lời, hoặc phủ nhận chúng (Một vài cảm xúc có thể hơi khó nghe, nhưng vì thế hãy chuẩn bị thật kỹ tinh thần).
Con bạn có thể có những lời bình luận không tốt về bạn – chẳng hạn như bạn chỉ quan tâm tới trẻ tự kỷ, thiếu thời gian sinh hoạt chung của gia đình, bạn kỳ vọng quá nhiều vào quá nhiều vào sự trưởng thành của chúng, thiếu trách nhiệm, thiếu chăm sóc chúng, ít làm việc nhà, hoặc thiếu sự âu yếm tình cảm với chúng. Hãy lắng nghe! Hãy tiếp thu hết! Hãy cố gắng đừng phủ nhận con bạn, đừng phòng thủ, và cũng đừng tức giận. Hãy nghe con bạn đang nói gì, hãy làm rõ là con bạn thực sự đang cần gì, hãy giải thích những hiểu sai của con bạn; và hãy khẳng định lại tình yêu của bạn đối với con, rằng bạn hiểu cảm giác của trẻ, và sự trân trọng của bạn đối với sự chân thành và tin tưởng bạn của con.
Nếu như hành vi của con bạn thay đổi lớn (dường như không giống với tính cách của con trong một thời gian dài, hoặc rút lui khỏi các mối quan hệ cũng như hoạt động chung), nếu như bạn đã cố gắng nói chuyện với trẻ hoặc giúp đỡ trẻ nhưng dường như không cải thiện, hoặc nếu như các hoạt động của con tại trường, tại nhà và với bạn bè trở nên tiêu cực thì bạn hãy nói chuyện với bác sỹ của con. Một vài dấu hiệu cho thấy anh chị em của trẻ tự kỷ đang có khó khăn, bao gồm:
- Cố gắng để trở nên hoàn hảo
- Ăn quá ít hoặc quá nhiều
- Thường xuyên kêu đau đầu hay đau bụng
- Không còn quan tâm tới các hoạt động hằng ngày
- Thường xuyên khóc hay lo lắng
- Rút lui khỏi các hoạt động xã hội
- Hung hăng
- Xuất hiện các vấn đề ở trường
- Các dấu hiệu lo lắng hay tuyệt vọng
Hãy tham khảo sách và các nguồn khác dành cho anh chị em trẻ tự kỷ
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng việc đứa trẻ có anh chị em tự kỷ có nhiều lợi ích nhất định. Trẻ lớn lên sẽ biết cảm thông, thấu hiểu, biết thương người, biết chấp nhận, biết độc lập và có trách nhiệm với anh chị em tự kỷ cũng như gia đình.
Càng ngày người ta càng nhận thức rõ nhu cầu đặc biệt của anh chị em trẻ tự kỷ hay trẻ chậm phát triển khác. Một số lượng lớn sách được viết về hay viết bởi anh chị em trẻ tự kỷ. Chúng tôi có liệt kê các đầu sách cần đọc ở cuối cuốn sách (Mục Các sách đọc thêm). Ngoài ra, bạn có thể xem thêm các chương trình đặc biệt, các website, các hội thảo dành cho anh chị em trẻ tự kỷ. Những chương trình này giúp anh chị em trẻ tự kỷ có cơ hội chia sẻ những lo lắng hay cảm xúc của mình với những đứa trẻ khác cũng có anh chị em tự kỷ, và đặc biệt có cơ hội chia sẻ những cảm xúc vào lo lắng với những trẻ hiểu được khó khăn và niềm vui vì có anh chị em tự kỷ. Chương trình hỗ trợ anh chị em trẻ tự kỷ (www.siblingsupport.org) là một chương trình trong nước để hỗ trợ trẻ có anh chị em bị chậm phát triển. Website của chương trình có đã ra các thông tin về các buổi hội thảo, hội nghị, ấn phẩm, và cơ hội để giao lưu với các trẻ khác có hoàn cảnh tương tự. Tổ chức phát ngôn Tự kỷ Autism Speaks cũng liệt kê những nguồn thông tin dành cho anh chị em trẻ tự kỷ trong mục “Dịch vụ gia đình”.
Giải quyết mối quan hệ với đại gia đình: Giúp đỡ hay là gây trở ngại?
Đại gia đình (cô dì chú bác) có thể là một phần quan trọng trong mạng lưới hỗ trợ gia đình bạn sau khi nhận được chuẩn đoán tự kỷ của con bạn, tuy nhiên họ cũng có thể là trở ngại lớn nhất cho các bố mẹ trẻ. Nếu cả bạn gia đình bạn và gia đình chồng/vợ bạn đều ủng hộ bạn, hỗ trợ bạn, hiểu được quá trình chuẩn đoán, chia sẻ cảm xúc với bạn sau khi chuẩn đoán, mang tới cho bạn cảm giác an toàn và thoải mái – thì thật là tuyệt vời. Họ sẽ là một phần quan trọng trong mạng lưới hỗ trợ gia đình bạn và sẽ cố gắng hết sức trong quá trình trị liệu cho trẻ. Hãy cung cấp cho họ toàn bộ thông tin mà họ cần mà bạn có. Hãy để họ giúp đỡ bạn. Hãy để họ chăm sóc con bạn. Hãy để họ tham gia vào các cuộc gặp gỡ, trao đổi, các cuộc đánh giá trẻ mà bạn và họ muốn. Càng nhiều người thân trong đại gia đình chia sẻ những khó khăn mà trẻ tự kỷ đối mặt, càng nhiều yêu thương được cho đi, càng nhiều hỗ trợ, động viên khuyến khích bạn, càng nhiều sự lạc quan về sự phát triển của trẻ, thì quá trình trị liệu cho trẻ sẽ càng tiến triển tốt hơn mà thôi.
Tuy nhiên, có thể mọi người trong đại gia đình dường như cũng trải qua những cảm xúc mà cha mẹ trẻ tự kỷ cũng đã trải qua. Họ dường như không muốn công nhận trẻ có khó khăn và cố ngăn chặn những nhận định của bạn. Họ có thể nói với bạn rằng bạn đang lo lắng quá, bạn đừng kỳ vọng quá cao, nhiều cậu bé chưa thể nói cho đến lúc lớn hơn, rồi có một bác trong họ đã không thể nói cho tới lúc 3 tuổi, hoặc bạn đang làm hại con và làm quá nhiều cho trẻ. Điều này sẽ cản trở bạn bước tiếp, và một vài cha mẹ trẻ thỉnh thoảng đã chọn cách tránh xa các thành viên trong gia đình tại giai đoạn này để tiếp tục trị liệu cho con.
Nếu điều này xảy ra với bạn, thì bạn nên làm một vài điều sau. Trước tiên, hãy tin tưởng bản thân và người bạn đời của bạn. Bạn sống với trẻ hàng ngày. Bạn không mất trí, bạn yêu con mình, và điều bạn lo lắng là có thực. Hãy tiến hành theo thứ tự mà chúng tôi đã gợi ý cho bạn, hãy gọi cho bác sỹ của mình. Đừng cảm thấy tội lỗi vì bạn đang xa lánh các thành viên trong đại gia đình nếu bạn thực sự cần làm như vậy để vượt qua chuyện này. Hãy nói với họ nhiều nhất có thể về mỗi giai đoạn trong quá trình đồng hành cùng con để họ có thể hiểu thêm điều gì đang diễn ra, nhưng hãy ghi nhớ trong thâm tâm bạn, bạn chính là người hiểu nhất những quyết định của mình thực sự là đúng đắn cho bạn, cho gia đình bạn và cho con bạn.
Thứ hai, hãy tìm kiếm những người khác có thể giúp đỡ bạn. Hãy nói chuyện với bạn bè và người quen – những người có thể hiểu nỗi lo lắng của bạn và an ủi, động viên bạn. Hãy học theo họ ngay, vì thế bạn sẽ không còn cảm thấy cô đơn. Bạn cần được hỗ trợ để vượt qua giai đoạn này, và các vợ chồng trẻ càng được hỗ trợ nhiều thì quá trình càng được thúc đẩy sớm.
Thứ ba, hãy thử đề người những người quen hiểu bạn nói chuyện với các thành viên trong đại gia đình bạn. Người điều phối dịch vụ, cha mẹ có con tự kỷ trong hội cha mẹ, người trị liệu hoặc người đánh giá, hoặc bác sỹ của con có thể rất sẵn lòng muốn gặp các thành viên trong đại gia đình và trả lời các câu hỏi của họ. Điều này dễ dàng hơn nhiều khi có người khác thuyết phục các thành viên trong gia đình bạn khi mà mọi người chưa “sẵn sàng” chấp nhận hội chứng này. Hãy để người khác giúp đỡ bạn.
Cuối cùng, hãy tiếp tục vì bạn cần làm điều đó cho con và cho người bạn đời của bạn. Hãy nói chuyện với các thành viên trong đại gia đình việc gì đang diễn ra. Bạn có thể cung cấp cho họ bản phô tô báo cáo đánh giá, kế hoạch trị liệu, và chương trình can thiệp ở nhà. Nếu họ thỉnh thoảng chăm sóc con bạn, hãy chỉ cho họ các hoạt động can thiệp cơ bản để cải thiện thêm tình hình cho con. Và đến một lúc nào đó, gia đình bạn sẽ dần chấp nhận hội chứng tự kỷ của trẻ và hỗ trợ bạn. Tuy nhiên, các thành viên trong gia đình cần có thời gian để chấp nhận việc này và tùy thuộc vào từng cá nhân người đó. Họ có thể lâu mới hiểu, nhưng nhìn đứa trẻ mà họ yêu quý ngày càng tiến bộ sẽ giúp họ dần hiểu ra. Thỉnh thoảng, có một vài thành viên trong gia đình có thể không thay đổi để phù hợp với nhu cầu đặc biệt của trẻ và thậm chí có thể còn phá hỏng những gì bạn đang cố gắng làm. Nếu điều đó xảy ra, thì bạn hãy giới hạn thời gian con bạn tiếp xúc với người đó cho đến khi họ hiểu được.
HÃY CHĂM SÓC BẢN THÂN
Nào, bây giờ là lúc nói đến bạn. Bạn bây giờ không còn thời gian để chăm sóc bản thân vì bạn hy sinh toàn bộ thời gian của mình cho trẻ tự kỷ? Hãy tự hỏi bạn điều này: nếu bạn mệt, bạn lo lắng, và căng thẳng thì làm sao bạn có thể chăm trẻ – và cả gia đình bạn nữa một cách tốt nhất? Thậm chí bạn còn cảm thấy nhu cầu của bản thân mình là thứ yếu, là không cần hoặc nên bỏ qua. Nhu cầu của bạn cũng quan trọng như các con của bạn hoặc bạn đời của bạn, và bạn cần quan tâm chăm sóc bản thân – cơ thể cũng như cảm xúc của bạn – hằng ngày, chỉ có cách đó thì bạn mới chăm lo được cho mọi người khác và còn tiếp tục cuộc hành trình nữa.
Chăm sóc sức khỏe bản thân
Chúng tôi không cần phải nói với bạn điều mà bạn đã nghe được hàng ngàn lần trước đó: Sức khỏe thể chất và tinh thần chỉ được đảm bảo dựa trên một chế độ dinh dưỡng, ngủ nghỉ và tập thể dục đầy đủ, và những chế độ này thậm chí còn cần thiết hơn khi bạn đối mặt với stress, chẳng hạn như việc nhận ra rằng con mình bị tự kỷ. Khi bạn học cách chăm sóc trẻ tự kỷ, cũng là dễ hiểu khi những thói quen giữ gìn sức khỏe cơ bạn bị đẩy xuống hàng thứ yếu. Thật dễ để quên ăn cho tới khi bạn đói tới mức thức ăn nhanh dường như là lựa chọn duy nhất của bạn. Thật dễ để bạn quên rằng một đêm cần ngủ 5 – 6 tiếng để duy trì sức khỏe. Và cũng thật dễ để quên rằng bạn sẽ thấy tốt hơn sau một lần dạo bộ, đạp xe hay đi tập gym.
Vì vậy, hãy xem lại những nhu cầu cơ bản của bản thân mình. Bạn nên nhớ tầm quan trọng của một chế độ dinh dưỡng tốt, bao gồm gạo, nhiều hoa quả và rau, chế phẩm từ sữa ít béo, thịt lợn nạc, thịt gia cầm, các loại hạt khô – sẽ giúp bạn tránh khỏi bệnh tật, tối đa năng lượng và nâng cao tinh thần của bạn. Bạn có thể kiểm soát chế độ dinh dưỡng cho bạn và cho cả gia đình bạn như thế nào khi đồ ăn nhanh, thức uống có ga và đồ ăn liền sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian hơn? Hãy thử những gợi ý sau:
- Hãy mua và đặt hoa quả và rau ăn sống trên bàn hoặc quầy bar, sẽ giúp bạn và gia đình bạn ăn hoa quả thay thế cho việc tìm trong tủ đựng đồ các đồ ăn liền với hàm lượng calo cao. Việc thay thế đồ ăn liền bằng hoa quả và rau cũng không làm tốn thêm chi phí của bạn là bao.
- Hãy cố gắng ăn những bữa ăn tại nhà (không nhất thiết là bạn phải nấu) càng nhiều càng tốt. Hãy cố gắng chọn một khoảng thời gian cuối tuần để nấu và dự trữ trong tủ lạnh ăn dần trong tuần. Mua gói nguyên liệu làm sa lát để làm salat vì thế bạn có thể ăn nhiều rau, tuy giá có thể hơi đắt (nhưng bạn có thể dùng hết mà không bỏ phí vì thừa một vài củ quả nào đó nếu như bạn mua rời từng loại củ quả).
- Khi người khác yêu cầu giúp đỡ bạn việc gì đó, hãy đề nghị họ nấu giúp bạn bữa tối. Điều đó sẽ làm họ cảm thấy vui hơn vì được hỗ trợ bạn, và cũng giúp bạn thực hiện công việc quan trọng – lo nấu nướng cho bạn và cả gia đình bạn.
Ngủ nghỉ có lẽ là vấn đề khó khăn hơn khi bạn phải chăm sóc trẻ cả ngày và bị thức giấc vào ban đêm bởi lo lắng vì con. Dưới đây là một vài gợi ý có thể bạn đã biết nhưng tốt hơn là nên nhắc lại:
- Hãy coi thời gian ngủ của bạn là bất khả xâm phạm. Đi ngủ vào giờ hợp lý, thậm chí ngay cả khi còn hàng dài danh sách việc bạn cần làm;
- Hãy thực hiện những hoạt động giúp bạn dễ ngủ, không stress. Không xem tin tức trên giường, không sử dụng máy tính hay điện thoại trước giờ ngủ, hoặc cố gắng lập một kế hoạch cho ngày mai khi bạn đã nằm trên giường. Tắm nước nóng, đọc sách báo, nghe nhạc nhẹ, hoặc nghĩ về những khoảng khắc hạnh phúc trong cuộc đời bạn sẽ làm bạn dễ ngủ hơn;
- Nếu bạn bị chứng mất ngủ, đừng đợi một vài tuần để chứng mất ngủ đó qua đi. Bạn hãy gặp bác sỹ sớm. Bác sỹ có thể sẽ giúp bạn rất nhiều đó.
- Nếu con bạn ngủ cùng bạn và bạn không muốn điều đó, hãy đặt trẻ trên giường của chúng. Nếu bạn cần người giúp đỡ để cho trẻ ngủ, hãy gặp bác sỹ nhi khoa hoặc người trong nhóm trị liệu cho trẻ. Cũng có một vài cuốn sách hay dành cho cha mẹ về việc giúp trẻ ngủ riêng và ngủ cả đêm.
- Cũng có một vài cuốn sách về việc nâng cao chất lượng giấc ngủ của người lớn mà bạn có thể đọc.
Việc quan tâm tới chế độ dinh dưỡng, giấc ngủ, và tập thể dục thực tế là một phần của quá trình trị liệu cho gia đình trẻ tự kỷ, hơn bị coi là những hoạt động xa xỉ trong cuộc sống hằng ngày mà bạn không cần phải cố gắng mất thời gian vì chúng. Bạn không thấy thuyết phục ư? Hãy xem lại lợi ích của những hoạt động này ở trang kế tiếp. Hãy dành 20 -30 phút tập thể dục mỗi ngày có thể tốt cho tim mạch, phổi, giấc ngủ và khí huyết của bạn. Dưới đây là một vài bài tập thể dục mà cha mẹ có thể làm cùng trẻ tại nhà:
- Thường xuyên đẩy con trên xe và dạo bộ quanh hàng xóm;
- Thường xuyên tới công viên với 2 người lớn – 1 người trông trẻ và 1 người chạy bộ, sau đó đổi vị trí;
- Dành hẳn một khoảng thời gian cố định hoặc 1 ngày nào đó để cùng chồng/vợ bạn đi bộ, đạp xe hoặc tới phòng tập gym hay lớp khiêu vũ.
- Nhờ bạn bè chăm trẻ vì vậy bạn có thời gian tập thể dục.
“Tôi biết tôi đã ghét mang con gái mình tới công viên, vì tôi lo ngại những cái nhìn chằm chằm hay những câu hỏi về hành vi hay âm thanh khác thường của con. Vì thế tôi đã từng bước cùng con tôi vượt qua cảm giác đó. Đầu tiên là đi bộ và đẩy xe cho con trong 5 phút, rồi 10 phút, 15 phút, chúng tôi cứ đi trên con đường đó và cuối cùng dừng ở công viên trong ít phút. Không khí trong lành thực sự tốt cho cả hai mẹ con tôi, thậm chí ngay cả vào những ngày mà tôi cảm thấy không còn chút năng lượng nào khi ra khỏi nhà”
Theo các nghiên cứu y học, tập thể dục thường xuyên giúp:
- Tốt cho máu
- Giảm stress
- Nâng cao sự tự tin
- Giảm các bệnh về tim
- Tăng cường năng lượng cơ thể
- Giúp kiểm soát cân nặng
- Cải thiện giấc ngủ tốt hơn
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tập thể giúc là cách để giảm sự lo lắng và tuyệt vọng. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng đi bộ chỉ sau mười phút sẽ làm giảm căng thẳng và tăng cường năng lượng cho cơ thể.
Chăm sóc sức khỏe tinh thần của bạn
Bởi vì bạn đối mặt với nhiều thử thách và đòi hỏi trách nhiệm hơn, nên việc chú ý chăm sóc sức khỏe tinh thần của bạn thực sự là cần thiết hơn bao giờ hết. Sức khỏe tinh thần bao gồm nhiều khía cạnh: cần thời gian để giải tỏa tâm lý sau khi con bạn được chuẩn đoán tự kỷ, kêu gọi sự hỗ trợ, lấy lại tinh thần, và giải quyết vấn đề. Chúng tôi xin nêu ra một vài điểm chính sau:
Giải quyết với chứng Đau buồn, Trầm cảm và Lo lắng
Mặc dù ngay cả khi bạn đã làm tất cả mọi thử có thể để đối mặt với thử thách về nuôi dạy trẻ tự kỷ, bạn vẫn có thể cảm thấy đau buồn, tuyệt vọng và đầy lo âu.
Chứng đau buồn: Giai đoạn ngay sau khi nhận thấy con mình bị tự kỷ, không có gì là lạ nếu bạn cảm thấy thực sự đau buồn. Tất cả các bậc cha mẹ đều tưởng tượng con mình lớn lên sẽ phát triển theo chiều hướng nào đó (thậm chí ngay trước khi trẻ sinh ra). Một ông bố yêu thích thể thao thường tưởng tượng sẽ chơi bóng rổ với cậu con trai của mình sẽ sớm chấp nhận và thích thú với việc con chơi nhạc, hoặc bà mẹ thích nhạc thường mơ thấy cảnh cùng con gái hát trong một dàn đồng ca nhưng bà sẽ học cách chơi bóng rổ với con vì cô con gái dường như không có chút đam mê âm nhạc. Quá trình làm cha mẹ sẽ giúp các bậc cha mẹ dần dần hiểu và yêu trẻ như những gì chúng vốn có hơn là những gì cha mẹ mong chúng trở thành. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ khi phát hiện ra con mình cần được trị liệu lâu dài, như hội chứng tự kỷ chẳng hạn, thì hình ảnh đứa con mà mình tưởng tượng ra thay đổi một cách đột ngột.
Cũng giống như những nỗi buồn khác, bạn cần có thời gian để quên đi và cảm thấy tốt hơn. Và thậm chí ngay cả khi nỗi buồn đã lắng dịu khoảng vài tuần hoặc vài tháng sau đó, thì rồi nó vẫn thỉnh thoảng xuất hiện, đặc biệt trong các dịp như sinh nhật hoặc ngày lễ. May mắn thay, những cảm xúc này không che đậy được tình yêu mà bạn dành cho cuộc sống của con, hơi thở của con. Đây vẫn là đứa trẻ mà bạn đã từng yêu và trân trọng trước khi được chuẩn đoán, với rất nhiều khả năng tiềm ẩn và một tương lai còn chờ đợi ở phía trước. Khả năng học hỏi, sự thành công và hạnh phúc của con phụ thuộc rất nhiều vào bạn. Tương lai có thể khác hơn so với bạn tưởng tượng vì bây giờ bạn đã bước vào một chặng đường mới nhưng rõ ràng còn chưa thể nói rõ điều gì về tương lai của con bạn mà.
Bệnh trầm cảm và Lo âu: Đau buồn là một trạng thái tâm lý bình thường, và tức giận, buồn bã, tuyệt vọng, thiếu tự tin là tất cả giai đoạn của chứng đau buồn. Tuy nhiên, đối với một số người, những giai đoạn này không thể vượt qua mà bị tác động sâu sắc gây ra bệnh trầm cảm. Theo Viện thần kinh trung ương, triệu chứng trầm cảm có thể bao gồm: khó tập trung, mệt mỏi, cảm thấy tội lỗi và tuyệt vọng, mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều, hay cáu giận, mất hứng thú với những hoạt động yêu thích, ăn quá nhiều hoặc chán ăn, đau dai dẳng, luôn ở trong trạng thái buồn và u uất, và có ý định tự tử. Thông thường, các triệu chứng trầm cảm có thể suy giảm trong thời gian ngắn nếu bạn điều chỉnh bản thân, và bạn sẽ cần sự giúp đỡ của bạn bè và người thân để bạn có thể vượt qua thời gian đầu sau khi con bạn được chuẩn đoán tự kỷ. Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy hay buồn, dễ cáu giận, hay lo lắng thường xuyên đến mức bạn không thể tự sống cuộc sống hàng ngày như không thể rời khỏi giường, thực hiện những sinh hoạt cơ bản, chăm sóc con cái, ăn hay ngủ, liên tục khóc, hay tưởng tượng mình đang bị đau – bạn hãy ngay lập tức kể với người bạn đời và bạn bè hay người thân thân thiết nhất của mình, và hãy gọi cho bác sỹ để bác sỹ nắm được những gì bạn đang phải trải qua. Bác sỹ của gia đình bạn có thể giúp bạn bằng việc kê đơn thuốc hoặc giới thiệu cho bạn dịch vụ tư vấn tâm lý. Điều này rất hữu ích để giải quyết với chứng trầm cảm và chứng lo lắng. Đừng từ chối nhận sự giúp đỡ. Điều đó không có nghĩa là yếu đuối hay ngu ngốc. Mọi người trong gia đình bạn đang cần bạn, và bạn cần thiết phải vận dụng sức mạnh bản thân tối đa để đi chặng đường mới. Chứng trầm cảm và lo lắng sẽ khiến bạn không thể phát huy được các thế mạnh và khả năng của bạn. Nếu bạn cảm thấy u sầu hay lo lắng kéo dài hơn 6 tháng, hoặc nếu bạn có lúc nào đó muốn tự tử, chúng tôi khẩn thiết nhắc nhở bạn hãy gọi cho bác sỹ và nhận sự giúp đỡ ngay lập tức.
Cha mẹ có con tự kỷ thường dễ bị Rối loạn lo âu hơn các bậc cha mẹ khác, vì những điều khó lường và những lo lắng thường xuyên xảy ra với họ trong quá trình chăm sóc trẻ tự kỷ. Rối loạn lo âu có vài dạng. Nó có thể làm cho người bệnh liên tục lo lắng và sợ hãi (rối loạn lo âu lan tỏa); nó có thể làm cho người bệnh có ý nghĩ lặp đi lặp lại, lo lắng một cách vô lý, không tưởng (rối loạn lo âu ám ảnh); hoặc nó có thể khiến cho người bệnh có những hành vi lặp đi lặp lại liên quan tới những lo lắng vô lý (rối loạn lo âu cưỡng chế), hoặc nó có thể ở dạng gây ra những cơn hoảng sợ khiến cho một vài người bệnh cảm thấy như bị đau tim. Nếu bạn cảm thấy mình có một hoặc một vài triệu chứng trên liên tục, hãy gọi điện cho bác sỹ. Rối loạn lo âu rất dễ chữa khỏi với thuốc và điều chỉnh hành vi. Và nhắc lại, cả chứng lo âu và trầm cảm đều lấy hết năng lượng và sức sáng tạo cần thiết của bạn để bạn dành cho gia đình và chính bản thân bạn. Bằng cách nói lên cảm xúc của mình với người bạn đời và những người thân thiết khác, hay kêu gọi sự giúp đỡ từ bác sỹ, chính là bạn đang làm được rất nhiều điều cho con bạn và cho gia đình bạn.
Xây dựng một mạng lưới xã hội bền vững
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng điều hữu ích nhất giúp bạn giải tỏa được căng thẳng là việc xây dựng một mạng lưới xã hội bền vững. Việc xây dựng và sử dụng mạng lưới gồm các thành viên trong gia đình và bạn bè – những người thực sự quan tâm tới bạn sẽ giúp bạn tránh xa được những tác động tiêu cực của stress và giúp bạn tìm được nhiều nguồn hỗ trợ và giúp đỡ cho mình.
“Làm việc trong lĩnh vực giáo dục đặc biệt 14 năm, tôi nghĩ mình đã được trang bị mọi thứ để giúp con gái mình vượt qua hội chứng tự kỷ. Nhưng không phải như vậy. Những điều đã mang lại cho tôi sự bình yên và hỗ trợ tuyệt vời đó chính là giao lưu với những bậc cha mẹ cũng có hoàn cảnh tương tự như tôi. Vì vậy, tôi đã thiết lập mạng lưới với các gia đình có con tự kỷ trên internet; Tôi tình nguyện tham gia tổ chức Phát ngôn tự kỷ; Tôi gia nhập vào hội cha mẹ tự kỷ thông qua các trung tâm nhân lực ở địa phương. Giúp đỡ người khác và làm cho người khác hiểu mình đã giúp tôi thoải mái hơn rất nhiều.”
Thật đáng buồn cười là đôi khi chúng ta gặp thử thách lớn trong cuộc sống, chúng ta lại thường tránh sự giúp đỡ của bạn bè và người thân của chúng ta. Chúng ta cảm thấy mọi người không hiểu vấn đề của mình, rằng mọi người sẽ phán xét chúng ta, rằng chúng ta yếu đuối và không thể tự giải quyết vấn đề, hoặc khó khăn đó có thể là gánh nặng của mọi người. Tuy nhiên, những ai yêu quý bạn đều muốn được giúp đỡ bạn. Và đây chính là cơ hội để họ tỏ lòng yêu thương bạn. Họ sẽ thấy rất tự hào vì bạn đã tin tưởng và chia sẻ với họ những gì bạn đang cảm thấy, những nỗi sợ và và các rắc rối, và đề nghị họ giúp đỡ. Đó thực sự là món quà đối với những người yêu bạn khi bạn giãi bầy tâm sự với họ và mong nhận được sự hỗ trợ từ họ. Hãy cho bạn bè và người thân thấy rằng họ có thể giúp bạn. Hãy thử hình dung rằng nếu ai đó bạn yêu mến cũng đang trải qua khó khăn mà bạn lại không biết và không giúp đỡ được. Hãy cho những người thân thiết của bạn cơ hội được trở thành một phần trong cuộc sống mới của bạn với vô vàn cảm xúc mới. Bạn sẽ không cảm thấy cô đơn, và họ sẽ thấy rất vui vì được là một phần trong cuộc sống mới của bạn đó.
Duy trì và thắt chặt mạng lưới bạn bè và gia đình bằng cách giữ liên lạc thường xuyên bằng cách dễ dàng nhất của bạn: điện thoại, email, facebook, hoặc các hoạt động xã hội khác. Nếu bạn cảm thấy trong mạng lưới hỗ trợ của bạn có ai đó đang làm bạn thêm stress, hay chỉ trích hay phán xét bạn hoặc từ chói chấp nhận hoàn cảnh hiện tại của bạn thì hãy tạm thời hạn chế tiếp xúc với người đó. Hãy tìm kiếm người khác có thể giúp đỡ bạn tốt hơn, những người có thể lắng nghe bạn mà không phủ nhận hoặc bảo thủ duy lý, những người có thể giúp bạn thấy tự tin hơn, có thể đưa ra lời khuyên, chấp nhận bạn vì những gì thuộc về chính bạn, những người bạn có thể tin cậy, và những người khuyến khích bạn tham gia các hoạt động tăng cường sức khỏe.
Bạn có một mạng lưới xã hội hỗ trợ mạnh? Dưới đây là một vài câu hỏi do cuộc điều tra của RAND Corporation tiến hành nhằm giúp bạn đánh giá nguồn lực hỗ trợ mình. Đối với mỗi câu hỏi, hãy suy nghĩ xem điều đó thực sự là luôn luôn hay là phần lớn thời gian, điều đó là thỉnh thoảng hay chưa bao giờ tồn tại.
- Bạn có ai đó để lắng nghe khi bạn cần nói chuyện?
- Bạn có thể tìm ai đó đưa ra cho bạn lời khuyên đối với tình trạng hiện tại?
- Bạn có ai đó để có thể giãi bày hoặc nói chuyện về bản thân bạn và vấn đề của bạn?
- Bạn có ai đó để chia sẻ lo lắng và nỗi sợ của bạn?
- Bạn có ai đó muốn thể hiện rằng người đó yêu mến bạn thật nhiều?
- Bạn có ai đó muốn ôm chặt bạn vào lòng?
Nếu toàn bộ các câu trả lời là có, hoặc phần lớn là vậy thì chúc mừng bạn, bạn có một mạng lưới hỗ trợ thật mạnh.
Các cha mẹ có con tự kỷ thường cảm thấy thực sự hữu ích khi trò chuyện với các cha mẹ có cùng hoàn cảnh. Những cha mẹ khác có nhiều kinh nghiệm hơn có thể tư vấn bạn và đưa ra những lời khuyên và thông tin vô giá cho bạn. Tại nhiều bang ở Mỹ có một tổ chức gọi là Hội Từ các bậc cha mẹ tới các bậc cha mẹ Mỹ (www.p2pussa.org), là một tổ chức phi lợi nhuận nơi cung cấp sự hỗ trợ và đào tạo lẫn nhau giữa các bậc cha mẹ. Tổ chức này cam kết cung cấp cho các bậc cha mẹ thông tin và sự hỗ trợ cần thiết bằng cách tìm kiếm các bậc cha mẹ có kinh nghiệm có thể hỗ trợ và đào tạo cho cha mẹ khác.
Một cách khác để tìm kiếm các nhóm cha mẹ có thể hỗ trợ bạn là truy cập vào website của Tổ chức phát ngôn về tự kỷ (Autism Speaks). Click vào mục “Resource Guide” trong phần “Family Service”. Hãy chọn bang bạn đang sinh sống trên bản đồ bạn sẽ tìm thấy danh sách các cộng đồng và các mạng lưới hỗ trợ, bao gồm cả nhóm hỗ trợ ở khu vực của bạn. Các nhóm hỗ trợ cho các bậc cha mẹ có con tự kỷ hoặc có con cần nhu cầu đặc biệt khác thường được tài trợ bởi các trường học ở địa phương, các chương trình can thiệp, các nhà thờ hay các tổ chức tôn giáo khác, và các tổ chức y tế. Những tổ chức tài trợ này thường được liệt kê trên báo hoặc trên trang web. Hãy thử tìm trên máy tính với từ khóa “tự kỷ”, “cha mẹ” và tên thành phố bạn sinh sống trên web, có thể bạn sẽ tìm thấy nhóm hỗ trợ cha mẹ ở địa phương bạn.
Nếu bạn không thể tìm thấy nhóm hỗ trợ cha mẹ gần nơi bạn sinh sống, bạn có thể cân nhắc việc thử gia nhập một mạng lưới xã hội trực tuyến. Tổ chức phát ngôn về tự kỷ Autism Speaks cũng đưa ra Cộng đồng Ning (Ning Community), tập hợp các nhóm và các diễn đàn thảo luận, cũng như nơi chia sẻ của các thành viên các thông tin hữu ích hay các hoạt động diễn ra trong cộng đồng. Một site khác cũng được tài trợ bởi Tổ chức phát ngôn về tự kỷ là FriendFeed. Để biết thông tin về cả hai cộng đồng này, hãy truy cập mục “About us” trên trang chủ của Autism Speak, và nhấn mục “Social Networks”.
Giữ vững tinh thần
Giữ vững tinh thần có thể giúp bạn đối đầu và giải quyết khó khăn hiện tại. Thực tế, tinh thần được nhiều bác sỹ quan tâm tới như là một phần của chăm sóc y tế. Năm 2001, được báo cáo rằng có khoảng 50 trường y đưa ra các khóa học về tinh thần để giảng dạy cho các bác sỹ. Giữ vững tinh thần có thể bằng nhiều cách: tham gia vào các hoạt động tín ngưỡng, cầu nguyện, thiền, yoga, dạo bộ, hát, đọc các sách về tinh thần, và nghe nhạc. Vì tinh thần tốt sẽ giúp bạn cải thiện sức khỏe cả về mặt thể chất lẫn tinh thần, do vậy chúng tôi khuyến khích bạn hãy dành ít thời gian để tìm ra vài điều hay hoạt động trong cuộc sống hàng ngày có thể giúp bạn cảm thấy sống có ý nghĩa hơn, thoải mái hơn và khỏe khoắn hơn. Sau đó, hãy duy trì các hoạt động này thường xuyên cùng với người bạn đời trên hành trình mới của các bạn.
Trong chương này, chúng tôi đã thảo luận về một vài căng thẳng và mệt mỏi mà các bậc cha mẹ đối mặt trong quá trình chăm sóc con có nhu cầu đặc biệt. Chúng tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng nhiều gia đình đã hoàn toàn thoải mái trong việc điều chỉnh để phù hợp với việc con có nhu cầu đặc biệt. Họ không những sống chung với thử thách mà còn thực sự thịnh vượng hơn. Một cách nhìn khác của những nghiên cứu về sự điều chỉnh của các gia đình (được thực hiện bởi Hastings và Taunt) đã chỉ ra rằng các bậc cha mẹ có những suy nghĩ rất tích cực về con họ và hoàn cảnh mới mà họ phải đương đầu. Các bậc cha mẹ được báo cáo rằng họ cảm thấy hài lòng trong quá trình nuôi dạy con cái và cảm thấy việc có con với những nhu cầu đặc biệt như là một nguồn vui trong cuộc sống. Việc học cách giúp đỡ trẻ đã giúp họ hiểu ý nghĩa của thành quả và mục đích của cuộc đời. Nhiều cha mẹ còn nói rằng điều này giúp họ thắt chặt hôn nhân hơn. Cuối cùng, các bậc cha mẹ nói rằng việc có con cái với nhu cầu đặc biệt giúp họ nhận thức sâu sắc về tinh thần và ngộ ra điều gì thực sự là quan trọng trong cuộc đời. Chúng tôi hy vọng rằng một vài gợi ý trong cuốn sách này sẽ giúp bạn và gia đình mình bình tâm lại.
Để kết luận cho mục này, hãy xem lại một vài gợi ý về việc chăm sóc sức khỏe tinh thần của bạn. Những gợi ý dưới đây dựa trên nghiên cứu của chúng tôi đối với các cha mẹ có con với nhu cầu đặc biệt, những người đã áp dụng những chiến lược hữu hiệu để đối mặt với căng thẳng và tiếp tục sống vui vẻ và trải nghiệm hạnh phúc:
- Hãy xác định mục tiêu hay thách thức cụ thể mà bạn cần vượt qua. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc xác định các thách thức cụ thể và lập kế hoạch để giải quyết những thách thức này giúp bạn cảm thấy bớt căng thẳng, cảm thấy tự tin và quyết tâm hơn. Mục tiêu này có thể đơn giản như là việc dành ra 10 phút hằng ngày để trò chuyện với mọi người trong gia đình hay tìm kiếm một chương trình can thiệp cho con trong vòng 12 tuần tới, hoặc tìm kiếm một người giữ trẻ có thể giúp bạn một hoặc hai đêm trong một tháng.
- Hãy kiểm soát tốt. Nghiên cứu chỉ ra rằng căng thẳng dẫn tới việc bạn cảm thấy cuộc sống của mình luôn khó lường. Bạn có thể cảm thấy bạn không thể kiểm soát được cuộc sống của bạn lúc này – rằng mọi thức đều phụ thuộc vào ai đó, nhưng điều đó không đúng. Hãy nhớ rằng bạn vẫn còn một vài hoạt đồng hàng ngày mà bạn có thể kiểm soát được vào lúc này. Hãy vạch ra những hoạt động hàng ngày mà bạn có thể kiểm soát, đề ra mục tiêu cho từng hoạt động này, và thực hiện chúng, điều đó không những giúp bạn giải quyết được vấn đề mà còn giúp bạn không rơi vào tình trạng cảm thấy bất lực. Điều gì xảy ra nếu bạn mắc sai lầm? Nhưng rõ ràng vẫn chưa phải là ngày tận thế mà. Bạn vẫn còn có thể ra quyết định khác mà. Hãy suy nghĩ thông suốt, hãy nhìn kết quả, và tìm kiếm lời khuyên từ người mà bạn tin tưởng, và nếu bạn mắc sai lầm thì hãy làm lại. Sai lầm hoàn toàn có thể xảy ra. Làm một cái gì đó sẽ giúp bạn cảm thấy tốt hơn là không làm gì, và càng hành động thì càng dẫn tới kết quả tốt đẹp mà thôi.
- Hãy nghỉ ngơi đôi chút. Bạn có thể cảm thấy rằng mình dành toàn bộ thời gian sau khi thức dậy cho con bạn và các thành viên trong gia đình, nhưng hãy dành chút thời gian chỉ cho riêng bạn để bạn nạp lại năng lượng và giúp bạc lạc quan hơn. Thậm chí chỉ là đôi phút, nhưng hãy dành thời gian để làm những điều mà bạn cảm thấy thoải mái và hồi phục sẽ không chỉ tốt cho sức khỏe tinh thần của bạn mà còn tốt cho mọi người khác trong gia đình của bạn.
- Hãy chia sẻ trách nhiệm chăm sóc trẻ với nhiều người khác. Hãy tìm kiếm ai đó có thể giúp bạn chăm sóc trẻ, chẳng hạn thành viên khác trong gia đình, các dịch vụ chăm sóc thuê, cha mẹ khác hoặc bạn bè. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng các cha mẹ để con tự kỷ có thể rời họ trong một ngày luôn cảm thấy tự tin hơn và ít căng thẳng hơn.
- Hãy kêu gọi sự giúp đỡ của người khác. Như chúng tôi đã thảo luận từ trước trong chương này, việc duy trì nhóm người tin cậy, yêu quý và chấp nhận bạn, luôn lo lắng cho bạn, sẵn sàng lắng nghe bạn và giúp đỡ bạn là cách quan trọng để giữ vững sức khỏe tinh thần của bạn. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng việc duy trì quan hệ với các bậc cha mẹ có cùng hoàn cảnh sẽ giúp tinh thần bạn ổn định và lạc quan hơn rất nhiều.
- Hãy thường xuyên tự khen mình. Hãy dành chút thời gian để nghĩ về những gì bạn cảm thấy hài lòng, và hãy tự khen bạn một chút. Hãy lấy làm kiêu hãnh vì đã đọc được cuốn sách này, vì đã tìm ra một buổi chuấn đoán cho con, vì đã cân bằng được cuộc sống gia đình, … vì nhiều việc bạn đã làm rất tốt. Bạn sẽ học được cách tự tìm ra điểm mạnh bên trong bạn và bạn đời của bạn mà trước giờ mình chưa nhìn thấy trước đó. Bạn sẽ cảm thấy nhiều niềm vui mà mình chưa từng hưởng. Bạn đang đi trên một chặng đường mới, tuy không giống với chặng đường mà đã tưởng tượng trước đó, nhưng chặng đường mới này sẽ mang đến cho bạn nhiều cơ hội học hỏi, chia sẽ và xây dựng các mối quan hệ. Hãy vạch ra một vài điều bạn đã học được từ trước tới giờ, những đoạn đường mà bạn đã vượt qua và bạn đã trưởng thành như thế nào trên chặng đường mới.
Tất nhiên, bạn cần một vài kỹ năng mới để có thể kiểm soát và thực hiện tốt vai trò mới của mình trong việc nuôi dạy con tự kỷ. Chúng tôi đã trình bày trong cuốn sách này nhằm cung cấp cho bạn các kỹ năng có thể giúp bạn thực hiện vai trò mới này. Chúng tôi hy vọng những kỹ thuật mà bạn học được từ Chương 4 – 13 trong cuốn sách này sẽ giúp bạn tạo ra sự thay đổi cho con bằng việc xây dựng các cách tương tác với con mình trong sinh hoạt hàng ngày, mà không cần tốn thêm thời gian của bạn. Việc kết hợp những kỹ thuật này với lời khuyên mà các chuyên gia trong chương trình can thiệp cho con bạn đưa ra sẽ giúp bạn các kỹ năng và sự tự tin cần thiết để đối mặt với thử thách hàng ngày.
CHƯƠNG 3. NỖ LỰC SỚM CÓ THỂ GIÚP CON BẠN HÒA NHẬP VÀ TĂNG CƯỜNG KHẢ NĂNG HỌC
Terell được phát hiện mắc hội chứng rối loạn phổ tự kỷ khi 2 tuổi. Trong buổi trao đổi với chuyên gia đánh giá tự kỷ, bố mẹ bé, James and Patricia bày tỏ rằng trở ngại lớn nhất của họ chính là khó khăn trong giao tiếp với Terell. Họ thực sự không biết bé muốn gì, cần gì, họ luôn phỏng đoán nguyên nhân tại sao bé nổi giận. Liệu có phải bé đói hoặc mệt, không thoải mái hoặc bị đau. Thật dễ dàng nếu bé nói ra thứ bé muốn thay vì bùng nổ và mất kiểm soát đột ngột. Bé luôn từ chối và lùi ra xa mẹ khi mẹ cố gắng nói chuyện với bé. Patricia và James cảm thấy thực sự vô dụng và thất bại.
Không có gì phải nghi ngờ khi bạn đã từng trải qua những cảm xúc tồi tệ tương tự như thế. Những thông tin trong quyển sách này cung cấp cho bạn một vài cách hữu hiệu để giúp con bạn có thể giao tiếp và học hỏi.
Trẻ nhỏ học như thế nào?
Trong hầu hết các trường hợp, biểu hiện khó khăn trong giao tiếp có liên quan đến hội chứng rối loạn phổ tự kỷ xuất hiện rất sớm thường là trước khi phát triển ngôn ngữ. Có một số trẻ có giao tiếp trong giai đoạn đầu, tuy nhiên khả năng này mất đi khi đứa trẻ lên 2 hoặc 3 tuổi. Trẻ mắc hội chứng kỷ thường không biết rằng mọi người truyền đạt thông điệp với nhau, hoặc trao đổi suy nghĩ cho nhau ở khoảng cách gần thông qua sử dụng ánh mắt, ngôn ngữ cơ thể và lời nói. Trẻ tự kỷ vẫn nhận biết được, tuy nhiên chúng không hiểu ý nghĩa đằng sau những hành động và ngôn ngữ này.
Bạn có thể thấy một số dấu hiệu ban đầu của đứa bé bị tự kỷ khi chúng còn bé. Với một số trẻ, những biểu hiện khác biệt rất dễ nhận thấy, nhưng với một số trẻ khác những biểu hiện này thường khó phân biệt và dễ nhầm lẫn. Một số trẻ tự kỷ còn lại không có bất cứ khác biệt nào trong năm đầu tiên, nhưng lại phát triển những dấu hiệu tự kỷ thời gian sau đó. Một loạt nghiên cứu dựa trên băng ghi hình của các gia đình có trẻ phát triển dấu hiệu tự kỷ muộn, được thực hiện bởi nhóm nghiên cứu GD, Kết quả nghiên cứu với nhóm trẻ từ 8-12 tháng tuổi cho thấy những trẻ này ít khi nhìn mọi người và ít hưởng ứng lại khi cha mẹ chúng cố gắng gây sự chú ý (như gọi tên) và không sử dụng các cử chỉ (như chỉ tay) mà những trẻ em thông thường hay sử dụng trước giai đoạn chúng phát triển ngôn ngữ. Điều này cũng cho thấy rằng cách thức những trẻ này học hỏi từ môi trường bên ngoài rất khác so với những trẻ thông thường khác, chúng ít khi tập trung quan sát người khác và có ít trải nghiệm liên quan đến giao tiếp. Điều này rất quan trọng, vì trong giai đoạn đầu đời trí não của trẻ phát triển rất mạnh mẽ, chúng tiếp nhận thông tin và phân loại thông tin nhanh chóng.
Trí não của trẻ không hoàn toàn quyết định bởi gen. Não bộ phát triển nhanh chóng, mỗi trải nghiệm (bài học) trẻ trải qua đều tác động đến vỏ não và xây dựng các liên kết thần kinh giúp trẻ xử lý thông tin nhiều hơn và hiệu quả hơn. Theo các nhà khoa học, đây chính là đặc tính dẻo của não trong giai đoạn đầu đời của trẻ.
Việc học ngôn ngữ đặc biệt phụ thuộc vào tính dẻo của não. Chúng ta thực sự ngạc nhiên bởi khả năng học ngôn ngữ của trẻ nhỏ, chúng có thể tiếp nhận bất cứ ngôn ngữ nào xung quanh chúng và chúng có khả năng nói như tiếng mẹ đẻ. Ngược lại, rất nhiều người lớn trong số chúng ta cố gắng học một ngôn ngữ mới theo cách của trẻ con và nhận thấy rằng thực sự rất khó để nói như tiếng mẹ đẻ. Đây là một ví dụ tốt nhất chứng minh khả năng học ngôn ngữ mới đặc biệt trong 5 năm đầu đời. Với trẻ mắc hội chứng tự kỷ, việc can thiệp càng sớm cho phép chúng ta tận dụng được tính dẻo to lớn của bộ não và khả năng học hỏi trong giai đoạn đầu đời. Càng tập trung can thiệp sớm ở giai đoạn đầu sẽ càng ít trẻ khuyết tật phổ tự kỷ ở giai đoạn sau.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng việc can thiệp sớm giúp nâng cao kỹ năng chơi, nhận thức (IQ), khả năng nói và ngôn ngữ và qua đó tăng cường nhu cầu (mong muốn) tương tác xã hội của đứa trẻ. Can thiệp sớm giúp gia tăng khả năng xã hội, giảm thiểu triệu chứng và các hành vi tự kỷ, đồng thời giúp trẻ học hỏi nhanh hơn, và hòa nhập cuộc sống một cách tốt nhất ở tất cả các môi trường, như ở nhà ở trường và trong các mối quan hệ khác. Một số nghiên cứu cũng cho thấy các kết quả chuẩn đoán thay đổi sau quá trình can thiệp sớm, tuy nhiên những trẻ này vẫn ít nhiều còn các triệu trứng của hội chứng tự kỷ. Việc can thiệp sớm giúp nhiều trẻ đi học các trường mầm non, mẫu giáo hay tiểu học bình thường phát triển các hội thoại và kỹ năng chơi, cũng như phát triển các mối quan hệ đồng lứa phức tạp hơn. Những thay đổi tích cực không xảy ra với một số ít trẻ được can thiệp sớm. Nhưng chắc chắn tất cả trẻ đều nhận được lợi ích từ can thiệp sớm, tuy nhiên mức độ nhanh chậm nhiều ít khác nhau phụ thuộc vào mỗi đứa trẻ.
Can thiệp sớm như thế nào?
Nghiên cứu về khả năng học hỏi của trẻ nhỏ giúp chúng ta hiểu được tại sao can thiệp sớm lại hiệu quả. Dưới đây là một số thực tế về cách trẻ nhỏ học như thế nào.
30 năm trước các nhà khoa học đã biết rằng ngay cả trẻ nhũ nhi cũng có khả năng học hỏi và chúng biết nhiều hơn những gì chúng ta tưởng. Những đứa trẻ giống như những nhà khoa học nhỏ tuổi: chúng phát triển các khái niệm (quan niệm) về thế giới xung quanh và kiểm tra các khái niệm thông qua các hoạt động cơ thể và cảm nhận của bản thân. Chúng thu thập thông tin thông qua các trải nghiệm và sử dụng các thông tin để hoàn thiện các khái niệm về thế giới xung quanh. Một ví dụ các nhà khoa học chỉ ra rằng trẻ nhỏ có những hiểu biết sơ khai về vật lý, con số, đặc tính vật lý (tính chất vật lý) và sử dụng những hiểu biết này để thử nghiệm thế giới quanh chúng. Khi sinh ra, trẻ có khả năng nghe và tiếp nhận tất cả các âm thanh, tiếng nói khác nhau điều này cho phép chúng nói được tất cả các ngôn ngữ trên thế giới, khả năng này mất dần theo thời gian nếu trẻ không được tiếp xúc với ngôn ngữ (điều này lý giải tại sao chúng ta có ngữ âm khi học ngôn ngữ mới ở tuổi trưởng thành). Ngay từ khi mới sinh trẻ đã có khả năng nhận biết giọng nói và gương mặt quen thuộc, chúng đã được trang bị để tương tác với sự vật và hiện tượng, khám phá và học hỏi thế giới xung quanh. học hỏi là hoạt động tự nhiên của trẻ em nên có những điều sau đây càn xem xét:
- Cơ hội học hỏi nào trong các hoạt động đa dạng thường ngày cho trẻ tự kỷ
- Loại hoạt động bổ ích cho con bạn và con bạn tích cực tham gia?
- Con bạn có những kỹ năng cơ bản để học hỏi từ trẻ khác, ví dụ khả năng chú ý, bắt chước, chơi luân phiên, hoặc quan sát cách trẻ khác chơi?
- Con bạn có vấn đề về hành vi gây trở ngại đến việc học hỏi từ trẻ khác như các cơn bùng nổ (ăn vạ) thường xuyên hoặc những hành vi lặp đi lặp lại?
Đối với trẻ bình thường, chúng học hỏi từng giây từng phút. Khi chúng thức dậy, chúng bi bô và chơi với những ngón tay, ngón chân hoặc đồ chơi trong cũi. Trẻ theo dõi hệ quả của những hành động chúng làm, như chuyện gì xảy ra khi chúng vứt đồ chơi khỏi cũi, cách cha mẹ phản ứng khi trẻ kêu la, hoặc khi đồ chơi tạo ra tiếng va chạm dưới sàn. Khi bé nghe thấy âm thanh, bé có thể kêu lên hoặc bắt chước tiếng động. Trẻ ghi nhớ rằng khi tạo ra tiếng động, cha mẹ sẽ tới. Thời điểm đó, trẻ ghi nhớ âm thanh của bố mẹ khi mở cửa phòng ngủ. Trẻ nhanh chóng lặp lại hành động tạo ra âm thanh và tập trung vào biểu cảm khuôn mặt của cha mẹ cũng như từ ngữ cha mẹ sử dụng với trẻ. Chỉ trong 5 phút sau khi thức dậy, trẻ đã thực sự học được nhiều thứ về nguyên nhân – hệ quả, cảm xúc, và từ ngữ.
Bây giờ hãy so sánh với những đứa trẻ mặc hội chứng tự kỷ. Trẻ thức dậy và bắt đầu chơi trong cũi, nhưng cách chơi rất khác biệt. Trẻ có thể bỏ qua các đồ chơi và thay vào đó bị cuốn hút vào các tia sáng chiếu qua rèm cửa. Trẻ có thể nghiêng đầu về phía sau, thử nghiệm với các tia sáng và ghi nhớ thay đổi khi tia sáng chiếu vào đầu, ngắm bàn tay và các ngón tay chuyển động trong ánh sáng. Trẻ có thể sử dụng một thời gian dài chỉ để lắc đầu qua lại và nhìn ánh sáng. Trẻ im lặng không phát ra bất cứ âm thanh nào. Khi cha mẹ đến đánh thức bé dậy, trẻ không chú ý đến biểu lộ cảm xúc hay giọng nói của họ. Chỉ những tia sáng mới thu hút sự quan tâm của trẻ. Đối với những trẻ này, chúng vẫn đang học hỏi, tuy nhiên thay vì học về đồ chơi, âm thanh ngôn ngữ, khuôn mặt, và mọi người, trẻ chỉ học về các hình dạng và sự di chuyển của tia sáng. Những trẻ này đã bị tuột mất cơ hội giao tiếp, kỹ năng xã hội và chơi. Đó là do trẻ không thể gọi bố mẹ, xem cách họ vào ra, và quan trọng hơn những tia sáng đối với chúng thú vị hơn đồ chơi. Do chỉ tập trung vào vận động của các ngón tay và lúc lắc cái đầu, trẻ đã không có cơ hội học hỏi những thứ khác ở quanh mình. Dưới đây là một số khác biệt cơ bản giữa đứa trẻ bình thường và trẻ mắc hội chứng tự kỷ.
Các trẻ bình thường | Trẻ bị tự kỷ |
Cơ hội học hỏi | |
Tham gia vào các cơ hội học hỏi bằng cách chủ động tìm hiểu về môi trường xã hội và phi xã hội | Tập trung ít vào môi trường xã hội, chủ yếu tập trung vào môi trường phi xã hội, giới hạn các cơ hội học hỏi ở môi trường xã hội |
Tham gia vào các hoạt động bổ ích | |
Tập trung vào các hoạt động bổ ích, chú ý đến con người bao gồm, biểu cảm khuôn mặt, di chuyển, cử chỉ và từ ngữ. Có thể thấy các trẻ này quan tâm đến con người hơn là các đồ vật. | Bị thu hút bởi các đồ vật và khám phá theo cách khác thường như ngồi trong góc và nhìn và ngửi các đồ vật. Có thể thấy các trẻ này quan tâm đến đồ vật hơn con người |
Kỹ năng học hỏi cơ bản | |
Bắt chiếc hành động của người khác, hiểu các phản ứng của người khác đối với mỗi chuyển động, cử chỉ và âm thanh của trẻ, sử dụng nhiều cách để khám phá đồ vật | Không bắt chước và không hiểu thái độ của trẻ có thể ảnh hưởng đến thái độ của người khác, chỉ biết chơi với đồ vật theo một số cách nhất định |
Hành vi lặp lại | |
Trẻ có hành động chơi lặp lại, tuy nhiên dễ dàng thay đổi sự chú ý sang hành động khác | Chơi lặp lại trong thời gian dài, rất khó và trở nên cáu giận khi người khác cố gắng lôi kéo sự chú ý của trẻ sang hoạt động khác |
Mục tiêu trọng tâm của chương trình can thiệp sớm là giúp trẻ mắc chứng tự kỷ chú ý đến các cơ hội học hỏi các kỹ năng xã hội cơ bản như học nói, biểu cảm khuôn mặt, cử chỉ và giúp chúng phát triển ngôn ngữ và kỹ năng xã hội bằng cách thúc đẩy trẻ tập trung vào các hành động, lời nói, từ ngữ và biểu cảm khuôn mặt của mọi người xung quanh. Các nhà tâm lý học sử dụng thuật ngữ “tạo bước đệm gợi ý” (Scaffolding) để mô tả cách cha mẹ giúp đỡ con cái họ học hỏi thông qua việc thu hút sự tập trung của trẻ vào những cơ hội học hỏi quan trọng nhất trong môi trường. Khi cha mẹ tạo các bước đệm gợi ý cho trẻ bằng cách định hướng, khuyến khích trẻ tiếp cận với các cơ hội học hỏi, cung cấp cho con những đồ chơi thích hợp, lặp lại và nhấn mạnh (cường điệu) các hoạt động, nói thật chậm và đơn giản, … để trẻ có thể học một cách từ từ và dễ dàng. Khi bạn là bố mẹ của trẻ mắc hội chứng tự kỷ sử dụng các chương trình can thiệp sớm để định hướng sự tập trung cho con, bạn sẽ sử dụng chung các chương trình với các giai đoạn khác, nhưng bạn phải xây dựng một chương trình riêng biệt dành cho con mình dựa trên tính cách cá nhân của đứa trẻ, (dựa trên những hoạt động ưa thích, kinh nghiệm, và sự nhạy cảm của trẻ) cũng như những thử thách thông thường mà hầu hết trẻ tự kỷ gặp phải. Khi bạn bắt đầu áp dụng các kỹ thuật can thiệp sớm với con bạn, bạn phải học các kỹ thuật để làm những việc sau:
- Lôi kéo sự chú ý của bé vào đối tượng xung quanh trẻ
- Thiết kế các trò chơi xã hội bổ ích và thú vị
- Dạy bé các kỹ năng cơ bản gồm: Tập trung chú ý vào khuôn mặt, lời nói hành động của mọi người xung quanh, bắt chước, sử dụng tiếng nói và cơ thể để giao tiếp, chia sẻ cảm xúc, nhu cầu và sở thích với người khác, hiểu được cách giao tiếp của người khác đối với trẻ, chơi đồ chơi theo cách thông thường, sử dụng và hiểu ngôn ngữ, giảm thiểu hành vi gây cản trở cho việc học hỏi
Bằng những kỹ thuật can thiệp đặc biệt này, bạn có thể đem đến vô vàn cơ hội học hỏi cho con mình cũng như tối đa hóa lợi ích của việc can thiệp sớm trong giai đoạn trí não của con bạn đang phát triển mạnh mẽ.
Những khó khăn liên quan đến khả năng học hỏi của trẻ tự kỷ
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra các cách đặc thù trẻ tự kỷ tương tác với thế giới, và giúp chúng ta hiểu hơn những khó khăn liên quan đến khả năng học hỏi của trẻ tự kỷ. Những khó khăn này chính là mục tiêu mà chương trình can thiệp sớm phải giải quyết được. Một trong những thách thức phổ biến đối với việc học hỏi có liên quan đến tự kỷ bao gồm:
- Sự tập trung: Trẻ bình thường hướng sự tập trung vào mọi người, bao gồm khuôn mặt cử chỉ, giọng nói, nhưng trẻ tự kỷ hướng phần lớn sự tập trung vào đồ vật và các thông tin phi xã hội (như tia sáng, mẫu hình, …)
- Động cơ xã hội: không giống như trẻ thông thường tìm kiếm người khác để tương tác và có nhu cầu để chia sẻ, trẻ tự kỷ thích ở một mình và chơi một mình.
- Sử dụng cử chỉ: khi có nỗ lực giao tiếp, trẻ tự kỷ không sử dụng cử chỉ để chia sẻ trải nghiệm với người khác như chỉ tay hoặc chỉ đồ vật cho người khác, chúng cũng không hiểu và phản ứng lại các cử chỉ mang tính giao tiếp của người khác đối với mình.
- Bắt chước và chơi luân phiên: Trẻ bình thường bắt chước các âm thanh và hành động của những người xung quanh một cách đơn giản thì trẻ mắc hội chứng tự kỷ thường không bắt chước người khác, không biết chơi qua lại. Những hoạt động bắt chước hay chơi luân phiên không đặc biệt thu hút đối với trẻ tự kỷ.
- Chơi đồ chơi: không khám phá đồ vật và chơi chúng một cách sáng tạo, trẻ tự kỷ thường chú ý vào một chi tiết nhỏ của đồ vật và lặp đi lặp lại các hoạt động chơi giống nhau. Trẻ có thể trở nên lo lắng, giận dữ khi bị ngắt quãng hoạt động của mình. Chúng thích chơi một mình với đồ chơi hơn là cùng chơi với người khác.
- Tiếng bập bẹ: Không tạo ra một loạt các âm thanh và chú ý vào âm thanh phát ra từ người khác, trẻ tự kỷ thường xuyên im lặng. Chúng chỉ tạo ra những âm thanh vô nghĩa, những âm thanh này không giống như giọng nói, và chúng không sử dụng âm thanh để truyền tải thông điệp đến người khác.
- Kích thích và cảm giác nhạy cảm: trái ngược với trẻ thông thường, trẻ mắc hội chứng tự kỷ thường dễ bị kích thích hoặc ít phản ứng với các cảm giác khác nhau. Chúng thường nhạy cảm đặc biệt đối với âm thanh, sự tiếp xúc và ánh sáng.
Tại sao trẻ tự kỷ lại có những vấn đề này?
Để trả lời câu hỏi, ta phải xem xét đến các rối loạn tự kỷ ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển não bộ của trẻ. Trong não trẻ có một khu vực chuyên biệt phụ trách khả năng học hỏi các kỹ năng xã hội như giao tiếp mắt hay các biểu hiện cảm xúc. Khi các khu vực này hoạt động đúng chức năng, đứa trẻ sẽ dễ dàng tiếp nhận các trải nghiệm (bài học) và dễ dàng học ngôn ngữ, tương tác xã hội một cách tự nhiên. Nghiên cứu chỉ ra rằng các khu vực quan trọng của não bộ chuyên về ngôn ngữ và tương tác xã hội của trẻ nhỏ mắc hội chứng tự kỷ thường không hoạt động đúng chức năng (kém hoạt động). Nguyên nhân là do các khu vực chuyên biệt của não trẻ tự kỷ có ít sự liên kết với nhau ví dụ như khu vực cảm giác chuyên về âm thanh, thị giác, xúc giác và khu vực tư duy (thinking area) chuyên về hiểu biết và ý nghĩa của âm thanh, cảnh tượng và cảm xúc chúng ta đã trải nghiệm. Điều này cho thấy rằng trẻ tự kỷ có trải nghiệm (bài học) với con người và đồ vật xung quanh, tuy nhiên lại gặp khó khăn để hiểu được ý nghĩa của những trải nghiệm đó, đặc biệt là những trải nghiệm liên quan đến khả năng xã hội và giao tiếp.
Vậy những khác biệt trong chức năng bộ não của trẻ tự kỷ là do đâu?
Các nhà khoa học đã chỉ ra những sự khác biệt trong giai đoạn phát triển ban đầu của não trẻ tự kỷ do yếu tố di truyền kết hợp với các tác động của môi trường. Nếu một đứa trẻ sinh đôi cùng trứng bị tự kỷ thì tỷ lệ đứa trẻ sinh đôi còn lại có nguy cơ mắc tự kỷ lên đến 70%. Ngược lại, tỷ lệ mắc tự kỷ ở các cặp sinh đôi khác trứng chỉ là 35%. Như vậy rõ ràng là yếu tố di truyền là nguyên nhân của hội chứng tự kỷ. Tuy nhiên việc đưa ra tỷ lệ 70% các cặp sinh đôi cùng trứng bị mắc tự kỷ (trong khi 100% các cặp này có cùng hệ gene) đã cho thấy còn có yếu tố khác nữa gây ra hội chứng tự kỷ. Hiện tại nghiên cứu nguyên nhân hội chứng tự kỷ dựa trên các yếu tố tác động của môi trường vẫn đang trong giai đoạn đầu, nhưng cũng có nghiên cứu chỉ ra rằng các yếu tố có tác động đến sự phát triển của bào thai và giai đoạn chuẩn bị sinh cũng tác động gây ra tự kỷ. Ví dụ các nguyên nhân như tuổi mang thai của bà mẹ, lây nhiễm trong quá trình mang thai (ví dụ bệnh cảm cúm), biến chứng khi sinh, hậu sản, … bản thân các yếu tố trên không trực tiếp gây ra hội chứng tự kỷ, tuy nhiên chúng có liên quan đến những nguy cơ cao của nhiều vấn đề về phát triển. Tuy nhiên hội chứng tự kỷ được xem là nhiều khả năng liên quan đến nguy cơ về di truyền. Để biết thêm thông tin về nguyên nhân và các nghiên cứu về hội chứng tự kỷ, các cha mẹ có thể truy cập blog của tổ chức phát ngôn về tự kỷ tại địa chỉ autismspeaks.org.
Như đã đề cập ở phần trước, thực sự rất may mắn khi bộ não có độ dẻo to lớn ở giai đoạn đầu đời. Đối với trẻ nhỏ sự phát triển mạnh mẽ của não vẫn được tiếp tục trong những năm tuổi thơ, nên chúng ta hoàn toàn có thể hướng sự phát triển của não trẻ trở lại bình thường thông qua cung cấp các bài học đặc biệt giúp thúc đẩy khả năng giao tiếp xã hội cho trẻ.
Trẻ tự kỷ nhỏ có khả năng học hỏi tốt, trẻ có thể thiết lập các mối quan hệ xã hội với các thành viên trong gia đình, và phản hồi tích cực đối với các phương pháp giảng dạy phù hợp với cách thức học của riêng từng trẻ. Trẻ tự kỷ nhỏ có thể vượt qua các thử thách và trở thành học viên cởi mở, nhiệt tình và sáng tạo.
Cha mẹ can thiệp cho con: Đâu là bằng chứng?
Hơn 20 năm qua, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra những lợi ích của việc can thiệp sớm đối với trẻ tự kỷ được thực hiện bởi các nhà trị liệu được đào tạo. Ví dụ vào năm 2011, Hiệp hội nghiên cứu và đánh giá chất lượng sức khỏe (Hoa kỳ) đã công bố kết quả can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ. Nhóm được nghiên cứu bao gồm 34 trẻ tự kỷ được can thiệp sớm. Hiệp hội đã kết luận việc can thiệp hành vi sớm và tích cực mang lại những cải thiện đáng kể về nhận thức và ngôn ngữ của trẻ tự kỷ. Một kết quả khác cũng nằm trong công bố này là những trẻ tự kỷ được cha mẹ học các kỹ thuật can thiệp từ các chuyên gia để can thiệp cho trẻ tại nhà thường sẽ có kết quả tốt hơn là trẻ chỉ áp dụng các chương trình can thiệp do các chuyên gia cung cấp. Nghiên cứu chỉ rõ rằng, cha mẹ can thiệp cho con sẽ giúp trẻ cải thiện khả năng lời nói và cử chỉ điệu bộ, kỹ năng chơi, và cải thiện rõ rệt quan hệ giữa cha mẹ và con cái.
Điều này cũng dễ hiểu vì chỉ có cha mẹ mới chính là người hiểu con cái mình nhất và cũng chỉ họ mới có động lực mạnh mẽ để giúp chính con cái mình. Họ có thời gian với con cái nhiều hơn những người khác. Cha mẹ những người sử dụng kỹ thuật “tạo bước đệm gợi ý” định hướng khả năng học hỏi của trẻ thông qua phương pháp dạy đặc biệt, giành nhiều thời gian tiếp xúc với con, trẻ sẽ nhận được nhiều tác động can thiệp và mang lại nhiều bài học cho con mỗi ngày. Và điều này giúp trẻ ngày càng học hỏi được nhiều hơn.
Các nghiên cứu cũng đi sâu tìm hiểu về hiệu quả tác động can thiệp của cha mẹ đối với trẻ tự kỷ. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng hoạt động can thiệp của cha mẹ giúp gia tăng khả năng giao tiếp, kỹ năng chơi và giúp trẻ tương tác và vui vẻ hơn với cha mẹ (tăng cơ hội thành công và tạo tâm lý vui vẻ khi cha mẹ và con cái tương tác với nhau). Khi cha mẹ học các kỹ thuật can thiệp tại nhà, trẻ tự kỷ nhỏ được nhắc lại và luyện tập các kỹ năng trẻ đã được dạy bởi giáo viên can thiệp hoặc chuyên gia tâm lý. Thêm vào đó, cha mẹ sử dụng phương pháp can thiệp sớm cảm thấy hạnh phúc hơn, ít căng thẳng, lạc quan và tin tưởng hơn.
Chúng tôi đã thực hiện một nghiên cứu về việc các cha mẹ tiếp thu các kỹ thuật trong cuốn sách này như thế nào và con cái họ đã thu được lợi ích gì từ việc cha đó. Có tám gia đình có con từ 1-2 tuổi được chuẩn đoán bị tự kỷ tham gia vào nghiên cứu. Các gia đình tình nguyện tham gia chương trình cha mẹ học kỹ thuật can thiệp mỗi tuần 1 giờ và kéo dài 12 tuần. Trong đó cha mẹ được học cách sử dụng một số kỹ thuật phát triển khả năng tập trung, giao tiếp, tương tác xã hội và kỹ năng chơi cho trẻ. Các bậc cha mẹ học để làm các điều sau:
- Tạo ra không khí vui vẻ và thoải mái giữa trẻ và cha mẹ
- Giúp trẻ phát triển ngôn ngữ bằng cách cường điệu hóa âm thanh mà trẻ tạo ra
- Tăng cường giao tiếp không lời và kỹ năng bắt chước của trẻ
- Tạo cho trẻ sự hứng thú với nhiều loại đồ chơi và các kỹ năng sử dụng đồ chơi
“Điều làm tôi thích nhất của cách tiếp cận này là mọi thứ khá tự nhiên, giống như kiểu chơi “chất lượng” mà hầu hết các cha mẹ đều muốn chơi với con cái mình. Khi tôi nắm những điều cơ bản này, tôi thấy thật dễ dàng hợp tác với con trong mọi hoạt động. Các kỹ thuật này không chỉ giúp con tôi có thêm rất, rất nhiều cơ hội học hỏi mà còn giúp các bậc cha mẹ chúng tôi có nhiều ý tưởng để cười đùa với con. Chúng tôi không cảm thấy mệt mỏi hay quá tải khi thực hiện các kỹ thuật này, mà thực sự là khá hài hước và dễ thực hiện. Tôi có thể thấy con trai tôi đã phản hồi với tôi, điều đó đã khuyến khích và tạo động lực cho tôi rất nhiều.”
Cha mẹ áp dụng các kỹ thuật can thiệp trong các sinh hoạt hàng ngày, không cần phải giành riêng ra các giờ can thiệp đặc biệt. Điều cha mẹ cần làm chỉ là giành nhiều thời gian nhất có thể để chơi và chăm sóc con, dần dần cha mẹ sẽ biết cách tập trung chơi với con một cách có định hướng.
Liệu cha mẹ có thể học các kỹ thuật can thiệp được không? Câu trả lời chắc chắn là có, các nghiên cứu đều chỉ ra rằng trước khi nắm bắt được các kỹ thuật can thiệp, các gia đình đã áp dụng các kỹ thuật can thiệp từ 40 -60% thời gian hoạt động hàng ngày với con cái họ một cách rất tự nhiên. Tuy nhiên sau vài giờ đào tạo và vài tuần áp dụng, các gia đình đã sử dụng các kỹ thuật can thiệp trong hơn 90% thời gian chơi với con.
Các nghiên cứu cũng chỉ cha mẹ đã dùng các kỹ thuật can thiệp tác động đến con họ như thế nào. Trong nghiên cứu này, trước khi các gia đình bắt đầu học và áp dụng các kỹ thuật can thiệp những trẻ tự kỷ hầu như không nói được bất cứ từ nào, tuy nhiên khi các gia đình áp dụng các kỹ thuật can thiệp thường xuyên tại nhà thì hầu hết số trẻ bắt đầu có nỗ lực phát âm để giao tiếp chứ không phải chỉ là nhại lời hay phát âm vô nghĩa. Điều tương tự cũng xảy ra khi dạy trẻ bắt chước hành động.
Thêm vào đó, cha mẹ có kỹ năng như những chuyên gia để giúp trẻ học ngôn ngữ và kỹ năng bắt chước. Điều này cũng chỉ ra rằng các gia đình được học các kỹ năng can thiệp có thể dạy trẻ các kỹ năng mới và “tạo bước đệm gợi ý” để trẻ sử dụng các kỹ năng này hiệu quả không thua kém các chuyên gia về tự kỷ.
Có rất nhiều chương trình can thiệp sớm các bậc cha mẹ có thể áp dụng đã được công bố, một số đã được nghiên cứu một số đang trong quá trình nghiên cứu và thử nghiệm, ví dụ như Chương trình Hanen – Hơn cả lời nói, Mô hình can thiệp sớm Denver, Liệu pháp phản hồi then chốt, Giảng dạy phản hồi, và Mô hình Giao tiếp xã hội, điều tiết cảm xúc và hỗ trợ tại nhà (SCERTS).
Trong khuôn khổ cuốn sách này, chúng tôi trình bày một hệ thống các kỹ thuật đơn giản mà cha mẹ và người chăm trẻ có thể áp dụng vào hoạt động hàng ngày của trẻ, giúp trẻ tập trung, giao tiếp và học hỏi. Bạn có thể sử dụng chương trình này trong khi chơi, khi tắm, khi ăn, bất cứ thời gian nào bạn tiếp xúc với trẻ. Điều đó đảm bảo rằng con bạn sẽ được học hỏi từng phút từng giây như những đứa trẻ bình thường khác ngoài thời gian tham gia chương trình can thiệp riêng. Chương trình trong cuốn sách này chủ yếu dựa trên mô hình can thiệp sớm Denver, với mục tiêu tập trung giúp trẻ chủ động học hỏi và giao tiếp dựa trên khả năng học hỏi những kỹ năng xã hội cốt lõi như: khả năng bắt chước, cùng chú ý, giao tiếp thông qua các cử chỉ, sử dụng ngôn ngữ lời nói và ngôn ngữ cơ thể để giao tiếp, học chơi đồ chơi với mọi người theo nhiều cách khác nhau. Nội dung cuốn sách này cũng giúp các gia đình và người chăm sóc trẻ (kể cả chuyên gia can thiệp) phát triển các kỹ năng để trở thành bạn chơi của trẻ trong các hoạt động trẻ yêu thích và các hoạt động hàng ngày. Những kỹ thuật này cũng giúp bạn và trẻ tham gia các hoạt động một cách vui vẻ và thỏa mái. Bạn cũng sẽ biết cách định hướng sự chú ý và khả năng học hỏi của trẻ bằng cách chiều theo những sở thích và để trẻ trải nghiệm nhiều cơ hội học hỏi hơn. Chúng tôi sẽ đi vào từng kỹ thuật một trong những chương còn lại, tuy nhiên trước khi kết thúc Chương 3 chúng ta tổng kết lại một số điểm cơ bản dưới đây:
- Trong giai đoạn phát triển đầu đời, bộ não trẻ rất dẻo và được phát triển thông qua các trải nghiệm. Liên kết giữa các tế bào thần kinh được hình thành trong quá trình học hỏi của trẻ.
- Trẻ nhỏ chủ động khám phá thế giới xung quanh, tìm hiểu, phát triển các khái niệm và kiểm tra các khái niệm đó.
- Trẻ bình thường học từng phút từng giây và sử dụng hầu hết thời gian để tương tác với những người xung quanh. Trẻ tự kỷ bị giới hạn cơ hội học hỏi và cơ hội giao tiếp do chỉ tập trung vào đồ vật thay vì tập trung tương tác với mọi người xung quanh.
- “Tạo bước đệm gợi ý” là thuật ngữ dùng để chỉ việc cha mẹ tạo ra các cơ hội học hỏi cần thiết bằng cách hướng dẫn hành động, ngôn ngữ và cung cấp đồ chơi thích hợp cho trẻ.
- Can thiệp sớm giúp trẻ tự kỷ nhỏ tuổi cải thiện được khả năng học hỏi, khả năng chơi, khả năng giao tiếp và các kỹ năng xã hội khác, đồng thời cũng làm giảm thiểu hành vi như các cơn bùng nổ hay cáu giận.
- Các nghiên cứu chỉ ra trẻ tự kỷ cũng có nhu cầu tương tác (có quan tâm tới) cha mẹ và các thành viên trong gia đình nhưng theo cách không giống trẻ thông thường.
- Trẻ tự kỷ có vấn đề về khả năng nói và khó sử dụng các cử chỉ (điệu bộ) và biểu cảm khuôn mặt để biểu hiện mong muốn và nhu cầu của trẻ. Chúng cần được dạy để sử dụng các cử chỉ như chỉ tay.
- Trẻ tự kỷ thường khó có khả năng bắt chước, việc dạy trẻ tự kỷ khả năng bắt chước mở ra cơ hội giúp trẻ có thể học hỏi từ người khác.
- Mặc dù trẻ tự kỷ bị thu hút bởi các đồ vật, tuy nhiên chúng không biết chơi đa dạng và đúng cách. Chúng thường chỉ chú ý đến một bộ phận của đồ chơi và chơi rập khuôn, lặp đi lặp lại. Can thiệp sớm giúp trẻ chơi đúng cách và chơi sáng tạo phát triển được kỹ năng xã hội khi chơi.
- Cha mẹ có thể học hỏi để sử dụng các chương trình can thiệp áp dụng với con cái mình.
- Khi được can thiệp tại nhà, trẻ tự kỷ được củng cố những kỹ năng đã được dạy trong các chương trình can thiệp và áp dụng chúng trong nhiều trường hợp linh hoạt hơn
- Cha mẹ áp dụng Phương pháp can thiệp tại nhà cảm thấy thoải mái, vui vẻ và lạc quan hơn. Khi thực hiện can thiệp cho con, cha mẹ có cái nhìn lạc quan, tin tưởng và giảm bớt lo âu.
- Cha mẹ áp dụng Phương pháp can thiệp không cần kỹ thuật đặc biệt hay thời gian riêng dành cho việc can thiệp. Để can thiệp cho con, cha mẹ chỉ cần đồ chơi và một số vật dụng khác. Chương trình can thiệp được thực hiện trong các hoạt động đời sống hàng ngày như tắm, ăn, các hoạt động chơi trong nhà hay ngoài trời.
- Hầu hết các gia đình thực hiện chương trình can thiệp sớm nhấn mạnh điều quan trọng nhất giúp thúc đẩy khả năng học hỏi của con họ chính là tâm lý lạc quan và mối quan hệ hạnh phúc giữa cha mẹ và trẻ. Nghiên cứu cũng chỉ ra quan hệ gia đình chính là nền tảng để phát triển khả năng học hỏi và giao tiếp của trẻ.
PHẦN II. CÁC CHIẾN LƯỢC GIÚP CON CỦA BẠN HÒA NHẬP, GIAO TIẾP VÀ HỌC TẬP
CHƯƠNG 4. TĂNG CƯỜNG SỰ CHÚ Ý CỦA TRẺ
Mục tiêu: Hướng dẫn bạn cách tăng sự chú ý của trẻ để nâng cao cơ hội trẻ có thể học được từ bạn. Quá trình học đòi hỏi phải có sự chú ý tới mọi người.
Tại sao sự chú ý của trẻ đến mọi người lại quan trọng đến vậy?
Có rất nhiều thứ trẻ không thể làm được, nhưng có một thứ chúng làm rất tốt đó là để ý tới môi trường xung quanh và học từ những gì chúng thấy. Những đứa trẻ đã có thể nhìn tốt ngay sau khi sinh, và chúng học được rất nhiều từ thế giới, mọi người xung quanh và những đồ vật xung quanh chúng bằng cách nhìn các độ vật và quan sát hành động của mọi người xung quanh. Trẻ thường tỏ ra ngạc nhiên với những sự kiện, hành động mới mẻ và chúng có xu hướng tập trung chú ý vào những sự kiện, hành động mới hơn là các hành động thường ngày, nhờ đó chúng có thể học thêm được nhiều điều mới mẻ.
Nhìn và nghe mọi người xung quanh là rất cần thiết trong các hoạt động học tập của trẻ – có lẽ đó là hoạt động quan trọng nhất, bởi vì chúng học được rất nhiều qua tương tác với mọi người xunh quanh. Hầu hết trẻ nhỏ thích quan sát mọi người và tương tác với họ bằng các hành động.
Với trẻ tự kỷ thì sao?
Tuy nhiên, trẻ tự kỷ không thể hiện rõ sự quan tâm tới quan sát và tương tác với người khác. Tại sao lại như vậy? Có 2 cách lý giải cho điều này. Một là có thể hình dung trẻ tự kỷ gặp khó khăn hơn những trẻ khác trong việc nhận biết các biểu hiện và âm thanh phức tạp hoặc mới mẻ. Các tương tác xã hội chắc chắn là phức tạp và đôi khi không theo thói quen: Chúng yêu cầu trẻ cảm nhận được các biểu đạt nét mặt, lời nói, âm thanh và các điệu bộ, cử chỉ. Các đồ vật, theo một cách nào đó, là dễ đoán biết và thường là ít phức tạp hơn là con người. Khi trẻ tương tác với đồ vật, đồ vật sẽ phản hồi trẻ theo cách tin cậy và dễ đoán biết. Trẻ có thể chơi với các đồ vật lặp đi lặp lại một hành động theo một cách nào đó. Còn người thì hành động thay đổi và đa dạng hơn đồ vật; người luôn luôn không phản hồi theo duy nhất một cách. Người lớn khi đang cố gắng thu hút trẻ thường tỏ ra rất hào hứng. Họ có thể nói rất nhanh với rất nhiều xúc cảm, tạo ra rất nhiều âm thanh hình ảnh đòi hỏi trẻ cần xử lý cùng 1 lúc. Mọi người có thể di chuyển và biểu lộ nhiều điều bộ, cử chỉ trong quá trình tương tác, khua tay hoặc thay đổi nét mặt nhanh chóng theo ngữ cảnh của cuộc hội thoại. Tất cả những âm thanh đó tại một thời điểm có thể là quá kích thích đối với trẻ, và phản ứng của trẻ trong những trường hợp này là tức giận/khó chịu hoặc trẻ sẽ lẩn ra chỗ khác. Đây là cách lý giải thông thường, tuy nhiên các nghiên cứu đã chỉ ra rằng đó không phải là lý do chính xác nhất cho việc suy giảm việc quan tâm, để ý tới người khác.
Cách lý giải thứ 2, có thể hiểu rằng trẻ tự kỷ vốn dĩ đã ít để ý tới người khác ngay từ đầu. Cách lý giải này xuất phát từ việc hầu hết trẻ em bẩm sinh đã thích thú với việc quan sát và tương tác với mọi người. Tuy nhiên có những đứa trẻ bản thân chúng không quan tâm tới việc đó. Với trẻ tự kỷ, bẩm sinh, việc quan tâm tới mọi người dường như còn ít hơn. Lưu ý rằng kết quả cuối cùng của lý thuyết này chỉ ra rằng trẻ tự kỷ thấy việc tương tác với đồ vật thường thú vị hơn là tương tác với người.
Tại sao đó là vấn đề?
Khi trẻ không quan tâm tới mọi người xung quanh, chúng đã mất những cơ hội học tập tuyệt vời. Trẻ cần quan tâm để ý tới mọi thứ mọi người làm – các vận động vật lý, ngôn ngữ cơ thể, biểu đạt nét mặt và ngôn ngữ – để học tập. Trẻ học về giao tiếp, cảm xúc, ngôn ngữ và các tương tác xã hội từ hàng loạt các hoạt động riêng biệt mà chúng được trải nghiệm qua quan sát, bắt chước và tương tác với mọi người. Nếu chúng không giành nhiều thời gian quan sát cha mẹ hay người khác – tức là chúng không có thời gian tập trung vào nét mặt, âm thanh và các hành động của mọi người – kéo theo việc học hỏi là rất chậm chạp, đặc biệt là về giao tiếp xã hội và chơi. Để tăng khả năng học hỏi, cần phải tăng cường sự chú ý của chúng. Tăng cường sự chú ý, nhấn mạnh vào các hành động, lời nói và cảm xúc là điều tối quan trọng trong việc học của trẻ. Nói ngắn gọn, càng để ý nhiều tới người khác tương đương với càng có nhiều cơ hội học hỏi từ họ.
Bạn có thể làm gì để tăng sự chú ý của trẻ với mọi người?
Có 5 bước cụ thể bạn có thể thực hiện để tăng sự chú ý của trẻ tới bạn:
- Bước 1: Xác định điều gì có thể gây chú ý với trẻ
- Bước 2: Chọn vị trí thích hợp cho bạn
- Bước 3: Loại bỏ những yếu tố làm trẻ xao lãng
- Bước 4: Xác định khoảng cách trẻ cảm thấy an toàn để giao tiếp
- Bước 5: Hòa nhập với trẻ bằng cách làm theo hướng dẫn của trẻ
Trong những trang tiếp theo, chúng tôi sẽ miêu tả cách tiến hành từng bước cụ thể, đưa ra cho bạn một số ý tưởng về các hoạt động bạn có thể thử, và gợi ý cho bạn cách giải quyết các vấn đề có thể gặp phải.
Bước 1. Xác định điều gì có thể gây chú ý với trẻ
Đa phần các trẻ mắc chứng rối loạn phổ tự kỉ đều có hứng thú với các đồ vật và đồ chơi, và thích mày mò tìm hiểu và chơi với chúng. Nếu điều này đúng với con bạn thì sẽ rất dễ dàng để bạn có thể tìm các yếu tố thú vị để có thể chơi với trẻ. Các trẻ ít tuổi thường có xu hướng muốn lấy được đồ vật, chơi với các đồ vật mà trẻ yêu thích, tạo ra các hiệu ứng thú vị từ các đồ vật, và muốn mọi người giúp đỡ với đồ vật mà trẻ thích. Phần lớn trẻ cũng thích các trò chơi vận động cơ thể với cha mẹ như vật nhau, tung trẻ lên cao, chuyển động theo âm nhạc, chạy, nhún, lắc lư… Bằng cách kết hợp các đồ vật có thể gây sự chú ý với trẻ và các đồ vật mà trẻ yêu thích (đó có thể là một món đồ chơi như đoàn tàu, nhân vật hoạt hình, hay một hoạt động trẻ thích như cù lét), bạn có thể tạo ra các tình huống dạy trẻ mà trẻ sẵn sàng tham gia và tương tác với bạn, do đó có thể học từ bạn. Ngoài ra, việc xây dựng những tương tác xã hội thông qua sự hứng thú của trẻ với các đồ vật nhất định cũng sẽ giúp bạn tăng kĩ năng xã hội cho trẻ. Những tương tác xã hội này gắn với các hoạt động trẻ yêu thích vì thế sẽ trở nên hấp dẫn với trẻ hơn.
Căn cứ để làm theo cách này: Các đồ vật/chất liệu và hoạt động vui chơi mang tính hấp dẫn cao tạo động lực để trẻ tương tác với bố mẹ. Một trẻ có động lực là một trẻ vui vẻ, chú ý tới cha mẹ và luôn sẵn sàng học hỏi. Động lực mạnh mẽ sẽ hỗ trợ trẻ học một cách chủ động – những trẻ chủ động học hỏi sẽ sáng tạo và tự giác – 2 yếu tố quan trọng cần phát huy ở những trẻ nhỏ bị tự kỉ. Một trẻ có động lực cũng sẽ muốn tiếp tục tham gia một hoạt động hơn, giúp cha mẹ có cơ hội để tạo ra nhiều cơ hội học tập trong các hoạt động đó. Hoạt động càng kéo dài thì càng có thêm nhiều cơ hội học tập. Đó là lí do bạn cần biết đồ vật và hoạt động nào mà con bạn thực sự thích thú để có thể tạo ra nhiều cơ hội học tập cho con.
Hoạt động dưới đây sẽ cho bạn các công cụ để xác định hoạt động và đồ vật/chất liệu con bạn yêu thích là gì. Các câu hỏi sẽ giúp bạn tập trung vào những yếu tố có thể gây chú ý ở con bạn.
Hoạt động: Tìm ra thứ mà trẻ thích?
Dành ra một vài ngày thực sự quan sát con bạn ở 6 loại hoạt động sau
- Chơi với đồ chơi/đồ vật
- Vui chơi xã hội
- Ăn uống
- Chăm sóc trẻ (tắm rửa, mặc quần áo, đi ngủ)
- Đọc sách
- Làm việc nhà
Dưới đây là một vài ý tưởng để tìm ra thứ mà trẻ thích và hướng sự chú ý tới:
- Với một trong sáu loại hoạt động trên, hãy chú ý tới những gì trẻ quan tâm và hướng sự chú ý tới. Ở mỗi hoạt động, hãy lên một danh sách những đồ vật, chất liệu, đồ chơi, hay trò chơi vận động mà trẻ hứng thú và muốn chơi. (Chúng tôi có liệt kê kèm trong cuốn sách này một danh sách mẫu để bạn tham khảo tại trang 89.) Nếu trẻ không tự động tìm kiếm các đồ vật hoặc trò chơi vận động, hãy đưa ra một số đồ và khuyến khích trẻ khám phá hoặc chơi và quan sát trẻ khi trẻ tham gia vào các hoạt động đã liệt kê ở trên.
- Tiếp theo, bạn hãy trả lời các câu hỏi dưới đây sau khi bạn quan sát con tham gia vào sáu loại hoạt động liệt kê ở trên. Đối với mỗi hoạt động thì:
- Đồ vật/hoạt động nào mà trẻ tìm kiếm?
- Đồ vật nào mà trẻ thích nhìn, với lấy, hay cầm nắm?
- Hoạt động nào mà trẻ tìm đến bố mẹ hoặc một thành viên nào đó trong gia đình để tìm sự giúp đỡ hoặc muốn chơi cùng?
- Điều gì khiến trẻ cười?
- Điều gì xoa dịu trẻ khi trẻ bực tức, cáu kỉnh?
- Nếu con bạn không có nhiều hứng thú với các đồ chơi thông thường, hãy tập trung và phản ứng của trẻ ở những hoạt động hàng ngày. Rất hiếm có trẻ nhỏ nào mà lại không có xu hướng tiếp cận thứ gì đó hoặc ai đó hoặc không phản ứng với các đồ vật. Thực sự là cũng có những trường hợp như vậy nhưng thường khá ít. Khi con bạn đi lại tự do, trẻ thường hướng tới hay tránh xa cái gì? Trẻ thường sờ hay cầm đồ gì, hoặc nhìn gì? Khi bạn chơi các trò vận động với trẻ như cù lét, vuốt ve, xiết chặt, xoay vòng… thì phản ứng của trẻ ra sao? Điều gì khiến trẻ có vẻ hứng thú?
- Đôi khi những đồ vật khiến trẻ hứng thú lại có vẻ không phù hợp với độ tuổi của trẻ, hoặc là những thứ được sử dụng theo một cách hạn chế, lặp lại.
Ví dụ như cậu bé 26 tháng tuổi Pablo chỉ thích chơi cả ngày với chiếc điều khiển TV. Bé bật TV và chuyển kênh liên tục khi đứng trước nó hay khi nằm trên ghế sô pha. Phần lớn thời gian thức giấc của Pablo là ở trước chiếc TV. Hễ ai tìm cách lấy chiếc điều khiển đi, hay tắt TV là có thể khiến Pablo gào khóc, nổi giận đùng đùng.
“Một trong những sai lầm của tôi là tôi cố gắng bày ra thật nhiều đồ chơi hấp dẫn và hy vọng con trai tôi có thể chơi những đồ chơi đó nếu tôi cố gắng thu hút sự chú ý của cậu bé. Nhưng rõ ràng là đơn giảng và hiệu quả hơn nhiều nếu tôi sử dụng chính những đồ vật mà con trai tôi hay chơi và sáng tạo ra những trò chơi xung quanh đồ vật đó. Chẳng hạn, tôi đã nghĩ ra trò chơi chọc lét các bộ phận trên cơ thể với một miếng giẻ lau – rõ ràng là khá hứng thú và hiệu quả với con trai tôi hơn là yêu cầu cậu bé chỉ vào từng bộ phận trên cơ thể. Một vài trò yêu thích nữa của con tôi là ôm chặt cậu bé rồi quay vòng tròn, nhảy lên xuống khỏi tấm nệm, và chạy ô tô vòng quanh. Tất cả những trò này đều đơn giản dựa theo những hoạt động sinh hoạt hàng ngày và giúp tôi tạo ra rất nhiều cơ hội học hỏi cho con.”
Bé Matthias 3 tuổi thì lại thích nằm trên thành ghế sô pha và ngắm nhìn mê mải bên ngoài cửa sổ hàng giờ liền không chán. Bé không hứng thú với đồ chơi, mọi người hay bất cứ hoạt động nào xảy ra trong nhà cho dù các đồ chơi, hoạt động đó có thú vị tới đâu.
- Cho dù mối quan tâm, sự thích thú của con bạn có bất thường đi chăng nữa thì đó cũng vẫn là mối quan tâm của con, và bạn hoàn toàn có thể đưa chúng vào danh sách của bạn. Có rất ít trẻ chẳng quan tâm đến thứ gì. Đối với những trẻ này, chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn cách để tạo ra các trò chơi xã hội (hay còn gọi là những trò chơi xã hội cảm giác) hoặc các hoạt động tiếp xúc trực tiếp, và sau đó sẽ là cách để tạo ra hứng thú cho trẻ với các đồ chơi. Các hoạt động này sẽ được miêu tả cụ thể trong Chương 5.
Tổng kết Bước 1:
Nếu bạn đã thực hiện theo các hướng dẫn ở trên, hẳn bạn đã biết được khá nhiều về những hứng thú của trẻ, những đồ vật/hoạt động có thể gây sự chú ý ở trẻ. Thử làm trắc nghiệm dưới đây để xem bạn có hiểu sâu sắc những gì về sự chú ý của con bạn – đây là những kiến thức quan trọng bạn cần có để tiến tới Bước 2. Nếu chưa đạt, hãy thử lại một lần nữa.
Danh sách rà soát các hoạt động: Trẻ thích làm gì?
____ Tôi biết một số đồ chơi/đồ vật mà con tôi thích chơi
____ Tôi biết một số trò chơi xã hội (các trò chơi không cần đồ chơi như cù lét hoặc cho trẻ bay lên…) có thể khiến con tôi cười vui
____ Tôi biết một số hoạt động ngoài trời mà con tôi thích (chơi xích đu, đi bộ…)
____ Tôi biết một số đồ vật và hoạt động có thể khiến con tôi vui hơn khi con đang trầm lại.
____ Tôi biết một số bài hát hoặc âm thanh mà con tôi muốn nghe
____ Tôi biết một số hoạt động hoặc đồ chơi mà tôi có thể dùng khi tôi cho con ăn hoặc chăm sóc con khiến con cười vui
____ Tôi biết con tôi muốn làm gì với những cuốn sách.
Pablo hiện giờ ra sao?
Như đã miêu tả ở trên, thú vui duy nhất của Pablo với các đồ vật là cầm chiếc điều khiển ti vi. Đầu tiên, mẹ Pablo cũng đưa ra khá nhiều các đồ chơi để xem bé có đổi chiếc điều khiển lấy một đồ chơi khác không, nhưng bé có vẻ chẳng thèm quan tâm tới các đồ vật khác. Sau đó, mẹ Pablo bắt đầu nghĩ về những hoạt động mà chị có thể làm để gây sự chú ý với cậu bé. Chị đã thấy Pablo thoáng mỉm cười khi bị chị cậu bé cù, thế là chị bắt đầu từ đó. Thật ngạc nhiên, Pablo cười như nắc nẻ khi bị mẹ cù. Lúc này, chị chẳng có gì lo lắng khi lấy chiếc điều khiển TV khỏi tay cậu bé. Chị giơ tay lên, xoay xoay ngón trỏ và nói “Cù lét nào”. Pablo không ngồi dịch ra, ngược lại, dựa hẳn vào người mẹ để chờ đợi được mẹ cù lét.
Khi Pablo đã hoàn toàn thư giãn với trò chơi, cậu bé dần buông tay khỏi chiếc điều khiển ti vi và mẹ cậu có thể dễ dàng lấy nó ra khỏi tay cậu bé trong khi vẫn tiếp tục cù lét cậu. Sau đó, mẹ cậu bé đặt chiếc điều khiển ra đằng sau, tránh tầm mắt của cậu bé và không làm cậu bé xao lãng khỏi trò chơi cậu đang hứng thú. Mẹ Pablo cũng tìm ra nhiều cách khác để chọc cậu bé buồn, như thổi vào cổ hay bụng bé. Mẹ dạy Pablo cách kéo áo lên trước khi mẹ cù vào bụng bé, và mẹ luôn cố gắng để ngay lập tức phản ứng khi bé làm như vậy. Khi Pablo đã mệt, mẹ sẽ đưa cho bé những đồ vật khác mà mẹ muốn cầm và chỉ cho bé cách chúng hoạt động, ví dụ như cách đập chiếc thìa gỗ lên bàn để phát ra tiếng kêu lách cách, hay cách nhấn các nút bấm trên chiếc điện thoại đồ chơi. Khi không còn nhìn thấy chiếc điều khiển ti vi trong tầm mắt nữa, Pablo đã cởi mở hơn với việc khám phá các thứ mới mẻ. Bé vẫn có xu hướng lặp lại cùng một hành động với các đồ vật khác nhau, nhưng giờ mẹ đã biết mẹ có thể tách bé ra khỏi chiếc điều khiển và giúp bé tham gia vào cách hoạt động phù hợp cho việc giúp bé học hỏi hơn.
Matthias thì sao?
Matthias là cậu bé hầu như không có chút hứng thú nào với các đồ vật. Lúc nào bé cũng chỉ thích nằm trên lưng ghế sofa và ngó ra ngoài cửa sổ. Bố bé không thể tìm ra cách nào để khiến bé thấy vui thích với đồ chơi, và sau mỗi lần cố gắng, Matthias lại quay trở lại nằm trên lưng chiếc ghế sofa. Vì vậy, Bố bé đã tìm cách khác để tương tác với bé. Khi Matthias đi về phía chiếc ghế, bố nhấc bé lên và thả bé xuống ghế. Bố lặp lại trò này vài lần – giúp Matthias trèo ra khỏi ghế, nhấc bổng bé lên và thả bé xuống ghế. Giờ thì Matthias đã bắt đầu hiểu trò chơi này, và sau mỗi lần rơi xuống ghế, bé lại đi về phía bố để được bố nhấc bổng lên và thả xuống lần nữa. Khi cố gắng tìm ra thứ gì đó mà Matthias thích thú, bố bé đã nhận ra rằng Matthias không chỉ thích cái ghế, mà còn thích những trò chơi trên chiếc ghế, và bé mỉm cười và muốn chơi thêm nữa với bố. Vì thế, bố đã thử nghiệm thêm một chút với các trò vận động khác.
Bố nhận ra rằng Matthias rất thích được bố nhấc bổng đặt lên vai và giả vờ làm máy bay bay khắp phòng, bé cũng thích được nhún nhảy trên quả bóng tập thể dục to của mẹ, thích bố lật úp bé xuống giường và đè lên bé một chiếc gối, thích được lau khô mình ngay sau khi tắm với một chiếc khăn tắm thật to…. và rất nhiều hoạt động khác. Trong khi chơi các hoạt động này, Matthias rất hay cười to, nhìn vào bố và muốn bố lặp lại trò chơi. Bố bé cũng phát hiện ra bố có thể mang các bạn thú nhồi bông vào các trò chơi vận động này như cho chú gấu bông lên giường để chơi cù lét hay úp lên người Matthias. Matthias sẽ cùng chơi với gấu bông – đây là lần đầu tiên bé tỏ ra thích chơi với thú bông. Matthias cũng thích nghe bố hát “Đầu, vai, đầu gối, ngón chân” khi bố lau khô các bộ phận cơ thể bằng chiếc khăn tắm mỗi khi bé tắm xong. Các nỗ lực và thử nghiệm của bố đã giúp bố tìm ra rất nhiều hoạt động mà Matthias thấy thích thú.
Bước 2. Chọn vị trí thích hợp cho bạn
Căn cứ:
Giao tiếp xã hội diễn ra đặc biệt thông qua mắt, gương mặt và cơ thể. Chúng ta muốn trẻ nhìn ta, tiếp xúc mắt với ta thường xuyên, nhìn rõ gương mặt của ta, các trạng thái biểu cảm của ta, nhìn rõ miệng ta khi ta nói. Nhìn chung, khiến trẻ ngồi xuống khi ta chơi với trẻ sẽ giúp chúng ta hiểu được trẻ tập trung tới cái gì. Việc ngồi xuống giúp trẻ tập trung, nhất là ngồi trên một chiếc ghế sẽ giúp trẻ khỏi di chuyển lung tung trong quá trình tương tác. Bạn cần ngồi trước mặt trẻ để cùng đọc sách hay chơi đồ chơi hơn là việc bạn cho trẻ ngồi trong lòng bạn, như vậy bạn sẽ hạn chế cơ hội tương tác mặt đối mặt và giao tiếp xã hội. Một khi bạn đã quen với việc đọc sách và chơi ở trước mặt trẻ, nó sẽ trở thành thói quen khi chơi và chăm trẻ. Nếu bạn dùng một chiếc ghế hạt xốp hay bất cứ chiếc ghế nào có tay có thể giúp cho ngồi vững thì trẻ sẽ dễ dàng tập trung vào các hoạt động tương tác tốt hơn.
Hoạt động: Tìm ra vị trí, tư thế phù hợp
Khi bạn chơi hay chăm sóc trẻ, hãy bắt đầu với việc đặt mình vào một vị trí và tư thế mà trẻ có thể dễ dàng nhìn thấy gương mặt và mắt bạn. Cố gắng ngồi gần, và ngang bằng trẻ càng nhiều càng tốt, mặt đối mặt với trẻ trong suốt quá trình chơi hay chăm sóc trẻ. Vị trí của bạn trong những hoạt động đó rất quan trọng trong việc giúp trẻ tập trung.
Dưới đây là một số gợi ý về các vị trí cho bạn và trẻ để giúp việc học hỏi của trẻ diễn ra thuận tiện hơn:
- Các vị trí khi trẻ tự nằm ngửa trên một mặt phẳng và bạn có thể ngồi và cúi về phía trẻ là lựa chọn hoàn hảo cho các trò chơi xã hội, hát hò, các trò chơi với bàn tay/ngón tay…
- Lúc thay tã: là khoảng thời gian tuyệt vời với tư thế mặt đối mặt và bạn có thể trò chuyện, hát cho bé nghe…
- Bạn ngồi trên sàn, chân duỗi ra phía trước mặt, trẻ ngồi trên hoặc giữa hai chân bạn, mặt nhìn vào bạn là tư thế tốt để chơi các trò cù lét, ú òa….
- Các trò chơi vận động ở trên giường hay ghế sofa giúp bạn và trẻ có được tư thế mặt đối mặt tốt cả khi trẻ nằm hay đứng. Đặt trẻ trên lòng bạn, hướng mặt vào bạn, hoặc trên một chiếc ghế nhỏ, ghế hạt xốp, ghế sofa… khi bạn ngồi trên sàn trước mặt trẻ. Đây là các vị trí hoàn hảo cho các trò hát hò, chơi đồ chơi, các trò chơi với bàn tay/ngón tay, đọc sách, cũng như khi thay quần áo. Việc giữ tư thế mặt đối mặt sẽ dễ dàng hơn khi bạn có thêm một số sự hỗ trợ như một chiếc ghế hạt xốp hay một chiếc gối, một chiếc ghế tựa hay đầu gối của bạn để trẻ có thể tựa vào hoặc ngồi lên, một chiếc bàn hay ghế nhỏ để ngồi hoặc đứng khi chơi…
- Các trò chơi xã hội và đọc sách có thể diễn ra ở tư thế mặt đối mặt, bạn đặt quyển sách trước mặt trẻ, ngón tay bạn chỉ vào các bức tranh, mắt và mặt bạn ở đằng trước và rất gần với mặt trẻ, luôn sẵn sàng để giao tiếp mắt, thể hiện các biểu cảm trên gương mặt, cường điệu hóa các âm thanh…. Khi đặt bé ngồi, hãy chắc chắn rằng lưng và chân bé được nâng đỡ để bé cảm thấy thoải mái và có thể tham gia nhiệt tình với bạn. Hãy nghĩ về các góc phù hợp. Chẳng hạn, khi đặt bé vào một chiếc ghế phù hợp thì hông bé, đầu gối, mắt cá chân nên được đặt ở một góc 90°. Chân bé không nên đung đưa, lơ lửng giữa không trung. Đối với các bé từ 2 tuổi trở đi, một chiếc ghế bậc giống kiểu bậc cầu thang là có chiều cao lý tưởng, và khi bạn đặt tựa ghế vào tường, trẻ sẽ được nâng đỡ cả lưng. Trẻ lớn hơn (và cả người lớn) thì sẽ thoải mái hơn khi được ngồi trong một chiếc ghế vừa vặn. Những chiếc ghế hạt xốp cũng là một lựa chọn tốt và là một vật nên có trong mỗi gia đình. Chúng giúp trẻ ngồi trước mặt bạn và nâng đỡ trẻ tốt. Nhiều trẻ cũng thích được nằm lún trong đó, và bạn có thể tha hồ chơi các trò chơi giao tiếp xã hội với trẻ trong tư thế đó.
- Nhiều trẻ lại không thích ngồi một chỗ lâu. Khi đó, các tư thế đứng mặt đối mặt sẽ là một lựa chọn tốt, và một chiếc bàn nhỏ uống cafe hay một chiếc bàn học của trẻ sẽ giúp bạn thật nhiều. Nhiều trẻ thích đứng ở bàn và chơi với các đồ chơi, khi đó, bạn có thể dễ dàng sang phía bàn đối diện, mặt đối mặt và chơi với trẻ. Một chiếc bàn nặng, khó di chuyển, khó bị trượt khi trẻ tựa vào là cần thiết, và nó phải đủ thấp để trẻ có thể dựa vào ở đúng phần eo của trẻ và để tay trẻ có thể tự do cầm nắm với các đồ vật ở trên bàn. Bạn có thể ngồi đối diện với trẻ, hoặc ngồi ở một góc bàn để có thể nhìn thẳng vào trẻ, tránh ngồi cùng phía với trẻ, sẽ khiến trẻ khó có thể nhìn thấy mặt bạn.
Hoạt động: Tận dụng giờ ăn
Các giờ ăn khi trẻ ngồi trên một chiếc ghế cố định là cơ hội tốt cho các giao tiếp trực tiếp mặt đối mặt. Thực sự thì việc cho trẻ tự ăn trong khi bố mẹ nấu nướng là một việc mà nhiều người đều muốn làm. Tuy nhiên, đối với những trẻ tự kỉ, mỗi bữa ăn dù chính hay nhẹ được ngồi cùng bàn với bố mẹ sẽ là những cơ hội tuyệt vời để tích lũy khả năng chú ý và giao tiếp xã hội.
Dưới đây là một vài gợi ý giúp bạn tăng khả năng chú ý của bé trong giờ ăn:
- Thay vì cho trẻ ăn bốc đồ ăn trong khay/đĩa của trẻ, hãy kê ghế của trẻ cao ngang tầm bàn ăn và đặt ghế của bạn đối diện với ghế của trẻ để bạn có thể dễ dàng nhìn thấy mặt trẻ và ăn cùng với trẻ. Hãy đặt thức ăn của trẻ trên bàn, cho trẻ một chút thức ăn vào đĩa của trẻ và một ít vào đĩa của bạn. Hãy trò chuyện với con về các loại thức ăn một cách vui vẻ.
- Khi trẻ ăn xong phần thức ăn, hãy cho trẻ thêm, nhưng đừng cho trẻ ngay mà hãy đợi tới khi trẻ ra hiệu cho bạn rằng trẻ muốn ăn thêm. Những dấu hiệu đó có thể là một cái nhìn nhanh về phía bạn, một cái rướn người về phía thức ăn, một cái chỉ tay, một âm thanh hay từ nào đó – nhưng hãy nhớ phải đợi tới lúc trẻ làm một cái gì đó, và coi đó là một nỗ lực của trẻ để giao tiếp với bạn. Ngay khi bạn thấy những dấu hiệu đó, hãy cho trẻ thêm thức ăn ngay trong khi nói “Con muốn ăn thêm à? Tất nhiên rồi.”
- Đút cho trẻ ăn một miếng và khuyến khích trẻ đút cho bạn ăn một miếng bằng cách nhoài người về phía trẻ và há mồm ra.
- Hãy đặt cốc của trẻ ở trên bàn, ra khỏi tầm với nhưng vẫn trong tầm nhìn của trẻ, và hỏi trẻ có muốn uống nước không trước khi đưa cho trẻ. Hãy chỉ cho một ít nước vào trong cốc để trẻ uống nhanh hết và sẽ muốn thêm, hãy đợi trẻ ra hiệu cho bạn là trẻ muốn uống thêm nước trước khi cho trẻ thêm.
- Khi bữa ăn kết thúc, hãy hát một bài hát ngăn ngắn, múa tay minh họa. Hãy giúp trẻ thực hiện các động tác múa minh họa cho bài hát thông qua cử động của bàn tay. Đây là các rất tốt để xây dựng ngôn ngữ. Việc ngồi đối diện như vậy trong khi ăn là một tư thế rất tốt cho việc tích lũy sự chú ý xã hội, và việc cho trẻ ăn như vậy là một cách dạy cho trẻ cách gây sự chú ý với người khác.
Tổng kết Bước 2
Nếu bạn đã thực hiện và tuân theo các hoạt động đã đề cập một cách nghiêm túc, bạn sẽ thấy có rất nhiều cách để có thể giúp can thiệp cho khả năng chú ý của con bạn. Hãy làm trắc nghiệm xem bạn có đồng ý với đa số các tình huống trong danh sách dưới đây không. Nếu có, bạn đã có một số kĩ năng để có thể giúp con bạn nâng cao khả năng tập trung chú ý. Bạn sẽ dùng kiến thức này cho Bước 3. Nếu bạn vẫn chưa chinh phục được những kĩ năng này, hãy bắt đầu lại với từng hoạt động một cách từ từ cho tới khi bạn tìm cách đạt được chúng.
Danh sách kiểm tra: Tôi đã thực hiện đúng các hoạt động với con tôi chưa?
____ Khi chúng tôi tương tác, con tôi có thể dễ dàng nhìn thấy mắt tôi, mặt tôi, các chuyển động của cơ thể tôi
____ Con tôi thỉnh thoảng có nhìn tôi khi chúng tôi tham gia các hoạt động cùng nhau
____ Tôi ngồi trước mặt con tôi, ngang tầm với con, mặt đối mặt
____ Tôi đã tìm ra cách để sắp xếp lại các đồi vật để chúng tôi có thể đối diện nhau trong khi tôi chơi cùng và chăm sóc cho con tôi
____ Con tôi ngồi hoặc đứng trước mặt tôi một cách thoải mái – trên sàn, trong một chiếc ghế vừa vặn, hay đứng bên một chiếc bàn có chiều cao lý tưởng để con chơi
Pablo ra sao?
Sau khi hoàn thành danh sách kiểm tra cho bước 2, mẹ Pablo nhận ra rằng chị đã mất khá nhiều công sức theo sau Pablo, thay vì tạo ra các vùng giao tiếp xã hội đúng cách để con chơi và học hỏi.
Một trong các thói quen của chị là đưa cho Pablo các đồ vật khi con rời khỏi mẹ hoặc không nhìn vào mẹ. Chị quyết định phải tiến một bước quan trọng để giúp Pablo học hỏi bằng cách sắp xếp lại khu vực chơi của con để phù hợp hơn với khả năng tập trung chú ý của Pablo. Chị kéo chiếc bàn café gần về phía chiếc ghế sofa để Pablo có thể đứng chơi ở bàn và cơ thể con sẽ được nâng đỡ bởi chiếc ghế. Pablo cũng thích gối, vì thế chị mang vài cái gối từ phòng ngủ ra và đặt chúng dựa vào tường để tạo ra một khu vực êm ái thay vì mua thêm một chiếc ghế hạt xốp. Cuối cùng, chị nghĩ về các thời điểm trong ngày mà chị có thể dễ dàng giúp bé tập trung sự chú ý.
Bữa tối khá khó cho chị có thể ngồi yên một chỗ vì những đứa con khác luôn cần mẹ giúp đỡ. Tuy nhiên, các bữa ăn nhẹ vào ban ngày khi chỉ có chị và Pablo thì lại dễ dàng hơn. Chị quyết định đặt Pablo ngồi đối diện khi chị uống café sáng để tương tác với con. Chị cũng nhận ra rằng khi Pablo mệt, con sẽ muốn được bế. Chị quyết định bế con ở tư thế mặt con nhìn vào mặt mẹ thay vì ngược lại và tối đa hóa thời gian đối diện này bằng cách hát cho con nghe các bài hát mà con thích.
Matthias thì sao?
Sau khi hoàn thành danh sách kiểm tra Bước 2, Bố Matthias đã nghĩ về nhiều cách để có thể giúp bé chú ý hơn. Vì Matthias rất thích nằm trên ghế sofa, Bố có thể nhoài người về phía bé và đối diện bé dễ dàng khi bố bắt đầu và tiếp tục các trò chơi. Bố tạo ra các trò chơi khác có thể chơi trên ghế sofa và yêu cầu Matthias phải ngồi thẳng dậy, như là trò nhún trên ghế, phóng tên lửa – bố bế bé thẳng và phi thẳng lên trên như phóng tên lửa, và ngã về phía trước rồi rơi vào vòng tay của bố. Khi Matthias thích thú với các trò này, khả năng chịu ngồi của con được cải thiện rõ rệt, và Bố bắt đầu đọc sách cho bé, khuyến khích bé nhìn vào sách cùng bố khi ngồi trên ghế sofa. Bố cũng cố gắng để tạo ra những hiệu ứng âm thanh vui nhộn và cường điệu các động tác để khiến Matthias thấy vui. Bố cũng mua một chiếc bàn và ghế trẻ em để ở phòng khách gia đình, và dần dần đặt thêm vào vài quyển sách, vài đồ chơi bố nghĩ Matthias sẽ thích ở đó. Hai bố con dần chuyển từ chơi trên sofa sang chơi tại bàn và ghế mới này. Qua vài tuần, bố đã có thể tăng thời gian tương tác với Matthias ở chiếc bàn này. Ngoài ra, bất cứ khi nào Matthias cần bố giúp đỡ với một đồ vật nào đó (lấy cái gì đó ra khỏi hộp, mở một gói bánh…), bố cũng đưa Matthias vào phòng khách hoặc bàn ăn và đặt bé ngồi đối diện với mình trước khi giúp bé. Matthias bắt đầu biết về các vị trí khác trong ngôi nhà ngoài chiếc ghế sofa, nơi nhiều điều thú vị có thể xảy ra.
Bước 3. Loại bỏ những yếu tố làm con xao nhãng
Căn cứ: Nhiều yếu tố từ môi trường xung quanh sẽ gây ra sự xao lãng đáng kể từ phía con bạn. Việc quan sát con sẽ giúp bạn nhận biết những yếu tố nào là vật cản đối với sự tập trung chú ý của con bạn. Các trò chơi điện tử, máy tính, đồ chơi cơ khí, các vật thể chuyển động sẽ là những yếu tố gây ảnh hưởng mạnh mẽ tới nỗ lực gây được sự chú ý từ phía trẻ của bạn. Vì vậy, bạn cần phải kiểm soát chúng để bạn dễ dàng hơn trong việc thu hút sự chú ý của con bạn.
Hoạt động: Để ý tới các yếu tố gây xao lãng và kiểm soát chúng
Khi bạn chơi hoặc chăm sóc con trực diện, hãy quan sát sự chú ý của con bạn và xác định những vật thể, yếu tố từ môi trường bên ngoài có thể khiến con xao lãng. Một khi bạn đã tìm ra bất cứ thứ gì, hãy hành động ngay để hạn chế chúng tới mức tối đa. Dưới đây là một vài gợi ý để kiểm soát các yếu tố gây xao lãng:
- Trong khi chơi với đồ chơi, hãy cất đi tất cả những đồ chơi không liên quan vào các ngăn tủ có cửa, hay hộp đồ chơi hay trên giá được che kín… để chúng không làm ảnh hưởng tới sự chú ý của con bạn. Tắt ti vi đi vì đó là một “nam châm” thu hút sự chú ý mạnh mẽ đối với trẻ nhỏ bị tự kỉ. Trong khi chơi, hãy tắt tất cả màn hình tivi, máy tính.
- Trong khi chơi đùa, nếu môi trường xung quanh quá ồn ào hoặc làm xao lãng trẻ, hãy chuyển sang một căn phòng khác. Một chiếc giường to là một chốn tuyệt vời để chơi đùa với trẻ.
- Trong giờ tắm, hãy cho trẻ tắm riêng để bạn có thể giao lưu với con nhiều hơn.
- Trong giờ ăn, nếu cùng lúc có nhiều trẻ cùng ăn, hãy kết hợp việc cho trẻ tự kỉ ăn với việc trò chuyện với các trẻ và người lớn khác ngồi cùng bàn. Hãy nhớ rằng bạn không cần thiết phải ngồi ăn một mình với một trẻ tự kỉ. Ngược lại, việc ngồi cùng bàn ăn với cả gia đình là một trải nghiệm vô cùng quan trọng với trẻ, miễn là trẻ cũng hào hứng tham gia với cả nhà.
Những người khác thì sao?
Khi đứa con tự kỉ của bạn bắt đầu học cách tương tác và chú ý tới người khác, việc cùng lúc có thêm vài người khác cùng tương tác với con cùng với bạn có thể là một yếu tố gây xao lãng. Tất nhiên việc có nhiều thành viên khác trong gia đình cùng muốn chơi là rất tốt, nhưng việc tập trung chú ý cho con bạn còn quan trọng hơn. Những trẻ không bị tự kỉ rất thành thục trong việc tương tác cùng lúc với nhiều hoạt động, nhiều người, nhưng những trẻ tự kỉ lại gặp khó khăn trong việc đó, ngay cả khi chỉ tương tác với một người. Vì vậy, khi mới bắt đầu, bạn hãy giữ sự chú ý của trẻ tự kỉ với một người. Khi đã có được sự chú ý từ trẻ, bạn mới có thể dạy trẻ học hỏi. Vì vậy, hãy khuyến khích những người khác tương tác với trẻ một cách lần lượt và không làm ảnh hưởng tới sự chú ý của trẻ và việc trẻ tương tác với những người khác. Dần dần, khi khả năng tập trung chú ý của con bạn với những người khác đã được cải thiện đáng kể, bạn hãy thử kiểm tra xem con có thể chuyển sự chú ý từ người này sang người khác và tương tác với cả hai cùng lúc được không. Đây cũng là một kĩ năng vô cùng quan trọng, là cách mà cả gia đình cùng tương tác với trẻ.
Tuy nhiên, bây giờ hãy thử một vài gợi ý để kiểm soát việc tương tác với trẻ theo nhóm:
- Hãy giúp các thành viên trong gia đình hiểu được rằng ban đầu trẻ tự kỉ cần phải có sự tập trung vào một người nhất định thì mới có thể có thêm nhiều cơ hội học hỏi.
- Hãy yêu cầu các thành viên chờ đến lượt thay vì làm gián đoạn việc tương tác của trẻ tự kỉ với một thành viên khác. (Đây cũng là một thái độ lịch sự, giống như việc phải chờ đến lượt, hoặc khi được mời thì mới tham gia thay vì cắt ngang câu chuyện của hai người khác).
- Bạn cũng nên cho các trẻ khác biết về việc này nếu những trẻ này đủ lớn để hiểu việc không được cắt ngang người khác.
- Bản thân bạn cũng không được gây ảnh hưởng khi một người khác đang tương tác với trẻ. Hãy luôn ghi nhớ điều này vì chúng ta hay có xu hướng can thiệp khi người khác đang làm điều gì đó không đúng với cách bạn làm và bạn sẽ tìm cách “chỉ cho họ thấy nên làm thế nào”. Khi đó, bạn đã làm mất hứng những người khác. Hãy để các thành viên khác tự tìm ra cách mà họ thấy tốt nhất để tương tác với con bạn, nếu không tìm ra, chắc chắn họ sẽ hỏi bạn.
Tóm tắt bước 3
Nếu bạn đã tuân thủ và thực hiện chặt chẽ các hoạt động trên, bạn sẽ tìm ra nhiều cách để loại bỏ các yếu tố gây xao lãng và sẽ tăng khả năng chú ý của trẻ tới bạn và các hoạt động của bạn. Thử làm trắc nghiệm dưới đây để xem bạn có đồng ý hết với những tình huống trong danh sách kiểm tra dưới đây không. Nếu có, bạn đã được trang bị một số kĩ năng quan trọng để hỗ trợ và giúp tăng khả năng chú ý của con tới bạn – kiến thức bạn sẽ dùng Bước 4. Nếu chưa đạt, hãy thử lại một lần nữa cho tới khi bạn tìm ra phương pháp phù hợp.
Danh sách kiểm tra: Tôi có tìm ra và giảm thiểu các yếu tố gây xao lãng với con tôi không?
____ Trong khi chơi và chăm sóc con tôi, con thường xuyên chú ý tới tôi và các hoạt động chúng tôi làm cùng nhau
____ Tôi đã nhận ra những yếu tố làm con tôi xao lãng và tôi đã tìm ra cách để giảm thiểu chúng
____ Tôi đã cùng con di chuyển sang một địa điểm khác để tránh các yếu tố gây xao lãng
____ Khi tôi tương tác với con tôi (chơi hoặc chăm sóc con), tivi và máy tính đều được tắt hết
____ Khi những người khác muốn tham gia, tôi giúp họ hiểu là họ cần chờ đợi đến lượt, thay vì xen vào giữa và làm xao lãng sự chú ý của con tôi
Pablo thì sao?
Đối với bố mẹ Pablo, chiếc điều khiển và chiếc tivi chính là các đồ vật gây xao lãng. Họ đã cố gắng rất nhiều để bé thích chơi đồ chơi hay tham gia các hoạt động, nhưng sự chú ý của bé với chiếc tivi đã ngăn họ làm điều đó. Tuy nhiên, họ nhận ra rằng trong khi tắm, bé rất thích nghịch các đồ chơi phòng tắm, phun nước từ chúng. Bé cũng thích bố mẹ vớt những bong bóng xà phòng thả lên tay, lên bụng bé. Vì thế, họ mua thêm một vài món đồ chơi tắm có lên dây cót và bơi được. Cậu bé rất thích thú và đưa ngay bố mẹ lên dây cót lại mỗi khi chúng hết cót, không bơi được nữa. Bố mẹ cũng thổi bong bóng về phía bé khiến bé vô cùng thích thú, cười rạng rỡ và hướng về phía bố mẹ để được thổi thêm nhiều bong bóng nữa.
Bố mẹ cũng nhận ra Pablo rất thích được lau khô bằng khăn tắm, và họ chơi trò “quấn em bé” bằng chiếc khăn tắm, chơi ú òa, và cả lau khô các đồ chơi phòng tắm. Mẹ bé xoay bé về phía chiếc gương, và khi bé nhìn vào gương, mẹ bé đặt mặt mẹ cạnh mặt bé và làm các gương mặt và tiếng kêu biểu cảm ở trong gương. Bé rất thích trò này, vỗ nhẹ nhẹ vào gương và vào mặt mẹ.
Tất cả những quan sát này khiến bố mẹ Pablo nhận ra rằng hóa ra bé cũng rất thích chơi các trò với đồ chơi và những người xung quanh, và vì thế họ quyết định sẽ kiểm soát chặt chẽ chiếc tivi và chiếc điều khiển. Họ tắt tivi trong khi ăn, tắm và cả vào đầu buổi sáng. Họ cũng thay quần áo cho bé ở trong phòng thay vì trước tivi như trước kia, họ cũng tranh thủ lúc này để chơi với Pablo ở trên giường. Ngoài ra, bố sẽ ngồi với bé khi ăn sáng, mẹ sẽ ngồi cùng bé vào bữa tối. Họ rất gắt gao với việc cho bé ăn và uống, mỗi lần chỉ cho bé một chút để khi ăn hoặc uống hết, bé sẽ biết xin thêm thường xuyên hơn. Họ cũng giúp bé tham gia nhiều hơn trong bữa ăn – nào là nhờ bé đưa giúp các thứ, hay bảo bé đút cho bố mẹ ăn đồ ăn của bé, rồi bảo bé lau bàn ăn riêng của bé khi xong bữa.
Việc tắt tivi đi khi thực hiện các hoạt động này đã giảm được thời gian Pablo tập trung vào tivi và tăng sự chú ý của bé với bố mẹ. Tuy nhiên, Pablo vẫn xem tivi khá nhiều. Cuối cùng, sau một vài tuần, bố mẹ bé quyết định tiến thêm một bước dài. Một tối, sau khi bé đã ngủ, họ cất chiếc điều khiển tivi vào ngăn tủ trên cao. Họ kiểm soát tivi nhiều hơn nữa, mỗi ngày chỉ bật 1 tiếng vào buổi sáng, 1 tiếng trước khi ăn tối và 1 tiếng trước khi Pablo đi tắm. Họ dùng đồng hồ hẹn giờ để việc kiểm soát này được thực hiện một cách nghiêm túc nhất.
Buổi sáng ngày đầu tiên, Pablo mải miết đi tìm chiếc điều khiển. Cậu bé rất tức giận vì không thể tìm được nó. Mẹ bé bật tivi lên sau khi bé ăn sáng xong trong 1 tiếng, trong khi đó, mẹ chuẩn bị thay quần áo, sẵn sàng cho một ngày mới. Khi tiếng chuông hẹn giờ vang lên, mẹ đã sẵn sàng để tắt tivi đi, mặc áo khoác và cho Pablo vào xe đẩy để 2 mẹ con đi dạo trong công viên. Pablo khóc khi tivi tắt, nhưng ngay lập tức cậu bé quên ngay khi tới công viên với trò xích đu mà bé vẫn thích.
Khi họ về đến nhà, mẹ thay quần áo cho bé ở trên giường, rồi đặt bé ngồi vào ghế ăn của bé để ăn nhẹ, còn mẹ ngồi cạnh để uống một tách cafe. Mẹ đặt vài món đồ chơi lên bàn trong khi bé ăn – một cuốn sách, một hộp xếp hình – và mẹ có thể duy trì sự chú ý của bé khá lâu, lâu hơn cả mẹ nghĩ. Pablo lại bắt đầu xớn xác đòi bật tivi, nhưng mẹ lờ đi. Ăn nhẹ xong, mẹ cho Pablo vào phòng chơi mấy trò tung bé lên, cù lét bé…. ở trên giường, rồi chơi với vài món đồ chơi bé thích.
Cứ thế, mẹ hình thành nếp sinh hoạt này và chỉ sau một vài ngày, Pablo đã thôi không đi tìm chiếc điều khiển và bắt đầu bộc lộ sự thích thú với việc được chơi với bố mẹ – với đồ chơi, ở bàn, trong khi tắm…
Bố và mẹ đã rất nỗ lực để tìm ra cách loại bỏ tivi và chiếc điều khiển ra khỏi nếp sinh hoạt của Pablo hàng ngày. Mặc dù trong một vài ngày đầu, họ phải chịu đựng cảnh cáu kỉnh, khóc lóc của bé, nhưng với việc thay thế bằng các hoạt động khác mà bé thích, cũng như đưa bé ra khỏi phòng khách nơi có chiếc tivi, dần dần họ đã vượt qua được phần khó khăn nhất. Và mỗi ngày, Pablo lại thích nghi thêm với nếp sinh hoạt mới mà bố mẹ lập ra.
Con trai của tôi chưa bao giờ hứng thú xem tivi, tuy nhiên khi cậu bé lên ba tuổi, tôi chợt nhận ra tivi cũng có những lợi ích nhất định. Tôi có một cuốn sách tranh khá lớn có nhiều các đồ vật, và người với những biểu cảm gương mặt khác nhau, và tôi thường dạy con trai trò chỉ tranh trong cuốn sách đó. Và tôi đã sử dụng tivi, lựa chọn kỹ càng các chương trình và trò chuyện với con về các cảm xúc của nhân vật trên tivi với những lời bình luận như “Cô ấy có đang vui không?”, “Nhân vật nào đang buồn?” rồi tiếp “Tại sao cô ấy lại buồn?”. Và rồi chúng tôi đã hứng thú cùng nhau xem và bình luận về một chương trình yêu thích trên tivi.
Bước 4. Xác định vùng an toàn của con bạn về mặt giao tiếp xã hội
Căn cứ
Tất cả mọi người, kể cả trẻ em, đều có những phản ứng khác nhau đối với sự gần gũi cơ thể với những người khác. Một số người cần có một khoảng cách xã hội lớn hơn so với những người khác. Những người khác lại thích gần gũi với mọi người. Để thu hút sự chú ý của con bạn với khuôn mặt và cơ thể bạn, điều quan trọng là bạn phải xác định được mức độ thoải mái của con bạn với sự gần gũi cơ thể.
Hoạt động: Tìm hiểu những tín hiệu của con bạn về mức độ gần gũi mà con thấy thoải mái
Bạn sẽ phải tiến hành một thử nghiệm nhỏ ở đây: tìm hiểu xem ở chỗ nào thì con bạn cảm thấy thoải mái nhất khi nhìn và ở bên cạnh bạn. Đó chính là vùng giao tiếp an toàn của con. Bất cứ chỗ nào con bạn có vẻ thoải mái khi nhìn bạn thì đó chính là khoảng cách phù hợp nhất để giao tiếp của con. Có thể là sau một thời gian, khi bạn và con bạn đã phát triển được một số thói quen giao tiếp quen thuộc và con cảm thấy thích thể, thì khi đó con sẽ cảm thấy thoải mái khi bạn gần gũi với con hơn.
Nhưng thực tế việc gần hay xa về tiếp xúc cơ thể cũng không quá quan trọng, điều quan trọng là nâng cao sự chú ý của con đối với bạn và khoảng cách giữa bạn và con đủ gần để bạn vẫn có thể chạm vào những đồ vật, vật liệu học tập và con bạn. Dưới đây là một vài gợi ý để nhận biết và phản ứng với những tín hiệu từ con bạn về khoảng cách thoải mái của con:
- Trong các hoạt động trực diện mà bạn thực hiện ở Bước 2, hãy chú ý tới khoảng cách giữa bạn và con bạn, và cách con phản ứng khi bạn ở gần con. Thường thì đa số cha mẹ chơi với trẻ nhỏ ở khoảng cách một cánh tay giữa bố mẹ và mặt trẻ để có thể chạm tay vào mặt trẻ. Đa số các bé tự kỉ có thể chịu được mức độ gần gũi này một cách khá thoải mái, nhưng cũng có thể con bạn sẽ cần một ít thời gian để có thể làm quen với một khoảng cách gần hơn nếu như có gì đó khác với bình thường bạn vẫn tương tác với con.
- Nếu con bạn quay đầu lại và không nhìn bạn nữa, hãy lùi lại và quan sát xem con phản ứng ra sao. Việc lùi lại này có vẻ đi ngược lại bản năng của đa số chúng ta vì chúng ta thường có xu hướng lại gần hơn nữa để chạm vào mặt trẻ hoặc làm gì đó để gây chú ý ở trẻ. Tuy nhiên, nhiều trẻ cần có một khoảng cách xa hơn các trẻ khác để có thể thoải mái tương tác một cách trực diện. Nếu bạn thấy con bạn nhìn đi chỗ khác khi bạn lại gần, hãy lùi lại vị trí khi mà bạn đứng ở đó trẻ không nhìn đi chỗ khác.
- Hãy xem bạn có thể nối lại việc tương tác hay không. Nếu không, hãy lùi lại một khoảng nữa và thử lại. Nhiều trẻ khó hơn các trẻ khác và có thể thay đổi phản ứng rất nhanh trong một hoạt động nào đó. Chúng có thể rất thích bạn ở gần bên lúc trước, nhưng đột nhiên sẽ thay đổi theo chiều hướng khác cho dù các hoạt động và sự tham gia của bạn vẫn vậy. Nếu tâm trạng của con bạn thay đổi rất nhanh từ vui vẻ sang cáu giận, hoặc ngược lại, hoặc trẻ cần một khoảng thời gian lâu hơn để “hâm nóng” trước một hoạt động nào đó, bạn hãy để mặc trẻ một lúc, thay vào đó, hãy nghĩ về những hành động mà trẻ có thể thấy hứng thú hơn với hoạt động và chỉ cho trẻ từ một khoảng cách xa hơn.
Tổng kết Bước 4
Nếu bạn đã thực hiện các hoạt động gợi ý ở trên một cách nghiêm túc, bạn hẳn sẽ tìm ra vùng giao tiếp an toàn của con bạn ở nhiều hoạt động khác nhau, và bạn sẽ dùng chúng để giúp con bạn tham gia vào các hoạt động cùng với bạn. Kiểm tra xem bạn có đồng ý với đa số các câu trong danh sách kiểm tra dưới đây không. Nếu có, giờ bạn đã có những kĩ năng quan trọng để điều chỉnh vị trí của bạn để tối đa hóa sự thoải mái của con bạn cũng như sự chú ý của con như sẽ được trình bày trong Bước 5. Nếu không, hãy quay lại từ đầu bước này và thử lại. Bạn cũng có thể tìm kiếm lời khuyên từ một người khác hiểu rõ con bạn.
Danh sách kiểm tra: Tôi có ở trong Vùng giao tiếp an toàn tối đa của con tôi không?
____ Con tôi không quay mặt đi khỏi tôi hoặc không lùi lại sau.
____ Con tôi thỉnh thoảng có nhìn lên tôi và các hành động của tôi
____ Tôi ngồi trước mặt con tôi và ở đủ gần để có thể chạm vào con và các đồ vật ở giữa chúng tôi
____ Con tôi có vẻ thoải mái – con chơi với các đồ vật, thỉnh thoảng cười hoặc tập trung chơi, bình tĩnh, có vẻ thích thú
Matthias thì sao?
Khi lần đầu tiên chúng tôi gặp Matthias, thú vui duy nhất của bé là nằm trên ghế sofa để nhìn ra ngoài cửa sổ. Bố bé đã phát triển nhiều trò chơi thể chất tích cực để tương tác với Matthias, nhưng bố đã phải nỗ lực rất nhiều để có thể giữ cho việc tương tác được kéo dài. Matthias đã cười khi được ném rơi xuống ghế sofa hoặc được làm máy bay bay quanh phòng, nhưng không phải lúc nào bé cũng chủ động đòi bố tiếp tục trò chơi. Bố nhận thấy là có những lúc bé chơi cũng được không chơi cũng chẳng sao. Vậy làm cách nào để bố có thể tạo ra nhiều hứng thú hơn ở Matthia? Để tìm ra bước tiếp theo này, bố bắt đầu thử nghiệm với khoảng cách giao tiếp an toàn để xem có sự thay đổi nào dù ít hay nhiều trong vị trí tiếp xúc của bố có thể ảnh hưởng tới Matthias hay không. Bố bắt đầu bằng việc quan sát những khác biệt ở cách Matthias phản ứng khi bố ghé sát mặt hoặc lùi xa Matthias khi bố ném bé xuống ghế hoặc cho bé làm máy bay bay quanh phòng. Khi bố ghé sát mặt, thỉnh thoảng Matthias lại đẩy mặt bố đi, nhưng khi bố đặt Matthias xuống và lùi lại sau thì Matthias lại tiến về phía bố và nhìn bố.
Sự chú ý của Matthias với bố khá rõ ràng khi bố lùi lại vài bước so với chiếc ghế đặt Matthias để ngồi trên sàn. Matthias xuống ghế và chạy về phía bố để bố nâng bé lên không trung. Bố tiếp tục thử nghiệm khoảng cách giữa bố và bé và nhận ra rằng đối với các trò chơi vận động mạnh thì giữ một khoảng cách xa với bé sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn. Nó có vẻ khiến Matthias chủ động hơn trong việc tìm kiếm bố để tiếp tục trò chơi. Điều này cũng diễn ra tương tự khi chơi trò máy bay hay chơi đu quanh phòng. Khi bố dừng lại để đặt Matthias trên sàn và lùi lại vài bước, Matthias sẽ hay có xu hướng nhìn hoặc chìa tay bé ra để chờ bố mở rộng vòng tay, không giống như khi bố ngồi trước mặt và hỏi xem bé có thích được chơi tiếp hay không.
Điều tương tự diễn ra khi Matthias đã chán một hoạt động nào đó. Bố sẽ nhận ra ngay điều đó khi đã thử lùi lại mà chẳng thấy Matthias lại gần bố mà lại nhìn ngó quanh căn phòng. Bố có thể khẳng định rằng Matthias đã hoàn toàn kết thúc hoạt động và sẽ nhìn theo ánh mắt của bé để biết trò tiếp theo sẽ là gì. Bố đã cảm thấy mình có thể hiểu được những cố gắng của con trong việc giao tiếp và vì thế bố có thể nghĩ ra nhiều trò chơi tương tác khác để bé có thể tham gia.
Bước 5. Hòa nhập với con bằng cách làm theo hướng dẫn của con
Thông thường cha mẹ tương tác với con họ bằng cách tạo ra các hoạt động mới và rủ con chơi khi trẻ đã đang chú ý vào một thứ khác. Trẻ tự kỉ có thể đang thích thú với việc đóng mở cửa hay cho chiếc xe đồ chơi chạy tới chạy lui, và khi bố hoặc mẹ xen ngang để gợi ý một hoạt động không liên quan, trẻ có thể sẽ lờ bố mẹ đi, hoặc thậm chí trở nên tức giận, cáu kỉnh. Điều này có thể khiến bố mẹ cảm thấy bất lực, hoặc ít nhất rối bời vì sự thiếu chú ý của trẻ với hoạt động mới. Thay vì cố để hướng sự chú ý của trẻ tới điều gì đó, ở bước này, bạn hãy thực hành bằng cách tuân theo sự tập trung chú ý của con.
Căn cứ
Tuân theo sự chú ý của trẻ để dạy trẻ có thể là cách khá “khác thường” hoặc “vớ vẩn”. Chúng ta thường quen với việc dạy dỗ bằng cách hướng dẫn, chỉ dạy cho con cái chúng ta. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã đã chỉ ra rằng trẻ con, đặc biệt là trẻ nhỏ đang học nói, sẽ học ngôn ngữ dễ dàng hơn nếu cha mẹ và những người khác tuân theo sự chú ý của trẻ và nói về những gì trẻ đang có hứng thú. Việc thay đổi sự chú ý của trẻ sẽ phá hỏng sự tập trung của trẻ và có thể dẫn tới nguy cơ trẻ mất tập trung hoàn toàn. Các hoạt động dưới đây sử dụng 4 kĩ thuật chính mà chúng tôi triển khai trong Mô hình can thiệp sớm Denver để tuân theo sự chú ý của trẻ. Đây là những kĩ năng dạy quan trọng mà bạn sẽ sử dụng nhiều lần nữa khi bạn tiếp tục theo dõi các chương tiếp sau đây, vì thế, hãy thực hành chúng cho tới khi chúng trở nên dễ dàng và tự nhiên với bạn.
Khẩu hiệu cho Bước 5 là: “Con dẫn dắt đi đâu, bố/mẹ theo đấy”. Thay vì cố gắng thay đổi hoạt động hoặc sự tập trung chú ý của con bạn, hãy cố gắng tuân theo sự chú ý của con với hoạt động hiện tại của con. Bạn có thể dùng các vật thể, đồ chơi hoặc hoạt động mà con bạn đang tập trung để xây dựng sự tương tác với con.
Hoạt động: Sử dụng kỹ thuật Lắng nghe chủ động
Hãy bắt đầu với một việc quan trọng đó là lắng nghe chủ động. Có thể bạn đã nghe về thuật ngữ này ở đâu đó, trong các ngữ cảnh khác, nếu vậy, có lẽ bạn biết thế nào là lắng nghe, thực sự lắng nghe những gì người khác đang nói và cố gắng để hiểu ý người đó thực sự muốn nói gì. Với người trưởng thành, chúng ta cố gắng hiểu bằng cách nghe và đặt câu hỏi nếu ta chưa rõ, nhắc lại cái ta nghe để chắc chắn điều ta nghe được là đúng, và đưa ra các nhận xét. Khi chúng ta là những người lắng nghe chủ động một trẻ nhỏ đang chơi, chúng ta hãy ngồi trước mặt trẻ để có thể dễ dàng nhìn trẻ, xem trẻ đang làm gì để hiểu được mục đích, các hành động của trẻ, đưa ra những nhận xét tích cực và thêm vào các âm thanh để hoạt động của trẻ thêm sôi động.
Hoạt động lắng nghe và nhận xét chủ động này có thể diễn ra trong nhiều tình huống với con bạn. Nó tạo ra một tình huống mà ở đó cả bạn và trẻ đều cùng có chung sự chú ý với một điều nào đó, và việc có chung sự chú ý này là một công cụ quan trọng để trẻ có thể học hỏi. Nó khiến ngôn ngữ có nghĩa và khiến bạn có thể hoàn toàn tham gia vào với trẻ – hiểu được và phản ứng được với những trò trẻ đang chơi (mà không xen vào hoặc thay đổi sự tập trung của trẻ). Việc lắng nghe chủ động cũng giúp giữ sự chú ý của trẻ vào hoạt động, vì thế, bạn có thể thêm vào nhiều cơ hội cho trẻ học hỏi. Nó giúp truyền thông điệp tới con bạn: “Bố/mẹ ở ngay đây, bố/mẹ thích chơi với con, bố/mẹ biết con đang làm gì, và bố/mẹ sắp sửa tham gia cùng con đây.” Khi bạn tham gia và tuân theo trẻ và trở nên chủ động hơn – đưa ra những nhận xét, thêm vào các âm thanh, bắt chước các hành động… – trẻ sẽ chú ý nhiều tới bạn hơn.
Hoạt động: Miêu tả cho con nghe
Lời khuyên hữu ích:
Nếu bạn chưa thực sự cảm thấy tự nhiên khi tường thuật các hoạt động, bạ hãy tưởng tượng mình như một bình luận viên thể thao đang tường thuật một trận đấu trong khi quan sát con bạn chơi. Hãy bình luận các đồ vật và hành động của bạn và con bạn đang chơi. Hãy sử dụng những cụm từ đơn giản, ngắn gọn. Bạn sẽ thấy thật hài hước cho mà xem.
Việc tham gia cùng với con bắt đầu khi bạn cùng con chia sẻ các hoạt động của con thông qua việc nhìn con, mỉm cười, gật đầu và các động tác cho thấy bạn đang lắng nghe một cách chủ động. Bạn sẽ thấy khá dễ dàng để chuyển từ việc nhìn con một cách chủ động và động viên sang miêu tả bằng lời cho con nghe. Khi bạn nhìn con một cách chủ động, hãy miêu tả những gì con bạn đang làm bằng những từ đơn hoặc những cụm từ ngắn. (Lý do cho việc sử dụng ngôn ngữ đơn giản là để giúp con bạn bắt đầu nghe những từ đơn và liên tưởng chúng với những vật thể và hoạt động. Nếu ngôn ngữ của bạn quá phức tạp, con bạn sẽ không thể hiểu được từ hay cụm từ nào miêu tả thứ đồ vật mà bạn đang cầm trong tay hoặc hành động mà bạn đang diễn tả). Chẳng hạn, nếu con bạn đang nhặt một chiếc tàu hỏa đồ chơi từ sàn nhà lên, bạn có thể nói “đó là con tàu!”. Khi con bạn cho tàu chạy, bạn có thể nói “xình xịch xình xich” và giúp con cùng cho chiếc tàu chạy. Nếu con bạn chỉ vào bánh xe, bạn có thể nói “Đó là bánh xe”.
Ở cuối chương này, chúng tôi có cung cấp một bảng tóm tắt những gợi ý để miêu tả nhiều loại hoạt động khác nhau. Việc miêu tả các hoạt động khi con đang chơi mà không làm ảnh hưởng hoặc thay đổi sự tập trung của con bạn có thể giúp duy trì sự chú ý của con với bạn và hoạt động bạn đang làm với con, không những thế, nó còn mang lại những cơ hội học hỏi thêm về ngôn ngữ cho con. Hãy nhớ ngồi trước mặt con để con có thể nhìn rõ gương mặt bạn, nó sẽ giúp con tập trung hơn vào bạn và những gì bạn nói.
Hoạt động: Đề nghị giúp đỡ
Một cách khác để tăng sự chú ý và tham gia của con bạn khi bạn theo dõi và miêu tả cho con là đề nghị giúp đỡ con. Hãy đưa cho con bạn các món đồ chơi trong khi chơi hoặc thay quần áo hoặc tắm sau khi con bạn tỏ ra thích thú với thứ gì đó, thay vì chỉ đơn thuần đặt những món đồ chơi đó trong tầm với của con. Hãy gọi tên những đồ vật đó khi bạn đưa cho con. Hãy cho con từng ít thức ăn một thay vì cho con tất cả cùng một lúc trong khi con ăn, và đừng quên ngồi trước mặt con và miêu tả cho con những gì đang diễn ra. Khi con bạn với một món gì đó ngoài tầm với của con, hãy nói “Con muốn ăn chuối à? Đây, chuối đây.” và đưa cho con. Hoặc bạn cũng có thể bẻ nhỏ một món nào đó thành nhiều mẩu nhỏ khác nhau (như bẻ một cái bánh thành nhiều miếng nhỏ và mỗi lần chỉ cho con 1 miếng). Đưa các thức ăn nhiều miếng nhiều lần đồng nghĩa với việc con bạn có thêm nhiều cơ hội để giao tiếp với bạn hơn và học hỏi được nhiều từ bạn nói và hành động bạn làm hơn. Hỗ trợ con khi con cố đạt được một thứ gì đó (như cố với tay lấy một miếng bánh), và chú ý thể hiện sự giúp đỡ của bạn một cách thật rõ ràng. Là người đưa cho con những thứ con cần sẽ giúp bạn trở thành một phần của hoạt động và giúp con chú ý tới bạn và ngôn ngữ của bạn hơn. Hãy sẵn sàng thứ con cần trong tay, chờ đợi và đưa cho con thứ con cần ngay để đảm bảo rằng con vẫn chú ý tới bạn.
Nhiều trẻ rất độc lập một cách cương quyết và có vẻ như chúng chẳng bao giờ cần tới sự giúp đỡ của người khác. Nếu con bạn như vậy, bạn cần phải tạo ra những tình huống mà con bạn sẽ phải cần đến sự giúp đỡ của bạn. Bạn có thể tạo ra một tình huống mà con cần bạn bằng cách thỉnh thoảng đặt một một đồ chơi hoặc một món ăn gì đó mà con yêu thích trong một chiếc túi nhựa trong, hoặc một lọ thủy tinh có nắp đậy chặt để con có thể nhìn thấy và chạm vào chiếc túi hoặc chiếc lọ những không thể mở nó ra được. Khi đó, bạn có thể đề nghị giúp đỡ con bằng cách chìa tay ra và hỏi con có cần giúp không, và giúp con mở túi hoặc lọ ra, đưa cho con thứ mà con muốn. Khi con bạn nhận ra thứ có trong túi hoặc lọ, có thể con sẽ tỏ ra mong muốn được có nó và có thể nhìn chiếc túi/lọ sang bạn và ngược lại, hoặc tạo ra một âm thanh nào đó khi nhìn vào chúng, hoặc cầm nó và đưa nó cho bạn. Cho dù bạn không chắc là con có muốn thứ ở trong túi/lọ hay không, bạn có thể mở nó ra và đưa cho con thứ ở trong đó. Khi bạn lặp lại hoạt động này với nhiều đồ vật, chất liệu khác nhau, bạn có thể làm cho hoạt động thú vị hơn bằng cách thêm vào một trò chơi nào đó. Bạn cũng có thể đưa cho con các món đồ chơi và tạo ra các hiệu ứng khác nhau từ đó để nếu trẻ sẽ phải cần có bạn giúp để tạo ra những hiệu ứng đó trong những lần sau khi trẻ chơi với món đồ chơi đó, ví dụ như lên dây cót một chiếc ô tô….
Hoạt động: Bắt chước hành động của con bạn
Lời khuyên hữu ích:
Hãy nhìn lại bảng liệt kê những động tác, âm thanh và chuyển động của con khi bạn quan sát con chơi. Hãy chờ đến lượt chơi đồ chơi của bạn hoặc sử dụng đồ chơi tương tự để bạn bắt chước con. Nhớ là bạn phải tường thuật lại hoặc gắn tên cho những đồ vật và động tác mà bạn đang bắt chước, sử dụng các cụm từ đơn giản và ngắn gọn nhất có thể. Nếu con bạn không chú ý đến bạn, bạn hãy thử bắt chước động tác tiếp theo trong danh sách đã liệt kê ở trên.
Có một cách khác để tăng sự chú ý của trẻ đối với bạn và tạo ra những tương tác là bắt chước con bạn. Khi bạn ngồi đối diện với con, hãy chơi với cùng đồ chơi/đồ vật – chơi một cách lần lượt hoặc sử dụng một đồ chơi/đồ vật giống hệt để bắt chước các hành động của con, như vậy bạn sẽ không phải lấy đi đồ chơi của con. Chẳng hạn, nếu con bạn bắt đầu cho chiếc ô tô đồ chơi chạy tới chạy lui, bạn có thể dùng một chiếc xe khác để chạy tới chạy lui cùng, bắt chước tốc độ mà con bạn đang cho chiếc xe của con chạy.
Việc bắt chước cũng có thể mở rộng sang các tiếng động hoặc lời nói mà trẻ tạo ra. Ngồi đối diện với trẻ và bắt chước trẻ chắc chắn sẽ tạo ra được sự chú ý ở trẻ đối với bạn. Nếu trẻ đang cố cất một miếng xếp hình vào trong hộp, hãy đưa cho trẻ từng miếng xếp hình một (giúp trẻ) và đồng thời bạn cũng đặt từng miếng xếp hình vào (bắt chước). Nếu trẻ đang đập chiếc thìa lên bàn ăn, hãy lấy một chiếc thìa khác và đập một cách có nhịp điệu trước mặt trẻ, đồng thời nói “Đập đập đập” (miêu tả lại hành động). Chắc chắn với các hoạt động đó, bạn sẽ thấy trẻ tập trung vào bạn. Chiến lược bắt chước trò chơi của trẻ này sẽ giúp thay đổi sự chú ý của trẻ và xây dựng nhận thức của trẻ về bạn như là một đối tác giao tiếp. Bằng cách tham gia cùng với các hoạt động đang diễn ra của con và miêu tả lại những hoạt động đó, bạn đã và đang chuyển từ giao tiếp một chiều sang giao tiếp hai chiều.
Lời khuyên hữu ích:
Một vài trẻ tỏ ra tức giận khi lần đầu bạn chơi cùng trẻ và cầm đồ của trẻ trong khi chơi. Những trẻ này chỉ muốn chơi theo một cách nhất định, và từ chối thay đổi khi có người khác chơi cùng. Nếu con bạn phản ứng không tốt khi bạn cố gắng chơi cùng trẻ, hãy đừng lo lắng. Con bạn cần thời gian để cho bạn chơi cùng. Hãy chọn vị trí đối diện trẻ mà trẻ cảm thấy thoải mái, và lúc này bạn chỉ nên sử dụng kỹ thuật lắng nghe chủ động và tường thuật hành động của trẻ trong ít ngày. Hãy chỉ dung các kỹ thuật này cho đến khi trẻ cảm thấy thoải mái với sự có mặt của bạn. Sau đó, bạn hãy dùng kỹ thuật đề nghị giúp đỡ. Bạn hãy giúp đỡ trẻ trong một vài hoạt động, và sau cùng là thỉnh thoảng bắt chước trẻ.
Hoạt động cuối cùng: Kết hợp Nghe, Miêu tả lại, Giúp đỡ và Bắt chước
Chúng ta đã thảo luận 4 kĩ thuật để theo mối quan tâm và các hoạt động của trẻ: lắng nghe chủ động, miêu tả lại, giúp đỡ và bắt chước trẻ. Bốn kỹ thuật này thường diễn ra một cách đồng thời khi mọi người cùng chơi với trẻ nhỏ. Cho dù bạn có đang tập trung vào một kỹ năng này hay kỹ năng khác khi bạn đang luyện tập chúng thì chắc chắn bạn sẽ nhận ra là bạn thường xuyên sử dụng nhiều hơn một kỹ thuật cùng lúc. Giờ thì bạn đã luyện tập từng kỹ thuật một trong các hoạt động chơi và chăm sóc trẻ, hãy dành thêm thời gian luyện tập thêm để theo sát trẻ trong nhiều hoạt động khác nữa trong ngày của bạn. Hãy thực hiện việc này với càng nhiều hoạt động càng tốt trong 6 loại hoạt động mà chúng tôi đã nêu ra trong bước 1 – chơi với đồ chơi hoặc đồ vật, chơi với mọi người, trong bữa ăn, chăm sóc (thay quần áo/mặc quần áo/tắm/ngủ), đọc sách, và việc nhà. Dành ra 5 phút trong mỗi hoạt động, và sau đó, hãy dành ra vài phút để nghĩ về cách bạn đã lắng nghe và miêu tả lại, khi bạn giúp đỡ hay bắt chước trẻ. Cố gắng ghi lại một vài ghi nhớ để rút kinh nghiệm. Bạn có thể dùng mẫu mà chúng tôi cung cấp ở trang tiếp theo. Mẫu này được thiết kế dựa trên trường hợp của cậu bé 18 tháng tuổi Landon khi chơi bóng với mẹ trên sàn phòng khách. Mẫu này chỉ ra cách mẹ bé đã thực hiện để theo sát sự thích thú của bé với quả bóng, mẹ đã cùng chơi bóng với bé. Hãy đọc kĩ và hình dung về món đồ chơi/đồ vật yêu thích của con bạn và cách con chơi với chúng. Hãy nghĩ xem bạn có thể áp dụng các kỹ thuật miêu tả lại, giúp đỡ và bắt chước con trong khi chơi với chúng ra sao. Sau đó, bạn có thể nghĩ về các hoạt động chăm sóc con, như khi tắm cho con chẳng hạn….
Tổng kết Bước 5
Nếu bạn đã theo sát và thực hiện các hoạt động giới thiệu ở trên, chắc hẳn bạn đã tìm ra một số cách để cùng tham gia với con trong các hoạt động mà con yêu thích mà không phải hướng con sang một hoạt động khác. Khi bạn đã thực hành những hoạt động này, hãy đối chiếu với danh sách kiểm tra dưới đây để xem bạn có cùng ý kiến với các tình huống mà chúng tôi đưa ra hay không. Nếu có, bạn đã được trang bị với một số kĩ năng quan trọng để làm tăng và hỗ trợ sự tập trung chú ý của con với bạn – kiến thức mà bạn sẽ cần để sử dụng cho những chương tiếp theo của cuốn sách này. Nếu không, hãy quay lại từ đầu chương, thử lại các hoạt động nhiều lần cho tới khi thuần thục các kĩ năng này. Không có gì phải vội vàng cả. Cả bạn và con sẽ cảm thấy thích thú hơn khi giao tiếp với nhau khi bạn có thể kết hợp những kỹ thuật này vào các hoạt động vui chơi hàng ngày.
Kết hợp 4 kỹ thuật trong một hoạt động | ||||
Hoạt động | Lắng nghe chủ động | Miêu tả cho trẻ nghe | Đề nghị giúp đỡ | Bắt chước trẻ |
Chơi với đồ chơi
Chơi với bóng |
Trẻ nhìn bóng
Trẻ làm rơi bóng Trẻ nhặt bóng và ném bóng Trẻ nhìn bóng khi mẹ lăn bóng cho trẻ Trẻ giơ tay lên khi mẹ đưa bóng cho trẻ Trẻ hạ tay xuống Trẻ bắt bóng khi mẹ ném về phía trẻ Bóng rơi bất ngờ Bóng lăn ra sau trẻ Trẻ ra hiệu cho mẹ ném bóng về phía trẻ |
« Bóng »
«Ném bóng » « Lăn bóng » « Giơ tay lên » « Hạ tay xuống » « Bắt bóng tốt lắm » « Hoan hô » « Ồ, không » « Bóng nè » |
Nhặt bóng đưa cho Landon khi bóng ngoài tầm với
Lăn bóng về phía Landon khi Landon bắt đầu chơi bóng Tiếp tục lăn bóng cho Landon Giữ tay Landon để cho Landon đá bóng Giữ bóng để Landon đá Lấy bóng ở dưới gầm ghế ra và đưa cho Landon |
Bắt chước hành động của Landon với bóng: lăn, đá, ném
Bắt chước âm thanh và cử chỉ của Landon trong khi chơi với bóng |
Trò chơi xã hội | ||||
Giờ ăn | ||||
Vệ sinh cá nhân | ||||
Đọc sách | ||||
Làm việc nhà |
Danh sách kiểm tra hoạt động: Tôi có làm theo dẫn dắt của con không?
____ Tôi tham gia vào hoạt động mà con đang hứng thú và không muốn chuyển hướng sang một hoạt động khác
____ Tôi ngồi đối diện với con và con có vị trí ngồi tốt để có thể chú ý tới tôi
____ Tôi theo dõi các hoạt động của con và miêu tả lại những gì con đang làm hoặc nhìn một lúc trước khi tôi chạm vào đồ chơi của con
____ Tôi tham gia với con bằng cách bắt chước những gì con đang làm, kể cả những tiếng động con tạo ra
____ Tôi giúp con bằng cách tạo điều kiện để con có thể đạt được mục tiêu của con dễ dàng hơn thông qua việc nhắc lại hoạt động, và/hoặc đưa những đồ vật mà con muốn
____ Con tôi nhìn tôi khá thường xuyên
Dưới đây là một ví dụ của việc kết hợp các kỹ thuật:
Cô bé Dominique 2 tuổi và bố James đang chơi đồ chơi trên sàn nhà. Họ có một túi xếp hình ở trước mặt và khi bố James nhìn con (lắng nghe chủ động), Dominique nhoài về phía chiếc túi và lấy ra một miếng xếp hình. “À, con thích những miếng xếp hình đó” – bố nói (miêu tả lại), và một tay bố James đưa cho cô bé một miếng khác (giúp đỡ) và nói “Đây cho con này”. Rồi bố nói “Này Dommy, bố lấy một miếng xếp hình được không?” trong khi xòe tay còn lại ra. Cô bé lấy miếng xếp hình bố đưa và lại đưa cho bố một miếng. Bố đặt 2 miếng xếp hình xuống trước mặt bé (giúp đỡ) và bắt đầu ghép chúng vào với nhau, rồi bé ghép thêm vài miếng khác thành một khối cao hơn. Bé nhìn vào khối xếp hình, và bố bắt đầu tạo ra hiệu ứng âm thanh (huýt sáo) và xếp thêm khối hình cao hơn. Khi bé xem bố làm, mỉm cười với những âm thành bố tạo ra, bố lại đưa cho bé thêm 1 miếng và bé ghép miếng đó lên khối xếp hình. Ngay lập tức, bố cũng ghép thêm một miếng xếp hình (bắt chước). Cứ thế, bố James và Dominique lần lượt ghép thêm nhiều miếng xếp hình (bắt chước) trong khi bố miêu tả lại “một miếng nữa, một miếng nữa và một miếng nữa” cho tới khi đống xếp hình cao quá và bị đổ. “Đổ rồi” – bố nói to (miêu tả lại) và họ cùng nhìn nhau cười. Dominique bắt đầu xây lại tháp xếp hình và bố lại tiếp tục tham gia cùng bé, miêu tả lại, giúp bé vầ bắt chước bé trong khi trò chơi đang được bé lặp lại.
Trong ví dụ này, bố James đã sử dụng kỹ thuật lắng nghe chủ động, miêu tả lại, giúp đỡ và bắt chước để cùng chơi với những miếng xếp hình mà Dominique thích thú. Bố không cố để thay đổi hoạt động và hướng bé sang một thứ khác. Bố tuân theo sự thích thú và những phản ứng của bé đối với trò chơi xếp hình và bố cố để thử những hoạt động liên quan đến trò chơi đó để xem phản ứng của bé ra sao. Bố và bé đã cùng chơi rất vui và bố có được toàn bộ sự chú ý của bé khi bố ngồi đối diện với bé, giúp bé tạo ra trò chơi vui nhộn với những miếng xếp hình. Sự chú ý của bé kéo dài khá lâu và họ có được rất nhiều mối tương tác qua lại, đồng nghĩa với những cơ hội học hỏi thêm với cô bé.
Tổng kết Chương 4: Xác định xem điều gì có thể gây chú ý với con bạn
Chúng ta đã thảo luận những cách để tăng sự chú ý của con bạn với bạn và củng cố thêm tương tác mặt đối mặt. Quan sát con sẽ giúp bạn tìm ra điều gì làm con chú ý tới, và từ đó bạn có thể cùng tham gia với con. Chọn lựa vị trí của bạn thật cẩn thận để bạn và con bạn có thể đối diện nhau mà không có quá nhiều khoảng cách ở giữa, cho con bạn cơ hội được nhìn thấy gương mặt, mắt và những biểu hiện của bạn rõ ràng và để học hỏi về tát cả những thông tin giao tiếp tới từ khuôn mặt. Mặc dù ban đầu việc này có vẻ hơi kì cục, nhưng dần dà bạn sẽ thấy dễ dàng hơn thông qua thực hành. Sự tương tác mặt đối mặt này rất tốt cho việc chơi với trẻ, đồng thời cũng sẽ mang lại nhiều cơ hội học hỏi cho trẻ trong cả các hoạt động hàng ngày. Hãy nhớ 6 hoạt động chính được miêu tả trong bước 5 và cố sử dụng các kỹ thuật này trong các hoạt động đó.
Chúng tôi cũng miêu tả một số cách để làm tăng sự chú ý của con bạn đối với bạn trong các hoạt động. Điểm quan trọng nhất đó là bốn kỹ thuật. Hai kỹ thuật đầu tiên là: (1) Lắng nghe chủ động trong khi tương tác với trẻ bằng cách theo dõi chăm chú những gì trẻ đang làm và nhận xét về nó; và (2) Miêu tả lại các hoạt động của trẻ bằng các từ đơn hoặc cụm từ ngắn trong khi cùng tham gia với trẻ thay vì cố can thiệp và hướng trẻ sang một hoạt động khác. Chúng tôi cũng thêm vào hoạt động (3) giúp đỡ và (4) bắt chước – đều là những cách quan trọng để cùng tham gia với trẻ và tăng sự chú ý của trẻ với bạn.
Đối với trẻ nhỏ bị tự kỉ, việc trẻ có thêm thật nhiều thời gian tương tác và chú ý tới mọi người có ý nghĩa vô cùng quan trọng với sự tiến bộ của trẻ. Cùng chơi với trẻ trong những hoạt động mà trẻ đã thích thú cùng sẽ mang lại niềm vui cho cả bạn. Vì vậy, hãy cùng thực hành các bước mà chúng tôi hướng dẫn để có thêm thật nhiều thời gian vui vẻ với con bạn.
Trò chơi, Hoạt động và đồ vật mà con tôi thích | |||
Hoạt động | Đồ vật | Trò chơi vận động/Tương tác xã hội | Trò chơi cảm giác |
Chơi với đồ chơi hay đồ vật | |||
Trò chơi xã hội | |||
Bữa ăn | |||
Vệ sinh cá nhân | |||
Đọc sách | |||
Làm việc nhà |
Danh sách ghi nhớ
Mục tiêu: Tăng cường sự chú ý của con
Các bước:
– Xác định điều làm con chú ý
– Xác định vị trí của bạn có thể thu hút sự chú ý của con, mặt đối mặt với con
– Loại bỏ các yếu tố làm con xao nhãng
– Xác định vùng giao tiếp an toàn của con xác định vị trí của bạn trong vùng đó
– Làm theo chỉ dẫn của trẻ: Sử dụng kỹ thuật lắng nghe chủ động, miêu tả lại, giúp đỡ trẻ và bắt chước trẻ.
CHƯƠNG 5. TÌM KIẾM NỤ CƯỜI
Trải nghiệm thú vị với các trò chơi xã hội cảm giác
Mục tiêu của chương này: Giúp tăng thêm nụ cười của con trong lúc tham gia các trò chơi xã hội mặt-đối-mặt hay hát hò. Con bạn càng cảm thấy vui vẻ và chú ý tới bạn nhiều hơn thì càng nhiều cơ hội học tập cho con bạn.
Chương này giả định rằng bạn cảm thấy thoải mái và đã thực hiện thành công các kỹ năng từ Chương 4. Nếu bạn đã bắt đầu giành nhiều thời gian để tương tác với con của mình trong các hoạt động hàng ngày, chắc chắn bạn đã nhận được phần thưởng là con bạn đã giao tiếp mắt nhiều hơn, tương tác nhiều hơn và thậm chí trẻ đã cười nhiều hơn. Hãy đọc lại Danh sách kiểm tra hoạt động và xem lại các hoạt động để giúp bạn nhớ được các kỹ thuật. Trong chương này và các chương tiếp theo, bạn sẽ được cung cấp thêm nhiều kỹ năng bổ sung cho các kỹ năng trước đó.
Lời khuyên hữu ích:
Nếu bạn cảm thấy chưa thành thục với các kỹ thuật ở Chương 4, thì bạn hãy thực hành nhiều hơn các kỹ thuật đó rồi mới chuyển sang Chương 5 này. Hãy xem lại Danh sách kiểm tra hoạt động cuối chương ngay sau khi chơi với con hay cùng con thực hiện một hoạt động hàng ngày nào đó. Hãy tự khen mình một chút nếu bạn đã thành thục những kỹ thuật tại chương 4, và thực hành lại nếu bạn vẫn cảm thấy chưa thoải mái lắm khi chơi với con trong thời gian tới. Khi chúng tôi trị liệu cho trẻ tự kỷ, chúng tôi đều phải đọc lại Danh sách kiểm tra hoạt động sau mỗi giờ trị liệu, tự cho điểm chúng tôi, và đánh số 0 đối với những kỹ năng hoặc hành vi mà chúng tôi thấy trẻ chưa đạt được, vì thế trong thời gian tới chúng tôi có thể tiếp tục tăng cường các cơ hội học tập cho trẻ thông qua tương tác với trẻ.
Tại sao những phút giây vui vẻ cùng nhau lại quan trọng đến vậy?
Chương này tập trung vào việc tăng cường chỉ số vui vẻ (FQ-Fun Quotient) khi tham gia các hoạt động giữa bạn và trẻ. Vui vẻ, hào hứng là một phần quan trọng để giúp con bạn học, có rất nhiều lý do, đặc biệt là 6 lý do dưới đây:
- Cười nhiều hơn = học nhanh hơn. Bất cứ ai cũng muốn tiếp tục một hoạt động mà người đó thấy hứng thú. Điều này có vẻ đơn giản – nhưng vui vẻ, hài hước sẽ giữ được cả bạn và con bạn trong một hoạt động, và với con bạn, càng thực hành nhiều thì sẽ học càng nhanh.
- Cười nhiều hơn = Nhiều cơ hội học tập hơn. Bạn tương tác với trẻ càng lâu, cơ hội để trẻ học được từ bạn càng nhiều
- Cười nhiều trong các hoạt động học tập sẽ giúp cho quá trình ghi nhớ và học bài tốt hơn. Các hoạt động hứng thú đối với trẻ sẽ mang lại những tác động tích cực nhanh hơn và lâu bền hơn là các hoạt động không có nhiều ý nghĩa, cảm xúc.
- Việc trẻ thể hiện mong muốn bạn tiếp tục hoạt động yêu thích chính là nền tảng học tập cách thức giao tiếp của con. Tìm kiếm, tham gia, cười, hóng chuyện một cách hào hứng có thể giúp con bạn phát triển các điệu bộ rõ ràng, ngôn từ và thậm chí là các câu hội thoại! Đây là một trong những cơ hội dạy giao tiếp đầy hiệu quả mà bạn có thể đem đến cho con bạn.
- Hoạt động yêu thích chính là phần thưởng dành cho con! Việc bạn thực hiện thêm lần nữa một hoạt động vui nhộn nào đó sau khi trẻ tỏ ý muốn chơi tiếp chính là một phần thưởng lớn cho trẻ. Sức mạnh của việc dạy trẻ thông qua trò chơi được xây dựng dựa trên hệ thống khen thưởng tự nhiên.
- Cười và thoải mái sẽ giúp con chú ý tới bạn nhiều hơn. Bởi vì con bạn nhận thức được loại hoạt động nào đem đến sự vui thích khi chơi cùng với bạn, con bạn sẽ tìm kiếm thêm các cơ hội thực hiện các hoạt động đó với bạn, điều đó có nghĩa là sẽ có thêm sự hòa nhập, thêm giao tiếp và thêm các cơ hội học tập.
Chuyện gì xảy ra với Trẻ tự kỷ?
Trẻ tự kỷ dường như không có nhiều trải nghiệm với phần thưởng tự nhiên trong các tương tác xã hội với trẻ khác. Dựa trên đóng góp nghiên cứu của một trong các tác giả, chúng tôi cho rằng một trong những khác biệt sinh lý cơ bản của trẻ tự kỷ là trẻ không tự thấy hứng thú đối với các hoạt động tương tác xã hội. Tuy nhiên, điểm khác biệt này có thể xóa dần thông qua các trải nghiệm tương tác. Thông qua các trò chơi, bạn có thể giúp trẻ tăng cường các trải nghiệm thú vị trong các hoạt động tương tác xã hội và từ đó tăng động lực của chính trẻ trong tìm kiếm và tham gia vào các hoạt động tương tác xã hội. Vì thế hãy giúp con bạn tương tác và tăng cường các cơ hội học tập nhiều nhất có thể.
Tại sao đây lại là vấn đề?
Trẻ tự kỷ không thấy hứng thú trong các hoạt động tương tác xã hội giống như trẻ bình thường, đồng nghĩa với việc con bạn sẽ bỏ qua nhiều cơ hội để tương tác với mọi người giống như những trẻ khác vẫn làm. Và đó chính là vấn đề, bởi vì con người ta học được rất nhiều qua tương tác. Chúng ta học giao tiếp, ngôn ngữ, sử dụng đồ vật, bắt chước, chơi đùa, kết bạn, đóng kịch, các cử chỉ âu yếm – tất cả thể hiện trí tuệ và cảm xúc – không phải học chủ yếu từ trường học hay các hoặc các hoạt động giáo dục khác, mà chính là từ cuộc sống thường ngày. Sự giảm sút trong các cơ hội học tập ngày này qua ngày khác là kết quả của việc ngày càng ít đi các tương tác, thêm vào đó là sự non nớt trong các hoạt động giao tiếp xã hội của trẻ tự kỷ. Hãy xem ví dụ dưới đây về một cậu bé tự kỷ:
Tôi (S.J.R) gặp cậu bé Andre 17 tháng tuổi tại nhà cậu bé, với em gái mới sinh, anh trai 4 tuổi và cả bố mẹ Andre nữa. Bố mẹ Andre mới nhận được kết quả chuẩn đoán Andre bị tự kỷ từ tuần trước. Khi tôi bước vào nhà, tất cả các thành viên trong gia đình đang ở trong phòng sinh hoạt chung, ngoại trừ Andre đang ngồi một mình trong phòng tối của bố mẹ, đang cầm chơi các con số. Bố mẹ cậu ta nói với tôi rằng cậu ta ở đó hoặc ở trong nhà kho, và bố mẹ chỉ có thể giữ cậu ta ở phòng sinh hoạt chung khi đóng toàn bộ các cánh cửa lại. Khi đó, cậu bé đang cầm các con số trong tay, thả xuống thảm để quay tròn con số, rồi quan sát, và lại cầm lên – thả xuống thảm và quay tròn con số. Cậu bé có chú ý tới tôi, nhưng không nhìn vào tôi, và gương mặt dễ thương của cậu bé khá nghiêm trọng. Trò chơi chỉ kết thúc khi bố cậu bé bế cậu ra khỏi phòng ngủ.
Tôi có hỏi cha mẹ cậu bé các trò tương tác mà Andre thường chơi. Bố cậu liền nhấc bổng cậu bé lên vai, giả làm máy bay bay vòng quanh nhà, và rồi đặt cậu bé xuống sàn. Andre cười khẽ trong khi được bố nhấc bổng lên, và khi trò chơi kết thúc, cậu bé nằm ra sàn, cười và nhìn bố với đôi mắt màu nâu to tròn. Và bố cậu bé lại tiếp tục. Còn mẹ cậu bé thì thường hát cho cậu nghe bài “Itsy Bitsy Spider” trong khi cậu nằm ở trên sàn nhà, di chuyển các ngón tay, từ từ giả làm nhện bò lên ngực cậu bé khi hát đến đoạn “phun vòi nước”. Cậu bé cười khoái trí, nhìn thẳng vào mẹ, và háo hức chờ mẹ tiếp tục chơi khi trò chơi kết thúc.
Đó chính là chỉ số vui vẻ (FQ): Bố mẹ có rất nhiều cách để chia sẻ nụ cười với con. Cha mẹ biết rõ chơi trò gì để giúp con họ cười đùa. Andre đã không cần phải cố gắng tham gia các trò chơi này với bố mẹ, và cậu bé đã tạm quên các con số. Cậu bé vẫn tiếp tục hào hứng tham gia cho đến khi tôi và bố mẹ cậu bé tạm dừng trò chơi để bắt đầu nói chuyện. Cậu bé khi đó đã lấy các con số và trở lại phòng ngủ. Bố mẹ cậu bé và tôi thì bắt đầu nói chuyện về việc làm thế nào để tăng cường các trò chơi xã hội vui vẻ với Andre mỗi ngày.
Một tuần sau khi tôi quay lại nhà Andre, tôi thật ngạc nhiên bởi sự thay đổi vượt bậc của cậu bé. Các con số được cất lên giá, xa tầm tay của Andre. Andre đang ngồi trên sàn nhà với bố, đang hoàn thành trò xếp hình khi tôi tới. Bố mẹ cậu đã nói rằng họ cố gắng lôi kéo Andre tham gia các hoạt động nhiều hơn trong ngày, và họ càng cố gắng bao nhiêu thì Andre phản ứng lại bấy nhiêu. Khi tôi quan sát hai cha con chơi theo lượt, tôi nhận thấy Andre chơi vui vẻ với bố mẹ, sử dụng mắt, tay và giọng nói để thể hiện ý muốn tiếp tục chơi mỗi khi cha mẹ dừng trò chơi. Hơn nữa, khi cha mẹ dừng trò chơi trong ít phút, Andre đã chủ động lại gần cha mẹ yêu cầu họ tiếp tục trò chơi. Cậu bé đã chủ động tham gia tương tác xã hội liên tục và lặp lại. Gương mặt cậu bé sinh động, và có động lực mạnh mẽ trong tương tác suốt hàng giờ liền.
Một vài tuần sau, Andre đã tham gia được các bài hát nhập vai và trò chơi xã hội. Cậu bé đã giao tiếp được bằng ngôn ngữ và ánh mắt. Cậu bé có thể bắt chước một vài hành động trong bài hát của mẹ cậu, và khi tôi gõ cửa vào nhà, cậu bé đã chạy ra ngay lập tức, mở cửa với mẹ, cười và nhìn thẳng vào tôi. Tôi hỏi mẹ cậu bé về việc cậu bé còn hay chơi với các con số không. Bà đã trở lời tôi rằng cậu không còn hứng thú với các con số nữa. Bà không còn thấy cậu bé chơi với các con số chút nào nữa, cũng như cậu bé không còn ngồi một mình trong phòng ngủ hay nhà kho. Cậu bé bây giờ chỉ quấn quanh bố mẹ và liên tục muốn tham gia vào các trò chơi với họ.
Chương này tập trung toàn bộ vào các trò chơi xã hội giữa 2 người – một dạng trò chơi xã hội nhằm tăng cường sự tiếp xúc và giao tiếp mắt, vui vẻ và giải trí cho bạn và trẻ! Chúng tôi giới thiệu những trò chơi được thiết kế để đem đến sự vui vẻ, cuốn hút và thoải mái cho con bạn, đó là các trò chơi xã hội cảm giác – cảm giác bởi vì nó giúp kích thích các cảm giác của trẻ; xã hội bởi vì nó giúp trẻ tương tác với người, không phải chơi với đồ vật hay dạy các kỹ năng phát triển nhận thức hoặc tự lập; và trò chơi vì thân thuộc và mục đích chính là tập trung vào các trải nghiệm xã hội với người, không phải với các đồ vật hoặc các phương pháp phát triển nhận thức khác hoặc các kỹ năng tự phục vụ; và trò chơi bởi vì những hoạt động này trở nên thân thuộc với trẻ – dễ dàng tiếp thu đối với trẻ, vì thế trẻ có thể nhanh chóng chủ động khởi xướng và đề nghị chơi.
Bạn có thể làm gì để tăng FQ – chỉ số vui vẻ
Ba bước sau có thể giúp bạn tìm thấy nụ cười để tăng cường khả năng học tập của con trong các trò chơi xã hội cảm giác cùng nhau:
Bước 1: Tìm kiếm sự nhịp nhàng trong các trò chơi xã hội cảm giác.
Bước 2: Xây dựng nội dung trò chơi
Bước 3: Tối ưu hóa năng lượng học tập của con bạn
Trong các trang tiếp theo, chúng tôi mô tả cách thức thực hiện các bước này, liệt kê các ý tưởng hoạt động, và gợi ý cách giải quyết các tình huống phát sinh.
Bước 1: Tìm kiếm sự nhịp nhàng trong các trò chơi xã hội cảm giác
Các trò chơi xã hội cảm giác (Sensory social routines) là các hoạt động mang tính xã hội cao mà bạn và trẻ tham gia một cách hào hứng, vui vẻ, mặt-đối-mặt. Những hoạt động này đòi hỏi tính tương tác cao (nhìn nhau chơi). Nghĩa là bạn và trẻ sẽ chờ đến lượt, giao tiếp bằng lời, cử chỉ, điệu bộ nét mặt để duy trì trò chơi. Không có người “dẫn dắt” trò chơi. Lần lượt, người này điều phối trò chơi, người kia làm theo và ngược lại. Bạn có thể xem trẻ điều phối khi bạn tạm dừng hoặc kết thúc một vòng chơi; trẻ sẽ làm gì đó để tiếp tục trò chơi. Đó chính là lượt chơi của bé hoặc lúc bé điều phối. Cuối cùng, đặc trưng của những hoạt động này không đòi hỏi sự tham gia của đồ vật (mặc dù đôi khi cũng có những ngoại lệ). Đây không phải là những trò chơi với đồ vật, mà là chơi với người. Trong các hoạt động xã hội cảm giác, mỗi một người chơi sẽ để ý, tập trung sự chú ý tới người kia. Có một sự phối hợp nhịp nhàng giữa 2 người tham gia trò chơi – người này tiến thì người kia lùi và ngược lại. Bạn bắt đầu, bạn tạm dừng, bé phản ứng, bạn tiếp tục, bạn tạm dừng, con bạn tiếp tục, cứ diễn ra như vậy.
Về cơ bản, các hoạt động xã hội cảm giác này dạy cho con cách “nói chuyện” bằng nét mặt và điệu bộ cơ thể – đó là những khởi nguồn quan trọng của giao tiếp, và con người có thể chia sẻ và đón nhận các cảm xúc mặt đối mặt. Trong các trò chơi xã hội cảm giác, bạn sẽ chia sẻ nụ cười, làm mặt xấu, thêm các hiệu ứng âm thanh và biểu đạt cảm xúc, và thu hút sự chú ý của con bạn vào nét mặt của mình. Việc tạo ra những hoạt động vui nhộn sẽ thúc đẩy con bạn giao tiếp và thể hiện hứng thú tiếp tục hoạt động đó, từ đó hình thành nền tảng giúp bé biểu đạt những ý nghĩa khác, như “Không làm điều đó nữa” hoặc “Tôi không chắc về điều đó.” Những hoạt động này có thể giúp trẻ điều chỉnh các cảm xúc, năng lượng và các mức độ kích thích của con bạn, nhờ đó trẻ sẽ chú ý tới bạn càng nhiều và sẵn sàng học từ bạn.
Hoạt động: Chọn 1 hoạt động giàu cảm giác và tìm kiếm Nụ cười!
Đầu tiên, lựa chọn một hành động – một dạng trò chơi vận động như cù léc, tàu bay hoặc nhún nhẩy; chơi trò “Con lợn éc” (vừa cầm ngón chân/ngón tay của trẻ vừa hát cho trẻ nghe bài hát trẻ yêu thích), hoặc chơi các trò chơi mặt đối mặt như ú òa hoặc các trò Đồng dao – bất cứ trò chơi nào thu hút sự quan tâm, chú ý của trẻ và mang đến nụ cười. Cố gằng tìm kiếm một hoạt động không liên quan tới đồ chơi hoặc đồ vật. Kết thúc bước này, chúng tôi cung cấp một vài ý tưởng để bạn có thể tìm được một loạt các trò chơi xã hội cảm giác để chơi với con mình.
Các ý tưởng để tìm kiếm nụ cười từ bé:
- Làm gì đó gây sự chú ý để bé tập trung vào bạn. Tiếp cận con bạn tại thời điểm khi bé không chú ý tới bất cứ gì. Ngồi cùng bé trên sàn nhà hoặc trên ghế nếu bé đang ngồi, hoặc nếu bé đang đi xung quanh, bạn có thể đứng ở đâu đó, lại gần, chạm vào bé, có thể bế bé lên và ôm lấy, quay tròn hoặc làm hành động hài hước gì đó.
Ban đầu, tôi gặp rất nhiều khó khăn khi cố gắng tìm kiếm một trò chơi xã hội cảm giác thú vị nào đó để cùng chơi với con. Tôi biết các tương tác xã hội đem lại nhiều lợi ích cho trẻ, nhưng thật khó để chơi trò đó với trẻ. Chỉ thử những trò đó với trẻ thôi thì chưa đủ, bởi con tôi dường như không thấy chút hứng thú nào đối với những trò mà tôi nghĩ là vô cùng thú vị. Và thế là tôi áp dụng kỹ thuât “làm theo hướng dẫn của con” ở chương 4 để nghĩ ra các trò chơi. Chúng tôi đã cùng chơi trò “quay tròn”, “bật nhảy”, “cù lét”, hoặc tất cả các trò tương tự khác một cách vui vẻ. Con tôi có vẻ không thích trò chui ra chui vào một cái lều, nhưng lại vô cùng thích ngồi lên một quả bóng. Khi trò chơi bắt đầu, tôi cố gắng kéo và cho cậu bé bay lên cao khiến cậu vô cùng thích thú, và nhờ đó cậu bé đã học được rất nhiều từ ngữ thể hiện yêu cầu của mình. Ban đầu, tôi cảm thấy hơi chút bối rối khi thực hiện những trò chơi này, nhưng sau một vài lần chơi, tôi cảm thấy dễ dàng và tự nhiên hơn nhiều.
- Trong khi gây sự chú ý của bé, và 2 người đang mặt đối mặt nhau, bắt đầu giới thiệu trò chơi với bé. Nhắc lại nhanh 2 hoặc 3 lần tên trò chơi một cách ngắn gọn nhất, kiểu như quay tròn, và tiếp theo dừng lại và chờ, quan sát trẻ và nhanh chóng trả cả 2 về vị trí sẵn sàng chơi tiếp. Nếu trò chơi kéo dài, ví dụ một trò chơi sử dụng các ngón tay trong khi hát, bắt đầu với lượt đầu tiên và di chuyển ngón tay. Làm điều đó một hoặc 2 lần. Tiếp theo, dừng lại, quan sát mong muốn của bé, quan sát xem liệu trẻ có muốn tiếp tục không.
- Tạm dừng trước điểm nút của trò chơi. Điểm nút (big event) là thời điểm gay cấn nhất của trò chơi. Nếu là trò quay tròn thì đó là lúc bạn bắt đầu quay. Nếu đang chơi cù léc, đó là thời điểm bạn bắt đầu cù. Nếu bạn đang chơi ú òa thì đó là thời điểm bạn chuẩn bị kéo tấm khăn khỏi đầu bạn hoặc bé. Tạm dừng ngay tại điểm nút và quan sát mong muốn của bé. Gây sự chú ý, rồi tiếp tục! Sau điểm nút, đảm bảo là bạn dừng lại, mỉm cười hoặc cười lớn để tăng thêm sự vui nhộn của trò chơi.
- Ở giai đoạn cuối của điểm nút, dừng lại, quan sát sự vui thích của trẻ, để tay và cơ thể bạn như thể là bạn chuẩn bị thực hiện lại và đợi. Đợi một vài hành động hoặc âm thanh từ bé thể hiện ý muốn bạn bắt đầu lại. Bất cứ dấu hiệu nhỏ nào – một biểu hiện lắc lư, ánh nhìn, một âm thanh nhỏ – thể hiện ý muốn tiếp tục của bé. Đợi một tín hiệu từ bé nói rằng bé muốn trò chơi tiếp tục. (Mong muốn của con bạn, tìm kiếm hoặc chờ cũng là một biểu hiện cho bạn có nên tiếp tục.) Khi bé ra tín hiệu, kết thúc trò chơi và sau đó tạm dừng lần nữa, và chờ đợi các tín hiệu tiếp theo. Tiếp tục như vậy cho đến khi bạn mệt hoặc sự tập trung của bé bắt đầu giảm dần. Chờ đợi các tín hiệu từ bé chính là cách để lôi kéo bé chủ động tham gia trò chơi và chủ động tương tác với bạn. Bây giờ, đó là trò chơi 2 người với sự tham gia tích cực của hai người hơn là trò chơi với một diễn viên và một người quan sát.
Lời khuyên hữu ích:
Bạn đừng bỏ qua bất kỳ tín hiệu nào của con thể hiện mong muốn tiếp tục trò chơi thêm nữa. Miễn là trẻ vẫn đang chú ý tới bạn, thì dù một tín hiệu nhỏ không lời cũng chính là giao tiếp giữa trẻ với bạn.
- Khi bạn hoặc bé bắt đầu thấy nhàm chán, hãy nói “Xong rồi, trò chơi kết thúc”. Ôm bé và kết thúc.
- Bạn nên nói gì trong lúc thực hiện các hoạt động? Âm nhạc là dễ nhất – hãy hát một bài kèm theo điệu bộ! Hãy cố kèm theo các điệu bộ mặc dù bạn thấy hơi chút khó khăn. Ví dụ với trò chơi quay tròn, cù léc, hay rượt đuổi, bạn có thể nói các câu như “Mẹ sắp tóm được con rồi” trong khi đuổi, hoặc “Con đâu rồi?” và “Òa” trong trò Ú òa; hay “Một, hai, ba bay” trong trò làm máy bay. Sử dụng cùng một câu nói lặp lại từ ngày này qua ngày khác. Điều đó giúp bé học cách chơi trò chơi và học sử dụng ngôn ngữ. Thông thường, trẻ con học ngôn ngữ qua những trò chơi này.
Nancy bắt đầu chơi trò xã hội cảm giác với con trai Devon 2 tuổi trong khi cậu bé ngồi thoải mái trên một chiếc ghế hạt đậu. Cô hát bài “Con nhện nhỏ xíu” (Itsy-bitsy spider) kết hợp với các động tác phù hợp với từng lời của bài hát. Khi Nancy hát “Con nhện nhỏ xíu bò lên ống nước” thì cô lấy tay làm động tác bò bò lên ngực của Devon. Rồi cô ngừng lại, Devon liền nhìn cô đầy ngụ ý. Khi cô hát đến đoạn “Trời mưa xuống và tắm sạch cho nhện con” thì cô dùng tay giả làm mưa rơi và kỳ sạch ngực cho Devon. Cô ngừng lại, Devon mỉm cười nhìn cô thật lâu thể hiện mong muốn mẹ tiếp tục chơi nữa. Cô giơ tay lên mặt và giả bộ làm mặt trời khi hát “Mặt trời rọi nắng (cô giơ tay giả vờ gạt các giọt mưa rơi trong không trung) và xóa tan cơn mưa”. Cuối cùng, cô lấy các ngón tay bò bò trên ngực cậu bé khi hát đoạn cuối “Và con nhện nhỏ xíu” – cô dừng lại chút, Devon lại nhìn cô, mỉm cười và nắm lấy tay cô khi cô kết thúc bài hát “lại tiếp tục trèo lên ống nước”.
Đây là một trò chơi xã hội cảm giác thú vị mà nhiều cha mẹ đã cùng chơi với con – và phần lớn trẻ con đều thích trò này. Devon đã mỉm cười, giao tiếp mắt với mẹ, và tóm lấy tay mẹ mỗi khi mẹ dừng lại – đây chính là lượt của cậu bé. Và tại sao cậu bé lại làm vậy ? Vì đó chính là một dạng giao tiếp hai chiều đầy hứng thú – mỗi người sẽ dành một lượt rồi lại dừng lại để xem lượt của người khác – 1 sự cân bằng trong tương tác ; cả hai đều có chung một “chủ đề” – cùng hứng thú và chia sẻ với nhau nụ cười, hành động, ánh mắt, cử chỉ và giọng nói đầy vui thích. Đây chính là những cảm xúc thực sự và tích cực giữa hai người chơi, họ đang cùng nhau nói một thứ ngôn ngữ cảm xúc “Đây quả là một trò chơi chung tuyệt vời”.
Lời khuyên hữu ích:
Ở đây sự lặp lại chính là yếu tố quan trọng. Trò chơi càng quen thuộc bao nhiêu, thì càng trở thành một “thói quen” với trẻ và trẻ càng có thể chủ động tham gia tích cực vào trò chơi bấy nhiêu, và do đó trẻ sẽ học hỏi được càng nhiều hơn. Đó chính là lý do Devon tương tác với mẹ mỗi khi mẹ cậu bé dừng lại vì cậu bé đã đoán được điều gì sẽ xảy ra khi mẹ dừng lại.
- Khi bạn giới thiệu một hoạt động xã hội cảm giác mới, bé có thể cảm thấy mơ hồ, không rõ ràng. Hãy diễn đạt từng hành động riêng biệt, bằng cách bắt đầu và kết thúc các hoạt động vài lần, như thế bé sẽ hiểu được hoạt đọng là gì và có thể mong chờ điều gì từ hoạt động này. Trẻ con thường không thể hiện sự thỏa mãn ngay với một hoạt động mới. Thường chúng còn tỏ ra không quan tâm tới trò chơi. Bạn cần lặp đi lặp lại các hoạt động giới thiệu trò chơi. Tuy nhiên nếu trẻ vẫn đề phòng, bạn cần làm lại nhẹ nhàng, chậm để bé có thể thấy được điều gì sắp đến và không trốn tránh hoạt động đó. Nhưng, nếu bé thể hiện một cách rõ ràng là không thích (quay đi, sợ hãi, giận dữ,…) hãy dừng trò chơi và chuyển sang các hoạt động vui vẻ, gần gũi, quen thuộc với bé.
Nếu bé chưa tham gia trò chơi nào, bạn cần phải tạo ra hứng thú cho bé tham gia. Dưới đây là một vài ý tưởng:
- Khi tắm: có thể tạo các trò chơi với xà phòng, các đồ chơi phòng tắm (ca múc nước, con vịt, quả bóng,…)
- Thay đồ: có thể chơi trò ú òa với con trong khi thay đồ, dùng các quần áo của trẻ để chơi trước khi mặc cho trẻ. Hoặc có thể chơi các trò với ngón chân trước khi đi tất hoặc tháo tất cho trẻ hoặc khi rửa chân tay trong phòng tắm.
- Mát xe nhẹ nhàng chân và cánh tay của trẻ. Làm như vậy cũng tốt cho sức khỏe của trẻ.
- Ôm ấp, vuốt vẻ trẻ nhẹ nhàng trên ghế, trong giường ngủ hoặc đặt gối trên người trẻ khi chơi với con ở trên giường.
Một vài trò chơi xã hội cảm giác cho bạn lựa chọn:
Các trò chơi và bài hát mà không cần đồ chơi | Biểu cảm mặt và giọng nói |
Ú òa
Đuổi bắt “Đuổi theo mẹ/Bắt được rồi” Trò máy bay – cho trẻ bay lên Kéo cưa lừa xẻ Chi chi chành chành Con cua đá Nhảy theo nhạc “The Noble Duke of York” “Where Is Thumbkin?” “This Little Piggy” “Round and Round the Garden” “So Big” “Itsy-Bitsy Spider” “Open, Shut Them” “London Bridge” “Twinkle, Twinkle, Little Star” “Ring-around-the-Rosy” “The Wheels on the Bus” “If You’re Happy and You Know It” “Way Up in the Sky” P/S: Ở Việt Nam, có thể sử dụng các bài Đồng dao để chơi cùng trẻ. |
Dùng tay bẹo má bạn
Thổi phù miệng Mặt xấu Làm miệng chuột chít Thổi phù lên chân, tay và bụng trẻ Giấu mặt bạn trong trò Ú òa Hò Huýt sáo Lè lưỡi thụt lưỡi Kéo tai bạn và kêu: “Hông hông” Kéo tai và lè lưỡi, bóp mũi và lè lưỡi kèm theo các âm thanh gây chú tới trẻ. |
Tổng kết bước 1
Nếu bạn theo dõi, quan sát và để ý tới các hoạt động, bạn chắc chắn có ý tưởng cho các trò chơi xã hội cảm giác mà bé thích, và bạn có thể lên kế hoạch trước. Một vài trẻ thích các trò chơi thiên về vận động như quay tròn, đuổi bắt. Một số khác lại thích các trò chơi liên quan tới xúc giác như: “Round and Round the Garden”, đếm ngón tay, cù léc. Bạn có lẽ đã thuần thục với các bước của trò chơi – các bước, bắt đầu, tạm dừng, … và tiếp tục lặp lại trò chơi. Hàng ngày, hãy xây dựng và thực hiện các trò chơi lặp đi lặp lại từ 5 tới 10, 20 lần.
Xem danh sách dưới đây và kiểm tra với bé của bạn xem. Nếu được, bạn đã có thể tạo ra các trò chơi xã hội cảm giác để chơi cùng bé rồi. Nếu không, hãy tiếp tục các trò chơi khác; bé cần nhiều hoạt động để khám phá, và học hỏi.
Danh sách các hoạt động: Bạn đã thực sự tìm thấy sự phối hợp nhịp nhàng trong các trò chơi xã hội cảm giác giữa bạn và con?
____ Tôi biết các trò chơi xã hội cảm giác đem lại nụ cười và sự hứng thú cho con?e.
____ Tôi đã tìm ra khoảng cách thích hợp cho mình để có thể mặt đối mặt với con khi chơi những trò chơi này?
____ Khi tôi bắt đầu trò chơi, con tôi thường nhìn và mỉm cười với tôi?
____ Khi tôi dừng lại giây lát trước các điểm nút trong trò chơi, con tôi háo hức đợi tôi tiếp tục trò chơi.
____ Khi tôi dừng trò chơi, con tôi chủ động bảo tôi tiếp tục trò chơi bằng cách nhìn tôi, nói với tôi, chạm vào tôi hoặc một vài cử chỉ khác thể hiện mong muốn tiếp tục.
____ Tôi đã tạo được sự hứng thú của con trong một vài trò chơi mới bằng cách chơi với con liên tiếp trong một vài ngày.
Bước 2: Thêm yếu tố mới làm phong phú các trò chơi xã hội cảm giác
Nguyên tắc cơ bản. Có những hoạt động mang tính lặp đi lặp lại và khi bé đã biết, chúng có thể không còn thấy hứng thú nữa. Những dấu hiệu ban đầu là trẻ sẽ giảm dần sự quan tâm trong trò chơi, bao gồm giảm những đáp ứng khi bạn tạm dừng trò chơi, quay đi khi đến lượt và thay đổi ngôn ngữ cơ thể (từ chủ động sang bị động hoặc từ bị động sang kích động). Để đảm bảo bạn không làm giảm hiệu quả của các hoạt động này, hãy thêm các yếu tố mới vào trò chơi, khuyến khích trẻ tiếp tục tham gia trò chơi, làm phong phú thêm trò chơi đủ để giữ cho trẻ hào hứng, lựa chọn thời gian phù hợp và sử dụng thêm đồ vật trong trò chơi nhằm kéo dài sự hứng thú của trẻ.
Hoạt động: Luôn sáng tạo trong quá trình chơi và làm phong phú các trò chơi xã hội cảm giác
Dưới đây là một vài ý tưởng:
- Giữ sao cho lượt của bạn thật nhanh, sao cho bé có nhiều cơ hội hơn để phản hồi. Lý tưởng là bé sẽ có cơ hội để tương tác lại sau 5-10 giây. Nếu lượt của bạn quá lâu, sự tương tác sẽ mất cân bằng. Trẻ sẽ cảm thấy nhàm chán hoặc sẽ ít nhất giao tiếp của bé không đủ lâu để đạt được hiệu quả trong trò chơi này.
- Thận trọng! Cần tránh các tình huống mà bạn làm cho trẻ cười đùa bằng giải trí đơn thuần, và con bạn cười đùa nhưng thụ động quan sát và xem bạn làm tất cả các bước của trò chơi. Thay vào đó, con bạn cần phải ở trạng thái cân bằng, giao tiếp qua lại với bạn, thông qua vận động, điệu bộ cử chỉ, ánh mắt, âm thanh, từ ngữ hoặc bất kỳ tín hiệu nào khác. Mục tiêu ở đây là giúp bé chủ động tham gia vào các hoạt động giao tiếp bằng một vài cách, thậm chí chỉ là một cái liếc nhìn nhằm chủ động phản hồi về việc tiếp tục một trò chơi tương tác xã hội. Bạn cần bắt đầu, tạm dừng và chờ đợi, trao cơ hội cho bé đón nhận lượt của mình một cách hào hứng, chủ động. Hãy kiên nhẫn và chờ phản hồi từ trẻ.
- Ngay khi bé tỏ ra vui thích, chủ động tham gia và nhận thức được một trò chơi thân thuộc nào đó, hãy tiếp tục thêm các trò chơi khác. Bài hát đơn giản kèm theo chuyển động tay có thể rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ, vì nhiều lý do sau: ngôn ngữ lặp lại làm cho trẻ dễ đoán hơn, có sự chia sẻ xã hội trong trò chơi giữa bạn và trẻ, các cử chỉ của bạn sẽ giúp trẻ tăng cường khả năng bắt chước bạn. Mục tiêu ở đây là xây dựng từ 10 – 20 trò chơi xã hội cảm giác khác nhau cho trẻ và trẻ có thể chơi được với nhiều người khác nhau.
- Hãy cố gắng tìm ra nhiều khoảng thời gian trong ngày để xây dựng các trò chơi xã hội cảm giác. Đan xen các trò chơi vào tất cả 6 hoạt động của trẻ hằng ngày. Bên cạnh lúc tắm, thay quần áo, thì lúc thay tã cũng là thời điểm thích hợp để bạn có thể chơi trò thổi vào bụng bé, lắc lư chân bé, ú òa, hay cù léc với trẻ. Cố gắng chơi 1 trò nào đó trong khi thay tã hoặc trẻ ngồi bô. Bữa ăn cũng là một thời điểm thích hợp để bạn chơi trò mặt xấu hoặc tạo ra âm thanh biểu cảm với đồ ăn hay đồ uống, nếu bạn và bé ngồi cùng bàn ăn. Tốt nhất là bạn ngồi đối diện bé, mặt đối mặt và ngang tầm để bé có thể dễ dàng quan sát nét mặt của bạn. Đưa cho trẻ ít thức ăn hay đồ uống của bạn. Khi trẻ bắt đầu ăn hay uống đồ bạn vừa đưa cho, hãy bắt trước trẻ và thêm vào đó các âm thanh biểu cảm như: tiếng ực ực hay tiếng miệng nhai, tiếng khen “ngon” hay “tuyệt”. Hãy quan sát xem trẻ có tỏ ra hào hứng với bạn không. Nếu trẻ tỏ ra hào hứng, hãy làm lại. Tiếp tục cho trẻ ít đồ ăn, và cố gắng bảo trẻ đút cho bạn 1 miếng. Tạo nét mặt biểu cảm hay bất cứ phản ứng thích hợp nào khi trẻ đút cho bạn ăn. Một vài trẻ nghĩ rằng thật thú vị khi cha mẹ lấy chai đồ uống của trẻ và uống – miễn sao trả lại cho trẻ ngay sau đó. Hãy chắc chắn rằng những trò chơi này lặp lại một vài lần, vì vậy trẻ có thể định hình và mong đợi điều gì xảy ra tiếp theo. Việc phóng đại các âm thanh, biểu cảm nét mặt, phản ứng của bạn khi trò chuyện cùng trẻ thường sẽ thu hút đặc biệt sự chú ý của trẻ tự kỷ (và ngay cả với trẻ bình thường) tham gia trò chơi với bạn, bắt chước bạn và tìm thấy sự hài hước trong trò chơi.
- Khi bạn thấy các hoạt động có dấu hiệu nhàm chán do lặp đi lặp lại, cố gắng thay đổi bằng cách thêm vào các yếu tố mới như âm thanh, hành động hoặc đôi khi là thêm người chơi, cố gắng giữ cho trò chơi kéo dài.
Alexis và bố cô bé đang chơi trò “Chạy vòng tròn” trên sàn nhà. Cô bé thích thú nhất với việc chạy vòng quanh bố, rồi ngã lăn ra (giao tiếp của cô bé), sau đó cười và nhìn bố cô bé cũng ngã lăn ra giống cô bé (chia sẻ nụ cười), rồi tự đứng dậy và nắm tay bố cô (thể hiện mong muốn tiếp tục trò chơi). Tuy nhiên, sau một vài lượt chơi, cô bé nằm lăn ra sàn và không nắm tay bố cô nữa. Bố biết lúc đó cô bé đã chán trò chơi, vì thế bố thay vì dừng trò chơi, ông ta liền nói “Hãy kéo tay chị gái nào”. Chị gái Tessa 8 tuổi của cô bé vội nhìn, nhưng bố đã đưa Alexis tới chỗ Tessa (đang ngồi đọc sách), nắm tay Tessa tạo vòng tròn. Bố cô bé giúp Alexis nắm tay Tessa, và họ chơi thêm trò chơi 3 lượt nữa. Alexis hào hứng xem cả ba ngã lăn ra, và cô bé kéo tay Tessa tiếp tục. Tessa nói “hãy kéo tay bố” và chỉ ra chỗ bố. Alexis nhìn bố và kéo tay ông, rồi 3 bố con lại tiếp tục chơi trò chơi thêm 3 lần nữa.
Việc thêm người cùng chơi đã làm cho Alexis hào hứng và có động lực để tiếp tục trò chơi, và điều đó làm cô bé có thêm cơ hội để học. Bố cố bé cũng có thể lấy thêm một con thú nhồi bông và giả làm người cùng chơi, hoặc ông cũng có thể đặt 1 đồ vật nhỏ (thú nhồi bông hay cái gối) nằm giữa vòng tròn. Những hoạt động thêm này giúp trẻ thêm chú ý tới bạn, do vậy hãy cố gắng thêm các nội dung mới vào trò chơi.
- Nhận biết khi nào cần thực sự kết thúc trò chơi. Khi thấy bé phản hồi một cách hời hợt và việc thêm vào các yếu tố mới không có hiệu quả, tức là đã đến lúc kết thúc trò chơi và chuẩn bị cho trò chơi hoặc hoạt động khác.
Hoạt động: Bạn cần biết khi nào thì sử dụng đồ vật trong các trò chơi xã hội cảm giác
Các trò xã hội cảm giác thường không cần phải có đồ vật. Trong các bài hát, các trò chơi với ngón tay, trò chơi xã hội, trò chơi vận động, việc bạn giữ vị trí của mình sao cho mặt đối mặt với trẻ là cần thiết để thu hút sự chú ý của trẻ tới nét mặt bạn và tới việc giao tiếp với bạn.
Tuy nhiên, bạn cũng có thể thêm vào các đồ vật trong quá trình thực hiện các hoạt động này. Các đồ vật sẽ hỗ trợ mục tiêu của các hoạt động – giúp cho trẻ tập trung hoàn toàn vào nét mặt và cơ thể bạn – vì thế trẻ sẽ mỉm cười và thể hiện sự hào hứng tiếp tục trò chơi. Đồ vật sử dụng phải là đồ vật đặc biệt sẽ hỗ trợ cho việc tập trung của trẻ, nếu không thì tốt nhất là nên cất đi. Vì lý do này, một nguyên tắc khi sử dụng đồ vật trong các hoạt động xã hội cảm xúc là bạn phải là người duy nhất được cầm chúng, trẻ không được cầm hoặc sử dụng đồ vật (vì đó sẽ là nguyên nhân làm trẻ mất tập trung).
Đồ vật như bong bóng, bóng bay (không cho trẻ cầm bóng bay vì có thể sẽ rất nguy hiểm với trẻ), chong chóng, còi, con quay, cái sáo, quả bông đều là những vật dụng lý tưởng trong các trò chơi xã hội cảm giác. Ngoài ra bạn có thể sử dụng đồ chơi vặn cót, kèn, lò xo xoắn ốc Slinky, súng đồ chơi, bình xịt nước, dầu mát xa, và khăn choàng.
Lời khuyên hữu ích:
Hãy cố chọn một vài đồ vật mà con bạn chưa biết cách tự sử dụng đồ vật đó. Bằng cách đó, bạn có thể giữ đồ vật, và trẻ sẽ cần tới sự hỗ trợ của bạn để có thể sử dụng đồ vật đó.
Dưới đây là một vài ý tưởng sử dụng đồ vật trong các hoạt động xã hội cảm giác:
- Khi bạn sử dụng đồ vật, bạn sẽ không để cho trẻ có lượt sử dụng chúng. Bạn là người duy nhất sử dụng. Bạn bắt đầu hoạt động bằng cách làm gì đó với đồ vật để tạo ra một hiệu ứng gây chú ý. Quan sát trẻ: Bạn hi vọng sẽ thấy bé cười, thích thú hay muốn tiếp cận bạn hoặc đồ vật. Nếu bé cảm thấy sợ hoặc không hứng thú, hãy dừng lại và chờ đợi. Sau đó hãy lặp lại hành động nhưng thật chậm, nhẹ nhàng và đảm bảo khoảng cách với trẻ. Tiếp tục quan sát, nếu trẻ vẫn lo lắng, sợ sệt, không quan tâm hoặc bỏ đi, hãy cất đồ vật đó đi và chuyển sang hoạt động khác.
- Nếu bé cười, tiếp cận bạn hoặc đồ vật và có vẻ hứng thú với đồ vật, hãy lặp lại hoạt động và dừng. Chờ bé giao tiếp với bạn theo một cách nào đó thế hiện ý muốn bạn thực hiện lại hoạt động. Khi bạn nhận được tương tác từ bé (như chăm chú, lại gần, cười, đòi…), bạn hãy nói “Con muốn mẹ thổi bong bóng nữa à?” hay câu gì tương tự và bạn tiếp tục trò chơi. Hãy tiếp tục trò chơi thêm một vài lần nếu trẻ vẫn muốn. Đây cũng chính là chờ lượt: chờ lượt để giao tiếp. Bạn chơi đồ chơi, trẻ giao tiếp, và bạn lại chơi đồ chơi.
- Lý tưởng nhất là con bạn chạy tới bạn ngay lập tức, láy đồ chơi, nhìn bạn ý muốn chơi tiếp, với tay hay mặt bạn, hoặc có hành động tương tự khác. Nếu con bạn không thể hiện ra như vậy, bạn hãy đưa đồ chơi cho trẻ và khuyến khích trẻ lại gần hơn. Đây là một hoạt động mà khoảng cách giữa bạn – trẻ khá gần do vậy cần nhiều vui nhộn và hứng thú giữa 2 người. Đó cũng chính là hoạt động giao tiếp tích cực cần dạy cho trẻ, và trong các chương tiếp theo chúng tôi sẽ giúp bạn nhiều ý tưởng để có thể dạy trẻ các cách thể hiện mong muốn của trẻ trong các trò chơi xã hội cảm giác.
- Bạn nên nói gì trong các trò chơi xã hội cảm giác? Giống như trước đó, bạn nên miêu tả những câu đơn giản khi mỗi hoạt động diễn ra. Bạn nên thêm một vài từ ngữ và âm thanh trong khi chơi. Ví dụ trong trò thổi bong bóng xà phòng, bạn có thể nói “Con có muốn thổi tiếp không? Mẹ thổi nữa nhé? Thổi nè!. Bắt bong bóng đi. Bộp, bộp. Con có thích lấy bong bóng không? Hãy lấy chúng đi nào. Bộp,…”, bạn hãy nói trong khi trẻ đang chơi bong bóng. Hãy sử dụng các câu giống nhau khi bạn chơi cùng một trò chơi. Hãy nhấn mạnh tên đồ vật, tên hành động mà bạn đang làm, tạo hiệu ứng âm thanh và các khẩu lệnh ngắn như “Một, hai, ba” hoặc “Sẵn sàng, chơi nào”. Hãy thêm các hiệu ứng âm thanh, cử chỉ, biểu cảm nét mặt,… để làm trò chơi thêm vui nhộn và hào hứng đối với cả bạn và trẻ. Hãy thật sôi nổi lên: hãy cường điệu hóa. Hãy quan sát phản ứng của trẻ để bạn biết mình cần phải sôi nổi, vui nhộn, hoạt náo thế nào mà không cần phải cường điệu quá mức cần thiết – một điểm mà chúng tôi sẽ sớm thảo luận với bạn trong phần tiếp theo.
Lời khuyên hữu ích
Chúng tôi không muốn nhấn mạnh quá mức tầm quan trọng của việc bạn là người duy nhất giữ đồ vật trong khi chơi. Nếu trẻ thực sự muốn có đồ vật đó, bạn có thể đưa trẻ và hướng dẫn trẻ sử dụng nó hơn là bạn khăng khăng cầm nó. Đừng biến đây thành một cuộc tranh giành đồ với trẻ. Tốt hơn là bạn có thể kết thúc trò chơi bằng việc cất đồ vật đó đi hoặc đưa cho trẻ chơi nếu bạn không muốn một cơn bùng nổ xảy ra. Bạn sẽ vẫn còn những lần khác để chơi với trò này mà.
Các đồ vật có thể sử dụng trong trò chơi
- Thổi bong bóng xà phòng
- Bóng bay— vừa thổi bóng bay vừa đếm “Một, hai, ba bay” và hãy thả bóng bay bay trong phòng (tuy nhiên, cẩn thận vì bóng bay có thể làm cho trẻ bị thương)
- Chong chóng—thổi để làm quay chong chóng
- Quả bông – lắc trên tay, đặt lên đầu, thổi,…
- Các đồ mặc: chuỗi hạt, kính, mũ, vòng đeo tay, hoặc đồng hồ
- Kem- thoa một lượng nhỏ kem dưỡng da lên cơ thể của trẻ, và mát xa
- Chiếc khăn, trốn mặt ở khăn hoặc trùm khăn lên trẻ
- Chăn- quấn quanh trẻ như kẹo bánh mỳ
- Ú òa với dụng cụ tạo âm thanh (sắc xô)
- Bập bênh với ghế hơi, đệm, bóng to, ngựa gỗ (giúp con có thể lắc lư trên đó)
- Giả làm máy bay – đặt trẻ lên chân bạn và cho bay lên cao
- Trò chơi té nước trong bồn tắm
- Lấy ống hút thổi sủi bọt trong bồn tắm
- Sáo và các loại đạo cụ.
Hoạt động: Lựa chọn giữa Chơi đồ chơi hay Chơi trò xã hội cảm giác
Vì các trò chơi xã hội cảm giác tăng cường khả năng tương tác xã hội và cảm xúc, do đó các trò này chiếm phần quan trọng trong tất cả các tương tác giữa trẻ và bạn. Khi bạn chơi với trẻ, hãy để ý xem nên lựa chọn chơi đồ chơi hay chơi trò xã hội cảm giác. Chơi đồ chơi giúp trẻ tăng cường kỹ năng tư duy, bắt chước, phối hợp tay với cơ thể và các kỹ năng chơi phức hợp. Chơi trò xã hội cảm giác giúp trẻ cỉa thiện kỹ năng xã hội, giao tiếp, đọc hiểu cảm xúc và bắt chước. Việc lựa chọn chơi đồ chơi hay chơi trò xã hội cảm giác cần đảm bảo:
- Trẻ học nhiệt tình, tích cực và hào hứng hơn;
- Trẻ học toàn diện các lĩnh vực phát triển của trẻ;
- Luân phiên và phản hồi qua lại trong các hoạt động;
- Trẻ cải thiện kỹ năng xã hội và hòa nhập tốt hơn.
Bạn cũng lưu ý thêm, thời điểm kết thúc trò chơi xã hội cảm giác có thể sẽ lý tưởng để chuyển sang hoạt động chơi với đồ vật. Hoạt động này sẽ giúp cả bạn và trẻ được nghỉ ngơi sau khi nhiệt tình tham gia trò xã hội cảm giác. Đôi khi trẻ sẽ phản đối việc kết thúc trò chơi xã hội cảm giác, thật là tốt vì điều đó chứng tỏ trẻ thực sự thích trò này. Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy nên kết thúc (ví dụ bạn quá mệt, hoặc trò này lặp lại quá nhiều lần) nhưng con bạn vẫn muốn tiếp tục, thì bạn có thể nhẹ nhàng đưa ra đồ vật mới để hướng dẫn trẻ chơi hoặc cùng trẻ ăn nhẹ đồ ăn gì đó, chuyển sự chú ý của trẻ sang đồ vật hoặc đồ ăn sẽ giúp bạn có thể kết thúc trò chơi xã hội cảm giác.
Trò chơi xã hội cảm giác kéo trẻ tự kỷ trở lại thế giới xung quanh và cảm thấy thích thú với các tương tác xã hội. Đó là một phần rất quan trọng trong nội dung tăng cường giao tiếp xã hội khi can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ của chúng tôi, và cũng đã được sử dụng đa dạng trong các phương pháp can thiệp khác.
Tóm tắt Bước 2
Nếu bạn đã thực hiện các hoạt động ở trên, bạn đã không chỉ xây dựng được vài loại hoạt động, trò chơi khác nhau mà bạn còn có thể nắm được khi nào và làm thế nào để xây dựng một trò chơi xã hội cảm giác. Bạn cũng biết được cách thêm vào các yếu tố làm phong phú trò chơi cũng như khi nào thì cần kết thúc trò chơi và chuyển sang các trò mới. Dưới đây là danh sách các câu hỏi để biết liệu bạn đã nắm vững và thực hiện tốt bước 2:
____ Tôi và con đã chơi nhiều hơn 10 trò chơi xã hội cảm giác, kèm theo bài hát và sử dụng các ngón tay.
____ Tôi chơi các trò chơi xã hội cảm giác với con trong hầu hết các hoạt động chơi và chăm sóc trẻ hằng ngày.
____ Con tôi chủ động chơi, không bị động hay chỉ ngồi quan sát tôi chơi. Con tôi phản ứng lại bằng một vài cách để thể hiện mong muốn tiếp tục khi tôi tạm dừng các trò chơi.
____Tôi đã nắm được cách để làm phong phú các trò chơi, tạo thêm các yếu tố mới trong quá trình chơi để giữ cho trẻ hào hứng tham gia.
____ Tôi có thể dễ dàng tường thuật và sản xuất các kịch bản đơn giản cho các trò chơi.
____ Tôi biết được khi nào con chán chơi và thời điểm nên kết thúc trò chơi trước khi con tôi quay mặt đi, tức giận hoặc phản ứng từ chối.
____Tôi đã học cách chơi một vài trò chơi xã hội cảm giác có dùng đồ vật.
____ Tôi và con tôi đã biết luân phiên khi chơi đồ chơi hay chơi trò xã hội cảm giác.
Lời khuyên hữu ích:
Lần tới khi chơi một trò chơi với trẻ, bạn canh chừng với các dấu hiệu cho thấy trẻ hào hứng quá mức, và hãy cố gắng chơi nhẹ nhàng hơn trước khi trẻ quá mức hưng phấn. Bạn muốn trẻ chủ động tham gia một cách nhiệt tình, nhưng không được hưng phấn quá mức, điều này sẽ khiến trẻ bị hạn chế khả năng học hỏi thông qua trải nghiệm trò chơi.
Bước 3: Tối ưu năng lượng học tập của trẻ
Bước cuối cùng của chương này liên quan đến việc giúp trẻ tìm thấy nguồn năng lượng tốt nhất cho việc học từ bạn trong các hoạt động vui vẻ.
Nguyên tắc cơ bản: Trẻ trong trạng thái hưng phấn quá mức hoặc thụ động không phải là trạng thái tốt cho học hành. Việc học sẽ đem lại hiệu quả khi trẻ tích cực và hào hứng tham gia – chứ không phải khi trẻ mệt mỏi, thụ động hoặc lảng tránh, hay khi trẻ quá hưng phấn, quá kích động, sôi nổi quá tới mức không kiểm soát được bản thân. Việc xem xét kỹ càng các dấu hiệu cho thấy trẻ đang quá hưng phấn hay trẻ đang thụ động, và có giải pháp phù hợp thông qua các trò chơi xã hội cảm giác nhằm tối ưu hóa năng lượng học tập của trẻ là điều rất quan trọng.
Hoạt động: Giảm nhẹ các hoạt động khi bé có dấu hiệu hưng phấn quá mức
Có thể bạn đã có kinh nghiệm trong việc chơi với con hoặc với những trẻ khác và làm cho chúng “dần trở nên hào hứng” với các hoạt động hấp dẫn của bố mẹ. Thật vui khi thấy trẻ bắt đầu cảm thấy hào hứng và tham gia một cách đầy năng lượng vào các trò chơi. Nhưng, có một thời điểm nào đó trẻ bỗng nhiên không lắng nghe bạn, không phản hồi bạn, mà thay vào đó trẻ trở nên bị kích động. Đó chính là thời điểm trẻ đang hưng phấn quá mức. Trẻ tạm thời trở nên khó kiểm soát bản thân và hành vi của chúng. Trẻ có thể bắt đầu chạy vòng quanh, la hét, hay trở nên hung hăng. Điều này có thể dẫn đến tình huống trẻ sẽ bị phạt và cha mẹ trở nên tức giận trong khi đang chơi với trẻ hoặc trẻ đang chơi với anh chị em của chúng.
Dưới đây là một vài biện pháp để đối phó với tình huống này:
- Chơi một cách nhẹ nhàng ở thời điểm thấy trẻ bắt đầu có dấu hiệu kích động. Bạn không cần phải dừng trò chơi, chỉ cần nhìn bé nhẹ nhàng, chậm rãi và bình thản. Bạn sẽ thấy bé bắt đầu dịu dần.
- Bạn có thể sử dụng các hoạt động xã hội cảm giác để giúp bé điều chỉnh. Trẻ bị kích động hoặc hưng phấn quá mức trong những tình huống như thế này thường sẽ dịu lại trong những trò chơi xã hội cảm giác nhẹ nhàng hơn. Những trò chơi xã hội cảm giác nhẹ nhàng như bập bênh, ôm ấp, vuốt ve hay xoa nhẹ đầu/lưng trẻ có thể sẽ giúp trẻ khỏi cơn tức giận, hoảng sợ hay thất vọng. Những trò này có thể kết hợp cùng với các bài hát nhẹ nhàng, chậm rãi, hoặc bạn có thể nói những câu an ủi ngắn gọn như: “Con ngoan nào, không sợ, con thấy tốt hơn rồi phải không, …”
Hoạt động: Tìm cách thúc đẩy năng lượng của trẻ thụ động
Đối với những trẻ thụ động, luôn buồn chán, không quan tâm tới xung quanh, không phản hồi với tương tác của bạn cũng như các hoạt động xung quanh thì khó học hỏi hơn là trẻ bị kích thích quá mức. Những trẻ này có xu hướng ngồi hoặc nằm hơn là di chuyển xung quanh như các trẻ khác – những đứa trẻ gần như không chịu ngồi yên một lúc. Biểu hiện trên nét mặt của những trẻ này lúc nào cũng bình thường; và thật khó khăn khi biết được cảm xúc của trẻ qua nét mặt hoặc ngôn ngữ cơ thể. Trẻ thường có cảm giác mệt mỏi. Trẻ có thể thực hiện một hành động trong một khoảng thời gian dài mà không thay đổi tư thế – xem hai bàn tay, nhìn ra ngoài qua cửa sổ.
Dưới đây là một vài ý tưởng giúp trẻ “phấn chấn” hoặc “tạo năng lượng” cho trẻ thụ động bằng các trò chơi xã hội cảm giác vui nhộn sau:
- Các trò yêu cầu trẻ di chuyển nhanh bằng các hoạt động nhảy, lắc người, quay vòng hoặc sử dụng các bước nhảy nhanh kèm nhạc vui nhộn.
- Các trò đòi hỏi động chạm mạnh hơn, nói to hơn với nhiều xúc cảm hơn.
- Các trò đòi hỏi vận động cơ thể nhanh và mạnh như: nhảy nhanh trong lòng bạn hoặc trên một quả bóng lớn, nhảy dập dềnh trên một tấm bạt nhún lò xo.
- Các trò kích thích thính giác và thị giác.
- Các trò mát xa cơ thể trẻ như: bóp chân tay, thoa kem, cởi tất xoa chân cho trẻ, quấn chăn quanh trẻ, lắc lư trẻ trên chiếc ghế hạt đậu, thổi phù tay/chân/bụng trẻ. Tuy nhiên, bạn hãy cẩn thận với những trò này: trẻ cũng có thể phấn chấn hơn, nhưng cũng có thể trở nên thụ động hơn. Nếu trẻ tỏ ý muốn tiếp tục thì bạn hãy thực hiện tiếp, còn không thì bạn nên kết thúc trò chơi.
Tổng kết Bước 3
Chúng ta đã cùng xem xét các giải pháp phù hợp khi trẻ trở nên quá hưng phấn hoặc quá thụ động bằng các trò chơi xã hội cảm giác. Bạn có lẽ đã quan sát bé trở nên hưng phấn quá mức, hoặc gào khóc, và trở nên kích động hoặc thiếu tổ chức trong một vài hoạt động. Với những tình huống như thế, chắc hẳn bạn đã cùng trẻ chơi những trò chơi xã hội cảm giác nhẹ nhàng, giúp trẻ dịu lại, tránh được hoặc sớm thoát khỏi trạng thái quá kích động đó của trẻ. Hoặc bạn cũng đã quan sát một đứa trẻ nhút nhát, lười vận động, không có cảm xúc với các tương tác xã hội. Chúng tôi hi vọng rằng bạn đã sử dụng các trò chơi xã hội cảm giác để lôi kéo, thu hút trẻ hào hứng tham gia – giúp trẻ cười nhiều hơn, vận động nhiều hơn, cải thiện hơn các kỹ năng xã hội, chú ý tới bạn nhiều hơn, vui nhộn hơn và nhiều cảm xúc hơn.
Hãy xem danh sách các điều kiện dưới đây. Nếu bạn đã thực hiện được, bạn đã sẵn sàng cho chương tiếp theo. Nếu bạn chưa để ý nhiều đến các phương pháp này, khi quan sát trẻ, hãy thử thực hiện khi chúng bị kích động hoặc trầm uất, cố gắng sử dụng các hoạt động xã hội cảm giác để giúp chúng điều hòa trạng này.
Dưới danh là danh sách các hoạt động: Bạn đã tối ưu năng lượng cho con bạn trong việc học chưa?
______Tôi đã ngày càng cảm nhận rõ các trạng thái tinh thần của trẻ khi chơi các trò khác nhau.
_______Tôi có thể thấy khi nào bé kích động quá, thụ động quá hay đang có tâm trạng tốt để học tập và tương tác.
_______Tôi đã biết cách sử dụng các hoạt động xã hội cảm giác để giúp con mình trở nên dịu hơn, kiểm soát bản thân tốt hơn khi trẻ rơi vào trạng thái kích động.
______ Tôi đã biết cách quản lý các hoạt động để giữ cho bé khỏi các trạng thái kích động quá mức trong khi chơi các trò chơi xã hội.
_______Tôi đã biết cách sử dụng các hoạt động xã hội cảm giác để giúp đứa con nhút nhát (low-key child) trở nên hưng phấn hơn và thêm hào hứng tham gia vào các hoạt động.
_______ Tôi hiểu thế nào là một trạng thái tốt của bé khi tham gia trò chơi và tôi biết cách sử dụng các hoạt động xã hội cảm giác để tạo ra và duy trì trạng thái đó trong vài phút hoặc lâu hơn.
Tóm tắt chương
Các trò chơi xã hội cảm giác giúp bạn và giúp trẻ ở một số mặt sau: tăng Chỉ số vui vẻ (FQ- Fun Quotient) trong khi trẻ chú ý tới bạn, giúp trẻ tham gia lâu hơn vào các tương tác xã hội; tăng cường khả năng giao tiếp của trẻ trong các hoạt động; và tối ưu hóa năng lượng học tập của trẻ. Do các hoạt động này đã trở nên quen thộc với bạn và trẻ, nên bạ hãy tạm dừng trò chơi để trẻ thể hiện ý muốn bạn tiếp tục và cho phép cả hai lần lượt sử dụng lượt của mình và trở thành những người chơi tích cực. Điều đó cũng giúp trẻ giao tiếp có chủ ý với bạn. Nó gửi tới trẻ một thông điệp rằng giao tiếp là sức mạnh – giao tiếp có thể điều khiển được hành động của con người. Nó giúp cho trẻ có thể đạt được điều trẻ muốn. Các hoạt động xã hội cảm giác cung cấp nhiều công cụ tuyệt vời để giúp trẻ tìm thấy trạng thái tâm lý tốt nhất, tích cực và hào hứng tham gia. Bạn có thể sử dụng những giải pháp này bất cứ lúc nào khi thấy trẻ rơi vào trạng thái kích thích quá mức hoặc thụ động. Khi kết thúc trò chơi xã hội cảm giác cũng là lúc bạn có thể nhẹ nhàng chuyển sang trò chơi với đồ vật, như vậy có thể giúp bạn và trẻ tương tác lâu hơn. Những trò chơi xã hội cảm giác không chỉ tạo hứng thú cho bạn và trẻ, mà còn là các hoạt động thúc đẩy giao tiếp, chia sẻ cảm xúc và cải thiện kỹ năng xã hội của trẻ.
Danh sách ghi nhớ:
Mục tiêu: Sử dụng các hoạt động xã hội cảm giác để giúp trẻ vui vẻ và cười nhiều hơn trong các trò chơi hoặc bài hát mặt đối mặt với trẻ.
Các bước:
– Tìm kiếm nụ cười!
– Gây sự chú ý, hoạt động mặt đối mặt với trẻ
– Tạo ra các trò vui nhộn qua các bài hát, trò chơi vận động và tiếp xúc cơ thể
– Kết hợp chúng với biểu đạt nét mặt, âm thanh và giọng nói
– Tường thuật, mô tả hoạt động trong khi thực hiện.
– Sử dụng các đồ vật hỗ trợ để tạo ra các trò chơi xã hội cảm giác.
– Bổ sung các yếu tố mới cho các trò chơi khi trẻ bắt đầu thấy chán.
– Thường xuyên tạm dừng và đón chờ biểu hiệu của trẻ muốn tiếp tục
– Sử dụng các trò chơi xã hội cảm giác để tối ưu hóa việc học của trẻ
Có thể tham khảo thêm các trò chơi xã hội cảm giác tại website dưới đây: www.parents.com/baby/development/intellectual/classic-games-to-play-with-your-baby
CHƯƠNG 6. XÂY DỰNG CÁC TƯƠNG TÁC QUA LẠI
Mục tiêu của chương: Chương này giúp bạn xây dựng các hoạt động tương tác chung (joint attention interaction routines) và các hoạt động tương tác qua lại (back-and-forth interactions) với con bạn trong các trò chơi hàng ngày và các hoạt động chăm sóc, để trẻ sẽ hào hứng hơn và giao tiếp với bạn nhiều hơn.
Tại sao tương tác qua lại quan trọng đến vậy?
Một trong những thành quả lớn nhất của bất cứ đứa trẻ nào trong việc tương tác với người khác là học được cách chơi luân phiên. Khả năng phối hợp trong các tương tác qua lại là nền tảng của sự phát triển các kỹ năng xã hội và giao tiếp. Hãy hình dung tới các trò chơi trẻ con như trò chơi biển báo, trò chơi nhập vai, mua bán trong cửa hàng tạp hóa, các trò chơi giả vờ của trẻ con, hay toàn bộ các tương tác xã hội với con người diễn ra trong đời sống đều được xây dựng dựa trên sự luân phiên, qua lại. Chúng tôi không nói về các tương tác được cấu trúc, khi mà một người nói “Đến lượt tôi”, và những người khác chờ. Chúng tôi đang nói về sự luân phiên một cách tự nhiên xuất hiện trong các trao đổi của người lớn, trong các trò chơi xã hội giữa bố mẹ và con, hay trong các tương tác đa dạng giữa những đứa trẻ, chẳng hạn khi một đứa nhặt xẻng, xúc cát và đổ vào hộp, và những đứa khác thì quan sát và cùng đổ cát vào hộp. Quan sát 2 người tương tác với nhau, chúng ta sẽ thấy việc sự luân phiên một cách tự nhiên xuất hiện ở mọi nơi.
Ngay cả những trẻ nhỏ nhất cũng đã ý thức được về sự luân phiên trong các trò chơi với bố mẹ. Bố mẹ làm mặt xấu, bé nhìn vào mắt của bố mẹ với biểu hiện thích thú và cười. Đó chính là lượt của bé, và bố mẹ tiếp tục phản hồi bằng một lượt tiếp theo làm mặt xấu. Sự luân phiên này xuất hiện cả trong học nói. Bé có thể phát ra một vài âm thanh thể hiện sự vui vẻ của chúng, và bố mẹ đến lượt mình bắt chiếc lại âm thanh. Tiếp theo, bé sẽ giành lượt và lặp lại âm thanh một lần nữa hoặc quan sát và cười khi bố mẹ phản hồi lại âm thanh của chúng. Khi lớn hơn chút, chúng tiếp tục ý thức được về sự luân phiên một cách tự nhiên này trong việc bắt trước và trong các trò chơi tương tác với người lớn hoặc đứa trẻ khác. Thông thường, ở độ tuổi 2 tuổi, trẻ sẽ quan sát trẻ khác làm gì đó sau đó bắt chước, và trẻ tiếp tục làm đi làm lại hành động đó.
Trong những tương tác trên, nhìn qua có vẻ như không có gì nhưng chính những trò chơi vô tư như thế lại thực sự ý nghĩa trong việc học. Mỗi chúng ta đều tương tác và phản hồi một cách phù hợp cho người khác, và 2 người xây dựng nên tương tác qua lại giữa họ (kéo cưa lừa xẻ – hay chơi bập bênh). Một đứa có thể reo lên và vỗ mạnh tay khi một khối tháp bị đổ. Bạn chơi của nó tiếp theo đẩy đổ khối tháp khác và làm những điệu bộ tương tự. Đứa trẻ đầu tiên quan sát hành động bắt chước này một cách hào hứng và sau đó có thể thêm hành động nhẩy lên trong lần tiếp theo khối gỗ bị đổ. Trẻ nhỏ sử dụng hành vi này để học được rất nhiều thứ từ người khác. Chúng quan sát một người, người quan trọng hoặc hấp dẫn với chúng; chúng quan sát ngôn từ và hành động của những người khác; và có thể chúng giữ trong đầu và ghi nhớ. Chúng có thể bắt chước hành động đó ngay, hoặc về sau, để học cách mọi người làm việc. Loại hình học tập xã hội này là một cách để trẻ nhỏ học được rất nhiều từ người khác mà không cần ai dạy chúng một cách trực tiếp.
Luân phiên cũng xây dựng một loại cân bằng trong các hoạt động tương tác. Không ai là chủ, và không ai là người theo sau. Thay vào đó, một người giành lượt và người kia chờ đến lượt tiếp theo. Một người làm trước, và người khác theo sau; tiếp theo người thực hiện sau có thể làm trước trong một hoạt động mới và người kia chờ đến lượt tiếp theo. Chúng tôi gọi chúng là chia sẻ sự kiểm soát trò chơi. Khi các bên chia sẻ sự kiểm soát, các hoạt động được giữ cân bằng. Ai cũng được dẫn đầu, ai cũng phải chờ lượt sau. Điều này yêu cầu người này phải giao tiếp với người kia, tương tác qua lại. Không ai kiểm soát ai hay hoạt động nào. Họ chia sẻ sự kiểm soát và chia sẻ việc dẫn đầu một cách luân phiên. Con bạn giành lượt kiểm soát khi bé chọn các đồ chơi; thao tác với đồ chơi; từ chối cầm đồ chơi; gây ồn ào hoặc tìm kiếm; nói; hoặc giao tiếp với ánh mắt, cơ thể hoặc nét mặt. Bạn giành quyền kiềm soát khi bạn đề xuất một lựa chọn, chơi mẫu một đồ chơi, đưa cho bé, hoặc hỏi một câu hỏi. Chia sẻ kiểm soát trong giành lượt tạo ra một hoạt động mà của hai thành viên xây dựng cùng nhau – một hoạt động chung (a shared activity). Sự cân bằng giữa các bên làm tăng cường cơ hội học tập vốn có của trẻ. Điều đó thúc đẩy sự chủ động và khởi xướng của trẻ bằng cách trao cho đứa trẻ ít sự kiểm soát. Điều đó cũng giúp tăng cường sự tập trung của trẻ tới bạn chơi khi bạn chơi chơi trước bằng cách tập trung vào các hoạt động của bạn chơi – người dẫn dắt. Mỗi một khoảnh khắc tập trung chú ý này sẽ tăng cường cơ hội học tập của trẻ.
Chuyện gì xảy ra với trẻ tự kỷ?
Những hoạt động chơi xã hội – hoạt động xã hội cảm giác – mà chúng tôi đã khuyến khích bạn xây dựng với con của bạn trong Chương 5 có thể xây dựng khả năng chơi luân phiên của trẻ. Tương tác qua lại của bạn bắt đầu một trò chơi, con bạn phản hồi lại bằng các biểu hiện thích thú với trò chơi và muốn thực hiện thêm, bạn tiếp tục – toàn bộ sự phối hợp nhịp nhàng này giúp trẻ nhận thức về sự luân phiên và mục đích của hoạt động giao tiếp. Chúng thường đến một cách dễ dàng với hầu hết các đứa trẻ, nhưng lại là việc khó hơn với trẻ tự kỷ. Chúng có thể nhận biết ít hơn về các lượt của bạn chơi, bởi vì chúng ít khi để ý tới sự phức hợp của giao tiếp mắt, nét mặt, âm thanh và giọng điệu, như hầu hết trẻ. Đối với trẻ tự kỷ, số lần của những giao tiếp này có vẻ như đã bị giảm xuống.
Joni rất muốn chơi với đứa con trai 2 tuổi của cô ấy, Jacob. Cô muốn đứa con đầu lòng, và cô ấy đã trông ngóng để trở thành một người mẹ, một người bạn tốt của con. Cô đã thu thập rất nhiều đồ chơi cho trẻ mầm non từ cửa hàng đồ chơi và dọn dẹp không gian trong phòng khách để đặt đồ chơi. Nhưng thứ duy nhất mà cậu bé muốn chơi là một chiếc ô tô nhỏ, và tất cả những gì cậu ta muốn chơi với chiếc ô tô này là trượt tới trượt lui dọc cạnh bàn hoặc mép thảm. Cậu ta thích thú quan sát bánh xe khi cho xe trượt trượt. Joni đã cố gắng chơi ô tô với Jacob, nhưng cậu ta trở nên khó chịu khi cô chạm vào chúng, và cậu muốn cô tránh ra. Cô đã cố gắng cho cậu ta thấy cách chơi đồ chơi như đỗ xe vào gara, nhưng cậu ta không quan tâm. Cậu ta chỉ muốn giật lấy cái ô tô và cho trượt tới trượt lui trên thảm rồi quan sát nó. Thật là buồn, và cô ấy đã phải để cậu ta chơi một mình. Cô cảm nhận mình như là một bà mẹ thất bại và không biết phải làm thế nào.
Vậy tại sao đó lại là vấn đề?
Khi trẻ tự kỷ không có hứng thú với các hoạt động giao tiếp của cha mẹ hoặc không phản hồi lại cha mẹ (không cho cha mẹ lượt chơi), chúng bỏ lỡ cơ hội để xây dựng những kỹ năng cực kỳ quan trọng (bắt chước, chia sẻ cảm xúc) là nền tảng của việc giao tiếp. Sự nguy hiểm là trẻ tự kỷ hầu hết sẽ tiếp tục chơi một mình hơn là muốn chơi cùng với bố mẹ hoặc để ý tới các phản hồi xã hội từ bố mẹ trẻ. Trẻ có thể ngày càng co mình vào trong vỏ ốc và tự loại bỏ mình khỏi thế giới xã hội xung quanh trẻ cũng như các cơ hội học tập, trải nghiệm quan trọng từ thế giới xung quanh. Việc thiếu hụt những cơ hội này từ sớm không chỉ cản trở việc học hành của trẻ, mà hơn nữa nó còn xuất hiện ở một thời điểm cực kỳ nhạy cảm trong việc phát triển não, khi các mạng lưới của tế bào não đã sẵn sàng hấp thụ và xử lý các thông tin về xã hội và ngôn ngữ. Giai đoạn nhạy cảm này chỉ kéo dài trong vài năm đầu đời của trẻ, và chúng ta muốn chắc chắn rằng các mạng lưới tế bào não đang phát triển của trẻ nhận được thông tin đầu vào cần thiết để học cách xử lý các giao tiếp xã hội.
Điều may mắn là có rất nhiều cách để tăng cường giao tiếp của bạn, tạo ra những cơ hội cho trẻ học hỏi trong các trò chơi của bạn dành cho con mình. Trong chương này, chúng tôi tập trung vào việc chơi luân phiên trong khi chơi với đồ chơi hoặc các đồ vật khác trong các hoạt động hàng ngày, vì thế bé sẽ không còn bị bỏ lỡ những cơ hội học tập trong các tương tác xã hội mà thay vào đó học được cách chờ đợi những phản hồi của bạn, bắt chước bạn chơi, sử dụng điệu bộ và từ ngữ, và trải nghiệm các tương tác xã hội vui nhộn khác.
===èBạn cần làm gì để tăng cường các kỹ năng Chơi luân phiên của con bạn
Có 6 bước cụ thể bạn có thể sử dụng để tăng cường khả năng tham gia và chơi luân phiên của con mình:
Bước 1: Hiểu được bốn thành phần chính của các hoạt động chung cần sự luân phiên.
Bước 2: Giai đoạn chuẩn bị hoạt động chung
Bước 3: Thiết lập chủ đề
Bước 4: Kéo dài hoạt động chung bằng cách bổ sung vào các yếu tối mới
Bước 5: Kết thúc hoạt động chung và bắt đầu hoạt động khác
Bước 6: Tạo ra các hoạt động chung gắn với sinh hoạt hằng ngày, thúc đẩy phát triển nhiều lĩnh vực của trẻ.
Trong các trang tiếp theo, chúng tôi mô tả cách thực hiện các bước này, cung cấp cho bạn những ý tưởng để thực hiện các hoạt động, và gợi ý xem bạn cần làm gì để giải quyết các vấn đề gặp phải.
Bước 1: Hiểu được bốn giai đoạn chính của một hoạt động chung yêu cầu sự luân phiên
Có một cấu trúc cụ thể để chơi với trẻ nhỏ nhằm tăng cường cơ hội tiếp thu của trẻ trong các hoạt động giao tiếp xã hội và chơi luân phiên. Hoạt động chung (joint activities orjoint activity routines), đã được một nhà nghiên cứu về ngôn ngữ có tầm ảnh hưởng lớn (Bruner) mô tả. Một hoạt động chung giống như một đoạn hội thoại, liên quan tới việc phân lượt giữa các người chơi – dựa trên một hoạt động được chia sẻ. Trong Chương 5 bạn đã học cách xây dựng các hoạt động xã hội cảm giác, phần lớn các hoạt động đó không cần tới đồ chơi hoặc các đồ vật. Trong chương này bạn sẽ học các hoạt động tương tự nhưng là với đồ chơi và các vật dụng khác, hoạt động được chia nhỏ ra thành các hoạt động kéo dài từ 2-5 phút. Có bốn cấu phần của một hoạt động chung (mỗi một phần được mô tả chi tiết tại các bước còn lại của chương này):
- Một người lựa đồ chơi nào đó và bắt đầu chơi – Giai đoạn chuẩn bị
- Sau đó, người khác tham gia chơi, bắt chước người kia, cùng nhau chơi, hoặc chơi theo lượt để hoàn thành hoạt động tương tự – Thiết lập chủ đề
- Việc lặp đi lăp lại một hoạt động hoặc trò chơi sẽ gây nhàm chán, vì thế sau khi chơi được một thời gian, bạn hãy thay đổi cách chơi một chút. Trong quá trình điều chỉnh, cấu trúc chơi luân phiên vẫn duy trì, cả hai vẫn chơi theo lượt tuy sẽ hơi khác chút so với lúc đầu. Đó chính là –Điều chỉnh.
- Ngay khi sự quan tâm của bé đến trò chơi sụt giảm, đó là lúc bắt đầu hoạt động khác, và cả hai cùng kết thúc trò chơi – Kết thúc và chuyển sang hoạt động khác.
Hoạt động mới bắt đầu với sự chuẩn bị khác, và tiếp tục với chủ đề mới, với sự điều chỉnh.
Căn cứ: Sự cân bằng giữa những người chơi và cấu trúc xung quanh một chủ đề chung là các thành phần cực kỳ quan trọng trong các hoạt động chung, chúng giúp mở rộng thêm các cơ hội học tập. Tương tác qua-lại trong việc lặp đi lặp lại của chơi luân phiên chính là việc đòi hỏi người này phải giành sự quan tâm tới người kia. Bất cứ khi nào đến lượt bạn, con bạn sẽ tập trung toàn bộ vào bạn: Trẻ sẽ xem bạn đang làm gì, nghe bạn nói, quan sát hiệu ứng của các hành động và vì thế có thể học hỏi từ chúng. Tiếp theo, đến lượt con bạn, và trẻ có thể thực hành ngay những gì đã nhìn, nghe thấy (với sự giúp đỡ của bạn), và vì thế trẻ trở thành một học viên tích cực trong bài học. Việc con bạn quan tâm tới chủ đề chơi có nghĩa là trẻ đã hiểu một cách rõ ràng mục đích, ý nghĩa các hoạt động của bạn, và giúp trẻ khám phá ý nghĩa các điệu bộ, cử chỉ, lời nói của bạn. Khi điều chỉnh trò chơi, bạn có thể thêm vào các đồ vật hoặc các hoạt động mới vào trò chơi để tăng thêm sự thích thú với bé; giúp cho trò chơi không bị lặp đi lặp lại, nhàm chán; và vì thế giúp cho bé duy trì động lực để tham gia vào các hoạt động và tiếp tục học, thực hành và làm chủ các kỹ năng mới. Cuối cùng, kết thúc và chuyển hoàn toàn sang hoạt động tiếp theo một cách có tổ chức sẽ giúp bé vẫn giữ được sự tập trung khi sang hoạt động mới và giúp bé hình dung được điều gì sắp đến. Cấu trúc của hoạt động chung sẽ giúp bé học được một cách toàn diện các kỹ năng giao tiếp xã hội sớm: hiểu và sử dụng ngôn ngữ hàng ngày; bắt chước các hành động giống như bạn bè đồng trang lứa; chơi với mọi người một cách sáng tạo và linh hoạt.
Jocelyn mua một món đồ chơi cho cậu bé 3 tuổi Rascheed – một bảng pegboard có 6 móc gỗ đỏ được lắp trên đó. Cô nghĩ rằng đây sẽ là một món đồ chơi hấp dẫn với cậu bé. Các móc gỗ kích thước khá vừa tay cậu bé do vậy cậu bé có thể cầm một cách dễ dàng, và trò chơi cũng khá đơn giản. Tuy nhiên thật khó để thu hút sự chú ý của cậu bé đủ lâu để cô có thể chỉ cho cậu một món đồ chơi mới. Cô quyết định cho cậu bé xem trong khi cậu ngồi ăn trên chiếc ghế cao của cậu. Đó là một vị trí mà cậu có thể ngồi lâu một chút và quan sát được cô. Vì thế khi Rascheed vừa ăn xong, Jocelyn đã chuẩn bị đồ chơi trên bàn ăn, ngay trước ghế của cậu bé. Cô lần lượt đặt từng móc gỗ vào các lỗ trên bảng pegboard, đồng thời tường thuật lại những gì cô đang làm: “Xem này con yêu, đây là một cái móc gỗ. Nó được lắp ở đây này. Mẹ lắp tiếp móc khác nè, và rồi móc khác nữa,…”. Và toàn bộ các móc gỗ đã được cắm trên bảng pegboard theo đúng thứ tự (đây là giai đoạn chuẩn bị). Rascheed chăm chú quan sát vì cậu bé đã ăn kẹo xong. Tiếp theo Jocelyn nhanh tay nhặt các móc gỗ đưa cho cậu bé và đẩy cái bảng pegboard về phía cậu. Cậu bé cố gắng làm và cô giúp cậu đặt móc gỗ vào đúng cái lỗ trên bảng (Đây là chủ đề). Tiếp theo cô giúp cậu bé đặt thêm những móc gỗ khác. Với sự giúp đỡ của Jocelyn, mọi thứ trở nên dễ dàng đối với Rascheed. Sau khi cậu bé cắm xong ba móc gỗ, Jocelyn lắp một móc gỗ tiếp theo vào lỗ (lượt của cô), và cô lại đưa cho cậu bé một móc gỗ khác (lượt cậu bé). Cô nhanh tay xếp móc gỗ cuối cùng (lượt của cô) để cậu bé không bị phân tâm. Khi tất cả hoàn thành, cô quay tròn bảng pegboard – một hoạt động cậu bé khá thích (điều chỉnh chủ đề). Tiếp theo cô tháo các móc gỗ ra và đặt vào một cái hộp nhựa, nhưng cô để lại 2 cái cuối cùng cho cậu tự tháo. Cô giúp cậu bé đặt các móc gỗ vào hộp (kết thúc chủ đề). Tiếp theo cô kéo ghế và đặt cậu bé xuống. Jocelyn đã giành được sự chú ý của Rascheed và tham gia vào các hoạt động. Và cô đã cảm thấy rất vui qua hoạt động mới này.
Bước 2: Chuẩn bị cho một hoạt động chung
Nguyên tắc cơ bản: Giai đoạn chuẩn bị rất quan trọng bởi vì đó là lúc bạn bắt đầu thu hút sự chú ý của con bạn. Bạn cân nhắc lựa chọn đồ chơi trong giai đoạn chuẩn bị để khi bạn giảng giải cách chơi hay giới thiệu một hoạt động mới mà trẻ sẽ hiểu rõ và bắt chước bạn. Ví dụ, bạn chuẩn bị một loạt miếng xếp hình mà bạn biết bé rất thích. Khi con bạn đang không chú tâm vào hoạt động nào đó, bạn có thể Thiết lập hoạt động chung bằng cách nhặt miếng xếp ra khỏi hộp và nói (“Hãy chơi xếp hình; Mẹ có các khối gỗ. Ngồi xuống nào. Miếng này đặt đây, còn miếng này thì xếp ở trên nè.”) và bạn nhanh chóng xây một tòa tháp. Nhớ rằng bạn cần thực hiện với tư thế và vị trí phù hợp đảm bảo bạn có thể thoải mái giao tiếp mặt đối mặt với trẻ. Giao tiếp tốt phụ thuộc vào việc người này có thể nhìn vào mắt người kia, các biểu đạt trên nét mặt, điệu bộ, vận động cơ thể và lời nói.
Bây giờ, chủ đề đã được thiết lập, bạn hãy đưa một vài miếng xếp cho trẻ. Đến lượt trẻ, trẻ có thể bắt chước những gì bạn đã làm – như trẻ sẽ đặt một miếng xếp chồng tiếp lên tòa tháp của bạn hay chìa tay và nói “miếng tiếp” thì điều đó chứng tỏ trẻ đang hứng thú và muốn tiếp tục trò chơi. Hoặc trẻ cũng có thể dùng những miếng xếp đó và tự xây một tòa tháp. Nếu như vậy, khuyến khích và giúp bé tự xây dựng tòa tháp của mình. Đó chính là chủ đề. Hoạt động qua lại, mỗi khi đến lượt ai thì người đó thêm 1 miếng xếp vào tòa tháp. Sau đó, bạn có thể tạo sự bất ngờ như đẩy đổ tòa tháp! Điều này thường đem lại sự vui thích cho trẻ. Và tiếp tục cùng nhau xây lại. Hoặc bạn có thể điều chỉnh trò chơi với các miếng gỗ như trò “làm đường cho ô tô chạy” hoặc xếp thành hình vuông giống như những ngôi nhà cho các con vật đồ chơi. Khi con bạn bắt đầu hết hứng thú, hoặc bạn đã cạn ý tưởng, đó là thời điểm để dọn dẹp. Dọn dẹp trước khi con bạn bỏ đi bằng cách khuyến khích bé giúp bạn cất đồ chơi. Bạn và bé có thể chuyển sang chơi đồ chơi khác. Vậy là bạn đã có đủ một chuỗi hoạt động chung với bốn thành phần thông qua chơi theo lượt.
Hoạt động: Lựa chọn đồ chơi/đồ vật để chơi chung với trẻ
Chúng ta thường chọn cùng loại đồ chơi hoặc đồ vật mà trẻ ở cùng độ tuổi con bạn thường chơi. Với cách này, con bạn sẽ biết cách chơi với những đồ vật khi cậu bé chơi với những em bé khác cùng tuổi. Có thể bé đã tự chọn được đồ chơi cho mình. Nếu không, bạn có thể chọn một hoặc hai món đồ chơi hoặc đồ vật mà bạn cho rằng sẽ hấp dẫn với con mình.
Dưới đây là một vài ý tưởng lựa chọn đồ vật hoặc đồ chơi cho việc chuẩn bị:
- Chọn những đồ vật hoặc đồ chơi có nhiều phần hoặc cần nhiều thao tác để hoàn thành trò chơi. Những đồ chơi chỉ cần một thao tác hoặc chỉ có một phần duy nhất sẽ khó để bạn và trẻ cùng chơi theo lượt hoặc điều chỉnh và thêm vào chủ đề mới. Khi có nhiều phần hoặc nhiều thao tác (hoặc cả hai), bạn và con bạn có thể chơi theo lượt hoặc tạo ra nhiều điều thú vị bất ngờ với trò chơi; đây chính là cách chia sẻ quyền kiểm soát trò chơi.
- Lưu ý: Các đồ chơi điện tử thường khó sử dụng cho các hoạt động chung, bởi vì trẻ có xu hướng muốn thực hiện cùng môt hành động lặp đi lặp lại với đồ chơi. Như vậy sẽ rất khó khăn để thực hiện chơi theo lượt, điều chỉnh, thêm hoạt động hoặc thu hút sự chú ý của trẻ.
Lời khuyên hữu ích:
Nếu con bạn đang chơi một đồ chơi, hãy làm theo các bước ở chương trước để thu hút sự chú ý của trẻ. Thời điểm dạy trẻ tốt nhất là lúc bạn làm theo hướng dẫn của con hơn là bạn cố gắng hướng con sang đồ chơi khác. (Đã có nghiên cứu chứng minh điều này là đúng).
- Cuối cùng, nếu con bạn đã bắt đầu chơi với đồ chơi, hãy tìm cách để tham gia cùng con hơn là giới thiệu một đồ chơi mới. Như đã đề cập ở Chương 5, tham gia cùng với con bạn sẽ cho phép bạn theo sát sự quan tâm của bé. Với điều này, bạn sẽ được bé đánh giá cao và bé sẽ để tâm tới bạn, tương tác và sẵn sàng tham gia vào các chủ đề mà bạn đã chuẩn bị. Bạn có thể tham gia vào trò chơi của bé, giành vài lượt chơi và sau đó bắt đầu thực hiện việc điều chỉnh.
- Lưu ý: Tránh việc sử dụng các đồ chơi mà bé đã chơi nhiều, lặp đi lặp lại với các hoạt động thuần thục. Vì sẽ rất khó khăn để xây dựng các hoạt động chung khi bé đã chơi thuần thục, lặp đi lặp lại và có xu hướng muốn tự mình chơi trò chơi đó.
Lời khuyên hữu ích:
Đôi khi trẻ muốn giữ những đồ chơi yêu thích cả ngày và không muốn rời nó để chơi đồ chơi khác. Trong trường hợp này, bạn vẫn có thể tạo ra các hoạt động chung với những đồ chơi yêu thích của trẻ và khi các đồ chơi đó không ảnh hưởng tới các hoạt động chung thì bạn không cần phải quản lý chúng. Nhưng nếu trẻ chỉ tập trung chơi đồ chơi đó, và bạn không thể thu hút sự chú ý của bé vào hoạt động khác thì cách tốt hơn là bạn giới hạn thời gian chơi những món đồ chơi đó của trẻ. Bạn nên đặt chúng lên trên cao hoặc cất đi và chỉ cho phép trẻ chơi trong những thời điểm nhất định như ngồi trong ô tô, khi chuẩn bị lên giường ngủ, ngồi trên ghế ăn chờ tới bữa hoặc trong thời gian bạn đang chuẩn bị bữa ăn chẳng hạn.
- Nếu con bạn hoàn toàn không quan tâm đến đồ vật thì sao? Hãy quay lại Chương 5 và chơi các trò chơi xã hội cảm giác với con trước tiên. Sau khi đã chuẩn bị kỹ càng, bắt đầu sử dụng các đồ chơi nhân-quả trong các trò chơi động xã hội cảm giác. Đồ chơi nhân-quả là đồ chơi mà khi bạn chơi hoặc bạn sử dụng để tạo ra “điểm nút” trong trò chơi xã hội cảm giác thì bạn có thể tạo ra hứng thú bất ngờ cho trẻ như là kết quả của một hành động với đồ chơi. Ví dụ, khi chơi đuổi bắt với bé (một trò xã hội cảm giác), nhưng ở giai đoạn cuối, bạn nhặt một cả bóng, cầm bóng và đuổi theo bé, sau đó ném bóng vào rổ! Sử dụng một chiếc xúc xắc trong trò chơ nhảy theo nhạc, và khi trẻ đã hào hứng nhảy thì bạn hãy lắc chiếc xúc xắc rồi đưa cho trẻ lắc. Lưu ý là trong những mô tả các hoạt động chung với đồ vật, chúng tôi đã phá vỡ luật đã đề cập trong phần các hoạt động xã hội cảm giác là không cho bé chơi đồ chơi. Lý do là bởi chúng ta đang thực hiện các hoạt động xã hội cảm giác tập trung vào việc chơi theo lượt và xây dựng sự quan tâm của trẻ dựa trên các hoạt động chia sẻ đồ vật. Nói cách khác, bạn có thể sử dụng các hoạt động xã hội cảm giác quen thuộc đã chuẩn bị từ trước, sau đó thêm đồ vật vào nhưng là một sự bổ sung/điều chỉnh cho chủ đề.
Tổng kết Bước 2
Nếu bạn đã làm theo các hoạt động đề cập trong Bước này, chắc chắn bạn đã khám phá các hoạt động với đồ vật hoặc đồ chơi có thể sử dụng như là phần chính của chủ đề trong các hoạt động chung. Hãy kiểm tra xem bạn đã thực hiện được hết các danh sách dưới đây chưa. Nếu bạn đã thực hiện được thì có nghĩa là bạn đã nắm được những kỹ năng quan trọng của chơi theo lượt trong các hoạt động chung – những kiến thức này sẽ được sử dụng trong Bước 3. Nếu vẫn chưa thực hiện được, hãy thực hành nhiều hơn.
Danh sách các hoạt động: Bạn đã xây dựng được một hoạt động chung cho con bạn chưa?
______Con tôi đang chơi với đồ chơi hoặc đồ vật mà bạn bè đồng trang lứa của cậu ta chơi.
______ Các đồ vật hoặc đồ chơi có nhiều phần và có thể chia sẻ cùng chơi trong quá trình chơi.
______ Các hoạt động khác nhau có thể được thực hiện với đồ vật hoặc đồ chơi để tránh việc con tôi thực hiện các hoạt động giống nhau, lặp đi lặp lại.
______ Bất cứ đồ chơi có pin nào với nút bật – tắt đã được giấu đi hoặc tháo pin.
______ Tôi đã nhớ các quy tắc làm thế nào thu hút sự quan tâm của trẻ, tham gia và bắt chước hoặc thêm các chi tiết hấp dẫn vào các hoạt động của bé khi chơi.
_______ Tôi đã nắm được bốn phần – chuẩn bị, chủ đề, điều chỉnh, và kết thúc khi xây dựng và thực hiện các hoạt động xã hội cảm giác.
Bố mẹ của Kylie cân nhắc kỹ càng các đồ vật khác nhau mà Kylie yêu thích để phát triển các hoạt động chung và kỹ năng chơi theo lượt cho bé. Họ đã quyết định lựa chọn các đồ chơi có nhiều phần. Họ sắp xếp lại các đồ chơi chủa Kylie, đặt các đồ chơi nhiều phần ở vị trí dễ quan sát và những đồ chơi khác thì được cất vào trong ngăn kéo. Kết quả là khu vực chơi của Kylie toàn là các bộ xếp hình bằng nhựa, bộ xếp hình con vật, bút tô và miếng dán, đồ chơi búp bê (vòng, ví, mũ, dây chuyền, kính râm), đất nặn, con vật đồ chơi và trống. Bố mẹ của Kylie cũng để thêm các cuốn sách yêu thích của Kylie và một vài cuốn mới vì họ muốn khuyến khích Kylie hứng thú với hoạt động đọc sách này. Họ đặt mỗi đồ chơi trong một hộp nhựa đựng giày trong suốt, vì thế toàn bộ các phần của một đồ chơi được để cùng một chỗ và Kylie dễ dàng nhìn thấy từ bên ngoài hộp khi cô và bố mẹ cùng lựa chọn đồ chơi. Cách này sẽ khuyến khích Kylie nhờ bố mẹ mở hộp lấy đồ chơi, và cũng tránh tình trạng làm cho Kylie cảm thấy bối rối khi chọn đồ chơi vì có quá nhiều đồ chơi bày ra trước mắt. Họ nhận thấy làm như vậy sẽ lôi kéo được Kylie tham gia hoạt động chung ngay từ khâu chuẩn bị, bởi vì bố mẹ và trẻ có thể lựa chọn đồ chơi cùng nhau, lựa chọn chỗ chơi như chơi trên bàn, trên ghế băng hay trên sàn nhà. Tương tự, đến lúc dọn dẹp, Kylie đã học được cách dọn đồ vào trong hộp, cất hộp lên giá trước khi chọn một hộp đồ chơi khác.
Còn Rascheed thì sao? Sau khi xem xét danh sách các hoạt động trong Bước 2, bố mẹ Rascheed đã quyết định cất đi toàn bộ đồ chơi điện của cậu bé. Những âm thanh và ánh sáng phát ra từ đồ chơi thu hút toàn bộ sự chú ý của cậu bé khiến cậu bé gần như không để ý tới bố mẹ. Hơn nữa, cậu bé càng chơi nhiều đồ chơi điện này thì cậu lại càng vẫy tay và lắc lư người nhiều hơn. Bố mẹ của cậu hiểu được điều đó, tuy nhiên, cậu bé cần được giúp đỡ và động viên để hướng sự quan tâm của mình tới các đồ chơi không có điện. Trước khi bắt đầu các hoạt động chung, họ chọn ra nhiều loại đồ vật và đồ chơi khác nhau để xem cậu bé thích món nào. Họ quan sát Rascheed chơi với đồ chơi thả bóng (đặt quả bóng trên đỉnh và xem nó lăn theo đường ray xuống dưới), đập bóng và que gỗ, hay chỉ tranh trên sách. Bố mẹ của cậu bé đã rất vui mừng khi thấy Rascheed đã chú ý và có vẻ như thích thú với một vài đồ chơi không điện. Hơn nữa, cậu đã lựa chọn các đồ chơi gồm nhiều phần (đồ chơi thả bóng, đập bóng và que gỗ, hay mở sách) có thể chạm, cầm và chơi theo lượt và bắt chước trong suốt quá trình chơi. Bây giờ thì bố mẹ của Rascheed cảm thấy họ đã bước đầu có thể chơi luân phiên trò chơi nào đó với con trai của họ.
Bước 3: Thiết lập Chủ đề
Căn cứ: Bạn cần tạo ra một chủ đề trong khi chơi – một trò cụ thể mà bạn và bé có thể chơi theo lượt và sử dụng các lượt chơi để chuyển hoạt động này thành tương tác chia sẻ – sao cho trên thực tế hoạt động trở thành một hoạt động chung và xuất hiện việc chơi theo lượt. Nếu bé thiết lập chủ đề (ví dụ, lăn chiếc ô tô tiến và lùi, hoặc nhặt các khối và bắt đầu xếp hình), hãy theo sự dẫn dắt của bé và giành một lượt và làm lại giống hệt như bé đã làm. Khi đến lượt bạn, bạn có thể đơn giản bắt chước hành động của bé bằng cách sử dụng các miếng khác của đồ chơi. Ví dụ, lượt của bạn có thể là thêm khối hình khác vào tháp, đặt một quả bóng khác vào đường ray sau khi bé vừa làm xong.
Nếu bé không hề tham gia khi đến lượt chơi của mình?
Nếu con bạn không hề bắt đầu lượt chơi, hoặc nếu bạn muốn làm mẫu với một đồ chơi mới, bạn có thể chỉ cho trẻ cách chơi và sau đó đưa đồ chơi cho trẻ, hoặc bạn có thể chơi mẫu và đưa cho bé đồ chơi tương tự để bé bắt chước bạn. Ví dụ, với đồ chơi đất nặn, bạn có thể dùng khuôn cắt bánh để tạo một ngôi sao và nói “Đây là ngôi sao.” Trong lượt đầu tiên của bạn, bạn đã thiết lập một chủ đề: bạn đã chỉ cho bé cách sử dụng khuôn cắt bánh để tạo một hình và gọi tên hình để để bổ sung vào vốn từ vựng của bé. Hoặc nếu con bạn thích trò thổi bong bóng, bạn có thể phùng má và thổi bong bóng cho bé quan sát vì thế bạn sẽ có cơ hội dạy các cử chỉ, điệu bộ thêm cho bé. Bạn có thể kèm với câu “thổi nào” sau khi thực hiện để gọi tên hành động, và gọi tên ‘bong bóng’ khi bong bóng bay ra. Vậy là cuối cùng thì bạn sẽ tìm thấy một hoạt động chung mà cả hai có thể cùng chơi theo lượt với nhau.
Hoạt động: Bạn hãy gọi tên đồ vật/hành động trong các hoạt động chung
Việc thêm các từ ngữ vào cuộc chơi của bạn như đã đề cập ở trên chính là việc mà hầu hết cha mẹ sẽ thực hiện một cách tự động khi chơi với con. Việc thêm các từ ngữ, tên các đồ vật, thêm các hiệu ứng âm thanh, đặt tên hành động là việc làm rất có ý nghĩa. Nhưng đối với trẻ tự kỷ, điều đặc biệt quan trọng đó là giữ cho ngôn ngữ của bạn thật đơn giản – càng đơn giản càng tốt, điều này được đề cập chi tiết trong Chương 13. Nếu trẻ vẫn chưa nói, bạn nên giữ cho ngôn ngữ của bạn ngắn và trực tiếp. Ví dụ, nếu hoạt động liên quan tới đồ chơi nặn, bạn có thể gọi tên các đồ vật và hành động đơn giản như “đất”, “mở”, “lăn tròn”, “kéo”, “ấn”, “cắt” và gọi tên cho khuôn bánh (ví dụ: “vuông”, “tròn”, “cây”, “sao”). Các hành động có thể dụng cụm từ 2 âm tiết như “lấy bột”, “cắt bột”, “tạo hình”, “lấy ra”, “đặt vào”,…
Lời khuyên hữu ích:
Để học chơi theo lượt, con bạn cần phải quan sát bạn chơi lượt của bạn. Nếu bé có vẻ không quan tâm, hãy thay đổi vị trí của bạn nếu bạn chưa ngồi đối diện mặt đối mặt với bé. Nếu có thể, đặt các đồ vật trước mặt bạn sao cho bé có thể dễ dàng thấy mặt bạn và các đồ chơi. Đừng ngại giành lượt bằng cánh nhanh tay lấy đồ chơi và nói “lượt của Mẹ”, và sau đó đưa đồ chơi lại cho bé. Việc này thường sẽ khiến trẻ chú ý! Con bạn có thể cáu lúc đầu vì bé chưa hình dung ra toàn bộ hoạt động, nhưng sau khi bạn chơi xong và đưa đồ chơi lại cho bé, con bạn sẽ dần quen và bắt đầu thực hiện các lượt chơi của mình.
Dưới đây là một vài ý tưởng cho các từ ngữ sử dụng với các hoạt động chung:
- Trong khi chơi với đồ chơi, ngay khi bé bắt đầu lượt của mình, bạn hãy ngay lập tức nói to tên đồ vật/đồ chơi mà bé cầm, chạm hay đang định với lấy. Tương tự với các hoạt động mà bạn và con bạn làm với các đồ vật – sử dụng ngôn từ đơn giản như “nhặt lên”, “lắc”, “cuốn”, “bắn”, “mở”, “đóng”, “vỗ tay”, “lên”, “xuống”,..vv Nhắc lại các từ đó khi đến lượt bạn.
- Thực hiện giống nhau trong các trò chơi xã hội không có đồ vật. Hành động nào, điệu bộ, cử chỉ và vận động cơ thể nào xuất hiện trong các bài hát hoặc trò chơi vận động? Hãy gọi tên tất cả những hành động đó nhiều nhất có thể.
Tổng hợp Bước 3
Trong những lượt đầu tiên, có cảm giác chủ đề có vẻ hơi lặp đi lặp lại, nhưng điều này là cần thiết cho con bạn học được cái gì sẽ diễn ra tiếp theo cũng như học cách chờ đợi đến lượt mình. Với lại các trò chơi khá hấp dẫn, vui nhộn nên bé cũng sẽ chờ nhanh chóng tới lượt của mình. Khi bạn và con của bạn đã quen với việc này, mọi thứ sẽ có cảm giác cân bằng với số lượt chơi tương đương giữa hai người chơi. Trong các trò chơi, mỗi người chơi là bình đẳng. Hãy xem bạn đã thực hiện được hết danh sách các hoạt động dưới đây chưa. Nếu câu trả lời là có thì có nghĩa là bạn đã nắm được những kỹ năng quan trọng của chơi theo lượt và dạy con trong các hoạt động chung – những kiến thức này sẽ được sử dụng trong Bước 4. Nếu bạn vẫn chưa thực hiện được hết danh sách, hãy bắt đầu thực hiện lại và thử nghiệm các ý tưởng khác cho đến khi bạn tìm ra cách thức để đạt được thành công các hoạt động trong danh sách.
Danh sách hoạt động: Chủ đề các hoạt động chung là gì?
____ Tôi đã tìm ra đồ vật hoặc trò chơi có thể đem đến các cơ hội để chơi theo lượt với con của mình.
_____ Tôi theo sự dẫn dắt của bé và bắt chước hành động của cậu ta khi bắt đầu lượt của mình.
_____ Tôi tạo được sự chú ý với con khi thực hiện lượt của mình.
_____ Tôi sử dụng ngôn từ đơn giả để đặt tên cho các đồ vật và hành động trong quá trình chơi.
_____ Con và tôi cùng chơi theo lượt, chơi một cách bình đẳng để tạo ra chủ đề khi chơi cùng nhau.
Kylie thì sao?
Đối với bố mẹ của Kylie, thử thách lớn nhất là làm sao giành lượt chơi của mình mà không làm Kylie dỗi. Bố mẹ cô ấy đã tiếp tục thực hành việc thiết lập các hoạt động cùng Kylie – giúp cô mở hộp đồ chơi mà cô muốn chơi, và chuẩn bị các đồ chơi trên bàn hoặc dưới sàn nhà. Kylie đã quen với thói quen này và đã hiểu rằng bố mẹ ở đây để giúp đỡ và ủng hộ cô – để chơi và đem đến niềm vui cho cô! Mỗi khi các đồ chơi được chuẩn bị, bố mẹ cô không biết phải làm thế nào để giành lượt tiếp theo trong các hoạt động. Họ mong muốn được chơi và chỉ cho cô thấy chơi chúng như thế nào, nhưng họ không muốn lượt chơi của họ sẽ làm cô buồn.
Vì thế họ đã xem lại Chương 4 và xem xét các phương thức làm theo sự dẫn dắt của trẻ và bắt chước các hoạt động của con để có thể tham gia sâu hơn vào trò chơi. Việc đặt đồ chơi nhiều phần trong từng hộp giầy khiến cho việc lấy ra từng phần dễ dàng hơn, và bố mẹ cô đã làm chính xác như những gì Kylie đang chơi: đặt miếng tiếp theo trong trò chơi xếp hình, xếp chồng khối tiếp theo, gõ trống, hoặc dung bút dạ viết lên tờ giấy. Họ tiếp tục đặt tên cho các đồ vật và các hoạt động: “Đặt con bò vào trong”, “Xếp lên”, “Bắn, bắn”, hoặc” Tô, bút đây. Mở bút.Tô, tô, tô”. Họ cũng lưu ý điều chỉnh tốc độ chơi và khen thưởng Kylie kịp thời trong khi chơi bởi vì họ muốn chắc chắn rằng Kylie để ý tới lượt của họ mà không cảm thấy khó chịu. Họ quyết định phải làm sao cho các lượt của họ thật vui nhộn, nhanh, và trực tiếp, sao cho họ có thể tạo ra các vận động môt cách nhanh chóng với lượt của mình – đặt một miếng vào ô xếp hình, đặc một khối vào tháp, gõ 1 tiếng trống hoặc gạch một nét trên tờ giấy. Họ cũng bắt đầu thử nghiệm với các hành động, cử chỉ mới cũng như thêm các hiệu ứng âm thanh vào các lượt của mình, ví dụ như giả tiếng động vật kêu khi đặt các miếng ghép vào ô xếp hình.
Kylie nhanh chóng để ý nhiều hơn tới các lượt của bố mẹ cô, cười vui vẻ khi bố mẹ thêm các hiệu ứng âm thanh trong trò chơi, và cuối cùng đã bắt chước các hành động của bố mẹ trong các lượt chơi của mình. Càng ngày cô càng thích chơi với bố mẹ. Đôi khi cô vẫn muốn chơi với các đồ chơi theo cách riêng của mình và không chú ý đến điệu bộ của bố mẹ, nhưng điều này không còn làm phiền lòng bố mẹ của cô nữa. Nếu mọi thứ có vẻ chưa ổn, họ vẫn thấy tự tin với “điều chỉnh kế hoạch” và áp dụng cách thức tương tự: giúp đỡ, bắt chước và tường thuật hành động trước khi từ từ giành lượt của mình. Kết quả là họ đã có thể chơi chung nhiều trò với Kylie một cách thoải mái.
Bước 4: Kéo dài hoạt động chung – Thêm vào các yếu tố mới (Điều chỉnh)
Nguyên tắc cơ bản: Khi chúng ta chơi, chúng ta lựa chọn một ý tưởng hoặc chủ đề và lặp lại chúng trong quá trình chơi, nhưng chúng ta đừng chơi mãi một chủ đề, hay hạn chế việc lặp đi lặp lại liên tục chủ đề đó mà không có sự điều chỉnh. Xu hướng thông thường là sau khi chơi trò nào đó được một thời gian, chúng ta bắt đầu thêm vào đó các yếu tố mới để mọi người chơi thêm hào hứng và vui vẻ. Đó là nguyên tắc cơ bản của việc sáng tạo khi chơi. Một phút trước, trẻ còn chơi trong phòng khách, nhưng ngay sau đó bạn sẽ thấy bé đang làm siêu nhân bay trong phòng ngủ. Hoặc một hoạt động đã kết thúc như nặn con vật nhưng ngay sau đó bạn có thể chỉ cho bé cách làm cho con vật chạy, nhẩy hoặc bò trên bàn. Các hoạt động chơi của trẻ thông thường sẽ phát triển và đa dạng vì thế chúng tôi muốn trẻ tự kỷ có khả năng tham gia vào các trò chơi một cách sáng tạo với bạn bè, cũng như có thể khơi mào và đóng góp ý tưởng của mình trong quá trình chơi. Đó chính là cách giúp trẻ hiểu các khái niệm khác nhau: chơi giả vờ, chơi nhập vai, thực hiện các hoạt động sinh hoạt hàng ngày với vật dụng đơn giản. Thêm các đồ vật, ý tưởng hay hành động vào chủ để chơi ban đầu được gọi là quá trình điều chỉnh. Nó giúp trẻ nhận thức được sự đa dạng của một hoạt động vì thế trẻ học được các khái niệm khác nhau, bao gồm cả cách dùng đồ vật theo nhiều cách khác nhau (chơi linh hoạt); nó giúp cho việc phát triển khả năng sáng tạo và tưởng tượng của trẻ; nó cũng giúp trẻ không cảm thấy nhàm và do đó hoạt động học tập có thể kéo dài.
Hoạt động: Thử nhiều cách khác nhau để Điều chỉnh chủ đề
Không có con đường đúng để xây dựng hay bổ sung chủ đề cho một trò chơi. Con đường “sai” duy nhất, là thực tế bạn trực tiếp chơi và hi vọng trẻ bắt chước mọi vận động mà bạn đã làm. Đầu tiên, hãy chắc chắn rằng chủ đề đã được chuẩn bị kỹ càng (bạn đã thực hiện lặp đi lặp lại chúng vài lần), và bạn cũng đang chú ý tới trẻ nhiều như bạn yêu cầu trẻ chú ý tới mình. Nếu bạn chưa có ý tưởng về việc bổ sung đồ vật gì vào chủ để chơi thì cách tốt nhất là bạn hãy thực hiện các thao tác khác nhau với chính đồ vật đã chơi từ đầu chủ đề trong khi trẻ vẫn đang quan sát bạn. Nếu trẻ không bắt chước bạn thì hãy giúp bé thực hiện giống bạn. Khen ngợi nỗ lực của trẻ. Sau đó đưa trẻ đồ vật để trẻ thoải mái chơi theo cách của trẻ.
Một vài ý tưởng để thêm vào chủ đề:
- Thêm đồ vật mới. Sau khi chơi luân phiên một trò chơi với con bạn một thời gian, bạn hãy bắt đầu bổ sung các đồ vật mới vào trò chơi, và chỉ cho trẻ thấy cách bổ sung đồ chơi mới như thế nào. Ví dụ, nếu chủ đề là dùng bút dạ vẽ lên giấy, thì bạn có thể bổ sung thêm các bút màu khác nhau, hay thêm miếng dán để dán vào tờ giấy rồi tô màu xung quanh; hoặc lấy thêm phấn và chỉ cho bé cách dùng phấn.
- Thêm hoạt động. Sau khi chơi luân phiên một hoạt động nào đó một thời gian, bạn hãy bắt đầu thay đổi hoạt động chút ít. Ví dụ, nếu chủ đề chơi là xếp chồng các miếng gỗ lên nhau, thì sau một thời gian bạn hãy thay đổi chủ đề bằng cách gợi ý trò xếp khối gỗ thành hàng dọc, rồi bạn có thể cho ô tô chạy trên các khối gỗ đó và gọi đó là “con đường”.
- Thêm các bước vào hoạt động bạn đang thực hiện. Ví dụ, nếu chủ đề là trò chơi xếp hình, và bạn và trẻ đã cùng nhau lần lượt lấy các miếng ra khỏi hộp và đặt vào ô xếp hình. Tiếp theo, bạn có thể điều chỉnh chủ đề bằng cách đổ toàn bộ miếng xếp ra khỏi bảng, trải các miếng xếp trên mặt bàn, lần lượt từng người chơi cầm miếng xếp lên, gọi tên hình trên miếng xếp trước khi đặt vào đúng ô. Hoặc bạn có thể điều chỉnh chủ đề như yêu cầu trẻ lấy miếng xếp cụ thể nếu như trẻ biết tên gọi của từng miếng xếp trước khi bạn đặt vào đúng ô.
Tổng hợp Bước 4
Nếu bạn đã thực hiện theo các hoạt động, bạn đã phát triển được các cách thức khác nhau để thêm vào hoạt động chung. Hãy kiểm tra danh sách hoạt động dưới đây. Nếu bạn đã thực hiện được thì có nghĩa là bạn đã nắm được các kỹ năng quan trọng của chơi theo lượt và dạy trẻ thông qua các hoạt động chung – những kiến thức này sẽ được sử dụng trong Bước 5. Nếu bạn chưa thực hiện được hết, hãy cố gắng thực hành thêm.
Danh sách hoạt động: Tôi đã biết cách điều chỉnh chủ đề trong các hoạt động chung?
______ Tôi biết cách thêm các đồ vật vào chủ đề mà tôi vừa mới xây dựng cho bé.
______ Tôi biết cách thêm các hành động vào chủ đề ban đầu.
_______ Tôi biết cách thêm các bước vào chủ đề ban đầu.
______ Con của tôi có vẻ thoải mái với việc điều chỉnh – chơi với các đồ vật; cười vui vẻ và tập trung khi chơi; bình tĩnh; quan tâm; thích thú – và tiếp tục chơi theo lượt.
Rascheed thì sao?
Tại nơi đã loại bỏ các đồ chơi điện, bố mẹ của Rascheed chuẩn bị rất nhiều đồ chơi khác mà cậu bé có thể sẽ thích, đầu tiên là bộ đồ chơi đập bóng, một bộ đồ xếp hình, và một cuốn sách bằng vải. Những đồ chơi này được sử dụng để chuẩn bị cho các hoạt động chung với Rascheed. Rascheed đã chọn một đồ chơi và chơi với chúng, và mẹ của cậu bắt chước các hành động của cậu để khởi đầu cho chơi theo lượt và bắt đầu chủ đề đầu tiên. Với đồ chơi đập bóng hay xếp hình, Rascheed và mẹ lần lượt thay phiên nhau đập bóng hoặc đặt các miếng xếp hình vào ô trống, trong khi cuốn sách bằng vải thì Rascheed giữ và lật các trang, và Jocelyn chỉ vào các bức tranh trên từng trang sách được mở. Cô cũng không quên gọi tên mỗi đồ vật hoặc bức ảnh và hành động xảy ra trong khi chơi: “Đập bóng”, “Xếp vào đây”, “Thêm bóng”, “Mở sách”, “lật trang”, “Có một con chuột”,…
Jocelyn nghĩ rằng việc mở rộng chủ đề trò chơi có thể làm tăng thêm sự quan tâm và kéo dài thời gian chơi chung với cậu bé. Cô quyết định bắt đầu thêm các đồ vật vào các hoạt động mà không làm gián đoạn hoặc thay đổi các hành động mà Rascheed đã quen thuộc và thích thú. Với đồ chơi đập bóng, trong khi thực hiện lượt của mình, Jocelyn chỉ cho Rascheed cách đập quả bóng với chiếc búa để bóng rơi xuống khay chạy. Cô lặp đi lặp lại hành động với các đồ vật mới trong lượt của mình trong khi Rascheed tiếp tục sử dụng tay của cậu ta để nhấn quả bóng, nhưng cô đã cường điệu hoạt động của mình với các hiệu ứng âm thanh và song song với đó là cô đập quả bóng chậm – nhanh với mức độ nhẹ – mạnh với búa. Sau một vài lượt làm mẫu với chiếc búa, cô trao chiếc búa vào tay Rascheed và nhanh chóng giúp cậu giữ và đập vào quả bóng, như vậy cậu đã không bỏ lượt của mình với chủ đề mới tuy có vẻ hơi khó thực hiện với cậu bé. Cô cũng đưa ra nhiều lựa chọn tại các thời điểm với để thêm các vật và hành động mới, kết quả là Rascheed đã tương tác và chơi luân phiên với mẹ một cách cân bằng. Cô tiếp tục đặt tên cho các đồ vật và hành động để giúp Rascheed hiểu và bắt đầu bắt chước từng từ đơn liên quan tới những gì cậu ta muốn làm.
Sau khi bổ sung đồ vật mới (cái búa) vào chủ đề chơi một cách thành công, Jocelyn quyết định bổ sung thêm các hoạt động mới. Cô bắt đầu từ việc giới thiệu cách chơi khác với trò chơi pegboard. Cô chỉ cho cậu bé xếp các ghép các móc gỗ ở chỗ khớp đầu móc gỗ thành một hàng dài, cho đến khi hàng móc này dài đến một độ nhất định thì cô lăn hàng móc gỗ này dọc trên bàn. Rashceed không muốn sự thay đổi này, nhưng cậu bé cũng khá chăm chú quan sát hàng móc nhiều màu sắc được mẹ lăn về phía mình. Jocelyn ngay lập tức nói “lăn” và giúp cậu bé lăn lại phía cô. Cô lại ghép thêm cái móc và tiếp tục lăn nó, giúp Rascheed thao tác tương tự. Sau một vài lượt chơi qua-lại, Rascheed bắt đầu tự mình lăn hàng móc một cách thích thú cho đến khi hàng móc quá dài để lăn và rơi ra từng cái móc. Nhưng điều này không làm Jocelyn bận tâm bởi vì cô đã nhanh chóng gọi tên hành động – “Ồ, móc rời ra rồi” – và tiếp tục chớp lấy cơ hội để xây dựng hoạt động chung với một vài chủ đề mới.
Bước 5: Kết thúc hoạt động chung và chuyển sang hoạt động tiếp theo
Nguyên tắc cơ bản: Sau khi chơi được một thời gian, một trong 3 điều sau sẽ xảy ra. Bé không còn hào hứng với trò chơi, hoặc bạn cũng thấy chán chơi, hoặc bạn cạn ý tưởng để bổ sung vào chủ đề do đó trò chơi trở nên lặp đi lặp lại gây nhàm chán. Khi không còn gì để dạy thêm cho bé, hoặc bạn và bé hết hứng thú thì đó chính là lúc nên cất đồ chơi đi và chuyển sang hoạt động khác.
Hoạt động: Duy trì mối quan hệ đối tác cân bằng trong khi kết thúc hoạt động này và chuyển sang hoạt động khác
Một vài ý tưởng cho việc kết thúc hoạt động chung và chuyển sang hoạt động khác:
- Nếu bạn quan sát thấy một vài dấu hiệu chứng tỏ hoạt động chung không còn dạy bé thêm điều gì thì bạn nên đưa ra một vài gợi ý kết thúc như “Xong chưa con? Mình đã kết thúc được chưa nhỉ?” và mở hộp, đặt các miếng vào hộp và khuyến khích con bạn làm tương tự. Cả hai cùng cho các miếng vào hộp, cùng đóng hộp lại, cất hộp lên giá và chuyển sang hoạt động mới.
- Hay khi con bạn đưa ra tín hiệu rằng cậu ấy đã hoàn thành trò chơi. Nếu con bạn từ chối không còn muốn chơi với đồ vật, đấy đồ chơi ra xa, bắt đầu chạy đi chỗ khác, hay trò chơi bắt đầu lặp lại nhưng rất khó khăn để chơi theo lượt, hoặc bé không còn hứng thú, năng lượng để chơi, thì đã đến lúc kết thúc trò chơi và dọn dẹp. Một vài trẻ, sau khi học được hoạt động, có thể tự nói “Xong rồi” hoặc bắt đầu cất đồ chơi đi và kéo bạn thực hiện các thủ tục kết thúc.
- Nếu hoạt động trở nên thực sự nhàm chán, nhưng con của bạn vẫn muốn tiếp tục, hãy đề nghị một hoạt động mới thật hấp dẫn với trẻ để trẻ có động lực tiếp tục chơi với bạn. Đưa ra đồ chơi mới cho con bạn trong khi cậu ta đang chơi trò chơi cũ. Chơi thử và làm sao cho nó thực sự hấp dẫn với bé. Quan sát xem cậu ta có hướng sang đồ chơi mới không, nếu có, đề nghị đổi đồ chơi, đưa cho cậu tao đồ chơi mới và cất đồ chơi cũ đi (cất khỏi tầm mắt trẻ ngay lập tức). Với cơ hội này, bạn bắt đầu ở giai đoạn khởi đầu của một hoạt động chung mới. Nếu cách này không hiệu quả, bé vẫn phản đối, tiếp tục đưa 1 hoặc 2 miếng đồ chơi cũ (hạn chế số lượng ít nhất có thể), và thử tiếp tục đưa ra đồ chơi mới sau vài phút. Rất có thể lúc đó con bạn đã bắt đầu thấy chán món đồ chơi cũ đó.
- Khi bạn chuyển sang hoạt động khác, làm thế nào bạn biết nên chơi một trò chơi xã hội cảm giác hay một hoạt động chung với đồ vật? Chúng tôi khuyến nghị bạn nên luân phiên giữa các trò chơi xã hội cảm giác và trò chơi với đồ vật để hoạt động chơi trở nên hấp dẫn và đa dạng. Các hoạt động xã hội cảm giác là tốt nhất tại những thời điểm bạn muốn tối ưu năng lượng của bé và tạo động lực cho việc học. Một vài trẻ thích các trò chơi xã hội cảm giác, một vài trẻ lại thích trò chơi với đồ vật. Ví dụ, với một trẻ thích các hoạt động chung với đồ vật, bạn nên cố gắng xen kẽ với trò xã hội cảm giác; ngược lại với những trẻ không thích đồ vật, bạn sẽ phải xây dựng các hoạt động chung với đồ vật một cách từ từ. Dần dần, khi các kỹ năng chơi của bé phát triển hơn và đa dạng hơn, bạn sẽ thấy bé bắt đầu hợp tác nhiều hơn và càng nhiều tương tác xã hội hơn trong các hoạt động chung với đồ vật. Hai loại hoạt động này ngày ngày sẽ trở nên quen thuộc với trẻ hơn. Hãy nghĩ tới các trò chơi thay đồ búp bê hay các nhân vật hoạt hình khác ở mầm non. Có nhất nhiều yếu tố xã hội trong trò chơi vì những hoạt động chơi với đồ vật. Tuy nhiên, tất cả các trường từ mầm non cho đến mẫu giáo đều đã đang sử dụng cả hai loại trò chơi này. Các giờ chơi tự do thường bao gồm cả hoạt động chơi với đồ vật hoặc chơi xã hội cảm giác như hát, chơi các trò với ngón tay,… Các hoạt động đọc sách hay chơi giả vờ thường kết hợp cả hai loại trò chơi này. Hãy đảm bảo rằng bạn đang dạy trẻ các trò chơi xã hội cảm giác hay các hoạt động chung với đồ vật mà bạn bằng tuổi đang chơi, để chuẩn bị trẻ các kỹ năng sẵn sàng học theo nhóm.
Tổng kết Bước 5
Nếu bạn đã làm theo các hoạt động, bạn đã phát triển được tất cả các bước của một hoạt động chung và bây giờ thì có nhiều hoạt động mà bạn và con bạn có thể thực hiện hàng ngày và chia sẻ với nhau. Hãy kiểm tra danh sách sau, xem bạn đã thực hiện được hầu hết danh sách chưa. Nếu bạn đã làm được, thì có nghĩa là bạn đã nắm được những kỹ năng quan trọng của việc chơi theo lượt và giảng dạy thông qua các hoạt động chung. Nếu vẫn chưa làm được, bạn cần thực hành nhiều hơn.
Danh sách hoạt động: Bạn đã kết thúc trò chơi và tiếp tục trò chơi khác với bé chưa?
____ Tôi biết khi nào con của mình bắt đầu giảm dần sự quan tâm tới một hoạt động chung.
____Tôi biết khi một hoạt động trở nên nhàm chán và không còn thu hút với trẻ
____Con tôi đã có thể giúp tôi dọn dẹp đồ chơi.
____Nếu con tôi từ chối kết thúc một hoạt động. Tôi có thể sử dụng các cách khác nhau (đề xuất một lựa chọn, đưa ra một đồ chơi mới, đề nghị đổi đồ chơi) để giúp bé chuyển sang hoạt động khác.
____Tôi có thể giúp con của mình chuyển sang hoạt động chung mới trong khi vẫn giúp bé tập trung và giữ được tương tác với mình.
Kylie thì sao? Bố mẹ của Kylie rất lo lắng vì cô bé dường như không thích thú các trò xã hội cảm giác. Cô hầu như không quan tâm tới gì khác ngoài đồ chơi. Họ nhận thấy cô bé vô cùng hứng thú với đồ vật, và gần đây cô đã thấy thích thú khi bố của cô cầm một miếng ghép hình con vật lên và giả vờ tiếng kêu của con vật trước khi xếp đúng vị trí. Họ cũng đã đọc nội dung Chương 5 và biết các đồ chơi có thể hỗ trợ việc thu hút sự chú ý của trẻ tới điệu bộ nét mặt và cử chỉ cơ thể của người khác trong khi chơi, vì thế mẹ Kylie bắt đầu chơi trò chơi đánh trống theo lượt với Kylie, dùng chiếc dùi hay tay để gõ trống. Sau một vài lượt gõ trống qua lại, mẹ cô bé đã xen kẽ trò chơi ú òa bằng cách dùng trống che lên mặt bà. Trước tiên, bà lấy trống che mặt mình và kêu “ú”, rồi hạ trống xuống và kêu “òa”. Tiếp theo, bà lấy trống che mặt Kylie rồi kêu “ú”, và bỏ trống ra và kêu “òa”. Kylie rất thích trò chơi này, nhưng sau vài phút cô bỏ đi như muốn nói là cô đã muốn kết thúc trò chơi này. Mẹ Kylie phản hồi lại Kylie rằng bà đã biết rằng “trò chơi ú òa kết thúc” và nhanh chóng rút ra một cái tù và thổi. Kylie chưa hề nhìn thấy đồ chơi này trước đây và cô nhanh chóng với lấy nó. Mẹ của Kylie thổi một vài lần; mỗi lần thổi, bà hát, “Nếu con thấy vui vẻ và con biết điều đó, hãy thổi tù”, tiếp theo là tiếng “tu tu” của tù. Sau đó, bà đưa chiếc tù cho Kylie thổi và mỗi lần Kylie dừng lại để thở, mẹ cô lại thổi và hát một câu trong bài hát. Bà không chắc rằng Kylie có thích bài hát không, nhưng điều này không phải là vấn đề lớn, bởi vì ít nhất đã có 2 trò xã hội cảm giác có sử dụng đồ vật mà bà có thể chơi với con. Bà cũng nhận ra sự quan trọng của việc thực hành thường xuyên hàng ngày để Kylie ngày càng quen thuộc hơn với các hoạt động và dần dần thích thú với các hoạt động đó.
Bước 6: Lồng ghép các hoạt động chung trong các sinh hoạt hàng ngày nhằm thúc đẩy các lĩnh vực phát triển của trẻ
Nguyên tắc cơ bản: Mọi thói quen chăm sóc hàng ngày đều có cấu trúc của một hoạt động chung. Ví dụ, giờ ăn bắt đầu (cho trẻ ngồi vào ghế ăn, thắt dây, rửa hoặc lau tay cho trẻ), một chủ đề (xúc cho trẻ hoặc để thức ăn trên đĩa/bát cho trẻ tự xúc ăn), thêm một vài hoạt động (bạn có thể ngồi cùng, ngồi cạnh, tương tác với trẻ, ăn cùng hoặc chia sẻ một vài đồ ăn với trẻ; phản hồi lại các yêu cầu của trẻ như lấy nước, lấy thêm đồ ăn), và kết thúc (hỏi, “con đã ăn xong chưa?”; lau tay, lau miệng; tháo dây; gỡ khay ăn và đưa trẻ ra khỏi ghế ăn).
Trong Chương 5, chúng ta đã đề cập tới tầm quan trọng của việc tìm ra mọi cách tận dụng tối đa các cơ hội tương tác xã hội ngắn với trẻ trong các hoạt động chăm sóc hàng ngày. Hãy suy nghĩ về các hoạt động, thói quen hàng ngày như là một cơ hội cho các hoạt động chung có thể giúp bạn tìm ra những cách mới để duy trì các tương tác. Đôi khi chúng ta không có nhiều thời gian để ngồi chơi với trẻ, vì thế hãy mường tượng ra cách để lôi cuốn trẻ vào các hoạt động chung hàng ngày mọi lúc mọi nơi để có thể đảm bảo trẻ nhận được càng nhiều cơ hội học tập và thực hành càng tốt. Chúng ta vừa mới nhắc lại bốn bước trong giờ ăn, nó cũng có thể áp dụng cho nhiều hoạt động hàng ngày như mặc quần áo, tắm. Hãy giành vài phút để suy nghĩ về hoạt động khi tắm cho bé. Hãy hình dung về bốn bước (bắt đầu/chuẩn bị một hoạt động chung, thiết lập chủ đề, điều chỉnh/đa dạng chủ đề, và kết thúc hoạt động/hoặc chuyển sang hoạt động tiếp theo). Bạn đã có đủ 4 bước chưa? Hãy xem phần tiếp theo và so sánh xem nó giống và khác với những gì bạn đang nghĩ trong đầu những gì nhé:
- Bắt đầu/chuẩn bị: Đi tới phòng tắm, vặn nước, cởi đồ
- Chủ đề: làm ướt người, thoa xà bong, xả sạch bằng nước
- Thêm vào yếu tố mới/Điều chỉnh: Nói chuyện về các bộ phận của cơ thể trong khi bạn kỳ cọ; chơi bọt xà phòng; chơi đồ chơi phòng tắm; dội và té nước; …
- Kết thúc: Ra khỏi chậu nước, lau người, mặc quần áo.
Giờ thì làm thế nào để tạo ra dạng tương tác mà chúng ta đã đề cập ở trên, và làm sao để bé thực sự tham gia vào tương tác và các hoạt động chơi theo lượt? Con của bạn có thể tham gia vào bước khởi đầu bằng hoạt động tự đi vào nhà tắm cùng với bạn (thay vì được bế vào nhà tắm); giúp bạn mở vòi nước; để tay đặt dưới vòi nước và cảm nhận nước chảy; cố gắng cởi đồ thậm chí đơn giản chỉ là kéo áo qua đầu hoặc kéo tất khỏi chân và cho đồ vào xọt; và giang tay nhờ bạn bế vào bồn tắm (hơn là bạn bế trẻ từ phía sau và đặt trẻ vào bồn tắm).
Làm thế nào để con bạn tham gia vào phần thiết lập chủ đề? Bằng cách giành lượt kỳ bụng, ngực, tay và chân với khăn cọ; đưa cho bạn xà bông; xoa đều dầu gội trên đầu; giữ ca cho bạn vặn đầy nước vào ca, hoặc dội nước lên ngực hay bụng còn đầy xà bông. Tất cả đều là những cơ hội để dạy trẻ chơi theo lượt kèm theo ngôn ngữ và các hành động mẫu.
Phần bổ sung thêm các yếu tố mới cho chủ đề có lẽ là việc dễ nhất mà bạn có thể làm, bởi vì đây là khoảng thời gian chơi trong khi tắm. Đó là thời điểm tuyệt vời để chơi luân phiên với trẻ. Thay vì bạn đặt xà bông lên bụng trẻ, bạn có thể đặt lên đầu trẻ. Hoặc trong khi thả vịt đồ chơi trong bồn tắm, bạn có thể tắm cho vịt (“Thoa xà bong cho vịt nào”).
Phần kết thúc chủ đề có thể yêu cầu trẻ đặt đồ chơi nhà tắm vào hộp, đặt miếng xà bông vào đĩa; ngồi xuống để bạn lau khô người; đưa tay/chân ra khi bạn yêu cầu lau khô tay/chân; lau khô tóc; mát xa kem lên bụng và chân; chải tóc, … Tất cả những hoạt động đó đem đến cho trẻ những trải nghiệm học tập tương tác xã hội tuyệt vời và làm phong phú ngôn ngữ của trẻ.
Những hoạt động này có làm mất thêm thời gian của bạn? Tất nhiên là có – tuy nhiên như vậy bạn có thể biến toàn bộ các hoạt động sinh hoạt hàng ngày trước đây thành các hoạt động chung và đem đến rất nhiều cơ hội tuyệt vời để dạy trẻ. Việc thực hiện các hoạt động chăm sóc hàng ngày mà không gắn với một cấu trúc cụ thể nào đó thường dễ dàng hơn, và chúng ta thường chỉ muốn nhanh chóng kết thúc hoạt động tắm. Thật dễ dàng và nhanh chóng nếu bạn thay đồ, mặc đồ hoặc cho trẻ ăn trong khi trẻ đang mải mê xem một đoạn video nào đó. Tuy nhiên, khi bạn thêm vào 4 bước của hoạt động chung và cấu trúc luân phiên vào trong các hoạt động hàng ngày của trẻ, bạn đã cung cấp rất nhiều cơ hội học tập quan trọng cho trẻ. Bạn giúp trẻ hiểu điều gì sắp diễn ra, hiểu toàn bộ quá trình của một hoạt động, khi nào thì bắt đầu và khi nào thì kết thúc. Điều này giúp trẻ hiểu được hoạt động tiếp theo và chủ động tham gia thay vì đón nhận sự chăm sóc của bạn một cách thụ động. Bạn cũng đang giúp bé học hỏi ý nghĩ của từ ngữ, của điệu bộ cử chỉ và trình tự của các hoạt động hàng ngày. Bạn cũng đang giúp trẻ học kỹ năng bắt chước, kỹ năng quan sát và làm theo, kỹ năng chú ý tới người khác và phản hồi khi ai đó gọi tên mình.
Hầu hết mọi hoạt động bạn làm với trẻ có thể trở thành một hoạt động chung: đánh răng, nhờ trẻ giúp khi nấu ăn, mặc đồ và cởi đồ, đi bộ, đi ngủ và đi chơi. Việc trẻ có thể học và tương tác với bạn trong các sinh hoạt hàng ngày đồng nghĩa với việc con bạn đang được can thiệp suốt cả ngày. Điều này cũng giúp bạn cảm thấy có thêm động lực vì bạn nhìn thấy nụ cười của con trong quá trình tương tác với bạn, và không có gì làm các bậc cha mẹ thỏa mãn hơn là nhìn thấy con mình vui vẻ và hoạt bát. Các hoạt động dưới đây sẽ giúp bạn tìm ra các hoạt động chung có thể lồng ghép vào các hoạt động sinh hoạt và vui chơi hàng ngày với trẻ.
Hoạt động: Tìm một cấu trúc của hoạt động chung trong sinh hoạt hàng ngày
Hãy dành ít phút trong vòng vài ngày tiếp theo để quan sát cách bạn và con bạn thực hiện sáu loại hoạt động đã đề cập ở Chương 4:
- Chơi với đồ chơi hoặc các đồ vật khác
- Trò chơi xã hội
- Ăn
- Hoạt động sinh hoạt cá nhân (tắm/thay đồ/đi ngủ)
- Đọc sách
- Làm việc nhà
Dưới đây là một vài gợi ý cho việc xây dựng các hoạt động chung trong sinh hoạt hàng ngày:
- Với mỗi hoạt động trong 6 loại hoạt động được liệt kê ở trên, hãy suy nghĩ xem bạn có thường xuyên sử dụng 4 bước của một hoạt động chung không? Những hoạt động nào đã bao gồm cấu trúc của một hoạt động chung gồm Chuẩn bị, thiết lập chủ đề, điều chỉnh, và kết thúc/chuyển sang hoạt động tiếp theo. Những hoạt động nào chưa bao gồm cấu trúc của một hoạt động chung mà có thể đem đến các cơ hội học hỏi cho trẻ? Khi bạn xác định được các loại hoạt động sẽ hiệu quả hơn nếu lồng ghép cấu trúc của một hoạt động chung vào, bạn hãy sử dụng mẫu biểu ở trang sau để cân nhắc và lên kế hoạch để bạn có thể xây dựng một cấu trúc hoạt động chung xung quanh chúng. (Tạo thêm nhiều bản copy nếu bạn cần thêm chỗ viết). Bắt đầu bằng việc tạo danh sách các chủ đề tiềm năng – các hoạt động bạn có thể làm từng bước mà con bạn thích thú. Nếu bạn không chắc chắn về việc trẻ sẽ phản hồi thế nào, đừng lo lắng. Bạn luôn luôn có thể thử và thay đổi các chủ đề dựa trên việc đánh giá những gì hiệu quả và không hiệu quả. Sau khi bạn đã thiết lập được chủ đề, xác định các yếu tố có thể thêm vào chủ đề. Tiếp theo là phần kết thúc, làm sao để bạn và con bạn có thể kết thúc các hoạt động cùng nhau, tức là con bạn sẽ tham gia vào hoạt động kết thúc? Cuối cùng, hãy áp dụng tương tự cho giai chuẩn bị. Làm thế nào bạn và con bạn có thể cùng nhau bắt đầu hoạt động để cho bé có thể kỳ vọng điều gì sắp diễn ra và sẵn sàng tham gia?
- Tiếp theo, tìm cách trả lời những câu hỏi sau dựa trên những quan sát trong các bước. Với mỗi hoạt động trong 6 hoạt động ở trên:
- Làm thế nào để tôi và con tôi chuẩn bị cho hoạt động chung?
- Chủ đề của hoạt động chung là gì? Làm thế nào để chơi theo lượt?
- Làm sao tôi có thể điều chỉnh hoặc mở rộng hoạt động chung? Bạn và trẻ sẽ chơi theo lượt như thế nào với điều chỉnh đó?
- Con tôi và tôi kết thúc và chuyển sang hoạt động chung tiếp theo cùng nhau như thế nào?
Dưới đây là một vài ý tưởng cụ thể để biến các hoạt động hàng ngày thành hoạt động chung
- Đọc sách:
- Chuẩn bị: Chọn một trong 2 cuốn sách, và đặt sách ở giữa mẹ và trẻ đảm bảo có thể giao tiếp mặt đối mặt.
- Chủ đề: (lượt của bé) bé mở sách và nhìn vào một bức tranh bạn chỉ và gọi tên cho bức tranh. (Lượt của bạn) bạn chỉ vào bức tranh tiếp theo và gọi tên. Lặp đi lặp lại một vài lần.
- Thêm yếu tố mới: Bạn thêm vào một vài thứ khác – thực hiện một hoạt động trong một cuốn sách hành động, hoặc thêm các hiệu ứng âm thanh, hoặc bài hát liên quan. Những yếu tố mới thêm vào này có thể nằm ngoài những nội dung trong sách, thêm nhiều trang nữa, yêu cầu trẻ chỉ tranh, trả lời các câu hỏi. Tuy nhiên, bạn không nên cố gắng bổ sung các yếu tố mới trừ khi hoạt động đọc sách bắt đầu trở nên nhàm chán.
- Kết thúc: Trẻ trả sách đúng về vị trí ban đầu ở trên giá, và lựa chọn đồ chơi tiếp theo.
- Thay tã:
- Chuẩn bị: Đưa tã cho bé cầm (điều này sẽ giúp bé biết điều gì sắp diễn ra), nắm tay trẻ cùng đi tới chỗ thay tã. Đề nghị trẻ giơ tay để bạn bế đặt lên chỗ thay tã.
- Chủ đề: Đề nghị trẻ đưa bạn tã, khăn lau,…
- Thêm yếu tố mới: Chơi một trò chơi xã hội trong khi con bạn vẫn đang nằm sau khi đã được thay tã (trò với ngón tay, trò ú òa, trò trốn tìm/“mẹ bắt được con rồi”, …)
- Kết thúc: Trẻ ngồi dậy, giang tay bạn bế xuống, bỏ tã bẩn vào thùng rác và ra chỗ khác chơi.
- Giờ ăn:
- Chuẩn bị: Trẻ giang tay để bạn bế lên ngồi lên ghế ăn, giúp trẻ đeo yếm, lựa chọn đồ ăn.
- Chủ đề: Đầu tiên trẻ ăn, sau đó bạn ăn giống trẻ
- Thêm yếu tố mới: Thêm đồ ăn mới, thêm các lựa chọn, đề nghị trẻ cầm cho bạn ăn, trò chơi bắt chước, sử dụng thìa, dĩa, thử đồ ăn mới, giả vở cho búp bê ăn.
- Kết thúc: Yêu cầu trẻ đưa đĩa, cốc và thìa cho bạn; giúp trẻ lau tay, lau miệng, lau khay ăn; trẻ đề nghị bạn bế trẻ ra khỏi ghế ăn.
- Hoạt động ngoài trời:
- Chuẩn bị: Lấy giầy và tất; để trẻ ngồi xuống gần cửa ra vào; mặc đồ, tất và đi giầy – đề nghị trẻ làm cùng với bạn. Mở cửa, đi ra và đóng cửa.
- Chủ đề: Bất cứ hoạt động gì con bạn chọn. Các trò chơi theo lượt như: đẩy trẻ trên chiếc xích đu (bạn nên đứng trước mặt trẻ và đẩy xích đu hơn là đẩy từ phía sau trẻ, do vậy bạn có thể tương tác, chạm chân trẻ,…), ném bóng qua lại, cùng đào cát, hoặc trò gì trẻ yêu thích.
- Thêm yếu tố mới: Một hoạt động thứ 2
- Kết thúc: cất bóng hoặc các vật dụng khác đi. Cùng nắm tay đi bộ về. Cởi giầy, tất, áo khoác và cất chúng. Rửa tay rồi uống nước.
- Thay đồ:
- Chuẩn bị: Lấy quần áo và đặt trên sàn, trên giường hoặc chỗ thay đồ.
- Chủ đề: Đưa áo cho trẻ, giúp trẻ xỏ áo qua đầu, …
- Thêm yếu tố mới: bổ sung thêm đồ mặc
- Kết thúc: Kết thúc với một bài hát, vỗ tay, đóng cửa tủ quần áo, soi gương và đặt tên cho bộ quần áo, …
Tổng kết Bước 6
Nếu bạn đã làm theo các họat động ở trên, có nghĩa là bây giờ bạn đã có những ý tưởng hoặc những “bước đi đầu tiên” về các loại hoạt động chung mà bạn có thể lồng ghép trong tất cả các hoạt động hàng ngày. Bây giờ bạn có thể nghĩ về những hoạt động đem đến nhiều hơn cơ hội tham gia và học hỏi cho con bạn. Hãy xem danh sách dưới đây và kiểm tra xem bạn có đồng ý với tất cả các ý kiến đó không nhé.
Danh sách hoạt động: Những hoạt động chung nào tôi có thể làm với con mình?
_____ Tôi biết cách chuẩn bị nhiều trò chơi với các đồ chơi hoặc đồ vật mà bé thích chơi hoặc các trò chơi xã hội mà không cần đồ chơi.
_____Tôi biết cách xây dựng chủ đề hoặc hoạt động chính của trò chơi làm cho bé vui vẻ và cười.
_____Tôi có những ý tưởng để làm giàu thêm các chủ đề hoặc biết cách thêm các đồ vật mới hoặc hoạt động mà bé thích thú.
_____Tôi có những ý tưởng về việc sử dụng cấu trúc bốn – phần của một hoạt động chung trong các hoạt động ăn uống của bé.
_____Tôi có những kế hoạch sử dụng cấu trúc bốn-phần của một hoạt động chung cho các hoạt động ngoài trời.
_____ Tôi đã thử cấu trúc bốn-phần của một hoạt động chung cho các hoạt động đọc sách với bé
____ Tôi đang sử dụng cấu trúc bốn – phần của một hoạt động chung khi tắm cho bé cũng như các hoạt động chăm sóc cá nhân khác.
Tổng kết Chương
Chương này tập trung vào việc làm thế nào để phát triển một “vũ điệu” qua-lại với con của bạn thông qua các hoạt động chung với cấu trúc bốn-phần sử dụng đồ chơi, trò chơi xã hội và các hoạt động chăm sóc cá nhân hàng ngày. Phát triển các hoạt động luân phiên như là môt cách tương tác với bé và chia nhỏ những hành động thành các khung trò chơi và các hoạt động hàng ngày nhằm gia tăng cơ hội học tập, phát triển ngôn ngữ; thúc đẩy tương tác xã hội cho bé, và các cơ hội tham gia và học hỏi từ trong và ngoài cuộc sống hàng ngày. Bây giờ là lượt của bạn – chúc bạn vui vẻ!
Ghi chép các hoạt động chung theo 4 giai đoạn | ||||
Hoạt động | Chuẩn bị | Thiết lập chủ đề | Điều chỉnh | Kết thúc |
Đồ chơi/đồ vật | ||||
Trò chơi xã hội | ||||
Trong bữa ăn | ||||
Sinh hoạt cá nhân (tắm, thay đồ, đi ngủ) | ||||
Đọc sách | ||||
Làm việc nhà |
Danh sách ghi nhớ:
Mục tiêu: Dạy trẻ biết chơi luân phiên trong các hoạt động chung
Các bước:
– Để đồ chơi giữa bạn và trẻ
– Xác định vị trí của bạn! Đảm bảo trẻ quan sát lượt chơi của bạn
– Tường thuật, gọi tên hành động, sử dụng các từ đơn giản, bài hát, và âm thanh thú vị.
– Lên danh sách các hoạt động chơi và hoạt động chăm sóc trẻ hàng ngày sử dụng cấu trú bốn-phần của một hoạt động chung: Chuẩn bị, Chủ đề, Điều chỉnh, Kết thúc/Chuyển hoạt động.
– Duy trì chơi luân phiên, tương tác qua lại thông xuyên suốt từng phần của một hoạt động chung.
CHƯƠNG 7. NGÔN NGỮ CƠ THỂ – TẦM QUAN TRỌNG CỦA GIAO TIẾP PHI NGÔN NGỮ (GIAO TIẾP KHÔNG LỜI)
Mục tiêu của chương: Chương này cung cấp cho bạn các cách thức để giúp con bạn (1) học cách biểu đạt nhu cầu, cảm xúc và mối quan tâm bằng cách sử dụng ngôn ngữ cơ thể, và (2) học cách hiểu ngôn ngữ cơ thể của bạn. Giao tiếp phi ngôn ngữ là một nền tảng của tiếng nói và ngôn ngữ.
Tại sao giao tiếp phi ngôn ngữ (ngôn ngữ cơ thể) lại quan trọng đến vậy?
Mặc dù hầu hết chúng ta đều nghĩ tới tiếng nói khi chúng ta đề cập tới giao tiếp của trẻ, tuy nhiên có nhiều thứ có ý nghĩa giao tiếp hơn là lời nói. Một thời gian dài trước khi tiếng nói của chúng ta phát triển, hầu hết trẻ sơ sinh và trẻ mầm non trở nên rất thuần thục với việc ghi nhận các thông điệp thông qua mắt, nét mặt, điệu bộ cử chỉ của tay, cơ thể và âm thanh. Chúng cũng học cách hiểu ngôn ngữ cơ thể của bố mẹ rất tốt. Ngôn ngữ cở thể! Nhận thức và việc sử dụng giao tiếp phi ngôn ngữ đã dạy cho chúng rằng có thể lựa chọn và gửi các suy nghĩ và cảm xúc tới người khác – thông qua giao tiếp mắt, hành động/cử chỉ, và âm thanh – và rằng ý muốn của người khác có thể bày tỏ bằng những thông điệp được truyển tải thông qua cơ thể, tới mắt và đi vào ý thức của đối phương. Đó chính là mục đích của giao tiếp.
Thông qua ngôn ngữ cơ thể, con của bạn sẽ bắt đầu hiểu được rằng cậu bé có thể hiểu được các suy nghĩ, cảm xúc, mong muốn và sở thích của bạn, và rằng bạn có thể hiểu được những suy nghĩ của cậu ta. Đó chính là lý do tại sao giao tiếp phi ngôn ngữ lại quan trọng đến vậy: Nó cho phép con của bạn một cách mới để hiểu người khác và hiểu về bản thân cậu ta như là một con người với cuộc sống nội tâm, với các trạng thái tinh thần có thể chia sẻ được. Hay nói cách khác, bạn có thể đọc được các biểu hiện của người khác, hay đúng hơn là đọc được suy nghĩ của người khác! Đây là cách chúng ta tương tác với người khác – bằng cách chia sẻ những gì đang diễn ra trong trái tim và suy nghĩ của chúng ta.
Và nó còn cho phép một đứa trẻ chưa có khả năng nói có thể biểu đạt cá nhân. Giao tiếp phi ngôn ngữ, hầu hết các nhà nghiên cứu về ngôn ngữ đều tin tưởng rằng, sẽ cung cấp một nền tảng quan trọng cho sự phát triển tiếng nói. Khi một đứa trẻ hiểu được rằng giao tiếp tồn tại, thì tiếng nói và điệu bộ đều có ý nghĩa. Tiếng nói là một phần bổ sung vào hệ thống giao tiếp, trong đó giao tiếp phi ngôn ngữ hay ngôn ngữ cơ thể lại được được xây dựng đầu tiên trong hệ thống giao tiếp này.
Chuyện gì xảy ra với trẻ tự kỷ?
Trẻ tự kỷ bị cản trở trong việc đọc suy nghĩ của người khác. Trẻ tự kỷ gặp rất nhiều khó khăn trong việc nhận ra những thông điệp được gửi từ người này tới người khác, từ suy nghĩ, thông qua cơ thể, mắt, tai và suy nghĩ của người khác. Quá trình xử lý việc lựa chọn thông điệp gửi đi và “đọc” những thông điệp của người khác dường như là không tồn tại đối với trẻ tự kỷ. Rất nhiều trẻ tự kỷ dường như không nhận thức được việc giao tiếp xảy ra giữa hai người; trẻ không nhận thức được sự quan trọng của ánh mắt, cử chỉ, lời nói và điệu bộ nét mặt. Một đứa trẻ không biết rằng những biểu hiện, tín hiệu là có ý nghĩa thì sẽ không để ý hoặc quan tâm tới chúng. Một vài trẻ tự kỷ chạy đến bố mẹ và kéo tay họ đặt vào vật nào đó để cố gắng gửi đi những thông điệp. Một vài trẻ tự kỷ không sử dụng bất cứ tín hiệu rõ ràng nào để thể hiện những nhu cầu hoặc mong muốn của trẻ. Bố mẹ trẻ phải quyết định khi nào trẻ cần ăn, thay đồ, đi ngủ mà không có bất cứ biểu hiệu nào từ trẻ. Một số trẻ khác có thể bùng nổ hoặc thể hiện sự đau đớn, khó chịu nhưng không biết diễn đạt nhu cầu của mình bằng một cách nào đó khiến bố mẹ trẻ phải rất khó khăn để tìm ra nhu cầu và mong muốn của trẻ.
Tại sao nó lại là vấn đề?
Khi một đứa trẻ không hề giao tiếp, hoặc biểu hiện khó chịu nhưng không chỉ rõ nguyên nhân, thì bố mẹ trẻ sẽ phải quen với việc tự quyết định cho trẻ và trẻ không còn bất cứ nhu cầu nào mà không được đáp ứng. Cuộc sống thật dễ dàng! Mọi thứ được người khác lo cho! Vậy thì tại sao một đứa trẻ mà mọi nhu cầu của chúng được đáp ứng đầy đủ phải tìm kiếm động lực để giao tiếp?
Những rào cản gây ra bởi chứng tự kỷ cho việc giao tiếp phi ngôn ngữ có thể làm trì trệ một cách nghiêm trọng toàn bộ việc phát triển giao tiếp ở trẻ, và những rào cản giao tiếp này có thể tồn tại trong nhiều năm – chậm nói và chậm phát triển ngôn ngữ, hạn chế tương tác xã hội dựa trên sự chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc với cha mẹ và người khác, và hạn chế một cách trầm trọng khả năng học tập của trẻ. Trước khi có các chương trình can thiệp sớm cho hầu hết trẻ nhỏ, chúng ta thường xuyên bắt gặp những trẻ tự kỷ tầm 8 đến 10 tuổi mà hầu như không nhận thức được việc giao tiếp. Chúng không có ngôn ngữ, điệu bộ cử chỉ hoặc các phương thức giao tiếp tương ứng, chúng cũng không có các giao tiếp xã hội hoặc tương tác với bạn đồng trang lứa hoặc anh chị em trong nhà.
Bố mẹ của Juliana không biết phải làm gì với đứa con 2 tuổi rưỡi của mình trong bữa ăn. Thay vì ngồi trên ghế ăn, cô con gái nhỏ của họ lại muốn cầm bát đựng ngũ cốc, bánh sandwich và hoa quả vừa chạy xung quanh nhà vừa ăn. Do cô bé la khóc, co rúm người lại và không chịu ngồi yên khi bố mẹ cô cố gắng đặt cô ngôi trên ghế ăn cao nên bố mẹ cô bé đành chiều theo cô bằng cách đặt những đĩa đồ ăn trên một cái giá thấp trong bếp nơi cô bé có thể với lấy và ăn bất cứ lúc nào. Điều này cũng đồng nghĩa với việc đồ ăn, vết tay dính đồ ăn của của cô bé có khắp mọi nơi trong nhà.
Khi Juliana muốn thứ gì đó đặc biệt, cô kéo tay mẹ mình vào bếp và đứng trước tủ lạnh hoặc giá để đồ ăn. Tuy nhiên, khi mẹ cô mở tủ lạnh hoặc giá đồ ăn, Juliana không biết làm thế nào diễn tả thứ cô muốn vì cô không biết cách chỉ vào đồ vật hoặc nói. Mẹ cô phải cầm từng thứ một và hỏi xem có phải thứ cô muốn, và Juliana thường khóc và trở nên cáu giận mỗi khi mẹ cô đưa ra thứ mà cô không muốn. Bởi vì Juliana không có những cử chỉ, điệu bộ rõ ràng, nên mẹ cô phải đưa ra tới 10 sự lựa chọn khác nhau để cô tìm ra thứ mình muốn ăn, đã thế Juliana thường chỉ cắn một vài miếng rồi không ăn nữa và lại tiếp tục đòi thứ khác. Điều này diễn ra nhiều lần trong ngày đã gây căng thẳng cho cả Juliana và mẹ cô bé. Cô của Juliana chỉ trích mẹ cô đã làm hư cô bé, nhưng Juliana thì gầy gò so với độ tuổi của cô ấy, và mẹ cô rất lo lắng về vấn đề dinh dưỡng của cô. Bà không biết làm thế nào để giải quyết vấn đề này. Bà chỉ mong sao Juliana có thể diễn đạt thứ cô muốn bằng cách chỉ vào hoặc nói tên đồ vật đó.
Bạn có thể làm gì để tăng cường giao tiếp phi ngôn ngữ cho trẻ
Việc phát triển giao tiếp phi ngôn ngữ – ngôn ngữ cơ thể chính là việc xây dựng con đường đi tới tiếng nói, ngôn ngữ và giao tiếp hai chiều. Dưới đây là năm bước cụ thể bạn có thể sử dụng để giúp đứa con tự kỷ của mình phát triển ngôn ngữ cơ thể, tự diễn tả nhu cầu, mong muốn và cảm xúc của trẻ – điều này giúp trẻ ngày càng chủ động giao tiếp hơn.
Bước 1: Làm ít và để cho bé làm nhiều hơn
Bước 2: Chờ đợi một chút
Bước 3: Tạo ra nhiều cơ hội thực hành
Bước 4: Kiên trì
Bước 5: Xác định vị trí của bạn
Trong những trang tiếp theo, chúng tôi sẽ mô tả cách thực hiện những bước này, cung cấp cho bạn những ý tưởng cho các hoạt động để bạn có thể thực hành, cũng như gợi ý những giải pháp để giải quyết các vấn đề có thể gặp phải.
Bước 1: Làm ít và để cho bé làm nhiều hơn
Nguyên tắc cơ bản: Đứa con tự kỷ của bạn, cũng giống như tất cả trẻ nhỏ khác, cần phải học cách sử dụng điệu bộ, giao tiếp mắt, biểu đạt và âm thanh để lựa chọn, xác định thứ trẻ muốn, chia sẻ cảm xúc, và từ chối những thứ trẻ không muốn. Làm ít hơn để đoán biết nhu cầu của trẻ như – đưa cho trẻ nhiều đồ vật để lựa chọn hơn là để trẻ tự do lấy mọi thứ, đưa ra nhiều sự lựa chọn cho trẻ hơn là chỉ một sự lựa chọn, hoặc đưa cho trẻ đồ mà bạn biết trẻ không thích – sẽ khuyến khích trẻ giao tiếp tốt hơn.
Hoạt động: Tìm ra cách khuyến khích con của bạn giao tiếp nhiều hơn hàng ngày
Hãy giành thời gian một vài ngày để quan sát con của bạn trong sáu loại hoạt động mà chúng ta đã đề cập ở Chương 4:
- Chơi với đồ chơi hoặc đồ vật khác
- Chơi các trò chơi xã hội
- Trong bữa ăn
- Hoạt động chăm sóc cá nhân (tắm/thay đồ/đi ngủ)
- Đọc sách
- Làm việc nhà
“Thường thì bố mẹ cảm thấy với việc con mình không có ngôn ngữ, hoặc bị chuẩn đoán tự kỷ đồng nghĩa với việc con mình không có khả năng làm gì cả. Họ nghĩ rằng họ có thể giúp con mình bằng cách làm mọi việc cho trẻ, nhưng vô hình chung làm như vậy chính là họ đang làm giảm khả năng tự lập và gây trở ngại cho quá trình học tập của trẻ”.
Dưới đây là một vài ý tưởng để khuyến khích con bạn giao tiếp nhiều hơn:
- Với mỗi hoạt động trong sáu hoạt động được liệt kê ở trên, hãy nghĩ về chủ đề của hoạt động và làm cách nào bạn có thể giúp trẻ làm nhiều hơn trong các hoạt đông. Bạn có thể bẻ nhỏ chiếc bánh ra thành nhiều miếng và đưa từng miếng mỗi khi con bạn yêu cầu, hoặc đừng vội cho thức ăn vào trong bát của con bạn trước khi trẻ yêu cầu lấy thêm? Bạn có thể đưa ra nhiều lựa chọn hơn trong các hoạt động để thu hút trẻ tham gia? Còn về việc thiết lập các chủ đề như thế nào? Bạn nên cho con mình tham gia vào các chủ đề như giúp bạn mở hộp, lấy các đồ vật ra, chọn đồ vật cần dùng? Hãy nhớ thiết lập bốn bước trong chuỗi của hoạt động chung: chuẩn bị, xác định chủ đề, thêm yếu tố mới và kết thúc/chuyển giao mà bạn đã được biết trong Chương 6.
- Tiếp theo, với mỗi một bước trong 4 bước, hãy tạo một danh sách các hoạt động bạn thu hút trẻ tham gia nhiều hơn. (Chúng tôi có một mẫu biểu bạn có thể tham khảo áp dụng để liệt kê danh sách các hoạt động trẻ hứng thú tham gia trong cuốn sách này. Nếu bạn muốn sử dụng, thì nó nằm ở gần cuối của chương này). Nếu bạn vẫn chưa chắc chắn về việc con bạn sẽ phản hồi như thế nào, hãy thử và thay đổi dựa trên những gì thực tế hoạt động đã diễn ra.
Bước 2: Chờ đợi một chút
Nguyên tắc: Một cách để bạn làm ít là bạn hãy chờ đợi các tín hiệu từ con trước khi bạn đưa ra thứ trẻ đang cần. Bạn hãy chờ đợi trẻ giao tiếp với bạn về nhu cầu của trẻ. Bạn sẽ dạy trẻ những hành vi giao tiếp thông thường như liếc mắt, chỉ tay, hay tạo âm thanh để gửi đi thông điệp và nhận được thứ mà trẻ muốn.
Hoạt động: Chờ đợi, nhưng chủ động theo dõi các dấu hiệu của con bạn
Lời khuyên hữu ích:
Mặc dù hầu hết trẻ nhỏ có xu hướng sử dụng kết hợp giọng nói, cử chỉ tay và ánh mắt để ra hiệu cho bố mẹ trẻ, tuy nhiên trẻ tự kỷ có xu hướng sử dụng tách biệt những công cụ giao tiếp đó. Con bạn có thể học được cách kết hợp cử chỉ, ánh mắt và dùng giọng nói để thể hiện những nhu cầu, mong muốn, cảm xúc và mối quan tâm của trẻ. Trong Chương 13, chúng tôi sẽ đề cập việc làm thế nào để giúp đỡ trẻ tự kỷ kết hợp những công cụ này trong giao tiếp.
Khi con của bạn đang rất muốn thứ gì đó như muốn được bế lên, muốn uống nước, muốn chơi đồ chơi phòng tắm, hoặc muốn với đồ vật yêu thích bị lăn dưới gầm ghế mà bạn vừa lấy ra, thì bạn hãy cầm đồ vật đó để trước mặt bạn và chờ xem trẻ phản ứng như thế nào. Hãy đợi một cử chỉ nhỏ, một chút giao tiếp mắt nhanh, hay một âm thanh nào đó mà trẻ phát ra. Hãy đợi con bạn giao tiếp với bạn để biểu đạt thứ trẻ muốn. Khi bạn thấy một cử chỉ hay âm thanh nào đó từ trẻ, bạn hãy nhanh chóng đưa đồ vật mà trẻ đang muốn đó.
Hoạt động: Hạn chế tối đa sự thất vọng của trẻ
Dưới đây là một vài ý tưởng để hạn chế tối đa sự thất vọng của trẻ khi bạn chờ đợi và quan sát:
- Làm gì khi trẻ giao tiếp bằng việc gào khóc, giống như Juliana? Chờ đợi sẽ chỉ đem đến kết quả là bé sẽ khóc nhiều hơn mà thôi. Nếu con bạn thường ăn vạ để đòi thứ trẻ muốn, thì bạn sẽ phải đưa ra lựa chọn cho bé nhanh chóng trước khi bé muốn ăn vạ. Chẳng hạn, nếu trẻ đang nhoài tới bạn và muốn bạn bế lên (cần lưu ý rằng hành động này xảy ra trước khi bé gào khóc đòi bế) thì bạn hãy cúi người xuống, chìa tay ra và chờ bé chìa tay cho bạn bế (cử chỉ của bé), rồi bạn bế bé lên ngay tức thì.
Juliana thì sao? Bố mẹ của Juliana bắt đầu áp dụng các chiến lược trên từ việc cho Juliana lựa chọn đồ ăn. Trong khi Juliana đang bận chơi một mình, họ đặt vài món đồ ăn ưa thích trên giá bếp. Tiếp theo họ tới chỗ Juliana và nói: “Mình đi ăn chút gì đi con”. Họ dắt Juliana đi vào bếp, cúi xuống cạnh Juliana và chỉ vào các đồ ăn đã bày trên giá và hỏi: “Con có muốn ăn không?”. Ngay khi Juliana cố gắng với một món đồ ăn nào đó ở trên giá, bố mẹ cô nhanh chóng cầm xuống, giữ nó trước mặt cô bé và lấy một phần cho cô bé, vì thế cô bé sẽ lại tiếp tục quay sang bố mẹ để lấy món đồ ăn cô thích. Mỗi khi Juliana quay sang bố mẹ với lấy đồ, bố mẹ cô lại lập tức đưa cho cô bé vì đó chính là cách giao tiếp của Juliana – với tay lấy đồ.
- Làm gì khi con của bạn chỉ ngồi đó mà không làm bất cứ thứ gì? Hãy đặt một đồ vật yêu thích nào đó của bé, quỳ hoặc ngồi xuống sao cho bạn và con bạn mặt đối mặt, và đưa một phần của đồ vật cho bé: “Con có muốn lấy đồ chơi này không?”. Ngay khi cậu bé với sang bạn, hãy nói: “Con muốn đồ chơi này à?”, và đưa đồ chơi cho cậu bé. Con bạn đã giao tiếp với một cử chỉ – với tay lấy đồ.
Bước 3: Tạo ra thật nhiều cơ hội thực hành
Nguyên tắc: Việc thực hành thật nhiều sẽ giúp con bạn học được cách sử dụng điệu bộ cơ thể để giao tiếp. Bạn có thể tạo ra nhiều cơ hội mỗi khi bạn chơi với con mình, bằng cách luôn chú ý đến các nhu cầu của trẻ nhưng bạn phải luôn giữ đồ vật một chút trước khi đưa cho trẻ. Dưới đây là một vài ý tưởng để tạo ra nhu cầu giao tiếp cho con bạn.
Hoạt động: Trước khi đưa đồ cho trẻ, hãy giữ chúng lại một chút
Dưới đây là một vài ý tưởng để tạo ra nhu cầu giao tiếp:
- Trước khi bế bé lên, giang tay bạn ra và chờ cho đến khi trẻ nhìn bạn hoặc giang tay ra để được bạn bế.
- Khi con của bạn muốn uống nước, đổ một ít nước vào cốc của trẻ, cúi xuống sao cho 2 người mặt đối mặt, và giữ chiếc cốc ngay trước mặt bạn – nhưng hãy chờ cho đến khi trẻ nhìn bạn, nói hoặc có cử chỉ biểu hiện muốn lấy cốc nước, lúc đó bạn mới đưa cốc nước cho trẻ.
- Tạo ra những tình huống mà trẻ cần sự trợ giúp của bạn. Đôi khi trẻ được phép lấy mọi thứ mà chúng muốn mà không cần phải nhờ bất cứ ai giúp đỡ. Nếu điều này đúng với con bạn, bạn cần bắt đầu giữ những đồ chơi yêu thích, cốc nước, đồ ăn hoặc những đồ vật đặc biệt của bé ở tầm có thể nhìn được nhưng không với lấy được (trên giá cao, trong ngăn tủ đóng kín), để cho trẻ phải yêu cầu giúp đỡ để lấy thứ trẻ muốn. Bạn nghĩ trẻ sẽ phản ứng ra sao? Trẻ có thể với lên giá cao và lấy được hộp đựng đồ hoặc đứng đó gào khóc. Khi đó, bạn có thể hỏi, “Con muốn gì nào?” Nếu con của bạn với hoặc chỉ vào đồ vật, hoặc có cử chỉ thể hiện muốn bạn bế lên, hoặc nói mà không ăn vạ, hoặc nhìn bạn chờ đợi sự trợ giúp, bạn hãy nói, “Có phải con muốn [đồ vật] cái này đúng không”, và lấy chúng. Sau đó đưa cho bé và nói “[Đồ vật] của con đây.”
- Nếu con của bạn chỉ đứng đó mà không có bất cứ hành động giao tiếp nào, hãy giúp bé tạo ra một yêu cầu cụ thể với ngôn ngữ cơ thể của bé. Bạn có thể nhặt một đồ vật mà bé yêu thích và di chuyển nó gần con bạn hơn để khơi gợi bé (“Muốn [đồ chơi] này không?”), đưa tay của bạn ra và khơi gợi điệu bộ bế lên (“Con muốn mẹ bế lên không”), hoặc ngồi ngay trước mặt bé và hỏi (“Con muốn gì nào?”) để tìm hiểu, lôi kéo ánh mắt hoặc lời nói của bé. Bế bé lên hoặc lấy đồ vật ngay khi con bạn dành cho bạn một ánh mắt, lời nói hoặc bất cứ một cử chỉ nào thể hiện muốn lấy đồ vật để trả lời câu hỏi của bạn mà không phải là sự gào khóc, giận dỗi.
- Nếu con bạn vẫn gào khóc, bực bội hoặc tỏ ra thất vọng, hãy đưa tay bế bé lên, di chuyển bé lại gần các đồ vật và nhìn, tìm kiếm. Nếu không có một biểu hiện nào của bé nhìn ngó, tìm kiếm đồ vật, hãy nhặt đồ vật lên, nhưng vẫn để xa tầm với của bé; và chờ đợi một cử chỉ, điệu bộ, lời nói nào đó của bé trước khi đưa đồ vật cho trẻ. Hoặc, trong khi con của bạn vẫn ở trên sàn nhà, bạn hãy lấy đồ vật trên giá và đặt gần bé để khuyến khích bé với tới đồ vật trước khi đưa nó cho bé. Bởi vì bạn đưa đồ vật cho bé ngay sau khi bé có cử chỉ, ánh mắt hoặc âm thanh nào đó, bé sẽ học được rằng đó chính là giao tiếp không lời để đạt được thứ mà bé cần.
- Bạn đưa cho trẻ một cái hộp kín có đồ vật bên trong. Tiếp theo, trẻ có thể sẽ cầm đưa lại cho bạn để nhờ bạn mở cái hộp ra. Nếu trẻ không đưa lại cho bạn, bạn hãy xòe tay ra và nói, “Con cần mẹ giúp không?” Trẻ sẽ đưa cái hộp cho bạn để bạn mở giúp. Tuy nhiên, nếu trẻ không đưa, hãy giúp cậu bé đặt cái hộp vào tay bạn. Tiếp theo mở hộp ra để lấy đồ vật và đưa lại cho bé “Đây là [đồ vật]!”
- Thay vì chỉ lấy hộp ngũ cốc – món trẻ thích ăn xuống khỏi giá, thì bạn hãy lấy hai hộp – một hộp ngũ cốc và một hộp đứng đồ con không thích ăn. Đặt hai hộp trước mặt bé để khuyến khích bé với tay hoặc chạm vào hộp trẻ muốn. Hoặc đưa cho trẻ cái hộp mà trẻ không thích, và khi trẻ bắt đầu phản đối hoặc từ chối ăn, bạn hãy nói, “Jack hãy nói không” (với một cái lắc đầu) đồng thời bạn hãy cầm lấy cái hộp đó. Tiếp theo, ngay lập tức đưa cái hộp mà trẻ thích, khi trẻ với tay để lấy nó, hãy nói, “Jack hãy nói có, Oh yeah!” đồng thời bạn gật đầu và bắt đầu mở hộp. Bây giờ, Jack đã biết cách biểu hiện hai loại cảm xúc bằng ngôn ngữ cơ thể – từ chối và chấp nhận.
- Bạn không nên bế bé lên để cho bé bay, quay vòng, chạy nhảy,… lặp đi lặp lại, mà chỉ nên làm một vài lần như thế rồi đặt bé xuống. Sau đó quan sát trẻ và chờ đợi một chút nếu trẻ tới gần bạn và muốn tiếp tục trò chơi (Con muốn bay nữa chứ?”). Nếu bé đồng ý, sẽ có một vài ngôn ngữ cơ thể! Làm lại và nói (Vâng, Ethan muốn bay!”). Nếu con của bạn nhìn bạn nhưng không có hành động gì, hãy phản hồi lại bé ngay và làm động tác bay. Nếu con bạn chỉ ngồi đó mà không thể hiện bất cứ dấu hiệu gì của việc giao tiếp, hãy cúi xuống, chìa tay ra và chờ đợi bé quay lại. Nếu bé với tới bạn, hãy thực hiện quay vòng ngay. Nếu bé không phản hồi lại đề nghị của bạn, vẫn ngồi đó và chờ đợi thì bạn hãy tiến tới và làm điệu bộ cánh chim bay lặp đi lặp lại và nói (“Cánh chim!”). Thực hiện lặp đi lặp lại một vài lần sau đó dừng lại, chìa tay ra và mời mọc tiếp, chờ đợi. Quan sát nếu bé với tay bạn, hoặc nhìn vào mắt bạn hoặc tạo ra một âm thanh thể hiện rằng cậu ta muốn bạn tiếp tục trò chơi.
- Bạn không nên thổi bong bóng, thổi bóng bay, quay chong chóng, hoặc thổi kèn lặp đi lặp lại, mà hãy chỉ làm một hoặc hai lần để con của bạn thấy thích thú. Tiếp theo, hãy chuẩn bị làm tiếp, nhưng chờ đợi một chút! Bạn đứng đó với que thổi bong bóng hoặc để cái kèn ở miệng, nhìn vào mắt con bạn. Hỏi “Thổi?” và ra vẻ thổi một chút, miễn là đừng thổi to. Con của bạn có thể sẽ nhìn vào mắt bạn, có thể thử thổi, hoặc với sang bạn, mỉm cười hoặc tạo ra âm thanh gì đó. Nếu con của bạn biểu lộ bất cứ phản ứng nào, hãy thổi! Lặp đi lặp lại, chờ đợi một biểu hiện giao tiếp trước khi thổi nhiều quả bong bóng. Nhưng bạn cũng có thể thổi “miễn phí” một vài lần, như thế trẻ sẽ cảm thấy hào hứng hơn và giúp trẻ có thêm động lực để giao tiếp.
- Bữa ăn hay lúc ăn nhẹ tại bàn ăn là khoảng thời gian thực hành rất tốt. Trước khi bạn đặt đồ ăn vào khay ăn của bé, hãy giữ nó ở phía trước bạn và bé, đưa cho bé ăn nhưng hãy chờ bé có hành động gì đó thể hiện rằng bé muốn nó. Hãy cho ít đồ ăn ra khay thay vì xúc toàn bộ, và trẻ sẽ phải yêu cầu lấy thêm nhiều lần. Không chọn đồ ăn cho trẻ, mà hãy đưa ra nhiều món để bé tự lựa chọn.
Ở phần tiếp theo của chương này, chúng ta sẽ thảo luận làm thế nào để dần dần bổ sung thêm các hoạt động đòi hỏi trẻ phải giao tiếp – ví dụ như chỉ tay thay vì trẻ với tay lấy, hoặc dạy trẻ kết hợp cả điệu bộ cử chỉ và lời nói để giao tiếp. Còn bây giờ, mục tiêu là giúp con của bạn phát triển ngôn ngữ cơ thể bằng cách học sử dụng công cụ giao tiếp không lời như ánh mắt mắt, cử chỉ tay, nụ cười xã hội và những điệu bộ cử chỉ khác của cơ thể.
“Chúng tôi đã sử dụng những kỹ thuật này trong giờ ăn, nhưng luôn đòi hỏi phải khéo léo để quyết định chính xác các cách để thúc đẩy con tôi phản hồi, bởi vì cậu ấy suy dinh dưỡng và chúng tôi không muốn làm xấu thêm tình hình sức khỏe của cậu bé. Một lời khuyên hữu ích là chúng ta có thể luôn luôn cung cấp đồ ăn hoặc đồ uống theo yêu cầu nhưng cũng có thể đưa ít đồ ăn nếu trẻ không thể hiện rõ ràng là mình muốn thứ gì. Điều này sẽ giúp cho chúng ta duy trì sự nhất quán trong phương pháp này, hơn là lo lắng rằng cậu ấy có thể bị giảm cân vì những kỹ thuật chúng ta áp dụng. Bạn cũng có thể sử dụng những kỹ thuật này trong bữa ăn nhẹ hoặc tráng miệng thay vì bữa ăn chính.”
Lời khuyên hữu ích
Hãy xem xét những hành vi của trẻ có thể diễn ra khi trẻ muốn thứ gì đó:
– Muốn gây sự chú ý với bạn: đưa tay ra; nhìn bạn; tạo ra âm thanh; chạm hoặc đập tay vào bạn; cầm đồ vật để cho bạn xem
– Muốn thứ gì ngoài tầm với: chỉ vào hoặc nhờ lấy đồ vật; đưa cái hộp cho bạn để nhờ bạn mở; gật đầu đồng ý với bạn để nhận đồ vật; chỉ đồ vật; nhìn và tìm kiếm đồ vật
– Từ chối hoặc thể hiện đã “xong việc” với một đồ gì đó: đưa một đồ vật cho bạn; đặt một đồ vật lên trên bàn hoặc vào trong hộp; lắc đầu hoặc nói “Không” hoặc “xong rồi”; ném đồ vật đi, bỏ đi
Dưới đây là một vài ý tưởng:
- Thay vì đặt tất cả đồ chơi phòng tắm vào chậu tắm, bạn có thể đề xuất một hay hai món đồ chơi bằng cách đọc tên và đưa cho trẻ, rồi chờ đợi trẻ đề nghị lựa chọn đồ nào trước khi đưa cho trẻ.
- Thay vì đặt toàn bộ đồ chơi ở bên ngoài và trẻ có thể tự lấy bất cứ món nào, bạn hãy đặt mỗi món trong từng chiếc hộp nhựa trong suốt và đặt trên giá để cho trẻ lựa chọn. Mỗi khi trẻ cầm một hộp đồ chơi, bạn hãy chờ đợi một cử chỉ giao tiếp không lời ở trẻ đề nghị bạn giúp trẻ mở hộp đồ chơi. Bạn cũng có thể chìa tay ra và hỏi xem trẻ có cần giúp mở hộp đồ chơi không.
- Thay vì đổ toàn bộ các miếng ghép bộ xếp hình ra, hãy giữ lại vài miếng và đưa cho bé rồi đọc tên miếng ghép đó, hoặc đề nghị bé chọn một trong số các miếng ghép bạn đưa ra (“Con gấu hay con ngựa?”). Khơi gợi một điệu bộ, ánh mắt hoặc cử chỉ giao tiếp không lời nào khi bé mỗi lựa chọn. Đọc tên mỗi miếng ghép khi đưa cho bé: “Con gấu! Con muốn con gấu phải không!”. Bạn có thể làm tương tự với bất cứ đồ chơi nào có nhiều phần.
- Khi thay tã cho trẻ, bạn hãy đưa cho trẻ cầm cái tã và đề nghị trẻ đưa lại cho bạn khi bạn mặc (bạn chạm tay vào cái tã và nói, “Đưa tã cho mẹ!”) để chờ cậu bé đưa. Nếu cậu bé không đưa thì hãy nhanh tay cầm lấy và nói: “Đưa tã cho mẹ nhé. Cảm ơn. Tã đây rồi.” Khi đi giầy cho bé để chuẩn bị ra ngoài chơi, hãy nói con bạn ngồi xuống dưới sàn. Đặt giầy và tất của cậu bé ở giữa hai người và đưa cho trẻ, đến khi đi giầy hay tất nào thì lần lượt chìa tay ra và nói (“Đưa cho mẹ cái tất/giầy nào”). Hãy làm như đã mô tả ở Chương 4. Khi thay đồ, bạn cũng cầm tay trẻ và dạy trẻ mặc đồ lần lượt.
- Trong khi tắm, hãy hỏi trẻ về các bộ phận cơ thể như chân, tay. Đề nghị trẻ đưa cho bạn dầu gội và sữa tắm. Đề nghị trẻ cầm đồ chơi trước khi đưa cho bé. Với mỗi đồ chơi, đọc tên đồ chơi khi đưa cho bé, yêu cầu bé lựa chọn hoặc trợ giúp bé nếu cần thiết. Thực hiện tương tự với toàn bộ những hoạt động chăm sóc cá nhân hàng ngày, với cách này con của bạn sẽ chủ động tham gia vào các hoạt động và bạn sẽ giành được sự quan tâm cũng như phản hồi từ bé.
“Ban đầu con trai tôi hoàn toàn bị động trong việc việc thay đồ hay tắm gội, nhưng khi tôi tường thuật từng hành động trong lúc hướng dẫn cậu bé hợp tác với tôi trong các hoạt động đó thì cậu bé đã trở nên chủ động tham gia hơn rất là nhiều.”
Chúng ta đã đề cập rất nhiều cách giúp trẻ sử dụng ngôn ngữ cơ thể để giao tiếp, nhưng bạn nên phản hồi trẻ như thế nào khi trẻ sử dụng ngôn ngữ cơ thể? Bạn hãy phản hồi trẻ bằng ngôn ngữ cơ thể và giọng nói của bạn. Hãy làm theo đề nghị của trẻ, và tường thuật lại đề nghị đó cho trẻ nghe! Dùng một vài từ đơn giản để mô tả lại nhu cầu của trẻ, hành động của trẻ hoặc điều gì đang diễn ra:
- “Con muốn ăn ngũ cốc.”
- “Thêm nước trái cây.”
- “Bắt lấy bong bóng”
- “Bang bang” (khi chơi đồ chơi bắn súng)
- “Không uống sữa” (khi con bạn từ chối.)
- “Thổi bong bóng.”
- “Lên nào.”
- “Đu tiếp.”
- “Rót nước.”
Trong Chương 13 chúng ta sẽ đề cập chi tiết hơn cách lựa chọn ngôn ngữ của bạn.
Những ý tưởng đã được liệt kê cho bước này sẽ chỉ cho bạn thấy bạn có thể tạo ra bao nhiêu cơ hội giao tiếp không lời với trẻ trong một giờ. Thật không có gì là khó tin khi trẻ có thể giao tiếp với bạn 60 lần trong một giờ bạn chăm sóc hoặc vui chơi với trẻ – tức là khoảng 1 lần/phút – miễn là bạn phải thực sự thao tác chậm lại và không được làm thay trẻ, mà bạn phải để trẻ tham gia vào các hoạt động và giao tiếp không lời với bạn.
Hoạt động: Lựa chọn chính xác các điệu bộ để Dạy
Chúng ta đã trao đổi về tần suất và thời điểm bạn cần khuyến khích trẻ giao tiếp bằng cử chỉ với bạn. Nhưng những cử chỉ cụ thể nào nên dạy trước? Khi lựa chọn các cử chỉ để dạy trẻ, bạn cần lưu ý hai vấn đề sau: (1) những cử chỉ nào bạn có thể dễ dàng nhắc nhở, hình thành, và khơi gợi từ con của bạn trong quá trình dạy/học và (2) những thông điệp nào mà các điệu bộ đó cần chuyển tải.
Có ba loại thông điệp mà trẻ nhỏ có xu hướng truyền tải đi trong thời kỳ giao tiếp tiền ngôn ngữ: mong muốn tương tác xã hội, các nỗ lực để kiểm soát hành vi của người khác (gọi là “điều chỉnh hành vi”), và các nỗ lực để chia sẻ sự chú ý với người khác về các đồ vật hoặc sự kiện yêu thích – cùng chú ý. Chúng ta khoan chưa bàn về cùng chú ý cho tới Chương 10 và bây giờ thì chúng ta hãy tập trung vào các điệu bộ cử chỉ bạn có thể giúp con mình học để truyền tải mong muốn của cậu ta về tương tác xã hội và điều chỉnh hành vi.
Trẻ con giao tiếp mong muốn của chúng qua các tương tác xã hội với tất cả các loại hình của ngôn ngữ cơ thể. Trẻ nhìn một cách có chủ ý và mỉm cười để bắt đầu tương tác hoặc phản hồi một trò chơi vui nhộn. Trẻ quay sang khi trẻ muốn chơi với ai đó. Trẻ khởi xướng với các điệu bộ cử chỉ để ra hiệu cho bố mẹ hát các bài hát yêu thích, cù léc hoặc đuổi bắt trẻ. Trẻ với tay khi bố mẹ bắt đầu hay kết thúc một trò chơi xã hội. Trẻ bật ra âm thanh để gọi, cười lớn hoặc cười khúc khích. Trẻ ngay lập tức chạy tới cha mẹ để giành sự chú ý của họ và bắt đầu một tương tác. Trẻ vỗ tay, vẫy chào tạm biệt, hai-fai, và tạo ra các điệu bộ cử chỉ với các trò chơi đơn giản như ú òa theo yêu cầu của bố mẹ.
Trong Chương 5, bạn đã nghiên cứu về việc phát triển nhiều điệu bộ cử chỉ với con của mình trong tất cả các loại hoạt động xã hội. Bạn đã giúp con của bạn phát triển các điệu bộ cử chỉ của trẻ như quan sát, mỉm cười, tìm kiếm giúp đỡ và sử dụng một vài điệu bộ cử chỉ như là một trong những cách để bắt đầu một trò chơi xã hội với bạn hoặc tiếp tục các trò chơi khi bạn tạm dừng. Bạn cũng đã dạy bé biết làm điệu bộ giang tay ra khi muốn bạn bế lên hoặc ôm. Các hoạt động giao tiếp khác trong nhóm này thường là dễ dàng để dạy cho trẻ nhỏ tự kỷ. Chúng tôi sẽ mô tả ngắn gọn làm cách nào để dạy con của bạn những hoạt động này.
- Để dạy con của bạn nhìn và vẫy tay để chào, bạn bắt đầu bằng việc chào và tạm biệt hàng ngày với con một cách rõ ràng. Buổi sáng mỗi khi bé thức dậy, hay sau giờ ngủ trưa, hay khi bạn di chuyển từ phòng khác sang phòng của trẻ, bạn hãy nói “Chào!” với một nụ cười tươi kèm theo một cái vẫy tay thật mạnh ngay khi bạn nhìn thấy bé. Tiếp theo, bạn lại gần con và lặp lại từ “Chào”, cười và tiếp tục vẫy tay khi bạn ở trước bé – mặt đối mặt (bạn có thể cúi người xuống nếu con bạn đang ngồi trên sàn nhà). Tiếp theo nắm lấy cổ tay bé hoặc thấp hơn một chút và giúp bé vẫy tay với bạn và nói , “Chào Mẹ.” Làm điều tương tự khi bạn chuẩn bị rời đi, nói “Tạm biệt”, và vẫy tay khi bạn đóng cửa và như thế bạn có thể cho bé hiểu rằng bạn sắp rời đi. Hãy cố gắng tìm nhiều thời điểm trong ngày để lặp lại hoạt động chào hỏi đó khi bạn đến phòng bé hoặc rời đi. Bạn cũng có thể ra hiệu cho những người khác sử dụng các hoạt động chào hỏi tương tự, và thậm chí có thể giả bộ con vật thực hiện hoạt động đó. Hãy luôn luôn giúp con của bạn phản hồi, với một cái vẫy tay và với câu nói của bạn, “Chào” hoặc “Tạm biệt”. Sau một vài ngày, tiếp tục hoạt động này, nhưng cố gắng giảm dần sự gợi ý để chờ trẻ chủ động phản hồi. Thay vì cầm tay bé và giúp bé vẫy tay, hãy chờ một vài giây và ra hiệu từ khuỷu tay hơn là từ cổ tay. Hãy kiên nhẫn, tạo ra nhiều cơ hội thực hành cho bé hàng ngày. Thông thường thì mất khoảng một tháng để con bạn bắt đầu phản hồi lại các hoạt động chào hỏi của bạn với một cái vẫy tay, giao tiếp mắt và có thể là cả từ ngữ.
- High five là một cử chỉ có thể dạy trẻ. Để dạy cử chỉ này, bạn cần chọn thời điểm bạn và trẻ ngồi mặt đối mặt và ngang tầm mắt. Bạn hãy xòe tay mình ra, hướng về tay trẻ và nói “Mình cùng hai-fai nào”, sau đó bạn đưa tay kia của mình nắm tay trẻ và đập nhẹ vào lòng bàn tay của bạn. Hãy làm thật vui vẻ và thực hành thêm ít lần nữa. Thực hành hành ngày, tại nhiều thời điểm khác nhau, giảm dần sự hỗ trợ: thay vì cầm tay trẻ, hãy chỉ vào cổ tay trẻ, sau đó những lần tiếp theo bạn hãy chỉ vào cánh tay trẻ. Trong vòng một hoặc hai tuần, bạn sẽ thích thú khi thấy trẻ phản hồi với động tác hai-fai của bạn bằng cách đập tay cậu bé vào tay bạn. Khi trẻ đã đập nhẹ một tay của mình vào tay bạn mà không cần sự trợ giúp, bạn hãy tiếp tục phát triển thành trò chơi đập 2 tay luân phiên với nhau kiểu như trò pattycake (tương tự như trò Vuốt ve em thân yêu – em ở với ai -… của Việt Nam).
Các hoạt động giao tiếp điều chỉnh hành vi của trẻ con thường mang hai ý nghĩa: yêu cầu (“Làm giúp con”) và từ chối (“Con không muốn; không”). Bạn đã tập trung vào việc phát triển các yêu cầu rõ ràng khi muốn các đồ vật yêu thích và các tương tác thông qua nhiều hoạt động giao tiếp qua vài chương gần đây. Một yêu cầu quan trọng thứ hai đối với trẻ là nhu cầu giao tiếp để nhờ sự trợ giúp.
- Bạn có thể dạy con của bạn cầm tay bạn và nhìn bạn để nhờ sự trợ giúp. Chúng ta đã đề cập tới việc sử dụng các túi bóng, hộp nhựa và các rào cản khác bạn đặt xung quanh các đồ vật yêu thích để trẻ cần đưa cho bạn, quan sát và nhờ bạn mở ra giùm chúng. Các đồ chơi khác mà thường trẻ cũng phải nhờ sự trợ giúp của người lớn như đồ chơi vặn cót, đồ chơi phát sáng với các công tắc khó bật, thổi bong bóng xà phòng, các hộp đựng nước ép trái cây đậy nắp chặt, v.v.
Trong tất cả những tình huống trên, bạn có thể đưa cho trẻ cái hộp đóng kín, trẻ có thể cầm cái hộp nhưng sẽ không thể mở được. Tiếp theo bạn giơ tay (điệu bộ “đưa nó cho mẹ”), trong khi đó bạn hỏi bé, “Con cần giúp đỡ không? Chắc chắn rồi, mẹ sẽ giúp con!” rồi giúp bé đưa cái hộp cho bạn và sau đó mở nhanh và đưa lại cho bé (nó sẽ tác động mạnh lên cử chỉ điệu bộ của cậu bé). Thực hành hoạt động này thường xuyên, với nhiều đồ vật khác nhau. Khi mà bé đã thành thục với việc đặt đồ lên lòng bàn tay bạn khi bạn xòe tay ra, thì lúc đó bạn hãy tiến thêm bước là nắm tay lại do vậy trẻ sẽ phải yêu cầu nhiều hơn để được bạn giúp đỡ vì không thể đặt đồ vật vào bàn tay đang nắm chặt của bạn. Bước tiếp theo là bạn đặt tay lên đùi mình, và như vậy bé sẽ phải làm nhiều hơn để đặt đồ vật vào tay bạn. Và bước cuối cùng là bạn hãy cầm thứ gì đó trong tay mình và bé sẽ phải tìm mọi cách để nhờ sự trợ giúp của bạn. Mỗi khi con của bạn yêu cầu sự trợ giúp, bạn hãy nói “Giúp con?/Con cần mẹ giúp à? Chắc chắn rồi, mẹ sẽ giúp con!” và giúp trẻ ngay lập tức. Thông qua các bài học này, con của bạn sẽ được chuẩn bị tốt cho việc bắt chước ngôn từ “giúp” của bạn trong lúc trẻ đưa đồ vật cần bạn giúp đỡ.
- Tất cả trẻ em cần có một vài cách để giao tiếp từ “Không.” Một điệu bộ, cử chỉ mang nghĩa là “không” có thể thay thế cho việc khóc nhè, ném đồ vật, hoặc các hành vi không mong muốn mà trẻ hay sử dụng. Việc dạy trẻ lắc đầu nói “không” là một nhiệm vụ tương đối khó khăn cho đến khi trẻ đã thuần thục với việc bắt chước các điệu bộ và nét mặt. Biểu hiện phản kháng đầu tiên mà hầu hết trẻ mầm non sử dụng là ném các đồ vật không thích đi. Bạn có thể dễ dàng dạy điều này cho con bạn khi con bạn đã có một cử chỉ/điệu bộ của một yêu cầu rõ ràng với các đồ vật yêu thích. Đặt đồ ra xa với hàm ý “không” dễ dạy nhất trong lúc ăn. Bữa ăn có thể được chuẩn bị với ít nhất đồ ăn bằng tay mà bé rất thích và một đồ ăn khác mà cậu ta không thích (như cà rốt sấy khô, đậu Hà Lan khô ..). Bắt đầu bằng việc đưa cho trẻ ăn từng miếng tại một thời điểm, với đồ ăn yêu thích (ví dụ bim bim). (“Con muốn ăn bim bim? Vâng, con muốn bim bim.”). Hãy chờ bé đòi trước khi đưa nó cho cậu ta. Sau đó, khi trẻ đã ăn được ba hoặc bốn miếng bim bim, bạn hãy đưa đồ ăn mà bé không thích. Nếu con bạn lấy chúng, hãy chờ cho đến khi cậu ta ăn và phát hiện ra là không thích và đặt xuống hoặc đẩy ra xa. Tiếp theo bạn lấy lại đồ ăn đó và nói: “Không, con không muốn ăn Cà Rốt. Con muốn ăn BimBim”. Và thoải mái đưa BimBim cho bé (BimBim của con đây). Sau khi bé ăn được vài miếng, lại tiếp tục đề xuất món Cà rốt khô. Sau khi lặp đi lặp lại đủ một vài lần hoạt động này, con của bạn sẽ bắt đầu tránh xa món Cà rốt trước khi bạn đưa lại gần – đó chính là hành vi bạn đang cố dạy trẻ. Ngay khi cậu ta bắt đầu đẩy ra xa hoặc tránh xa đồ ăn đó, bạn cầm lại và nói “Không, con không muốn Cà rốt; con muốn BimBim,” và đưa BimBim cho bé.
Khi mà con bạn đã bắt đầu biết tránh xa những đồ ăn mà cậu ta không thích trong bữa ăn, bạn có thể thực hành hoạt động này với đồ chơi, thỉnh thoảng đưa cho bé một đồ chơi mà bé không thích (ví dụ có thể là giấy ăn, một cái hộp rỗng, … ) khi bạn đang cầm đồ chơi lúc chơi với bé – trong lúc chơi một trò xếp hình, xây tháp hoặc xếp các đồ vật theo thứ tự – tại thời điểm bé tìm kiếm thứ đồ yêu cầu cho trò chơi. Hãy dạy cho bé cách từ chối bằng việc đặt đồ chơi ra xa hoặc đưa lại cho bạn, và luôn sử dụng kịch bản với từ “không”.
Các điệu bộ cử chỉ đã được mô tả là những thứ đầu tiên chúng ta dạy trong việc can thiệp, và đó chính là những khởi xướng trong giao tiếp đầu tiên của trẻ.
Bước 4: Kiên định
Nguyên tắc cơ bản: Với các hoạt động mới, trẻ có thể chưa hiểu ngay điều bạn dạy, do vậy trẻ có thể cáu bẳn hoặc phản kháng bởi vì bạn đã thay đổi cách mà bạn vẫn thường làm. Bạn hãy thao tác thật đơn giản, chậm rãi khi dạy trẻ. Nhưng nên nhớ bạn phải kiên trì trong quá trình dạy trẻ.
Hoạt động: Hãy làm cho trẻ thấy mọi thứ thật dễ dàng khi học
Dưới đây là một vài ý tưởng giúp trẻ thấy mọi thứ thật dễ dàng khi học:
- Suy nghĩ về các hành động giao tiếp mà bạn biết rõ là trẻ dễ dàng thực hiện ( như liếc nhìn, với tay, tạo ra âm thanh nào đó).
- Giúp trẻ thực hiện những việc trẻ đang muốn làm (với tay, chỉ, giơ tay).
- Đưa đồ hay làm cho trẻ ngay lập tức khi trẻ đề nghị, vì thế trẻ sẽ hiểu được rằng giao tiếp là sức mạnh. Giao tiếp có tác dụng to lớn và mang lại phần thưởng cho trẻ.
- Hãy chắc chắn rằng mỗi một hành động mới mà trẻ đang học đều dẫn tới một phần thưởng xứng đáng – một điều thú vị mà trẻ thực sự chờ đợi. Trẻ ngồi ghế ăn có nghĩa là ăn đồ ăn! Trẻ chỉ vào các đồ chơi trên giá nghĩa là nhận được đồ chơi! Trẻ cầm bỉm tới bàn thay bỉm nghĩa là trẻ sẽ được mẹ chơi trò cù léc hay được chơi điện thoại/nghe nhạc hoặc chơi món đồ yêu thích trong lúc mẹ thay bỉm. Trẻ giơ tay lên sau khi thay bỉm xong hoặc khi trẻ đang ở trong nôi hay ngồi dưới sàn nhà nghĩa là sẽ được mẹ bế lên lúc đó.
- Ngay khi trẻ làm được điều bạn muốn dạy, hãy lặp đi lặp lại các hoạt động này. Bạn sẽ thấy con của bạn học được những hoạt động mới của bạn thật nhanh, và con bạn sẽ bắt đầu đoán biết trước được các hoạt động, yêu cầu của bạn và các cử chỉ của bạn. Qua thời gian, bạn sẽ thấy con bạn sử dụng ngày càng nhiều các giao tiếp phi ngôn ngữ trong các hoạt động hàng ngày.
Bước 5: Xác định vị trí của bạn
Nguyên tắc cơ bản: Khi người ta giao tiếp, họ nhìn vào mặt nhau. Đặc biệt, để hình thành và phát triển giao tiếp mắt, bạn phải đối mặt với con bạn, và mặt của bạn không được quá xa mặt bé. Việc giao tiếp mặt đối mặt cũng giúp cho con bạn dễ dàng tiếp nhận được ý tưởng qua đôi mắt, âm thanh và các điệu bộ từ bạn, chứ không phải từ khoảng không nào đó.
Hoạt động: Tìm các cách để đặt vị trí của bạn mặt đối mặt với con của mình và đặt những đồ chơi yêu thích giữa hai người.
Mọi cách mà chúng tôi đã gợi ý trong Chương 4 về việc điều chỉnh vị trí của bạn để tăng cường sự chú ý của trẻ đều có thể áp dụng ở đây. Ngay cả với hoạt động đọc sách, hãy cố gắng ngồi ngay trước mặt con của bạn trên chiếc ghế dài, trên giường hay dưới sàn nhà để cho bạn có thể trở thành một người bạn cuốn hút và hoạt bát trong các hoạt động, chứ không phải là một cái máy đọc sách vô hồn. Khi bạn ở trước mặt trẻ với những cuốn sách, bạn hướng sự tập trung của trẻ vào những bức tranh với cái chỉ tay, từ ngữ và hiệu ứng âm thanh của bạn, trẻ sẽ có nhiều trải nghiệm về bạn như là một đối tác trong hoạt động đọc sách, hơn là một giọng nói từ đằng sau với cuốn sách trên tay. Trẻ sẽ quan sát được cách bạn dùng từ, thấy được điệu bộ của bạn và bắt đầu hiểu được việc đọc sách là một hoạt động xã hội hơn là hoạt động về hình ảnh.
Tổng kết Bước 1 đến Bước 5
Nếu bạn đã đi theo từng bước trong các hoạt động của mình, bạn sẽ tìm thấy rất nhiều cách để giúp bé tăng cường việc giao tiếp phi ngôn ngữ – sử dụng điệu bộ, liếc mắt, và các hình thức biểu đạt khác – để truyền đạt mong muốn, cảm xúc, và cả những suy nghĩ của cậu ta. Bạn sẽ thấy bản thân mình đang chơi cùng với con bạn nhiều hơn. Và kết quả là bạn có lẽ đã bắt đầu thấy con bạn sử dụng nhiều ngôn ngữ cơ thể một cách tự nhiên để giao tiếp. Hãy xem bạn có đồng ý với danh sách các mục dưới đây không. Nếu có, bạn đã đạt được những kỹ năng quan trọng để giúp con bạn phát triển giao tiếp phi ngôn ngữ – những kiến thức này cũng giúp con bạn phát triển khả năng nói và ngôn ngữ. Nếu không, hãy thực hành nhiều hơn với các hoạt động ở trên cho đến khi bạn thành công.
Danh sách hoạt động: Có phải tôi đang làm ít và vì thế con tôi đang làm nhiều hơn?
____ Tôi biết cách chờ đợi con tôi giao tiếp; Tôi làm việc này nhiều lần trong một ngày.
_____ Tôi đã tìm thấy rất nhiều cơ hội trong ngày cho bé để giao tiếp.
______ Tôi đã tạo ra nhiều cơ hội giao tiếp cho con mình trong rất nhiều trò chơi và các hoạt động chăm sóc bản thân, và chúng tôi thực hiện trong hầu hết các ngày.
_____ Mỗi khi tôi kỳ vọng con mình giao tiếp, tôi biết cách kiên trì và giúp đỡ bé vì thế chúng tôi thường thực hiện thành công.
______ Tôi thường xuyên ở ngay trước mặt bé, và ở tầm mắt gần bé, để con tôi có thể dễ dàng giao tiếp trực tiếp với tôi.
______ Con của tôi đang học cách sử dụng cơ thể của cậu ta để giao tiếp trong rất nhiều tình huống tại nhà.
èBạn có thể làm gì để giúp con bạn tăng cường khả năng thấu hiểu giao tiếp phi ngôn ngữ của người khác.
Trẻ tự kỷ thường không nhận thức được một cách rõ rệt ý nghĩa của giao tiếp không lời của người khác. Chúng ta thường xuyên thấy trẻ tự kỷ không hiểu được điệu bộ “đưa nó cho mẹ” khi bà mẹ chìa tay ra hoặc không hiểu ý nghĩa của việc chỉ ngón tay. Con của bạn có thể không hiểu tầm quan trọng của một biểu lộ tức giận hay buồn trên nét mặt người khác. Đôi khi mọi người cho rằng sự thiếu hụt các mối quan tâm hoặc phản hồi lại biểu đạt của người khác là do trẻ không hợp tác, nhưng rất nhiều trẻ tự kỷ đơn giản là không hiểu người khác đang hỏi gì. Chúng ta cần phải dạy trẻ hiểu được ý nghĩa của ngôn ngữ cơ thể. Với những trẻ không gặp vấn đề về giao tiếp, chúng dường như học được điều này một cách rất dễ dàng. Tuy nhiên, với trẻ tự kỷ, chúng ta cần phải giảng giải thật kỹ về ngôn ngữ cơ thể của người khác để trẻ hiểu. Vậy bạn làm việc đó như thế nào?
Dưới đây là ba bước mà bạn có thể sử dụng:
Bước 1: Cường điệu hóa các điệu bộ của bạn.
Bước 2: Thêm các bước dễ đoán biết
Bước 3: Cung cấp sự giúp đỡ cần thiết
Bước 1: Cường điệu hóa các điệu bộ của bạn
Khi bạn đang chơi đồ chơi với con bạn, hãy tập trung vào các điệu bộ của bạn trong các hoạt động với đồ chơi kết hợp cùng với lời nói. Bạn có thể nhờ bé đưa cho bạn các miếng ghép, nhặt các miếng ghép hoặc đặt chúng vào ô xếp bằng cách giơ miếng ghép lên hoặc chỉ vào ô chuẩn bị xếp vào, kết hợp cùng lời nói của bạn. Sử dụng đôi tay và cơ thể cùng với lời nói để chuyển tải chúng, và tiếp theo giúp bé làm theo. Sử dụng tay và các điệu bộ cơ thể sẽ giúp con bạn có mối liên hệ và dễ hình dung và bắt chước theo, như với tay theo, chỉ vào vật gì đó, giang tay, hay đẩy đồ vật ra xa – những điệu bộ này có thể được kết hợp dễ dàng vào trong các hoạt động chung và các hoạt động xã hội cảm giác.
- Các điệu bộ với đồ vật: chìa cho xem, chỉ, đưa, nhặt lên/đặt xuống, đổi, đẩy, đâm, lăn, bắn.
- Các cử chỉ điệu bộ xã hội cảm giác: chìa cho xem, chỉ, vỗ tay, nhẩy, chơi trò với các ngón tay, cù léc, dậm chân.
Để trẻ có thể tham gia vào bước chuẩn bị hay thu dọn một hoạt động hoặc tham gia chơi khi tới lượt của mình, sử dụng ngôn ngữ cơ thể để giao tiếp bằng cách chỉ cho trẻ cách sử dụng, cách xếp miếng ghép, cách chỉ, cách sử dụng các động tác tay. Hãy cường điệu hóa mọi hành động của bạn. Hãy làm cho trẻ thật sự chú tâm và đảm bảo rằng trẻ sẽ đạt được thứ mà trẻ muốn khi chú ý tới bạn; và hãy khen ngợi thật nhiều vì sự chú ý này. Tất cả các hoạt động đó của bạn đều nhằm dạy trẻ cách sử dụng ngôn ngữ cơ thể.
Dưới đây là một vài ý tưởng:
- Khi thay đồ, hãy chỉ và gọi tên đồ trước khi bạn mặc cho bé. Khi bạn muốn trẻ giúp hoặc đưa đồ cho bạn, bạn hãy hỗ trợ cụ thể cho trẻ bằng cách cầm tay trẻ đặt đồ vào tay bạn.
- Khi thay tã, hãy chỉ và gọi tên tã trước khi đưa nó cho bé cầm. Khi bạn muốn lấy lại, hãy sử dụng một cử chỉ thật ấn tượng để lấy lại nó, và sau đó gửi tới bé một lời “cảm ơn nồng nhiệt”.
- Trong lúc ăn, đưa cho con bạn một ít thức ăn trên khay ăn, và sau đó chỉ vào một miếng và nói: “Miếng này – lấy ăn đi con!” Giúp con của bạn chú ý tới hoạt động này và lấy miếng đồ ăn đó. Nếu trẻ không làm theo, thì lần tới, bạn hãy để một miếng đồ ăn thôi và chỉ vào nó trước khi bé lấy ăn. Với cách này, bé sẽ quan sát đồ ăn bạn chỉ.
- Trong lúc tắm, hãy đề nghị bé chìa tay hay chân để bạn kỳ cọ bằng cách chỉ, yêu cầu, và giơ tay bạn ra. Khi tắm xong thì yêu cầu bé cất đồ chơi và hãy chỉ cho bé chỗ cất, từng cái một.
- Trong các trò chơi xã hội cảm giác, hãy cường điệu hóa các cử chỉ của bạn như đuổi bắt, ú òa, tàu lượn, trượt, “Itsy-Bitsy Spider,” (giống trò Con bọ rùa hay Con cua đá của VN) và các bài hát hay trò chơi với các ngón tay. Bạn hãy ở vị trí ngang tầm mắt của bé, mặt đối mặt, cười thật tươi với bé, đặt đôi tay của bạn xuống thật bất ngờ, và sau đó bắt đầu các trò chơi một cách hứng khởi. Hãy giúp con của bạn đoán trước được điều gì sắp xảy ra qua khuôn mặt hoặc điệu bộ cơ thể của bạn, và hãy cố gắng lôi kéo cậu bé tham gia một cách hứng khởi.
Bước 2: Thêm các bước dễ đoán biết
Sẽ là một sự trợ giúp tuyệt vời cho trẻ để hiểu được các cử chỉ điệu bộ của bạn trong lúc chơi hay trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày nếu bạn thêm vào đó những bước hay chuỗi các hoạt động quen thuộc, và sau đó sử dụng một cử chỉ hoặc hành động không lời khác để ra hiệu cho con bạn thực hiện bước tiếp theo. Tiến hành các hoạt động hoặc trò chơi của bạn với các bước dễ đoán biết trước, lặp lại các bước giống như biểu diễn thời trang một vài lần liên tục, để cho con của bạn hiểu các bước của hoạt động và có thể đoán biết trước được cái gì tiếp theo. Trong lần tiếp theo khi bạn lặp lại chuỗi hoạt động này, hãy tạm dừng ở một bước, sử dụng các điệu bộ được cường điệu hóa, và chờ đợi con bạn phản hồi.
Lindee đã xây dựng một hoạt động hàng ngày có thể đoán trước được xung quanh đồ chơi thổi bong bóng cho cậu con trai mới 18 tháng tuổi của cô, Anthony. Đồ chơi được đặt trên giá sách, trên tầm với của Anthony, bên cạnh những đồ chơi hấp dẫn khác.
Chuẩn bị: Đầu tiên (Bước 1), Lindee nói, “Con muốn chơi?” trong khi cô chìa tay ra. Cậu bé nắm tay cô và cả hai đi cùng nhau tới giá sách. Bước 2: Tiếp theo cô tiến gần mặt đối mặt với cậu bé, và chờ đợi cậu bé giơ tay để được cô bế lên. Nếu cậu ta giơ tay, cô nói, “Con muốn mẹ bế lên?”, và bế cậu bé lên. Nếu cậu ta không giơ tay, cô giang rộng vòng tay và nói, “Con muốn bế lên?”. Tiếp theo cô chờ đợi vòng tay và đôi mắt của bé trước khi bế bé lên. Bước 3: Cô bế bé lên gần giá sách để cậu bé vươn người để lấy đồ chơi thổi bong bóng. Bước 4: Với cánh tay còn lại, cô cầm món đồ chơi lên và nói, “Con muốn chơi thổi bong bóng! Đây là đồ chơi thổi bong bóng”, và đưa nó cho cậu bé. Tiếp theo cô đặt cậu bé xuống. Bước 5: Cậu bé cố gắng để mở nắp đồ chơi nhưng không được, và cô giơ tay ra và nói: “Con cần mẹ giúp không?”. Cậu bé nhìn cô và đặt đồ chơi vào tay cô. Bước 6: “Mở đồ chơi thổi bong bóng,” cô vừa nói vừa mở ra. Cô kéo cái cần thổi và bắt đầu thổi bong bóng.
Chủ đề: Lindee nhìn vào mắt Anthony và nói: “Thổi bong bóng chứ?”, và thực hiện một vài điệu bộ thổi với cái miệng của mình. Bước 7: Anthony nhìn thẳng vào cô, cười và thổi. Ngay lập tức cô thổi một loạt bong bóng cho cậu bé. Cậu bé cười tươi, bắt những bong bóng đang bay, và chọc chúng.
Điều chỉnh chủ đề:Bước 8: Lindee bắt nhẹ một quả bong bóng to, đưa trước mặt Anthony đồng thời nói “bốp nhé?”. Cậu bé dùng tay chọc vào quả bong bóng khi Lindee nói “Bốp.” Bước 9: Cô tiếp tục giơ tay vào chọc vào một quả bong bóng khác cho cậu bé xem, và cậu bé bắt chước theo, chọc vào quả bong bóng khi cô nói “bốp”. Bước 10: Sau khi tất cả các quả bóng xà phòng đều đã bị chọc vỡ, Anthony nhìn quanh tìm lọ đựng xà phòng và nhặt nó lên. Cậu bé nhìn Lindee đồng thời đưa nó cho cô, và trò chơi lại tiếp tục.
Hãy nhìn vào đoạn băng trên. Nó kéo dài từ 2 – 3 phút, và trong hoạt động này có 10 bước tương tác khác nhau. Anhthony đã thực hiện một hoặc nhiều giao tiếp không lời trong mỗi bước, vài lần mỗi phút. Đối với một đứa trẻ mà mới 3 tuần trước hoàn toàn không có bất cứ một biểu hiện giao tiếp nào, thì đó là một sự tiến bộ vô cùng lớn. Và những hoạt động mà Lindee sử dụng tuy đơn giản nhưng đã giúp Anthony đoán trước được mỗi hoạt động tiếp theo và ra dấu hiệu cho cô về chúng. Bây giờ cậu bé đã trở thành một đối tác năng động trong giao tiếp, hoàn toàn chủ động và tích cực cùng Lindee xây dựng mỗi hoạt động đơn giản. Nếu như chỉ một trò chơi thổi bong bóng đã đem lại những biến chuyển tích cực và nhiều hoạt động giao tiếp như vậy, thì những hoạt động nhiều màu sắc hơn như trong bữa ăn, xếp hình có thể đem đến nhiều điều thú vị như thế nào.
Dưới đây là một vài ví dụ về ngôn ngữ cơ thể mà bạn có thể sử dụng trong các hoạt động tương tác hàng ngày với 6 loại hoạt động (chơi với đồ chơi hoặc đồ vật, chơi tương tác xã hội, trong bữa ăn, hoạt động chăm sóc cá nhân, đọc sách, và làm việc vặt trong nhà):
- Sử dụng một tay hoặc di chuyển cơ thể để “hỏi” xem con bạn có muốn tiếp tục một bài hát hoặc trò chơi
- Sử dụng giao tiếp mắt và một cái nhìn chăm chú để “hỏi” xem con bạn có muốn nhận hoặc lấy một đồ vật, một cốc nước hoặc đồ ăn.
- Sử dụng một hiệu ứng âm thanh để ra dấu cho bé rằng bạn chuẩn bị có một hành động với đồ vật
- Mỉm cười hoặc cười lớn và lắc lư các ngón tay để thể hiện rằng bạn chuẩn bị cù léc con bạn.
- Giang rộng tay để thể hiện rằng bạn chuẩn bị chơi một trò chơi vận động.
- Giả bộ cử chỉ thổi để cho thấy rằng bạn chuẩn bị thổi bong bóng
Ví dụ với Lindee và Anthony cho thấy tầm quan trọng của việc sử dụng cấu trúc của các hoạt động chung trong các trò chơi và các hoạt động chăm sóc hàng ngày. Nó sẽ giúp con bạn dễ hiểu được bạn đang làm gì và những bước tiếp theo. Vì thế, hãy sử dụng cấu trúc này càng nhiều càng tốt trong các hoạt động hàng ngày của bé, hãy nghĩ về sự nhất quán của các bước: chuẩn bị, chủ đề, điều chỉnh chủ đề và kết thúc. Điều này rất quan trọng đối với các hoạt động tắm, thay tã, mặc đồ, bữa ăn và tương tác qua lại với đồ chơi và các trò chơi xã hội. Nếu bạn cần xem lại, hãy quay lại Chương 6 và xem lại các cấu trúc của hoạt động chung hàng ngày.
Bước 3: Cung cấp sự giúp đỡ cần thiết
Một cách hiệu quả để dạy con bạn “nhờ” sự giúp đỡ, đưa các đồ vật cho bạn hoặc nhìn bạn để được trợ giúp, là hãy để con bạn làm việc gì đó tương đối khó một mình. Trong lúc bạn giúp con bạn, bạn cũng nên sử dụng nhiều điệu bộ cử chỉ khác nhau để giúp con bạn hiểu được giao tiếp không lời.
Dưới đây là một vài tình huống:
- Với những bé thích trò chơi xếp hình, bạn có thể sử dụng một bộ xếp hình tương đối khó để bé tự chơi một mình. Khi bạn và bé đang cùng nhau hoàn thành các miếng ghép, hãy chỉ vào các ô trống và nói “Xếp vào đây! Đây!” Khi con bạn làm theo bạn, từng bước từng bước bé sẽ hoàn thành trò chơi. Oh, Yeah – đó là một phần thưởng cho việc làm theo hướng dẫn của bạn!
- Bạn cũng có thể cho những miếng ghép của một bộ ghép hình ưa thích của bé vào một hộp nhựa hoặc một cái túi mà con bạn không thể tự mở được. Đưa cho bé bộ xếp hình và cái hộp với những miếng ghép, và chờ đợi biểu hiện cần sự giúp đỡ từ bé. Khi con bạn nhận ra rằng cậu ta không thể tự mở ra, hãy hỏi xem bé có cần giúp đỡ không, bằng cách chìa bàn tay ra kèm theo lời nói. Tiếp theo, khi bé đặt nó vào tay bạn, mở ra và đưa lại cho bé. Phần thưởng giành cho bé trong trường hợp này chính là việc phản hồi lại cử chỉ giơ tay ra giúp đỡ của bạn.
- Bạn cũng có thể bắt đầu một đồ chơi có cót vặn mà con bạn thích. Đừng vặn nhiều vòng cho nó di chuyển quá nhiều! Khi đồ chơi hết di chuyển, hãy chờ xem con bạn làm gì. Cậu ta có thể sẽ nhìn bạn hoặc đưa đồ chơi cho bạn. Nếu đúng vậy, hãy nói, “Con muốn chơi tiếp à?” và bạn lại vặn cót. Nếu không, hãy giúp con bạn đưa đồ chơi cho bạn bằng cách sử dụng cử chỉ của tay kèm theo lời nói. Tiếp theo, ngay khi bé đưa đồ chơi cho bạn, hãy cầm nhanh lấy và tiếp tục vặn cót.
Mách bạn
- Việc tăng cường giao tiếp không lời của trẻ với bạn đồng thời cũng sẽ tăng cường khả năng hiểu các yêu cầu giao tiếp không lời của con bạn. Và việc bạn tạo ra rất nhiều các cơ hội thực hành, kiên trì và ngồi vị trí hợp lý trước bé sẽ giúp con bạn tăng cường khả năng tập trung.
- Đánh dấu hoặc tự ghi lại những khu vực mà bạn và con hay chơi và chăm sóc trẻ hàng ngày – bàn ăn, bồn tắm, nhà bếp hay trên giường, trên tường – để nhắc nhở bạn chuẩn bị những hoạt động và điệu bộ.
Bên cạnh các hoạt động mà bạn giúp đỡ trẻ, các hoạt động xã hội cảm giác hàng ngày cũng có thể được sử dụng để dạy trẻ ý nghĩa của giao tiếp không lời. Khi bạn đang chơi trò chơi với trẻ ví dụ như trò đuổi bắt/”Mẹ chuẩn bị bắt được con rồi,” máy bay, “Ring-around-the-Rosy”, chi chi chành chành (pattycake), hoặc ú òa, hãy làm cường điệu hóa các điệu bộ, sắc mặt và vận động cơ thể của bạn, để cho con của bạn hiểu được mối liên hệ giữa các điệu bộ cơ thể của bạn và trò chơi. Các điệu bộ và lời nói của bạn sẽ “đặt tên” trò chơi cho con bạn. Chơi các trò chơi và thực hiện các hoạt động chăm sóc hàng ngày theo một cách quen thuộc – sử dụng cấu trúc của một hoạt động chung – với đồ chơi, với hoạt động xã hội cảm giác, với hoạt động như thay tã/thay đồ/tắm/đi ngủ/khi ăn sẽ giúp con bạn hiểu được các cử chỉ, biểu lộ nét mặt và từ ngữ của bạn trong các hoạt động này. Bạn đang dạy con mình cách đọc và diễn đạt ý nghĩ của nét mặt, cử chỉ, điệu bộ, vận động cơ thể và lời nói của bạn.
èLên kế hoạch các hoạt động để tăng cường các giao tiếp không lời
Trong phần này, chúng tôi sẽ gợi ý bạn hai mẫu bạn có thể sử dụng để lập kế hoạch tăng cường giao tiếp không lời của trẻ. Đầu tiên, hãy nghĩ tới một hoạt động chung với đồ chơi và một hoạt động xã hội cảm giác mà trẻ thực sự thích chơi với bạn. Hãy tưởng tượng tới các bước và các chuỗi hành động của trò chơi đó. Cử chỉ nào mà trẻ có thể sử dụng để yêu cầu những hoạt động, vận động, hoặc kết quả mong đợi ở bạn? Hãy xem 2 ví dụ ở phần dưới (trang 133 và 134), và hãy điền vào một vài hoạt động để thực hành với con của bạn trong tuần này. Hãy chép ra một vài bản khác sử dụng mẫu này để ghi lại thông tin về các hoạt động khác, bên cạnh các hoạt động đã liệt kê ở bên trái nếu bạn muốn.
Đối với một vài bậc cha mẹ, có một cách hiệu quả là chia các hoạt động trong ngày ra làm sáu loại hoạt động chơi và chăm sóc hoặc các hoạt động xuất hiện trong ngày, và sau đó chia nó ra thành các bước của hoạt động chung liên quan tới các loại hoạt động ở trên. Khi bạn làm như vậy, bạn có một khung chung để lên kế hoạch dạy các cử chỉ điệu bộ, vận động, biểu đạt nét mặt và từ ngữ khác nhau cho những bước này. Biểu mẫu ở trang 133-134 cung cấp cho bạn một vài ví dụ về việc các bậc cha mẹ đã sử dụng và phát triển chúng như thế nào. Hãy thử một hoặc nhiều kết quả, đa dạng các bước để phù hợp với nhà của bạn cũng như các đồ vật sử dụng. Hãy chắc chắn bạn sẽ tường thuật lại từng bước, thể hiện điệu bộ rõ ràng, và ra dấu cho con bạn thực hiện vai trò của trẻ một cách chủ động trong mọi bước. Tiếp theo, hãy viết ra một “kịch bản” con bạn đối với một hoạt động với biểu mẫu nhiều dòng trống. Tiếp theo thử ghi lại chi tiết kịch bản trong các hoạt động, và xem xem nếu nó có thể giúp bạn chia một hoạt động thành nhiều bước đơn giản mà mỗi bước bao gồm một tường thuật/ghi chú đơn giản và một cử chỉ giao tiếp không lời cho bạn và trẻ (xem ví dụ của Lindee, Anthony, và trò chơi thổi bong bóng ở trên). Bạn có thể sẽ thấy ngạc nhiên khi thấy con bạn nhanh chóng tham gia vào mỗi bước và sự tiến bộ của bé khi giao tiếp bằng ngôn ngữ cơ thể.
Nếu bạn đã làm theo các bước ở trên, bạn sẽ tìm ra nhiều cách để tăng cường nhận thức và hiểu biết của con bạn trong giao tiếp không lời –sử dụng các cử chỉ, ánh mắt và các biểu cảm nét mặt. Bạn sẽ thấy con của bạn hiểu được các điệu bộ, âm thanh, và dường như trẻ đã quen với việc phản hồi lại bạn. Hãy xem bạn đã làm được các hoạt động dưới đây chưa nhé. Nếu bạn đã làm được, tức là bạn đạt được kỹ năng quan trọng để giúp con bạn học giao tiếp không lời – kiến thức này sẽ giúp con của bạn hiểu và phát triển hội thoại và ngôn ngữ. Nếu bạn vẫn chưa thành công, hãy kiên nhẫn thử nghiệm nhiều lần nữa.
Danh sách hoạt động: Tôi đang giúp con mình học cách Đọc ngôn ngữ của tôi?
_____ Tôi đã tìm ra nhiều cơ hội trong ngày để giao tiếp bằng ngôn ngữ cơ thể với con.
_____Tôi đã tạo ra các cơ hội giao tiếp bằng cử chỉ điệu bộ với con của mình trong nhiều trò chơi và các hoạt động chăm sóc hàng ngày khác nhau, và chúng tôi thực hiện hàng ngày.
_____Khi con tôi sử dụng một dấu hiệu không lời (không quan trọng nó rõ ràng hay không), tôi cố gắng làm theo, và con của tôi sẽ học được rằng cậu ta có thể sử dụng ngôn ngữ cơ thể để yêu cầu hoặc nhận thứ cậu ta muốn.
_____Tôi đã tìm ra các cách sử dụng cơ thể của mình để giao tiếp trong khi chơi, và cường điệu hóa các biểu đạt và điệu bộ của mình để gây sự chú ý với bé.
_____Khi tôi giao tiếp với con mình bằng cách sử dụng ngôn ngữ cơ thể và các từ ngữ đơn giản, tôi biết cách kiên trì và giúp con tôi phản hồi lại vì thế chúng tôi thường xuyên thực hiện thành công.
_____Tôi thường xuyên ngồi trước mặt con tôi, ngang tầm mắt của con, vì thế giúp con tôi dễ dàng quan sát được các hoạt động giao tiếp của tôi.
_____Con tôi đang học cách “đọc” ngôn ngữ cơ thể của tôi trong nhiều tình huống khác nhau tại nhà và cậu ta đã quen với việc đó.
Làm thế nào nếu con của bạn không phản hồi bất cứ ngôn ngữ không lời nào với bạn theo các cách bạn mong muốn?
Mẹ của Bethany đến dự một chương trình đào tạo cho cha mẹ với băn khoăn này: “Chỉ có duy nhất một thông điệp của Bethany giao tiếp với tôi khi tôi cố gắng chờ đợi một tín hiệu đó là khóc lóc và gào thét. Cô bé cố gắng vồ lấy một đồ vật ngay khi nó xuất hiện, vì thế tôi không thể biết được làm cách nào lấy nó lại để cho cô bé có thể giao tiếp với tôi bằng một cử chỉ. Tôi phải làm gì đây?
Chuyên gia tư vấn đã hiểu về Bethany để biết rằng cô bé không thích thay đổi. Chuyên gia này gợi ý rằng, thay vì cố gắng lấy các đồ vật lại, người mẹ hãy thử đưa cho cô bé các đồ vật nằm trong hộp, túi nylon có buộc chặt, hoặc trong bình kín mà cô ta có thể giữ nhưng không thể mở. Với cách này Bethany có thể kiểm soát đồ vật nhưng sẽ vẫn có tín hiệu rằng cô bé cần trợ giúp. Để giúp Bethany đưa ra yêu cầu giúp đỡ với một cử chỉ cụ thể hơn là khóc lóc, mẹ cô bé cần xòe tay mình ngay trước mặt Bethany để cho cô bé có thể nhanh chóng nhờ bà giúp đỡ, và mở thật nhanh và đưa lại cho Bethany trước khi cô bé có cơ hội để bắt đầu khóc lóc.
Một cách làm thứ hai mà người mẹ bắt đầu sử dụng là sử dụng rất nhiều túi nhỏ – với chỉ hai hoặc 3 miếng bánh quy trong mỗi túi (cho bữa ăn nhẹ), một đồ chơi trong túi (với trò chơi sử dụng đồ vật nhỏ), mỗi một chì màu trong mỗi túi (trò chơi tô màu) – trong các hoạt động khi có nhiều cơ hội thực hành. Thực hiện việc này thường xuyên cũng giúp Bethany quen với các yêu cầu, đòi hỏi mới thay vì nước mắt. Việc này sẽ mất thời gian, nhưng mẹ cô bé đã có kinh nghiệm rằng Benthany đã làm tốt khi học những thứ mới bằng cách lặp đi lặp lại thường xuyên. Thực hành liên tục giúp phát triển các kỹ năng trở thành một hành vi chủ động và độc lập. Và mặc dù vẫn còn những mè nheo, nhưng vì Bethany đã đạt được mục đích của cô một cách nhanh chóng và dễ dàng – nên cô bé nhận lấy đồ chơi và lấy chúng ra khỏi hộp/túi khi cô bé nhận từ mẹ mình.
Người mẹ cũng đã cố thử một gợi ý mà chúng ta đã đề cập ở trên: Bà mời mọc Bethany một vài thứ mà cô bé thích trước khi cô bắt đầu mè nheo. Cô bé đã cầm một đồ chơi yêu thích, và đẩy một đồ chơi mà cô không thích ra khỏi tầm với. Khi Bethany tìm kiếm đồ chơi mà cô bé thích, mẹ cô bé nhanh chóng đưa nó cho cô, và vì thế cô bé có thể nhận ra rằng cô có thể tìm kiếm các đồ chơi thay vì khóc lóc khi cô muốn thứ gì đó.
Lên kế hoạch các hoạt động nhằm khuyến khích các giao tiếp không lời | ||||
Hoạt động | Con tôi thích: | Tôi có thể tham gia bằng cách: | Con tôi có thể yêu cầu với ngôn ngữ cơ thể của mình: | Ngôn ngữ cơ thể mà tôi đang chờ đợi bé phản hồi là: |
Chơi với đồ chơi hoặc các đồ vật khác
Tàu hỏa |
Lăn đoàn tàu tiến lên và lùi xuống | Đưa đoàn tàu cho bé lăn
Đưa đường ray cho bé nối và lăn đoàn tàu tiến và lùi |
Đưa cho tôi cái hộp có đoàn tàu mà bé không thể mở được
Chỉ vào đầu tàu mà bé thích Nói với tôi màu sắc đoàn tàu mà bé thích Đưa cho tôi một đường ray mà bé không thể tự nối được Chỉ vào hoặc nói với tôi nơi đặt đường ray Đưa cho tôi một một toa tàu khi bé muốn nó |
Đưa cho tôi một toa tàu hoặc đường ray
Chỉ vào một toa tàu hoặc đường ray
Nói một từ trong lúc nhìn tôi |
Nghe tiếng “choo-choo” | Tạo ra tiếng “choo – choo” trong lúc lăn toa tàu tiến và lùi hoặc đâm toa tàu của tôi vào toa của cậu ta | Tạo ra âm thanh “choo-choo”, nhìn tôi, làm cả hai, hoặc đâm toa tàu hoặc di chuyển toa tàu của bé gần cái của tôi | Tạo ra một âm thanh với hoặc không nhìn tôi
Bắt chước những gì tôi làm với toa tàu của bé |
|
Trò chơi xã hội
Cù léc |
Nắm lấy chân bé và cù bụng | Cù chân và bụng | Di chuyển cơ thể cậu ta lại gần tay tôi để được cù léc
Nói “cù nách” hoặc nói tên bộ phận cơ thể để cù Chỉ cho tôi cái bụng của bé Giơ chân lên Nhìn tôi và cười |
Vận động cơ thể theo sự chỉ đạo của tôi
Nói một từ trong lúc nhìn tôi
Nhìn tôi và cười với tôi |
Bữa ăn | ||||
Sinh hoạt cá nhân | ||||
Đọc sách | ||||
Làm việc nhà |
Chia nhỏ các hoạt động thành các bước giao tiếp không lời | ||
Hoạt động hàng ngày | Các bước | Các lựa chọn ngôn ngữ cơ thể |
Sinh hoạt cá nhân (tắm/mặc đồ/thay đồ/đi ngủ) | 1. Chuẩn bị quần áo để mặc
2. Mặc áo sơ mi 3. Mặc quần 4. Đóng cúc hoặc kéo khóa 5. Đi tất và giầy |
1. Đưa quần áo cho mẹ để mặc từng cái một theo yêu cầu
2. Kéo áo sơ mi qua đầu hoặc giơ tay để mặc, kéo xuống dưới eo 3. Đứng dậy và giơ chân để mặc quần theo hướng dẫn, giúp xỏ chân vào ống quần, giúp kéo quần lên 4. Chỉ vào cúc hoặc khóa hoặc kéo chúng lên để khóa/đóng lại 5. Ngồn xuống theo hướng dẫn, tự xỏ hoặc giơ bàn chân để đi tất/giầy, giúp kéo tất lên, đi giầy, đứng dậy theo hướng dẫn khi kết thúc |
Việc vặt trong nhà
Dọn quần áo bẩn |
1. Nhặt quần áo lên
2. Mở cái giỏ đựng quần áo 3. Cho toàn bộ quần áo vào giỏ 4. Đạy nắp giỏ |
1. Nhặt những quần áo bẩn theo yêu cầu từ sàn nhà và mang tới cái giỏ hoặc đưa cho mẹ
2. Nói yêu cầu mở giỏ đựng quần áo 3. Nói hoặc chỉ vào quần áo nào cần cho vào giỏ khi yêu cầu lựa chọn 1 trong 2 4. Làm theo các cử chỉ hoặc hướng dẫn bằng hành động để đóng nắp giỏ |
Chơi với đồ chơi/đồ vật | ||
Chơi trò chơi xã hội | ||
Trong bữa ăn | ||
Chơi ngoài trời | ||
Đọc sách |
Bạn đã xây dựng thành công như thế nào? Với Robert, cậu đã học được cách biểu lộ cử chỉ để giúp cậu lấy các đồ vật từ một cái túi rất nhanh, bố cậu đã “làm tốt hơn” và sử dụng cách làm tương tự để dạy các điệu bộ mới. Cha của Robert đã thêm một kỳ vọng thứ hai: Khi ông mở cái túi theo cử chỉ yêu cầu của Robert, ông giữ hai đồ vật bên trong và mời Robert chọn. Robert chìa tay lấy đồ mà cậu thích, và cha cậu bé nói, “Chỉ tay” trong khi làm mẫu chỉ bay và đặt tay của Robert chỉ khi cậu vừa chạm vào đồ vật. Ngay khi Robert chỉ tay và chạm vào đồ vật, cha cậu đưa nó cho cậu.
Tổng kết Chương
Cách giao tiếp đầu tiên của mỗi chúng ta là sử dụng cơ thể và biểu lộ nét mặt. Rất lâu trước khi có sự xuất hiện của lời nói, hầu hết trẻ nhỏ học được rằng con người sử dụng các tín hiệu cơ thể để gửi thông điệp đến và đi. Trẻ trở nên thành thục để giao tiếp rất nhiều thông điệp mà không cần dùng lời, trước khi trẻ có thể nói những từ đầu tiên. Ngôn ngữ phát triển về sau này, nằm ngoài hệ thống giao tiếp không lời. Khi mà bạn giúp đứa con tự kỷ của mình học cách sử dụng cơ thể, ánh mắt và giọng nói để gửi đi và hiểu được những giao tiếp đơn giản, bạn sẽ tiếp tục thêm những kỳ vọng và các cơ hội cho các giao tiếp qua cử chỉ một cách dần dần, bắt đầu với những cử chỉ dễ hoặc thân quen với con bạn để sử dụng và dần dần dạy chúng những thứ mới. Bạn đang dạy con mình một bài học quý giá trong đời về cách chúng ta giao tiếp và tương tác với người khác mà không cần phải ăn vạ, gào khóc cho đến khi đạt được mục đích. Thay vào đó, chúng ta gửi đi các thông điệp tới người khác về thứ chúng ta muốn, cảm nhận, và muốn chia sẻ, và chúng ta cũng tham gia và hiểu thông điệp của họ. Thông điệp của chúng là bao gồm suy nghĩ, cảm xúc, mong muốn và nhu cầu sẽ tạo động lực cho chúng ta tiếp cận, gắn kết và trao đổi với người khác, và chúng ta làm việc đó qua những biểu lộ trên nét mặt, cử chỉ, điệu bộ, giao tiếp mắt, và cuối cùng là lời nói.
DANH SÁCH GHI NHỚ
Mục tiêu: Cung cấp cho bạn các cách thức để giúp đứa con tự kỷ của mình học cách biểu đạt mong muốn, cảm xúc và mối quan tâm bằng cách sử dụng ngôn ngữ cơ thể và hiểu ngôn ngữ cơ thể của người khác Các bước: ü Làm ít để cho con bạn làm nhiều hơn! ü Tạm dừng và chờ đợi – một cử chỉ, giao tiếp mắt hoặc một lời nói ü Thêm các cử chỉ điệu bộ vào các bước của các hoạt động chung trong các trò chơi và các hoạt động chăm sóc cá nhân hàng ngày. ü Cường điệu hóa các biểu đạt trên nét mặt và cử chỉ trong khi chơi và các hoạt động chăm sóc cá nhân. ü Chia các đồ vật ra nhiều phần/túi/hộp để thực hành các cử chỉ “đưa nó cho mẹ” trong khi chơi ü Xây dựng các rào cản/khó khăn để cho bé cần phải tìm kiếm sự trợ giúp. ü Chỉ vào các đồ vật và bức tranh, và chờ con bạn làm theo ü Đặt những từ ngữ đơn giản cho ngôn ngữ của con bạn và của bạn! ü Xây dựng các bước trong các hoạt động giao tiếp thành các hoạt động chính – chơi với đồ chơi/đồ vật và trò chơi xã hội, trong bữa ăn, hoạt động chăm sóc cá nhân (lúc tắm/mặc đồ/thay đồ/đi ngủ), và các việc vặt trong nhà. |
CHƯƠNG 8. “HÃY LÀM THEO MẸ!” – GIÚP CON HỌC QUA BẮT CHƯỚC
Mục tiêu của chương: Khuyến khích bạn bắt chước âm thanh, cử chỉ, nét mặt, hành động, từ ngữ, và dạy con bạn bắt chước bạn. Trẻ con học bằng cách xem người khác làm và làm theo họ.
Tại sao bắt chước lại quan trọng đến vậy?
Phần lớn trẻ nhỏ đều có khả năng bắt chước một cách tự nhiên. Chúng bắt chước những gì cha mẹ chúng làm, bắt chước âm thanh và cử chỉ của bố mẹ chúng và từ ngữ bố mẹ chúng nói, chúng thậm chí còn bắt chước cách bố mẹ chúng đi và mặc những gì họ mặc. Trẻ cũng thường thích bắt chước những trẻ khác, đặc biệt là các anh hay chị của trẻ, cũng như những bạn bằng hoặc lớn tuổi hơn mà trẻ thích.
Bắt chước là cách thức học nhanh nhất của tất cả chúng ta. Bộ não chúng ta được thiết lập để nhớ và học theo những gì chúng ta nhìn được từ người khác, và trẻ nhớ khá lâu những gì chúng nhìn người khác làm ngay cả khi chúng không tham gia vào hoạt động đó. Điều này có nghĩa trẻ có thể bắt chước ngay lập tức hành động của một ai đó, hoặc một thời gian sau trẻ mới làm theo những gì mà chúng quan sát được.
Khả năng đặc biệt này là do trong não chúng ta có các nơ ron thần kinh phản chiếu, kết nối các hành động mà chúng ta nhìn thấy tới các mẫu hành động của chính chúng ta. Với sự giúp đỡ của các nơ ron thần kinh phản chiếu, chúng ta sẽ trải nghiệm các hành động mà chúng ta đã được nhìn người khác làm, và các nơ ron thần kinh đều bị kích thích khi chúng ta thao tác một hành động nào đó hoặc chúng ta quan sát người khác thao tác hành động đó. Điều đó có nghĩa rằng, ít nhất ở một mức độ nào đó, hành động mới thực chất đã là một phần của các kỹ năng chúng ta có được trước khi chúng ta thực sự thao tác nó. Đây chính là cách chúng ta học bằng quan sát và ghi nhớ. Nhưng chúng ta cũng học qua thực hành. Vì thế hạt giống của một kỹ năng trú ngụ trong bộ não của trẻ bởi vì đứa trẻ đã xem và ghi nhớ kỹ năng đó và hành động trở nên thuần thục ngay khi trẻ bắt đầu tự làm việc đó.
Khả năng bắt chước trong nơ ron não của trẻ cho phép cha mẹ, anh chị em, ông bà và người khác truyền lại việc học cho trẻ mà thậm chí không phải nghĩ về việc đó. Tất cả các loại kỹ năng được truyền từ người này sang người khác, qua các thế hệ một cách dễ dàng. Chúng cho phép thế hệ sau kế thừa những gì mà thế hệ trước để lại thay vì phải làm lại từ đầu. Nhiều người tin rằng sự bắt chước cùng với ngôn ngữ đã tạo ra sự đa dạng văn hóa mà mọi người trên trái đất này đã phát triển qua hàng ngàn năm.
Đặc biệt bắt chước là một công cụ đầy quyền năng cho việc học cách tương tác xã hội với người khác. Điều này bởi vì hành vi xã hội liên quan tới rất nhiều quy tắc tinh tế và phức tạp mà chúng nghĩ về chúng một cách vô thức. Ví dụ, khi chúng ta tương tác với người khác, chúng ta ý thức được một cách tự nhiên về khoảng cách chúng ta nên đứng với người đối diện; chúng ta bắt chước biểu lộ trên nét mặt và cử chỉ của người khác một cách vô thức; và chúng ta chọn khoảng thời gian trả lời để cho cuộc hội thoại diễn ra một cách tự nhiên như là thủy triều lên và xuống vậy. Không một ai thực sự dạy chúng ta làm điều đó. Chúng ta học được tất cả những quy tắc ứng xử này từ việc bắt chước hơn là các hướng dẫn trực tiếp.
Việc tự động bắt chước người khác của hầu hết trẻ con tác động tới chúng theo vô số cách. Khi trẻ (và người lớn) nhìn thấy hành động hoặc cảm xúc của người khác, các nơ ron phản chiếu của họ kích hoạt, cho phép họ cảm nhận được cảm xúc của người khác. Khi chúng bắt chước nét mặt của người khác, chúng cũng thực sự có cảm nhận về cảm xúc đó, và nó cho phép chúng chia sẻ cảm xúc từ trong nội tâm của người khác. Bạn đã bao giờ để ý nét mặt của ai đó khi họ đang xem một bộ phim tình cảm? Bạn có thể thấy rằng những cảm xúc của nhân vật trong phim được thể hiện trên nét mặt của người xem. Khả năng này được kết nối một cách đầy cảm xúc giữa mọi người thông qua bắt chước xuất hiện ngay cả với trẻ còn đang chập chững. Việc tự động bắt chước người khác của hầu hết trẻ làm phong phú thêm tư duy của chúng theo rất nhiều cách:
- Bắt chước thúc đẩy sự thấu hiểu, làm tăng khả năng học hỏi từ người khác. Khi trẻ nhỏ bắt chước nét mặt của ai đó, việc làm này kích hoạt cảm xúc tương tự trong chúng theo cách mà chúng thấy được. Điều này xảy ra thậm chí với cả trẻ còn đang chập chững, những đứa trẻ đột ngột khóc thét lên khi chúng thấy ai đó bắt đầu khóc. Có lẽ bạn vẫn còn nhớ những thời điểm khi bạn vừa thấy ai đó đang đau khổ hoặc thất vọng, bạn cũng có sự đồng cảm và buồn lây với họ. Có lẽ bạn cũng đồng cảm với họ và xuất hiện mong muốn an ủi hay giúp đỡ họ. Điều này giúp cho người ta cảm thấy kết nối một cách sâu sắc với người khác, nó có xu hướng làm gia tăng mong muốn được quan tâm tới người khác, và như thế nó cũng làm gia tăng cơ hội học được từ người khác.
- Bắt chước giúp trẻ con học ngôn ngữ. Khi những đứa trẻ bắt chước âm thanh mà chúng nghe được xung quanh, sử dụng “ngôn ngữ trẻ con” của riêng chúng, chúng đang thực hành việc tạo ra âm thanh và ngôn ngữ của riêng mình. Khả năng bắt chước từ ngữ của cha mẹ chúng cho phép chúng vừa tiếp nhận vừa biểu đạt được ngôn ngữ mẹ đẻ.
- Bắt chước thúc đẩy giao tiếp không lời. Khi trẻ con bắt chước cử chỉ điệu bộ của người khác, chúng nhặt nhạnh tất cả các biểu đạt, cử chỉ khác nhau của họ để thêm ý nghĩa cho lời nói – điều này chúng ta đã thảo luận ở Chương 7. Những dấu hiệu không lời này chuyển tải ý nghĩa một cách đầy cảm xúc và cho phép chúng ta biểu đạt được nhiều hơn rất nhiều so với ngôn từ.
- Bắt chước dạy trẻ sự vật hoạt động thế nào. Khi trẻ con bắt chước các hành động của người khác với đồ vật, trẻ học được cách đồ vật đó hoạt động, nó là gì và sử dụng nó để làm gì.
- Bắt chước giúp trẻ học được các quy tắc xã hội để trò chuyện. Trong một cuộc hội thoại, hai người lần lượt đóng vai người nói và người nghe: Người A nói gì đó trong khi người B nghe; tiếp theo người B trả lời người A, xây dựng chủ đề: và tiếp tục chủ đề. Dạng cấu trúc hội thoại này cũng được hiểu là các trò chơi bắt chước. Một người lớn đập mạnh 2 khối hộp vào nhau và tạm dừng trong khi đứa trẻ lặp lại hành động này, và người lớn tiếp tục thực hiện lại, và hai người cứ thực hiện qua lại với các hoạt động khác được bổ sung bởi các bên khi trò chơi trở nên nhàm chán. Đây chính xác là những gì xảy ra trong suốt cuộc hội thoại, và loại trải nghiệm này có thể thực sự giúp trẻ học được các quy tắc ứng xử: chơi theo lượt, không ngắt lời người khác, bám sát trọng tâm của cuộc nói chuyện, giữ cho cuộc hội thoại thú vị, vv..
Chuyện gì xảy ra với trẻ tự kỷ?
Như chúng ta đã lưu ý, trẻ tự kỷ rất ít khi có chiều hướng bắt chước từ ngữ, điệu bộ và hành động của người khác như là những đứa trẻ khác cùng độ tuổi. Ngay cả khi chúng thực sự rất quan tâm tới các đồ vật và sở hữu rất nhiều kỹ năng chơi với những đồ vật đó, chúng vẫn có xu hướng thường xuyên không bắt chước cách mà mọi người làm với các đồ vật đó.
Có rất nhiều ý kiến xung quanh các vấn đề với việc bắt chước của trẻ tự kỷ, nhưng đến nay vẫn chưa có những câu trả lời thuyết phục. Những nghiên cứu về sự tưởng tượng cuả não đã chỉ ra rằng mặc dù hệ nơ ron thần kinh phản chiếu của trẻ tự kỷ được kích hoạt ít hơn, nhưng nó không hoàn toàn “bị phá vỡ” – có nghĩa là, với các trải nghiệm tốt, hệ này có thể hoạt động trở lại. Đây là một lý do cho tầm quan trọng của việc can thiệp sớm nhằm kích thích/tăng cường các kỹ năng bắt chước. Những nguyên nhân tại sao trẻ tự kỷ không bắt chước điệu bộ, biểu lộ nét mặt và vận động cơ thể của người khác một cách tự nhiên là do chúng không quan tâm tới vận động của người khác, hoặc đơn giản là chúng không có đông lực để bắt chước người khác (hơn là chúng không thể bắt chước). Đây là một tin tốt, bởi vì nó có nghĩa là bằng việc tìm kiếm sự tập trung và giúp tăng động lực để bắt chước bạn có thể đánh thức hệ thần kinh phản chiếu của trẻ tự kỷ và giúp cho phần não bộ này phát triển.
Tại sao đây lại là vấn đề?
Nếu bạn xem lại danh sách những lợi ích mà việc bắt chước có thể đem lại, thì bạn sẽ dễ dàng thấy được những gì mà trẻ không bắt chước người khác đã bỏ lỡ. Thực tế, chúng ta nghĩ rằng việc suy giảm động lực để bắt chước có thể gây ra một phần đáng kể sự chậm phát triển ở tất cả các mặt của hầu hết trẻ tự kỷ. Bắt chước là một trong những kỹ năng quan trọng nhất mà trẻ tự kỷ cần học, bởi vì nó là một công cụ tự học và giúp trẻ học được rất nhiều loại kỹ năng khác nhau. Những trẻ không bắt chước có thể bỏ lỡ rất nhiều cơ hội học tập mà thực ra chúng chỉ cần quan sát những gì đang diễn ra trong môi trường xã hội xung quanh. Với việc không bắt chước, trẻ phải học mọi thứ từ đầu, thay vì chúng có thể học từ người khác theo một cách đơn giản và hiệu quả nhất. Ví dụ, hãy hình dung cách một đứa trẻ có thể học một trò chơi nhóm kiểu như trốn tìm, hoặc “Red Rover” mà không sử dụng việc bắt chước để học từ trẻ khác. Nhưng ngay cả trong một môi trường giáo dục được tổ chức tốt, việc thiếu hụt khả năng bắt chước cũng khiến cho trẻ thấy khó khăn hơn khi học những kỹ năng mới, bởi vì trẻ con sẽ không có khả năng lĩnh hội nhanh chóng và hiệu quả những hoạt động làm mẫu từ giáo viên hoặc nhà trị liệu (hoặc cha mẹ).
Bắt chước người khác cũng làm tăng cường các mối quan hệ xã hội. Bạn có biết câu nói “Bắt chước chính là lời tán dương chân thành nhất”? Việc bắt chước một người mà chúng ta ngưỡng mộ hoặc yêu thích (cách ăn mặc, kiểu tóc, chơi với đồ chơi, nói những từ ngữ vui nhộn) tạo ra khoảnh khắc để chia sẻ và kết nối giữa hai người. Nó cũng khơi gợi những cảm xúc tích cực từ cả hai phía. Mở rộng ra, bắt chước là cực kỳ quan trọng cho sự phát triển khả năng nhận biết những người quan trọng và chia sẻ ý nghĩa cũng như cảm xúc với họ.
èBạn có thể làm gì để dạy con bạn bắt chước
Thật may là đã có nghiên cứu một cách rõ ràng rằng trẻ tự kỷ có thể học bắt chước người khác khá tốt và tự nhiên khi động lực và sự chú ý của trẻ cho việc bắt chước được tăng cường. Một vài nghiên cứu đã chỉ ra rằng can thiệp sớm có thể gia tăng khả năng bắt chước của trẻ tự kỷ. Với các hành vi khác (như giao tiếp mắt, sử dụng điệu bộ cử chỉ và lời nói), khi mà trẻ tự kỷ bắt đầu để ý tới hành động của người khác, được chỉ dẫn cách bắt chước người khác, và khám phá ra rằng bắt chước người khác là một phần thưởng, thì chúng sẽ có thêm động lực để thực hiện chúng. Trong Chương 4, chúng ta đã trao đổi về việc bắt chước những gì trẻ làm như là một cách để tham gia vào trò chơi cùng trẻ và thu thú sự chú ý của chúng. Trong chương này chúng ta sẽ đi xa hơn và tập trung vào cách bạn dạy con của mình bắt chước những kỹ năng và hành vi khác nhau qua các trò chơi và hoạt động chăm sóc hàng ngày. Có năm bước cụ thể bạn có thể sử dụng để tăng cường khả năng bắt chước của con mình:
Bước 1: Bắt chước giọng nói
Bước 2: Bắt chước các hoạt động với đồ vật
Bước 3: Bắt chước các cử chỉ của tay và chuyển động của cơ thể cũng như nét mặt
Bước 4: Bắt chước và mở rộng với các hoạt động.
Bước 5: Đặt các trò chơi bắt chước vào khung hoạt động chung
Trong các trang tiếp theo, chúng tôi sẽ mô tả cách sử dụng các bước này, cung cấp cho bạn một vài ý tưởng cho các hoạt động để thử, và cũng gợi ý những gì cần làm để giải quyết các vấn đề có thể gặp phải.
Bước 1: Bắt chước giọng nói
Nguyên tắc: Những trẻ không hề học cách sử dụng từ ngữ để giao tiếp cần phải xây dựng một kho thật lớn các âm thanh, để học cách tạo ra âm thanh có mục đích, và học cách tạo ra những âm thanh cụ thể để lấy một vài thức chúng muốn (dưới dạng mục tiêu – trực tiếp). Cuối cùng, chúng cần hiểu được sức mạnh to lớn của giọng nói như là một cách để đạt được rất nhiều mục đích. Mặc dù chúng ta sẽ đào sâu vấn đề phát triển giao tiếp dùng lời nói trong Chương 13, nhưng ở đây chúng ta tiếp tục tập trung vào việc sử dụng bắt chước của cha mẹ để đạt được ba thứ: (1) giúp trẻ lưu ý tới giọng nói của chúng, (2) tăng cường tần số của âm thanh tạo ra, và (3) tăng cường việc phát âm và tạo ra các âm thanh cụ thể một cách có mục đích.
Hoạt động: Tăng cường âm thanh trẻ phát ra bằng cách nhại lại trẻ
Bạn có thể đã nghe con bạn bật ra âm nào đó, đôi khi là để phản hồi lại cái gì đó diễn ra và đôi khi là “không gì cả”. Ngay cả khi bạn không chắc âm đó có ý nghĩa gì, hãy cứ bắt chước âm thanh của con bạn để chuyển tải tới trẻ rằng bạn đang lắng nghe và rằng giọng nói của cậu bé rất có ý nghĩa và rất quan trọng đối với bạn. Hãy nói, “Mẹ đang nghe con đây” với con bạn và gắn sự quan trọng và ý nghĩa của âm thanh với hành động của mình. Bắt đầu bằng việc thay đổi tư thế của mình sao cho trẻ có thể nhìn thấy mặt bạn. Tiếp theo bắt chước bất cứ nguyên âm hay phụ âm nào mà con bạn phát ra (trừ tiếng khóc, hét hay mè nheo) trong lúc chơi. Bây giờ hãy chờ xem nếu con bạn tạo bật âm một lần nữa. Nếu trẻ bật ra, bạn có cơ hội bắt chước trẻ thêm một lần nữa. Với việc tương tác qua-lại này, bạn đã tạo ra một trò chơi bắt chước. Nếu trẻ không phản hồi lại, hãy thử tiếp và chờ đợi. Cuối cùng, trẻ sẽ lặp lại âm mà trẻ đã phát ra sau khi bạn bắt chước. Việc phát triển một vài trò chơi bắt chước âm là một bước cực kỳ quan trọng trên con đường dẫn tới việc phát triển ngôn ngữ nói.
Hoạt động: Hát các bài hát và chơi các trò chơi vè vần và ngón tay (Activity: Sing a song and play rhyming word and finger games)
Hát các bài hát và làm nổi bật một từ hoặc một câu quan trọng sẽ giúp con bạn bắt đầu nghe theo mẫu và nghe những phần quan trọng của bài hát. Bạn cũng có thể hát hoặc đọc các đoạn/từ quan trọng đó to hơn hay chậm hơn để giúp trẻ chú ý tới ý nghĩa của chúng. Thêm vào các cử chỉ và biểu lộ nét mặt nhằm thể hiện đó là nội dung cần chú ý. Sau khi hát toàn bộ các bài hát trong một vài ngày, và con cuả bạn bắt đầu nhận ra chúng, lúc đó bạn hãy bắt đầu bỏ lửng một vài đoạn nhỏ trong bài hát để trẻ có thể tham gia hát cùng. Khi tới các từ hoặc câu quan trọng của bài hát, hãy quan sát và đợi con bạn. Con bạn có thể bắt đầu thêm những từ/câu bị thiếu bằng cách bật ra một âm nào đó. Nếu bé làm được thì là rất tốt! Khi bạn nghe thấy âm đó, hãy tiếp tục bài hát. Hoặc, bạn hãy tạm dừng hát, để chờ đợi một cử chỉ , một cái lắc mình, hay cái liếc mắt hoặc điệu bộ nào đó từ trẻ thể hiện mong muốn bạn tiếp tục hát. Nếu đúng vậy, bạn hãy dùng lời để diễn tả cử chỉ đó của bé và tiếp tục hát. Kỹ năng này đánh dấu một bước phát triển trong việc phát triên ngôn ngữ nói, một bước ngoặt thúc đẩy sự bắt chước ngôn ngữ. Hãy tiếp tục kịch bản đó trong toàn bộ bài hát, thơ vè và trò chơi với ngón tay khi tương tác với trẻ.
Ví dụ, bạn có thể hát một bài hát kiểu như “The Wheels on the Bus,” và nhấn mạnh vào đoạn chính: “The wheells on the bus go round and round, round and round, round and round (dĩ nhiên là kèm theo hoạt động của tay). The wheels on the bus go round and round, all through the town.” “Round and round” là câu lặp lại liên tục. Sau khi bạn đã hát xong một hoặc hai lần, bạn hãy hát lại câu đầu “The wheels on the bus go” rồi tạm dừng, và chờ đợi con bạn tạo ra một âm thanh hoặc ít nhất là một cử chỉ nào đó. Ngay khi trẻ làm được việc đó, hãy tiếp tục bài hát một cách nhanh chóng và vui vẻ, hát, “….round and round, all through the town!”
Tổng kết Bước 1
Nếu bạn đã làm theo hướng dẫn ở trên, bạn đã phát triển được một kỹ năng mới của trẻ – đó là bắt chước các âm thanh tiền ngôn ngữ – bạn và trẻ sẽ có những tiến bộ đáng kể trong các trò chơi bắt chước giọng nói. Những hoạt động này đặt những bước khởi đầu cho việc tăng cường những kỹ năng bắt chước giọng nói của con bạn, và chúng ta sẽ phát triển những bước tiếp theo trong chương kế tiếp. Bây giờ, hãy xem bạn có đồng ý với danh sách các hoạt động dưới đây không. Nếu bạn làm được, tức là bạn đã đạt những kỹ năng quan trọng cho việc dạy trẻ bắt chước – những kiến thức này bạn sẽ sử dụng trong Bước 2. Nếu vẫn chưa thực hiện được, bạn cần thực hành nhiều hơn trong các trò chơi và hoạt động chăm sóc hàng ngày cho đến khi bạn thành công.
Danh sách hoạt động: Bắt chước âm
_____ Tôi chú ý tới các âm con tôi bật ra
_____ Tôi bắt chước các âm của con tôi khi tôi nghe thấy chúng
_____Tôi có sẵn các kịch bản khi tôi hát các bài hát hát, chơi các trò chơi với ngón tay, và các hoạt động với ngôn ngữ khác mà bé nhà tôi rất thích.
_____ Tôi biết khi nào thì tạm dừng trong các trò chơi và chờ đợi một điệu bộ hay âm thanh nào đó từ con thể hiện mong muốn tôi tiếp tục trò chơi.
Claire, 3 tuổi với hội chứng tự kỷ và chỉ thỉnh thoảng tạo một vài âm thanh, nhưng dường như không phải để giao tiếp với cha mẹ cô. Cha mẹ cô bé mô tả những âm thanh đó như kiểu tiếng thở dài (ví dụ., “haa”) hơn là cố gắng để giao tiếp bằng lời, và họ không chắc chắn làm sao để phản hồi lại chúng. Trong một trong các hoạt động ưa thích của Claire – nặn hình bằng đất sét – cha cô bé bắt đầu đặt tên cho các hình và mô tả những hành động khi mà ông tạo ra hình các con vật bằng đất. Ông cũng thêm tiếng kêu của các con vật khi chìa cho Claire xem.”Xem này Claire, con chó con,””Chó con kêu “gâu gâu’”, hoặc “Con vịt kêu ‘quạc quạc’”. Sau khi lặp lại chủ đề này một vài lần, cha của Claire tạm dừng khi ông đang cầm một con vật tiếp theo và chờ đợi Claire bắt chước. Cô đã không bắt chước, nhưng không sao, người cha vẫn tiếp tục hoạt động. Nhưng sau đó, khi Claire đang nhìn xuống mặt bàn và nhặt con vật lên, cô đã tạo ra âm thanh như tiếng thở dài quen thuộc.
“Chúng tôi cũng khuyến khích con trai của tôi nói bằng cách sử dụng tiếng động vật. Đây là cách dễ dàng để tạo ra những âm thanh hài hước, và chúng dễ dàng để lặp lại một cách có liên quan, vì thế chơi các trò chơi tiếng động vật với một nông trại là một phần lớn trong các nỗ lực sớm của chúng tôi để khuyến khích cậu bé nói.”
Người cha nhớ lại những gì đã đọc trong chương này và bắt chước tiếng của cô bé. Sau một vài giây, cha của Claire lặp lại âm thanh một lần nữa, nhưng lần này ông nói chúng mạnh mẽ hơn. Claire nhìn ông và khẽ mỉm cười. Người cha lặp lại âm thanh và lần này thậm chí còn to và cường điệu hóa hơn. Claire cười lớn hơn. Bây giờ người cha mới hỏi Claire, “Làm lại chứ?” và khi cô nhìn ông, ông lặp lại âm thanh đó một lần nữa. Lần này ông nói với Claire, “Con làm đi,” và làm mẫu lại âm thanh một lần nữa. Claire khẽ mở miệng, nhưng không có âm thanh nào phát ra. Người cha lấp vào khoảng trống với tiếng nói của mình, và Claire tiếp tục mỉm cười. Người cha quay lại hoạt động của trò chơi đất nặn, cầm con chó lên và nói “gâu gâu”. Ngay khi Claire nhoài sang để lấy con chó từ tay người cha, cô tạo ra tiếng thở dài. Không quan trọng rằng cô không hề nhìn cha mình khi phát ra âm thanh đó. Cha cô bắt chước lại giọng cô bé và cô lặp lại. Người cha tiếp tục lặp lại, lần lượt từng người phát ra âm thanh.
Malik là một cậu bé 26 tháng tuổi với hội chứng tự kỷ, cậu không hề nói hoặc tạo ra âm thanh và dường như thò lò mũi xanh cả ngày. Mẹ của cậu nói rằng cậu bé dường như không quan tâm tới đồ chơi và chỉ thích mút hoặc nhai chúng hơn là chơi với chúng. Mẹ của Malik không biết phải bắt đầu từ đâu để dạy cậu bắt chước giọng nói khi mà cậu có rất ít mối quan tâm tới đồ chơi đồng thời các kỹ năng nói và giao tiếp thì rất hạn chế. Sau khi tổng kết danh sách các hoạt động của Bước 1, mẹ của Malik đọc về cách sử dụng trò chơi miệng xấu (silly mouth) để kích thích vận động tinh và khơi gợi phát âm. Bà quyết định thử chúng, bởi vì đồ chơi hay đồ vật hiện tại không có ý nghĩa với Malik.
Bà đặt Malik trong chiếc ghế của cậu bé và ngồi trước mặt cậu để đảm bảo có một vị trí mặt đối mặt tốt. Bà bắt đầu một trò chơi bằng cách nói “oooaaahh” trong khi chạm nhẹ vào miệng mình. Malik quan sát một cách tò mò, nhưng cậu không có biểu hiện gì ra ngoài. Bà lặp lại âm thanh bằng miệng của mình và gõ nhẹ vào miệng của Malik. Cậu bé không phát ra âm thanh nhưng cậu đã khẽ mở miệng và thè lưỡi ra. Mẹ Malik lại phát ra âm thanh và gõ nhẹ vào miệng Malik sau đó quay sang gõ nhẹ vào miệng mình, tiếp theo bà cường điệu hóa và mức biểu cảm của âm thanh. Vẫn tiếp tục luân phiên chạm vào miệng mình và miệng Malik, tạm dừng khi đến lượt Malik để xem cậu bé có bắt chước âm thanh hay không.
Mặc dù Malik vẫn không hề phát ra âm thanh, nhưng cậu đã tiếp tục thè lưỡi, vì thế bà mẹ quyết định đa dạng trò chơi và thè lưỡi ra và thụt lưỡi vào trong lúc nói “aaahhhh”. Bà đã thêm một hành động khác để xem Malik sẽ phản ứng thế nào. Cậu bé tiếp tục nhìn chằm chằm vào mặt mẹ mình và tỏ ý quan tâm tới trò chơi. Cậu lại tiếp tục thè lưỡi ra. Người mẹ đến lượt mình lại thè lưỡi ra và thụt lưỡi vào, lặp đi lặp lại. Bà thêm một từ “ahh” vào mỗi khi di thè thụt lưỡi, và cậu bé lại thè lưỡi của mình ra kèm theo một âm thanh nhẹ. Bà mẹ rất phấn khởi về sự tiến bộ đó. Bà quyết định thực hành những trò chơi với miệng trong các hoạt động chăm sóc hàng ngày khi Malik và bà có thể mặt đối mặt như trong lúc thay tã và trong bữa ăn. Chỉ trong một vài ngày, cậu bé đã thực sự bắt chước mẹ mình khi bà thè lưỡi ra.
Bước 2: Bắt chước các hoạt động với đồ vật
Nguyên tắc: Bắt chước các hoạt động của con bạn với đồ vật sẽ hướng sự chú ý của con bạn vào hành động bạn đang thực hiện, đem đến cho bạn một ngôn ngữ cụ thể của đồ vật và hành động để tường thuật các hoạt động của trẻ, và làm cho con bạn có cảm giác hai người đang làm cùng nhau. Mỗi một lượt là một bước khác của việc bắt chước. Nó có thể làm gia tăng tổng số thời gian mà con bạn thực hiện trong các hoạt động phối hợp xã hội hàng ngày, và sẽ làm tăng động lực của con bạn trong việc bắt chước các hành động của bạn. Nghiên cứu bởi một trong số tác giả (G.D.) đã tìm ra rằng khi bố mẹ bắt chước những gì trẻ đang làm, thì trẻ tự kỷ bắt đầu sử dụng giao tiếp mắt nhiều hơn và cười nhiều hơn với cha mẹ chúng trong các trò chơi. Trẻ sẽ nhận ra rằng bố mẹ đang bắt chước chúng và thích thú với trò chơi này.
Bắt chước các hành động của con bạn với các đồ vật cũng sẽ tăng cường sự linh hoạt, sáng tạo và đa dạng một cách tự nhiên trong việc chơi với con mình. Mục tiêu của chúng tôi trong bước này là để cho trẻ tự kỷ tập trung không chỉ tới đồ vật bạn đang cầm, mà quan trọng hơn, là tập trung vào việc bạn đang làm gì với chúng. Dạy trẻ bắt chước người khác, cung cấp cho trẻ các cách để tự học, và điều đó cũng cho phép chúng ta dạy trẻ những kỹ năng mới thông qua làm mẫu, vì thế chúng ta có thể cung cấp cho trẻ những cách thức mới để chơi với đồ vật và mở rộng ý tưởng và đa dạng hoạt động chơi.
Dưới đây là một vài hoạt động để tăng cường việc bắt chước hành động của con bạn thực hiện với đồ vật.
Hoạt động: Sử dụng đồ chơi tìm hình giống nhau hoặc ghép hình nhiều miếng để dạy trẻ bắt chước những hành động mới một cách dễ dàng và nhanh chóng
Với hoạt động đầu tiên, bạn sẽ cần một số đồ vật giống nhau để chơi. Hãy đảm bảo rằng bạn ngồi mặt đối mặt với trẻ, và các đồ vật được đặt sẵn sàng ở giữa. Cần lưu ý rằng tốc độ chuyển tiếp các bước trong khi chơi bao gồm cả thao tác bắt chước trẻ sẽ phụ thuộc vào phản hồi của trẻ đối với từng bước. Nếu trẻ nhanh chóng hào hứng tham gia, quan sát bạn bắt chước và bắt đầu bắt chước bạn, bạn có thể chuyển lần lượt qua các bước trong lần thử đầu tiên. Tuy nhiên, nếu con bạn không quan sát hoặc không thực sự bắt chước các hành động mà bạn giới thiệu, hãy giành thêm thời gian trong mỗi bước (ít nhất một ngày, nếu không thể dài hơn) cho đến khi bạn thấy được phản hồi từ bé trước khi chuyển tới bước tiếp theo.
Dưới đây là chuỗi các bước trong trò chơi ghép hình nhiều miếng hay tìm hình giống nhau:
- Bắt đầu bằng việc bắt chước các hành động của con bạn với các vật dụng bạn có và gọi tên các đồ vật và hoạt động mà con bạn đang thực hiện. Ví dụ, nếu con bạn đang lăn một cái ô tô tiến và lùi, bạn có thể lăn chiếc ô tô của riêng mình và bắt chước chính xác những gì con bạn đang làm. Khi con bạn dừng lại, bạn cũng dừng lại. Khi bé bắt đầu lăn trở lại, bạn cũng bắt đầu theo. Với cách này trẻ sẽ bắt đầu trải nghiệm ra rằng trẻ có thể làm cho bạn bắt chước mọi hành động của cậu bé. Cậu bé có thể mỉm cười và thậm chí có giao tiếp mắt với bạn, thích thú với trò chơi và hiểu được ý nghĩa của việc làm cho bạn bắt chước cậu bé.
- Sau khi bạn đã bắt chước giống hệt các hành động của trẻ một thời gian, hãy đa dạng thêm hành động mà bạn đang thực hiện. Ví dụ, nếu bạn có thể lăn ô tô nhanh hơn hoặc chậm hơn, hoặc cho ô tô lăn trên người bạn thay vì dưới sàn nhà. Tạm dừng và chờ đợi xem cậu bé sẽ bắt đầu bắt chước hành động mới của bạn một cách tự nguyện hay không. Trong lúc thực hiện, đừng quên gọi tên hành động mà bạn thực hiện (“Ô tô đang lăn! Ô tô đang chạy nhanh! Ô tô đang chạy chậm! Ô tô đâm vào chân ghế!”)
- Sau một vài lượt chơi, khi bạn đã bắt chước trẻ hoặc thay đổi chút hành động của trẻ, bạn hãy giới thiệu một thao tác mới hoàn toàn khác (nhưng độ khó tương đương), và chỉ cho trẻ thấy hành động mới đó một cách hào hứng. Lý tưởng là bạn có thể bắt đầu bằng việc giới thiệu hành động mới mà bạn đã nhìn thấy trẻ làm với đồ vật. Ví dụ, nếu trước đây bạn đã nhìn thấy con bạn vừa lăn vừa đập một cái ô tô và bạn đã bắt chước bé lăn ô tô, thì bây giờ bạn có thể chuyển sang đập ô tô. Đặt tên cho hành động (“Đập – đập!”) và lặp đi lặp lại một vài lần. Nếu con bạn tỏ ra quan tâm tới hành động bạn đang thực hiện, hãy chờ xem cậu bé có bắt chước hay không. Nếu không, hãy giúp trẻ bắt chước bạn. Hãy nhắc cậu bé thực hiện hành động mới với đồ chơi, hãy cầm tay và nhẹ nhàng hướng dẫn cậu thực hiện lần lượt từng vận động mới.
- Mỗi khi con bạn thực hiện hành động mới, hãy tán thưởng bé một cách nồng nhiệt và để cho con bạn làm bất cứ hoạt động gì cậu muốn trong một phút với đồ chơi. Bắc chước con bạn một vài lần và tiếp theo chỉ cho cậu bé hành động mới một lần nữa. Một lần nữa, bạn giới thiệu hành động mới một cách đầy hào hứng, cuốn hút và chờ đợi bé bắt chước bạn, nhắc nhở bé thực hiện nếu cần thiết, tán thưởng, và để cho con bạn kiểm soát các đồ chơi trong vài phút. Đó là nguyên tắc cơ bản của khung chương trình dạy bắt chước các hành động với đồ vật.
Hoạt động: Sử dụng đồ chơi theo cặp
Dưới đây là một vài ý tưởng cho việc sử dụng đồ chơi theo cặp để dạy trẻ bắt chước:
- Một bộ đồ chơi nhạc cụ – ví dụ 2 trống và 2 cái dùi, hoặc hai cái lục lạc cầm tay (maracas) – có thể được sử dụng trong các hoạt động vui nhộn với nhiều hành động khác nhau để dạy con bạn bắt chước. Làm theo các hoạt động của con bạn lặp đi lặp lại một vài lần, và tiếp theo làm mẫu một vài hoạt động mới. Hoặc bạn có thể bắt đầu trò chơi bằng cách dùng dùi gõ vào cái trống của mình hoặc lắc cái lục lạc của bạn, và nếu con của bạn không tham gia vào một cách tự nhiên, bạn hãy giúp cậu bé bắt chước hành động. Đến lượt bạn, hãy chắc chắn thêm ngôn ngữ, hiệu ứng âm thanh hoặc thậm chí là một bài hát. Tiếp theo hãy tạm dừng và khuyến khích con bạn thực hiện hành động. Cố gắng chờ đợi vài vài giây để xem con bạn có bắt chước bạn không. Nếu cậu bé không làm theo, hãy nhắc nhở cậu bé bắt chước, động viên, và sau khi con bạn thực hiện việc bắt chước xong hãy để cậu tùy ý chơi theo ý thích của mình trong vài phút.
- Một cách khác hiệu quả để giới thiệu một nhạc cụ mới là bạn cầm đồ chơi theo cặp và làm mẫu cho cọn bạn cách sử dụng nhạc cụ (hãy chắc chắn rằng bạn đang làm mẫu một hành động mà bạn biết rằng bé có thể làm). Tiếp theo đưa nhạc cụ giống hệt cho con bạn để cậu bé bắt chước (yếu tố củng cố ở đây là những âm thanh thú vị mà nhạc cụ có thể tạo ra). Nếu cậu bé không bắt chước thì bạn nhanh chóng nhắc nhở con. Nếu cậu bé cố gắng nhưng không thể làm được, hãy giúp cậu bé hoàn thành việc bắt chước. Hãy góp ý một cách nồng nhiệt (ví dụ: “Con đã thổi nó!”) và lặp lại hành động. Đảm bảo cân bằng lượt chơi giữa bạn và con, và khi các hành động bắt đầu trở nên nhàm chán, hãy chuyển sang hành động khác: gõ cái trống bằng tay của bạn thay vì dùng dùi, hoặc đập lục lạc xuống sàn thay vì lắc. Tiếp tục duy trì chơi theo lượt và giúp con bạn bắt chước những hành động mới.
- Các đồ chơi với nhiều miếng (giống như tàu hỏa, hay xếp hình) cũng có thể được sử dụng để dạy trẻ bắt chước. Bạn có thể cần giới hạn số miếng hoặc bắt đầu với một số ít miếng để giúp bé tập trung sự chú ý vào bạn. Hãy xem hành động nào con bạn thực hiện trước, và tiếp theo bắt chước bé với đồ vật, thêm ngôn ngữ đơn giản để tường thuật hoạt động. Sau một vài vòng bắt chước các hành động của con bạn, hãy thêm và đa dạng hóa hoạt động bằng cách chỉ cho con bạn một vài hoạt động mới có thể làm với đồ vật. Ví dụ, đoàn tàu của bạn có thể đâm vào con bạn hoặc trật khỏi đường ray. Bạn cũng có thể cần lặp lại hành động của mình một vài lần và tạo ra sự lôi cuốn để giúp con bạn thấy thích thú các yếu tố vui nhộn của hành động. Tiếp theo, tạm dừng, chờ đợi và (nếu cần thiết) giúp con bạn bắt chước hành động – cậu bé cho đoàn tầu của mình đâm vào đoàn tàu của bạn hoặc đẩy đoàn tàu ra khỏi đường ray. Quay lại hoạt động ban đầu mà con bạn thực hiện với đồ vật nếu điều này là cần thiết để duy trì sự quan tâm và chú ý của cậu bé, và sau một vài vòng, làm mẫu hành động mới và giúp con bạn bắt chước nó. Làm theo cách thức này sẽ giúp con bạn bắt chước những hành động yêu thích, tiếp theo giới thiệu hành động mới (có thể là hành động hoàn toàn khác như – đâm, quay, xoay vòng đoàn tàu), và giúp con bạn nhanh chóng bắt chước.
Lời khuyên hữu ích
- Làm gì nếu con bạn muốn đồ chơi của bạn? Không sao: Đưa nó cho bé và nhặt một đồ chơi khác, hoặc đề nghị đổi đồ chơi của bé lấy cái của bạn.
- Làm gì nếu con của bạn quá tập trung vào đồ chơi của riêng cậu ấy mà không để ý tới đồ chơi của bạn? Bạn có thể thử giành thêm thời gian bắt chước chính xác những gì trẻ đang làm. Hầu hết trẻ, qua thời gian, sẽ thích thú và quan tâm tới việc bạn đang bắt chước trẻ và sẽ bắt đầu để ý tới những gì bạn đang làm với đồ chơi. Hãy cho trẻ thêm thời gian để học về trò chơi bắt chước nhau. Bạn có thể bỏ đồ chơi của bạn ra ngoài mà sử dụng chơi theo lượt với đò chơi của bé để hai bên bắt chước qua lại. Vì thế, ví dụ, bạn có thể lấy đồ vật từ con bạn, bắt chước cậu ta, và sau đó đưa đồ chơi lại cho con bạn thực hiện. Đến lượt của riêng mình, giữa hai hoặc ba vòng bắt chước hành động của con bạn (cố gắng giữ cho cuộc chơi thật vui nhộn và tràn đầy sinh lực) và làm mẫu một hành động mới để con bạn bắt chước với sự giúp đỡ của bạn nếu cần thiết.
- Hãy cẩn thận về số lượt chơi của bạn (cố gắng giữ chúng cân bằng với số lần của con bạn), cũng như độ dài lượt của bạn (thật ngắn)! Nếu con bạn thích các hiệu ứng mà bạn tạo ra, bạn sẽ có thêm nhiều thời gian để thực hiện các lượt của bạn với tần suất nhiều hơn. Nếu không, hãy cố gắng giữ lượt của bạn thật ngắn, giữ cho số lượt chơi giữa hai người cân bằng, và chắc chắn rằng bạn bắt chước những gì trẻ làm và giữ cho trẻ thích thú với trò chơi.
“Loại hoạt động này rất hiệu quả với chúng tôi. Con trai tôi rất thích thú với những thứ mới lạ, vui nhộn mà tôi làm với những chiếc ô tô của cậu ta (kiểu như đua xe, tăng tốc vượt lên đồ vật khác hoặc đâm vào chúng). Bởi vì cậu ta nghĩ rằng những hoạt động này rất vui nhộn, nên cậu ta tỏ ra rất thích thú với việc bắt chước chúng.”
- Tận dùng mọi cơ hội bắt chước bé. Bắt chước với các đồ vật là một hoạt động có thể xuất hiện bất cứ khi nào con của bạn đang cầm một đồ vật. Có rất nhiều cơ hội để bắt chước con của bạn trong lúc ăn (ăn một miếng với thìa, sử dụng hai tay, uống nước trong cốc, đập thìa xuống khay ăn,..vv). Trẻ cũng thường bi bô lúc ăn, vì thế đó cũng là những cơ hội cho bạn để bắt chước giọng nói của bé. Lúc tắm cũng có rất nhiều cơ hội – các hoạt động với đồ chơi trong nhà tắm cũng như các hoạt động với nước (xả nước, dội nước lên người, thổi bong bóng, xả nước vào quần áo). Các hoạt động với sách cũng có thể đem lại nhiều ý tưởng hành động có thể sử dụng.
Lời khuyên hữu ích
Đọc các cuốn sách của bé với thứ ngôn ngữ đơn giản – đặt tên những hành động và đồ vật. Đừng cố gắng đọc toàn bộ các câu cho bé khi mà bé còn chưa biết nói. Trẻ sẽ học được nhiều hơn từ cuốn sách nếu bạn đặt tên cho những gì cả hai đang xem và đang làm. |
Tổng kết Bước 2
Nếu bạn đã thực hiện theo các bước ở trên và thực hiện các hoạt động, bạn sẽ tìm ra các cách thức để sử dụng đồ chơi và đồ vật trong nhà để bắt chước con bạn và bắt đầu dạy con bạn cách bắt chước các hoạt động của bạn với đồ vật. Hãy xem bạn có đồng ý với hầu hết các danh sách dưới đây không. Nếu bạn đồng ý, thì bạn đã sở hữu những kỹ năng quan trọng để dạy con bạn bắt chước một hành động mới – những kiến thức này bạn sẽ sử dụng trong Bước 3. Nếu chưa làm được, hãy thực hành nhiều hơn trong cá trò chơi và hoạt động chăm sóc hàng ngày.
Danh sách hoạt động: Bắt chước các hoạt động với đồ vật
_____ Có hai bộ đồ chơi hoặc các đồ vật với nhiều miếng ghép mà tôi có thể sử dụng để chơi với con mình.
_____ Tôi thường xuyên bắt chước các hành động của con mình với đồ vật.
_____ Thỉnh thoảng tôi làm mẫu và đa dạng thêm các hoạt động của bé bằng các hành động khác trong khi chơi, và nhắc con tôi bắt chước các hành động của tôi với đồ vật.
_____ Con tôi và tôi có thể đổi đồ chơi cho nhau khi chơi qua lại theo lượt với chúng.
_____ Tôi nhận thức được sự chú ý của con tôi với các hành động của mình, và có thẻ “cảm nhận” được khi nào tôi có thể kéo dài lượt của mình và khi nào tôi cần giữ cho lượt của mình ngắn.
_____ Tôi đã tìm thấy các cơ hội để bắt chước con của mình qua hầu hết các hoạt động hàng ngày, có cảm giác hầu hết chúng đều diễn ra một cách tự động và dễ dàng.
Claire thì sao? Cha của Claire đã tiếp tục tạo tiếng động vật khi chơi trò chơi đất nặn với các kỹ năng bắt chước giọng nói của Claire. Các con vật mà cô thích nặn là chó, mèo và bò, và bây giờ thì cô bé cố gắng bắt chước tiếng của chúng. Cha của Claire muốn giúp đỡ cô học cách sử dụng các đồ vật trong khi chơi trò chơi đất nặn hàng ngày thay vì chỉ nhìn ông, vì thế ông sử dụng một vài dụng cụ trong nhà bếp (dao cắt bánh pizza, dụng cụ lăn bánh, và dĩa) và đất nặn. Ông biết rằng Claire sẽ bắt chước các hành động mới nếu chúng là một phần của trò chơi mà cô bé yêu thích – quan sát cha mình tạo ra tiếng động vật. Người cha bắt chước tiếng một con vật, và khi Claire cho thấy cô bé chuẩn bị cho con vật tiếp theo, người cha lấy dụng cụ lăn bánh để lăn lên đất nặn. Tiếp theo ông lấy hình con bò và đưa cho cô bé, giúp cô bé tạo ra tiếng con bò, và tiếp theo ông tạo ra tiếng con vật mà cô bé thích. Ông lăn chỗ đất lặn một lần nữa và đưa cho cô bé khuôn hình con mèo. Cô bé cầm lấy và đặt khuôn vào đất nặn. Người cha nhanh chóng giúp cô bé một tay bằng cách ấn nhẹ khuôn xuống đất nặn và tiếp theo kéo con mèo ra và tạo ra tiếng mèo kêu. Họ tiếp tục trò chơi, bây giờ Claire đặt khuôn xuống chỗ đất nặn khi cha cô đưa nó cho cô. Trong một vài ngày ông sẽ giúp cô bé thêm bước nặn đất bằng dụng cụ lăn bánh vào hoạt động thường ngày.
Còn Malik thì sao? Bạn còn nhớ Malik? Cậu bé có xu hướng cho đồ chơi vào miệng hơn là chơi với chúng, và mẹ cậu bé đã thực hành các trò chơi với miệng để khuyến khích cậu bé nói. Sau một khoảng thời gian, đến nay bà đã tìm thấy các trò chơi giúp Malik tạo ra âm thanh “bbb,” “ooo,” và “aah”. Mặc dù Malik không chơi với đồ vật, nhưng bà mẹ vẫn cố gắng không bỏ qua bước này. Sau khi bà mẹ nghĩ về điều đó, bà quyết định sử dụng một đồ chơi để chơi theo lượt với Malik hơn là đồ chơi bộ đôi để có thể làm giảm hành động cho đồ chơi vào miệng của Malik và giúp cậu bé học cách bắt chước các hành động. Người mẹ cân nhắc nhiều loại đồ chơi khác nhau và quyết định rằng một đồ chơi vận hành theo cách kéo hay đẩy có thể đủ hấp dẫn với Malik để cậu không còn muốn gặm chúng. Bà lấy một đồ chơi tên lửa (như tosy); khi bà nhấn nút, cái vòng tròn quay tròn và sau đó đáp xuống sàn nhà.
Người mẹ đặt tên lửa trên sàn nhà giữa bà và Malik. Bà nói với cậu bé, “Xem này. Nhấn.” trong lúc cái vòng tròn quay vòng tròn và rơi xuống cách Malik vài bước, người mẹ nói: “hãy lấy nó,” và kéo tay cậu bé nhặt cái vòng tròn và lắp vào đỉnh của tên lửa. Người mẹ nhắc lại, “Xem này. Nhấn,” và bắn một loạt vòng tròn lên cao. Lần này bà mẹ chỉ vào nơi vòng tròn rơi xuống và nói với Malik, “con đi lấy nó.”. Lần này Malik lấy vòng tròn nhưng không đưa lại cho mẹ. Tuy nhiên, cậu cũng không cho nó lên miệng mình, đây có thể coi là một tiến bộ. Bà di chuyển tên lửa gần Malik hơn và nói, “Bay lên nào,” và chỉ vào vòng tròn. Tiếp theo bà giúp Malik, “Nhấn,” và giúp cậu bé bắn vòng tròn. Sau khi nó rơi xuống đất, Malik chạy đi lấy và mang nó lại để lắp vào đầu tên lửa. Bà mẹ lại giúp cậu bé và họ cùng nhau nhấn nút bắn vòng tròn.
Bây giờ họ đã có thể chơi theo lượt với đồ vật và bà mẹ không bao giờ nghĩ rằng điều này có thể xảy ra. Bà đã nhận ra rằng sử dụng một đồ chơi mà cả hai người có thể chơi theo lượt và chia sẻ có thể là cách tốt nhất để xây dựng kịch bản trò chơi, ít nhất cho đến khi cậu bé phát triển thêm nhiều kỹ năng khác. Bà mẹ rất phấn khởi về bước tiến này khi bà thêm hành động mới vào trò chơi. Bà giữ vòng tròn đưa lên tầm mắt và nói, “Boo, mẹ thấy con này, “ và tiếp theo cù léc Malik. Cậu bé rất thích cù léc và cũng thích thú với sự biến tấu mới này trong trò chơi. Bà mẹ nhìn qua vòng tròn lần nữa khi rơi xuống sàn nhà và cù léc cậu bé lần nữa. Tiếp theo bà giúp Malik giữ vòng tròn ở tầm mắt và nói, “Con thấy mẹ rồi.” Malik không bắt chước hành động này, nhưng cậu bé vẫn chơi và thích thú với hoạt động – được cù léc – vì thế bà mẹ quyết định tạo ra thêm hành động cù léc mà cậu bé có thể bắt chước lại. Bây giờ họ đã có nhiều hoạt động trong một trò chơi với đồ vật cùng nhau.
Bước 3: Bắt chước các cử chỉ của tay, chuyển động của cơ thể và điệu bộ nét mặt
Nguyên tắc cơ bản: Tại thời điểm này, bạn đã phát triển được các trò chơi tương tác để dạy con bạn bắt chước giọng nói và các hành động với đồ vật trong rất nhiều hoạt động hàng ngày. Bước tiếp theo là dạy cho con bạn cách tham gia và bắt chước các cử chỉ của tay và vận động cơ thể như là một phần của các bài hát và trò chơi xã hội cảm giác. Hãy nhớ trong chương 6 chúng ta đã nói về cách xây dựng các hoạt động xã hội vui nhộn với những hành động và từ ngữ đặc biệt (ú òa, “khổng lồ”) hoặc các bài hát và trò chơi với ngón tay hoặc các loại vận động khác (“Itsy-Bitsy Spider,” “London Bridge,” “If you’re happy and you know it”). Bây giờ là lúc dạy con bạn cách bắt chước một vài cử chỉ, vận động cơ thể và vận động khác mà bạn vẫn thực hiện một cách tự nhiên trong những hoạt động hàng ngày. Thực hành những kế hoạch được nêu tiếp theo đây trong các hoạt động xã hội cảm giác quen thuộc và thích thú hàng ngày, để dạy con bạn tổng hợp một vài câu từ và nhịp điệu của các bài hát và trò chơi với những vận động quan trọng là một phần của trò chơi. Cụ thể, “The Wheel on the Bus” bây giờ được kết hợp với vận động quay tròn bàn tay; ú òa được kết hợp với việc giấu khuôn mặt của bạn đằng sau hai tay và mở chúng ra khi bạn nói “òa!”; vv…
Hoạt động: Dạy bắt chước trong các trò chơi với ngón tay và các bài hát kèm theo hành động
Nhớ rằng cho đến bây giờ, bạn và con bạn đã tham giao vào trò chơi xã hội mặt-đối-mặt, khi bạn bắt đầu một trò chơi vận động (cù léc) hoặc hát một bài (“Slippery Fish”) và từ từ tạm dừng ở giữa hoặc trước khi thực hiện hành động, chờ đợi con bạn ra dấu hiệu cho bạn tiếp tục trò chơi (nói “cù léc” hoặc nhìn bạn). Bạn đã thực hiện chúng một thời gian, vì thế có lẽ con của bạn bây giờ đã giao tiếp với bạn tốt hơn để thể hiện nhu cầu muốn cho bạn tiếp tục hoặc “làm lại” với ánh mắt, cử chỉ điệu bộ, âm thanh và các hình thức biểu đạt khác. Khi mà con của bạn đã dễ dàng và thường xuyên giao tiếp để đạt được mục đích, bạn có thể bắt đầu tập trung vào việc dạy con bạn bắt chước một trong những vận động chính sử dụng trong bài hát hoặc trò chơi.
Dưới đây là một chuỗi hoạt động để dạy con bạn bắt chước cử chỉ điệu bộ/vận động:
- Nhặt một thứ yêu thích, một bài hát hoặc trò chơi đã thực hành nhiều trước đây và chọn một vận động mà bé dễ dàng thực hiện (giơ tay, vỗ tay, đan hai tay vào nhau, vv) từ một hoạt động hàng ngày mà bé thực sự thích
- Dạy con bạn bắt chước cử chỉ này bằng cách bắt đầu bài hát; tiếp theo, khi đến thời điểm đan xen cử chỉ trong bài hát, bắt đầu thực hiện cử chỉ và tiếp theo dừng lại và giúp đỡ (nhắc nhở) con bạn thực hiện cử chỉ đó. Nhắc nhở có nghĩa là giúp đỡ con bạn để bé thực hiện hành động mà bạn muốn trẻ làm. Việc nhắc nhở cũng có thể là một cái chạm nhẹ vị trí cơ thể mà bạn muốn bé sử dụng để thực hiện hành động (chạm vào khuỷu tay để nhắc bé giơ tay lên), hoặc, nếu cần thiết, hướng dẫn bé thực hiện một cách cụ thể qua hành động (cầm tay cậu ta và giơ lên). Bạn sẽ giảm dần việc nhắc nhở một cách từ từ. Ví dụ, nếu bạn đã hướng dẫn con bạn sử dụng tay để thực hiện hoạt động, bạn có thể bắt đầu giảm tần suất hướng dẫn cho đến khi bạn chạm vào khuỷu tay hoặc chỉ vào tay để khuyến khích cậu ta giơ tay lên. Cuối cùng, bạn muốn loại bỏ toàn bộ việc nhắc nhở con bạn và bé sẽ tự bắt chước bạn.
- Mỗi khi con bạn đã bắt chước hành động với sự giúp đỡ của bạn, tiếp tục hoạt động sao cho bé trải nghiệm và thích thú với những lượt chơi như là một “phần thưởng” cho việc bắt chước các vận động của bạn.
Lời khuyên hữu ích
Hãy cẩn thận không ra hiệu để bé bắt chước bạn ngày này qua ngày khác. Điều này không dạy bé bắt chước. Bạn dạy bé bắt chước thông qua việc bạn làm mẫu trước rồi chờ đợi và khuyến khích bé bắt chước bạn. Nếu con bạn không phản hồi bằng bất kỳ cử chỉ điệu bộ nào, thì bạn hãy giúp con bạn thực hiện bằng cách cầm tay giúp con làm theo. Nhưng hãy hạn chế giúp đỡ bé càng ít càng tốt, hãy để bé bộc lộ những cử chỉ bắt chước đầu tiên và giảm dần sự trợ giúp. Điều này gọi là giảm dần sự nhắc nhở, và nó thực sự quan trọng đối với việc chủ động học của con bạn. Bé chủ động bắt chước bạn một cách vụng về còn hơn là bắt chước một cách hoàn hảo dưới sự trợ giúp của bạn.
- Cố gắng đừng cầm tay trẻ để trẻ làm theo bạn chỉ sau một vài nhắc nhở. Thay vào đó, hãy ra hiệu cho trẻ từ cổ tay, cánh tay, khuỷu tay, hoặc vai, để cho con bạn không nghĩ rằng những gì bạn kỳ vọng là đưa bàn tay của cậu ta cho bạn để bạn thực hiện.
- Luôn luôn tiếp tục bài hát sau khi bé đã có cử chỉ điệu bộ cho dù không hoặc có sự trợ giúp của bạn. Điều này được coi là sự động viên hay phần thưởng cho bé.
- Chỉ dạy một cử chỉ điệu bộ tại một thời điểm. Ví dụ như nếu bạn đang dạy “Itsy-Bitsy Spider,”, bạn có thể dạy cử chỉ của “spider” bằng cách cầm tay con bạn và đan các ngón tay vào nhau một vài lần. Bạn cũng có thể giúp con bạn bắt chước cử chỉ này mỗi khi bạn sử dụng chúng. Nhưng bạn đừng vội dạy trẻ cử chỉ thứ hai (“Down came the rain”) cho đến khi trẻ có thể tự thực hiện các cử chỉ đầu tiên – của “spider”. Bạn sẽ vẫn hát bài hát và sử dụng toàn bộ cử chỉ điệu bộ của bạn mọi lúc nhưng bạn sẽ dạy con bạn một cử chỉ điệu bộ tại một thời điểm cho đến khi con bạn có thể dễ dàng tự thực hiện được một cách độc lập, thường xuyên.
- Đừng nên theo chủ nghĩa hoàn hảo. Con bạn càng thực hiện được cử chỉ một cách độc lập sớm bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Đừng e ngại nếu những cử chỉ đó vụng về hoặc chưa hoàn thiện lúc đầu. Tương tự như việc bạn khuyến khích con bạn bắt chước tiếng nói bằng cách phản hồi lại bất cứ âm thanh nào, bạn muốn khuyến khích con mình bắt chước các điệu bộ bằng cách phản hồi lại một cách tích cực bất cứ vận động nào trước tiên là sử dụng đúng bộ phận cơ thể để thực hiện (ví dụ: lắc lư nhẹ những ngón tay khi bạn thực hiện cử chỉ của spider). Những cử chỉ điệu bộ này sẽ dần chính xác hơn về sau.
- Một vài cử chỉ điệu bộ được sử dụng thường xuyên trong rất nhiều bài hát. Ví dụ, vỗ tay nhắc tên trong pattycake, “Open, Shut Them,” and “If You’re Happy and You Know It.” Khi con bạn bắt đầu bắt chước vỗ tay với một trong các bài hát, nhắc nhở cậu bé thực hiện nó trong những bài hát khác nếu nó cũng có hoạt động này. Càng thực hành bắt chước nhiều càng tốt.
Dưới đây là một vài hoạt động bổ sung để phát triển việc bắt chước cử chỉ điệu bộ:
- Thêm các biểu lộ nét mặt (mỉm cười, trề môi, giả vờ khóc, những nét mặt biểu lộ sự ngạc nhiên) vào các hoạt động xã hội cảm giác hàng ngày của bạn. Cường điệu hóa các điệu bộ, cảm xúc để làm cho trẻ chú ý tới khuôn mặt bạn và khuyến khích bé bắt chước bạn. Rõ ràng là bạn không thể giúp con bạn mỉm cười hay cau mày một cách cơ học, nhưng bạn có thể đem đến cho bé ý nghĩa của những biểu đạt này với ngôn ngữ và những hành động của mình. Dĩ nhiên, bạn cũng có thể chạm vào mặt bé để nhắc nhở.
- Với các bắt chước về biểu đạt nét mặt, bạn sẽ cần cường điệu hóa và đôi khi là làm chậm lại các vận động của mình. Ví dụ, với một quả bóng hoặc trò chơi bong bóng, hãy tiến lại gần con bạn – trên sàn nhà, mặt đối mặt. Phùng một bên má và thổi ra nhẹ nhàng đều đều. Trò chơi này cho con bạn biết điều gì đang đến và giúp con bạn tập trung và đọc được những giao tiếp không lời của bạn. Tuy nhiên, bạn cũng cần sử dụng những hành động biểu lộ nét mặt để gây sự chú ý của bé. Ngay khi bé đã bắt đầu hiểu được ý nghĩa của hành động, hãy tạm dừng trong lúc đang thực hiện, làm mẫu hành động và chờ đợi bé bắt chước để yêu cầu bạn thực hiện tiếp. Hãy làm đi làm lại, đầu tiên bạn không cần kỳ vọng bé bắt chước chính xác những gì bạn thực hiện. Nếu con của bạn khẽ mở miệng khi thấy bạn thể hiện cử chỉ thổi thì thật là tuyệt vời!
Cậu bé 2 tuổi Amber thích trò chơi bóng bay. Mẹ của cậu bắt đầu thôi một quả bóng chậm rãi và đều đều, và sau đó ngậm miệng lại, quan sát Amber, và làm điệu bộ phùng má để thổi. Bà tạm dừng và chờ đợi xem Amber có bắt chước cử chỉ đó không. Cho dù Amber có hay không bắt chước điệu bộ đó, bà vẫn nói, “Thổi quả bóng bay”, rồi phùng má thổi một cách đều đều, tạo ra một vài hiệu ứng âm thanh, và tiếp tục thổi sau đó để quả bóng bay bay để Amber bắt. Trong một vài ngày, Amber bắt đầu bắt chước điệu bộ phùng má và thổi trong khi mẹ cậu tạm dừng. Và thêm vài ngày nữa, cậu đã có thể thực hiện trọn vẹn hành động “thổi bóng bay”.
- Chơi các trò chơi bắt chước khuôn mặt trước một cái gương lớn thường giúp con bạn học việc bắt chước biểu lộ trên nét mặt như thổi, trề môi, huýt sáo, chúm môi một cách thích thú và trở thành một hoạt động vui nhộn.
Dưới đây là một vài ý tưởng cho việc sử dụng các hoạt động hàng ngày khác để phát triển ngôn ngữ và biểu lộ nét mặt
- Trong lúc thay tã – khi con bạn đang nằm trước mặt bạn, tập trung vào khuôn mặt bạn – là một thời điểm tuyệt vời để chơi trò chơi mặt xấu kèm theo lời nói, kiểu như thể hiện khuôn mặt và tiếng gọi của các con vật, các bài hát với bảng chữ cái/chữ số, thè lưỡi, và huýt sáo. Đặt một cái còi trên bàn thay tã, và sử dụng nó để tạo ra những âm thanh vui nhộn trong lúc bạn thay tã. Đây cũng là thời gian để chơi các trò chơi ú òa, lắc hông, hoặc các trò chơi với những ngón tay.
- Lúc mặc hoặc thay đồ cũng là lúc có thể chơi trò chơi ú òa với áo, hiệu ứng âm thanh với trò “stinky shoes, stinky socks, stinky feet” và lắc chuông với trò “This Little Piggy”, vv…
- Trong bữa ăn, bạn cũng có thể làm mặt bự với các hiệu ứng âm thanh – “ngon ngon” và biểu lội nét mặt và âm thanh thể hiện món ăn ngon; “không thích” biểu lộ nét mặt và hiệu ứng âm thanh với đồ ăn mà bé từ chối; cường điệu âm thanh uống nước, âm thanh nhai; hay điệu bộ lè lười liếm kem hoặc bánh cà rốt nhân đậu. Nếu con bạn ngồi trên một chiếc ghế cao, bạn hãy ngồi ngay trước mặt bé, đây là vị trí rất tốt để thu hút sự chú ý của con bạn vào khuôn mặt và lời nói của bạn.
- Gọi tên và phản ứng với những tình huống không mong muốn xảy ra trong ngày. Sử dụng biểu cảm và biểu đạt mạnh và thu hút với những gì thất bạn. Sử dụng “ôi, không” và một biểu đạt mạnh khi bạn xây một tòa nhà và nó bị đổ. Sử dụng âm thanh lớn và cuốn hút để mô tả những hoạt động đổ tòa nhà hay ô tô chạy, tông vào vật khác. Khi con bạn bị đau, hãy nói “ôi con bị đau, để mẹ xoa/bóp, lấy thuốc bôi,…” và thơm vào chỗ đau của bé và nói “hết đau rồi”.
- Lưu ý: Đối với trẻ tự kỷ, việc bắt chước biểu lộ nét mặt và âm thanh là khó khăn hơn nhiều so với bắt chước hành động với đồ vật. Bạn sẽ thường xuyên thấy con bạn bắt chước các hành động với đồ vất trước khi bắt chước các vận động cơ thể và biểu lộ trên nét mặt hoặc giọng nói. Đừng lo lắng về điều đó – điều này cũng là cách thông thường khi học bắt chước của hầu hết trẻ tự kỷ. Hãy giữ cho các hoạt động xã hội cảm giác được đa dạng và thường xuyên đổi mới, thêm vào các hoạt động mới, tiếp tục chờ đợi vào một ngày nào đó bé sẽ làm được.
Tổng kết Bước 3
Nếu bạn đã thực hiện đầy đủ các hoạt động ở trên, bạn sẽ tìm ra các cử chỉ điệu bộ, vận động cơ thể và có thể là các biểu lộ nét mặt mà bạn đã giúp bé bắt chước trong các hoạt động xã hội cảm giác hoặc trong các hoạt động hàng ngày. Hãy xem bạn có đồng ý với hầu hết các kết luận dưới đây không. Nếu đồng ý, có nghĩa là bạn đã đạt được kỹ năng quan trọng để đa dạng hóa việc bắt chước của con bạn bên cạnh đồ chơi và các trò chơi xã hội – những kiến thức này bạn sẽ sử dụng trong Bước 4. Nếu chưa thực hiện được, bạn cần thực hành nhiều hơn trong khi chơi và các hoạt độngc chăm sóc hàng ngày của bé cho đến khi bạn tìm được một vài phương pháp để thực hiện.
Danh sách hoạt động: Có phải tôi đang giúp con mình bắt chước cử chỉ, vận động cơ thể và biểu lộ trên nét mặt?
_____ Tôi đã tìm ra các hoạt động xã hội cảm giác và các bài hát để làm cho bé cười.
_____ Con của tôi có thể ra dấu hiệu cho tôi một cách dễ dàng khi đến lượt cậu bé để tiếp tục các hoạt động xã hội cảm giác và các bài hát.
_____ Tôi biết ít nhất một cử chỉ hoặc vận động cơ thể trong mỗi hoạt động xã hội cảm giác và bài hát mà tôi có thể sử dụng để dạy con tôi bắt chước.
_______Tôi biết cách thêm các biểu lộ nét mặt và hiệu ứng âm thanh vào bài hát và các hoạt động xã hội cảm giác hàng ngày
_____ Tôi biết cách tạm dừng và chờ đợi con tôi bắt chước hành động mà không cần sự trợ giúp của tôi.
_____ Tôi biết khi nào cần giúp hoặc nhắc nhở bé bắt chước hành động của mình.
Malik thì sao? Người mẹ hát một vài bài cho Malik nghe (“Twinkle, Twinkle, Little Star” và “Open, Shut Them”) hàng ngày trong lúc mặc đồ, thay tã và trong khi tắm. Bà mẹ bắt đầu hát “Twinkle, Twinkle, Little Star” kèm theo điệu bộ xòe và nắm bàn tay. Bà nghĩ rằng đó là các cử chỉ dễ dàng và có mối liên hệ để Malik học cách bắt chước. Sau khi hát bài xong toàn bộ bài hát một lần, bà bắt đầu hát lại và tạm dừng ở cuối mỗi câu, đồng thời xòe bàn tay ra trước mặt cậu bé. Bà chờ đợi liệu Malik có di chuyển tay của cậu ta không. Cậu bé không thực hiện bất cứ động tác nào, nhưng tiếp tục nhìn mẹ mình và bày tỏ sự quan tâm rất lớn. Người mẹ xòe tay ra và chạm nhẹ vào bàn tay của Malik một vài lần. Rồi bà lại tiếp tục hát. Khi tới phần cuối của bài hát, tại đoạn “Twinkle, twinkle, little star” lặp lại, bà lại xòe bàn tay của mình trước mặt cậu bé và chờ đợi cậu chạm vào tay mình. Khi cậu bé không thực hiện, bà lại tiếp tục xòe bàn tay của mình và chạm vào bàn tay cậu bé. Trong vài ngày sau, khi bà lặp đi lặp lại hành động này, Malik đã giơ tay ra khi mẹ cậu giơ tay ra trước mặt cậu. Bà mẹ vô cùng vui sướng xòe tay ra và chạm vào bàn tay cậu bé vài lần khi hát. Vài ngày sau, cậu bé không chỉ giơ tay ra mà còn chủ động chạm vào bàn tay mẹ mình. Bà mẹ đã vui mừng khôn tả khi mà con bà đã có thể tự bắt chước một điệu bộ mới, ngay cả khi nó vẫn chưa hoàn hảo thì đó vẫn là sự tiến bộ lớn và cậu bé đang thực sự học cách bắt chước!
Bước 4: Bắt chước và mở rộng các hoạt động.
Nguyên tắc cơ bản: Việc phát triển sự đa dạng trong các trò chơi bắt chước theo lượt sẽ giữ cho trò chơi được hấp dẫn và ít bị nhàm chán trong một thời gian dài. Nó hỗ trợ trẻ tập trung chú ý trong khoảng thời gian dài hơn. Nó cũng dạy trẻ sử dụng các đồ vật theo nhiều cách khác nhau. Điều này mở rộng thêm nhiều hoạt động trẻ có thể thao tác trên đồ vật, tránh việc chơi lặp đi lặp lại một trò chơi. Mỗi khi con của bạn bắt chước được một hành động mới, điều đó sẽ phát triển kỹ năng bắt chước trong tương lai một cách dễ dàng hơn và chủ động hơn.
Hoạt động: Đa dạng trò chơi
Khi con của bạn có thể bắt chước một hành động quen thuộc mà bạn làm mẫu một cách dễ dàng và thống nhất, bạn có thể bắt đầu mở rộng các hành động để cho hành động khởi đầu hoặc chủ để không trở nên nhàm chán hoặc lặp đi lặp lại với con bạn sau một vài vòng. Việc thêm vào những nhân tố mới sẽ làm cho việc bắt chước trở nên vui nhộn và gây ngạc nhiên cho con bạn. Nhưng thực hiện nó như thế nào? Hành động bắt chước qua lại đầu tiên của bạn sau một hoặc hai lượt chơi sẽ xây dựng lên chủ đề, đó là hoạt động chính. Sau đó, bạn sẽ giới thiệu một vài thứ mới cho việc bắt chước – một nhân tố mới – để giữ cho hoạt động thêm thú vị và các lượt chơi được kéo dài hơn. Để làm việc này, bạn cũng sẽ dạy bé bắt chước một hoạt động khác, làm cho trò chơi trở nên đa dạng, hấp dẫn hơn.
Dưới đây là một vài ý tưởng để giới thiệu các nhân tố mới
- Gần đây chúng ta đã nói về việc bắt chước cách con bạn sử dụng đồ vật để tạo ra một trò chơi bắt chước theo lượt. Mỗi khi con bạn bắt chước lại bạn các thao tác mà bạn bắt chước trẻ một cách dễ dàng, thì bạn hãy chỉ cho cậu bé các hoạt động mới đơn giản và thú vị với đồ vật. Nó có thể là chỉ cho bé cách đập quả bong bóng vừa thổi, hoặc cách tung quả bóng bay được bơm căng lên trên cao, hoặc cách chạy vòng quanh khi chơi “Hokey-pokey”, hoặc cách đâm một cái oto vào một tòa tháp hoặc khối hình sau khi xây chúng. Bạn làm mẫu trước, tiếp theo đưa đồ vật cho cọn bạn để cho cậu bé bắt chước bạn. Nếu cậu bé không bắt chước, bạn hãy nhắc nhở trẻ bắt chước bạn, tán dương trẻ khi trẻ bắt chước xong, sau đó hãy để bé chơi với đồ vật theo bất kỳ cách nào bé muốn trong ít phút. Tiếp theo, lặp lại toàn bộ chuỗi hoạt động: làm mẫu Hành động 1; đưa đồ chơi cho con bạn bắt chước; tiếp theo đến lượt mình bạn làm mẫu Hành động 2; tiếp theo đưa đồ chơi con bé để bé có cơ hội thực hiện Hành động 2; và chúc mừng hoặc vỗ tay và đưa đồ chơi cho con bạn. Việc này sẽ khắc sâu với bé về việc trẻ bắt chước bạn với việc trẻ có được đồ chơi yêu thích mà không cần đòi hỏi. Dĩ nhiên sự tán thưởng đầy nhiệt tình của bạn cũng là phần thưởng rất lớn rồi.
- Các nhân tố mới thường có sức hút lớn đối với con bạn nếu chúng là những hành động đơn giản, mới lạ và thú vị: Dùng dụng cụ lăn bột để lăn đất nặn, ngoáy cốc sữa bằng cái đũa, hoặc đặt quả bóng ở đoạn dưới của mê cung thay vì ở trên đầu. Bạn sẽ dạy con mình bắt chước những hành động mới chính xách như cách chúng ta đã trao đổi trước đây: chỉ cho con bạn trong khi bạn gọi tên hành động, chờ đợi và nhắc nhở nếu cần thiết, khen trẻ khi trẻ cố gắng bắt chước hoặc giúp con bạn bắt chước nếu trẻ chưa làm theo và chúc mừng khi trẻ thực hiện. Các đồ vật phù hợp nhất với chủ đề và thêm nhân tố mới bao gồm chơi với đất nặn, các hoạt động nghệ thuật, các đồ chơi với dụng cụ âm nhạc và một bộ các đồ chơi phức tạp (đoàn tàu, đường ray, oto, một bộ xếp hình, bộ xây dựng, đồ chơi giả vờ như kính, mũ vòng cổ, tóc giả, lược…vv)
- Trò chơi bắt chước với chủ đề – và – nhân tố mới là một cách tuyệt vời để giới thiệu những đồ chơi hay đồ vật mới, những thứ mà trẻ chưa hề chơi, do đó mọi thứ bạn làm mẫu đều là mới. Các đồ vật không được khuyến khích cho thể loại chơi này là các đồ vật mà bé đã có, cầm chơi đi chơi lại nhiều.
Tổng kết Bước 4
Nếu bạn đã thực thiện theo những hoạt động trong Bước này, bạn đã dạy trẻ toàn bộ các loại hình bắt chước khác nhau (với lời nói, hành động với đồ vật, cử chỉ điệu bộ, vận động cơ thể, biểu lộ nét mặt) thông qua trò chơi với đồ chơi và các hoạt động xã hội cảm giác hàng ngày. Bạn biết cách chơi theo lượt với con bạn và phát triển các chủ đề ban đầu của việc bắt chước một hành động và sau một vài vòng, bạn biết cách mở rộng và làm đa dạng các hoạt động bao gồm nhiều loại hình bắt chước mà con bạn có thể thực hiện. Nếu đúng vậy, bây giờ bạn đã đạt được những kỹ năng quan trọng cho chơi theo lượt và dạy trẻ trong các hoạt động cùng chú ý. Nếu chưa làm được, bạn cần thực hành nhiều hơn trong khi chơi và các hoạt động chăm sóc hàng ngày.
Danh sách hoạt động: Có phải tôi đang mở rộng hoạt động bắt chước của con mình?
_____ Tôi biết cách phát triển một chủ đề trong quá trình bắt chước với con mình khi chơi đồ chơi và các hoạt động xã hội cảm giác hàng ngày.
_____ Con tôi có thể bắt chước một cách dễ dàng ít nhất một loại hành động mà không cần sự trợ giúp của tôi trong khi chơi với đồ chơi và các hoạt động xã hội cảm giác hàng ngày.
_____ Tôi biết cách đa dạng hoặc mở rộng hoạt động cùng chơi để dạy các loại hình bắt chước khác cho con mình trong lúc chơi với đồ chơi và các hoạt động xã hội cảm giác hàng ngày.
_____ Tôi biết cách tạo ra những hình ảnh, bối cảnh mới và hấp dẫn để con tôi bắt chước trong khi chơi với đồ chơi và các hoạt động xã hội cảm giác hàng ngày.
_____ Con của tôi luôn thấy những nhân tố mới là vui nhộn và cậu bé luôn cố gắng bắt chước những hành động mới đó.
Bước 5: Xây dựng các trò chơi bắt chước theo khung hoạt động chung
Trong Chương 6 chúng ta đã cùng trao đổi về cấu phần của một hoạt động chung: chuẩn bị, chủ đề, nhân tố mới, và kết thúc/chuyển đổi. Có lẽ bây giờ bạn cũng đã thấy trò chơi bắt chước có thể xây dựng theo khung hoạt động chung này. Bạn có thể thậm chí đã sử dụng chúng, một cách có chủ ý hoặc tự động khi mà bạn tập trung vào các hoạt động bắt chước và các nhân tố mới.
Kịch bản chơi mà chúng ta đã đề cập trong suốt chương này về việc dạy bắt chước theo khung một hoạt động chung: chuẩn bị (mang đồ chơi ra), thiết lập chủ đề, thêm các yếu tố mới. Chúng ta vẫn chưa đề cập tới việc kết thúc/chuyển đổi, nhưng thực tế thì việc kết thúc trò chơi đã được thực hiện khi bạn kết thúc hoạt động, và bạn đã thực hành trong Chương 6. Trong phần còn lại của cuốn sách này, chúng tôi tiếp tục gợi ý cho bạn các cách thức sử dụng trong khung hoạt động chung và các chiến lược bắt chước sử dụng để dạy phát triển các kỹ năng khác cho con bạn. Bắt chước và chơi theo lượt tập trung vào đồ vật trong các hoạt động chung và các hoạt động xã hội cảm giác cũng như rất nhiều hoạt động chăm sóc hàng ngày, là những bước cơ bản mà trẻ nhỏ cần học từ người khác về ngôn ngữ, hành vi xã hội, và cách sử dụng đồ vật. Nếu bạn đã nắm vững những khái niệm cơ bản mà chúng tôi đã trình bày đến thời điểm này, bạn đã đạt được những kỹ năng dạy quan trọng nhất để giúp con bạn tiến bộ, chỉ cần áp dụng đúng những kỹ thuật trong chương này.
Danh sách hoạt động: Có phải tôi đang đưa hoạt động bắt chước vào khung hoạt động chung không?
______ Các hoạt động dạy bắt chước của tôi bao gồm khâu chuẩn bị, trong khâu đó tôi và con xác định một chủ đề của hoạt động.
______ Chúng tôi chơi theo lượt và chia sẻ lượt chơi bằng cách bắt chước lẫn nhau khi đến lượt của mình hoặc chơi theo một cách thống nhất.
_____ Sau một vài vòng lặp đi lặp lại, con tôi hoặc tôi làm đa dạng hoặc mở rộng chủ đề bằng cách thêm vào những hành động mới để bắt chước.
_____ Khi sự tập trung của con tôi bắt đầu giảm sút, hoặc các trò chơi có cảm giác lặp đi lặp lại, chúng tôi thực hiện việc kết thúc/chuyển đổi – cất đồ chơi đi và đọn dẹp cùng nhau.
_____ Tôi đang sử dụng cấu trúc bốn-phần của một hoạt động chung ít nhất vài lần trong bữa ăn, mặc/thay đồ, lúc tắm, đi ngủ, và tôi có thể thấy con mình bắt đầu thích thú và đoán trước được các bước trong nhiều hoạt động khác nhau.
Claire thì sao? Claire và bà của cô bé đã phát triển một vài trò chơi với đồ chơi và các hoạt động xã hội cảm giác bao gồm nhiều hoạt động bắt chước khác nhau. Một trong những hoạt động ưa thích của Claire là khi bà của cô bé bắt chước cô lăn một oto đồ chơi tiến và lùi trên bàn cà phê. Bà cô bé lấy một chiếc oto thứ hai, ngồi bên kia bàn – mặt đối mặt với Claire, bắt chước điệu bộ lăn, và nói “zoom, zoom, zoom” trong khi lăn. Sau đó bà tạm dừng. Lăn là chủ đề của trò chơi bắt chước mà Claire đã thiết lập. Claire dừng và nhìn bà khi bà dừng lăn ô tô, và bà đã nắm được cử chỉ đó của Claire nên tiếp tục lăn trở lại, và Claire bắt chước bà lăn ô tô của cô bé. Bà nhắc lại thêm vài lượt nữa. Nhưng bà nhận thấy Claire không còn hứng thú với trò chơi vì cô bé không còn phản hồi hoặc tham gia một cách tích cực như lúc trước. Đây cũng là một kỹ năng mà Claire thực hiện được một cách dễ dàng. Vì thế bà quyết định thêm vào nhân tố mới. Bà đặt một đầu thanh gỗ dài lên trên bàn cà phê, một đầu lên trên giá sách, sau đó cho ô tô lăn trên khối gỗ đó. Claire quan sát một cách đầy thích thú và lại tiếp tục lăn chiếc ô tô của cô bé trên bàn. Bà gây sự chú ý của cô bé, lăn chiếc oto của mình trên thanh gỗ một lần nữa, tạm dừng, và tiếp theo bà nhắc nhở Claire bắt chước bà bằng cách giúp cô bé đặt oto của mình trên thanh gỗ. Chiếc ô tô của Claire lăn xuống, và người bà ồ dzia với cô bé. Bà tiếp tục cho chiếc ô tô của mình lăn thêm một lần nữa và bắt đầu giúp Claire, nhưng bây giờ thì Claire đã có thể tự làm việc đó, và bà cô bé lại chúc mừng cô một lần nữa, và cả hai tiếp tục bắt chước hoạt động của nhau thêm một vài vòng.
Bà của Claire nhận ra rằng bà và Claire đã xây dựng và thêm nhân tố mới vào trò chơi bắt chước của họ. Bà cũng ghi lại số lần bắt chước, bao gồm hoạt động mới, mà Claire có thể làm bây giờ; thời gian mà Claire có thể tập trung tới hoạt động chơi; và số lượt chơi (các cơ hội học tập) mà Claire đã tham gia. Chiến lược này đã giúp bà của Claire dạy cô bé được nhiều hơn trong các trò chơi hơn là để cho cô chỉ chơi với các chủ đề đã thiết lập từ trước. Claire rất thích những nhân tố mới đã nói ở trên và cô đã học bắt chước nó chỉ sau một vài vòng, và bà của cô bé nhận ra rằng có thể cần đưa ra một ý tưởng mới và khiến cho Claire thích thú. Nếu Claire không thích một nhân tố mới sau một vài vòng, bà của cô bé quay trở lại trò chơi lăn xe chơi một vài vòng sau đó thêm vào nhân tố mới khác – như đâm ô tô hoặc lăn chúng rơi xuống dưới đất. Bà cô bé hiểu rằng mục tiêu tổng thể là mở rộng thời gian chơi trong các hoạt động cùng chơi hàng ngày, tạo ra các cơ hội bắt chước qua lại càng nhiều càng tốt, và liên kết các cơ hội cho rất nhiều hoạt động bắt chước. Khi mà Claire không còn hứng thú với trò chơi oto, hoặc khi trò chơi bắt đầu mất đi tính xã hội một cách tự nhiên hoặc đã lặp đi lặp lại nhiều lần, bà của cô bé liền nói “kết thúc” và làm mẫu việc đặt oto vào hộp, hướng dẫn Claire làm theo – kết thúc hoạt động chung một cách vui vẻ!
Tổng kết Chương
Chương này đã tập trung vào các cách thức để giúp con của bạn tăng cường việc bắt chước bạn hoặc người khác. Chúng tôi đã bắt đầu bằng việc thảo luận sự quan trọng của của việc bạn bắt chước trẻ – bắt chước hoạt động và âm thanh của trẻ. Chúng tôi cũng đề cập một vài loại bắt chước khác nhau: bắt chước các hành động với đồ vật (cách dễ nhất cho hầu hết trẻ tự kỷ), bắt chước âm thanh/giọng nói, bắt chước đa hành động, và bắt chước cử chỉ điệu bộ và biểu lộ trên nét mặt (kỹ năng khó nhất với nhiều trẻ tự kỷ). Nếu bạn đã làm theo và thực hiện đầy đủ các hướng dẫn, bạn đã gia tăng thêm các cơ hội bắt chước cho con bạn hàng ngày. Chúng tôi cũng đã đề cập tới sự quan trọng của việc thêm nhân tố mới vào trò chơi bắt chước để làm cho trò chơi không bị lặp đi lặp lại một cách nhàm chán. Chúng tôi cũng đã chỉ ra làm thế nào để các hoạt động bắt chước phù hợp với cấu trúc bốn-phần của các hoạt động cùng chơi hàng ngày: chuẩn bị, chủ đề, thêm nhân tố mới, và kết thúc/chuyển dịch. Và, cuối cùng, chúng tôi đã đề cập tới việc làm thế nào để áp dụng khung hoạt động chung để dạy bắt chước trong các hoạt động chăm sóc trẻ hàng ngày – không chỉ khi chơi đồ chơi và chơi trò xã hội cảm giác (bao gồm cả bài hát), mà còn trong bữa ăn, các hoạt động chăm sóc khác, đọc sách và các việc vặt trong nhà. Mỗi một hoạt động bắt chước là một cơ hội học tập, và bằng cách lồng ghép những loại trò chơi này vào tất cả các hoạt động của con bạn, bạn có thể tạo ra sự cải thiện nhanh chóng cho con bạn.
DANH SÁCH GHI NHỚ
Mục tiêu: Dạy con bạn cách bắt chước các hoạt động khác nhau.
Các bước:
- Bắt chước hoạt động chơi với đồ chơi của con bạn và kỳ vọng con bạn bắt chước ngược lại bạn.
- Bắt chước âm thanh/giọng nói của con bạn và kỳ vọng bé bắt chước lại bạn
- Sử dụng việc nhắc nhở để khuyến khích bắt chước, nhưng cần giảm dần sự nhắc nhở thật nhanh chóng!
- Đừng kỳ vọng một cái gì hoàn hảo; hãy chấp nhận sự chưa chính xác trong các hoạt động của bé.
- Tạo ra các trò chơi bắt chước theo lượt, các đoạn hội thoại ngắn.
- Sử dụng bốn-bước cấu trúc hoạt động chung để làm đa dạng thêm hoạt động bắt chước.
- Sử dụng các bài hát hoặc các hoạt động xã hội cảm giác hàng ngày để xây dựng các trò chơi bắt chước cử chỉ điệu bộ.
- Xác định vị trí của bạn để thu hút sự chú ý của trẻ!
CHƯƠNG 9. NẮM BẮT KỸ THUẬT: TRẺ HỌC NHƯ THẾ NÀO
Mục tiêu chương: Giải thích các nguyên lý cơ bản và các kỹ thuật nền tảng nhằm giúp trẻ tham gia, giao tiếp và học hỏi, vì thế bạn có thể áp dụng những cách thức mới để tăng cường khả năng học hỏi của trẻ.
Chương 4, 5, 6,7, 8 đã cung cấp những nền tảng ban đầu hình thành và phát triển khả năng học hỏi của trẻ. Nếu bạn kiên trì theo đuổi và áp dụng các Phương pháp này thường xuyên, bạn sẽ nhận thấy khả năng tập trung, khả năng giao tiếp, học hỏi của con bạn thực sự tiến bộ rất nhiều. Bây giờ chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn một số kiến thức cơ bản về quá trình học hỏi của trẻ, và bạn có thể áp dụng những kỹ thuật dưới đây một cách linh hoạt giúp con bạn tiến bộ và vượt qua các khó khăn trong việc học hỏi những kỹ năng mới.
Với những hiểu biết về nguyên lý ABC (trong đó: A- một sự kiện thúc đẩy hành vi xuất hiện – tiền đề; B –hành vi; C – là hệ quả), bạn có thể thúc đẩy và dạy trẻ những hành vi mới, kể cả các hành vi phức tạp, từ các trò chơi giả vờ tới quá trình học nói. Những nguyên tắc này dựa trên nghiên cứu khoa học gọi là ABA – phân tích hành vi ứng dụng. Trong chương 1, chúng tôi đã đề cập đến ABA là một ứng dụng của khoa học trong việc giảng dạy giúp con người ta học các hành vi mới và thay đổi hành vi hiện tại, bao gồm việc giảm các hành vi tiêu cực. Trong chương này chúng tôi sẽ tập trung vào nguyên lý ABC trong việc dạy – xuyên suốt các chương trong cuốn sách này.
Tại sao việc áp dụng Phương pháp phân tích hành vi ứng dụng – ABA lại quan trọng đến vậy?
Chúng ta đã đưa ra định nghĩa về ABA, nhưng có thể bạn chưa biết rằng ABA không phải là một phương pháp can thiệp cụ thể. Đây là một cách hiểu sai lầm. ABA là một ứng dụng khoa học trong quá trình dạy để hiểu và thay đổi các hành vi cụ thể, và được áp dụng trong các phương pháp can thiệp tự kỷ khác như Rèn luyện thử nghiệm riêng biệt (Discrete Trial Training), Liệu pháp phản hồi then chốt (Pivotable Response Teaching), Mô hình can thiệp sớm Denver, Rèn luyện kỹ năng bắt chước qua lại (Reciprocal Imitation Training), … Tất cả các đều sử dụng nguyên lý của ABA.
Nếu bạn theo dõi các chương trước của cuốn sách này và thử áp dụng các kỹ thuật can thiệp để dạy các kỹ năng cho con bạn, thì tôi chắc rằng bạn cũng đã áp dụng ABA. Hay nói theo một cách khác, bạn đã khuyến khích con bạn học kỹ năng mới bằng việc tạo ra sự vui thích cho con bạn khi học những điều bạn dạy. Chúng tôi thấy rằng học cách thay đổi thói quen tương tác với trẻ thực sự hữu ích với các gia đình trong quá trình can thiệp cho con, nên chúng tôi đã đồng hành cùng với các gia đình sử dụng các kỹ thuật của ABA mặc dù không đề cập đến các thuật ngữ kỹ thuật của ứng dụng này. Và một sự thật là chính những hành vi của bạn cũng được định hình bởi những nguyên lý của ABA. Bạn đã tìm hiểu các quy tắc để dạy các hành vi mới, đã áp dụng và đã nhìn thấy những kết quả của việc áp dụng các nguyên tắc can thiệp trong việc dạy con mình, vậy đó sẽ là động lực thúc đẩy bạn tìm hiểu về các quy tắc can thiệp cho con?
Bây giờ chính là thời điểm tuyệt vời để chúng ta hiểu các quy tắc can thiệp một cách kỹ thuật hơn bởi vì nó sẽ giúp bạn có cái nhìn sâu sắc về nhiều vấn đề như:
- Các hành vi của chính bạn
- Ý nghĩa và mục đích trong các hành vi của trẻ
- Những tình huống tác động hay ảnh hưởng đến hành vi của trẻ
- Những lời khuyến kích hay phần thưởng bạn sử dụng sau các hành vi của trẻ nhằm giúp trẻ củng cố và duy trì các hành vi này
Khi đã hiểu được cách thức áp dụng nguyên lý ABC để tạo lập và duy trì hệ thống hành vi của trẻ, bạn sẽ có các công cụ cần thiết để:
- Dạy trẻ các hành vi tốt và phù hợp với lứa tuổi (khuyến khích hành vi tốt, hạn chế các hành vi tiêu cực, hành vi vô nghĩa)
- Tăng các cơ hội học hỏi của trẻ trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày
- Tận dụng tối đa cơ hội học hỏi chúng ta tạo ra cho trẻ
Vậy điều gì xảy ra đối với trẻ tự kỷ?
Trẻ mắc hội chứng rối loạn phổ tự kỷ phản ứng với cách dạy áp dụng nguyên lý ABC tương tự như những trẻ bình thường khác. Tuy nhiên, chúng ta cần phải chú ý nhiều hơn đến 3 yếu tố ảnh hưởng đến trẻ khi áp dụng cách dạy này bao gồm:
- Trẻ tự kỷ không quan tâm đến việc làm hài lòng người khác như trẻ bình thường. Hầu hết trẻ bình thường nhận biết được thái độ hài lòng hay không hài lòng của người khác trong lời nói và hành động của họ. Do vậy sự tán thành hay không tán thành (đồng ý hay phản đối) của cha mẹ tác động đến hành vi của trẻ, trẻ có động lực thu hút sự quan tâm của cha mẹ và mong muốn được cha mẹ ủng hộ. Tuy nhiên, đối với trẻ tự kỷ thì ngược lại, trẻ thường không nhận thức hoặc không bị tác động bởi những hệ quả xã hội (C) gây ra bởi hành vi của trẻ, do vậy trẻ không thích thực hiện những gì người lớn chỉ bảo.
- Trẻ tự kỷ không thích thú với việc chia sẻ trải nghiệm như những trẻ thông thường khác. Những trẻ nhỏ thường chia sẻ trải nghiệm, tình cảm với người khác bằng ánh mắt, nụ cười và những cử chỉ như chỉ các vật chúng thích cho cha mẹ thấy. Ví dụ ở độ tuổi từ 12-18 tháng trẻ bắt đầu có biểu hiện chỉ tay vào những thứ chúng thích, gọi tên chúng và chờ đợi phản hồi của cha mẹ về những thứ chúng thích. Trẻ muốn cha mẹ quan tâm và hồi đáp lại mình. Tuy nhiên những hành vi cùng chia sẻ (cùng chú ý) thường ít xuất hiện ở trẻ tự kỷ. Và vì điều này mà trẻ tự kỷ bỏ lỡ nhiều cơ hội học hỏi ngôn ngữ, kỹ năng xã hội, kết nối với mọi người. Điều đó cũng lý giải tại sao chúng tôi khuyến khích bạn sử dụng nhiều cách để phát triển khả năng chia sẻ, cùng chú ý ở trẻ tự kỷ. Chúng tôi cũng sẽ tập trung sâu vào việc dạy trẻ biết chia sẻ trong Chương 10 của cuốn sách này.
- Trẻ tự kỷ thường ít bắt chước người khác hơn so với trẻ thông thường khác. Trẻ thông thường dường như có động lực nội tại để bắt chước người khác, và tự cảm thấy hài lòng khi bắt chước người khác và muốn được tự mình làm giống như người khác. Trẻ muốn tự xúc ăn, tự mặc áo, xỏ dây giầy, bắt chước các hành động của anh chị trẻ. Tuy nhiên có nhiều gia đình có trẻ tự kỷ than phiền rằng “ Tôi nghĩ con tôi thực sự hạnh phúc khi tôi mặc quần áo, cho ăn, thay bỉm tã cho trẻ suốt đời, con tôi không có một chút mong muốn nào được độc lập hoặc tự làm những việc đó cho bản thân chúng”. Trẻ tự kỷ có thể bắt chước người khác chơi đồ chơi hoặc lấy bánh ăn khi trẻ muốn, tuy nhiên những hành động này không vì mục đích mong muốn bắt chước người khác. Do thiếu đi động lực to lớn này, nên trẻ tự kỷ thường không thực hành các kỹ năng mà người khác thực hiện, vì vậy trẻ mất đi những cơ hội học hỏi kỹ năng xã hội cũng như không có các hành vi mô phỏng lại khi quan sát người khác hoạt động. Điều này cũng giải thích tại sao chúng tôi sử dụng nhiều thời gian để dạy về kỹ năng bắt chước trong chương 8, chính là giúp trẻ thúc đẩy nhu cầu muốn được bắt chước người khác.
“Con trai tôi không tự lập như những đứa trẻ khác, tuy nhiên nó lại trở nên thích thú khi bắt chước các hành động của chị gái hoặc các bạn mà nó thấy. Lần đầu tiên tôi thấy chị gái nó nhảy xung quanh bắt chước con ếch, thì con trai tôi rất vui vẻ và tham gia nhảy cùng với chị, mặc dù lúc đó con trai tôi có thể không hiểu đó là hoạt động nhảy mô phỏng con ếch (lúc đó cháu 3.5 tuổi). Điều đó chứng tỏ các hoạt động chơi vui vẻ có thể giúp con trai tôi thực sự quan tâm và có các hoạt động bắt chước giống các bạn khác. Có thể đối với các hoạt động kém vui vẻ hơn như rửa tay, thì bé không nhiệt tình tham gia, nhưng chỉ cần con có thể học hỏi được trẻ khác thông qua hoạt động bắt chước thì tôi nghĩ, sự quan tâm của trẻ có thể cải thiện được (tôi nghĩ chúng ta có thể cải thiện được sự quan tâm của trẻ khi trẻ hiểu rằng mình có thể học được từ những trẻ khác). Bắt đầu từ những hoạt động vui vẻ, trẻ ngày càng thực hiện được nhiều những hành động hữu ích khác (thậm chí, nhờ cải thiện khả năng bắt chước các bạn khác, cũng như có thái độ thích hợp trong lớp nên tôi đã cho cháu theo học một lớp taekwondo). Rất nhiều hoạt động đề cập ở những chương trước có thể được thực hiện bởi các trẻ em lớn hơn con bạn một chút nhằm khuyến con bạn hợp tác khi tham gia chơi và bắt chước lại.”
Tại sao đó lại là vấn đề?
Do trẻ tự kỷ ít quan tâm đến việc làm hài lòng, chia sẻ trải nghiệm và bắt chước người khác, nên chúng bỏ lỡ rất nhiều cơ hội học hỏi “theo nguyên lý ABC” hiện hữu trong các hoạt động chăm sóc và vui chơi hàng ngày của trẻ, đây là khoảng thời gian mà trẻ bình thường tiếp nhận được nguồn kiến thức vô tận. Việc bỏ lỡ những cơ hội học hỏi này làm chậm khả năng phát triển của trẻ tự kỷ trong các lĩnh vực như phát triển ngôn ngữ, phát triển cử chỉ giao tiếp, kỹ năng tự chăm sóc và các kỹ năng vui chơi xã hội- chậm phát triển các mặt này cũng được xem là các dấu hiệu để phát hiện tự kỷ sớm. Chính vì trẻ tự kỷ gặp khó khăn khi sử dụng những tương tác xã hội thông thường cũng như không nắm bắt được các cơ hội học hỏi, do vây, chúng ta phải tạo ra những cơ hội học hỏi rõ ràng (cụ thể) cho trẻ. Có một tin vui là chúng ta hoàn toàn có thể dạy trẻ tự kỷ khen ngợi người khác, cùng chia sẻ và bắt chước người xung quanh. Để áp dụng điều này trong nhiều tình huống và hành vi của trẻ, bạn cần phải biết được những nguyên tắc cơ bản diễn ra trong quá trình học của trẻ.
“Khi Molly nhìn thấy Tina – chị gái mình lấy sữa trong tủ lạnh để uống, Molly hét lên và giật sữa từ tay Tina. Cha cô bé nhìn thấy và nói với Tina”em gái con muốn uống sữa, con hãy nhường cho em và lấy một cốc khác cho con nhé” Tina trao cốc sữa cho Molly và lấy một cốc khác cho mình. Vậy chuyện gì xảy ra đối với tình huống này? Hành vi hét lên và giật sữa của Molly (hành vi xảy ra sau khi tiền đề là việc nhìn thấy Tina đang cầm cốc sữa) mang lại một kết quả tích cực hay là nhân tố củng cố – Molly đạt được mục đích là lấy cốc sữa mà bé muốn. Và tôi tin rằng sau này khi Molly muốn uống sữa và nhìn thấy ai đó cầm cốc sữa, cô bé sẽ lặp lại hành động hét lên và giật sữa từ người khác. Ở đây một người cha có thiện chí, rất quan tâm tới con gái và hiểu nhu cầu của con gái, nhưng đã vô tình khen thưởng hành vi chưa phù hợp của con gái bằng cách bảo chị Tina nhường sữa cho em. Như bạn có thể thấy, việc áp dụng nguyên lý dạy trong chương này có thể giảm đáng kể hành vi không mong muốn như trong tình huống vừa rồi.
Vậy bạn phải làm gì để hiểu và dạy con bạn theo nguyên lý ABC?
Bạn có thể nâng cao hiểu biết về triết lý ABC để dạy con bạn các kỹ năng mới và hành vi phù hợp theo 6 bước cụ thể sau đây:
Bước 1: Tập trung vào hành vi của trẻ (B)
Bước 2: Lựa chọn phần thưởng (C)
Bước 3: Xác định các tiền tố, yếu tố trước khi hành vi xảy ra (A)
Bước 4: Áp dụng triết lý ABC đồng thời
Bước 5: Sử dụng triết lý ABC để mở rộng cơ hội học hỏi của trẻ và dạy con bạn những kỹ năng và hành vi mới
Bước 6: Cải thiện những hành vi không mong muốn (hành vi tiêu cực)
Bước 1: Tập trung vào những hành vi của trẻ (B)
Tất cả các hành vi đều có ý nghĩa, hay nói cách khác, tất cả trẻ đều hoạt động có mục đích (có lý do). Đằng sau các hành động đơn giản của con bạn (hay bất kỳ ai) đều có nguyên do cả, đó chính là mục đích của hành vi, và kể cả đó là những hành động khác thường, thì theo logic vẫn có những lý do để thực hiện chúng. Điều này đúng với những gì trẻ nói cũng như trẻ làm hoặc không làm. Khi bạn không hiểu trẻ đang làm gì, thì hãy dừng lại và tự hỏi, mục đích của hành vi đó là gì? Và khi đã trả lời được câu hỏi đó, bạn sẽ dễ dàng lý giải được mục đích, chức năng của hành vi. Tất cả hành vi đều biểu hiện mong muốn nào đó của con người, con người nhận được kết quả từ hành vi của mình. Chúng ta sẽ trở lại xem xét điểm này sau, tuy nhiên trước mắt chúng ta hãy xem nguyên tắc này có thể giúp ta hiểu được nguyên nhân và mục đích phía sau hành vi của trẻ.
Nguyên tắc số 1:
Chúng ta tập trung vào hành vi của trẻ – chứ không phải thứ chúng biết. Chúng ta không thể đo lường được thành quả của việc dạy trẻ thông qua những thứ trẻ biết, mà phải thông qua những thứ chúng làm được hàng ngày. Tại sao? Bởi vì trẻ nhỏ không thể nói với ta những thứ chúng biết, và vì những thứ chúng ta muốn dạy trẻ rất khó đánh giá như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng chơi cũng như tham gia vào các sinh hoạt hàng ngày một cách bình thường. chúng tôi thường hỏi “cháu có biết sử dụng thìa không” và cha mẹ của trẻ tự kỷ thường trả lời “có, cháu biết sử dụng thìa, nhưng cháu thích dùng tay để ăn hơn, thi thoảng cháu có dùng thìa nếu tôi bắt buộc cháu” Theo ý kiến của chúng tôi câu trả lời trong tình huống này phải là không, vì biết làm khác với làm được và các kỹ năng trẻ tự kỷ cần học phải được trẻ thực hiện một cách độc lập bất cứ lúc nào, không cần sự hỗ trợ của người khác (ví dụ như kỹ năng nói, cử chỉ, chia sẻ, chơi, …) do vậy khi chúng ta tập trung vào những thứ trẻ làm được, chúng ta phải nói đến những hành vi chắc chắn có thể nhìn thấy được. Những hành vi đều được hình thành từ những trải nghiệm cơ thể (vật lý) hoặc hệ quả xã hội diễn ra trước đó và ẩn sau hành vi là những nguyên nhân, mục đích, đặc tính của trẻ.
Nguyên tắc số 2:
Mọi người thường hành động (làm) để đạt được những thứ họ muốn – để làm thỏa mãn bản thân họ hoặc tránh xa khỏi thứ họ không cần, không thích. Điều này nghe có vẻ là rất đơn giản, nhưng nó lại lý giải được rằng chỉ có 2 lý do hay mục đích của hành vi. Một là con bạn thực hiện các hành vi bởi vì trong quá khứ khi trẻ thực hiện các hành vi đó trẻ nhận được kết quả (phần thưởng) hoặc không thực hiện các hành vi do không thích vì đã gặp phải trải nghiệm trẻ không mong muốn hoặc đã thực hiện nhưng trẻ không đạt được mục đích của mình.
Hoạt động: Quan sát các hành vi của con bạn
Lời khuyên hữu ích:
Hãy ghi nhớ, một hành vi là một hành động có chủ đích và dễ quan sát thấy như gào, khóc, giật đồ, nói, nhìn của trẻ. Hành vi không phải là một cảm xúc hay trạng thái như: giận giữ, thất vọng, bị đau hay mệt mỏi.
Chúng tôi đề xuất bạn nên dành một vài ngày để quan sát các hành vi của con bạn và cân nhắc đâu là mục đích hay nguyên nhân của những hành vi này. Hãy quan sát trẻ khi thực hiện những hành vi dễ nhận biết nhất như: khi chơi với đồ chơi, khi tham gia các hoạt động chơi mang tính xã hội, ăn, trẻ sinh hoạt hàng ngày (tắm, mặc quần áo, ngủ), đọc sách, hay làm các việc vặt trong nhà. Điều này cũng không có nghĩa là bạn phải ngồi một chỗ với cuốn sổ ghi chép trên tay, chúng tôi chỉ muốn các bạn dành một ít thời gian để hướng sự tập trung vào những hành vi của trẻ và những gì xảy ra quanh trẻ trong thời gian 15-20 phút khi bạn ở bên cạnh trẻ, và sau đó hãy liệt kê các hành vi cụ thể của trẻ mà bạn muốn khuyến khích cũng như những hành vi cần giảm dần.
Hãy nhớ rằng chúng ta đang giả định tất cả các hành vi có ý thức đều có mục đích rõ ràng và sau đó hãy tự hỏi bản thân rằng mục đích của trẻ là gì khi trẻ kêu gào, nhìn bạn, mỉm cười với bạn, hay dắt tay bạn đến tủ lạnh? Trong trang tiếp chúng tôi sẽ gửi đến các bạn một mẫu biểu để bạn liệt kê những hành vi của con bạn và mục đích của hành vi đó. Bạn hãy cố gắng liệt kê đầy đủ cả hành vi tích cực và những hành vi tiêu cực của trẻ. Mẫu biểu có một số ví dụ để hướng dẫn bạn.
Tìm hiểu mục đích trong các hành vi của trẻ | |
Hành vi | Mục đích |
Giang tay và nhìn vào mắt bạn | Muốn được bế lên |
Chỉ vào con chó | Muốn mẹ nói điều gì đó |
Nói “giúp” và đặt đồ chơi vào tay mẹ để sửa | Muốn mẹ sửa đồ chơi |
Hét lên và giật đồ chơi từ tay chị khi chị chạm vào | Muốn giữ đồ chơi cho riêng mình và không muốn chị lấy |
Khóc và nhìn lên tủ | Muốn ăn bánh bích quy cất trong tủ |
Tóm tắt bước 1
Nếu như bạn đã theo dõi và thực hành các bước hướng dẫn trên đây, thì bây giờ bạn có thể hiểu được mục đích ẩn sau các hành vi của con bạn, đây cũng là bước đầu tiên trong quá trình tìm hiểu các chức năng của hành vi của trẻ biểu hiện trong từng tình huống cụ thể. Trong bước tiếp theo chúng ta sẽ biết thêm về cách thức để nhìn ra những tiền tố (A – yếu tố ban đầu tác động tạo ra hành vi) và những hệ quả phát sinh từ hành vi của trẻ, trong mỗi trường hợp khác nhau. Bây giờ nếu bạn đã nắm chắc các kỹ thuật quan trọng để hiểu được mối quan hệ giữa mục đích và hành vi thì những hiểu biết này sẽ rất hữu ích cho bạn trong bước 2, nếu bạn vẫn còn mơ hồ với mối quan hệ này, hãy dùng thêm thời gian để quan sát và hãy trao đổi với các chuyên gia về những tình huống bạn quan sát được, vì để hoàn thành bước một này bạn cần phải dễ dàng nhận ra được mục đích đằng sau hành vi của con bạn trong nhiều tình huống đa dạng hàng ngày.
Danh sách kiểm tra: Tôi đã quan sát các hành vi của con hiệu quả không?
____Tôi sử dụng thời gian để quan sát con mình và đã lập một danh sách các hành vi của con
____Tôi hiểu được sự khác biệt giữa hành vi có ý thức và biểu hiện trạng thái (ví dụ: tiếng rên rỉ = hành vi, mệt mỏi = trạng thái)
____Tất cả các hành vi của trẻ trong danh sách là hành vi có ý thức chứ không phải là biểu hiện của trạng thái
____Tôi hiểu được mục đích đằng sau những hành vi không mong muốn của trẻ
____Tôi có quan sát các hành vi trong hầu hết 6 dạng hoạt động (chơi với đồ chơi, kỹ năng chơi với trẻ khác, ăn, sinh hoạt thường ngày, đọc sách, và hoạt động làm việc vặt trong nhà)
Bước 2: Lựa chọn phần thưởng (hệ quả) (C)
Căn cứ: Hệ quả chính là phản ứng có liên quan tới hành vi của trẻ. Chúng tác động tới việc liệu trẻ có lặp lại hành vi tương tự để đạt được mục đích cụ thể không. Hãy nhìn vào ví dụ trang 165. Trẻ lại gần và nhìn mẹ đồng thời giang tay ra. Mục đích của trẻ là muốn mẹ bế lên. Nếu mẹ phản hồi lại bằng cách bế trẻ lên, thì trẻ đã đạt được mục đích của mình. Một hệ quả tích cực (phần thưởng hay yếu tố củng cố) đã mang lại kết quả. Hành vi của trẻ đã giúp trẻ đạt được mục đích của mình. Phần thưởng (được mẹ bế lên) chính là kết quả của hành vi trẻ giang tay ra và cũng chính là yếu tố thúc đẩy việc trẻ lặp lại các hành vi này khi chúng muốn được người khác bế lên. Ở đây đã xuất hiện một cơ hội học hỏi của trẻ. Trong trường hợp này, một hành vi mong muốn (B) – một cử chỉ rõ ràng, đã và tiếp tục xuất hiện bởi hệ quả tích cực (C). Nói theo cách khác, hành vi của trẻ đã nhận được phần thưởng xướng đáng, hoặc yếu tố củng cố – cụ thể là trẻ được bế bổng lên – trẻ đạt được mục đích của mình. Khi chúng tôi sử dụng thuật ngữ “cơ hội học hỏi” trong cuốn sách này, là chúng tôi muốn nói đến quá trình bạn giúp đỡ con mình thiết lập những hành vi và kỹ năng mong muốn bằng cách chắc chắn rằng những hành vi này mang lại phần thưởng hay chính là đáp ứng được các mong muốn của trẻ.
Bây giờ chúng ta sẽ xem những hệ quả của hành vi không mong muốn. Việc các cha mẹ chạy vội đến chỗ trẻ và vỗ về trẻ khi trẻ gào khóc là phản ứng thông thường của cha mẹ. Tuy nhiên, nếu mục đích của việc gào khóc của trẻ để thu hút sự chú ý của bạn, thì việc bạn chú ý tới trẻ chính là bạn đã tạo ra hệ quả tích cực – một yếu tố củng cố hành vi gào khóc của trẻ. Hệ quả này truyền tới trẻ thông điệp rằng gào khóc chính là cách hiệu quả để thu hút sự chú ý của bạn. Con bạn sẽ tiếp tục gào khóc để bạn chú ý, vì hành vi này hiện tại khá hiệu quả. Hãy nhìn vào những hệ quả theo sau hành vi của trẻ, đây chính là bước thứ 2 để bạn hiểu rõ tại sao trẻ lặp lại các hành vi mà trẻ đã làm.
Ngay cả hành vi mong muốn (như chơi vui vẻ, sử dụng ngôn ngữ) hay các hành vi không mong muốn (ăn vạ, mè nheo, hành vi lặp lại, bắt chước hành vi, gào khóc, bỏ chạy, ném đồ, đánh người), đều được duy trì bởi hệ quả củng cố. Thuật ngữ yếu tố củng cố dùng để chỉ những hệ quả làm gia tăng cơ hội lặp lại hành vi. Như ví dụ trẻ gào khóc để thu hút sự chú ý ở trên, đôi khi những hệ quả mà chúng ta nghĩ rằng “không có gì” lại đóng vai trò là nhân tố tích cực nhằm củng cố hành vi. Nhưng phản ứng với việc gào khóc của trẻ thực chất là một phần thưởng đối với trẻ rồi, là giúp trẻ đạt được mục đích của mình.
Bây giờ chúng ta chuyển qua tình huống khác, vẫn tập trung vào hành vi la hét của trẻ. Trong tình huống này Jodan 4 tuổi la hét khi cha mẹ cố gắng đánh răng cho bé. Khi cha mẹ mang bàn chải đến và bắt đầu đánh răng cho cô bé, cô bé gào khóc và đánh lại cha mẹ, vì vậy họ không thể đánh răng được cho bé và chán nản bỏ đi. Điều gì đã xảy ra ở đây? Rõ ràng Jordan đã đạt được mục đích là thoát khỏi việc đánh răng. Tiếng la hét chính là hành vi phản đối giúp cô bé thoát khỏi việc đánh răng. Hãy nhớ lại những trao đổi trước đây chúng tôi đã nhắc về hai đặc tính cơ bản hành vi, một là để đạt được thứ trẻ mong muốn và hai là tránh cho trẻ khỏi những thứ trẻ không mong muốn. Đây chính là ví dụ rõ ràng về hành vi giúp trẻ thoát khỏi những thứ trẻ không mong muốn. Kỹ thuật này được gọi là củng cố hành vi mang tính phủ định. Phần thưởng (hệ quả của hành vi – thoát khỏi đánh răng) sẽ tiếp tục được củng cố – Jordan vẫn đạt được mục đích của cô bé bằng cách loại bỏ những tiền tố gây ra hành vi (bố mẹ đánh răng cho cô bé). Chúng tôi sử dụng thuật ngữ “phủ định” để mô tả trường hợp này. Trong ví dụ trước khi Jordan thu hút được sự chú ý của cha mẹ bằng cách la hét thì được coi là hành động củng cố hành vi mang tính khẳng định. Trẻ dùng hành vi để đạt được mục đích của mình bao gồm cả sự thỏa mãn hoặc tránh những thứ không thích. Đây cũng chính là nguyên tắc cơ bản giúp bạn quan sát được hệ quả theo sau hành vi của trẻ.
Nguyên tắc số 3
Việc học hành vi mới nhằm phản hồi lại hệ quả. Bạn đã sử dụng nguyên tắc này để dạy con bạn trong phần đầu chương 2. Bất cứ khi nào bạn đưa ra lựa chọn cho trẻ, và việc con bạn chọn điều gì đó đều có nghĩa rằng trẻ đã nói rõ mục đích của trẻ với bạn: trẻ muốn điều đó. Khi bạn dạy trẻ giơ tay lên để yêu cầu bạn bế lên, bạn trước tiên đã nhận thấy trẻ có sẵn mục đích đó trong đầu, vì vậy trẻ lại gần bạn và phát ra một vài tín hiệu thể hiện mục đích đó. Tiếp theo, bạn giang tay của mình ra và giúp trẻ giang rộng tay mình (kỹ năng mới bạn đang dạy). Sau đó, trẻ tự giang rộng tay của mình (kỹ năng mới trẻ đạt được), thì bạn bế trẻ lên. Bằng cách làm như vậy, bạn chắc chắn rằng trẻ đã đạt được mục đích của mình. Hành động bế trẻ lên của bạn chính là phần thưởng đối với trẻ, nhằm củng cố hành vi mới – giang rộng tay của trẻ. Và đây chính là yếu tố củng cố vì nó giúp trẻ đạt được mục đích của mình.
Hoạt động: Bạn sẽ thưởng những hành vi nào của trẻ?
Bất kỳ khi nào bạn đưa đồ chơi, đồ ăn hay một hành động mà trẻ muốn, tức là bạn đang thưởng cho những hành vi của trẻ đã thực hiện trước khi bạn đưa nó cho trẻ. Nếu trẻ vừa mới khóc, tức là bạn thưởng trẻ vì trẻ đã khóc. Nếu trẻ nhìn bạn, tức là bạn đã thưởng cho cái nhìn của trẻ. Nếu trẻ không nhìn bạn, tức là bạn đã thưởng vì không nhìn bạn. Nếu trẻ giật đồ, tức là bạn đã thưởng cho hành vi giật đồ đó. Nếu bạn muốn tăng cường hành vi đó, bạn hãy thưởng trẻ. Hãy nhớ điều này trong đầu bạn khi bạn cư xử với trẻ sẽ giúp bạn dạy con một cách hiệu quả hơn. Hãy cố gắng đảm bảo rằng các hệ quả tích cực chỉ áp dụng đối với những hành vi mong muốn. Và cũng hãy cố gắng đảm bảo rằng trẻ sẽ không nhận được bất kỳ phần thưởng nào cho những hành vi không mong muốn.
Nguyên tắc số 4:
Các hành vi không được củng cố sẽ giảm dần theo thời gian. Loại bỏ các hệ quả tích cực hay phần thưởng đối với một hành vi sẽ làm giảm hành vi đó theo thời gian (giảm tần suất) tiến tới loại bỏ hành vi đó. Việc loại bỏ hành vi sẽ diễn ra khi hành vi đó không còn mang lại một lợi ích nào nữa.
Giờ hãy xem tình huống của Molly. Bố của molly đã quyết định rằng đã đến lúc loại bỏ hành vi la hét để giành đồ của Molly. Ông nói với Tina tránh xa Molly và bỏ đi khi Molly kêu gào và cố gắng giật đồ của chị. Tina thực hiện theo yêu cầu của bố, cô đi vào phòng đóng cửa lại khi Molly bắt đầu kêu la. Sau một vài tuần, Molly dừng việc ăn vạ và giành đồ với chị, thay vào đó Molly đi về phía cha mẹ và dắt tay họ đến chỗ cô cần lấy đồ. Cha mẹ Molly quyết định rằng đó sẽ là cách giao tiếp tốt hơn trước và cho phép Molly dẫn họ tới tủ đừng đồ hoặc tủ lạnh để lấy đồ cho cô. Chúng tôi thấy chỉ sau một tuần hành vi ăn vạ và giật đồ của Molly đã không còn nữa. Hành vi đó không giúp cô đạt được mục đích của mình, do đó cô từ bỏ hành vi và tìm hành vi mới có hiệu quả hơn và giúp cô đạt được mục đích của mình, như kéo cha mẹ đến chỗ cô muốn.
Loại bỏ cũng có thể bằng cách làm giảm dần hành vi không mong muốn. Dưới đây là một ví dụ điển hình.
Alycia là mẹ của Max – một cậu bé bị hội chứng tự kỷ và em gái Kerry. Alycia hướng dẫn Max đề nghị Kerry chơi đồ chơi theo lượt với Kerry thay vì giật đồ của em. Vì vậy Max đã hỏi mượn đèn pin của Kerry. Tuy nhiên, Kerry lại từ chối. Vì thế Max không nhận được đèn pin sau khi mượn. Sau ba lần hỏi mượn, Max đã giật đồ chơi và chơi. Hành vi giật đồ chơi đã khiến cho Max có được đồ chơi cậu bé muốn, còn hỏi mượn thì không đạt được. Nếu điều này tiếp diễn, cậu bé sẽ không hỏi mượn đồ nữa. Hành vi mượn đồ sẽ nhanh chóng biến mất vì nó giúp cậu bé đạt được mục đích, và cậu bé sẽ tiếp tục giật vì làm thế cậu bé sẽ có cái đèn pin.
Dưới đây là một cách để có thể loại bỏ hành vi:
Về trường hợp của Kerry và Max thì sao? Max muốn mượn Kerry đèn pin, nhưng Kerry từ chối. Alycia đến bên và hướng dẫn Kerry cầm đèn pin đặt vào tay Max. Như vậy yêu cầu của Max đã được đáp ứng, nhưng còn Kerry, rõ ràng Alycia cần phải thưởng cho Kerry vì đã nhường đồ chơi cho Max. Ngay lúc đó, Alycia đã đưa một cái đèn pin khác cho Kerry và cô bé vui vẻ nhận lấy. Trong trường hợp này Kery cũng đã nhận được phần thưởng vì đã nhường Max chiếc đèn pin của mình khi Max đưa tay mượn. Như vậy cả hai đứa trẻ trong trường hợp này đều đã nhận được phần thưởng cho những hành vi tích cực của mình.
Tuy nhiên có một sự thật là không phải lúc nào bạn cũng có một vật tương tự để đổi hoặc luôn bắt anh chị nhường nhịn đứa trẻ tự kỷ, điều đó có thể gây ra sự ấm ức cho anh chị em của trẻ. Để có được sự hợp tác từ anh chị của trẻ, chúng ta sử dụng nguyên tắc trao đổi. Bạn giải thích với các trẻ rằng bố mẹ đang giúp trẻ tự kỷ học giao tiếp, và điều đó quan trọng với em như thế nào. Nếu các anh chị em của trẻ tự kỷ nhường nhịn đồ chơi cho em, chúng sẽ cảm thấy rất tự hào, và lúc đó bạn hãy đề cao và tán thưởng trẻ. Trong tình huống này Alycia đã thử đưa đồ chơi khác cho Kerry (hay cho Max) và tán thưởng bằng lời nói và những hành động âu yếm khi chúng nhường đồ chơi cho nhau. Rõ ràng đây là một hệ quả khẳng định.
Nguyên tắc số 5
Sẽ có cách để dùng hệ quả (phần thưởng) để thay đổi hành vi theo thời gian. Khi một hệ quả (thường là hệ quả tiêu cực) theo sau các hành vi và kết quả của nó thường làm giảm tần suất xuất hiện hành vi của trẻ thì ta gọi là phạt. Phạt trong trường hợp này không phải là bắt đứa trẻ đứng vào góc nhà hay các hành động tương tự như thế. Ở đây phạt chỉ đơn giản là đưa ra những hệ quả (phần thưởng) mà đứa trẻ không mong muốn và từ đó giúp trẻ giảm các hành vi dẫn đến việc bị phạt.
“Không phải lúc nào anh chị em của những trẻ tự kỷ đều muốn khen ngợi và dễ dàng chia sẻ. Thông thường tôi hay khuyến khích chị gái chia sẻ đồ chơi với đứa em trai bị tự kỷ của nó, nhưng không phải lúc nào nó cũng dễ dàng nhường những đồ chơi yêu thích của nó cho em ngay cả khi em nó có hành động muốn mượn đồ chơi của chị một cách phù hợp. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn khuyến khích cậu bé biết cách mượn đồ của người khác. Chúng tôi đã tìm ra một cách giải quyết. Nếu con gái tôi có đồ chơi mà cô bé không muốn chia sẻ với người khác trong mọi tình huống, thì cô bé sẽ chỉ được chơi đồ chơi đó trong phòng riêng hoặc ngoài tầm nhìn của em trai mình. Nếu cô bé muốn chơi ở chỗ khác, cô bé cần phải chia sẻ đồ chơi đó với người khác. Nếu em cô giật đồ chơi, tôi sẽ cất đồ chơi đi ngay do vậy cậu bé sẽ không có được nó và chị cậu cũng không đánh nhau với em mình để giành lại đồ chơi (chúng tôi có quy định là trong nhà không ai được giật đồ chơi của người khác ngay cả khi người đó có bị giật đồ chơi đi chăng nữa). Nếu cậu bé hỏi mượn đồ chơi một cách nhẹ nhàng, chị cậu sẽ cho cậu xem chút, rồi xin lại ngay sau đó (chẳng hạn, khi chị cậu đang giữa trò chơi và không muốn làm phiền). Nếu chị cậu hỏi xin lại một cách nhẹ nhàng, cậu bé sẽ hợp tác và cho chị cậu mượn đồ chơi. Con trai tôi đã biết cách chia sẻ đồ chơi ngay cả với đồ chơi cậu yêu thích nhất”.
Trong tình huống của Max và Kerry? Hãy giả sử sau khi Max mượn đồ chơi của Kerry một cách lịch sự nhưng bị từ chối, Max gật đồ chơi của Kerry, lúc này Kerry nhanh tay bỏ chạy và cất đồ chơi về phòng mình không cho Max xem nữa. Max bắt đầu gào khóc đòi đồ chơi, Alycia sẽ đến bên và nói, “đó là do con giành đồ chơi của em”, tôi chắc rằng những lần tới Max sẽ ít giật đồ hơn, bởi vì cậu bé biết rằng hành động giật đồ của cậu mang lại sự khó chịu, một kết quả không mong muốn (hệ quả tiêu cực – cậu mất cơ hội tiếp cận đồ chơi). Và theo ngôn ngữ kỹ thuật cậu bé đã bị phạt vì hành vi của mình.
Kỹ thuật phạt hay loại bỏ đều nhằm mục đích giảm dần các hành vi tiêu cực của trẻ. Bất cứ phần thưởng không mong muốn (hệ quả không mong muốn) đều được coi là phạt. Đối với đứa trẻ khi cha mẹ lấy đồ chơi từ trẻ và nói không được chơi, hoặc không phải lúc này, hoặc chị em trẻ lấy đồ chơi của trẻ, hoặc trẻ phải chờ đợi đều được coi là hệ quả mang tính chất phạt đó chính là một hệ quả không mong muốn theo sau một hành vi không phù hợp (hành vi xấu).
Chúng ta hãy xem lại các thuật ngữ:
Khi một hành vi mang mang lại mục đích (một hệ quả tích cực) thì ta gọi đó là sự củng cố. Khi hành vi đó xẩy ra không mang lại hệ quả gì thì ta gọi đó là sự loại bỏ. Khi hành vi mang lại những hệ quả không mong muốn cho trẻ, thậm chí làm mất đi mục đích của trẻ ta gọi đó là phạt.
Việc loại bỏ và phạt làm giảm những hành vi không mong muốn thường. Hệ quả tích cực sẽ củng cố hành vi. Hành vi có chủ đích của trẻ được củng cố hay giảm là do hệ quả đối với hành vi đó.
Hoạt động: Tiếp tục quan sát các hành vi của trẻ
Để thực hành phần này, bạn hãy quan sát trong một vài ngày, tập trung vào các hệ quả hành vi của con bạn và hãy so sánh với mục đích của trẻ, và xem xét đâu là hành vi cần củng cố (R), hành vi cần phạt (P), và hành vi nào cần loại bỏ (EX). Việc quan sát bao gồm những hành vi xã hội thích hợp mà trẻ sử dụng như (giao tiếp mắt, cử chỉ âm thanh, và từ ngữ) và kể cả những hành vi xã hội không thích hợp (như gào khóc, ăn vạ). Và việc củng cố hành vi chỉ đạt được khi trẻ đạt được mục đích của mình. Thỉnh thoảng, một số hành vi thoạt nhìn thì tưởng sẽ dẫn đến hệ quả phủ định đối với hành vi của trẻ (trừng phạt, ra lầy,…) nhưng lại có thể là hệ quả củng cố nếu nó giúp trẻ đạt được mục đích của mình (ví dụ việc chị của trẻ tự kỷ tức giận có thể lại là yếu tố củng cố đối với cậu em tự kỷ vì cậu bé lại thích thú xem chị mình tức giận). Hãy làm nhiều bản phô tô nếu bạn muốn thêm chỗ trống để ghi chép kết quả quan sát.
Tóm tắt bước 2
Bạn sẽ dễ dàng nhận ra được hậu quả của hành vi (kết quả của hành vi) và những kỹ thuật củng cố phạt hay loại bỏ những hành vi của con bạn, sau khi theo dõi và thực hiện các bước hướng dẫn trong chương này. Nội dung trong phần này giúp bạn hiểu hơn về các đặc tính hành vi của con bạn theo từng tình huống cụ thể. Trong bước tiếp theo bạn sẽ hiểu về các tiền tố, những yếu tố ảnh hưởng đến hành vi của con bạn trong các tình huống, nhưng bây giờ bạn hãy xem lại những nhận định sau nhé. Nếu đồng ý, tức là bạn đã nắm trong tay các kỹ năng quan trọng để hiểu được mối quan hệ giữa mục đích và hành vi, đây chính là những kiến thức giúp bạn tiếp tục đi vào bước 3 của phần này. Nếu như vẫn còn chưa rõ, bạn hãy giành thêm thời gian quan sát, trao đổi với những chuyên gia và những người hỗ trợ bạn để có thêm sự giúp đỡ. Với những kiến thức trong phần này, bạn có thể dễ dàng nhận biết được những hậu quả từ hành vi của trẻ trong nhiều tình huống đa dạng.
Danh sách các việc cần làm: Tôi có tìm ra các hệ quả từ các hành vi của con tôi?
- Tôi có sử dung thời gian quan sát con tôi và lên danh sách những hành vi của trẻ
- Tất cả các hành vi của con tôi được liệt kê ra đều là hành vi chứ ko phải là trạng thái
- Tôi liệu kê mục đích (mong muốn) với hệ quả theo sau các hành vi thích hợp của con
- Tôi liệt kê ra mục đích và hệ quả theo sau các hành vi không phù hợp của con
- Tôi có thể dễ dàng đưa ra hệ quả mang tính củng cố, loại bỏ, hay phạt
- Tôi quan sát hành vi, mục đích hệ quả trong cả 6 loại hoạt động
Liệu các hệ quả củng cố có đáp ứng được mục đích của trẻ? | ||
Hành vi của trẻ | Mục đích của trẻ | Hệ quả: R, NR, EX |
Giang tay và nhìn vào mắt bạn | Muốn được bế lên | Mẹ bế lên – R |
Chỉ vào con chó | Muốn mẹ nói điều gì đó | Mẹ nói “Đây là con chó. Con chó kêu gâu gâu” – R |
Nói “giúp” và đặt đồ chơi vào tay mẹ để sửa | Muốn mẹ sửa đồ chơi | Mẹ sửa đồ chơi và đưa lại cho trẻ – R |
Hét lên và giật đồ chơi từ tay chị khi chị chạm vào | Muốn giữ đồ chơi cho riêng mình và không muốn chị lấy | Chị gái bỏ đi và trẻ giữ đồ chơi của riêng mình – R |
Xem anh trai chơi xếp hình và hỏi mượn | Muốn chơi xếp hình cùng anh trai | Anh trai không đồng ý – EX |
Kéo mẹ ra cửa | Muốn đi chơi | Mẹ nói “không” và không cho trẻ ra ngoài – P |
Bước 3: Phát hiện yếu tố xuất hiện ngay trước hành vi: A hay chính là tiền tố
Chúng ta đã đề cập đến 2 nguyên tắc cơ bản của quá trình học hỏi bao gồm: (1) Chức năng của hành vi là giúp trẻ đạt được mục đích hay tránh điều gì đó; (2) Hệ quả của hành vi sẽ tăng cường hay giảm dần hành vi đó trong những tình huống tương tự trong tương lai. Bây giờ chúng ta sẽ đến nguyên tắc thứ 3 để giúp chúng ta hiểu và thay đổi hành vi cho trẻ. Đó là những yếu tố xuất hiện trước hành vi và có tác động tạo ra hành vi, hay tạo ra điều kiện để hành vi xảy ra – ta gọi là tiền tố, nhân tố kích thích tạo ra hành vi.
Nguyên tắc số 6: Hành vi xảy ra là để phản ứng lại với các nhân tố kích thích, và ta gọi đó là A – tiền tố
Chúng ta có thể quan sát được các tiền tố xuất hiện ở môi trường xung quanh trẻ. Ví dụ như trẻ nhìn thấy cái gì trẻ muốn hoặc trẻ không thích, trẻ nghe thấy âm thanh (tiếng ở cửa gara) điều đó có nghĩa bố đã về, hoặc trẻ nhìn thấy chó và trẻ sợ hãi. Trẻ đi vào bếp và nhìn vào giá nơi bà luôn để khoai tây rán ở đó, tiền tố có thể là các cảm giác: cảm giác đói, cảm giác mệt mỏi.
Chúng ta nên tập trung quan tâm đến các tiền tố như chúng ta đã quan tâm đến các hệ quả của hành vi. Nếu chúng ta muốn phát triển các hành vi mới của trẻ, thì rõ ràng chúng ta phải quan tâm đến các sự kiện, các yếu tố kích thích để tạo ra hành vi mới đó, và như vậy phải đảm bảo rằng Phương pháp dạy sẽ tập trung vào mối quan hệ giữa hành vi mới và những yếu tố tác động tạo nên hành vi này. Theo cách thức này, chúng ta sẽ sử dụng các tiền tố trong các trường hợp để tạo ra hành vi mà chúng ta mong muốn, cũng như việc chúng ta sẽ loại bỏ những yếu tố tác động làm giảm thiểu cơ hội xuất hiện các hành vi không mong muốn.
Vậy loại tiền tố nào chúng ta cần tạo ra? Rất dễ để làm theo các mệnh lệnh, chúng ta có thể tác động đến hành vi của trẻ bằng các mệnh lệnh của mình. Tuy nhiên, chúng tôi đang giúp bạn sử dụng cử chỉ hoặc biểu đạt không lời – và coi đó như là tiền đề. Bạn dạy con cách chơi đồ chơi (A) con bạn bắt chước lại (B) kết quả là con bạn cảm thấy thích thú (C). Bạn có thể chỉ cho trẻ thấy (A) trẻ nhìn theo và đi lấy (B) trẻ muốn hoặc thích vật đó (C). Hoặc bạn bắt đầu chơi trò trốn tìm và đột ngột dừng lại (A), trẻ muốn tìm bạn (B) kết thúc trò chơi bằng việc trẻ tìm được bạn và hai mẹ con cùng nằm lăn ra sàn (C). Bạn cũng có thể bắt đầu hát, trẻ cùng hưởng ứng và múa theo (A1), bạn bỗng dừng hát (A2) con bạn dừng theo (B) và bạn lại hát tiếp (C). Trong tất cả các ví dụ trên, bạn đã sử dụng các cử chỉ giao tiếp không lời để giao tiếp với trẻ – tạo ra các tiền tố.
Có rất nhiều hành vi chúng ta muốn trẻ học để phát triển kỹ năng tự lập của trẻ, đó là những kỹ năng mà trẻ có thể tự thực hiện mà không cần có hướng dẫn hoặc giúp đỡ của người khác ví dụ như tự chơi, tự đi vệ sinh khi có nhu cầu, chào cha mẹ đi làm về, chia sẻ đồ chơi với anh chị. Bạn sẽ tìm ra được cách khuyến khích (củng cố) các hành vi này khi bạn muốn phát triển các kỹ năng tự lập của con bạn. Trẻ tự chơi vì chúng cảm thấy vui vẻ với hoạt động chơi (củng cố mang tính khẳng định), trẻ tự đi vệ sinh vì chúng muốn sử dụng nhà vệ sinh để tránh những cảm giác khó chịu, không thoải mái khi bị bẩn quần áo (củng cố mang tính phủ định), và bởi vì trẻ nhận được khen ngợi từ mọi người khi chúng hoàn thành nhiệm vụ một cách độc lập (củng cố mang tính khẳng định), trẻ nhận được sự quan tâm trìu mến của cha mẹ khi trẻ chào đón cha mẹ về cũng là một phần thưởng tích cực, chia sẻ đồ chơi với anh chị để tránh mâu thuẫn (củng cố mang tính phủ định),… Có rất nhiều hành vi đáng học hỏi trẻ có thể thực hiện không cần bất cứ chỉ dẫn nào, nhưng trước khi trẻ học các hành vi này, chúng phải có một tiền tố rõ ràng tác động và một phần thưởng xứng đáng cho mỗi hành vi đó. Trẻ tự kỷ có thể học các chuỗi hành động phức tạp và thực hiện một cách độc lập nếu như có tiền tố tác động rõ ràng và hệ quả mang tính củng cố hành vi đó. Bạn đã dạy trẻ những điều này trong mọi chương ở Phần II của cuốn sách.
Bạn sẽ làm gì nếu bạn muốn dạy con mình một kỹ năng mới nhưng lại không biết chắc chắn về tiền tố nào nên sử dụng?
Chúng ta có một cách rất hay để xác định các tiền tố tác động ra hành vi, đó là chúng ta sẽ nghĩ về yếu tố kích thích tạo ra hành vi tương tự đối với các trẻ khác cùng độ tuổi với con mình. Chúng ta hoàn toàn có thể dùng yếu tố khơi mào (tiền tố) với trẻ tự kỷ như đối với trẻ thông thường. Nếu bạn vẫn còn nghi ngờ, hãy quan sát trẻ khi chúng chơi trong công viên, ở trường, ở nhà thờ, ở cửa hàng tạp hóa, hay ở bất cứ đâu bạn thấy, hay thậm chí hỏi bạn bè và các thành viên trong gia đình sẻ xem cách trẻ phản ứng như thế nào với các yếu tố tác động ban đầu. Hãy sử dụng những tiền tố (yếu tố tác động) mà các gia đình khác đã sử dụng với con họ để hiểu và áp dụng với con bạn. Đây cũng là lý do tại sao chúng tôi khuyến khích bạn nên sử dụng ngôn ngữ và cách diễn đạt thông thường (đơn giản) khi can thiệp cho con mình. Bạn nên sử dụng ngôn từ, cử chỉ, đồ chơi, bài hát, trò chơi hay sử dụng với các thành viên khác trong gia đình cũng như so với các gia đình khác khi áp dụng để dạy trẻ tự kỷ. Hãy dạy con bạn bằng những tiền tố thông thường, trẻ sẽ phản ứng lại với các tình huống diễn ra hàng ngày, với những sự việc xảy ra xung quanh ta, và giúp trẻ dễ dàng học được quan hệ nguyên nhân – hệ quả (tiền tố – hành vi) mà mọi người khác cũng đang trải qua. Khi thực hiện được điều đó con bạn sẽ được học hỏi cách để hồi đáp nhiều người trong nhiều tình huống, chứ không phải chỉ trong môi trường “can thiệp”.
Về trường hợp Max và Kerry thì sao? Yếu tố kích thích (tiền tố) tạo ra hành vi giật đồ chơi của Max chính là do Max nhìn thấy Kerry chơi nhiều trò vui vẻ với chiếc đèn pin. Đây cũng chính là phản ứng thông thường của trẻ nhỏ khi chúng nhìn thấy trẻ khác cầm đồ chơi mà chúng thích – là yếu tố kích thích (hay tiền tố). Và tất nhiên chúng sẽ giật lấy vật chúng muốn, nhưng sẽ tốt hơn nếu chúng biết hỏi mượn đồ vật đó. Trong trường hợp này Alycia đã xử lý đúng đắn khi khuyến khích Max hỏi Kerry để mượn chiếc đèn pin. Và phần thưởng cho hành vi yêu cầu của Max chính là Max được Kerry cho mượn đèn pin để chơi.
Mục đích trong tình huống này là dày cho Max biết khi nào cậu nhìn thấy Kery cầm đồ chơi (A- chính là tiền tố), cậu bé biết yêu cầu mượn (B – hành vi hỏi mượn đồ chơi) và hi vọng sẽ đạt được kết quả (C- Kerry sẽ cho Max mượn lại đồ chơi). Bạn hãy quan sát, và suy nghĩ đến tiền tố và hành vi theo sau của con bạn và điền vào bảng trước mặt.
Tóm tắt bước 3:
Bạn sẽ dễ dàng nhận ra các tiền tố dẫn đến các hành vi của trẻ trong rất nhiều tình huống diễn ra hàng ngày, sau khi theo dõi và thực hiện các bước hướng dẫn trong chương này. Bước 3 tiếp tục giúp bạn hiểu hơn về nguyên lý ABC trong các hành vi đa dạng của trẻ, trong các tình huống cụ thể. Bước tiếp theo bạn được học cách kết hợp các yếu tố trong nguyên lý ABC để xây dựng và cải thiện hành vi và kỹ năng của trẻ nhằm đạt được những mục đích mang tính định hướng. Bạn đã nắm chắc được các kỹ năng giúp bạn hiểu rõ mối quan hệ giữa tiền tố (yếu tố tác động) và hành vi, những hiểu biết này sẽ giúp ích rất nhiều trong bước 4. Tuy nhiên trước mắt chúng ta sẽ xem lại toàn bộ phần này, giành thời gian để quan sát và thảo luận với các chuyên gia và người hỗ trợ về tiền tố và hành vi của trẻ, để làm sao bạn có thể dễ dàng nhận ra được các tiền tố dẫn đến hành vi đa dạng của trẻ trong bất cứ tình huống nào.
Danh sách hoạt động: Tôi đã nhận ra được các tiền tố dẫn đến hành vi của con chưa?
- Tôi đã sử dụng thời gian để quan sát con mình và lên danh sách những hành vi của trẻ
- Tất cả những hành vi tôi liệt kê đều là hành vi chứ không phải trạng thái
- Tôi hiểu được Tiền tố, mục đích và hệ quả của những hành vi mong muốn của trẻ
- Tôi hiểu được Tiền tố, mục đích, hệ quả theo sau của những hành vi không mong muốn của trẻ
- Tôi đã quan sát các hành vi và tiền tố trong cả sáu loại hoạt động
Tìm hiểu các tiền tố tạo ra hành vi của trẻ | |
Hành vi của trẻ | Điều gì xảy ra trước đó: Tiền tố |
Với tay lên và nhìn vào mắt bạn | Giơ tay ra để bế trẻ lên |
Chỉ con chó | Bạn hỏi trẻ “con chó đâu?” |
Nói “mở” và đưa đồ chơi cho bạn | Bạn hỏi con “con có muốn mẹ giúp không?” và đưa tay ra nhận đồ chơi từ con |
Gào khóc và giữ chặt đồ chơi | Chị gái sờ vào và muốn chơi |
Kéo mẹ tới bếp và đặt tay mẹ lên cửa tủ lạnh | Cảm thấy đói |
Bước 4: Áp dụng đồng thời triết lý ABC để dạy trẻ
Chúng ta đã đề cập đến nguyên tắc cơ bản ABC, và nếu bạn đã thực hành qua những chương trước, chắc hẳn bạn đã đã áp dụng việc phân tích hành vi của con bạn theo triết lý ABC rồi. Trong bước 4 này chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn kết hợp đồng thời 3 yếu tố của triết lý ABC. Như chúng ta đã biết, mỗi đứa trẻ đều có các hành vì, phản ứng, tương tác với người khác theo cách chúng muốn. Hành vi của trẻ đều có liên quan đến những hệ quả mà trẻ đã trải qua trước đó, và những tiền tố tác động tạo ra hành vi của trẻ, do đó thông qua việc quan sát hành vi, xác định các tiền tố và hệ quả của hành vi, chúng ta sẽ học được cách tìm ra mục đích và những chức năng của hành vi của trẻ. Những hành vi không mong muốn như ăn vạ, cáu giận cũng là một phần trong những biểu hiện của hành vi, và những hành vi này sẽ trở thành thói quen nếu như trẻ lặp đi lặp lại hành vi để đạt được mục đích của mình – gọi là hệ quả tiêu cực. Không có hành vi hư đốn, đó chỉ là cách trẻ sử dụng hành vi để đạt được mục đích của trẻ mà thôi. Các hành vi tích cực của trẻ như ôm hôn đều có lý do, đó là những hành vi này sẽ mang lại những hệ quả tích cực cho trẻ. Tất cả các hành vi có ý thức của trẻ đều tuân theo những nguyên tắc nhất định, đó là các hành vi của trẻ đều là phương tiện hiệu quả để trẻ đạt được mục đích của mình dựa theo những yếu tố phát sinh từ bên ngoài môi trường. Tích cực hay tiêu cực thì cũng chỉ là chức năng của hành vi khi diễn ra mà thôi.
Hoạt động: quan sát các hành vi tích cực và tiêu cực mang tính xã hội, các tiền tố và hệ quả của hành vi
Bài tập này sẽ giúp bạn nhìn nhận và mô tả trình tự cơ bản các hành động thường thấy của trẻ, đây cũng là bước khởi đầu quan trọng để bạn có thể hiểu được trình tự của triết lý ABC thông qua các biểu hiện hành vi tích cực và tiêu cực của trẻ mà chúng tôi đã tư vấn cho bạn quan sát trong vài tuần vừa qua. Bạn sẽ dễ dàng dạy con bạn các hành vi mới, thúc đẩy các hành vi tích cực, giảm thiểu hành vi không mong muốn của trẻ nếu như bạn nắm bắt tốt các kỹ năng này. Các nguyên tắc cơ bản của triết lý ABC có thể áp dụng trong giai đoạn tiểu học, dậy thì và kể cả khi trẻ đã ở tuổi vị thành niên. Một khi bạn đã hiểu về triết lý (nguyên tắc này), chúng sẽ mang đến cho bạn cái nhìn mới (sự đột phá) giúp bạn tìm ra nhiều ý tưởng để dạy con bạn phản ứng đa dạng với hoàn cảnh và ghi nhận các trải nghiệm bắt đầu bằng việc xác định được mục đích hành động của trẻ, sau đó tìm hiểu về tiền tố gây ra hành vi và hệ quả của hành vi. Khi bạn đã xác định được mục tiêu của trẻ khi thực hiện hành vi nào đó thì việc xác định tiền tố và hệ quả của hành vi là vô cùng đơn giản. Bạn cũng nên liệt kê cả những hành vi tích cực mà trẻ nên làm cũng như những hành vi tiêu cực trẻ nên hạn chế.
Tóm tắt bước 4:
Bạn sẽ dễ dàng nhận ra mục đích, tiền tố, hệ quả trong hàng loạt các hành vi tích vực và tiêu cực của trẻ, sau khi theo dõi và thực hiện các bước hướng dẫn trong chương này. Bước 4 tiếp tục giúp bạn hiểu hơn về nguyên lý ABC trong các hành vi đa dạng của trẻ, trong các tình huống cụ thể. Trong bước tiếp theo chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn sử dụng những kiến thức của mình để dạy con bạn những kỹ năng mới cũng như thúc đẩy các cơ hội học hỏi cho con bạn. Bạn đã nắm chắc được các kỹ năng giúp bạn hiểu rõ mối quan hệ giữa các yếu tố tác động lên các hành vi đa dạng của trẻ bao gồm: mục đích của hành vi, tiền tố tác động tạo ra hành vi, hệ quả của hành vi. Nếu bạn vẫn còn những thắc mắc liên quan đến phần này hãy giành thời gian để quan sát trẻ, trao đổi thêm với các chuyên gia và người hỗ trợ để có thể dễ dàng nhận ra được mục đích, tiền tố và hệ quả sau khi quan sát các hành vi của trẻ kể cả tích cực và tiêu cực trong bất cứ tình huống nào.
Công việc cần làm: Tôi đã áp dụng đồng thời các yếu tố trong triết lý ABC?
- Tôi đã giành thời gian quan sát con mình, lên danh sách các hành vi mong muốn nhất và hành vi ít mong muốn nhất?
- Tôi nhận biết được mục đích, tiền tố và hệ quả các hành vi tích cực mang tính xã hội của con
- Tôi nhận biết được mục đích, tiền tố, hệ quả của các hành vi tiêu cực của trẻ
- Tôi đã quan sát và nhận biết được mục đích tiền tố, hệ quả trong hầu hết các hành vi tích cực và tiêu cực của trẻ trong cả 6 loại hoạt động.
Bước 5: sử dụng triết lý ABC để tăng cường các cơ hội học hỏi của trẻ và dạy trẻ các kỹ năng hay hành vi mới
Căn cứ: Tương tác giữa bạn với trẻ tạo nên những cơ hội học hỏi tiềm năng cho trẻ. Để tạo thêm nhiều cơ hội bạn cần nhận biết được các yếu tố thúc đẩy trẻ tương tác. Thông thường có một số thứ trẻ quan tâm như: đồ ăn, nước uống; sự chăm sóc; món đồ yêu thích; cử chỉ vuốt ve và ôm ấp; sự an toàn; những địa điểm, âm thanh, và sự kiện thú vị; sự di chuyển và đụng chạm thoải mái. Ngược lại, những thứ mà trẻ không thích như: cảm giác đói và khát; tiếng ồn (như tiếng máy hút bụi), cảm giác khó chịu (như bàn tay nhớp nháp hay bỉm bị bẩn), những thứ trông đáng sợ, hoặc những thứ gây cản trở việc đạt được mục đích của trẻ (như sửa chữa đồ chơi bị hỏng, mở tủ đựng đồ hay cửa tủ lạnh).
Hoạt động: Hãy đảm bảo rằng trẻ đang giao tiếp với bạn một cách phù hợp nhất
Bạn có thể nắm bắt các cơ hội để hiểu trẻ bằng việc tự hỏi bản thân mình các câu hỏi sau tại mọi thời điểm bạn đưa cho trẻ thứ cậu bé muốn hoặc loại bỏ những thứ mà cậu bé không thích: Trẻ giao tiếp thể hiện nhu cầu của mình như thế nào? Trẻ có sử dụng các hành vi phù hợp nhất để biểu đạt mong muốn của mình không? Hay là bạn đã vội đưa ra tất cả các hệ quả củng cố (phần thưởng) cho trẻ trong khi trẻ chỉ thể hiện rất ít cử chỉ giao tiếp để biểu đạt nhu cầu đó? Đây thực sự là những câu hỏi rất quan trọng.
Một bà mẹ khi được hỏi những câu hỏi này đã trả lời như sau: “Như anh biết đấy, con trai tôi như một hoàng tử nhỏ không phải động tay động chân vào việc gì, chúng tôi đáp ứng các nhu cầu của con mà không cần con có bất cứ nỗ lực yêu cầu nào”. Cô ấy không đòi hỏi con cô ấy như đối với những đứa trẻ thông thường khác một hành động: phải giao tiếp biểu đạt nhu cầu. Chúng ta hay nói với trẻ thông thường “hãy nói con muốn điều gì” hoặc khi trẻ nói “uống sữa” ta thường dạy trẻ thêm vào “con muốn uống sữa” để biểu đạt nhu cầu, hoặc khi trẻ giành đồ chơi của trẻ khác, ta thường ngăn lại và bắt trẻ phải hỏi mượn với trẻ đang cầm đồ chơi. Chúng ta hi vọng rằng trẻ có thể sử dụng khả năng giao tiếp để đạt được mong muốn của mình, chúng ta kích thích chúng thể hiện các hành vi biểu đạt mong muốn đó.
Bây giờ hãy xem một số cách giao tiếp mà trẻ có thể làm được như: chìa tay xin, chỉ tay, nói tên thứ trẻ muốn, chọn lựa một trong 2 thứ, nhìn vào bạn để giao tiếp, những hành động này trẻ thường dễ dàng thực hiện nhằm biểu đạt mong muốn của mình. Khi trẻ sử dụng các hành vi không mong muốn để giao tiếp như ăn vạ, giật đồ, gào khóc, thì bạn hãy phớt lờ những hành vi này và thúc đẩy những hành mong muốn bằng cách làm mẫu và lặp lại các hành vi thích hợp, những hành vi mang lại mục đích cho trẻ. Cho trẻ sử dụng các hành vi thích hợp và sau đó cho trẻ đạt được mục đích của mình (phần thưởng).
Bạn hãy lập danh sách những cách giao tiếp hiện tại của trẻ, sử dụng lời nói và cử chỉ. Đó cũng chính là công cụ để trẻ biểu đạt nhu cầu và mong muốn của mình. Hãy nhớ nội dung danh sách này trước khi bạn bắt đầu đáp ứng những thứ trẻ mong muốn. Cho trẻ xem thứ trẻ đang muốn – tiền tố A. Nhưng hãy giữ lại một chút, khoan đưa nó cho trẻ để chờ trẻ giao tiếp biểu đạt nhu cầu bằng cách phù hợp mà bạn đã liệt kê trong danh sách. Hãy chờ hành vi của trẻ – B – và hỗ trợ nếu trẻ cần sự giúp đỡ. Khi trẻ đã biểu đạt tốt mong muốn của mình, chúng ta sẽ cho trẻ thứ trẻ muốn – C (hệ quả hành vi), đây chính là yếu tố củng cố hành vi giao tiếp của trẻ.
Vậy điều gì xảy ra nếu trẻ không biểu đạt mong muốn hoặc sử dụng các hành vi không mong muốn như mè nheo? Hãy phớt lờ các hành vi không mong muốn, lặp lại các hành vi thích hợp để hướng dẫn trẻ làm theo. Nếu con bạn có thể nói từ một, hãy làm mẫu cho trẻ phát âm theo. Nếu trẻ có thể với, hãy để vật muốn trong tầm với của trẻ. Nếu trẻ có thể chỉ tay, hãy làm mẫu hành động chỉ. Nếu cần thiết, bạn hãy hộ trợ cụ thể bằng cách cầm tay trẻ làm theo bạn. Sau khi trẻ bắt chước, hãy đưa đồ cho trẻ. Như vậy bạn đã tạo cho con mình một cơ hội học hỏi cũng như đã thực hiện đầy đủ triết lý ABC.
Bây giờ hãy áp dụng với tình huống liên quan đến việc cho con bạn ăn bánh sandwich nhân bơ đậu, và mục tiêu giao tiếp cho con bạn –( trẻ chưa có ngôn ngữ) là dùng âm thanh để biểu đạt nhu cầu của mình. Bạn nên cắt nhỏ bánh sandwich ra thành 8 phần nhỏ, nếu bạn giữ đĩa bánh trước mặt trẻ khi trẻ đang đói (tiền tố xuất hiện), trẻ đưa tay và nói măm (hành vi), bạn đưa cho trẻ đĩa bánh (hệ quả), như vậy bạn đã tạo ra một cơ hội học hỏi cho con bạn.
Bây giờ bạn hãy ngồi trên bàn, khi con bạn nói măm và đưa tay xin, bạn chỉ cho con 1 miếng sandwich, trẻ sẽ ăn miếng bánh và tiếp tục nói măm để xin bạn những miếng bánh tiếp theo. Hoặc khi trẻ cầm cốc muốn uống nước, nhưng bình nước quá tầm với của trẻ, trẻ giơ cốc về phía bạn, bạn cầm lấy cốc và nói “uống nước” trẻ sẽ giơ tay và nói “măm” bạn cho trẻ cốc nước và trẻ uống, bạn lặp lại các hành động này nhiều lần. Như vậy chỉ với hoạt động ăn uống, bạn đã tạo ra 15 thậm chí nhiều hơn những cơ hội giúp trẻ sử dụng âm thanh để biểu đạt nhu cầu. Đó là còn chưa kể đến số lần bạn bắt chước trẻ bằng cách lấy ít bánh để ăn, đồng thời nói “măm măm”, tạo ra ít hành động bắt chước lẫn nhau (thêm các cơ hội học hỏi của trẻ).
Đây là cách thức quan trọng để tạo ra nhiều cơ hội học hỏi cho trẻ – bằng cách bạn nhận biết các tiền tố tạo ra hành vi bạn muốn dạy trẻ, các thời điểm bạn đưa những thứ trẻ muốn, và các cách bạn giúp đỡ trẻ thực hiện hành vi giao tiếp phù hợp trước khi bạn đáp ứng nhu cầu của trẻ
Hoạt động: Quan sát các hành vi của trẻ để ứng dụng triết lý ABC
Trước hết bạn dành thời gian xem lại một ngày hoạt động của hai mẹ con. Hãy nghĩ về những khoảnh khắc trong ngày bạn đã đưa cho thứ mà bạn biết trẻ thích. Hãy nghĩ về những khoảnh khắc bạn loại bỏ hoặc thay đổi những thứ mà bạn biết con mình khó chịu. bạn hãy liệt kê chúng vào cột trái của form trong trang kế tiếp. Bạn hãy liệt kê chúng ở cột bên trái của bảng dưới đây. Đây chính là yếu tố củng cố, hay yếu tố củng cố tiềm ẩn mà bạn tác động lên trẻ. Đối với mối yếu tố củng cố này, hãy nhớ kỹ những gì trẻ làm mới tác động đến hành vi của bạn – thể hiện ở cách trẻ giao tiếp với bạn để biểu đạt nhu cầu. Ghi cách trẻ giao tiếp ở cột bên phải. Đây chính là các cơ hội học hỏi mà bạn tạo ra cho con thông qua những tình huống này. Nếu như trẻ không có bất cứ hành vi nào trước khi nhận được phần thưởng từ bạn, bạn hãy viết “không” vào cột phải, đó là trường hợp trẻ đã bỏ mất cơ hội học hỏi do bạn tạo ra. Tuy nhiên qua một vài ngày, thay vì bỏ qua các cơ hội học hỏi tiềm năng này cho trẻ, bạn hãy chờ đợi và thúc đẩy trẻ giao tiếp trước khi đáp ứng yêu cầu của trẻ, qua đó chúng ta có thể giúp trẻ lấy lại các cơ hội học hỏi bị bỏ lỡ.
Quan sát hành vi theo triết lý ABC | |
Yếu tố củng cố | Hành vi của trẻ cần khuyến khích |
Bước 6: Thay đổi các hành vi không mong muốn
Hầu hết trẻ em (kể cả người lớn) đều có những thói quen xấu hoặc hành vi không tốt. Trong danh sách các hành vi của trẻ bạn liệt kê ở trên chắc chắn có nhiều hành vi bạn thấy không thích hợp. Con bạn có thể gào khóc để thể hiện mong muốn, kéo tay bạn, cắn ai đó, hoặc giật đồ mà trẻ muốn, trẻ cũng có thể đập đầu xuống sàn khi anh của trẻ từ chối cho mượn đồ chơi hoặc bạn không cho trẻ thêm thanh kẹo. Vậy tại sao trẻ lại có những hành vi như vậy? Bạn có thể dễ dàng đoán ra, trong các hoạt động phần trước chương này, bạn đã tham gia việc tạo nên các hành vi không mong muốn của trẻ. Thông qua việc phân tích các chuỗi tạo ra hành vi theo nguyên lý ABC, bây giờ bạn có thể “đánh giá” được các hành vi này. Bạn cũng đã được biết những mối quan hệ chức năng tác động lên hành vi đó chính là tiền tố A và hệ quả C. Nếu con bạn có các hành vi không mong muốn mà bạn chưa phân tích được theo nguyên lý ABC, thì bây giờ chúng ta sẽ thực hiện điều đó. Trong bước cuối cùng của chương này, chúng tôi sẽ giúp bạn tìm ra cách giúp con mình học được những hành vi thích hợp thay thế cho các hành vi không mong muốn.
Hoạt động: Xác định một hành vi không mong muốn và một hành vi có thể thay thế
A (Tiền tố) –> B (Hành vi) –> C (Hệ quả mong muốn) = Thúc đẩy các hành vi (giúp trẻ học hỏi)
A (Tiền tố) -> B (Hành vi) –> C (hệ quả không mong muốn) = Giảm thiểu hành vi
Bạn hãy chọn một hành vi không mong muốn nhưng lại thường xuyên xuất hiện ở trẻ và hành vi đó có cấu trúc rõ ràng theo nguyên lý ABC để bạn thay đổi. Hãy nhớ rằng bạn đã nắm vững ABC. Đầu tiên hãy chú ý đến mục tiêu của trẻ và không cố gắng thay đổi mục tiêu này. Hãy tự hỏi bản thân “Trẻ muốn gì?” “Đâu là mục đích của trẻ?”. Sau khi trả lời được câu hỏi này, bạn hãy tiếp tục tự hỏi mình “Tôi muốn trẻ làm như thế nào để yêu cầu điều trẻ muốn?”. Nếu trẻ gào khóc để tránh xa thứ gì đó trẻ không thích hoặc để lấy đồ chơi, thì bạn sẽ muốn trẻ dừng gào khóc mà thay vào đó là cử chỉ gì phù hợp? Nếu trẻ đập đầu xuống sàn khi bạn bỏ ti giả ra khỏi miệng trẻ, vậy lúc đó bạn muốn trẻ có cử chỉ gì thay vì đập đầu như thế? Những hành vi bạn mong muốn trẻ thực hiện thay cho những hành vi không mong muốn được gọi là hành vi thay thế.
Nguyên tắc 7: Một hành vi được coi là hành vi thay thế hợp lý phải là hành vi trẻ dễ dàng thực hiện được như hành vi không mong muốn kia, và phải nhah chóng mang lại phần thưởng cho trẻ như là với hành vi không mong muốn. Một hành động thay thế chỉ được trẻ thực hiện khi nó có hiệu quả, có tác động, dễ làm và có đặc điểm như các hành vi không mong muốn trẻ đã thực hiện. Các hành vi thay thế phải là những hành vi trẻ có khả năng thực hiện, và bạn dễ dàng khích lệ trẻ thực hiện.
Hoạt động: Dạy trẻ các hành vi thay thế
Vì thế, khi nắm vững nguyên tắc 7, bạn tập trung vào thay đổi các hành vi không mong muốn của trẻ, bạn hãy nghĩ ra các hành vi thay thế cho các hành vi không mong muốn để trẻ có thể thực hiện một cách dễ dàng, hiệu quả mang lại những điều trẻ mong muốn. Hãy ghi lại quy trình phân tích hành vi: A- các tiền tố ban đầu, B- các hành vi cần thay đổi, C – hệ quả, mục đích của trẻ hoặc phần thưởng giúp trẻ thay đổi hành vi.
Dưới đây là ví dụ: A = cốc pepsi của bạn, B = hành vi giật cốc pepsi của trẻ, B’= hành vi thay thế – chỉ vào cốc pepsi, mục đích của trẻ = có được cốc pepsi, hệ quả hành vi C = trẻ nhận được cốc pepsi của bạn. Bây giờ hãy suy nghĩ làm sao để trẻ thực hiện hành vi thay thế B’ ngay sau khi xuất hiện tiền tố A và trước khi hành vi không mong muốn B xảy ra, chúng ta phải thúc đẩy trẻ sử dụng hành vi thay thế B’ và đáp ứng C đúng cách, nếu như hành vi không mong muốn B đã xảy ra, chúng ta phải phớt lờ đi và thúc đẩy trẻ sử dụng hành vi thay thế B’ sau đó sẽ được đáp ứng mong muốn của mình C.
Một ví dụ khác: bạn ngồi trên đi văng và cầm cốc pepsi, con gái bạn xuất hiện và hướng đầu về phía cốc pepsi, bạn cầm cốc lên, khi trẻ nhìn vào cốc bạn chỉ tay vào cốc pepsi và nói “hãy chỉ vào cốc con muốn uống à?” bạn làm mẫu, con bạn chỉ tay, sau đó bạn cho con bạn uống một hớp nhỏ, không phải cả cốc, và lặp lại hành động tương tự. Khi trẻ giơ tay đòi, bạn lại nói “hãy chỉ đi” và trẻ chỉ tay vào cốc pepsi, bạn lại cho trẻ uống, hành động được lặp đi lặp lại nhiều lần cho đến khi trẻ tự chỉ tay không cần hướng dẫn của bạn. Và như vậy không có hành động giật cốc của trẻ.
Bây giờ chúng ta hãy xem tình huống với Molly? Như đã đề cập đến ở phần trước, Molly gào thét và giật cốc sữa từ tay chị gái, cha Molly đã yêu cầu chị nhường sữa cho cô bé và tự lấy cho mình một cốc khác. Ở đây hành vi được phân tích như sau: A= nhìn thấy cốc sữa, B = la hét và giật sữa của chị, Mục đích = muốn uống sữa, C = có được sữa để uống, tình huống xảy ra kiến cha molly nghĩ đến các hành vi thay thế do Molly không có cơ hội học nói. Vậy hành vi nào molly có thể sử dụng để yêu cầu được uống sữa? chỉ tay vào cốc sữa? nói “sữa” hay “xin”? phát âm và sử dụng ánh mắt biểu đạt? Gia đình Molly sẽ phải quyết định cách thức diễn đạt của Molly khi bé muốn yêu cầu thứ gì đó từ người khác. Và gia đình Molly đã lựa chọn hành động khoanh tay trước ngực và nói “xin” theo tư vấn của chuyên gia ngôn ngữ để giúp Molly yêu cầu, và công việc bây giờ của gia đình cần làm là tạo ra những cơ hội học hỏi để giúp Molly học được hành vi thay thế trên.
Tiền tố xảy ra: khi Molly nhìn thấy chị Tina lấy cốc sữa từ tủ lạnh, Molly liền hét lên và giật sữa từ tay Tina, ngay lúc đó cha Molly đẩy tay Molly ra khỏi Tina, để tay Molly trước ngực và hướng dẫn Molly nói “xin” cho đến khi Molly hoàn thành việc khoanh tay và nói xin dưới sự giúp đỡ của cha, Tina đưa cho Molly cốc sữa và tự lấy cốc khác cho mình. Mặc dù đây là những điều chỉnh đúng hướng, tuy nhiên sau đó bố của Molly vẫn nhận thấy còn 2 vấn đề chưa giải quyết được: (1) Molly vẫn gào thét và giật đồ; (2) Tina vẫn phải nhường ly sữa ban đầu của bé. Trong những lần tiếp theo, cha Molly đã rút kinh nghiệm khi Tina xin cha uống sữa, ông khuyến khích Tina rót hai cốc sữa, cha đi cùng với Molly, khi Molly nhìn thấy cốc sữa, ngay lập tức cha Molly sẽ đưa Molly đến cạnh Tina, hướng dẫn Molly biểu đạt động tác khoanh tay và nói “xin”, sau đó Tina sẽ đưa cho Molly một cốc sữa, như vậy Tina cũng cảm thấy rất vui vẻ và tự hào vì đã giúp cô em gái nhỏ của mình học được cách giao tiếp. Bây giờ cha Molly đã yên tâm rằng Molly sẽ khoanh tay xin khi muốn uống sữa và không còn có hành vi gào thét giật đồ nữa.
Hãy xem chuyện gì đã xảy ra? Với cùng một tiền tố – Nhìn thấy cốc sữa, bây giờ tác động mang lại hành vi tích cực, giao tiếp phù hợp cho Molly,– với cùng yếu tố khích lệ mà trước đó mang lại những hành vi không mong muốn. Qua thời gian, nếu cha mẹ kiên trì với thói quen mới này, thì hành động “xin” của Molly sẽ là cách diễn đạt giúp cô bé có được sữa (vì đây là cách duy nhất giúp cô bé được uống sữa) cũng như lấy được thứ gì đó từ người khác. Như vậy cốc sữa giúp trẻ củng cố các hành vi tích cực hơn là các hành vi không mong muốn.
Sau khi đã hiểu được các ví dụ trên, hãy trở lại với những hành vi không mong muốn mà bạn muốn trẻ loại bỏ, và xem xét làm cách nào bạn giúp trẻ sử dụng các hành vi thay thế dể đạt được mục đích của trẻ. Hãy nghĩ ra cách làm sao để giúp trẻ thúc đẩy việc thực hiện các hành vi thay thế và sau đó tạo thành các tác động khích lệ trẻ. Hãy thực hành ngay khi có thể nghĩ ra bất cứ hành vi thay thế nào giúp trẻ đạt được mục tiêu thay vì các hành vi không mong muốn.
Cảnh báo! các gia đình thường đối mặt với các hành vi không mong muốn của trẻ bằng cách ngày càng ít đặt ra các yêu cầu và kỳ vọng vào trẻ. Mặc dù đây là phản ứng tự nhiên của cha mẹ đối với cơn ăn vạ hay bùng nổ của trẻ, tuy nhiên nó lại phản tác dụng và làm giảm khả năng học hỏi của trẻ là do 2 nguyên nhân, (1) nó làm mất đi cơ hội học hỏi của trẻ, nếu trẻ không phải làm bất cứ điều gì để đạt được thứ trẻ muốn thì trẻ sẽ không học hỏi được bất cứ điều gì (2) cách đối phó này làm thúc đẩy những hành vi xấu như ăn vạ, giật đồ ví dụ như hành động la hét của Molly. Việc tránh các hành vi tiêu cực bằng cách dễ dàng đáp ứng những thứ trẻ muốn thực sự không làm thay đổi những hành vi không mong muốn của trẻ. Chỉ có cách dạy cho trẻ những phản ứng thích hợp mới có thể giúp trẻ thay đổi những hành vi không mong muốn. Con bạn có thể học cách thể hiện những hành vi tích cực.
Tóm tắt bước 6:
Sau khi theo dõi và thực hiện các bước hướng dẫn trong chương này, bạn có thể đã biết cách sử dụng những tương tác hàng ngày để giúp con bạn phát triển kỹ năng giao tiếp cũng như kỹ năng xã hội. Bạn cũng sẽ hiểu hơn nguyên nhân tại sao con bạn làm những thứ bạn không muốn trẻ làm, và bạn cũng biết hệ quả hay phần thưởng vô tình kích thích các hành vi không mong muốn này. Bạn cũng biết giúp con thay thế những hành vi tiêu cực bằng những hành vi tích cực. Bạn cũng đã cố gắng thúc đẩy con bạn sử dụng các hành vi thay thế trước khi các hành vi không mong muốn xảy ra, và biết cách củng cố các hành vi thay thế này. Nếu đã thực sự hiểu phần này, bạn sẽ có thể (1) có hiểu biết và kỹ năng để giúp con bạn tao ra các cơ hội học hỏi thông qua các hoạt động hàng ngày; (2) có chiến lược để thay thế các hành vi không mong muốn của trẻ bằng các hành vi mang tính giao tiếp, phù hợp và xã hội hơn. Nếu chưa nắm chắc hãy xem lại và thảo luận với chuyên gia can thiệp và đội ngũ hỗ trợ của bạn.
Kiểm tra danh sách hoạt động: Tôi đã hiểu và xử lý hiệu quả các hành vi tiêu cực của trẻ?
- Tôi giành thời gian để quan sát các hành vi của chính mình và các tương tác của tôi với trẻ khi tôi đưa cho trẻ vật trẻ muốn hoặc hoạt động yêu thích
- Tôi biết nhiều hơn về các hành vi con sử dụng để đòi hỏi vật trẻ muốn hoặc hoạt động yêu thích
- Tôi ngày càng biết biến những tình huống thông thường thành các cơ hội học hỏi cho con, bằng cách khuyến khích, gợi ý trẻ sử dụng nhiều hơn các hành vi giao tiếp đúng đắn.
- Tôi đã một vài lần thành công trong việc thay đổi một hoặc một số hành vi không mong muốn của trẻ bằng những hành vi hay cách thức giao tiếp phù hợp hơn.
- Tôi ý thức được việc hạn chế sử dụng những hệ quả tích cực khi con tôi có những hành vi không mong muốn.
- Tôi thấy được những tác động tích cực của việc áp dụng những hiểu biết của mình để thúc đẩy khả năng giao tiếp nhằm đạt mục đích của con mình.
- Tôi thấy được tác động tích cực của việc áp dụng những hiểu biết giúp con giảm thiểu các hành vi không mong muốn
- Tôi tạo ra nhiều cơ hội học hỏi thông qua hoạt động vui chơi và sinh hoạt hàng ngày bằng cách sử dụng triết lý ABC
- Tôi tạo ra nhiều cơ hội học hỏi cho con ở cả 6 loại hoạt động
Tóm tắt chương
Hành vi có thể hiểu một cách học thuật là hành động xảy ra theo sau một sự kiện (tiền tố), và kéo theo đó là một hệ quả. Tiền tố, hàh vi và hệ quả có mối quan hệ chặt chẽ, và cùng xuất hiện trong một môi trường nào đó. Hiểu rõ tiền tố và hệ quả tác động lên hành vi sẽ cho phép chúng ta hiều chức năng hành vi của trẻ, và do đó giúp chúng ta hiểu cách thức dạy hành vi mới và giảm thiểu hành vi không mong muốn một cách có hiệu quả và hệ thống.
- Hãy chú ý thời điểm bạn đã sử dụng các hệ quả củng cố đối với những hành vi không mong muốn: gào khóc, ném đồ, hét, giật, nổi khùng, không sử dụng bất kỳ lời nói hay cử chỉ nào.
- Hãy chú ý tới các thời điểm trẻ bỏ qua lời hướng dẫn hay đề nghị của bạn và tiếp tục làm điều mà trẻ muốn. Trong những tình huống này, trẻ đang thích thú với việc phớt lờ bạn (bằng cách tiếp tục làm điều trẻ muốn).
- Hãy chú ý tới thời điểm bạn nhìn thấy trẻ muốn điều gì đó, và với sự chỉ dẫn một cách nhẹ nhàng đầy kỹ thuật của bạn, trẻ đã giao tiếp một cách phù hợp và nhận lại được thứ mà trẻ muốn. Bạn đã củng cố rất nhiều đối với hành vi phù hợp và tạo cho trẻ cơ hội học hỏi to lớn.
- Hãy chú ý tới thời điểm trẻ giao tiếp chưa phù hợp, có hành vi không mong muốn hay chưa phù hợp, và bạn đã tạm giữ lại đồ trẻ muốn (vì điều này giúp trẻ loại bỏ hành vi không mong muốn). Thay vì đó, bạn hướng dẫn trẻ cách yêu cầu hay cư xử phù hợp, và sau đó mới đưa cho trẻ đồ trẻ muốn, đó chính là bạn đã giúp trẻ học hỏi tốt hơn.
Mọi thời điểm bạn củng cố một hành vi mong muốn, tức là bạn đang cung cấp cho trẻ một cơ hội học hỏi. Mọi thời điểm bạn giúp đỡ trẻ sử dụng một kỹ năng phù hợp và củng cố kỹ năng mới đó, tức là bạn đã cung cấp cho trẻ một cơ hội học hỏi. Mọi thời điểm bạn làm mẫu một hành vi mong muốn, và trẻ bắt chước bạn, tức là bạn đã cung cấp cho trẻ một cơ hội học hỏi. Và mọi thời điểm bạn chắc chắn rằng một hành vi không mong muốn không được củng cố đồng thời bạn hướng dẫn trẻ một hành vi thay thế , tức là bạn đã cung cấp cho trẻ một cơ hội học hỏi nữa.
Trẻ tự kỷ cần học hỏi và có khả năng làm nhiều điều. Dạy trẻ tự kỷ chính là việc tạo ra các cơ hội để trẻ học hỏi. Nắm vững nguyên lý ABC sẽ giúp bạn hiểu cách tạo ra các cơ hội học hỏi để kích thích trẻ phát triển và hình thành các hành vi phù hợp.
Danh sách ghi nhớ
Mục tiêu: Áp dụng nguyên lý ABC để hiểu và dạy trẻ hành vi mới
Các bước:
- Mọi việc xẩy ra đều có nguyên do! Hãy xác định mục đích của trẻ.
- Chuyện gì xảy ra sau khi bạn củng cố hành vi của trẻ.
- Mục đích của trẻ là gì? Và đó có phải là điều bạn muốn?
- Nắm rõ các phần thưởng mà trẻ được nhận và hành vi nào bạn muốn khen thưởng?
- Hãy sử dụng các mục đích của trẻ trong các hoạt động hàng ngày để dạy các kỹ năng mới.
- Bạn muốn trẻ làm điều gì thay thế hành vi không mong muốn? Hãy trả lời câu hỏi này và thay thế hành vi không mong muốn bằng hành vi phù hợp khác.
- Hành vi được thay thế phải dễ dàng, hiệu quả và tác động nhanh như hành vi bạn đang muốn thay thế.
- Bạn hãy ghi sổ những phần thưởng bạn thưởng cho trẻ khi đạt được kỹ năng mới
CHƯƠNG 10.
TAM GIÁC CÙNG CHÚ Ý: CHIA SẺ MỐI QUAN TÂM VỚI NHỮNG NGƯỜI KHÁC
Mục tiêu của chương: dạy trẻ cách chia sẻ với bạn mối quan tâm về đồ vật
Tại sao cùng chia sẻ lại quan trọng đến vậy?
Trước đây, chúng ta đã nhấn mạnh tới việc làm thế nào để trẻ chú ý tới bạn. Bạn đã được học các kỹ thuật để khuyến khích trẻ chú ý tới khuôn mặt, giọng nói và hành động của bạn. Bằng cách dạy trẻ chơi theo lượt, bắt chước và giao tiếp không lời, bạn đã chỉ cho trẻ ý nghĩa của việc giao tiếp với người khác. Con bạn đã học được cách nhìn bạn, chạy tới bạn để biểu đạt nhu cầu và mong muốn, làm theo bạn (và xem bạn bắt chước trẻ), và tham gia các hoạt động với người khác đều mang lại phần thưởng – điều mà con bạn chưa thể hiểu được một cách dễ dàng như những trẻ bình thường khác. Điều quan trọng ở đây là các hoạt động đó bạn đã mang lại cho con bạn cơ hội học hỏi to lớn, cả trong những tình huống dạy được cấu trúc trước lẫn những tình huống xã hội thông thường – nơi giúp trẻ đạt thêm nhiều thông tin và hiểu biết bằng việc tương tác với người khác.
Nhưng nếu chỉ với những tương tác qua lại thì chưa đủ. Bây giờ là lúc thích hợp để bạn dạy trẻ chia sẻ mối quan tâm về một đồ vật nào đó và những mối quan tâm khác ở xung quanh trẻ với mọi người. Khả năng chia sẻ mối quan tâm của ình với người khác gọi là cùng chú ý hay tam giác chú ý. Tam giác ở đây được hiểu là 3 điểm của sự chú ý: trẻ, bạn và mối quan tâm của trẻ. Cùng chú ý cho phép mọi người chia sẻ mối quan tâm, cảm xúc hay ý nghĩa về một điều thú vị nào đó.
Hãy nghĩ về một khoảnh khắc bạn đang ăn trưa với bạn mình và bạn nhận thấy một hình ảnh nào đó lạ lùng hay thú vị. Bạn nhìn hình đó hứng thú đó và một cách thật tự nhiên bạn có động cơ để chia sẻ những gì bạn đang nhìn thấy với bạn mình. Sau khi bạn nhìn thấy hình ảnh đó, bạn quay lại nhìn bạn mình, bình luận hoặc chỉ tay vào hình ảnh đó, và tiếp tục nhìn bạn mình để xem cô ấy có đang nhìn cảnh đó hay không và cảm nhận cảm xúc của cô ấy. Đó chính là bạn đang chia sẻ mối quan tâm của mình với bạn. Đây là tam giác chú ý – sự tương tác 3 chiều bao gồm 2 người và 1 hình ảnh hay còn được gọi là cùng chú ý. Và nó chính là cở sở để hình thành kỹ năng giao tiếp và học ngôn ngữ của trẻ nhỏ. Các nghiên cứu của chúng tôi và những cộng sự đã chỉ ra rằng (cũng như những nghiên cứu khác) kỹ năng cùng chú ý của trẻ tác động mạnh mẽ để khả năng học tập ngôn ngữ sau này của trẻ.
Cha mẹ và trẻ thường chia sẻ ánh mắt, nụ cười và những cử chỉ, biểu đạt khác (chỉ tay, cho xem, và đưa cho), những âm thanh hay từ để giao tiếp về một chủ đề nào đó hay một cái gì mà người khác đang chú ý. Cha mẹ và trẻ có thể giao tiếp về những chủ đề sau:
- Tên đồ vật: Người mẹ cầm một đồ tròn màu xanh, khi con gái với tay và nói “đây là quả bóng”
- Hành động diễn ra trong lúc chơi: Người cha chỉ vào ô trống trong trò ghép hình và nói với con trai “Con hổ đặt ở đây”.
- Một chỉ dẫn: Đứa trẻ sau khi uống song liền cầm cái cốc trống đi tới chỗ bà, nhìn bà và phát ra âm thanh, thể hiện ý muốn một cách rõ ràng rằng “Con muốn uống thêm”
- Chia sẻ trải nghiệm: Đứa trẻ chỉ vào con chó trên đường phố, và người mẹ nhìn và nói “Đó là một con chó”.
Một kỹ năng cơ bản trẻ cần đạt được để cùng chia sẻ là khả năng di chuyển ánh mắt liên tục giữa bạn và đồ vật. Trước khi kỹ năng cùng chia sẻ phát triển, trẻ thường tập trung chủ yếu vào đồ vật hoặc người trong khi chơi, và trẻ vẫn chưa thể đảo mắt qua lại giữa đồ vật và người. Vào khoảng tầm 6 tháng tuổi, trẻ học cách đảo mặt qua lại giữa đồ vật và khuôn mặt của cha mẹ. Kỹ năng này góp phần lớn đối với sự phát triển kỹ năng cùng chia sẻ và kĩ năng học, giao tiếp và kỹ năng xã hội sau này.
Điều gì xảy ra với trẻ tự kỷ?
Có hai khó khăn tác động trực tiếp tới kỹ năng cùng chia sẻ của trẻ tự kỷ. Thứ nhất, như chúng tôi đã nói từ trước, trẻ tự kỹ rất ít giao tiếp xã hội. Trẻ dường như ít có động lực để chia sẻ và tham gia các trò xã hội hơn những trẻ bình thường khác. Thứ hai, trẻ tự kỷ khó học cách đảo mắt từ người sang vật một cách dễ dàng và thuần thục. Trẻ có xu hướng tập trung vào vật hơn là vào người, và duy trì sự chú ý đó một thời gian dài. Trẻ khó khăn trong việc chú ý tới nhiều người hoặc nhiều thứ trong một môi trường. Thỉnh thoảng, trẻ có thể dán chặt mắt vào thứ nào đó mà trẻ nhận ra đầu tiên, và rất khó khăn trong việc chú ý tới đồ vật khác tiếp theo. Các phương pháp can thiệp sớm thường tập trung vào một cách nào đó dạy trẻ tự kỷ đảo mắt từ vật sang người và ngược lại. Mục tiêu của chúng tôi là giúp bạn dạy tẻ tự kỷ kỹ năng cùng chú ý để giao tiếp với người khác về những trải nghiệm của trẻ về thế giới xung quanh. Nếu không có can thiệp, thì việc phát triển kỹ năng cùng chú ý sẽ là kỹ năng khó khăn nhất cho trẻ nhỏ tự kỷ học được.
Tại sao đó lại là vấn đề?
Không có kỹ năng cùng chú ý, trẻ tự kỷ có xu hướng không chia sẽ suy nghĩ, cảm xúc về một đồ vật hay sự kiện nào đó với người thân, vì thế trẻ bỏ lỡ cơ hội học hỏi để có thể giúp trẻ tăng cường ngôn ngữ, giao tiếp xã hội và nhận thức. Cùng chú ý cũng giúp trẻ đọc được cử chỉ của người khác và nắm bắt được mong muốn hay cảm xúc của người khác về đồ vật – hay nói cách khác, đọc được suy nghĩ của người khác. Khi khả năng cùng chú ý bị hạn chế, sẽ dẫn đến hạn chế việc nắm bắt nội dung dạy trong từng tình huống (đồ vật đó gọi là gì, đồ vật đó hoạt động như thế nào, điều gì sẽ xảy ra khi nó hoạt động) thông qua hành động dõi theo cử chỉ và ánh mắt của người khác.
Quan trọng không kém, kỹ năng cùng chú ý góp phần tạo động lực cho trẻ nhận thức sâu sắc giá trị và tìm kiếm sự chia sẻ xã hội cũng như khen ngợi từ người khác khi điều gì đó vui nhộn và thú vị xảy ra. Hãy nhớ lại thời điểm bạn đã chia sẻ điều gì đó với cha mẹ mình khi còn nhỏ? Đó có thể là một bức tranh bạn đã vẽ ở trường, hoặc một hoạt động thú vị nào đó bạn đã tham gia trong trò chơi tập thể, hoặc một chiến tích nào đó mà bạn nghĩ răng không thể làm được nhưng cuối cùng bạn lại hoàn thành. Khi chia sẻ xong, bạn nhìn vào mắt cha mẹ, cười thật tươi và vô cùng thích thú khi họ chúc mừng thành tích của bạn. Những trải nghiệm này lại có vẻ khá khó khăn với trẻ tự kỷ. Chúng tôi muốn trẻ tự kỷ tận hưởng niềm vui, lời khen ngợi và sự tự hào thông qua các tương tác xã hội như thế này. Nhưng để điều đó xảy ra, trẻ tự kỷ phải hiểu và đạt được kỹ năng cùng chú ý.
Vậy làm cách nào để giúp trẻ phát triển kỹ năng cùng chú ý?
Một cách cơ bản nhất, kỹ năng cùng chú ý bao gồm khả năng đảo mắt từ người sang vật hay hoạt động nào khác. Khi trẻ đảo mắt một cách dễ dàng, trẻ có thể bắt đầu sử dụng ba hành động cơ bản để chia sẻ mối quan tâm của mình – đưa đồ, cho xem đồ và chỉ đồ – trong khi vẫn duy trì giao tiếp mắt. Kỹ năng cùng chú ý cũng bao gồm việc chia sẻ cảm xúc về một vật hay sự việc thông qua ánh mắt và nét mặt. Trẻ nhìn một vật, rồi nhìn người lớn và mỉm cười hay nhăn nhó để truyền đi thông điệp cảm xúc của mình về vật đó. Vậy làm thế nào để bạn có thể giúp trẻ phát triển kỹ năng cùng chú ý? Thực tế, bạn đã dạy con một số hoạt động cùng chú ý thông qua các kỹ thuật mà bạn đã học ở những chương trước:
- Cách thu hút sự chú ý của trẻ vào gương mặt và ánh mắt của bạn (Chương 4)
- Xác định vị trí của bạn, ở trước trẻ trong tất cả các hoạt động để tăng cường giao tiếp mắt (Chương 4)
- Dừng lại và dạy trẻ cách dùng điệu bộ (ngôn ngữ cơ thể) để biểu đạt nhu cầu với bạn (Chương 7)
- Cùng chơi một số trò chơi xã hội cảm giác và trò chơi với đồ vật (Chương 5 và 6)
Khi trẻ đã tiến bộ trong giao tiếp mắt và điệu bộ, bạn và trẻ đã sẵn sàng để học 3 bước sau để đạt được kỹ năng cùng chú ý:
Bước 1: Dạy trẻ đưa đồ cho bạn.
Bước 2: Dạy trẻ cho bạn xem đồ vật.
Bước 3: Dạy trẻ chỉ cho bạn các đồ vật để chia sẻ trải nghiệm.
Sau đây là cách thực hiện từng bước, nhằm gợi ý cho chúng ta một vài hoạt động cụ thể cần làm và các cách giải quyết vấn đề có thể phát sinh.
Lời khuyên hữu ích
Khi bạn đề nghị trẻ đưa cho bạn một đồ vật khi chơi hay trong hoạt động chăm sóc hàng ngày, hãy đảm bảo rằng bạn sẽ đưa lại cho trẻ ngay sau khi bạn cầm nó. Nêu trẻ không nhận lại tức là trẻ cũng sẽ không còn động lực đưa đồ đó cho bạn. Hãy nhớ theo nguyên lý ABC ở chương 9, khi mất đi hệ quả của hành vi đưa đồ, bạn cũng sẽ không thể củng cố hành vi đưa đồ được.
Bước 1. Dạy trẻ đưa cho bạn đồ vật
Căn cứ
Cùng chú ý là một loại hoạt động luân phiên và chỉ diễn ra khi trẻ sẵn lòng đưa một đồ vật khi được yêu cầu và sau đó nhận lại nó. Bởi vì bản thân trẻ không có động lực nội tại để tương tác theo cách này, nên bạn cần dạy trẻ từ đầu bằng việc đưa đồ cho bạn. Các hoạt động luân phiên ở Chươn g 6 đã cung cấp cho con bạn một nền tảng để hình thành kỹ năng này. Tiếp tục tăng cường kỹ năng luân phiên để tạo tiền đề cho kỹ năng cùng chú ý.
Hoạt động: Dạy trẻ đưa đồ vật cho bạn để nhận sự giúp đỡ từ bạn
Hoạt động này khuyến khích trẻ học hành động đưa cho bởi vì hành động trợ giúp tiếp sau đó của bạn là điều trẻ cần.Tuy nhiên, hành động đưa cho đó sẽ tốt hơn nhiều nếu trẻ có thể đồng thời sử dụng cả giao tiếp mắt để truyền đạt mong muốn được trợ giúp của mình. Khi nhìn bạn và đưa cho bạn đồ vật là trẻ đã thể hiện được rõ ràng mục đích giao tiếp.
Dưới đây là một ý tưởng để bạn dạy trẻ đưa đồ vật và nhận sự giúp đỡ từ bạn:
- Bắt đầu bằng việc đưa trẻ xem một hộp nhựa hay túi nilon buộc chặt mà trẻ không mở được, đựng trong đó là một món đồ trẻ thích. Có thể là một món ăn vặt, đồ chơi khi tắm, hay một phần của món đồ chơi, như một mẩu ghép hình. Trẻ sẽ nhìn thấy thứ mà mình thích, sẽ đòi, và cầm lấy khi bạn đưa cho trẻ. Tuy nhiên, trẻ loay hoay không biết tự mở như thế nào.
- Bạn chìa tay về phía trẻ và nói “Mẹ giúp con nhé?”, hãy gợi để trẻ đưa cho bạn chiếc hộp, nhanh chóng mở ra và đưa lại cho trẻ rồi nói “Đây là [món đồ] của con.”.
- Lặp lại hoạt động này trong ngày với các đồ vật khác nhau, như đồ chơi khi tắm, đồ ăn trong hộp hay chai, đồ chơi khi chơi trò chơi. Hãy luôn dùng cùng một hành động: chìa tay về phía trẻ và nói “Mẹ giúp con nhé?”, “Nào để mẹ giúp”, và “[Món đồ] của con đây” để giao tiếp với trẻ.
- Khi hoạt động này trở thành thông lệ quen thuộc sau ít ngày hoặc lâu hơn nữa, bạn hãy dừng lại quan sát xem trẻ có chủ động đề yêu cầu bạn hay không. Bạn hãy đưa chiếc hộp như thường lệ, nhưng không xòe tay ra hay hỏi trẻ có cần giúp hay không. Hãy chờ đợi, nhìn trẻ với kỳ vọng trẻ sẽ yêu cầu bạn. Trẻ có thể sẽ đưa chiếc hộp cho bạn. Bạn hãy nói “Mẹ giúp con nhé? Nào để mẹ giúp”, sau đó đưa đồ cho trẻ và nói “[Món đồ] của con đây”. Xin chúc mừng, con bạn đã biết cách nhờ giúp đỡ.
- Khi trẻ đã có thể thường xuyên tự động đưa đồ vật cho người khác để nhờ giúp, thì có thể bắt đầu tập cho trẻ giao tiếp mắt khi làm việc này. Bắt đầu như trên và chờ trẻ chủ động nhờ giúp đỡ. Hãy chờ một chút sau khi trẻ đưa đồ cho bạn. Nếu trẻ không nhìn bạn, bạn từ từ hãy mở hộp. Thay vì đó, bạn hãy tiếp tục giữ hộp trên tay và nhìn trẻ. Đây là cơ hội để dạy trẻ giao tiếp mắt ngắn với bạn. Khi trẻ đã nhìn bạn, chỉ cần một cái liếc mắt ngắn cũng được, bạn hãy ngay lập tức mở hộp. Nếu trẻ không chủ động nhìn bạn, bạn hãy hỏi “Mẹ giúp con nhé?” nhưng giữ nguyên hộp trên tay. Nếu trẻ nhìn bạn, hãy mở hộp ngay lập tức. Nếu trẻ vẫn không nhìn bạn, hãy đưa chiếc hộp lên gần mặt mình, lại hỏi trẻ hoặc lắc chiếc hộp để trẻ chú ý. Đợi đến khi trẻ nhìn bạn thì mở hộp. Hãy lưu ý rằng ở đây yếu tố thúc đẩy trẻ (hành động mở hộp) đã được đặt sau việc nhìn thay vì chỉ cần đưa đồ vật. Dần dần việc này sẽ giúp trẻ tăng khả năng giao tiếp mắt và đưa đồ vật khi cần giúp đỡ.
- Khi trẻ đã thành thạo hơn trong việc đưa đồ và giao tiếp mắt, hãy luôn chờ đến khi trẻ đồng thời nhìn và đưa bạn đồ vật rồi giúp đỡ ngay như một phần thưởng cho điều đó. Như vậy, trẻ sẽ học được rằng đưa đồ vật và nhìn gắn liền với nhau để có giao tiếp tốt.
Dưới đây là một số ý tưởng để bạn thiết lập hoạt động trẻ yêu cầu sự giúp đỡ:
- Dùng đồ chơi hay những thứ mà trẻ không bật tự chơi được như bong bóng, còi, một số nhạc cụ khác, con quay, hay những đồ chơi tương tự. Khi trẻ nhờ thì mới thổi, chơi hay bật vật nó lên.
- Chia đồ ăn/đồ uống thành từng phần hay miếng nhỏ khiến trẻ phải đưa bát (đĩa hay cốc) để xin thêm.
- Để những món đồ chơi yêu thích của trẻ vào hộp và chỉ đưa cho trẻ theo cách như trên.
Hoạt động: Dạy trẻ cách đưa đồ vật khi bạn chìa tay ra và nói “Đưa cho [mẹ]” trong nhiều tình huống.
Dưới đây là một số tình huống khuyến khích trẻ đưa đồ cho bạn khi bạn có một vài cử chỉ phù hợp:
- Xin trẻ một vài miếng đồ ăn như ngũ cốc khô, bánh quy, v.v. hay chút đồ uống khi bạn cho trẻ ăn tại bàn. Bạn hãy chìa tay, và nói “Cho mẹ xin ít”, và giả vờ ăn. Hãy cường điệu hóa hành động giả vờ ăn với âm thanh nhai và nụ cười lớn, sau đó đưa trả lại đồ ăn cho trẻ và cảm ơn trẻ.
- Nếu trẻ lấy đồ ăn mà không muốn ăn, hãy nói “Đưa cho mẹ” để yêu cầu trẻ đưa trả lại. Hoặc đặt lên đĩa, khay của ghế ăn thứ mà trẻ không thích. Ngay khi trẻ nhặt món đó lên định ném đi thì ngay lập tức yêu cầu trẻ đưa cho mình bằng cách chìa tay và nói “Đưa cho mẹ” và bạn cất món đó đi.
- Cuối bữa, yêu cầu trẻ đưa thìa, đĩa, hay cốc để bạn cất dọn và tháo khay ăn giúp trẻ rời ghế ăn. Tham gia giúp bạn dọn dẹp là một thói quen tốt cho trẻ.
- Trong khi thay bỉm, đầu tiên đưa bỉm cho trẻ cầm, sau đó bạn yêu cầu “Đưa bỉm cho mẹ nào”, chìa tay ra, nhận chiếc bỉm và cảm ơn, rồi tiếp tục thay cho trẻ.
- Khi tắm, hãy yêu cầu trẻ đưa cho mình các món đồ chơi, rồi ngay lập tức bạn đưa lại cho trẻ.
- Khi thay quần áo, hãy bày tất, giầy ra, đưa tất cho trẻ cầm và dạy “Đây là tất” rồi yêu cầu trẻ “Đưa tất cho mẹ nào”. Tương tự với giầy. Khi chơi, dạy trẻ luân phiên bằng cách yêu cầu trẻ đưa cho một mẩu xếp hình hay một mẩu đồ chơi lắp ghép, đặt mẩu đó vào vị trí, rồi đưa cho trẻ mẩu khác.
- Mỗi hoạt động có thể dạy trẻ lặp lại từ 2 đến 3 lần mỗi ngày cho đến khi trẻ thành thạo và tiếp tục duy trì.
Lời khuyên hữu ích
Khi trẻ đang thích chơi một đồ nào đó, bạn đừng nói “Đưa nó cho mẹ” hay “Tới lượt mẹ”. Nếu trẻ không muốn nhận lại đồ vật nào đó, bạn hãy nói “Xong rồi”. Hành động “đưa đồ cho mẹ” hay “tới lượt mẹ” nếu dẫn tới hậu quả mất món đồ yêu thích thì trẻ sẽ không còn động lực muốn đưa cho bạn trong lần tiếp theo.
Tổng kết Bước 1
Khi thực hiện theo những hoạt động nêu trên, đến đây bạn đã nắm được một số cách và các hoạt động để giúp trẻ học đưa những đồ vật. Đây là bước đầu của quá trình hình thành kỹ năng cùng chia sẻ – chia sẻ đồ vật để nhờ giúp đỡ. Bước tiếp theo sẽ là mở rộng kỹ năng này để trẻ có thể chia sẻ suy nghĩ và cảm xúc về những hoạt động xung quanh. Trước hết, hãy cùng nhau xem lại và thống nhất danh sách những việc cần làm dưới đây, để bạn nắm chắc những cách quan trọng trong việc dạy trẻ một kỹ năng giao tiếp phối hợp bất kỳ. Đó là điều cần thiết trong bước 2. Nếu còn chưa tự tin, hãy tiếp tục thử nghiệm trong khi chăm sóc và chơi với trẻ, cho đến khi bạn nắm rõ một vài phương pháp cho từng câu hỏi dưới đây:
Kiểm tra: Tôi đã dạy được trẻ đưa đồ vật chưa?
_____Bạn và trẻ thường luân phiên khi cùng chơi với một đồ vật chứ?
_____Trong lượt của mình, bạn biết cách dừng lại và chờ đợi trẻ giao tiếp mắt hoặc phản hồi lại bạn với một cử chỉ phù hợp?
_____Bạn đã thử cất các món đồ khác nhau vào hộp và trẻ có thể đưa lại cho bạn nhờ giúp đỡ chứ?
_____Bạn đã tỏ rõ ý muốn trẻ đưa cho mình các đồ vật bằng cách chìa tay và nói những lời yêu cầu đơn giản chứ?
______Sau khi giúp trẻ, bạn đã đưa lại đồ vật ngay chứ?
______Bạn nhận ra khi nào trẻ cần giúp đỡ khi cùng chơi với đồ vật (khi chơi đồ chơi, khi ăn và khi tắm) chứ?
Cha mẹ của Andrew đã nghĩ ra một số trò chơi luân phiên và bắt đầu dạy cậu con 18 tháng tuổi của họ cách đưa đồ vật. Họ cho rằng tạo ra những cơ hội để Andrew thấy cần sự giúp đỡ còn tốt hơn là lấy lại đồ vật của cậu bé đang cầm. Mẹ cậu bắt đầu bằng việc vặn chặt nắp hộp đựng xà phòng của đồ chơi thổi bong bóng trong hộp kín và đặt giữa sàn nhà để Andrew có thể dễ dàng nhìn thấy và cầm hộp lên. Ngay khi thấy đồ chơi thổi bong bóng, cậu bé hào hứng lao đến cầm đồ chơi lên, sẵn sàng chơi; tuy nhiên cậu nhận ra ngay là mình không thể tự mở hộp được. Lúc đó mẹ cậu có mặt! Trước khi Andrew nổi cáu, mẹ sẽ nói “Andrew muốn thổi bong bóng phải không? Đưa mẹ nào” và chìa tay về phía cậu. Mẹ đợi vài giây xem Andrew có hiểu hành động đó không và khi cậu không phản ứng lại, mẹ nói thêm “Để mẹ thổi bong bóng cho. Đưa hộp cho mẹ nào” và chìa tay gần hơn về phía cậu. Khi cậu vẫn không phản ứng lại, mẹ nhanh chóng giúp cậu đặt hộp vào tay mình, mở hộp và nói “Mở hộp lấy ” và “Cùng thổi bong bóng nào”, rồi thổi bóng để hai mẹ con cùng đập nổ. Mẹ mở hộp và thổi bong bóng ngay là cách để thưởng cho Andrew vì đã đưa hộp cho mẹ.
Chơi được vài quả bóng, mẹ lại vặn nặp hộp đựng xà phòng và đưa cho Andrew. Cậu cố mở hộp nhưng không được. Mẹ lại nói “Đưa mẹ nào” và chìa tay về phía cậu. Lần này, Andrew chìa chiếc hộp ra, mẹ đón lấy và nhanh chóng giúp cậu thổi bóng để cùng chơi. Lần thứ 3, mẹ đưa lại cho Andrew chiếc hộp đóng kín. Lần này cậu đã biết đặt trực tiếp chiếc hộp vào tay mẹ để nhờ giúp đỡ. Tiếp tục như vậy thêm vài lần nữa, cậu quen với việc đưa đồ cho mẹ, thậm chí còn tự lấy hộp trên bàn để nhờ mẹ giúp nữa, nhưng không phải lúc nào cậu cũng nhìn thẳng vào mẹ. Thế nên, lần này, mẹ nhận cái hộp bóng nhưng không mở ngay mà chờ xem Andrew có quay ra nhìn mẹ không. Thấy sự việc không giống khi trước, Andrew nhìn mẹ xem có chuyện gì xảy ra. Khi đó, mẹ ngay lập tức đáp lại bằng cách mở hộp và thổi bóng, để thưởng cho cậu vì đã đưa đồ và cả nhìn mẹ. Mẹ không mong là cậu lúc nào cũng nhìn mình khi đưa gì đó (vì chẳng đứa trẻ nào làm vậy), nhưng mẹ muốn cậu làm vậy thường xuyên và dễ dàng hơn.
Joshua, một cậu bé 3 tuổi mắc chứng tự kỷ, rất thích chơi tàu hỏa. Bố cậu đã nghĩ ra các trò chơi với đồ vật mang tính tương tác qua lại, rồi những hoạt động phát triển giác quan, nhưng đều không có mấy tác dụng khi Joshua thấy tàu hỏa. Joshua giữ khư khư tàu hỏa và khăng khăng chơi một mình. Thường thì cậu chỉ xếp những đoàn tàu thành hàng và đẩy tàu trên thảm mà không muốn bố động vào hay thay đổi cách chơi. Bố nghĩ là tạo cơ hội để cậu nhờ giúp đỡ trong những họat động liên quan đến tàu hỏa. Bố quyết định dùng đường ray, thứ mà cậu không thể chơi một mình được, và thậm chí có thể hấp dẫn cậu hơn là chơi trên thảm. Bố bắt đầu ráp đường ray khi cậu đang cho tàu chạy trên sàn nhà và cho cậu thấy thật nhanh tàu chạy trên đường ray ra sao, rồi trả tàu lại ngay. Và, Joshua tỏ vẻ thích thú. Thực ra thì, chạy tàu trên đường ray dễ hơn trên thảm xù xì nhiều. Sau khi cậu đã chơi với đường ray vài lần, bố bắt đầu tháo bỏ các mảnh đường ray, lần lượt cho đến khi còn lại mỗi một mảnh. Joshua muốn có đường dài hơn và cố lắp các mẫu đường ray vào chỗ cũ, nhưng tất nhiên là cậu không thể. Bố đến bên giúp đỡ mỗi khi cậu cần lắp thêm 1 mảnh vào. Một lần, khi cậu cầm một mảnh đường ray lên, bố không giúp ngay nữa mà chìa tay về phía cậu và hỏi “Cần bố giúp không nào? Đưa cho bố.” Joshua làm theo và bố nhanh chóng lắp ghép cho cậu. Thêm một mảnh nữa như vậy. Và đến lúc, Joshua nhìn bố, đưa mảnh đường ray nhờ giúp kể cả khi bố không có hành động khích lệ nào. Cậu đã có thể kết hợp hành động và ánh mắt khi nhờ giúp đỡ rồi.
Lời khuyên hữu ích:
Nếu trẻ không chủ động giao tiếp mắt với bạn dù bạn đã dừng lại chờ đợi, bạn hãy thay đổi vị trí – ghé sát mặt vào cái hộp/vật mà trẻ vừa đưa cho bạn, bằng cách đưa hộp lên ngang tầm mắt bạn hoặc di chuyển cơ thể sao cho chiếc hộp/vật ở ngang tầm mắt của bạn.
Bước 2: Dạy trẻ cách cho bạn xem các đồ vật
Cho xem đồ vật nghĩa là chia sẻ mối quan tâm với đồ vật bằng cách làm cho người khác nhìn vào đồ vật đó. Trẻ con có thể cầm đồ vật đưa ra trước mặt bố mẹ, nhìn họ, và thu hút sự chú ý của họ (thường kèm với một từ nào đó) để bố mẹ nhìn vật đó và bình luận. Đây là một kỹ năng quan trọng bởi vì nó giúp ta học tên các đồ vật và củng cố vốn từ vựng. Nó cũng giúp khuyến khích trẻ chia sẻ sau khi được động viên bằng sự chú ý, lời khen ngợi, bình luận và những sự hưởng ứng ngầm từ người khác. Vậy làm thế nào để bạn có thể giúp trẻ học cách cho người khác xem đồ vật?
Hoạt động: Giúp trẻ học cách cho người khác xem các đồ vật
Sau đây là một số cách khuyến khích trẻ cho xem đồ:
- Đầu tiên, bạn hãy cho trẻ xem đồ. Đứng đối diện với trẻ, nói “Nhìn [một vật] này” và cầm vật đó đưa ra trước mặt trẻ. Làm vậy sẽ khuyến khích trẻ nhìn về phía đồ vật. Khi trẻ nhìn vào vật, bạn hãy gọi tên đồ. Lặp đi lặp lại nhiều lần trong ngày với những vật trẻ thích.
- Nếu trẻ đòi cầm đồ vật sau khi bạn cho xem và nhìn vào vật, hãy đưa cho trẻ ngay lập tức. Đó là cách để thưởng cho trẻ vì đã nhìn vào đồ vật bạn cho xem.
- Hãy dùng những món đồ chơi, những món thứ đồ mà trẻ tiếp xúc hàng ngày. Khi bạn và trẻ đã có thể luân phiên chơi với các đồ vật, hãy nói cho trẻ biết tên đồ vật, cách sử dụng hoặc cách chơi trước khi đưa cho trẻ.
- Trong khi chơi, hãy cầm một món đồ lên và gọi tên con bạn “Alex, nhìn này”. Khi con bạn nhìn, bạn hãy gọi tên món đồ “Đây là quả bóng” hay “Xem quả bóng này”, rồi thực hiện một động tác gì với quả bóng đó (lăn, ném quả bóng, hay xì hơi một quả bóng bay). Gắn khái niệm “Cho xem” với một trò vui nhộn nào đó cũng là một phần thưởng và có thể củng cố sự chú ý ở trẻ. Trẻ sẽ hiểu rằng thật thú vị và vui nhộn khi chú ý đến bố mẹ khi họ nói “Nhìn này”.
- Trong bữa ăn, khi trẻ đang tập trung vào bát của mình, cầm lên một đĩa thức ăn ưa thích của trẻ và nói “[tên trẻ], nhìn này” và cho trẻ xem. Khi trẻ nhìn vào đĩa, hãy cho trẻ một phần thức ăn này.
- Khi tắm, chỉ cho trẻ các đồ vật hay những trò mới. Trước hết, gọi tên con bạn “Carissa, nhìn này” và khi trẻ nhìn, hãy chìa món đồ chơi ra (“Nhìn con vịt này”) và làm điều gì đó (như tạt nước hay dùng con vịt cù cô bé).
- Khi đi ngủ, khi đọc truyện cho con, hãy chỉ cho trẻ những bức tranh và nói “Nhìn này, đây là [tên]”. Khi trẻ nhìn vào bức tranh bạn chỉ, hãy làm hành động buồn cười nào đó (tạo tiếng động hay hành động nào khác với quyển sách).
Hoạt động: Dạy trẻ cách cho bạn xem đồ
Trong bước 1, bạn đã dạy trẻ cách đưa đồ cho bạn để nhờ giúp đỡ bằng một cử chỉ cụ thể (chìa tay ra) và nói “Đưa cho mẹ nào” và rồi giúp trẻ đưa đồ cho bạn. Điều bạn cần dạy trẻ bây giờ là cách dạy trẻ cách “chỉ cho” người khác dựa trên khái niệm “đưa cho” đã có ở bước 1. Khi trẻ đã quen thuộc với việc nhìn vào đồ khi bạn cho trẻ xem, đó là lúc có thể bắt đầu dạy trẻ cách cho người khác xem đồ.
Dưới đây là một vài gợi ý:
- Lựa thời điểm trẻ đang cầm đồ gì đó. Bạn hãy đứng trước mặt trẻ, và nói “Cho mẹ xem nào. Hãy cho mẹ xem [đồ vật] với”, và chìa tay ra như thể bạn đang yêu cầu trẻ đưa đồ cho mình vậy (trẻ cần phải biết đưa món đồ cho bạn trước khi học cách chỉ cho). Hãy nhấn mạnh từ “Cho xem”, bởi vì đó là tín hiệu để trẻ biết bạn không cần trẻ đưa đồ vật, mà chỉ muốn trẻ cho xem mà thôi. Khi trẻ cố đưa cho bạn đồ vật khi được yêu cầu cho xem, đừng nhận; thay vào đó hãy nhìn món thật hào hứng (ví dụ nói, ôi, con gấu đẹp quá nhỉ) và để trẻ giữ nó. Vậy là trẻ đã có thể đưa món đồ ra trước mặt bạn và sự hưởng ứng nhiệt tình của bạn là phần thưởng cho hành động “cho xem” đó.
- Thực hành nhiều lần trong ngày, với nhiều hoạt động khác nhau. Bạn cũng có thể chạm vào đồ vật, nhưng phải để trẻ giữ đồ đó. Cho xem nghĩa là chìa vật gì đó ra cho người khác nhìn chứ không đưa cho, và đó là điều bạn muốn trẻ phân biệt được.
- Sau khi trẻ đã thường xuyên cho bạn xem đồ vật khi bạn đề nghị “Cho mẹ xem nào”, hãy thôi chìa tay về phía trẻ và chỉ dùng lời nói xem phản ứng của trẻ ra sao. Nếu trẻ vẫn cho bạn xem, hãy đáp lại thật hào hứng như trước. Nếu không, hãy chìa tay ra kiểu dè chừng, một nửa, chứ không phải xòe tay trước mặt trẻ. Dần dần tập cho trẻ ít phụ thuộc vào cử chỉ tay của bạn cho đến khi chỉ cần lời nói để trẻ có phản ứng là được.
- Tiếp theo, khi trẻ đã quen với việc cho bạn xem đồ, hãy tập giao tiếp mắt. Đề nghị trẻ cho xem, nhưng đừng tỏ ra hào hứng như trước cho tới khi trẻ nhìn bạn. Lúc đầu, trẻ rất có thể sẽ nhìn bạn vì không hiểu sao lại bạn không phản ứng gì. Ngay khi gặp ánh nhìn của trẻ, hay nhanh chóng tỏ thái độ hào hứng quen thuộc. Tiếp theo hãy chờ đến khi trẻ cho xem kèm theo giao tiếp mắt với bạn thì hãy tỏ ra hào hứng như trên. Nếu trẻ không nhìn, hãy thì thầm gọi tên trẻ, tạo tiếng động gây sự chú ý, hay đặt tay trẻ lên má bạn, đến khi bạn thấy trẻ nhìn mình, bạn hãy hào hứng trả lại. Tiếp tục tập với trẻ, bớt dần những hành động gợi ý nêu trên. Như vậy, trẻ có thể học được cánh cho người khác xem đồ vật đồng thời nhìn vào họ.
- Lưu ý là phải gọi tên đồ vật lên mỗi khi hưởng ứng hành động cho xem của trẻ nhé. Đối với trẻ nhỏ, cho xem là một cách rất tốt để học từ mới do bố mẹ dạy và làm giàu vốn từ vựng của mình. Cách trả lời trẻ thường nên là “Ô tô à, ôi cái ô tô đẹp nhỉ”. Như thế, trẻ sẽ nghe từ “Ô tô” hai lần. Học nói là mục đích thứ hai trong hoạt động này (ở mọi nơi).
- Trong những hoạt động hàng ngày cùng với trẻ như ăn sáng, mặc quần áo, chơi đồ chơi, ăn nhẹ, thay bỉm, hoạt động xã hội cảm giác, làm việc vặt, đi chơi công viên hay đi dạo, đọc sách, tắm rửa, và đi ngủ, có biết bao nhiêu đồ vật mà trẻ có thể tiếp xúc. Hãy tận dụng những hoạt động này để dạy trẻ cách cho xem các vật khác nhau. Nếu có thể tập 2-3 lần trong 4-6 hoạt động mỗi ngày, trẻ đã có khá nhiều cơ hội để học rồi.
- Hãy tiếp tục hoạt động bạn cho trẻ xem đồ và nói “hãy nhìn này” nhằm để dạy trẻ kỹ năng cho bạn xem đồ. Cho xem và nhìn khi được cho xem là hai mặt của một hoạt động cùng chú ý.
- Hãy tiếp tục dạy trẻ kỹ năng “đưa cho” xen kẽ nhau trong ngày để trẻ không quên trong khi học kỹ năng “cho xem”.
Tổng kết bước 2:
Nếu bạn đã áp dụng những gợi ý trên và thực hành các hoạt động đó, bạn đã dạy trẻ kỹ năng cho xem khi được yêu cầu. Kiểm tra xem bạn đã hoàn thành danh sách sau chưa. Nếu có, đến bước này trẻ đã được trang bị những kỹ năng quan trọng để phát triển kỹ năng cùng chú ý – chuẩn bị chuyển tiếp bước 3 dưới đây. Nếu không, hãy làm lại từ đầu và thực hành thêm khi chơi và chăm sóc trẻ cho đến khi bạn và còn đều thành thục.
Kiểm tra: Bạn đã dạy được trẻ cách cho xem các đồ vật chưa?
____Bạn có thể tìm ra các đồ vật để dạy trẻ cách cho xem chứ?
____Bạn có thể thu hút sự chú ý của trẻ vào đồ vật bằng cách nói “Nhìn vào [đồ vật] này” chứ?
____Khi trẻ nhìn đồ vật, bạn nhanh chóng gọi tên nó và làm trò vui nhộn hoặc thưởng cho trẻ vì điều đó chứ?
____Bạn biết sử dụng linh hoạt các loại đồ cho các hoạt động khác nhau chứ?
____Bạn biết khuyến khích trẻ cho xem đồ vật bằng cách nói “Cho mẹ xem [đồ vật] nào” và chìa tay cho trẻ, nếu cần chứ?
____Khi trẻ cho xem bằng cách đưa đồ vật cho bạn, bạn không nhận lấy, thay vào đó đáp lại chỉ bằng lời khen, hay sự quan tâm hào hứng thôi chứ?
____Trẻ có thể cho bạn xem đồ vật đồng thời nhìn bạn chưa (tất nhiên là không phải lần nào cũng vậy)?
Câu chuyện của Andrew:
Andrew rất thích nước và bố mẹ cậu nghĩ rằng lúc tắm sẽ thích hợp để chỉ cho cậu xem các đồ vật và hành động khác nhau. Như thường lệ, bố vặn đầy nước vào bồn tắm và đặt Andrew vào, nhưng thay vì bỏ hết đồ chơi vào cùng một lúc, bố chỉ cho Andrew xem từng món một, bắt đầu từ con cá nhựa. Bố nói, “Andrew, trông này”, khi cậu nhìn theo, bố tiếp “Đây là cá” và đưa cho cậu. Bố để Andrew chơi một lúc, mô tả những hành động cậu làm với con cá, và làm mặt hề như cá cho cậu bắt chước.Tiếp đó, bố lại nói “Andrew, nhìn xem bố có gì này” và đợi cho tới khi cậu nhìn lên bố mới bắn súng phun nước hình cá voi vào cậu, trò mà cậu rất khoái. Andrew phá lên cười và với lấy cái súng, bố bảo cậu “Đây là cá voi nhé”. Trong khi tắm, cứ ít phút bố lại cho cậu xem một vật nào đó, đợi cậu chú ý nhìn, và dạy cậu tên gọi luôn. Cứ thế đến khi tắm xong, bố ngạc nhiên một cách sung sướng thấy Andrew đã rất nhiều lần chú ý nhìn khi bố bảo và cậu học điều đó khá nhanh.
Câu chuyện của Joshua
Mẹ Joshua muốn gần gũi với cậu hơn khi cậu chơi trò tàu hỏa. Mẹ nghĩ ra cách để Joshua hào hứng cho mẹ xem tàu hỏa, mẹ thử cho cậu nghe tiếng tàu chạy và hát vài câu trong những bài hát về đoàn tàu mà cậu yêu thích. Khi cậu chơi tàu, mẹ nói “Cho mẹ xem tàu nào” và chìa tay ra phía Joshua. Cậu không muốn nên phớt lờ lời yêu cầu của mẹ. Mẹ nhắc lại và đẩy tay cậu lên một chút, cẩn thận để không chạm vào cái tàu cũng như không chạm tay cậu quá lâu làm cậu tưởng mẹ muốn lấy mất cái tàu. Khi khuyên khích Joshua như vậy, đồng thời mẹ nói “Ồ mẹ thấy tàu của con rồi. Tàu kêu choo-choo” và làm điệu bộ như tàu chạy vòng quanh. Mẹ còn hát và nhảy múa nữa “Tàu kêu chug-a-chug-a-chug-choo-choo này”. Khi mẹ ngừng lại, Joshua nhìn mẹ tỏ ý muốn mẹ làm tàu kêu nữa. Mẹ liền yêu cầu cậu cho xem tàu, nhẹ nhàng đẩy tay cậu về phía mẹ trong khi vẫn hát hò. Mẹ còn thêm yếu tố mới bằng cách hát bài “Đoàn tàu đỏ xinh xinh” nữa để cho cậu thật vui thích rồi mới hỏi Joshua cho xem tàu. Hát xong, mẹ chỉ 1 cái tàu khác trên sàn và nói “Joshua, cho mẹ xem cái tàu kia nào”. Joshua nhặt cái tàu đó lên, nhưng chưa đưa ngay cho mẹ mà cứ bối rối nhìn chiếc tàu rồi lại nhìn mẹ. Mẹ liền nói ngay “Ừ, con có cái tàu hả. Mẹ thấy rồi”, kéo tay cậu về gần phía mẹ một chút và rồi lại tiếp tục hát. Cứ như vậy nhiều lần, mẹ hỏi Joshua cho mẹ xem những cái tàu khác nhau, gợi ý cậu cách “cho xem”, và đáp trả việc đó rất hứng khởi. Mẹ cũng thử dừng lại một chút trước khi hát, để cậu nhìn mẹ và hai mẹ con cùng chia sẻ niềm vui với nhau.
Bước 3. Dạy trẻ cách chỉ vào đồ vật và chia sẻ kinh nghiệm
Căn cứ: Ở trẻ, kỹ năng “chỉ cho” thường phát triển sau “đưa cho” và “cho xem”. Kỹ năng này rất quan trọng vì nó giúp trẻ chia sẻ mối quan tâm với người khác về đồ vật và sự kiện mà trẻ nhìn thấy (không sờ thấy) – như con chim bay trên trời, đèn trên trần nhà, con chó bị xích, sư tử trong vườn thú. Đây cũng là một cách để bày tỏ ý kiến về một thứ mà trẻ trông thấy, thông qua đó trẻ nắm bắt thêm cơ hội học hỏi. Cũng như dạy những cử chỉ khác, đầu tiên hãy giúp trẻ hiểu thế nào là “chỉ cho” và rồi giúp trẻ thực hiện điều đó.
Hoạt động: Dạy trẻ chú ý nhìn theo khi bạn chỉ
Sau đây là một số gợi ý để dạy trẻ chú ý nhìn theo khi bạn chỉ:
- Để dạy trẻ chỉ cho nghĩa là thế nào, hãy dùng ngón tay chỉ, chạm và thu hút sự chú ý của trẻ vào đồ vật ở gần trẻ – đồ gì đó trẻ đang tìm hay đang muốn. Khi chỉ, hãy nói như “Jamie, nhìn kìa. Một chiếc bánh quy”. Bạn có thể chỉ vào mẩu thức ăn ưa thích để trên bàn trước mặt trẻ. Bạn có thể chỉ miếng ghép hình mà trẻ đang định cầm, rồi chỉ vào vị trí của nó và nói “Jamie, đặt vào đây này” .Khi trẻ chú ý đến vật bạn chỉ, hãy giúp trẻ việc cần làm với đồ vật đó, như là phần thưởng dành cho việc trẻ đã nhìn vào đồ vật bạn chỉ. Đối với 1 đồ vật mà trẻ muốn, thay vì đưa cho trẻ, hãy để vật đó xuống và chỉ cho trẻ xem (“Chiếc ô tô đây này”).
- Nếu trẻ không chú ý nhìn, hãy thay đổi vị trí của bạn, của trẻ, hoặc vị trí của đồ vật để trẻ có thể thực hiện giao tiếp mắt dễ hơn. Hãy chỉ một vật thật gần, ở giữa bạn và trẻ. Cứ tiếp tục chỉ trong khi trẻ nhặt vật đó lên, như vậy trẻ sẽ hiểu được mối liên hệ giữa việc bạn chỉ và vị trí đặt đồ vật.
- Trước khi sử dụng cử chỉ khuyến khích đưa cho (chìa tay và nói “Đưa cho mẹ”), hãy chỉ vào vật mà bạn muốn trẻ đưa cho mình. Chỉ cho trẻ, hướng sự chú ý của trẻ vào đồ vật và xòe tay ra, giúp trẻ đưa vật đó cho mình. Hãy tạo cho trẻ nhiều cơ hội nhìn theo những gì bạn chỉ trong những tình huống khác nhau. Sau vài ngày, bạn sẽ thấy trẻ bắt đầu chú ý nhìn theo những gì bạn chỉ và hiểu ý nghĩa của hành động đó. Khi trẻ thường xuyên làm vậy là khi đó trẻ đã hiểu được ý nghĩa của hành động này.
- Sau khi trẻ quen với việc bạn chỉ và chạm vào những vật ở gần, hãy tăng khoảng cách giữa bạn và đồ vật bạn chỉ, ví dụ như “Jeff, nhìn kìa. Em bé kìa”. Hãy bắt đầu bằng khoảng cách từ tầm 15cm, rồi tăng lên 30cm, 60 cm, 90 cm (phù hợp với những đồ vật để trên sàn, trên ghế sofa, trên giường…). Đến lúc này, bạn biết trẻ đã hiểu rằng hành động chỉ cho hướng sự chú ý đến một vật gì đó quan trọng. Hãy chắc chắn là sau khi chú ý nhìn vào thì trẻ có được vật đó.
- Để món đồ chơi ưa thích của trẻ ra ngoài tầm tay và chỉ chúng, rồi nói “Tim, nhìn kìa. Ô tô kìa”, rồi chờ đến khi trẻ chú ý vào vật đó, trước khi lấy vật đó đưa cho trẻ.
Trong thực tế, có rất nhiều cơ hội để trẻ học kỹ năng này. Khi đến lượt bạn chỉ cho trẻ xem, hãy thay đổi các hoạt động với nhiều loại đồ vật khác nhau mà trẻ ưa thích.
Sau đây là một số ý tưởng để bạn dạy trẻ chỉ đồ:
- Khi đang chơi đồ chơi, dùng loại đồ chơi có nhiều mảnh ghép làm sao để khi chơi bạn có thể luôn chỉ cho trẻ chỗ đặt mảnh ghép kế tiếp vào, ví dụ chỗ đặt mẩu ghép hình, chỗ đặt khối hình, hay vị trí cái lỗ cần nhét vào v.v. Hoặc bạn có thể giấu mảnh đồ chơi cuối cùng gần đâu đó trên sàn, khi trẻ tìm nó thì hãy chỉ cho trẻ “[tên trẻ], nhìn kia”, và chỉ vào mảnh đó.
- Chỉ cho trẻ nút bật, nếu trẻ nhấn vào nút đó, trẻ sẽ thấy một điều thú vị xảy ra.
- Dùng truyện tranh bản lớn, có tranh to (và không vẽ nhiều thứ quá), để chỉ cho trẻ thứ gì đó trên mỗi trang truyện.
- Chỉ cho trẻ cách chơi một món đồ cũng giúp trẻ dễ dàng làm quen hơn.
- Hãy dùng những thứ mà bạn biết trẻ sẽ thích trong nhiều tình huống: món ngũ cốc để trên khay cao, cái vòng kế tiếp cần xếp trong trò xếp vòng, hay là đồ chơi khi tắm.
Hoạt động: Dạy trẻ chỉ vào đồ vật trẻ muốn
Giờ là lúc có thể dạy trẻ cách chỉ cho người khác. Để học cách chỉ, trẻ cần phải biết cách giơ tay về phía đồ vật ở xa mình để yêu cầu lấy đồ vật đó, tức là thể hiện mong muốn với một thứ mà không cần phải chạm vào nó. Ở chương 8, bạn đã bắt đầu chuẩn bị cho kỹ năng này.
Sau đây là một số gợi ý để dạy trẻ cách chỉ:
- Nếu trẻ có thể với tay thể hiện nhu cầu lấy đồ (chứ không phải là để với lấy), thì hãy cầm vật hơi cao hơn so với trẻ một chút (ví dụ nói “Con muốn uống nước không này?”) để khuyến khích trẻ với lên. Sau đó, nhanh chóng cầm tay trẻ nắn thành hình chỉ tay (“Hãy chỉ, chỉ vào cái cốc này”) và hướng đầu ngón tay của trẻ về phía đồ vật đó. Khi đó hãy đưa ngày đồ vật đó cho trẻ “Cốc này”. Sẽ tốt hơn nếu lúc đầu bạn cầm vật bằng tay không thuận, và nắn tay trẻ bằng tay thuận của bạn. Không cần thiết phải nắn tay trẻ quá chuẩn xác, chỉ cần trẻ chỉ ngón tay trỏ là được. Sau một thời gian tập luyện, bạn sẽ dạy được trẻ nắm những ngón tay còn lại.
- Chỉ là một hoạt động khó đối với trẻ tự kỷ. Vì vậy, bạ hãy tập cùng với trẻ nhiều lần trong ngày mỗi khi trẻ muốn vật gì đó (đó chính là phần thưởng cho hoạt động chỉ tay của trẻ và giúp trẻ củng cố kỹ năng này). Thời gian tốt là trong bữa ăn, khi chơi trò chơi, và lúc tắm. Trong mỗi hoạt động, hãy tập vài lần cho trẻ dùng hành động thể hiện yêu cầu một đồ vật. Khi đã đưa đồ vật cho trẻ, hãy để trẻ giữ trong ít phút chứ đừng lấy lại ngay để chuyển sang đồ vật khác vì như vậy sẽ dễ khiến trẻ ấm ức.
- Rồi bạn sẽ thấy, dần dà trẻ sẽ tự động chỉ tay mà không cần bạn giúp. Thật tuyệt vời phải không. Tất nhiên, đừng kỳ vọng trẻ sẽ làm hoàn hảo ngay, mọi việc cần có thời gian. Một cái chỉ tay gần đúng mà trẻ tự làm còn tốt hơn nhiều một cái hoàn hảo nhưng có bạn trợ giúp.
- Sau khi trẻ đã quen với việc chỉ những vật trong tầm tay, thì bạn có thể tập cho trẻ làm quen với những vật ngoài tầm với của trẻ. Kỹ năng này gọi là chỉ từ xa, sau khi trẻ đã thành thục với việc chỉ gần. Để dạy trẻ chỉ từ xa, hãy đưa vật đó cho trẻ khi ngón tay trỏ đang chỉ không chạm vào vật đó. Hãy bắt đầu với khoảng cách khoảng 10 -15 cm. Khi trẻ quen dần, hãy tăng khoảng cách lên 30cm, rồi xa hơn 50cm, 100cm. Khi làm được điều này, trẻ đã biết chỉ từ xa. Lúc này bạn có thể thử các vật ở xa trên đầu trẻ. Hãy dạy trẻ chỉ vào đồ vật ở các hướng khác nhau.
- Sau khi làm chủ được cách chỉ xa, trẻ có thể học chọn 1 trong 2 đồ vật khi bạn gọi tên chúng “Andrew, con thích ô tô hay xe tải nào?”, như vậy trẻ có thể chọn bằng cách chỉ vào thứ chúng muốn. Cách này cũng tốt cho những đồ vật to, như hộp ngũ cốc, áo, sữa, hay chai nước, đồ chơi khi tắm v.v. Chỉ tay để chọn là một kỹ năng rất hữu ích. Hãy nhớ luôn phải gọi tên các đồ vật khi cho trẻ chọn, đó cũng là cách học từ vựng tốt.
Cũng như với kỹ năng đưa cho và cho xem, ban đầu bạn dạy trẻ chỉ mà chưa yêu cầu phải có tiếp xúc mắt. Nhưng khi trẻ đã dễ dàng chỉ để yêu cầu, hãy chờ trẻ nhìn bạn sau khi chỉ vào đồ vật rồi hãy đưa nó cho trẻ. Để làm được điều này, bạn cần đứng trước mặt trẻ và đồ vật đó cũng ở phía trước, tạo điều kiện cho trẻ dễ dàng nhìn bạn. Khi trẻ chỉ vào đồ vật, hãy giữ lại nó, chờ trẻ nhìn bạn rồi hãy đưa. Nếu cần bạn có thể gọi tên trẻ hoặc làm một âm thanh gì đó để khuyến khích trẻ nhìn mình. Dần dần, yêu cầu trẻ luôn phải nhìn bạn khi chỉ vào một vật để yêu cầu.
“Một cuốn sách tranh là một đồ chơi tuyệt vời đối với con trai tôi. Chúng tôi có thể tìm sách toàn những tranh các đồ vật mà cậu bé thích và tạo ra rất nhiều hoạt động thú vị xung quanh cuốn sách. Đầu tiên, chúng tôi chỉ sử dụng cuốn sách để giúp cậu bé chỉ. Khi cậu bé học chỉ vào vật cậu bé muốn, cậu bé bắt đầu chỉ vào vật mà cậu bé quan tâm để chia sẻ cảm xúc của cậu bé về vật đó. Khi đó, chúng tôi có thể hỏi nhiều câu hỏi phức tạp. Chúng tôi bắt đầu yêu cầu cậu bé chỉ đồ vật, sau đó màu sắc hay hình khối, sau đó đến bộ phận của đồ vật (Ví dụ: bánh xe đâu?), sau đó những thứ trừu tượng hơn (Ví dụ: con thích xe nào?), v.v. Chúng tôi cũng tìm những cuốn sách có hình biểu cảm các nét mặt khác nhau, điều đó giúp cậu bé rất nhiều trong việc thực hành đọc hiểu cảm xúc của người khác. Khi cậu bé muốn chỉ đồ vật nào trong sách, nó mở ra rất nhiều cơ hội học hỏi cho cậu bé.”
Sau đây là một số ý tưởng cụ thể để dạy trẻ chỉ đồ vật trẻ muốn:
- Tạo cho trẻ nhiều cơ hội để tập chỉ bằng cách dùng những đồ vật có nhiều mảnh ghép, ví dụ như các miếng ghép hình, các khối đồ chơi lắp ráp, Legos, v.v. Hãy để trẻ yêu cầu vài miếng khi bạn gợi ý cho trẻ bằng cách chỉ chúng.
- Đôi khi, dán lên các đồ vật những dấu tròn hay các miếng dán cũng giúp trẻ học chỉ nhanh hơn. Mỗi lần, trẻ có thể dùng ngón tay chạm vào những dấu tròn đó. Khi trẻ đã thành thục và tự làm được, bạn có thể bóc bỏ những dấu tròn và trẻ sẽ vẫn tiếp tục chỉ.
Hoạt động: Dạy trẻ cách chỉ vào đồ vật để cho xem hoặc để bình luận
- Trẻ có thể chỉ để diễn đạt một số điều khác nhau. Có thể nghĩa là “Con muốn thứ này” (yêu cầu), có thể là “Hãy làm điều đó đi” (điều khiển hành động của người khác), cũng có thể ý là “Hãy chú ý” hoặc bày tỏ “Con thích thứ này” (chỉ cho hoặc bình luận). Khả năng bình luận rất quan trọng trong học ngôn ngữ và từ vựng, cũng nhưng trong việc hòa nhập với xã hội. Chỉ là một cách rất thông thường mà trẻ dùng để nhờ bố mẹ dạy tên đồ vật. Chúng ta đã bàn về cách dạy trẻ chỉ để yêu cầu, đưa để nhờ giúp đỡ hoặc nhờ ai đó bỏ một vật đi. Bây giờ, chúng ta hãy chuyển sang dạy trẻ cách chỉ và nhìn với ý nghĩa chỉ cho xem hoặc để bình luận.
Sau đây là một số gợi ý để dạy trẻ cách chỉ cho xem và chỉ để bình luận:
- Chỉ để cho xem là một cách cho xem phức tạp hơn. Trẻ cần phải thành thạo kỹ năng cho xem khi được yêu cầu trước khi học kỹ năng chỉ cho người khác xem. Một trong những cách tốt nhất để chuẩn bị là thường xuyên bình luận về những quyển sách có tranh rõ ràng, những cuốn sách ảnh hoặc trò xếp hình tranh. Trong khi chơi những trò này với trẻ, hãy ngồi đối diện và chỉ vào lần lượt từng bức tranh. Khi trẻ xem tranh (dừng lại 1 chút), hãy gọi tên bức tranh đó (bạn đã làm điều tương tự khi dạy trẻ chú ý khi bạn chỉ). Làm như vậy, chính là bạn chỉ cho trẻ xem hay chỉ để bình luận rồi đấy. Lúc trẻ nhìn, hãy tạo một âm thanh thú vị liên quan để trẻ thêm chú ý vào trò chơi. Bạn cần chắc chắn là trẻ luôn duy trì được sự chú ý vào bức tranh bạn đang chỉ. Khi trẻ không còn mấy hứng thú, hãy dừng trò chơi. Dùng đi dùng lại một số cuốn sách trong khoảng một tuần, điều này giúp tăng cường khả năng tiếp thu. Vì vậy, sự hứng thú và quan tâm của trẻ rất có thể sẽ tăng lên.
- Khi trẻ thích thú và thực sự hiểu được hoạt động này: chỉ cho và gọi tên, bạn có thể biến hóa một chút. Lưu ý là bạn nên đứng trước mặt trẻ. Bắt đầu hoạt động bằng cách chỉ vào bức tranh, nhưng đừng nói gì cả. Cũng không gọi tên bức tranh nữa. Hãy chờ, chuẩn bị sẵn những gì cần nói. Trẻ rất có thể sẽ nhìn bạn xem tại sao bạn không gọi tên như thường lệ. Khi đó, hãy gọi tên bức tranh và tạo âm thanh gì đó. Nếu trẻ không chịu nhìn, bạn tham khảo lại cách xử trí ở phần trên. Hãy thực hiện với một vài bức tranh theo cách thông thường để thiết lập một cách quen thuộc trước, rồi hãy thêm những yếu tố mới sau. Tập như vậy vài ngày bạn có thể sẽ thấy trẻ bắt đầu sử dụng ánh mắt nhìn bạn để gợi cho bạn nói. Như thế, bạn đã dạy được trẻ cách dùng giao tiếp mắt như một cách để hỏi người khác tên đồ vật. Đó cũng là cách để khởi xướng một câu bình luận.
- Bước tiếp theo sẽ là dạy trẻ sử dụng cách chỉ cho để gợi lời bình luận từ người khác. Hãy đứng trước mặt trẻ. Thay vì chỉ vào những bức tranh, bạn hãy để trẻ làm điều đó. Nếu trẻ có thể tự làm thì thật là tuyệt. Nếu không, cầm tay trẻ để giúp chỉ vào từng bức tranh, đồng thời nói và tạo âm thanh ngay khi trẻ làm vậy như trên. Khi trẻ quen với điều này, giảm bớt dần sự giúp đỡ cho tới khi trẻ có thể tự chỉ vào những bức tranh còn bạn bình luận từng bức tranh trẻ chỉ đó.
- Sau khi trẻ đã tự mình chỉ vào tranh cho bạn gọi tên, đừng nói gì nữa khi trẻ chỉ như thường lệ. Hãy dừng lại một chút, chuẩn bị điều bạn cần nói. Rất có thể trẻ sẽ ngước lên nhìn bạn xem tại sao bạn lại không gọi tên, lúc đó bạn lại nói và tạo âm thanh như trước. Tiếp tục để trẻ chỉ tranh và bạn lại gọi tên thêm vài lần nữa mà không cần giao tiếp mắt, sau đó bạn lại dừng lại và chờ trẻ nhìn. Thực hành như vậy trong vài ngày. Sau đó, có thể trẻ sẽ học được cách kết hợp chỉ cho và nhìn bạn chờ câu trả lời. Như vậy là bạn đã thành công trong việc dạy trẻ cách chỉ cho và nhìn người khác để yêu cầu họ gọi tên đồ vật, cũng như để bắt đầu bàn luận. Kết hợp được hành động chỉ cho và giao tiếp mắt vừa để khởi đầu vừa để hiểu lời bình luận – đánh dấu một bước tiến bộ tuyệt vời của trẻ.
- Hãy thực hành kỹ năng chỉ-và-gọi tên trong nhiều tình huống. Tắm cũng là thời điểm thích hợp cho việc dạy kỹ năng này với các đồ chơi nhà tắm. Xếp bánh quy trên ghế rồi chỉ và đếm cũng hay. Tương tự xếp các hình khối trên sàn, xếp ô tô nhỏ, xếp các đồ vật trên bàn hoặc đồ dao dĩa.
- Chỉ cho trẻ và gọi tên cả những đồ vật ngoài trời giúp trẻ hứng thú cả với thế giới bên ngoài nữa, như hoa, chó, chim, vòi nước. Hãy nhớ dạy cho xem cũng đồng thời là dạy trẻ tên gọi. Khi bạn đã dạy trẻ hoạt động cho xem và chỉ cho xem trong nhiều tình huống, bạn sẽ nhận thấy trẻ bắt đầu tự chỉ vào vật gì đó nhằm cho bạn xem và gọi tên đồ vật đó. Đây là một bước tiến rất quan trọng giúp trẻ bước vào một thế giới chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc và ngôn từ của trẻ.
Tổng kết bước 3
Đến bước này bạn đã hoàn thành việc dạy trẻ cách đưa cho, cho xem và chỉ cho người khác các đồ vật để đạt nhiều mục đích giao tiếp khác nhau (để yêu cầu, để nhờ giúp đỡ, để bày tỏ ý kiến, để chia sẻ trải nghiệm). Hãy kiểm tra xem bạn đã thực cho trẻ các kỹ năng quan trọng để phát triển kỹ năng cùng chia sẻ. Nếu chưa ổn, bạn hãy thực hành lại khi chơi và chăm sóc trẻ cho tới khi làm được hết các mục sau.
Kiểm tra: Bạn đã dạy được trẻ chú ý nhìn theo khi bạn chỉ và tự chỉ các đồ vật cho người khác chưa?
____Khi bạn chỉ, trẻ có thể chú ý theo, đặt, và nhặt đồ chơi, đồ ăn hoặc những vật khác không?
____Trẻ có thể tự chỉ để lựa chọn (có giúp đỡ, nếu cần) một trong hai đồ vật bạn đưa ra không?
____Trẻ có thể theo được khi bạn chỉ vào tranh trong sách không?
____Khi bạn chỉ vào tranh và dừng lời, trẻ có ngước lên nhìn bạn không?
____Trẻ có thể chỉ vào tranh và quay ra nhìn bạn khi xem sách không?
____Bạn có tự tin rằng đã có đủ các công cụ để cùng chia sẽ các hoạt động với trẻ không?
Câu chuyện của Andrew
Andrew thích chơi bóng bay, nên bố mẹ cậu nghĩ ra một số cách để tập cho cậu cách chỉ khi chơi trò này. Đầu tiên, họ bắt đầu chơi như thường lệ, Andrew yêu cầu bố mẹ cho xì hơi quả bóng bay (bằng cách thổi phù phù) và để nó bay quanh phòng. Sau vài lần, bố mẹ biến tấu trò chơi một chút bằng cách quỳ bên cạnh Andrew sao cho cậu không thể thấy quả bóng xịt hơi rơi xuống đâu. Bố mẹ thì biết nên họ chỉ cho Andrew để cậu theo đó mà nhặt quả bóng. Bố mẹ sợ cậu cho bóng vào miệng (sợ bị ngạt) nên lúc nào họ cũng ở ngay cạnh cậu. Thay vì thế, lần này họ chỉ vào quả bóng trên tay Andrew và yêu cầu cậu đưa nó cho họ. Vì Andrew đã được học cách đưa cho đồ vật mà không cần bố mẹ gợi ý bằng việc chìa tay, nên cậu làm theo khá dễ dàng. Bố mẹ lặp đi lặp lại trò chơi: Andrew yêu cầu họ xì hơi bóng, thả cho bóng bay, cùng chờ với cậu đến khi bóng rơi xuống, chỉ chỗ quả bóng cho cậu. Trò này hiệu quả tới nỗi, Andrew thậm chí còn tự nhìn bố mẹ xem có gợi ý gì không trước cả khi quả bóng rơi xuống. Tiếp theo, bố mẹ dạy cậu cách chỉ cho người khác. Mẹ thổi quả bóng phồng lên một chút và chỉ vào quả bóng chưa căng lắm, hỏi Andrew “Thổi nữa không con?”. Andrew kêu lên đồng ý, mẹ lại thổi thêm một hơi và dừng lại. Lần này, mẹ giúp cậu chỉ vào quả bóng trong khi cậu kêu lên và mẹ thổi 2 hơi vào quả bóng rồi mới dừng. Mẹ tiếp tục chỉ vào quả bóng và hỏi “Thổi tiếp nhé” rồi cầm tay cậu chỉ vào quả bóng trước khi tiếp tục thổi. Mẹ cứ làm thế nhiều lần tới khi quả bóng đủ căng để xì hơi cho bay. Mẹ thả quả bóng ra, bố thì chỉ cho Andrew chỗ bóng rơi khi cậu nhìn bố tìm gợi ý. Khi Andrew đưa bóng lại cho mẹ, mẹ lặp lại trò chơi, thổi một ý rồi chờ cậu chỉ để yêu cầu mới làm tiếp. Dù Andrew chưa thể chỉ thật hoàn hảo, cậu còn đưa đầu ngón tay trỏ chạm vào quả bóng, nhưng thế là bố mẹ đã rất hài lòng rồi.
Cậu chuyện của Joshua
Joshua có vài quyển tranh tàu hỏa mà mẹ thường xem cùng cậu trước khi đi ngủ. Mẹ đặt cuốn sách vào giữa và chỉ từng bức tranh mà mẹ biết là cậu đang nhìn. “Con thấy tàu hỏa không này” hoặc “Ừ nhỉ, có khói này”. Sau khi xem vài trang và bình luận, mẹ chỉ vào một bức tranh khác và nói “Joshua nhìn này, có một cái tàu màu đen” và huýt sáo như tiếng còi tàu để cậu chú ý. Joshua nhìn mẹ, mẹ lại chỉ tiếp con tàu ở trang khác và huýt sáo. Mẹ tiếp tục chỉ cả những thứ mà Joshua tự nhìn vào và những thứ mẹ muốn chỉ cậu xem. Dần dần, mẹ dừng lại một chút khi chỉ vào bức tranh vì mẹ muốn cậu quay sang nhìn mình đã. Khi cậu làm vậy, mẹ huýt sáo rồi gọi tên bức tranh. Những tối tiếp theo, đây là trò mới của hai mẹ con với sách tranh và một tuần sau đó mẹ bắt đầu dạy Joshua cách chỉ vào tranh trước khi mẹ huýt sáo và gọi tên. Mẹ vẫn tiếp tục chỉ cho Joshua để cậu không phải liên tục tự chỉ ở tất cả các trang vì sợ như thế là quá tải với cậu trong một buổi tối. Nhưng mà mỗi ngày khi đi ngủ, mẹ lại giúp cậu làm nhiều lên một chút để cậu chỉ vào thêm một số bức tranh hoặc chờ cậu nhìn mẹ rồi mới chuyển trang. Và hai tuần sau, mẹ đã thấy cậu tiến bộ đáng kể khi hai mẹ con chia sẻ việc xem sách với nhau mỗi tối. Cậu hào hứng tự chọn sách mà họ sẽ xem, mang nó lên giường, khi mẹ hỏi “Tàu đỏ đâu con?” hay “Bác lái tàu đâu?” thì cậu chỉ tay vào tàu rất hào hứng và nói “Tàu” hoặc kêu lên thích thú. Gần đây, cậu bắt đầu tự chỉ vào các bức tranh, kỳ vọng là mẹ sẽ gật đầu hoặc là huýt sáo. Joshua hào hứng chỉ vào bức tranh và nói “Tàu”. Mẹ và Joshua cùng nhau chơi thật vui khi bây giờ cậu đã có thể dùng nhiều hành động khác nhau và chia sẻ sự thích thú với mẹ.
Tổng kết chương 10
Trẻ mắc chứng tự kỷ thường gặp khó khăn trong việc hiểu và sử dụng kỹ năng cùng chú ý để thể hiện và chia sẻ mối quan tâm với người khác và khuyết đi khả năng này sẽ làm mất dần đi các cơ hội giao tiếp của trẻ. Nhưng dù sao, trẻ tự kỹ vẫn có khả năng học và tiến bộ đáng kể kỹ năng cùng chia sẻ cũng như những kỹ năng phi ngôn ngữ và ngôn ngữ khác. Điều quan trọng là tạo cho cho trẻ càng nhiều cơ hội càng tốt để chia sẻ mối quan tâm với bạn và bạn làm điều đó với trẻ bằng cách chỉ cho trẻ cách thực hiện và gợi ý trẻ thực hiện các phản hồi tương ứng. Hãy nhớ rằng những đứa trẻ sơ sinh thông thường có thể giao tiếp phi ngôn ngữ với cha mẹ suốt cả ngày. Chúng có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn cơ hội để học mỗi ngày. Bạn cần phải tạo ra những cơ hội như thế cho con mình. Đây là bước cực kỳ cần thiết để phát triển ngôn ngữ cho trẻ. Những kỹ năng bạn dạy trẻ ở chương này là để chuẩn bị cho trẻ học nói. Như chúng ta đã bàn trong chương 7, cử chỉ và ánh nhìn chính là kiểu ngôn ngữ đầu tiên của con người, ngôn ngữ giao tiếp mà chúng ta sẽ luôn dùng trong giao tiếp xã hội mãi về sau. Kỹ năng cùng chia sẻ sẽ cho trẻ cơ hội để thể hiện điều mình thích, không thích, mong muốn, sự hứng khởi, ý nghĩ, yêu cầu, và cảm xúc về những đồ vật và sự việc xung quanh. Cử chỉ, tiếp xúc mắt và biểu cảm mặt là cách giao tiếp trực tiếp với tâm tư tình cảm của người khác. Dạy trẻ cách dùng cử chỉ và ánh nhìn trong các hoạt động thường nhật để truyền thông điệp về ý muốn, ý thích sẽ giúp trẻ bước đầu hiểu giao tiếp để làm gì: Giao tiếp là cách có chủ ý và rất hữu hiệu trong việc tác động đến người khác. Học giao tiếp thông qua cử chỉ và ánh nhìn có thể giảm bớt một số vấn đề về cách cư xử thường đi kèm với chứng tự kỷ, bằng cách giúp trẻ có được các công cụ giao tiếp hữu hiệu để thể hiện nhu cầu, lựa chọn và ý muốn. Nó cho phép trẻ tích lũy được một nền tảng vững chắc hơn để học ngôn ngữ sau này.
Danh sách ghi nhớ
Mục tiêu: dạy trẻ nhìn theo và chia sẻ mối quan tâm về một vật hay một đồ chơi nào đó với bạn, bằng cách sử dụng hành vi cùng chia sẻ: đưa cho, cho xem, và chỉ.
Các bước:
- Đưa đồ vật để yêu cầu giúp đỡ.
- Dạy trẻ cách đưa đồ cho bạn và nhận lại ngay lập tức.
- Hãy yêu cầu trẻ nhìn trước khi bạn đưa đồ vật cho trẻ.
- Trẻ không cần trẻ phải giao tiếp mắt lúc ban đầu thực hiện hoạt động cho xem cũng giống hư hoạt động đưa cho.
- Chỉ nghĩa là yêu cầu trẻ nhìn theo hướng của tay.
- Hoạt động chỉ của trẻ yêu cầu cả ngôn ngữ và hành động. Hãy hỗ trợ đạt được kỹ năng quan trọng đó.
- Yêu cầu trẻ giao tiếp mắt trước khi hoàn thành từng bước trong kỹ năng cùng chú ý.
CHƯƠNG 11. TĂNG CƯỜNG KỸ NĂNG CHƠI
Mục tiêu của Chương: Giúp các cha mẹ (1) tăng cường các cơ hội chơi đồ chơi với con, (2) hỗ trợ con chơi đồ chơi độc lập, chơi đa dạng và chơi đúng cách.
Tại sao chơi đồ chơi đa dạng, linh hoạt lại quan trọng đối với việc học của trẻ?
Trẻ dành phần lớn thời gian vào việc chơi. Nếu đó không phải là giờ sinh hoạt hay ngủ, thì trẻ dành thời gian chơi với người hoặc đồ vật xung quanh trẻ. Chơi có một số chức năng quan trọng sau:
- Trẻ nhỏ chơi để xây dựng các kỹ năng mới – thử đi thử lại trò leo núi, đặt vào rồi lại lấy đồ vật ra khỏi chiêc hộp, đẩy chiếc ô tô, xếp hình, hoặc chỉ đơn giản là sắp xếp đồ chơi.
- Trẻ nhỏ chơi để thực hành các kỹ năng mà chúng đã thành thục. Thật dễ nhận thấy trẻ con vui sướng cỡ nào khi chúng thực hành các kỹ năng trong lúc chơi.
- Trẻ đa dạng trò chơi và cố gắng thử chơi nhiều cách với đồ chơi hoặc đồ vật nào đó. Trẻ có thể biến mọi thứ thành đồ chơi – thùng chứa đồ nhựa, vải vụn, hộp, gậy, hoặc chơi với cát, hay đồ chơi gì mới nhất người lớn mua cho.
- Trẻ chơi với đồ chơi để thực hành các kỹ năng xã hội. Chúng ta dễ nhận thấy điều này vì trẻ thường thích khi có người khác chơi cùng. Trẻ học bằng cách xem người khác chơi đồ chơi, và học cách chia sẻ, chơi theo lượt, và phối hợp với người khác trong quá trình chơi. Trong các trò chơi giả vờ với người khác, trẻ thực hành các thói quen sinh hoạt hàng ngày trong các trò chơi với búp bê, đồ chơi nhà bếp, đồ chơi bác sỹ, và con vật. Trẻ coi mình như người lớn, và đang thực hiện công việc của người lớn. Và tất nhiên, khi có người khác cùng chơi, thì khoảng thời gian đó là khoảng thời gian học ngôn ngữ tuyệt vời.
Điều gì xảy ra với trẻ tự kỷ?
Mặc dù tất cả trẻ em đều thích chơi đồ chơi lặp đi lặp lại (gõ chiếc thìa trên bàn, nghịch nước trong khi tắm, chơi với các đồ chơi), nhưng phần lớn trẻ con đều chơi rất đa dạng đồ chơi. Chúng làm nhiều hoạt động trong một giờ chơi, chơi với đồ vật theo nhiều cách khác nhau. Còn trẻ tự kỷ cũng chơi đồ chơi, nhưng thường chơi với một số đồ chơi. Chúng thường thích ghép hình, các khối, ô tô, chiếc cánh, tấm trượt, và cũng giống như trẻ khác, trẻ tự kỷ thích chơi lặp đi lặp lại. Tuy nhiên, cách chơi của trẻ tự kỷ khác trẻ bình thường ở một số điểm sau:
- Trẻ tự kỷ có xu hướng lặp đi lặp lại một hành động nhiều hơn trẻ bình thường
- Trẻ tự kỷ dành nhiều thời gian một cách bất thường với đồ chơi trẻ thích, chơi lặp đi lặp lại mọi lúc. Chúng dường như không thấy nhanh chán như những trẻ khác.
- Trẻ tự kỷ chỉ chơi những đồ chơi đơn giản hơn trẻ cùng tuổi. Trẻ thường thấy vui vẻ với các đồ chơi đơn giản, chơi theo cách đơn giản, sử dụng các kỹ năng trẻ đã học được nhiều tháng hay năm trước, thay vì chơi nhằm học được các kỹ năng mới.
- Trẻ tự kỷ chơi đồ chơi theo cách khác thường. Trẻ thích cho ô tô chạy vòng vòng, cầm trong tay, đi tới lui theo 1 đường thẳng, hơn là lái chiếc ô tô đó. Trẻ thích chơi với đồ vật như chiếc cánh, đôi giày hoặc một đồ nào đó và bỏ qua những đồ chơi thông thường khác.
- Trẻ tự kỷ ít chú ý và kỹ năng kém trong các trò chơi giả vờ hơn các bạn độ tuổi. Giả vờ rửa bát, cho búp bê hay con vật ăn, khám bác sỹ, mặc quần áo hay trò chơi đóng vai khác dường như ít thu hút trẻ tự kỷ, và chúng tỏ ra không hiểu những trò chơi kiểu này.
- Trẻ tự kỷ có xu hướng chơi một mình với đồ chơi trong một thời gian lâu hơn trẻ bình thường. Chúng không muốn bố mẹ, anh chị trong gia đình hay người khác chơi cùng.
Sao đó lại là vấn đề?
Tất nhiên, khi trẻ chơi một mình, trẻ sẽ không có nhiều cơ hội để học ngôn ngữ như những trẻ đang chơi với bố mẹ, ông bà, anh chị lớn tuổi. Cách chơi khác thường giới hạn các cơ hội học vì 2 lý do sau:
- Chơi đơn giản và lặp đi lặp lại với khá ít đồ chơi làm mất đi cơ hội chơi với các đồ chơi mới lạ, giảm đáng kể cơ hội học hỏi những cái mới.
- Chơi một mình giảm đáng kể các cơ hội học hỏi không chỉ về ngôn ngữ, mà còn cách chơi mới, kỹ năng xã hội mới đạt được trong quá trình chơi. Vì trẻ tự kỷ khó khăn trong việc bắt chước người khác, trẻ thực sự cần nhiều thời gian để chơi với người khác, để đạt được các kỹ năng xã hội giống như trẻ bình thường.
Các trò chơi mà chúng tôi khuyến khích cha mẹ chơi từ Chương 4 tới Chương 10 hướng tới việc hình thành một kỹ năng cụ thể: kỹ năng về ngôn ngữ, kỹ năng nhận thức và xã hội, kỹ năng giao tiếp. Trong chương này, chúng tôi chỉ tập trung vào kỹ năng chơi với đồ chơi đúng cách, còn chương tiếp theo chúng tôi tập trung vào các trò chơi giả vờ – chơi nhập vai. Trẻ tự kỷ sẽ học được nhiều hơn nếu trẻ được chơi với nhiều đồ chơi, chơi với nhiều người, chơi theo nhiều cách khác nhau. Tăng cường hứng thú trong chơi, tức là bạn đã tăng cơ hội học tập cho trẻ thông qua hoạt động chơi.
Bạn cần làm gì để tăng cơ hội học hỏi, chơi linh hoạt và chơi đa dạng trong quá trình chơi đồ chơi với trẻ?
Cảnh báo! Việc dạy cách chơi mới và chơi đa dạng đòi hỏi trẻ phải có kỹ năng bắt chước. Nếu con bạn chưa phát triển kỹ năng bắt chước nhiều, thì hãy dành thêm thời gian cho các hoạt động mô tả trong Chương 8 trước khi tập trung cho các kỹ thuật mô tả trong chương này. Bắt chước hoạt động của người khác với đồ vật chính là việc xây dựng kỹ năng chơi đa dạng và thuần thục của trẻ.
Xây dựng kỹ năng chơi từ Bắt chước
Tin tốt cho bạn! Bạn đã biết cách dạy con tăng cường khả năng chơi! Đó là vì dạy kỹ năng chơi giống như việc bạn dạy trẻ bắt chước với đồ vật. Bạn dùng kỹ năng bắt chước như là một công cụ để dạy kỹ năng chơi, và bạn sử dụng 4 cấu phần chính của một hoạt động mà bạn đã nắm được để xây dựng các kỹ năng khác:
- Bạn thiết lập các cơ hội chơi với đồ vật mà trẻ hứng thú. Bạn sẽ cung cấp các đồ vật hấp dẫn mà thu hút trẻ chơi cùng với bạn, bạn và trẻ bắt đầu chơi, dựa theo sự hứng thú của trẻ đối với đồ vật.
- Bạn phát triển các hoạt động chơi, bao gồm cùng chơi đồ chơi với nhau, chơi luân phiên, và xác định chủ đề chính.
- Bạn thêm các yếu tố mới vào trò chơi, nhằm chỉ cho trẻ cách chơi mới, rồi chuyển đồ vật cho trẻ và hỗ trợ trẻ bắt chước và thực hành cách chơi mới với đồ vật.
- Kết thúc trò chơi/Chuyển sang hoạt động khác, bạn sẽ kết thúc trò chơi khi hứng thú của trẻ giảm dần, bạn và trẻ cất đồ chơi đi và chuyển sang hoạt động khác.
Quyết định loại đồ chơi để dạy trẻ
Làm thế nào để bạn xác định những kỹ năng chơi nào cần dạy trẻ? Bạn chắc hẳn đã biết nhiều về câu trả lời rồi. Bạn biết đồ chơi trẻ có, đồ chơi trẻ thích, và trẻ chơi với những đồ chơi này như thế nào. Điều bạn cần là một vài ý tưởng để dạy các kỹ năng chơi mới.
Bạn có thể phát triển các kỹ năng chơi của trẻ theo hai cách: (1) tăng số lượng đồ chơi mà trẻ chơi và (2) giúp trẻ tăng cường kỹ năng chơi phức tạp. Hãy bắt đầu với chủ đề tăng số lượng đồ chơi mà trẻ biết cách chơi. Đầu tiên, bạn cần lựa chọn đồ chơi (và các vật dụng trong nhà để chơi như cốc, chảo, cái muôi, thìa) phù hợp với kỹ năng hiện tại của con bạn. Tất cả trẻ đều có các kỹ năng chơi đa dạng trong quá trình chơi, và con bạn cũng vậy. Một vài kỹ năng chơi của trẻ có thể rất đơn giản, chơi lặp đi lặp lại kéo dài (như lắc, gõ, thả, hay xem một vật gì đó chuyển động). Một vài kỹ năng chơi khác phức tạp hơn, yêu cầu trẻ điều khiển đồ chơi theo kiểu trò chơi nhân – quả, như phân loại các khối hình, xếp hình, cho ô tô chạy quanh nhà. (Các trò chơi giả vờ sẽ mô tả ở chương tiếp theo. Trong chương này, chúng tôi chỉ tập trung dạy trẻ chơi với đồ chơi mà trẻ thích do hiểu được nhân – quả).
Bắt đầu bằng việc liệt kê một loạt các đồ chơi trẻ đang có mà phù hợp với kỹ năng chơi phức tạp của trẻ. Khi bạn đã làm xong việc đó, hãy liệt kê đồ chơi mà trẻ đang biết cách chơi mà không cần sự hỗ trợ từ bạn. Những đồ chơi được liệt kê này là những đồ chơi “duy trì”, đồ chơi thân thuộc mà trẻ biết chơi và thích chơi. Hãy ghi chữ M bên cạnh các đồ chơi đó (Maintenance). Và bây giờ hãy nhìn vào danh sách đồ chơi còn lại, có thể còn rất nhiều đồ chơi trẻ có những lại chưa biết cách chơi. Hãy liệt kê 5 đồ chơi mà trẻ có thể học chơi dễ dàng và thích thú, đó có thể là lựa chọn tốt để bạn dạy trẻ chơi. Hãy viết chữ G bên cạnh các đồ chơi đó – đây là những đồ chơi mục tiêu (Goal). Hãy tập hợp những đồ chơi đó, đặt chúng ở những vị trí dễ lấy, và gắn với hoạt động chơi hàng ngày. Đó là 5 đồ chơi mà bạn tập trung đầu tiên. Mục tiếp theo sẽ giúp bạn các kỹ thuật dạy chơi đồ chơi. Khi trẻ đã học được cách chơi 5 đồ chơi đó, hãy quay trở lại quy trình trên, ghi chữ M lên 5 đồ chơi đó vì con bạn đã biết cách chơi chúng, và lại chọn 5 đồ chơi mục tiêu tiếp theo. Thật dễ dàng và đơn giản để trong một tuần, con bạn có thể hoặc cách chơi với 1 hoặc 2 đồ chơi mới nếu như bạn chơi với con hàng ngày, và hỗ trợ con chơi đúng cách. Bằng cách này, tuần qua tuần, bạn có thể tăng cường kỹ năng chơi đồ chơi của trẻ.
Lời khuyên hữu ích:
Chúng tôi xin nhắc lại đồ chơi điện (bật – tắt) dường như kích thích khả năng chơi lặp đi lặp lại và chơi một mình của trẻ tự kỷ. Vì thế, trong khi bạn giúp trẻ tăng cường kỹ năng chơi, chúng tôi khuyên bạn nên cất các đồ chơi này đi, đồng thời tắt ti vi và phim. Tập trung vào chơi các đồ chơi xây dựng đơn giản, đồ chơi gia dụng và đồ chơi giả vờ.
Chơi các đồ chơi với hành động nhân- quả
Bây giờ, bạn đã xác định được số đồ chơi mục tiêu để dạy con mình, liên quan đến các hành động nhân – quả, bạn sẽ bắt đầu giúp con mình học cách chơi theo một chức năng chính, cách chơi thông dùng nhất mà trẻ khác vẫn chơi. Bạn có thể sử dụng cấu phần của một hoạt động chung để đảm bảo con bạn trước hết có thể học chức năng chính của đồ chơi, sau đó sẽ học cách chơi đa dạng với một hoặc nhiều cách khác nhau. Bạn có thể bắt đầu công việc bằng cách dạy trẻ cách bắt chước bạn chơi với đồ chơi (Chương 8). Dưới đây là một vài kỹ thuật giúp con bạn rèn luyện các kỹ năng chơi đồ chơi.
Hướng dẫn trẻ chơi một số đồ chơi đúng chức năng chính của đồ chơi
Hầu hết đồ chơi đều có ít nhất một chức năng chính. Đối với sách, đó là nhìn vào tranh và chữ. Đối với đồ chơi xếp hình, đó là đặt miếng ghép đúng vị trí. Đối với trò chơi đập bóng, đó chính là đập trúng vào quả bóng cho nó rơi xuống lỗ. Đối với trò chơi xếp khối, đó chính là xếp chồng các khối và xây dựng thành các tòa nhà. Nếu con bạn chưa biết cách chơi với 1 hoặc nhiều đồ chơi, hãy bắt đầu bằng việc dạy con chơi đúng chức năng chính của 1 đồ chơi nào đó. Bạn chỉ cần thao tác một hành động để tạo chủ để cho trò chơi. Nếu bạn không chắc chắn về việc tạo ra chủ đề bằng cách nào, hãy quan sát trẻ chơi với đồ chơi hoặc nghĩ về những chức năng của đồ chơi. Liệu đó có phải là cuộn, phân loại, kéo, đẩy, cho vào – lôi ra, đi lên – đi xuống? Hãy đặt tên cho hành động, và chơi luân phiên với trẻ.
Dưới đây là một vài trình tự:
- Sắp xếp lại đồ chơi. Hãy để đồ chơi ở vị trí mặt – đối – mặt với trẻ, thậm chí cả ở trên sàn nhà hoặc đặt ở bàn nhỏ hoặc bàn trà;
- Đặt đồ chơi ở giữa bạn và trẻ. Cầm một hay hai miếng ghép, và chỉ cho trẻ thấy cách chơi với đồ chơi.
- Con bạn có quan tâm không? Trẻ có đang nhìn vào đồ chơi, cầm một miếng ghép, ngồi xuống hoặc quan sát hành động của bạn không? Nếu có, hãy đưa cho trẻ một miếng và chờ xem trẻ có làm giống bạn không. Nếu trẻ làm, hãy khen trẻ rồi bạn tự ghép miếng tiếp theo, rồi lại đưa trẻ miếng ghép khác. Trẻ đã thích chơi trò này! Nếu trẻ không bắt chước bạn, hãy giúp trẻ bằng cách cầm tay trẻ và giúp trẻ làm giống bạn. Bạn có thể phải thao tác lại, cường điệu hóa giọng nói/âm thanh nào đó (ồ, xem mẹ nè!) hoặc thao tác thật chậm, vì thế trẻ có thể quan sát và thực hành các bước. Hoặc bạn có thể bắt đầu 1 hành động, rồi để trẻ kết thúc hành động đó. Nếu trẻ không làm theo, hãy cầm tay và giúp trẻ thao tác. Hãy khen khi trẻ làm xong, rồi lại đưa trẻ miếng ghép khác, và giúp trẻ thực hiện.
- Con bạn có thực sự quan tâm không? Thật tuyệt vời! Bây giờ đến lượt bạn, và lại đưa trẻ miếng ghép khác. Hãy quan sát xem trẻ có thao tác đúng không. Nếu thao tác đúng, hãy khen trẻ khi trẻ kết thúc và đưa trẻ miếng ghép khác nếu trẻ còn hứng thú. Nếu không, hãy tiếp tục giúp đỡ trẻ (ở một chừng mực nào đó) để trẻ tiếp tục chơi.
- Hãy cố gắng tạo cho trẻ từ 3 đến 5 cơ hội để thực hiện 1 thao tác nào đó, thậm chí nhiều lần hơn nếu trẻ hứng thú (trẻ vẫn ngồi, cầm miếng ghép, và quan sát bạn làm). Đến lượt bạn chơi, rồi lại đưa cho trẻ miếng ghép, giúp đỡ trẻ nếu cần. Hãy cười, khen trẻ, gọi tên đồ chơi, tên thao tác, và chỉ cho trẻ thấy bạn đã hài lòng như thế nào đối với nỗ lực học tập của con bạn.
- Chơi đồ chơi mục tiêu này vài lần trong ngày. Con bạn có lẽ sẽ cảm thấy vui vẻ hơn với lần chơi tiếp theo.
- Bạn cũng cần sắp xếp các đồ chơi “duy trì” (M), vì thế trẻ vẫn được chơi những đồ chơi yêu thích.
- Khi trẻ đang chơi đồ chơi mục tiêu (G) đúng cách, bạn hãy mở rộng khả năng chơi của con bằng cách khuyến khích con chủ động chơi. Vẫn tiếp tục chơi cùng với trẻ như trước, nhưng thay vì đưa cho trẻ đồ chơi và giúp đỡ trẻ thao tác như trước, bạn hãy đặt hai hay ba miếng ghép trên sàn nhà hay trên mặt bàn. Bạn hãy cầm 1 miếng rồi ghép, và chờ trẻ chủ động nhặt miếng ghép còn lại để ghép. Nhớ duy trì thói quen chơi luân phiên giữa bạn và trẻ, gọi tên đồ chơi, tên thao tác, và chỉ cho trẻ thấy bạn đã hài lòng như thế nào đối với nỗ lực học tập của con bạn.
Lời khuyên hữu ích:
Rất nhiều đồ chơi có nhiều miếng ghép. Nếu trẻ chưa biết cách chơi, bạn hãy dạy trẻ bắt đầu chơi nhưng chỉ với 1, 2 miếng, đừng vội dạy ghép toàn bộ vì thế trẻ sẽ không bối rối vì quá nhiều miếng ghép. Cũng tương tự như vậy, hãy chỉ để một đồ chơi trước mặt trẻ và giúp trẻ tập trung thực hành các kỹ năng được dạy (đồ chơi sẽ đặt ở “điểm chú ý của trẻ”) và tránh làm cho trẻ lúng túng hoặc rối bời vì có quá nhiều đồ chơi bày trước mặt.
Trong phần Phụ lục ở cuối cuốn sách này, chúng tôi đã liệt kê một loạt các đồ chơi để bạn có thể chơi cùng với trẻ.
Dưới đây là một vài ý tưởng về đồ chơi mục tiêu (G) mà có thể con bạn chưa biết chơi:
- Sách
- Chơi bóng
- Các chất liệu nghệ thuật
- Miếng ghép, phân loại hình, phân loại màu, Xếp hình.
- Đồ chơi xây dựng hay đồ chơi xếp tháp
- Xâu hạt hay buộc dây
- Các đồ chơi âm nhạc.
- Chơi cát nước ngoài trời
- Chơi trong phòng tắm
- Chơi giả vờ như bộ đồ nông trang hay nhà búp bê (Chương 12).
Lời khuyên hữu ích:
ü Hãy tìm cuốn sách ít chữ và tranh nhất trên một trang ü Hãy tìm những cuốn truyện đơn giản mà nội dung hay lặp đi lặp lại ü Hãy tìm sở thích của trẻ (mặt em bé, các mặt cười, các con vật, hành động, và thói quen sinh hoạt hàng ngày mà trẻ thích). ü Khi trẻ mới bắt đầu một mục tiêu học mới, như ngồi bô, rửa tay, bạn hãy đọc sách cho con về các chủ đề này. Điều đó sẽ giúp ích cho con rất nhiều. ü Và điều quan trọng nhất, hãy làm theo sự dẫn dắt của trẻ. Chẳng hạn cho trẻ cùng đi mua sách, chọn sách khi bạn đưa trẻ đến hiệu sách gần nhà. |
Dạy trẻ biến tấu cách chơi với đồ vật; sự biến tấu này tạo nên cách chơi phức tạp
Chơi linh hoạt rất quan trọng trong quá trình học. Bạn thấy sự đa dạng khi con bạn chơi nhiều cách với một đồ chơi. Vì trẻ đã biết chơi chức năng chính của đồ chơi (chủ đề chính), bạn có thể dạy cho trẻ thêm một vài cách chơi khác (biến tấu). Các khối có thể xếp chồng thành tòa nhà, nhưng cũng có thể xếp thành đường để cho ô tô hoặc tàu chạy. Các đồ như lego hay Tinkertoy có thể xếp thành máy bay, cốc kem, ống tròn. Trẻ có thể tô màu với bút vẽ, bút chì, phấn, và với bút xóa thì trẻ có thể tạo ra dấu thập, đường thẳng, các điểm, hoặc có thể xóa để tô lại bằng màu khác.
Một cách khác để tăng cường khả năng chơi đa dạng và phức tạp là tăng số lượng thao tác của trẻ với mỗi loại đồ chơi, cả với đồ chơi mục tiêu và đồ chơi duy trì. Có ba cách để giúp trẻ chơi phức tạp với đồ chơi: (1) bổ sung thêm các miếng (2) bổ sung thêm thao tác (3) bổ sung thêm các giai đoạn, các bước chơi. Xây dựng một hoạt động chơi phức tạp sẽ giúp khuyến khích trẻ nhớ, tổ chức và lập kế hoạch. Điều đó cũng giúp trẻ chú ý lâu hơn tới đồ chơi, vì thế xây dựng hoạt động chơi phức tạp chính là xây dựng khả năng tư duy của trẻ.
Bổ sung thêm các miếng ghép chính là cách dễ nhất để xây dựng hoạt động chơi phức tạp, và điều này đã được nhắc ở bước trên. Trẻ con bắt đầu chơi trò chơi nhân quả mới bằng cách học ghép 1 miếng. Tuy nhiên khi trẻ đã ghép nhiều miếng, thì toàn bộ quá trình chơi đã trở nên phức tạp. Nếu đó là một bộ ghép hình hay 1 bộ xếp hình, việc hoàn thành toàn bộ các miếng ghép sẽ giúp trẻ hiểu rõ một khái niệm “phức tạp”: không phải chỉ một mà là toàn bộ miếng ghép đã được xếp. Mục tiêu đã trở nên phức tạp hơn, và trẻ sẽ duy trì mục tiêu phức tạp này cho tới khi toàn bộ miếng ghép được hoàn thành. Bạn hãy tăng số lượng miếng ghép một cách từ từ để giúp trẻ duy trì sự chú ý và thúc đẩy trẻ “hoàn thành”. Số lượng miếng ghép sẽ xác định điểm kết thúc của trò chơi. Sau khi trẻ học cách chơi xong, số ô trống cần lấp đầy cũng sẽ xác định điểm kết thúc của trò chơi.
Ngoài việc bổ sung các miếng xếp, bạn có thể nghĩ tới việc bổ sung các hành động. Hành động nào có thể bổ sung trong trò chơi xếp hình có 5 ô trống? Trước hết, bạn hãy xếp 1 miếng, và đưa cho trẻ 1 miếng, con bạn sẽ hoàn thành bằng cách đặt vào ô trống. Nếu bạn đưa trẻ cả 5 miếng, trẻ sẽ xếp từng miếng một và hoàn thành khi tất cả các miếng xếp được đặt vào ô trống. Nếu bạn để tất cả 5 miếng xếp trên mặt bàn, trẻ sẽ phải tự cầm từng miếng và xếp vào ô trống, vậy trẻ sẽ phải thực hiện 10 hành động – bao gồm 5 hành động nhặt miếng xếp lên và 5 hành động xếp vào ô trống. Sau khi trẻ đã hoàn thành trò xếp hình, bạn hãy khuyến khích trẻ nhấc từng miếng xếp đặt lên bàn, và vì thế trẻ đã làm thêm được 10 hành động nữa: 5 lần nhấc từng miếng xếp và 5 lần đặt miếng xếp lên bàn. Vì thế, thông qua việc dạy con chơi đồ chơi, bạn đã dạy cho con hành động phức tạp bằng cách thêm vào các thao tác liên quan tới trò chơi và khuyến khích con phát triển các chuỗi hành động đơn giản liên quan tới mỗi đồ chơi, làm tiền đề xây dựng khả năng chơi độc lập, khả năng lập kế hoạch và duy trì sự tập trung của trẻ. Đối với mỗi đồ chơi bạn và trẻ cùng chơi, dù là đồ chơi mục tiêu hay đồ chơi duy trì, hãy luôn bổ sung các chuỗi hành động đơn giản mà trẻ có thể thao tác được liên quan tới trò chơi.
Cách cuối cùng để xây dựng hành động phức tạp là bổ sung thêm các bước, giai đoạn trong quá trình chơi đồ chơi. Bước chuẩn bị và kết thúc/chuyển sang một hành động khác là hai giai đoạn như thế. Trong bước chuẩn bị, chọn 1 đồ chơi ở trên giá, mang ra đặt trên sàn nhà hoặc bàn, mở đồ chơi ra, và lấy từng miếng ra như một phần của chuỗi hành động để trẻ học theo. Lấy, cầm, và đặt ở trên bàn, và việc nhấc các miếng xếp để chơi chính là một chuỗi các hành động khác liên quan đến khâu chuẩn bị chơi. Duy trì khoảng 10 hành động khác nhau dành cho trẻ thực hiện trước khi bắt đầu chơi chính là cách để dạy trẻ hành động phức tạp, tạo động lực cho trẻ, tăng cường cơ hội học ngôn ngữ và duy trì sự chú ý của trẻ vào đồ chơi mục tiêu.
Bước kết thúc/chuyển sang hành động khác cũng tương tự như vậy. Khi bạn và trẻ quyết định kết thúc trò chơi, hãy đề nghị trẻ giúp bạn nhặt từng miếng xếp cho vào hộp, đóng hộp lại, đứng dậy, cầm hộp và cất hộp đi. Đó chính là một chuỗi hành động khác mà trẻ đã thực hiện, và sẽ góp phần thúc đẩy khả năng tư duy, lập kế hoạch, tham gia, và giao tiếp với người cùng chơi.
Mỗi một điều chỉnh trong quá trình chơi cũng là một bước, một giai đoạn để giúp trẻ tăng cường các hành vi phức hợp. Ví dụ, chơi trò đất nặn cùng trẻ, chủ đề nặn con rắn và sau đó làm thành chữ O. Trò này bao gồm 4 hành động lặp đi lặp lại: (1) lấy đất nặn (2) đặt đất nặn ở trên bàn (3) đặt tay lên miếng đất nặn và lăn qua lăn lại cho đến khi tạo thành “con rắn” và cuối cùng là (4) dùng tay kéo 2 đầu con rắn dính vào nhau để tạo chữ O. Đối với trò chơi này, bạn có thể thêm điều chỉnh bằng cách lấy kéo cắt con rắn thành nhiều đoạn nhỏ (giúp trẻ sử dụng kéo để cắt). Bây giờ, con bạn sau khi đã thực hiện một hoạt động nặn con rắn gồm 3 thao tác, rồi lại thực hiện tiếp (4) cầm kéo, (5) cầm con rắn lên, (6) cắt con rắn, và (7) tiếp tục cắt con rắn. Bẩy thao tác này xuất hiện trong chuỗi hành động liên quan đến việc nặn con rắn.
Vì thế, nếu con bạn thực hiện giai đoạn chuẩn bị, kết thúc/chuyển đổi, thiết lập chủ đề, và giai đoạn điều chỉnh, trẻ có thể đã phải hoàn thành 100 thao tác chỉ trong 15 phút thực hiện, với sự giúp đỡ của bạn. Đó là một chuỗi các hành động phức hợp với nhiều mục tiêu, giúp trẻ tăng khả năng lập kế hoạch, cải thiện ngôn ngữ và giao tiếp, tăng cường sự tập trung của trẻ. Đó là lý do bạn bạn nên dành thật nhiều thời gian để chơi đồ chơi phức hợp mà trẻ biết, thao tác một cách độc lập, và hào hứng. Đây chính là bước chuẩn bị tốt để con bạn đạt kỹ năng chơi độc lập và chơi với bạn bè ở trường học.
Trong phần này, chúng tôi đã mô tả cách dạy con chơi nhiều đồ chơi nhân – quả, với cách chơi phức tạp. Đối với những loại đồ chơi như thế, chủ đề của trò chơi là hàng loạt các hành động nhân –quả, và các sự điều chỉnh (biến tấu) sẽ kéo dài chủ đề chơi. Tuy nhiên, có một loại trò chơi khác mà trẻ em thường chơi, liên quan tới việc học cách sử dụng các chức năng thông thường của các đồ vật– như điện thoại, bếp, máy tính tiền,…. Đây thường được gọi là các trò chơi chức năng hay trò chơi mô hình. Nội dung này sẽ được thảo luận trong chơi giả vờ ở Chương 12.
Bạn cần làm gì để giúp trẻ chơi độc lập
Bên cạnh việc chơi với người khác, trẻ cũng cần phát triển các kỹ năng chơi độc lập với đồ chơi 1 hoặc hai lần trong ngày vì thế bạn có thể làm các việc khác – giặt, nấu ăn, thu dọn giường, tắm, trả lời email, nói chuyện với bạn bè,… Mặc dù phần lớn trẻ đều thích xem ti vi một mình, tuy nhiên chơi độc lập một cách tích cực ở đây không có nghĩa là liên tục để trẻ xem ti vi một mình. Chơi độc lập nghĩa là trẻ vẫn có thể học được trong suốt thời gian chơi giống như chơi với người khác. Để làm được điều này, trẻ cần biết cách chơi với đồ chơi một mình đúng cách mà không cần phải bắt chước bạn. Khoảng thời gian chơi độc lập hợp lý của là 10 – 15p.
Thời điểm phù hợp để cho trẻ chơi độc lập là thời điểm trẻ có thể dễ dàng và thường xuyên bắt chước hành động mà bạn làm mẫu, và đã chơi được một số trò với các đồ chơi khác nhau, và có thể thực hiện một chuỗi hành động liên quan đến đồ chơi, bao gồm chuẩn bị và kết thúc/chuyển giao mà không cần bạn hỗ trợ. Để có thể chơi độc lập và chủ động, bạn cần thay đổi kỹ thuật. Kỹ thuật mới sẽ giúp con bạn chọn đồ chơi, chuẩn bị trò chơi, và bắt đầu chơi mà không cần bạn làm mẫu. Bạn cần làm như thế nào? Dưới đây là 5 bước:
Bước 1. Sắp xếp đồ chơi để trẻ có thể chơi độc lập
Bước 2. Đóng vai là bạn chơi dễ dàng rút lui
Bước 3. Giảm dần sự hỗ trợ trong giai đoạn chuẩn bị và kết thúc/chuyển đổi
Bước 4. Thay đổi đồ chơi liên tục
Bước 5. Di chuyển xa dần trẻ.
Bước 1. Sắp xếp đồ chơi để trẻ có thể chơi độc lập
Bạn cần sắp xếp đồ chơi thế nào để trẻ có thể chơi độc lập. Dưới đây là một vài gợi ý:
- Cất bớt đồ chơi. Có quá nhiều đồ chơi làm cho trẻ phân tán và khó tập trung vào 1 đồ chơi trong 1 khoảng thời gian. Hãy cất những đồ chơi không cần thiết trong kho hay ở trên cao. Chỉ để lại 6 đồ chơi để trẻ có thể lựa chọn chơi.
- Hãy để đồ chơi ở các giá thấp cho trẻ dễ lấy, để chúng ở sàn nhà càng tốt. Đừng xếp chồng đồ chơi lên nhau, hãy tách rời chúng vì thế trẻ có thể dễ dàng lấy và mang ra chơi.
- Hãy để một vài đồ chơi nhân – quả mà trẻ thích và có thể thao thác nhiều hành động khác nhau một mình một cách dễ dàng. Dưới đây là một vài ví dụ: ghép hình, thả hình, xâu hạt, các viên gạch nhựa để trẻ xây tòa nhà, bảng xếp hình. Tránh sử dụng các đồ chơi điện tử (bật-tắt) khi bạn dạy trẻ chơi độc lập.
- Hãy đặt các miếng xếp trong hộp, giỏ vì thế con bạn có thể dễ dạng chọn đồ chơi hoặc lấy ra chơi. Hãy quan sát điều gì xảy ra khi trẻ cố gắng chọn đồ chơi và chuẩn bị lập trò chơi, nếu trẻ lung túng thì hãy suy nghĩ xem bạn có thể giúp con làm dễ dàng bằng cách nào. Cần để đồ chơi ở vị trí trẻ dễ lấy hơn? Ít miếng hơn? Đồ chơi dễ hơn để trẻ có thể chơi một mình?
- Hãy đảm bảo trẻ có thể mở và đóng hộp dễ dàng.
- Đặt 1 chiếc bàn hay tấm thảm, chiếu nhỏ ở gần chỗ để đồ chơi.
- Không bật TV, hay để thức ăn ở khu vực trẻ chơi. Hãy loại bỏ các yếu tố làm trẻ xao lãng. Hãy bố trí chỗ chơi của con không có người lớn qua lại khi người lớn làm việc tại nhà.
Nếu bạn cần ý tưởng về một vài trò chơi, hãy nhìn những trò mà trẻ đồng lứa đang chơi. Các đồ chơi bao gồm nhiều bước thao tác sẽ giúp trẻ phát triển các kỹ năng chơi phức tạp. Một vài đồ chơi được liệt kê ở phần Phụ lục cuối cuốn sách này, bao gồm sách với tranh to, bộ xây dựng, bộ xếp tháp, cốc, phân loại hình đơn giản, Lê gô/Duplos, bảng nam châm, bảng ghép hình hạt nhựa nhiều màu (pegboard), bộ ghép hình. Bạn có thể truy cập website dành cho cha mẹ để có nhiều ý tưởng hơn nữa. Lựa chọn các đồ chơi phù hợp với độ tuổi trẻ. Nếu những đồ chơi này quá khó so với trẻ, hãy xem các đồ chơi ở độ tuổi thấp hơn cho đến khi bạn có thể lựa chọn đồ chơi phù hợp với nhận thức và khả năng của trẻ. Khi con bạn có thể chơi đồ chơi giống như các bạn cùng lứa tuổi, và chơi thành thạo với các đồ vật tương tự, con bạn đã có được kỹ năng cần thiết để chơi cùng với các bạn cùng lứa và học hỏi từ các bạn, cũng như các trẻ khác có thể học hỏi từ con bạn.
Bước 2. Đóng vai là bạn chơi dễ dàng rút lui
Kỹ thuật mới sẽ giúp con bạn lựa chọn đồ chơi, tự mình chuẩn bị và chơi đồ chơi mà không cần người chơi cùng hay người làm mẫu. Dưới đây là một vài ý tưởng:
- Hãy thử rút lui khi bạn và trẻ đang chơi một trò chơi trẻ yêu thích. Khi trẻ bắt đầu chơi, bạn hãy lùi xa một chút, quay người sang một bên như thể bạn không ngồi cùng chơi với trẻ. Hãy yên lặng quan sát trẻ và nhìn trẻ chơi. Trẻ có tiếp tục chơi đồ chơi trong ít phút mà không cần trợ giúp của bạn? Nếu có, tức là trẻ đã hoàn toàn có thể chủ động chơi một mình. Hãy lùi một chút nữa và bình luận những gì trẻ đã làm được (Ồ, quả bóng đã rơi vào hộp!” hoặc “Tốt lắm, tiếp tiếp nào!”. Sự chú ý và bình luận của bạn sẽ củng cố hành vi chơi độc lập của con.
- Nếu con bạn không chơi tiếp một mình khi bạn không chơi cùng, không có vấn đề gì. Bạn đang mới bắt đầu xây dựng kỹ năng này của trẻ. Hãy tiếp tục chơi cùng trẻ. Nếu trẻ không chơi tiếp sau khi bạn đã quay trở lại, hãy hỗ trợ trẻ tiếp tục chơi, và chơi một lượt nếu cần. Trong lượt chơi của trẻ, bạn hãy đóng vai trò là một người quan sát tích cực: bình luận, nhìn trẻ, mỉm cười, gật đầu tán thưởng, và không giành lượt chơi cho tới khi trẻ ngừng chơi. Hãy cố giữ trẻ chơi 1 mình trong ít phút, giảm sự hỗ trợ trẻ tới mức tối đa. Sau đó, hỗ trợ trẻ kết thúc và chuyển sang trò chơi mới.
- Hãy để ý bạn cần bao nhiêu lần giúp đỡ trẻ tiếp tục chơi trong khoảng thời gian từ 3 – 5 phút. Dần dần, bạn sẽ thấy mình có thể giảm bớt sự giúp đỡ xuống để trẻ tự chơi mà không chờ tới lượt bạn.
- Khi trẻ tỏ ra ít hào hứng chơi, hãy khuyến khích trẻ thu dọn và cất đồ chơi trên giá. Hãy hỗ trợ trẻ nếu trẻ cần, nhưng chỉ hỗ trợ bên cạnh hoặc từ phía sau. Nếu trẻ chưa đặt hộp đồ chơi lên giá, hãy giúp trẻ và sau đó chọn đồ chơi khác.
Bước 3: Giảm dần sự hỗ trợ trong giai đoạn chuẩn bị và kết thúc/chuyển giao
Khi trẻ đã có thể chơi đồ chơi một cách vui vẻ và độc lập trong ít phút, trẻ cũng cần học cách chuẩn bị và kết thúc/chuyển sang đồ chơi khác một cách độc lập để đảm bảo quá trình chơi của trẻ là hoàn toàn độc lập. Dưới đây là một vài gợi ý:
- Chuẩn bị chơi: Cùng trẻ tới giá đồ chơi, nhìn vào đồ chơi và cầm một hộp ra chỗ chơi. Hãy hỗ trợ trẻ bê đồ chơi ra khu vực chơi nếu cần, nhưng nhớ là từ phía sau. Hỗ trợ trẻ đặt đồ chơi xuống (nếu cần) bàn hoặc sàn nhà, quan sát trẻ ngồi xuống và lấy đồ chơi ra khỏi hộp và đặt trước mặt trẻ.
- Chơi chức năng chính của đồ chơi: Đợi trẻ bắt đầu và xem trẻ chơi đồ chơi, thỉnh thoảng bạn bình luận đôi câu.
- Thay đổi cách chơi: Khuyến khích trẻ đa dạng cách chơi thông qua ngôn ngữ, hỗ trợ và cử chỉ. Hãy thử những cách này trước khi bạn thao tác trực tiếp cho trẻ.
+ Hướng dẫn trẻ bằng lời “Con có thể cho ô tô chạy nhanh hơn không?”
+ Chỉ cho trẻ những gì trẻ có thể làm “Nhìn này, chiếc ô tô có thể phi ra đằng kia kìa”, hoặc “Con có thể cho ô tô đâm vào tòa nhà được không?”
+ Làm mẫu hoặc dùng cử chỉ nếu cần để hướng dẫn trẻ thay đổi cách chơi, nhưng sau đó hãy để trẻ chơi một mình. Bạn chỉ tiếp tục quan sát và bình luận.
- Kết thúc/Chuyển sang trò chơi mới: Khi hứng thú của trẻ giảm dần, hãy khuyến khích trẻ thu dọn đồ chơi. Sau đó, khi trẻ đứng dậy và bê đồ chơi đặt lên giá, hãy khuyến khích trẻ lấy đồ chơi khác. Hãy thông báo cho trẻ rằng trò chơi cũ đã kết thúc và bây giờ chúng ta chuyển sang chơi đồ chơi mới. Bằng cách hỗ trợ trẻ từ phía sau, bạn đã dạy trẻ cách chuyển sang một đồ chơi mới. Đây là bước quan trọng của khả năng chơi độc lập – tăng cường khả năng chơi đa dạng đồ chơi của trẻ.
Bước 4. Thay đổi đồ chơi thường xuyên
Thay đổi đồ chơi một hoặc hai lần hàng ngày hoặc 2 ngày một lần, nhưng không thay đổi toàn bộ đồ chơi. Đảm bảo rằng, tất cả đồ chơi được luân phiên, ngay cả đồ chơi yêu thích của trẻ, vì thế trẻ có thể phát triển kỹ năng chơi đa dạng đồ chơi một cách độc lập. Khi trẻ chơi một đồ chơi mới, hãy chơi cùng con bạn cho đến khi trẻ biết hết các thao tác với đồ chơi. Sau đó, hãy dạy trẻ cách chơi một mình.
Bước 5. Di chuyển xa dần trẻ
Dưới đây là một vài gợi ý:
- Dần dần di chuyển xa trẻ khi trẻ bắt đầu chơi đồ chơi, vờ như bạn đang bận một việc gì đó (đọc báo, đi cất đồ, di chuyển sang phòng khác). Giảm dần sự hỗ trợ đối với trẻ. Thời điểm duy nhất bạn nên hỗ trợ trẻ là lúc trẻ kết thúc trò chơi và chuyển sang trò chơi khác.
- Hãy nhớ rằng mục tiêu là dạy trẻ chơi độc lập. Đừng kỳ vọng trẻ có thể chơi một cách sáng tạo khi chơi một mình như là khi chơi với bạn, mặc dù trẻ có thể làm điều đó. Mục tiêu ở đây chỉ là trẻ có thể chơi độc lập, chứ không phải thực hành mọi kỹ năng bạn dạy.
- Sau khi trẻ đã biết chơi độc lập, biết chọn một vài đồ chơi khác, và biết tự chuyển sang chơi đồ chơi khác, bạn hãy thêm vào đó một đồ chơi điện tử trong đống đồ chơi, và hãy quan sát điều gì xảy ra. Nếu trẻ bắt đầu chọn đồ chơi điện tử và bắt đầu chơi, bạn hãy cất đi ngay. Tương tự như vậy, bạn hãy cất những đồ chơi mà trẻ có xu hướng chơi lặp lại. Chơi lặp đi lặp lại làm mất đi nhiều cơ hội học hỏi của trẻ. Đó cũng là lý do bạn nên thay đổi đồ chơi liên tục: để tránh chơi lặp đi lặp lại, tăng cường khả năng chơi đa dạng và linh hoạt đồ chơi, tránh sự nhàm chán của trẻ.
Tóm tắt bước 1 – 5
Thực hành tốt các bước này, bạn đã thiết lập được một số trò chơi chung với trẻ, dạy trẻ chơi đồ chơi đa dạng và chơi độc lập. Bạn hãy trả lời các câu hỏi dưới đây, nếu phần lớn câu trả lời là Đúng thì chúc mừng bạn, bạn đã làm rất tốt. Còn câu trả lời là Chưa, hãy thực hành lại các bước.
Danh sách kiểm tra:
_____Tôi đang dạy trẻ chơi đồ chơi mói bằng cách đầu tiên tôi khuyến khích trẻ bắt chước một hành động trẻ đã biết, sau đó giới thiệu hành động mới với đồ chơi.
_____Nếu trẻ chưa thao tác được hành động tôi làm mẫu, tôi sẽ hỗ trợ trẻ thực hiện hành động đó và giảm dần sự hỗ trợ sau đó.
_____Tôi sử dụng các cấu phần của một hoạt động chung (chuẩn bị, thiết lập chủ đề, điều chỉnh và kết thúc/chuyển đổi) để dạy trẻ các hành động thông thường với đồ chơi.
_____Tôi khuyến khích trẻ chơi độc lập bằng cách Sắp xếp lại đồ chơi, đóng vai trò lại bạn chơi dễ dàng rút lui, và giảm dần sự hỗ trợ trong giai đoạn chuẩn bị và kết thúc/chuyển sang đồ chơi mới.
____Tôi thường xuyên thay đổi đồ chơi để duy trì sự hứng thú của trẻ.
____Con tôi đã có khả năng chơi một mình và tôi đã có thể rút lui khỏi trò chơi.
Một vài thắc mắc có thể có:
Thế còn những trẻ khác trong gia đình bạn thì sao? Trẻ tự kỷ có thể học cách chơi một mình nhanh hơn nếu bạn tập trung dạy kỹ năng này cho trẻ khi mà bạn rảnh tay với những trẻ khác – như chúng đang ngủ, hoặc đang tự làm gì đó một mình. Tuy nhiên, nếu không thể, bạn có thể dạy cả hai con mình cách chơi đồ chơi độc lập, hướng dẫn những trẻ khác bằng lời nói trong khi bạn ngồi gần trẻ tự kỷ hơn để có thể hộ trợ trực tiếp. Đây cũng là cơ hội để bạn dạy cho 2 con mình cách tôn trọng, biết chờ đợi để chơi đến lượt nếu cả hai cùng muốn đồ chơi giống nhau.
Tôi cần làm gì nếu con tôi chưa biết cách chơi đa dạng? Đầu tiên, hãy đảm bảo trẻ hứng thú với trò chơi. Trẻ có cầm đồ chơi, có chơi theo lượt với đồ chơi, hoặc xem bạn chơi? Con bạn cần hứng thú với đồ chơi, hào hứng xem bạn chơi và thao tác hành động mới. Thứ hai, hãy chắc chắn rằng trẻ xem bạn làm mẫu, chứ không phải trẻ quay mặt đi. Thứ ba, hãy làm cho việc học của trẻ hứng thú khiến trẻ không thể cưỡng lại được. Thay vì làm mẫu cho trẻ lặp đi lặp lại, bạn hãy thêm các âm thanh vui nhộn để tăng động lực học của trẻ, khuyến khích trẻ tham gia bằng ngôn ngữ và cử chỉ. Nếu trẻ cần sự hỗ trợ, hãy đảm bảo rằng đây là cách cuối cùng để bạn dạy trẻ, và hãy tiếp tục thực hành thao tác mới vì thế con bạn có thể tăng cường kỹ năng chơi.
Tóm tắt chương
Trong chương này, chúng tôi tập trung vào việc tăng cường khả năng chơi đa dạng đồ chơi, và chơi đồ chơi theo nhiều cách. Có hai mục tiêu khi dạy trẻ kỹ năng chơi đồ chơi (1) giúp trẻ phát triển tư duy, ngôn và kỹ năng xã hội, (2) chuẩn bị cho trẻ kỹ năng chơi với các trẻ bình thường ở trường học.
Chúng tôi cũng tập trung vào việc tăng cường khả năng chơi độc lập của trẻ. Khả năng chơi độc lập trong một khoảng thời gian nhất định là kỹ năng quan trọng mọi trẻ cần có. Trường học luôn kỳ vọng trẻ con có kỹ năng chơi độc lập. Chúng tôi đã cung cấp các bước để bạn giúp trẻ xây dựng kỹ năng chơi độc lập và nhiều kỹ năng chơi khác.
Ghi nhớ
Mục tiêu chương: Giúp trẻ chơi đồ chơi độc lập, đa dạng và linh hoạt Các bước: ü Dạy trẻ chơi đồ chơi, từ dễ đến khó dần ü Trước tiên hãy làm mẫu, hỗ trợ nếu cần, và giảm dần sự hỗ trợ ü Sử dụng 4 cấu phần của một hoạt động chung (chuẩn bị, xác định chủ đề, điều chỉnh, kết thúc/chuyển giao) để dạy trẻ nhiều kỹ năng chơi. ü Khuyến khích trẻ chơi độc lập bằng cách sắp xếp lại đồ chơi, ngồi sau trẻ và dễ dàng rút lui trong khi trẻ chơi. ü Thay đổi đồ chơi liên tục để tránh sự nhàm chán của trẻ khi chơi. |
CHƯƠNG 12. CHƠI GIẢ VỜ
Mục tiêu chương: Cung cấp các kỹ thuật giúp con bạn phát triển kỹ năng chơi giả vờ một cách chủ động, sáng tạo và linh hoạt.
Tại sao chơi giả vờ lại quan trọng đến vậy?
Chơi giả vờ (hay Chơi tượng trưng – theo cách nói của nhiều người) giúp trẻ tăng khả năng tư duy, vì các ý tưởng trong trò chơi giả vờ xuất phát từ trí tưởng tượng của trẻ hơn là đến từ các tình huống thực tế. Khi cho chơi với con vật đồ chơi, trẻ cho con vật đi, uống nước hay ăn – tất cả đều nằm trong tưởng tượng của trẻ, không giống với hành động cầm miếng ghép và đặt vào ô trống trong trò xếp hình – miếng ghép thực và ô trống thực. Góc độ trí tuệ của những trò chơi giả vờ là kết nối một cách sâu sắc giữa ngôn ngữ và suy nghĩ, và nó thực sự là một phần quan trọng trong việc phát triển nhận thức hay tư duy của trẻ.
Chuyện gì xảy ra với trẻ tự kỷ?
Trẻ tự kỷ khó khăn trong việc học và chơi các trò chơi giả vờ. Mặc dù trẻ tự kỷ quan tâm tới nhiều đồ chơi, nhưng dường như các trò giả vờ không phải khả năng tự nhiên của trẻ. Trẻ tự kỷ rất thích các trò như xếp hình, ghép hình, thả hình, các chữ và con số, nhưng khi nhìn thấy búp bê, hộp đồ chơi, cái thìa, cái đĩa, thì trẻ dường như không có khái niệm cần làm gì với những đồ chơi này. Chơi giả vờ ngoài việc sử dụng các đồ vật với chức năng thông thường (như cầm thìa lên và cho vào miệng) – điểm khởi đầu quan trọng của trò chơi giả vờ, nó còn bao gồm các hành động tượng tưởng khác, vượt hơn cả chức năng thông thường của đồ vật (như giả vờ trong cốc có kem, xúc 1 thìa kem, đưa lên miệng ăn và đút cho người khác và nói “Bạn muốn ăn thêm không?”).
Khi trẻ 2 tuổi, trẻ bình thường có thể chơi được trò chơi giả vờ. Bạn sẽ thấy trẻ có thể coi một hình khối là cái bánh, chải tóc cho búp bê bằng cái thước, … Tuy nhiên, trẻ tự kỷ không tự nhiên chơi được các trò chơi giả vờ như các trẻ bình thường khác, trẻ tự kỷ cần được dạy chơi. Một lý thuyết khác lý giải điều này là do phần não dành cho các tư duy trừu tượng của trẻ tự kỷ phát triển chậm hơn, và dường như không kết nối tốt với các phần não khác. Phần não chịu trách nhiệm tiếp nhận và ghi nhớ thế giới thực và hiểu các thông tin, hành động thực dường như hoạt động khá tốt, mạnh hơn trẻ bình thường. Điều này giúp lý giải tại sao người mắc hội chứng phổ tự kỷ lại có trí nhớ tuyệt vời đối với những chi tiết cụ thể, nhưng lại khó khăn trong việc chơi giả vờ, và sau đó là các tư duy trừu tượng.
Kỹ năng chơi giả vờ liên kết chặt chẽ với kỹ năng ngôn ngữ. Thực tế, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi trẻ tự kỷ phát triển kỹ năng chơi giả vờ, khả năng ngôn ngữ của trẻ cải thiện đáng kể, mặc dù các nhà trị liệu chỉ tập trung vào kỹ năng chơi giả vờ, không tập trung trực tiếp phát triển ngôn ngữ. Tại sao? Đó là vì chơi giả vờ dạy cho trẻ các kỹ năng cho phép trẻ phát triển “Kinh nghiệm được chia sẻ” với người khác, một dạng cùng chú ý. Nó cung cấp các tình huống để phát triển, sử dụng và thực hành ngôn ngữ.
Tại sao đó lại là vấn đề?
Như đã giải thích ở trên, mối quan hệ chặt chẽ giữa chơi giả vờ, phát triển ngôn ngữ và tư duy trừu tượng là một điểm yếu của trẻ tự kỷ. Các trò chơi giả vờ với chủ đề về con người và cuộc sống sẽ giúp trẻ tự kỷ mở rộng các kiến thức về xã hội. Nâng cao kỹ năng chơi giả vờ còn giúp trẻ tự kỷ tham gia các trò chơi đó với trẻ cùng tuổi và mở rộng cơ hội học hỏi từ trẻ bình thường thông qua tương tác. Nó cũng cho phép trẻ đọc được suy nghĩ và cảm xúc của người khác thông qua việc đóng vai người khác và giả vờ làm những gì họ đang làm. Và cuối cùng, trong các trò chơi giả vờ, thế giới của các ý tưởng áp đảo thế giới thực. Năng lực dùng suy nghĩ vượt ra khỏi thế giới thực là vô cùng quan trọng đối với trẻ tự kỷ – những trẻ mà thế giới thực dường như quá mạnh trong suy nghĩ của trẻ. Khi trẻ coi một khối hình nào đó là chìa khóa mở ô tô, bánh xà phòng tắm cho em bé, hay thức ăn cho ngựa đồ chơi, thì lúc đó các ý tưởng của trẻ đã đưa và định hình thế giới thực vào trong thế giới tượng tưởng của trẻ.
Bạn cần làm gì để tăng cường kỹ năng chơi giả vờ của trẻ?
Trẻ em mắc chứng tự kỷ có thể học để chơi các trò chơi giả vờ, cũng như trẻ có thể học cách sử dụng và thành thạo với ngôn ngữ. Trẻ cần được tiếp cận, thực hành và hướng dẫn để phát triển những kỹ năng này, và việc chơi đồ chơi hàng ngày của cha mẹ với con là một phương thức hiệu quả giúp trẻ phát triển trò chơi giả vờ. Bạn sẽ được dạy các kỹ thuật giúp trẻ chơi giả vờ – giống như cách giúp trẻ phát triển kỹ năng chơi ở Chương 11 thông qua các hoạt động chơi hàng ngày. Thời điểm để trẻ phát triển trò chơi giả vờ là lúc trẻ đã chơi được với nhiều đồ chơi, kết hợp nhiều đồ vật trong trò chơi, và kết hợp nhiều thao tác trong khi chơi với các đồ chơi cá nhân. Trẻ cần học cách bắt chước, cách chia sẻ mối quan tâm (cùng chú ý) và học cách sử dụng các chứng năng thông thường của đồ vật trước khi tham gia trò chơi giả vờ.
Chơi trò chơi giả vờ cần 3 kỹ năng:
- Thứ nhất, đó là chơi các trò chơi hóa vai (animate play), liên quan tới việc sử dụng búp bê và con thú đồ chơi như thể là những nhân vật sống và có thể sử dụng các đồ vật, như búp bê cầm cốc và uống nước, thú đồ chơi đánh răng và chải tóc.
- Thứ hai gọi là kỹ năng thay thế tượng trưng, liên quan tới việc dùng nhiều đồ vật và tưởng tượng như đồ thật, ví dụ trẻ sử dụng cái que để khuấy cái cốc và tưởng tượng đó là cái thìa, hoặc cho miếng xốp bay trong không khí và tưởng tượng đó là máy bay.
- Thứ ba đó là kỹ năng kết hợp tượng trưng, kết hợp tất cả các hoạt động trong trò chơi giả vờ tạo nên một hoàn cảnh phức tạp. Ví dụ, giả vờ rót nước vào cái ấm trà, đậy cái nắp, rót nước ra cốc rồi cầm uống, khẽ khà một tiếng, và có thể dùng cái thìa để khuấy cốc trà. Chuỗi này bao gồm 6 hoạt động kết hợp với nhau một cách logic, phản ánh thực tế pha và uống trà – đó chính là sự kết hợp tượng trưng.
Dưới đây là năm bước bạn có thể tạo điều kiện để phát triển các kỹ năng chơi giả vờ của trẻ:
Bước 1: Dạy trẻ kỹ năng chơi chức năng hay chơi thông thường với đồ chơi
Bước 2. Hóa vai búp bê và con thú đồ chơi thành nhân vật sống
Bước 3. Chuyển từ quá trình trẻ bắt chước chơi giả vờ tới quá trình trẻ chủ động chơi giả vờ
Bước 4. Dạy trẻ các thay thế tượng trưng
Bước 5. Dạy trẻ các kết hợp tượng trưng.
Ở các trang tiếp theo, chúng tôi sẽ mô tả cách thức thực hiện từng bước, gợi ý một vài ý tưởng và hoạt động để bạn có thể thử, và đề xuất cách bạn giải quyết các vấn đề có thể phát sinh. Hãy nhớ rằng kỹ năng này đòi hỏi một khoảng thời gian dài để trẻ phát triển và đạt được. Trẻ bình thường phát triển các kỹ năng này từ hồi 12 tháng và tiếp tục phát triển đến 36 tháng hoặc hơn nữa. Do vậy, bạn cũng sẽ phải mất một thời gian dài – từ 1 hay 2 năm để giúp con đạt kỹ năng chơi giả vờ, nhưng điều bạn có thể làm là hãy bắt tay thực hiện ngay lập tức.
Bước 1: Dạy trẻ kỹ năng chơi chức năng
Căn cứ: Chơi chức năng hay chơi thông thường bao gồm chơi với đồ vật theo cách hầu hết mọi người đều chơi. Chơi chức năng sẽ dạy cho trẻ hiểu ý nghĩa xã hội của hành động của mọi người: Đồ vật mang ý nghĩa bao gồm các thuộc tính vật lý hoặc quan hệ nhân quả. Hãy lấy cách sử dụng cái lược làm ví dụ. Ý nghĩa của cái lược được định nghĩa bởi cách mọi người sử dụng nó (thuộc tính vật lý), trái lại ý nghĩa của Đồ chơi hộp chú hề (jack–in–the–box) lại được xác định bởi quan hệ nhân quả (khi vặn vào cái chốt ở thân hộp, chú hề sẽ nhảy ra khỏi hộp). Quan hệ nhân quả định nghĩa đồ chơi hộp chú hề, nhưng công năng sử dụng hay thuộc tính vật lý lại định nghĩa chiếc lược, bàn chải đánh răng, giấy ăn, hoặc cái thìa. Chơi chức năng là khi trẻ biết cách cầm thìa khuấy chiếc cốc đồ chơi và giả vờ uống, hoặc đưa chiếc lược đồ chơi lên giả vờ chải tóc, hay đội lên đầu bố chiếc mũ đồ chơi, hoặc cố đeo chiếc kính đồ chơi cho mẹ. Đứa trẻ đang “đặt tên” và gắn cho đồ chơi các ý nghĩa xã hội thông qua hành động của mình trong khi chơi.
Hoạt động: Dạy trẻ sử dụng đồ vật thực trong trò chơi thông thường
Chơi thông thường hay chơi chức năng là bước quan trọng trong phát triển kỹ năng chơi, vì thông qua đó trẻ sẽ học được các hành động nhất định bằng việc quan sát người khác làm. Điều này lý giải việc học xã hội – chú ý người khác làm và học theo. Bạn có thể giúp trẻ phát triển kỹ năng chơi thông thường bằng việc điều chỉnh các bước của một hoạt động chung, như sau:
- Giới thiệu đồ vật trong giai đoạn Chuẩn bị trò chơi (ví dụ điện thoại đồ chơi)
- Làm mẫu và thiết lập chủ đề chính (ví dụ, đặt điện thoại lên tai bạn và nói “Xin chào”)
- Sử dụng kỹ năng bắt chước để giúp trẻ thực hiện theo (ví dụ đưa điện thoại lên tai trẻ và khuyến khích trẻ trả lời)
- Đa dạng và mở rộng đối tượng chơi (ví dụ, đặt điện thoại lên tai búp bê hoặc thành viên khác trong gia đình)
- Mở rộng phạm vi chơi trong các hoạt động khác, ví dụ việc nhà hoặc chăm sóc bản thân (ví dụ, có điện thoại bố gọi, khuyến khích trẻ trả lời)
Dưới đây là một vài gợi ý:
- Chuẩn bị trò chơi: Hãy đưa cho trẻ hộp đựng các đồ chơi chức năng như con thú đồ chơi, lược, bàn chải, cái cốc, dĩa, giấy ăn, mũ, chuỗi hạt, gương, thức ăn đồ chơi, búp bê, bộ cốc chén, bộ đồ chơi bác sỹ, kính, điện thoại, kem đánh răng. Nếu trẻ hứng thú, hãy khuyến khích trẻ chọn một đồ chơi và chơi, giống như bất kỳ hoạt động chơi hàng ngày nào.
- Xác định chủ đề: Đến lượt bạn, hãy làm mẫu hành động “xã hội” với đồ chơi, sử dụng các câu bình luận liên quan “Chải tóc” khi bạn dùng lược chải đầu bạn hay đầu trẻ, “Zoom, zoom” khi bạn lái ô tô thật nhanh, hít hà cái cốc đồ chơi và nói “Nước ép ngon tuyệt”,… Sau khi bình luận xong, hãy đưa đồ chơi cho trẻ và khuyến khích trẻ bắt chước, bằng cách khích lệ, làm mẫu, giảm dần sự hỗ trợ giống như các bước bạn đã dạy trẻ ở chương 8.
- Đổi vị trí: Khi bạn làm mẫu sử dụng các đồ chơi chức năng, hãy sử dụng cho cả bạn và trẻ (ví dụ, chải tóc cho bạn và cho trẻ). Và khi đưa trẻ đồ chơi, hãy khuyến khích trẻ sử dụng cho cả trẻ và bạn. Khi bạn làm như vậy, bạn và trẻ đã thực hiện đổi vị trí cho nhau. Khuyến khích các trò chơi đổi vị trí (ví dụ, đội mũ cho mẹ rồi đội mũ cho con). Mũ, vòng, lược, cốc, kính, thìa và nhiều đồ chơi chức năng khác phù hợp để đổi vị trí trong quá trình chơi. Trong quá trình chơi thực hiện việc đổi vị trí, hãy sử dụng tên bạn và tên trẻ mỗi khi đổi vị trí (ví dụ, tóc mẹ, tóc con, lượt mẹ, lượt con).
- Mở rộng đối tượng chơi: Mở rộng đối tượng chơi như búp bê, con thú đồ chơi, con rối tay và người khác. Sau khi trẻ đã bắt chước và chủ động sử dụng các đồ chơi chức năng cho cả bạn và trẻ, đó chính là thời điểm mở rộng đối tượng chơi. Một con búp bê lớn với gương mặt biểu cảm, thú đồ chơi dễ thương, rối tay như Elmo và Cookie Monster, hoặc thành viên khác trong gia đình để đổi vị trí trong trò chơi (ví dụ, chải tóc cho búp bê). Việc mở rộng đối tượng này giúp trẻ tiến gần hơn kỹ năng chơi trò chơi giả vờ. Để có thể mở rộng đối tượng chơi, đầu tiên bạn hãy làm mẫu lên bạn kèm theo bình luận (chải tóc cho mẹ), rồi làm mẫu lên đối tượng mở rộng cũng kèm theo câu bình luận đơn giản, sau đó khuyến khích trẻ thực hiện (“Con chải tóc cho búp bê đi”).
- Tăng cường kỹ năng chơi chức năng: Cuối cùng, bạn có thể mở rộng số lượng vật dụng hàng ngày và hành động bạn làm mẫu và tình huống sử dụng. Bạn có thể làm mẫu các hành động chức năng trong khi tắm, ví dụ rửa mặt hoặc cánh tay bạn bằng khăn tắm, sau đó đưa khăn tắm cho trẻ để trẻ tự làm. Khi bạn đánh răng, làm mẫu bằng cách bạn dùng bàn chải và cọ răng bạn, sau đó khuyến khích trẻ làm giống vậy. Khi trẻ cần lau mặt, bạn hãy dùng khăn ăn lau mặt bạn và khuyến khích trẻ tự lau mặt mình. Nếu bị đổ nước ra bàn, hãy làm mẫu lau bàn bằng khăn, sau đó khuyến khích trẻ giúp bạn lau bàn. Nếu bạn trộn bột làm bánh với trứng và sữa, hãy làm mẫu quấy bột và khuyến khích trẻ quấy bột giống bạn. Hãy giúp trẻ học các ý nghĩa xã hội của vật dụng hiện diện trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của trẻ. Thông qua việc học này, trẻ sẽ có nhiều cơ hội học từ bạn về cách sử dụng các đồ vật và các dùng từ trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Chơi chức năng chính là nền tảng của chơi giả vờ.
Dưới đây là một vài hoạt động:
- Sử dụng các hoạt động trẻ biết: tắm, ăn, mặc đồ, đi ngủ, hát bài hát yêu thích, chơi các ngón tay, chơi với chong chóng,… Sử dụng khăn tắm giả vờ bạn đang lau tay, mặt và bụng cho gấu. Sử dụng “bánh xà phòng” đồ chơi để xoa cho gấu thật sạch. Hoặc mặc đồ cho trẻ và cho con thú đồ chơi yêu thích của trẻ, thay đồ luân phiên cho trẻ và con thú đồ chơi (áo, quần, tất,..). Nếu trước khi đi ngủ trẻ được uống sữa hoặc nước, được nghe hát một bài, và hôn chúc ngủ ngon, thì hãy khuyến khích trẻ làm điều này với búp bê. Trước hết, bạn hãy cho búp bê uống sữa, nghe hát, hôn tạm biệt và đặt lên giường, rồi khuyến khích trẻ làm tương tự.
- Sử dụng các tình huống bên ngoài xã hội – đặc biệt là các trải nghiệm vừa xong như đi vườn thú hay đi tới gặp bác sỹ – để chơi trò chơi giả vờ. Trong quá trình chơi, có thể thực hiện các bước như ngoài đời thực: mua vé vào vườn thú, di bộ quanh tòa nhà để xem các con thú khác nhau, giả vờ cho một con thú ăn; hoặc sử dụng bộ đồ khám của bác sỹ để khám bệnh cho con vật đồ chơi nào đó như kẹp nhiệt độ, đo huyết áp, tiêm cho con vật, đặt con vật lên tấm băng, và thưởng cho con vật một chiếc kẹo trong khi khám.
- Các trò chơi xã hội cảm giác có thể chơi cùng với con thú đồ chơi hoặc búp bê. Nếu con bạn thích bài hát như Ring-around-the-Rosy, bạn có thể mời búp bê chơi đóng vai người khác chơi cùng.
- Các hoạt động sinh hoạt cá nhân cũng là thời điểm thích hợp cho các trò chơi giả vờ. Khi bạn tắm cho trẻ, cho trẻ đi ngủ, ăn tối, hoặc đánh răng, kết hợp các hoạt động cho trẻ với hoạt động tương tự cho bạn hoặc cho búp bê hay con thú yêu thích của trẻ. Khuyến khích trẻ cùng làm tương tự cho bạn hoặc búp bê.
- Trong khi đọc sách cho trẻ, hãy cho búp bê hoặc con thú đồ chơi yêu thích của trẻ ngồi bên cạnh. Bạn hãy chỉ tranh và gọi tên tranh cho trẻ, sau đó chỉ cho búp bê hoặc con thú xem.
- Các công việc nhà cũng là cơ hội cho các nhân vật khác cùng tham gia. Búp bê, con thú hoặc ai đó có thể giúp bạn tưới cây, cho chó ăn, hoặc bất kỳ hoạt động khác giống như bạn và trẻ đang làm.
Nếu con tôi không hứng thú với các trò chơi chức năng? Ban đầu, con bạn có thể chỉ cần tập trung chơi với các đồ chơi trong trò chơi chức năng hơn là hiểu các ý nghĩa xã hội của trò chơi. Ví dụ, bữa ăn là sự kết hợp giữa đĩa, bát và bộ dụng cụ ăn. Khuyến khích trẻ xúc cho bạn ăn hoặc chia sẻ cốc nước. Hãy chỉ cho trẻ chiếc dĩa của bạn và và cách bạn cho búp bê hay con thú đồ chơi yêu thích ăn. Hãy tạo thêm các hiệu ứng, âm thanh, nét mặt vui nhộn, và khen trẻ khi trẻ tham gia cùng bạn (hoặc có thể chỉ là trẻ quan sát bạn làm), điều này sẽ khiến tăng cường sự chú ý của trẻ về khía cạnh xã hội của hoạt động chơi. Hãy cố gắng mở rộng hoạt động hoặc kéo dài thời gian nhất có thể trước khi chuyển sang hoạt động khác. Bạn cũng có thể áp dụng các ý tưởng này trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày, như thay đồ hay tắm. Bạn có thể mặc đồ hay sử dụng khăn để tắm cho búp bê, hoặc con thú yêu thích của trẻ. Hãy luôn sáng tạo, vì thế trẻ sẽ hào hứng hơn trong các hoạt động với bạn.
Tóm tắt bước 1
Nếu bạn đã thực hiện các hoạt động trong bước 1, bạn sẽ có ý tưởng về đồ vật để dạy con bước đầu trong chơi già vờ – chơi chức năng – gắn liền với các hoạt động sinh hoạt hàng ngày của trẻ. Bạn có thể thêm búp bê hoặc con thú đồ chơi trong các trò chơi chức năng. Nếu bạn đồng ý với các nhận xét sau, hãy chuyển sang bước 2. Còn các câu trả lời là chưa, thì hãy thực hành lại bước 1.
Ghi chú: Đây là thời điểm tốt để bạn nghiên cứu chương tiếp theo. Tiếp tục đọc chương 12 này để tập trung phát triển kỹ năng chơi giả vờ, đồng thời đọc chương 13. Chương 13 tập trung vào phát triển khả năng hội thoại của trẻ, và những trò chơi bạn đang cùng chơi với trẻ ở chương này sẽ giúp con cải thiện hội thoại đáng kể.
Danh sách kiểm tra: Tôi đã sử dụng các đồ vật trong trò chơi giả vờ như thế nào?
___Tôi có ý tưởng về các hoạt động thực tế trong khi chơi với trẻ.
___Tôi có ý tưởng về việc sử dụng búp bê/con thú trong các hoạt động
___Tôi đã chuẩn bị một hộp đồ chơi chức năng cho trẻ.
___Tôi đã điều chỉnh khung hoạt động chung (chuẩn bị, thiết lập chủ đề, điều chỉnh, kết thúc/chuyển đổi) để dạy các trò chơi chức năng cho trẻ.
___Tôi giữ cho các hoạt động chung vui nhộn, thú vị và không quá dài.
___Tôi biết cách dừng và đợi trẻ thực hiện các thao tác trong trò chơi chức năng với đồ vật.
___Tôi biết cách làm mẫu các hoạt động trong trò chơi chức năng với đồ vật lên cơ thể tôi/búp bê/con thú đồ chơi/hoặc nhân vật nào đó.
___Con tôi và tôi tham gia các trò chơi chức năng trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày (ăn, tắm, thay đồ, chơi ngoài trời,…)
Gracie – 28 tháng tuổi gần đây mới bắt đầu biết sử dụng từ đơn để giao tiếp như chào, phản đối, thể hiện nhu cầu và mong muốn. Mẹ Gracie muốn phát triển kỹ năng chơi chức năng của con để giúp con tiến tới các trò chơi giả vờ. Gracie thích búp bê Yo Gabba Gabba, và thường bế trên tay 2 búp bê Yo Gabba Gabba đi vòng quanh nhà. Tới bữa ăn của Gracie, mẹ Gracie bắt đầu cho búp bê ngồi cùng. Gracie ngồi trên ghế của cô bé, mẹ ngồi góc chéo với cô, và 2 búp bê ngồi trên bàn giữa mẹ và cô. Gracie chọn nước ép, và mẹ rót ít nước ép vào cốc của cô bé trước, sau đó giả vờ rót vào cốc của búp bê (bà thêm âm thanh sssh). Gracie xem mẹ cô làm khi bà đưa cho búp bê cái cốc để uống. Bà tạo âm thanh như vẻ búp bê uống thật, và Gracie cảm thấy rất vui nhộn. Gracie cầm chiếc cốc của mình và uống, mẹ cô bé cũng cho búp bê uống giống cô. Khi Gracie uống xong, mẹ cô bé khuyến khích cô cho búp bê uống một hớp, bà làm mẫu bằng chính cốc của cô bé. Gracie quan sát mẹ làm và bắt chước bà, đưa cốc của mình vào miệng búp bê. Bà lại tạo âm thanh như vẻ búp bê uống thật, và Gracie cười to. Gracie lại đưa cốc cho búp bê và nhìn mẹ, thể hiện ý muốn mẹ tiếp tục tạo âm thanh uống giả vờ của búp bê. Mẹ cô bé ngay lập tức tiếp tục tạo âm thanh, để Gracie biết rằng bà hiểu ý muốn của cô bé. Tiếp theo, mẹ Gracie tiếp tục chỉ cho Gracie búp bê ăn bánh quy, và thêm vào các âm thanh nhai của búp bê. Bà lại đưa bình nước ép và hộp bánh cho Gracie để cô bé chọn đồ cho búp bê. Gracie nói “Ca” ý muốn ăn bánh, và mẹ cô bé đưa 2 miếng – 1 cho Gracie và 1 cho búp bê ăn. Mẹ cô bé lại tiếp tục tạo âm thanh nhai khi bà cho búp bê ăn (Yum yum yum), và Gracie vô cùng thích thú. Bà cũng cho búp bê uống 1 ít nước ép và cố tình đổ ít nước ép lên mặt búp bê. Bà chỉ cho Gracie mặt búp bê bị bẩn, và đưa cho Gracie tờ giấy ăn để lau. Gracie lau mặt cô bé trước, nhưng sau đó mẹ Gracie đã chỉ vào búp bê và giải thích lại lần nữa rằng Gracie hãy giúp búp bê lau mặt. Gracie và Mẹ tiếp tục trò chơi này ba lần nữa – uống, ăn và lau mặt cho búp bê, cho đến khi Gracie kết thúc bữa ăn.
Mẹ của Ben thường khó mà giữ được Ben – cậu con trai 4 tuổi đi theo mẹ khi đi siêu thị. Cậu bé thường chạy lung tung và muốn ra khỏi cửa hàng. Bà quyết định dạy cậu bé các trò chơi giả vờ để cậu nhận thức được hành vi phù hợp. Ở nhà, bà liệt kê 1 danh sách các thực phẩm, và đặt các đồ chơi (chuối, cà rốt, pizza, tương cà, kẹo hình thú) ở một vài nơi trong nhà. Sau đó, bà cho Ben vào xe đẩy, và bảo với cậu bé rằng mình đang đi siêu thị. Họ đi vòng quanh phòng cho tới khi Ben chỉ tay vào quả chuối ở trên giá. Ben và mẹ nhấc quả chuối, cho vào giỏ. Tiếp theo, mẹ cậu bé hỏi liệu nên tìm mua tương cà hay pizza trước. Ben chọn pizza, và họ đi tìm pizza. Ben tìm thấy pizza ở cạnh tivi. Mẹ Ben nhấc pizza, cho vào giỏ. Trò chơi tiếp tục cho đến khi Mẹ Ben mua đủ đồ. Hai mẹ con cùng nhau đẩy giỏ hàng vào trong bếp, và mẹ Ben lấy đồ ra khỏi giỏ, và đưa cho Ben gói kẹo hình thú để đặt lên bàn. Họ cùng ngồi xuống bàn và thưởng thức đồ uống, ăn kẹo hình thú vừa mua trong siêu thị.
Bước 2. “Biến” búp bê và con thú đồ chơi thành nhân vật sống
Căn cứ: Bước 2 giúp trẻ hiểu được búp bê tượng trưng cho con người và hành động của con người. Con người và động vật – chủ thể của hành động – hoạt động một cách chủ động trên thế giới. Các thực thể sống này có thể tự mình thực hiện các hoạt động, trong khi đồ chơi và các đồ vật thì không thể. Từ rất sớm, trẻ con bình thường có thể hiểu được sự khác biệt giữa thực thể sống và đồ vật. Do vậy, chúng thường tưởng tượng rằng búp bê hoặc các con thú đồ chơi cũng có thể hoạt động giống người hay động vật – đi bộ, gầm gừ, vẫy tay, ăn, uống, nhảy,… Tuy nhiên, trẻ tự kỷ rất khó làm được điều này. Các kỹ thuật ở bước trước giúp bạn dạy trẻ cách kết hợp búp bê và con thú đồ chơi trong các trò chơi giả vờ. Còn bước 2 này sẽ giúp con bạn có thể “biến” búp bê hay con thú đồ vật thành những nhân vật sống trong khi chơi.
Bạn sẽ tiếp tục sử dụng các hoạt động sinh hoạt hàng ngày, sử dụng các đồ vật dựa trên sở thích của trẻ, chơi theo lượt, lôi kéo trẻ tham gia, thêm các ý tưởng và tuân theo các chỉ dẫn của trẻ cho tới khi trò chơi kết thúc.
Hoạt động: “Biến” búp bê thành người
Dưới đây là một vài điều chỉnh các hoạt động chung để trẻ chơi với búp bê và con thú đồ chơi như các nhân vật sống và có thể tự hoạt động:
- Chuẩn bị trò chơi: Bắt đầu bằng việc mang bộ đồ chơi chức năng sử dụng cho cá nhân (như lược, bàn chải, kính, mũ, vòng cổ, vòng tay, cốc, bộ đồ ăn, đĩa, thức ăn, khăn tắm, xà phòng, điện thoại, giấy ăn, khăn ăn,…). Hãy để trẻ chọn đồ chơi, và chỉ cho trẻ một hoạt động mà trẻ biết, hoặc để trẻ chỉ cho bạn cách sử dụng đồ vật, trực tiếp làm cho bạn hoặc trẻ.
- Xác định chủ đề: Khi bạn và trẻ thao tác với đồ vật, hãy gọi tên hành động và đối tượng đang được chăm sóc (Cho mẹ ăn, Joshua uống, Chải tóc)
- Thêm yếu tố mới: Như bạn làm ở các bước trước, hãy sử dụng búp bê hoặc con thú đồ chơi, làm các hành động cho thú hoặc búp bê trong khi gọi tên hành động và đối tượng được chăm sóc (“Cho Oscar ăn, Chải răng cho Kitty); sau đó đưa búp bê/thú đồ chơi cho trẻ, khuyến khích trẻ làm tương tự (“Joshua, cho Kitty ăn nào”, “Joshuo, cho em bé uống đi”). Hãy hỗ trợ cần thiết để trẻ có thể làm được. Sau đó, đến lượt bạn thao tác với búp bê/thú đồ chơi. Thực hiện vài lần các hoạt động như vậy với búp bê/thú đồ chơi, với bạn và với trẻ, nhớ gọi tên hành động và đối tượng nhận được hành động mỗi lần chơi (Ví dụ: cho mẹ ăn, cho em bé ăn, cho Joshua ăn)
- Thêm yếu tố mới: Bạn có thể “biến” búp bê thành người. Đặt chiếc bánh lên tay búp bê, và cầm tay búp bê đưa lên miệng búp bê. Tường thuật lại cho trẻ (“Nhìn này, Elmo đang ăn”, “Em bé chải tóc”). Hãy để búp bê thực hiện các hoạt động cho trẻ (“Elmo chải tóc cho Joshua này”). Trong bước này, búp bê hành động như một con người – chủ thể của các hoạt động độc lập.
- Kết thúc/Chuyển đổi: Khi bạn đã hết ý tưởng, hoặc trẻ không còn hứng thú chơi, hãy đẩy cái hộp đựng đồ chơi và hỏi “Kết thúc trò chơi con nhé?” và đặt đồ chơi bạn đang cầm cho vào hộp. Nếu trẻ cũng cất đồ chơi trẻ đang cầm cho vào hộp, thì bạn hãy nói “Tạm biệt Oscar/Kitty”, và giúp trẻ cất hộp đồ chơi và chọn đồ chơi khác.
Bạn vừa chỉ cho trẻ thấy búp bê có thể “biến” thành một thực thể hoạt động độc lập. Bây giờ, vì bạn đã thực hiện thành thạo bước 1, hãy thêm nội dung bước 2 trong các trò chơi chức năng: Biến hóa búp bê hoặc thú đồ chơi thành nhân vật sống, có thể thực hiện các hành động tự chăm sóc hay thậm chí còn chăm sóc cho bạn hoặc trẻ. Và khi điều này đã quen thuộc với trẻ, hãy đưa cho trẻ búp bê và giúp trẻ biến hóa búp bê thành nhân vật sống với các thao tác bạn làm ở trên. Ngoài việc cho các nhân vật này sử dụng đồ vật, các nhân vật này còn có thể nhảy, chạy, đi bộ, … Chúng cũng có thể nằm và ngủ. Hãy giúp trẻ bắt chước bạn cho các “nhân vật” đồ chơi này tự thực hiện các hoạt động diễn ra trong cuộc sống hàng ngày của trẻ.
Dưới đây là một vài ý tưởng cho các trò chơi hóa vai:
- Bạn có thể sử dụng các trò chơi hóa vai trong tất cả các hoạt động hàng ngày. Để một con búp bê lớn trong phòng tắm để bạn và trẻ có thể tắm cho búp bê trong giờ tắm của trẻ. Bạn cũng có thể để búp bê ngồi bàn ăn, bên cạnh trẻ, búp bê ăn, uống và sử dụng khăn ăn giống như trẻ. Sư tử đồ chơi có thể ngồi trên bô sau khi trẻ ngồi vào bô. Búp bê Babier có thể cần thay tã sau khi bạn thay tã cho trẻ. Trẻ có thể dẫn Curious George đi dạo trong xe đẩy cùng với mình. Thomas và những người bạn có thể thay phiên nhau chơi trò bay lên cùng với trẻ. Cookie Monster có thể đi khám bác sĩ với trẻ và đã kiểm tra tai, đo chiều cao, và được nghe nhịp tim. Cookie Monster cũng có thể đi được cắt mái tóc cùng trẻ. Dora – the Explorer có thể vẽ hình ảnh của mình với bút chì màu. Việc đưa các nhân vật này vào các hoạt động sinh hoạt hàng ngày của trẻ nhằm nhấn mạnh những đặc điểm “con người” của nhân vật hoạt hình và giúp trẻ phát triển các ý tưởng đằng sau trò chơi giả vờ.
- Các hoạt động thể chất cũng có thể sử dụng làm cho nhân vật hoạt hình thêm sinh động. Các nhân vật hoạt hình có thể đá bóng cho trẻ, nhẩy cùng trẻ trên các tấm nệm lò xo, dừng lại và ngã lăn ra giường, hoặc hát bài hát trẻ yêu thích. Các nhân vật cũng có thể té nước, thổi bong bóng, lái ô tô, và tham gia trò Ring-around-the-Rosy. Khuyến khích trẻ cho các nhân vật cùng chơi, hỗ trợ trẻ nếu cần và tiếp tục trò chơi với trẻ.
Tóm tắt bước 2
Nếu bạn đã thực hiện các hoạt động ở bước 2, bạn sẽ tìm ra các trò chơi của trẻ mà búp bê hoặc nhân vật hoạt hình khác có thể tham gia cùng bạn và trẻ. Bạn cũng đã chỉ cho trẻ cách biến hóa các nhân vật hoạt hình thành những nhân vật sống, và hướng dẫn trẻ bắt chước bạn. Hãy đọc danh sách các nhận xét dưới đây, nếu bạn đồng ý với các nhận xét đó thì hãy chuyển sang bước 3. Nếu bạn chưa chắc chắn, hãy thực hiện lại bước 2.
Danh sách kiểm tra: Tôi sử dụng búp bê/thú đồ chơi như một nhân vật sống?
___Con tôi thích búp bê, con thú đồ chơi và nhân vật hoạt hình khác tham gia vào trò chơi
___Tôi biết cách đưa ra các đồ vật thích hợp để giữ con tôi hào hứng với hoạt động chung.
___Tôi và con có thể thực hiện các hoạt động chơi chức năng sử dụng đồ vật cho chúng tôi, búp bê/con thú đồ chơi/hay nhân vật hoạt hình khác.
___Con tôi có thể bắt chước tôi thực hiện các hành động đối với búp bê trong một số tình huống khác, bao gồm cả hoạt động biến hóa búp bê thành người.
___Tôi và con tôi cùng thu dọn đồ chơi và chuyển sang hoạt động khác.
Còn trường hợp của Gracie thì sao? Gracie và mẹ đã theo hướng dẫn trên trong trò luân phiên cho búp bê của Gracie ăn bánh quy. Sau khi đọc một vài gợi ý ở phần này của chương, mẹ Gracie đã bổ sung thêm một vài hoạt động mới vào bữa ăn nhẹ. Bà dắt Gracie tới phòng ăn để cùng chơi trò chơi ăn giả vờ, và cùng lấy cốc, đĩa để cốc, thìa, đĩa đựng thức ăn, giấy ăn và chuẩn bị luôn một chỗ ngồi cho búp bê của Gracie trên sàn nhà. Mẹ Gracie cũng lấy ra một cái yếm ăn và yêu cầu Gracie đeo cho búp bê, tiếp theo bà rót “đồ uống” và cốc của từng người, bao gồm cả cốc của búp bê. Bà làm mẫu hướng dẫn búp bê thực hiện các hành động với đồ vật bằng cách đặt đồ vật vào tay búp bê và lấy “đồ ăn” cho vào đĩa (rót nước uống, ngoáy cốc, đặt cốc vào đĩa, cho đồ ăn lên miệng). Sau khi mẹ làm mẫu, đến lượt Gracie bắt chước búp bê tự lấy đồ ăn, nước uống và tự ăn uống. Đến lượt mẹ, bà để búp bê đưa một ít ngũ cốc cho Gracie. Gracie ăn và lại lấy ít đưa cho búp bê. Sau đó, búp bê lại đưa cho mẹ ăn. Họ tiếp tục giả vờ ăn uống bữa nhẹ cùng nhau, cứ thế lấy đồ ăn đồ uống và đưa cho nhau – Mẹ, Gracie và búp bê. Khi Gracie tỏ ra không còn hào hứng, mẹ thu hết các đồ và búp cho vào cái hộp, và chuyển sang hoạt động khác. Trong trò chơi này, búp bê hoạt động như một chủ thể độc lập, và Gracie cư xử với búp bê cũng hệt như vậy.
Thế còn Ben thì sao? Ben thích ô tô hơn là búp bê hay các con thú nhồi bông, vì thế mẹ cậu đã dùng ô tô để chơi trò chơi giả vờ với cậu. Bà bảo cậu bé rằng ô tô cần được đi tắm, vì thế họ cùng đi tới bồn tắm, lấy cọ tắm, xà phòng, kem dưỡng thể và khăn tắm (những đồ này dùng để tắm cho Ben). Bà cũng cho cả búp bê Ernie vào tắm cho ô tô. Vì đây là một trò chơi mới đối với Ben nên bà đầu tiên làm mẫu từng bước tắm cho ô tô (vặn nước vào chậu, cho xà bông vào cọ tắm, dùng cọ tắm kỳ cọ cho ô tô, rửa sạch xà phòng, dùng khăn tắm lau khô ô tô, và thoa kem lên ô tô), đồng thời giúp Ben tham gia vào từng bước. Với cặp ô tô thứ hai, Ben đã có thể tự tắm cho ô tô dưới sự hướng dẫn bằng lời của mẹ. Và bây giờ, mẹ Ben bắt đầu cho búp bê Ernie tham gia cùng tắm cho ô tô, Ernie làm mẫu cho Ben và giúp Ben thực hiện từng bước. Bà mẹ đã sử dụng Ernie thay thế bà như một chủ thể chủ động. Ben thích trò này và bắt đầu bắt chước Ernie, Ben cũng đưa cho Ernie một chiếc ô tô và khăn tắm khi mẹ gợi ý. Khi tất cả ô tô đã được tắm xong, Ben và Ernie đổ nước, cất đồ và đặt ô tô lại vị trí cũ. Bà mẹ đã rất hài lòng vì cậu bé bốn tuổi của bà đã có thể chơi trò chơi giả vờ, và cậu đã coi búp bê như một chủ thể độc lập.
Bước 3. Chuyển từ quá trình trẻ bắt chước chơi giả vờ tới quá trình chủ động chơi giả vờ
Căn cứ: Một khi bạn đã chơi ngày càng nhiều trò chơi sử dụng đa dạng đồ chơi và nhân vật hoạt hình (búp bê, thú,…), con bạn đã xây dựng được ngày càng nhiều ý tưởng về các trò chơi giả vờ. Với các ý tưởng trẻ có được, trẻ có thể gợi ý cho bạn một vài chủ đề chơi mới. Và khi bạn đã chơi nhiều chủ đề, bạn sẽ sử dụng nhiều đồ chơi, và hộp đồ chơi và nhân vật hoạt hình sẽ ngày càng nhiều. Khi trẻ chọn một vài đồ chơi, bạn hãy bổ sung thêm đồ chơi đủ để bạn và trẻ có thể chơi dưới sự dẫn dắt của trẻ (để trẻ chủ động).
Hoạt động: Làm theo sự dẫn dắt của trẻ trong các hoạt động chơi
Hãy chọn sẵn một vài đồ chơi (cốc để trong khay, bộ đồ ăn đặt trên đĩa, khăn ăn, bát đựng thức ăn giả vờ, 2 nhân vật hoạt hình). Sau đó, thay vì làm mẫu các hành động, bạn hãy chờ đợi, nhìn vào trẻ với sự khích lệ, và quan sát xem trẻ làm gì trước tiên. Nếu trẻ chủ động chơi, bạn hãy thêm vào các bình luận (“Kitty đang ăn nè”), và sau đó bạn chơi bằng cách bắt chước trẻ, làm theo sự dẫn dắt của trẻ (cho con thú khác ăn cùng với Kitty). Nếu trẻ đợi bạn bắt đầu trò chơi, bạn hãy đưa trẻ lựa chọn một trong hai nhân vật hoạt hình, và hãy chờ xem trẻ bắt đầu hơn là bạn chủ động làm trước. Hãy hỗ trợ trẻ một chút nếu cần để trẻ thực hiện trò chơi. (Đây gọi là tháp hỗ trợ từ ít nhất đến nhiều nhất. Bạn hỗ trợ càng ít càng tốt miễn sau trẻ thực hiện được thành công). Bắt chước trẻ trong trò chơi một cách nhiệt tình và hào hứng giúp trẻ củng cố khả năng chơi chủ động. Đây là điều then chốt để trẻ chủ động chơi: Cung cấp những đồ chơi trẻ thích, chờ đợi, bắt chước trẻ, thêm các yếu tố vui nhộn và sự quan tâm của bạn tới chủ đề chơi của trẻ. Khi bạn tập trung vào trẻ, bạn sẽ muốn làm theo sự dẫn dắt của trẻ, giảm dần sự chủ động của bạn trong giai đoạn bắt đầu trò chơi. Bạn có thể bổ sung các ý tưởng mới để giữ trò chơi thêm sinh động và thú vị, nhưng những bổ sung đó của bạn nhằm hưởng ứng các ý tưởng của trẻ, hơn là bạn đang dẫn dắt cuộc chơi, vì vậy trẻ sẽ cảm thấy những khởi xướng của mình đang được bạn ủng hộ một cách tích cực.
Tóm tắt bước 3
Nếu bạn đã thực hiện các hoạt động trong bước 3, con bạn sẽ chủ động chơi các trò chơi giả vờ và có thể sử dụng các nhân vật hoạt hình (búp bê, thú, nhân vật khác) như những nhân vật sống động. Nếu bạn đồng ý với các nhận định sau, bạn hãy chuyển sang bước 4. Nếu không, hãy quay lại thực hành bước 3 cho đến khi trẻ đạt được kỹ năng chơi chủ động các trò chơi giả vờ.
Danh sách kiểm tra: Con tôi có thể chơi trò chơi giả vờ một cách chủ động với các đồ vật và nhân vật hoạt hình?
___Con tôi có thể chọn một vài đồ chơi trong hộp đồ chơi để chơi trò giả vờ.
___Tôi biết cách chọn sẵn một bộ đồ chơi để giúp con tôi có thể bắt đầu trò chơi giả vờ.
___Tôi biết cách chờ và hỗ trợ trẻ từ – ít – tới – nhiều để khuyến khích trẻ chủ động chơi với các nhân vật hoạt hình.
___Tôi biết làm theo sự dẫn dắt của trẻ khi trẻ chọn hành động chơi với các nhân vật hoạt hình.
___Con tôi có thể sử dụng một vài đồ chơi và chủ động thực hiện các hành động cho búp bê/thú/nhân vật hoạt hình khác, cho tôi và cho trẻ.
___Tôi biết làm mẫu và giúp trẻ sử dụng búp bê/thú/nhân vật hoạt hình để thao tác các hành động khác nhau.
___Con tôi, búp bê/thú/nhân vật hoạt hình khác và tôi có thể thực hiện các trò chơi giả vờ khác nhau trong hoạt động sinh hoạt hằng ngày.
Còn Ben thì sao? Như bạn đã đọc ở trước, Ben không quan tâm tới búp bê hay thú đồ chơi. Bà đã đưa ra ý tưởng sử dụng búp bê Ernie dạy Ben các hoạt động khác nhau với đồ vật khi tắm cho ô tô. Tuy nhiên, Ben chỉ quan tâm tới các nhân vật hoạt hình này trong trò chơi với ô tô. Nhưng mẹ Ben đã nghĩ ra một nhân vật mà Ben vô cùng yêu thích đó là chiếc ô tô nhồi bông Lightning McQueen – trong bộ phim cuộc đua của các ô tô của hãng Disney. Bà phân vân về việc ô tô nhồi bông này có thể đóng vai “búp bê” tham gia các hoạt động hàng ngày như thế nào. Khi Ben có thể dễ dàng cho ô tô ăn, bà quyết định cho ô tô nhồi bông ngồi trên ghế cao, ngay cạnh Ben và nói rằng ô tô đang đói. Khi Ben không phản ứng, bà liền hỏi tiếp liệu McQueen có thể ăn một ít bánh xăng uých nhân bơ đậu kẹp mứt hay ít táo. Bà rất vui khi Ben lấy ít táo và chạm vào McQueen, bà đã đúng khi đưa ra lựa chọn cho Ben, tốt hơn nhiều so với việc bà giành lượt chơi đầu tiên – cho McQueen ăn. Bà cố gắng bắt chước giọng của McQueen và cảm ơn Ben vì đã cho McQueen ăn. Tiếp theo McQueen hỏi xin Ben ít bánh xăng uých, và Ben đã đưa cho. Sau đó, McQueen kêu khát và hỏi liệu Ben có thể cho ít nước được không. Bà mẹ giúp McQueen lấy cốc nước trống và đưa cho Ben. Khi Ben không đưa lại cốc nước cho McQueen, bà mẹ giả giọng McQueen liền nói “hây, tôi khát quá. Hãy làm ơn cho tôi xin ít nước đi cậu bé”. Ben mỉm cười và đưa cho McQueen cái cốc. McQueen và Ben tiếp tục ăn cùng nhau và chắc chắn một điều rằng bà mẹ không cảm thấy mình bị bỏ quên.
Bước 4. Dạy trẻ các thay thế tượng trưng
Căn cứ: Một bước phát triển tiếp theo của trò chơi giả vờ là trẻ giả vờ các đồ vật đồ mang những chức năng khác ngoài chức năng chính. Bạn có lẽ đã nhìn thấy một đứa trẻ đưa cho bạn thức ăn giả vờ và bảo ăn, hoặc đội chiếc bát ngũ cốc lên đầu giả làm mũ, hoặc ngồi trong chiếc thùng các tông và tưởng tượng đó là ô tô. Cũng giống như chơi với các nhân vật hoạt hình, đây là một bước quan trọng trong kỹ năng chơi giả vờ và tư duy của trẻ. Điều đó chỉ ra rằng các suy nghĩa và ý tưởng dẫn dắt hành động của trẻ, làm cho trẻ không còn bị giới hạn trong thế giới thực. Thay vì đó, thế giới trừu tượng đang dần mạnh lên trong trẻ, thể hiện bằng cách hành động của trẻ đối với thế giới thực. Đây là một bước tiến quan trọng đối với các trẻ tự kỷ, một bước tiến lớn trong phát triển kỹ năng tư duy, kỹ năng ngôn ngữ, và kỹ năng xã hội. Điều đó giúp trẻ hiểu được trò chơi của các bạn đồng lứa và tham gia vào cuộc chơi như một bạn chơi thông thái.
Hoạt động: Giúp trẻ học cách sáng tạo với các đồ chơi giả vờ trong khi chơi
Bạn sẽ bám theo các bước của một hoạt động chung mà bạn đã sử dụng để dạy các kỹ năng chơi khác ở trên. Bạn sẽ làm mẫu cho trẻ, sử dụng các đồ vật “mơ hồ” – không xác định được rõ ràng công năng – miễn là đồ vật này quen thuộc với trẻ trong các hoạt động chơi giả vờ hàng ngày.
Dưới đây là một vài ý tưởng:
- Bước thiết lập: Sử dụng một bộ các đồ chơi bạn đang sử dụng trong các trò chơi giả vờ, bao gồm cả các đồ vật “mơ hồ” mà chúng có thể dễ dàng thay thế đồ chơi trẻ hay sử dụng. Những đồ vật “mơ hồ” này không được xác định công năng một cách rõ ràng. Ví dụ, có thể thay thế chiếc bánh quy đồ chơi bằng miếng các tông hình tròn vì: nó có hình dạng giống bánh quy, nhưng không thể xác định rõ ràng là vật gì đó cụ thể. Các đồ vật mơ hồ này cần giống với các đồ vật thực vì thế nó có thể thay thế các đồ vật thực, ví dụ que kem sẽ là một vật mơ hồ lý tưởng để thay thế chiếc thìa, dĩa hay dao; nhưng nó sẽ không lý tưởng để thay thế một chiếc khăn tắm. Mà thay vào đó, bạn có thể dùng một mảnh quần áo nhỏ để thay thế cho một chếc khăn tắm, một chiếc mũ, một chiếc tã em bé, nhưng lại không lý tưởng để thay thế cho chiếc thìa. Tuy nhiên, chúng đều là các vật mơ hồ, chúng đều không được xác định một cách rõ ràng về công năng. Các hình khối cũng là những vật mơ hồ lý tưởng để thay thế. Một khối hình trụ sẽ là lý tưởng để thay thế cốc hoặc chai uống của trẻ em. Một khối hình vuông sẽ là lý tưởng để thay thế chiếc bánh quy hay bánh xà phòng. Que kem, mảnh giấy nhỏ, chăn trẻ em, hộp đựng giầy, hoặc các vật ngẫu nhiên nào trong nhà đều có thể là vật mơ hồ. Hãy cố sử dụng 2 vật mơ hồ để thay thế 2 đồ chơi trong các trò chơi giả vờ với trẻ. Hãy đặt chúng trong chiếc hộp đồ chơi giả vờ.
Bây giờ, bạn đã đặt những vật mơ hồ trong hộp, hãy để trẻ chọn các đồ vật quen thuộc và chọn chủ đề chơi, hoặc bạn gợi ý chủ đề chơi và làm theo sự dẫn dắt của trẻ trong các trò chơi giả vờ. Tất nhiên là sẽ có sự tham gia của các nhân vật hoạt hình, các đồ vật liên quan, và hai đồ vật mơ hồ thay thế các đồ thực.
- Thiết lập chủ đề: Sử dụng các đồ chơi thực (không phải đồ mơ hồ) để bắt đầu trò chơi giống như bạn và trẻ vẫn thường làm, thực hiện các thao tác với búp bê, thú đồ chơi hay nhân vật hoạt hình khác. Các đồ chơi mơ hồ sẽ được sử dụng ở các bước sau ngay dưới đây.
- Thêm yếu tố mới: Sau khi bạn đã chơi với các đồ chơi thực một lúc, hãy thực hiện lại các thao tác với các nhân vật hoạt hình nhưng với các đồ chơi mơ hồ, và vừa chơi bạn vừa tường thuật lại hành động bạn làm mẫu. Hãy gọi tên các đồ chơi mơ hồ với các tên của các đồ chơi thực: “Nhìn này, đây là cái lược của mẹ”. Tương tự như vậy, bạn có thể sử dụng khối hình trụ để thay thế cho bình sữa của em bé. Tới lượt con bạn chơi, trẻ sẽ có xu hướng dùng bình sữa thật để cho em bé uống, tuy nhiên tới lượt bạn chơi, bạn sẽ làm mẫu bằng cách cầm khối hình trụ lên và để miệng búp bê uống, nhưng bạn nhớ gọi khối hình trụ là “bình sữa”và khuyến khích trẻ làm theo. Bạn sẽ cần duy trì song song cả bình sữa và khối hình trụ, con bạn có thể dùng bình sữa trong lúc bạn dùng khối hình trụ để cho búp bê uống hoặc ngược lại. Đó chính là bạn đang dạy con mình từng bước từng bước kỹ năng thay thế tượng trương.
- Kết thúc/Chuyển đổi: tương tự các hoạt động chơi khác, bạn và trẻ kết thúc trò chơi và chuyển sang hoạt động khác.
- Nếu điều này chưa rõ ràng với trẻ, hãy quay lại và chơi trò chơi giả vờ với búp bê/nhân vật hoạt hình và đồ chơi thực một lúc. Hãy tiếp tục mở rộng số lượng chủ đề chơi để trẻ chơi với các đồ chơi thực. Như chúng tôi đã nói từ trước, nhìn chung, trẻ có xu hướng thích đồ chơi thực hơn đồ chơi mơ hồ, và việc xây dựng trò chơi giả vờ với các đồ chơi thực chính là giai đoạn khởi đầu của trẻ trong việc phát triển kỹ năng thay thế tượng trưng. Sau khi trẻ đạt được thành công trong giai đoạn khởi đầu này, và có thể chủ động chơi giả vờ mà không cần bạn hỗ trợ, lúc đó bạn hãy thử sử dụng các đồ vật thay thế lại. Bạn hãy nhanh tay cất một đồ chơi thực, và đặt một đồ chơi mơ hồ thay thế vào đó. Sau đó, bạn giả vờ như không biết sự biến mất của đồ chơi thực bạn đã cất đi, bạn hãy đề nghị trẻ đưa cho bạn đồ chơi đó , chẳng hạn “Cho mẹ mượn cái thìa” nhưng ở đó chỉ còn cái nạo lưỡi với cái bát và cái cốc. Bạn hãy chỉ vào cái nạo lưỡi và nói “Thìa đây rồi” và giúp trẻ đưa cái nạo lưỡi đó cho bạn – nhưng gọi là cái thìa, và ngay lập tức bạn dùng nó để xúc “ngũ cốc” ở trong bát. Hãy cường điệu âm thanh ăn giả vờ “yum, yum, thật là tuyệt”, và sau đó hãy đưa thìa ngũ cốc cho trẻ. Bằng hành động này, bạn đã dạy trẻ sử dụng giả vờ chiếc nạo lưỡi như chiếc thìa. Hãy hỗ trợ trẻ nếu cần. Đây là bước dạy trẻ kỹ năng thay thế tượng trưng.
- Hãy dạy trẻ sử dụng nhiều đồ vật mơ hồ để thay thế cho các đồ vật thực. Trong mỗi một hộp đồ chơi, bạn đều đặt nhiều đồ vật mơ hồ để thay thế các đồ vật thực trong trò đó, nhưng hãy chắc chắn rằng trẻ học cách sử dụng đồ vật mơ hồ theo nhiều cách. Ví dụ, trẻ sử dụng que gỗ để làm: thìa xúc ăn, bút tô màu, kẹp nhiệt độ trong trò chơi bác sỹ. Khi trong mỗi chủ đề chơi, trẻ chủ động sử dụng nhiều lần các đồ vật mơ hồ, bạn hãy đặt tên cho các đồ vật mơ hồ đó (với tên của các đồ vật đang được thay thế) một cách thật hào hứng. Nếu trẻ chưa chủ động, bạn hãy tiếp tục đưa vật mơ hồ cho trẻ, gọi tên đồ vật đó và hỗ trợ trẻ sử dụng (Ví dụ: để cho búp bê ăn, chải tóc búp bê,…)
Lời khuyên hữu ích: Những đồ vật mơ hồ bạn có thể sử dụng trong trò chơi giả vờ:
- Que gỗ, đồ chơi xây dựng Lincoln Log, Tinkertoy: đều có thể sử dụng làm bộ đồ ăn, que kem, tên lửa, bút/bút chì, kẹp nhiệt độ, bàn chải/lược, chìa khóa.
- Hộp giầy và các khối hình: có thể sử dụng làm ô tô, xe tải, máy bay, đồ wan, gối, giường, đường, nhà và ga ra.
- Hộp sữa chua, hộp đựng nước hoa quả có thể cắt nửa dùng làm cốc uống, bát, đĩa, bồn tắm, hồ bơi, mũ và tàu vũ trụ.
- Vòng cổ, vòng hoa giả, chuỗi hạt: có thể dùng làm con rắn, dây lưng, vương miện.
- Mảnh vải: có thể dùng làm khăn tắm, cọ tắm, tã, khăn quàng cổ, yếm hay khăn ăn.
Hoạt động: Dạy trẻ tưởng tượng các vật “vô hình”
Hoạt động tiếp theo sẽ dạy trẻ sử dụng các “vật vô hình”, với các cử chỉ và hành động phù hợp. Bạn không nên dạy trẻ hoạt động này nếu trẻ vẫn chưa chủ động và thành thục trong hoạt động sử dụng vật mơ hồ thay thế cho các vật thật trong quá trình chơi. Hãy đảm bảo rằng con bạn đã có kỹ năng thay thế tượng trưng trước khi học bước tiếp theo này. Bạn sẽ giúp trẻ từng bước hiểu khái niệm “vật vô hình” một cách chính xác như trong bước dạy trẻ kỹ năng thay thế tượng trưng. Tuy nhiên, hẳn là bây giờ bạn đã bỏ ra ngoài một số đồ vật chính trong bộ đồ chơi giả vờ của bé. Ví dụ, bạn giấy bình sữa ra khỏi bộ đồ ăn của búp bê. Do vậy, khi chơi đến đoạn cho búp bê uống sữa nhưng cả hai mẹ con lại không tìm thấy bình đâu, lúc đó bạn hãy giả làm động tác nắm bình sữa “không khí” ở trong tay và nói “Mình hãy giả vờ đây là bình sữa nhé” và bạn cho búp bê uống giống như những lần chơi trước. Sau đó bạn hãy đưa lại bình sữa “không khí” đó cho trẻ và nói “Bình sữa này. Con hãy cho búp bê uống sữa đi.” Hãy giúp trẻ bắt trước bạn, giả vờ như tay trẻ đang cầm bình sữa thật. Hai mẹ con cứ thế luân phiên cho búp bê uống sữa, và yêu cầu trẻ đưa “bình sữa” cho bạn, lặp đi lặp lại. Cuối cùng, hãy đưa một bình sữa thật cho trẻ để trẻ cho búp bê uống trong khi bạn tiếp tục sử dụng bình sữa vô hình cho thú nhồi bông khác uống.
Lời khuyên hữu ích:
Trong mỗi một chủ đề chơi, bạn chỉ nên sử dụng một đồ vật “vô hình” như một vật thay thế tượng trưng cho đồ vật thật. Trẻ con hầu hết đều thích đồ vật thật hơn hay vật mơ hồ hơn là vật “vô hình”. Tuy nhiên, việc dạy trẻ sử dụng vật vô hình là khá quan trọng, vì hai lý do sau: điều đó cho phép trẻ chơi sáng tạo hơn và không giới hạn bởi đồ vật; và vì những đứa trẻ cùng tuổi hay chơi “đồ vô hình” nên con bạn cần hiểu khái niệm này để có thể tham gia chơi với các bạn khác. Nhiều trẻ thích thú với việc giả vờ cho bạn ăn “không khí”. Vì vậy, hãy kiên trì và nhẹ nhàng, con bạn nhất định sẽ hiểu được khái niệm này.
Sau khi trẻ đã thành thạo với việc sử dụng “một vật vô hình” trong khi chơi bằng cử chỉ, hành động phù hợp, bạn hãy mở rộng việc sử dụng “vật vô hình” trong một số trò khác. Hãy giấu các đồ vật quan trọng như: bánh quy, cốc, lược, bánh lái – trong một trò chơi yêu thích và hãy làm mẫu hành động sử dụng “vật vô hình” cho con xem, hệt như lúc hai mẹ con chơi với đồ vật thật. Hãy đảm bảo rằng thao tác và ngôn ngữ của bạn giống với các lần chơi trước để trẻ có thể hiểu bạn đang làm gì. Sau đó hãy giúp trẻ bắt chước bạn sử dụng “vật vô hình”. Nếu trẻ hiểu được một “vật vô hình” rồi, hãy từ từ bổ sung một vài “vật vô hình” khác thông qua các cử chỉ giả vờ trong các trò chơi, và giúp trẻ hiểu được ý nghĩa của cử chỉ đó. Hãy dạy trẻ từ từ, đan xen giữa sử dụng vật thật và “vật vô hình” nếu trẻ còn nhầm lẫn. Nếu trẻ khó hiểu, hãy quay lại với các hoạt động sử dụng thay thế tượng trưng và thử hoạt động này về sau. Đừng vội vã, vì đây là một kỹ năng khó trong trò chơi giả vờ của trẻ nhỏ.
Tổng kết bước 4:
Chúc mừng! Bạn đã cùng trẻ hoàn thành các bước của kỹ năng thay thế tượng trưng. Quá trình dạy trẻ chơi giả vờ và thay thế tượng trưng mất rất nhiều thời gian. Đó là một quá trình từ từ, từng bước học về các tình huống trong cuộc sống đời thường,, học về cách chơi, học về diễn xuất và ngôn ngữ. Con bạn hoàn toàn có thể làm được. Hãy giúp trẻ khơi thông khả năng hiểu trò chơi giả vờ, để chơi với bạn và các anh chị em của trẻ, đồng thời sử dụng trò chơi giả vờ để hiểu về xã hội. Nếu bạn đồng ý với các câu dưới đây, tức là bạn đã đạt được kỹ năng dạy trò chơi giả vờ – kiến thức này giúp bạn tiếp tục chuyển sang bước 5. Nếu chưa, hãy thực hành thêm trong các hoạt động chơi và chăm sóc hàng ngày cho tới khi bạn tìm ra phương pháp dạy phù hợp.
Danh sách hoạt động: Con tôi có thể sử dụng thay thế tượng trưng trong trò chơi?
——-Tôi có một vài ý tưởng về đồ vật mơ hồ và đồ vật “vô hình” khi chơi trò chơi với trẻ.
———Tôi biết cách khởi xướng và sử dụng đồ vật thật và búp bê/thú nhồi bông/nhân vật hoạt hình để chơi lần đầu với trẻ.
——–Con tôi có thể sử dụng vật mơ hồ thay thế cho vật thật theo nhiều cách khác nhau.
——–Tôi biết làm mẫu các hành động sử dụng “vật vô hình” để con tôi bắt chước.
——–Con tôi có thể thực hiện một vài hành động với vật “vô hình” khi tôi làm mẫu.
Còn trường hợp của Ben? Ben và mẹ cậu chơi trò giả vờ làm thợ cơ khí sửa ô tô của Ben. Họ lái xe của Ben tới “Ga ra”, sử dụng những chiếc gối để giả làm gara và một con gấu bông làm thợ cơ khí. Ben và mẹ đưa cho gấu bông vài chiếc ống hút, ít dĩa và thìa nhựa, một vài sợ dây giả làm dụng cụ sửa chữa ô tô. Họ luân phiên giúp gấu bông tường thuật về những hành động “thợ cơ khí” đang sửa. Bà mẹ sau đó đóng vai thợ cơ khí và làm mẫu hành động sử dụng “vật vô hình” trong tay trong khi Ben mải nói về các chi tiết của ô tô đang cần sửa. Tiếp theo, bà mẹ khuyến Ben khích Ben đóng vai thợ cơ khí, và sửa chi tiết nào đó của ô tô. Ben rất hào hứng và giả vờ hành động “bơm xăng” và “bơm lốp” với máy bơm “vô hình” dưới sự gợi ý của mẹ. Người mẹ giúp Ben vừa chơi vừa tường thuật lại những gì cậu bé đang làm.
Bước 5. Dạy trẻ các kết hợp tượng trưng.
Căn cứ : Mục tiêu cuối cùng của chương này là dạy trẻ kết hợp nhiều hành động chơi giả vờ thành một trò chơi phản ánh toàn bộ một hoạt động nào đó trong đời sống, hơn là chỉ một hay hai hành động riêng rẽ. Hãy nghĩ về một hoạt động của trẻ, đi ngủ tối chẳng hạn, có biết bao hoạt động liên quan (khâu). Đối với nhiều trẻ, đi ngủ nghĩa là tắm, thay đồ ngủ, đánh răng, bố mẹ đưa trẻ vào phòng ngủ và cùng nhau ngồi trên giường đọc sách, sau đó bố mẹ đắp chăn cho trẻ, thơm trẻ một cái, hát cho trẻ nghe một bài, đưa cho trẻ món đồ chơi yêu thích, tắt đèn và đóng cửa. Mỗi một hoạt động riêng rẽ đó, lại bao gồm rất nhiều hành động, và nếu chúng ta gộp tất cả chúng lại thì có lẽ phải đến khoảng 50 hành động riêng rẽ nằm trong chuỗi sự kiện đi ngủ tối. Ngay bây giờ, bạn và trẻ có thể chơi trò giả vờ cho búp bê đi ngủ tối, theo đó búp bê được đặt lên giường đồ chơi và đắp chăn – như vậy là đã bao gồm hai hành động trong một trò chơi rồi. Thậm chí, nếu thêm cả đọc sách truyện, thơm búp bê, và tắt đèn đã làm trò chơi phong phú thêm rất nhiều với nhiều hành động được kết hợp. Một khi trẻ có thể kết hợp một hay hai hành động trong một trò chơi một cách dễ dàng, bạn có thể giúp trẻ mở rộng số lượng hành động có liên quan, vì thế trò chơi sẽ trở nên phong phú và phức tạp hơn rất nhiều.
Hoạt động : Kết hợp nhiều hành động giả vờ thành một cảnh trong đời sống thực
Thời điểm để bạn bắt đầu tập trung vào việc kết hợp nhiều hành động giả vờ là thời điểm con bạ dễ dàng chơi nhiều hoạt động giả vờ khác nhau (giả vờ ăn, tắm, và đi ngủ,…) và có thể bắt chước và chủ động thực hiện một số hành động giả vờ trong các trò chơi đó.
Dưới đây là một vài ý tưởng điều chỉnh các hoạt động chung để đạt được mục tiêu trên:
- Chuẩn bị: Hãy để trẻ lựa chọn trò chơi giả vờ. Hãy để trẻ chọn một hay hai nhân vật chơi cùng, ngồi xuống với bạn và gọi tên trò chơi và tổ chức hoạt động chơi. Trò chơi này kỳ vọng sẽ có từ bốn đến năm hủ đề hành động có liên quan.
- Thiết lập chủ đề: Hãy chờ đợi trẻ bắt đầu một hành động giả vờ, nếu trẻ không chủ động, bạn hãy khuyến khích và giúp đỡ trẻ thực hiện. Đây chính là chủ đề chơi. Bạn hãy bắt chước trẻ vì thế bạn có thể tham gia vào trò chơi.
- Bổ sung yếu tố mới: Trong lượt tiếp theo của bạn, bạn vừa chơi vừa tường thuật lại những hành động của mình, sau đó bạn hãy thêm một hành động mới mà trong đời sống bạn và trẻ đã từng thực hiện, đồng thời bạn tường thuật lại hành động đó. Bằng cách này, bạn đang diễn giải một chuỗi các hành động xuất hiện cùng nhau trong một thời điểm của một hoạt động nào đó trong cuộc sống thường ngày (Ví dụ: rót nước hoa quả, ngoáy tan cốc, uống nước. Khen ngon. Ồ, mẹ lại làm rớt ít nước ra rồi”. Sau đó, bạn khuyến khích con bắt trước bạn, nhắc nhở trẻ thực hiện nhiều hành động nếu cần thiết. Bạn nên chuẩn bị hai bộ đồ chơi giống nhau, vì thế khi bạn làm mẫu với một bộ đồ chơi, bạn có thể nhắc nhở trẻ bắt chước với bộ đồ chơi còn lại. Mục tiêu của bạn ở đây là bạn đang xây dựng một trò chơi giả vờ gồm nhiều bước hơn là việc con bạn dễ dàng thực hiện các hoạt động trong khi chơi.
- Kết thúc/Chuyển đổi: Khi trẻ tỏ ra không còn hào hứng với trò chơi, hoặc khi trò chơi đã lặp đi lặp lại nhiều lần, bạn hãy gợi ý trẻ nên dừng trò chơi và chuẩn bị thu dọn. Nếu trẻ không muốn thu dọn, hãy đưa bộ đồ chơi khác xem liệu trẻ có muốn chơi không. Nếu trẻ muốn, hãy đặt bộ đồ chơi đó xuống và khuyến khích trẻ giúp bạn thu dọn bộ đồ chơi giả vờ kia để mau chóng chuyển sang trò chơi mới.
Dưới đây là một số ý tưởng về các chủ đề chơi giả vờ và các hành động có liên quan:
- Cho nhân vật đồ chơi đi ngủ: Cởi quần áo, thay tã, mặc quần áo ngủ, đánh răng, lựa một cuốn sách, hát bài hát ru, thơm/ôm chúc ngủ ngon, tắt đèn.
- Nhân vật đồ chơi thức dậy: Thay quần áo (cở bộ đồ ngủ, bỏ ra, mặc bộ quần áo mới), rửa mặt, chải răng, chải tóc.
- Giờ ăn: Chuẩn bị bàn ăn, rót nước hoa quả, cho thức ăn vào đĩa/bát, ăn, uống, lau miệng, thu dọn.
- Ra ngoài nhanh: Giả vờ lấy ô tô và đi tới bưu điện, cửa hàng hoa quả, cửa hàng đồ chơi, hay nhà hàng. Tiếp tục thêm vài bước nữa, rồi về nhà (hộp đựng thiếp sẽ rất lý tưởng để giả làm “ô tô”).
- Ra ngoài lâu: Đi nhà trẻ, đi nhà thờ, đi bác sỹ/nha sỹ, đi tới cuộc hẹn, đi sinh nhật, đi thăm ông bà, đi vườn thú.
- Chơi ở công viên: Xích đu, leo trèo, xây lâu đài cát.
- Tắm: Vặn nước vào bồn, lấy xà phòng, cọ người, làm sạch xà phòng, lau khô người.
- Đóng giả nhân vật trong truyện: Hãy đóng lại các cảnh trong một cuốn sách, bộ phim, hay truyện cổ tích mà trẻ thích (nhưng trẻ phải nhớ rõ nội dung câu chuyện đó)
- Đi khám bác sỹ: Vào cửa, đăng ký khám, đo chiều cao cân nặng, vào phòng khám, ngồi xuống ghế, bác sỹ đo nhịp tim và phổi, bác sỹ kiểm tra tai và miệng, kiểm tra phản xạ của chân.
- Đi nha sỹ: Vào cửa, đăng ký khám, tới phòng khám, ngồi trên ghế, đeo yếm, nằm ngửa ra sau một chút, há miệng, nhìn vào gương, gõ nhẹ vào răng, xát khuẩn nướu, xúc miệng, ngồi dậy, tháo yếm ra, nhận bàn chải mới.
Lưu ý: Khi cả bạn và trẻ đã chơi được nhiều trò giả vờ với những đồ vật trong nhà, và trẻ cũng đã chơi khá thành thạo, lúc đó bạn có thể mua những bộ đồ chơi giả vờ bán sẵn ở các trung tâm mua sắm như: búp bê nhỏ, ngồi nhà, ô tô đồ chơi, và các vật dụng đồ chơi khác. Bây giờ, bạn hãy cho búp bê tới vườn thú, đi khám bác sỹ, đi cắm trại, đi công viên, tới nông trại,… Bạn và trẻ có thể đóng các vai trẻ yêu thích trong truyện hay phim. Hãy giúp con bạn học cách sáng tạo các câu truyện với những búp bê/thú nhồi bông để chuẩn bị chơi theo chủ đề với các trẻ khác.
Hoạt động: Sử dụng các trò chơi giả vờ để giúp trẻ trải nghiệm đời sống thực
Thật là bất ngờ, quá trình chơi giả vờ những hoạt động diễn ra trong đời sống thực lại có thể giúp trẻ hiểu hơn về các khía cạnh của cuộc sống thực. Như bạn đã biết, bạn có thể thấy trẻ khó thực hiện các hoạt động hàng ngày (như đánh răng, cắt tóc, đi ngủ,…) nhưng lại thấy dễ dàng hơn khi trẻ học, thực hành và tường thuật những hoạt động đó trong quá trình chơi. Chơi giả vờ giúp trẻ chuẩn bị tốt hơn cho việc học một kỹ năng mới được xem là khó và có thể làm trẻ sợ. Việc xây dựng sẵn một “kịch bản” những gì sắp diễn ra khi trẻ trải nghiệm một tình huống mới được gọi là định hướng và chiến thuật có nghiên cứu nhằm giúp trẻ làm quen với kỹ năng và hành vi mới.
Dưới đây là một số gợi ý nhằm giúp trẻ chuẩn bị cho lần đầu tới nha sỹ, có sử dụng trò chơi giả vờ:
- Hai tuần trước khi đi tới nha sỹ, hãy cùng trẻ chơi trò Gấu Winnie, chuột Mickey hay nhân vật hoạt hình nào đó mà trẻ yêu thích – hãy chọn nhân vật có răng và có thể há miệng. Hãy cùng trẻ cho nhân vật hoạt hình đó thực hiện các bước đơn giản như : ngồi ghế, đeo yếm, há miệng, nha sỹ soi răng với một cái gương và dùng một cái que sạch để khám vào răng, ngồi dậy. Hãy bắt đầu từ những bước đơn giản như ghế, đèn soi, yếm, que khám. Hãy gọi đây là trò “đi nha sỹ”. Hãy chơi trò đó trong ít ngày, thay đổi các nhân vật hoạt hình, và hãy để trẻ đóng vai nha sỹ khám răng cho búp bê, các nhân vật hoạt hình và cho cả bạn nữa.
- Sau khi trẻ đã quen thuộc với trò chơi, bạn hãy bổ sung thêm các bước, hoặc cũng có thể rủ người khác cùng chơi. Nếu mẹ đang chơi trò này với con, mẹ có thể rủ thêm bố hay bà đóng giả làm bệnh nhân. Hãy chúc mừng “bệnh nhân” khi kết thúc việc khám răng. Khi trẻ đã đóng vai nha sỹ một cách thành thục, hãy đổi lượt trẻ đóng vai “bệnh nhân” – yêu cầu trẻ ngồi, hơi ngửa đầu về sau, mặc yếm, há miệng, và để bạn dùng que khám chạm vào răng. Sau đó tháo yếm cho trẻ và chúc mừng trẻ vì đã khám răng xong. Trẻ bây giờ đã hiểu rõ “kịch bản” đi nha sỹ và chuẩn bị tốt cho những gì sắp xảy ra.
- Một vài ngày trước cuộc hẹn khám, bạn hãy hỏi phòng khám liệu bạn và trẻ có thể đến để “quan sát trước” với sự giúp đỡ của trợ lý phòng khám nhằm giúp trẻ hiểu được những gì sắp xảy ra ở một địa điểm mới. Hãy mang theo máy ảnh và búp bê/thú nhồi bông yêu thích của trẻ. Khi bạn và trẻ tới đó, hãy để lễ tân chào trẻ và búp bê của trẻ, và hãy chụp một bức ảnh với lễ tân. Sau khi bước vào phòng khám, bạn hãy đặt búp bê lên ghế khám, và chụp một bức ảnh búp bê ngồi trên ghế. Hãy hỏi trợ lý phòng khám cách di chuyển ghế lên xuống với búp bê ngồi trên, sau đó bạn tự di chuyển chiếc ghế lên xuống, và quan sát trẻ nếu thấy trẻ thoải mái thì có thể đề nghị trẻ ngồi thử. Nếu trẻ tỏ ra lo lắng thì bạn hãy chỉ để búp bê ngồi ghế. Sau đó, bạn ngồi xuống ghế, bế trẻ và búp bê, tựa lưng ra sau, để người trợ lý hướng dẫn và khám miệng búp bê và miệng bạn. Hãy chụp ảnh người trợ lý khám miệng búp bê. Nếu trẻ thấy thoải mái, bạn hãy khuyến khích trẻ để trợ lý khám miệng, và hãy cố gắng chụp cảnh đó. Sau khi “khám xong”, bạn hãy chúc mừng trẻ và búp bê vì đã hoàn thành việc khám răng. Hãy chụp một bức ảnh lúc đó. Nếu có thể, hãy chụp ảnh nha sỹ sẽ khám răng cho trẻ. Và cuối cùng, hãy chụp ảnh chúc mừng trẻ đã khám xong răng.
- Hãy in những ảnh mà bạn đã chụp, sắp xếp theo thứ tự tạo thành một cuốn sách tranh cho trẻ. Hàng ngày, hãy đọc cuốn sách này cho trẻ nghe trước khi cho trẻ đi khám thật. Hãy đảm bảo cuối cuốn sách là bức ảnh chúc mừng trẻ vì đã khám răng xong kèm theo lời chúc thật nhiệt tình nhằm khích lệ trẻ.
- Sau khi trẻ đã khám răng xong, hãy tiếp tục chơi trò giả vờ đó sau này. Bạn có thể bổ sung thêm các đồ vật khác (cốc, đèn,…) và đó là một trong những trò giả vờ để trẻ lựa chọn trong khi chơi.
Khi trẻ chuẩn bị tham gia vào những trải nghiệm đời sống mới, tất cả những trải nghiệm đó đều có thể là chủ đề chơi giả vờ, nhằm để chuẩn bị tham gia trải nghiệm hay củng cố lại trải nghiệm đó. Những tình huống xã hội quan trọng có thể làm chủ đề chơi giả vờ như: tiệc sinh nhật, đi khám bác sỹ hay nha sỹ, giả vờ bị thương và làm sạch rồi băng bó vết thương; chơi trò chơi vòng tròn với những người khác, ngồi trong nhà hàng, đi thư viện đọc sách, đi nghỉ cùng gia đình, đi nhà thờ – bất kỳ sự kiện nào lặp lại hàng ngày với trẻ hoặc sự kiện mà làm trẻ lo lắng. Khi bạn đã mở rộng trò chơi, các nhân vật hoạt hình tham gia, các hành động, bạn sẽ một cách tự nhiên mở rộng ngôn ngữ, và do đó trẻ sẽ học được cả các hành động mới lãn ngôn ngữ trong những tình huống đó.
Tóm tắt bước 5
Bước này tập trung vào việc dạy trẻ kết hợp các hoạt động giả vờ theo một cách lô gic phản ánh một trải nghiệm trong đời sống thực. Bạn đã biết cách xây dựng nên chuỗi các hành động giả vờ trong các chủ đề chơi. Khi đó, con bạn cũng đã hiểu “kịch bản” cho mỗi chủ đề chơi, từ khởi đầu đến kết thúc, và có thể tham gia chơi cùng với bạn, với anh chị em của trẻ và với các bạn ở trường và ở nhà. Hãy kiểm tra lại các câu hỏi dưới đây, nếu bạn đồng ý với các câu hỏi này, tức là bạn đã đạt được những kỹ năng cần thiệt để dạy trẻ các loại trò chơi giả vờ. Nếu chưa, hãy thực hành thêm thông qua các hoạt động chơi và hoạt động chăm sóc hàng ngày cho tới khi bạn tìm ra phương pháp phù hợp.
Danh sách hoạt động: Con tôi có thể kết hợp các hành động giả vờ?
—–Tôi có một vài ý tưởng về các sự kiện trong cuộc sống và các câu truyện quen thuộc mà tôi và con có thể chơi giả vờ cùng nhau.
—–Tôi có những dụng cụ cần thiết, búp bê/thú đồ chơi/nhân vật hoạt hình và những đồ vật khác để trẻ và tôi “tái tạo” ra các sự kiện thường nhật.
—–Tôi biết cách điều chỉnh hoạt động chung để giúp con tôi kết hợp các hành động chơi giả vờ tạo thành một chuỗi hành động.
—–Tôi biết sử dụng các chiến thuật (cho trẻ thăm quan trước, làm cuốn sách về tình huống sắp xảy ra, thực hành tình huống đó với các nhân vật hoạt hình) để giúp trẻ hiểu và áp dụng các hành động đã chơi trong đời sống thực.
—–Con tôi dễ dàng kết hợp các hành động giả vờ khác nhau tại nhà và tại ít nhất hai địa điểm công cộng khác nhau.
Còn trường hợp của Gracie thì sao? Mẹ Gracie rất thích ý tưởng sử dụng búp bê và thú đồ chơi trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Ngay lập tức, mẹ cô bé nghĩ tới việc dạy cô bé đi vệ sinh bằng việc cho búp bê Yo Gabba Gabba sử dụng nhà vệ sinh có thể sẽ thúc đẩy Gracie bắt chước. Vì Gracie đã biết sử dụng đồ vật cho mẹ, cho cô bé và cho búp bê, nên bà mẹ đã tiến tới bước cho búp bê hoạt động như một chủ thể độc lập. Bà giả giọng búp bê và nói rằng cô cần đi vào nhà vệ sinh (Tôi muốn đi vệ sinh) và từng bước thực hiện việc đi vệ sinh (“Cởi quần dài”, Cởi quần lót”, “Hãy giúp tôi ngồi bô”, “Tè thôi”, “Chùi sạch nào”, “Kéo quần dài lên”, “Dập nước vệ sinh”, “Rửa tay”). Bà mẹ chúc mừng và khen ngợi búp bê mỗi khi làm xong từng bước trong khi Gracie quan sát. Bà mẹ thậm chí còn thưởng cho búp bê vì đã hợp tác khi đi vệ sinh – một dải ruy băng buộc tóc (Gracie thích những dải ruy băng và kẹp tóc). Tiếp theo, bà mẹ giả giọng búp bê nói với Gracie rằng “Đến lượt bạn”, và để búp bê giúp đỡ Gracie từng bước thực hiện việc ngồi nhà vệ sinh. Gracie rất thích có một chiếc ruy băng mới để buộc tóc, nên đã vui vẻ làm theo chỉ dẫn của búp bê từ đầu tới cuối.
Tổng kết Chương
Chơi giả vờ là một kỹ năng cực kỳ quan trọng trong sự phát triển của trẻ nhỏ. Nó thúc đẩy kỹ năng tư duy, kỹ năng ngôn ngữ, và kỹ năng xã hội. Đặc biệt, chơi giả vờ giúp trẻ hiểu kết quả của các tình huống xã hội và vai trò xã hội, nó giúp trẻ hiểu được “luật” đằng sau các tình huống xã hội. Khi trẻ hiểu được chơi giả vờ, phát triển ít ngôn ngữ và có thể chủ động chơi các hoạt động giả vờ, thì bạn có thể giúp trẻ áp dụng các trò chơi giả vờ để chuẩn bị trải nghiệm các tình huống xã hội sắp tới. Các trò chơi giả vờ, bao gồm cả bảng truyện (storyboard) và sách truyện, có thể sử dụng để thực hành các tình huống – lần đầu đi máy bay, tới bệnh viện, lần đầu gia nhập nhóm bạn mới, dự tiệc sinh nhật, đi nhà thờ, gia đình đón thêm em bé, chăm sóc, làm hòa sau cuộc tranh luận. Nó cũng có thể giúp trẻ bớt sợ đối với những tình huống hiện tại: gió, gội đầu hay cắt tóc, máy hút bụi, máy xén cỏ, vòi hoa sen. Trò chơi giả vờ cũng có thể giúp trẻ thực hành luật của một trò chơi hay hoạt động nhóm. Học luật chơi những trò “Vịt, vịt, ngỗng” khi xếp vòng trong ở nhà trẻ, hay trò “Chiếc ghế âm nhạc”, trò “Dừng và Đi”, … có thể rất thú vị và đặc biệt có ích cho trẻ khi bạn chơi những trò này với trẻ và với búp bê của trẻ. Thực hành một bữa tiệc sinh nhật, đi khám nha sỹ, tiệc chúc mừng, và những hoạt động khác với các búp bê, vì thế trẻ có thể học được những kịch bản xã hội thông qua những trò chơi này. Thực hành những gì trẻ cần làm khi có một người bạn bị thương trong lúc chơi: trẻ cần nói gì, trẻ cần làm gì? Điều này giúp trẻ học cách phản ứng phù hợp với người khác. Con bạn học những điều này bằng kỹ năng bắt chước và kỹ năng ngôn ngữ mà bạn đã dạy (đó là cách tất cả trẻ em – và cả người lớn – học thông qua các kịch bản xã hội). Vì vậy, trò chơi giả vờ không chỉ đặc biệt giúp ích cho trẻ tự kỷ mà cả cho trẻ không tự kỷ: nó giúp trẻ hiểu được ý nghĩa của cuộc sống và chơi với những trẻ khác.
Danh sách ghi nhớ:
Mục tiêu: giúp trẻ phát triển các trò chơi giả vờ một cách chủ động, sáng tạo và linh hoạt.
Các bước:
– Sử dụng các vật dụng hàng ngày để chơi
– Biến hóa búp bê/thú đồ chơi/nhân vật hoạt hình thành chủ thể hoạt động
– Sử dụng các vật thay thế tượng trưng cho các đồ vật khác
– Các sự kiện đời thường có thể là chủ đề chơi
– Chơi các trò chơi tương tác xã hội và những trải nghiệm mới khác giúp trẻ tự kỷ hiểu được ý nghĩa của những trải nghiệm đó.
– Đóng giả các cảnh trong một cuốn phim hay truyện yêu thích của trẻ là một trò chơi giả vờ phức tạp.
CHƯƠNG 13. DẠY TRẺ HỌC NÓI
Mục tiêu chương: Chương này hướng dẫn bạn cách giúp trẻ sử dụng và hiểu được lời nói trong các hoạt động tương tác xã hội chủ động với mọi người xung quanh, biểu cảm khuôn nét mặt và cử chỉ của mọi người xung quanh
Tại sao phát triển lời nói lại đóng vai trò quan trọng đối với trẻ
Lời nói chính là cách thức để con người thể hiện bản thân và tương tác với xã hội, đây cũng chính là vấn đề mà các gia đình có trẻ tự kỷ lo lắng nhất. Bạn có thể quay trở lại các phần trên của cuốn sách trước khi đọc phần này, liệu bạn có đang tự hỏi tại sao chúng tôi đợi đến tận bây giờ mới đề cập đến nội dung quan trọng này không? Trả lời cho câu hỏi của bạn, chúng tôi có thể nói rằng tất cả các nội dung chúng tôi đã thảo luận ở các phần trước đều là nền tảng căn bản để bước vào phần phát triển lời nói cho trẻ. Giống như một đứa trẻ phải học ngồi, học đứng trước khi học đi, trẻ phải có khả năng tập trung vào cha mẹ, bắt chước âm thanh của họ, tương tác bằng cử chỉ và biết chuyển sự chú ý từ sự vật, hiện tượng sang mọi người xung quanh và ngược lại thì mới có thể học cách hiểu và sử dụng lời nói. Nếu bạn chưa đọc qua các chương 4-12 thì hãy quay lại và thực hành các kỹ thuật can thiệp đó trước khi đọc và áp dụng các kỹ thuật trong chương này.
Khả năng học nói của trẻ liên quan đến hai kỹ năng chính: một là sử dụng từ ngữ để biểu đạt sở thích, trải nghiệm, cảm giác và suy nghĩ với mọi người xung quanh – đây gọi là là ngôn ngữ diễn đạt; hai là hiểu người khác đang nói gì – đây gọi là ngôn ngữ tiếp nhận. Trẻ mắc hội chứng tự kỷ thường gặp nhiều khó khăn trong việc hiểu và sử dụng lời nói, tuy nhiên hầu hết trẻ đều ít nhiều có khả năng học nói thông qua sự giúp đỡ của cha mẹ và các chuyên gia.
Vậy điều gì xảy ra đối với việc học ngôn ngữ của trẻ Tự Kỷ
Mặc dù không phải tất cả trẻ tự kỷ đều chậm phát triển ngôn ngữ, tuy nhiên hầu hết trẻ tự kỷ gặp khó khăn khi học nói. Những trẻ này sẽ cải thiện khả năng học lời nói nhờ những kỹ thuật can thiệp trình bày trong chương này. Nhiều trẻ tự kỷ chậm phát triển ở nhiều lĩnh vực (nhận thức, tương tác xã hội, giao tiếp), và vì vậy trẻ cũng học ngôn ngữ chậm hơn so trẻ khác. Thêm vào đó, trong chương 4, chúng ta đã đề cập đến một đặc điểm của hội chứng tự kỷ là làm cho trẻ khó tập trung sự chú ý vào người khác, do vậy việc trẻ không quan tâm đến lời nói, ngôn ngữ của những người xung quanh cũng là điều đương nhiên. Tuy nhiên, hầu hết trẻ Tự Kỷ đều có khả năng học nói nếu như trẻ được can thiệp đầy đủ và đúng cách.
Vậy đâu là vấn đề gây cản trở việc học nói của trẻ tự kỷ?
Hội chứng tự kỷ ảnh hưởng đến khả năng tập trung mang tính xã hội với mọi người xung quanh – làm giảm tiếp xúc xã hội, giảm hồi đáp và tương tác xã hội – đó là kết quả của việc trẻ có ít cơ hội để lắng nghe, học và hồi đáp lại với lời nói. Đối với trẻ tự kỷ, tăng cơ hội tương tác xã hội cũng chính là thúc đẩy sự triển ngôn ngữ của trẻ, do đó chúng tôi đã dành phần lớn nội dung cuốn sách này để hướng dẫn bạn cách giảm thiểu thời gian chơi một mình của trẻ, thời gian lang thang quanh nhà, xem ti vi và các hoạt động không mang tính tương tác của trẻ. Bạn đã tạo ra nhiều cơ hội học nói cho trẻ bằng cách tăng thời gian trẻ tham gia vào các hoạt động xã hội có ý nghĩa với mọi người xung quanh. Bạn cũng đã nhận thức được rằng việc giúp trẻ học ngôn ngữ chính là giúp trẻ tương tác mặt đối mặt với bạn và với mọi thành viên trong gia đình bất cứ khi nào có thể. Việc xem ti vi và chơi các trò chơi điện tử có thể giúp trẻ giải trí, tuy nhiên trẻ học giao tiếp thông qua tương tác với mọi người. Trẻ có thể bắt chước phát âm các từ trong trò chơi hoặc đoạn phim, nhưng hầu hết những từ ngữ này không dùng được trong giao tiếp với mọi người xung quanh. Và điều quan trọng nhất, trẻ cần học ngôn ngữ giao tiếp thông qua tương tác với người khác.
Thực sự không đơn giản để bạn dành cả ngày chơi với trẻ trong khi có cả tá công việc nhà, công việc ở cơ quan và chăm sóc những thành viên khác trong gia đình. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian tiếp xúc hàng ngày giữa bạn và trẻ – như trong bữa ăn, trong khi tắm, hoặc trẻ chơi quanh bạn khi bạn làm việc nhà – bạn có thể tận dụng thời gian này để thúc đẩy cơ hội học hỏi và giúp trẻ học ngôn ngữ bằng việc sử dụng những kỹ thuật can thiệp được đề cập trong chương này. Thu hút trẻ tham gia vào việc nhà thông qua các hoạt động chăm sóc và vui chơi hàng ngày, bạn đã tạo thêm nhiều cơ hội tương tác và tập trung phát triển ngôn ngữ cho trẻ, như vậy bạn đã giúp con phát triển khả năng ngôn ngữ của mình. Bây giờ chúng ta sẽ đề cập đến các kỹ thuật can thiệp giúp phát triển ngôn ngữ và khả năng nói của trẻ. Đầu tiên chúng ta sẽ trao đổi về ngôn ngữ diễn đạt, sau đó là ngôn ngữ tiếp nhận.
Bạn có thể làm gì để giúp trẻ hình thành ngôn ngữ và lời nói diễn đạt
Con bạn có phát ra âm thanh nào không? Con bạn có sử dụng giọng của bé để giao tiếp, kể cả khi bé chưa biết nói? Con bạn có thể bắt chước các âm thanh đơn giản của bạn, như tiếng động vật kêu, tiếng xe ô tô khi chơi trò ô tô không? Trẻ có phản hồi qua lại tiếng nói của người khác không? Phát triển các kỹ năng trên chính là chúng ta đang dạy trẻ tập nói. Dưới đây là các bước giúp can thiệp giúp hình thành ngôn ngữ và lời nói diễn đạt cho trẻ:
Bước 1: Xây dựng hệ thống từ vựng âm thanh cho trẻ
Bước 2: Phát triển các trò chơi âm có sử dụng âm thanh của trẻ
Bước 3: Tăng cơ hội lắng nghe và hồi đáp của trẻ với âm thanh của người khác
Bước 4: Nói theo cách của trẻ để thúc đẩy sự phát triển ngôn ngữ cho trẻ
Bước 5: Gắn liền âm thanh với cử chỉ
Trong những trang tiếp sau, chúng tôi cách thực hiện từng bước và đưa ra những hoạt động minh hoạ áp dụng các kỹ thuật trên, đồng thời tư vấn cho bạn cách giải quyết vấn đề có thể gặp phải khi áp dụng các bước can thiệp này. Chúng tôi đã rất thành công trong việc dạy trẻ Tự kỷ học nói với những kỹ thuật can thiệp này, hầu hết trẻ nói từ đầu tiên trong vòng 1 năm kể từ khi được can thiệp.
Bước 1: Thiết lập hệ thống từ vựng âm thanh cho trẻ
Để nói được, trẻ cần phát ra được nhiều âm thanh (âm tố) và phản hồi lại bạn một cách nhuần nhuyễn.
Căn cứ: Thông thường trẻ tự kỷ tạo ra được ít âm thanh, đặc biệt khó phát âm các phụ âm. Trẻ phát âm các nguyên âm như “a” “e” “o” dễ hơn là các kết hợp nguyên âm – phụ âm như “ba’”, “da”, “ta”. Bước đầu tiên để dạy trẻ tập nói là giúp trẻ nói các nguyên âm đơn giản và nói một cách trôi chảy, bằng cách dạy trẻ phản hồi lại các âm thanh của bạn hoặc của người khác xung quanh. Nếu trẻ không phát âm được các âm thanh giống bạn, bạn hãy tập trung giúp trẻ phát âm trôi chảy các âm thanh trẻ đã phát âm được và sau đó mới tập dần sang cho trẻ phát âm các âm thanh khác.
Hoạt động: Coi các phát âm như từ ngữ và nhắc lại các âm thanh đó với trẻ
Một trong những Phương pháp hiệu quả bạn có thể sử dụng để hồi đáp lại các âm thanh được coi như ngôn từ của trẻ là trả lời trẻ, bắt chước các âm thanh của trẻ, hoặc nói gì đó có âm thanh tương tự như thứ trẻ nói. Nếu trẻ tự phát âm một mình, hãy đến bên trẻ và bắt chước các âm thanh của trẻ. Hãy tìm vị trí thích hợp để thu hút trẻ (xem thêm chương 4), lặp lại âm thanh trẻ tạo ra, và dừng lại. Trẻ có thể phát âm lại, nếu không bạn hãy phản hồi lại trẻ. Sau đó, bạn hãy để ý xem trẻ và bạn đã trao đổi qua lại bao nhiêu lần – đó được coi là một đoạn hội thoại nhỏ và qua đó cũng cho thấy rằng trẻ có khả năng kiểu soát giọng mình, có thể phát âm hoặc không, và đây được coi là nhận thức của trẻ về giao tiếp luân phiên bằng lời nói. Nếu như trẻ dừng phát âm, bạn cũng đừng nên lo lắng, mọi thứ vẫn ổn, điều đó không có nghĩa là bạn đã làm sai điều gì, hoặc bạn đã làm trẻ không thích. Đơn giản có thể chỉ là trẻ gặp khó khăn để chọn cách phản hồi ngay tại thời điểm đó, hoặc đó là một trải nghiệm mới mà trẻ cần có thời gian để suy nghĩ. Cũng có thể là trẻ đang ngạc nhiên!. Bạn đang làm đúng và hãy cứ tiếp tục làm điều đó với trẻ. Khi trẻ đã có đủ trải nghiệm, trẻ sẽ bắt đầu hồi đáp lại khi bạn lặp lại các âm thanh của trẻ. Kiên trì sẽ thành công!
Bước 2: Phát triển các trò chơi âm có sử dụng âm thanh của trẻ
Nếu bạn và trẻ đã phát âm qua lại dễ dàng, thì khi con bạn bắt đầu phát âm, hãy thử bắt đầu các trò chơi có sử dụng âm trước khi trẻ bắt đầu tạo ra các âm thanh.
Hoạt động: sử dụng các hoạt động hàng ngày như là các cơ hội để giúp trẻ tạo nên các âm thanh
Lời khuyên hữu ích:
Một vài gia đình dán danh sách các âm thanh trẻ có thể phát âm lên tủ lạnh hoặc tủ bếp. Thường xuyên xem các danh sách này giúp bạn ghi nhớ các việc cần làm để hỗ trợ con mình.
Bạn hãy thử áp dụng hoạt động trên trong khi bạn ngồi đối mặt với trẻ và có vị trí hợp lý thu hút trẻ – như trên ghế cao, trên bàn, trên giường ngủ, trên đùi bạn. Bạn hãy nhìn vào trẻ, phát âm âm thanh mà trẻ có thể bắt chước và trao đổi qua lại được, bạn chờ đợi trẻ “hồi đáp” lại bạn. Nếu trẻ hồi đáp lại, bạn hãy trả lời lại trẻ và cả hai thực hiện một đoạn hội thoại nhỏ. Hãy thực hành bước đầu tiên với các âm thanh khác nhau khi bạn và con đang chơi các trò chơi tương tác. Khi trẻ có thể khởi xướng và duy trì tương tác qua lại với bạn, và khi trẻ có thể phản hồi bạn với các âm thanh đa dạng khi bạn khởi xướng một cuộc hội thoại, đó chính là lúc bạn và trẻ đã tạo được bước tiến to lớn trong hành trình học nói của trẻ.
Lời khuyên hữu ích:
Micro đồ chơi tạo tiếng vang hoặc có chức năng truyền âm thanh có thể giúp khuyến khích trẻ trải nghiệm được với chính giọng của mình. Hãy thử nói hoặc hát kéo dài các nguyên âm trong mic khi trẻ đang chú ý – ví dụ như “o- ó – ô- ô – ồ” hoặc “la – lá la la là”. Khi bạn dừng lại, hãy chuyển mic cho trẻ, trẻ có thể nhìn mic, cầm míc đưa sát miệng, thậm chí ngậm míc vào miệng. Chờ đợi một chút sau đó bạn lấy lại míc, phát âm lại và lại trao míc cho trẻ. Bạn có thể lấy tay chạm nhẹ vào miệng trẻ để khuyến khích trẻ cử động miệng và phát âm. Bạn hãy thử thực hiện với trẻ khi bạn hát, thường xuyên lặp lại và chơi trò chơi này hàng ngày. Sau một vài ngày bạn có thể thấy trẻ bắt đầu bập bẹ trong míc hoặc sờ vào miệng bạn để bắt đầu phát âm.
Bạn đừng lo lắng nếu con bạn không trả lời khi bạn bắt đầu chơi trò âm, trong tương lai trẻ có thể thực hiện điều đó. Tiếp tục bắt chước trẻ và xây dựng những hội thoại qua lại giữa trẻ và bạn, tiếp tục và cố gắng thực hiện điều này hàng ngày, con bạn sẽ dần theo được sự hướng dẫn của bạn trong tương lai.
Sabrina – một cô bé 20 tháng tuổi thường ngồi im và ít thích thú với mọi vật xung quanh. Cô bé rất ít khi phát âm và chỉ phát âm vô nghĩa khi chạy vòng tròn quanh phòng. Mẹ cô bé Chris, kiên định bắt chước bé, nhưng bé vẫn không hề hồi đáp lại. Chris liền hát cho Sab nghe nhiều lần mỗi ngày và thể hiện với khuôn mặt, cử chỉ và giọng hát đầy sinh động lôi cuốn, Chris nhận ra rằng Sab đặc biệt thích bài hát “twinkle, twinkle, litter star”. Khi Chris bắt đầu hát, Sab sẽ dừng lại, quay đầu và tiền gần mẹ, để xem và để nghe mẹ hát.
Vài tuần sau khi Chris bắt đầu sử dụng kỹ thuật của cuốn sách này, cô đã nghe thấy Sab phát âm những từ giống như trong bài hát. Khi nghe thấy Sab phát âm giống như từ “Twinkle”, Chris hát lại bài hát đó cho Sab nghe, Sab quay lại và tiến gần mẹ. Sau đó Chris dừng hát và Sab bắt đầu hát tiếp. Hai mẹ con thay phiên nhau hát thêm một vài lượt nữa.
Chris coi đây là một tín hiệu Sab yêu thích bài hát do đó cô tích cực hát mọi lúc – trong khi cô thay đồ cho Sab hay làm các việc hàng ngày – dù chỉ một đoạn hát nho nhỏ mà cô vừa làm vừa sáng tác. Chỉ trong vòng 1 đến 2 tuần sau đó, Chris đã nghe thấy Sab “hát lại” các bài của Chris, con gái cô đã học được “từ” thông qua các bài hát. Khi Sab bắt đầu cất tiếng hát, Chris hát tiếp nối theo Sab để cho con nghe. Cô nhận thấy rằng khi cô bắt đầu bài hát yêu thích của con, và bỗng cô dừng lại ở từ cuối của câu hát, thì Sab sẽ hát tiếp từ cuối trong câu đó. Nguyên âm, phụ âm, và cách phát âm giống từ trong bài hát của Sab đã tăng lên đáng kể, và Chris bắt đầu nghe thấy những âm mới này nhiều lần khi Sab tự bật âm một mình.
Sau khi hai mẹ con Chris thực hành nhiều lần phát âm qua lại bài hát thì bây giờ Sab đã bắt đầu phản hồi lại khi Chris bắt chước phát âm của con. Sab nhại lại lời bài hát và hai mẹ con thậm chí còn hát qua lại cả bài hát. Chris thấy rằng bây giờ Sab đã có đủ các âm để bắt đầu sử dụng vào các hoạt động chơi hàng ngày của hai mẹ con. Sab đặc biệt yêu thích trò cho búp bê ăn và thổi bong bóng. Vì thế Chris đã sử dụng âm thanh “ba-ba” của Sab trong cả hai trò này. Và khi Sab đã có thể quen với một trong những cách này, cô bé đã bắt chước nhại lại âm “ba-ba” nhiều lần trong ngày. Trong một vài tuần, Sab từ một đứa trẻ không có nguyên âm hay không bắt chước lại bất cứ âm thanh nào trong các hoạt động phát âm hay hát, thì bây giờ đã trở thành một cô bé có thể phát âm và và bắt chước một vài từ của Chris trong các hoạt động hàng ngày, tất nhiên là sử dụng các âm mà cô bé đã thuần thục.
Bước 3: Tăng cơ hội lắng nghe và hồi đáp của trẻ với âm thanh của người khác
Một kỹ thuật khác được sử dụng cho trẻ mới bắt đầu học phát âm là tăng cường cho trẻ nghe những âm thanh (không phải lời nói), bài hát và vè (thơ vần).
Căn cứ: Tiếng động vật, tiếng xe ô tô, hoặc các loại âm thanh khác tạo ra thông qua hoạt động hàng ngày cũng rất quan trọng cho trẻ trước khi học nói, kể cả khi những âm thanh đó không phải là âm thanh lời nói. Những trò chơi bao gồm bài hát hay các trò xã hội cảm giác mà cần sử dụng những từ để khởi xướng hay tiếp diễn trò chơi cũng có thể gây chú ý và hứng thú cho trẻ.
Hoạt động: Tăng cơ hội để trẻ nghe các âm thanh phi lời nói
Khi bạn và trẻ cùng chơi đồ chơi, hãy tạo ra các âm thanh khi chơi qua lại với trẻ.
Dưới đây là một vài gợi ý:
- Nói “reng” khi bạn cầm điện thoại áp vào tai để nghe
- Tạo tiếng động cơ vroom –vroom khi chơi trò cầu hỏa, xe ô tô, máy bay, hoặc khi bạn chỉ cho trẻ thấy sách hoặc miếng ghét hình các Phương tiện vận chuyển
- Tạo tiếng động vật cho các đồ chơi con vật hay các bức tranh động vật trong sách hoặc trong trò ghép hình
- Tạo nên những âm thanh buồn cười như tiếc tặc lưỡi, tiếng bập môi, ..trong khi bạn thay bỉm cho trẻ, cho trẻ ăn, chơi đò chơi hoặc các hoạt động vui chơi xã hội khác.
Bạn hãy để ý phản ứng của trẻ, hãy lặp lại các âm thanh thu hút sự chú ý của trẻ. Hãy tạo ra từng âm thanh một và kiên nhẫn chờ đợi trẻ bắt chước lại âm thanh của bạn, và cho dù trẻ có phản hồi lại hay không, hãy lặp lại âm thanh đó. Những âm thanh có định hướng của bạn sẽ giúp trẻ học để phát âm.
Hoạt động: Tăng cơ hội để trẻ nghe từ ngữ
Những hoạt động có liên quan đến sử dụng từ ngữ hoặc âm thanh trong các trò chơi dựa trên âm điệu, bài hát, hoặc các hoạt động chơi hàng ngày. bạn có thể sử dụng một số trò chơi con trẻ – sử dụng kết hợp từ ngữ với cử chỉ như trò trốn tìm, thả đỉa ba ba, rồng rắn lên mây, … chúng ta có thể kết hợp các bài hát với các hành động như các bài “một con vịt” “wheel on the bus”,…các trò chơi liên quan đến bóng, nhảy nhót, bơi và các trò chơi có các bước “sẵn sàng, chuẩn bị, chạy”, hoặc “trò oẳn tù tì”, các trò chơi này cung cấp cơ hội trẻ có thể nghe thấy được các từ theo cách thức tự nhiên và có nhịp điệu. Khi trẻ đã tham gia vào các hoạt động có tính nhịp điệu như nhảy, lắc lư, hò hét, chúng ta sẽ thêm từ ngữ như “nhảy, nhảy, nhảy” (hoặc lên, xuống khi trẻ lắc lư hoặc nhảy lên nhảy xuống) theo vần điệu vào các hoạt động của trẻ.
Trẻ em đa phần thích thú với những âm thanh nhịp nhàng, các hoạt động nhảy múa, và trẻ thường nói được từ đầu tiên thông qua những trò như vậy. Hãy cố gắng tạo ra thật nhiều những hoạt động vui vẻ kích thích cảm giác mỗi ngày, với sự kết hợp của nhiều âm thanh, từ ngữ và bài hát, thông qua việc lắng nghe nhiều âm thanh sẽ giúp trẻ phát ra được nhiều âm, hiểu được ý nghĩa xã hội của các âm và từ ngữ đó.
Tóm tắt bước 3
Trong phần đầu chương này, chúng tôi đã nói rằng việc dạy trẻ tập phát âm sẽ giúp trẻ học nói và giúp trẻ sử dụng các âm tố thông qua các trò bắt chước qua lại. Nếu bạn đã hiểu hết nội dung trong các bước ở trên, bạn đã nắm trong tay những kỹ thuật quan trọng giúp con bạn học nói và sử dụng ngôn ngữ. Những kỹ năng này bạn sẽ sử dụng trong giai đoạn đầu khi trẻ học ngôn ngữ bằng cách tạo ra các âm thanh mà trẻ có thể phát âm được, dạy trẻ những âm tố, những từ ngữ trong những ngữ cảnh thú vị, và giúp con bạn mở rộng âm tố trong các hoạt động có ý nghĩa. Nếu bạn vẫn chưa nắm vững những kỹ năng này, hãy đọc lại và tìm lời khuyên từ các chuyên gia ngôn ngữ. Những kỹ năng này giúp bạn nói chuyện với con một cách tự nhiên mà thậm chí chính bạn còn không nghĩ tới.
Hoạt động: Tôi đã giúp con tôi phát triển các âm tố (âm thanh ngôn ngữ) mới?
- Tôi biết các âm tố mà con tôi thường xuyên phát ra, kể cả nguyên âm và phụ âm
- Tôi đã bắt chước con khi trẻ phát âm và tôi đã lựa chọn vị trí giao tiếp mắt thích hợp với trẻ
- Tôi biết cách dừng lại và chời đợi trẻ hồi đáp sau khi tôi tạo ra các âm thanh
- Tôi biết cách phát triển các trò chơi phát âm qua lại với trẻ
- Tôi sử dụng nhiều âm thanh, từ ngữ, các bài hát vui nhộn và các trò chơi trẻ con để kết hợp các động tác với các từ đơn giản và âm thanh
- Tôi biết cách dừng lại khi đang chơi các trò chơi sử dụng âm thanh từ ngữ với trẻ, chờ đợi trẻ chú ý, trẻ hành động và trẻ hồi đáp lại trước khi tôi tiếp tục
Bước 4: Nói theo cách để thúc đẩy sự phát triển ngôn ngữ cho trẻ
Nói chuyện với trẻ là hoạt động rất quan trọng, nhiều gia đình nói chuyện với trẻ, giao tiếp xung quanh trẻ, nhưng khi trẻ không giao tiếp lại bằng lời, thì họ thường nói nhỏ xuống hoặc dừng không giao tiếp với trẻ nữa.
Căn cứ: việc cha mẹ nói chuyện với con cái có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển ngôn ngữ của trẻ, và điều này đúng đối với trẻ tự kỷ. Cha mẹ thường xuyên trao đổi nói chuyện (mặt đối mặt và sử dụng ngôn ngữ đơn giản) về những thứ trẻ đang làm, trẻ đang nhìn thấy hoặc trẻ đang trải nghiệm, hoạt động này chính là việc đặt tên cho các hành động và sự vật, cha mẹ kể lại những việc họ đã thực hiện giúp trẻ mở rộng vốn từ và khả năng nói của trẻ. Nếu cha mẹ nói chuyện với trẻ bằng những mệnh lệnh, chỉ dẫn thì chỉ làm giới hạn cơ hội học hỏi ngôn ngữ của trẻ mà thôi. Bạn hãy luôn chắc chắn rằng bạn giao tiếp với trẻ thông qua hoạt động vui chơi và sinh hàng ngày, ở bất cứ khi nào có thể, bạn phải thu hút sự chú ý khi bạn nói chuyện với con.
Lời khuyên hữu ích:
Nếu bạn còn lo lắng về việc nói gì với con, bạn hãy nghĩ đặt địa vị bạn là trẻ, bạn đang nói thay trẻ, và hãy xem đâu là từ quan trọng nhất để diễn đạt ý nghĩa của hành động: tên vật trẻ chú ý, trẻ chơi cùng, trẻ nắm bắt, trẻ sử dụng. Hãy dùng ngôn ngữ đơn giản, câu ngắn gọn để diễn tả hành động hoặc danh từ chính trẻ đang thực hiện.
Vậy cha mẹ nên nói với trẻ về điều gì? Điều đơn giản nhất để nói với trẻ chính là thứ chúng đang quan tâm. “con muốn quả bóng: “đây là quả bóng của con”, “tốt lắm, đá quả bóng đi nào” tập trung vào những con bạn quan tâm. Bạn biết rằng trẻ sẽ quan tâm những thứ chúng nghĩ đến. Vậy thì bạn hãy dùng từ ngữ để mô tả lại hoạt động trẻ muốn: “đây là cái giường” “con muốn lên giường không?”, “bế con lên giường nào” “đã đến giờ đi ngủ rồi con yêu” nếu bạn muốn đứa trẻ nói, hãy nói cho đứa trẻ nghe. Bạn hãy nói tên sự vật hiện tượng mà trẻ đang quan sát, tên các hoạt động trẻ đang làm với các đồ vật, nếu trẻ quan sát hoạt động của bạn, hãy mô tả hoạt động đó cho trẻ nghe. Nếu trẻ nhìn vào mắt bạn, hãy nói những lời âu yếm với trẻ. Bạn hãy làm như bạn là phiên dịch, là người tường thuật lại những thứ trẻ thấy, hoạt động trẻ đang chơi, thứ trẻ cầm nắm và sử dụng.
Vậy phải xử lý thế nào với ngôn ngữ phức tạp của bạn? Đối với trẻ chưa biết nói, bạn nên dùng các câu ngắn và có điểm nhấn. Hãy giới hạn ngôn ngữ của bạn trong những từ đơn giản, câu ngắn gọn dùng để mô tả các hành động và danh từ chính trẻ đang thực hiện.
Hoạt động: bạn hãy dùng ngôn ngữ phức tạp hơn một chút so với trẻ
Nhìn chung, nếu con bạn chưa biết nói hoặc nếu con bạn mới bắt đầu sử dụng từ ngữ hoặc câu có 1 hoặc 2 từ, bạn nên sử dụng ngôn ngữ của bạn phức tạp hơn một chút so với trẻ.
Dưới đây là một vài ý:
Tên người:
Đây là mẹ
Chào bố
Bà ngoại đây, chào bà
Tên đồ vật:
Đây là quả bóng, nhìn quả bóng đi
Đây là con chó
Đây là đèn sáng
Tên hành động:
Trống kêu bang bang bang
Nhảy nhảy nhảy (nhảy trên giường)
Lời khuyên hữu ích:
Bạn chỉ nên sử dụng ngôn ngữ của mình chỉ phức tạp hơn một chút so với trẻ. Đây là nguyên tắc chúng tôi gọi là – one up rule (tăng dần): bạn hãy sử dụng câu của mình chỉ dài hơn 1 từ so với trẻ. Nếu trẻ chưa biết nói hoặc mới sử dụng từ đơn, hoặc câu có 1-3 từ. Nếu trẻ biết kết hợp câu 2 từ (ví dụ trẻ nói “đánh trống” “ô tô to”) thì bạn sử dụng câu dài hơn một chút như “ đúng, trống đánh nhanh” hoặc “đó là cái xe tải to màu đỏ”
“té nước, té nước, té nước” khi trẻ nghịch nước trong bồn tắm
“rót nước” khi trẻ đổ nước từ cốc này sang cốc khác
“rót nước vào” khi trẻ đổ nước vào thùng, “đổ nước ra” khi trẻ đổ nước ra ngoài
“Hãy đặt tên các sự vật hiện tượng phong phú xung quanh trẻ, kể cả khi trẻ không chú ý tương tác qua lại với bạn”
Bạn hãy nghĩ về những từ ngữ đơn giản bạn muốn dạy trẻ, và sử dụng những từ này thường xuyên (nhiều lần trong ngày) cho đến khi trẻ học được. Hãy dùng từ ngữ đó để mô tả hành động sự vật mà trẻ tiếp xúc hàng ngày. Mọi thứ đều cần có tên gọi – các hoạt động vui chơi mang tính xã hội, thức ăn, đồ chơi, con người, vật nuôi – các hành động cũng cần mô tả và có tên như các sự vật. Với những trẻ mới học nói, bạn không nên tập trung dạy màu sắc, số đếm, chữ cái, những điều này không sớm thì muộn trẻ cũng sẽ biết. Hãy tập trung vào tên người, tên sự vật hành động gắn liền với trẻ.
“Tôi nghĩ nhiều cha mẹ đã quá lo lắng khi so sánh mức độ phát triển của con mình với trẻ khác nên họ nghĩ rằng con mình cần phải biết màu sắc, chữ cái, chữ số nhưng không nhận thấy rằng con họ chưa hề có nền tảng để tiếp nhận những kiến thức đó”
Cha mẹ Manuel 16 tháng tuổi đã tường thuật rất giỏi các hoạt động của bé. Họ sử dụng cả tiếng Tây Ban Nha và Tiếng Anh để nói chuyện với các thành viên khác trong gia đình. Vì ông bà chỉ nói tiếng Tây Ban Nha nên việc sử dụng cả hai thứ tiếng đã giúp bọn trẻ trong gia định phát triển được khả năng song ngữ. Anh trai của Manuel bị mắc hội chứng Tự kỷ và có thể nói cả hai thứ tiếng rất tốt, do đó gia đình Manuel tin tưởng rằng bé cũng có thể học được cả hai thứ tiếng. Dưới đây là tình huống cha Manuel đã trò chuyện với bé trong khi bé đang chơi với bóng trên bàn uống café.
Manuel đi tới bàn café và bắt đầu đặt một quả bóng vào một trong lỗ của đồ chơi. Cha bé, ông Ramon đi tới và ngồi lên sàn đối diện với Manuel (ngang tầm mắt và khá sát Manuel). Ramon chỉ vào quả bóng và nói “đập quả bóng này” bằng tiếng Tây ban nha. Manuel dùng búa đập quả bóng, Ramon phụ họa con nói “bụp, bụp, bụp” bằng tiếng Anh và hỏi xin cậu bé quả bóng bằng tiếng Tây Ban Nha “đưa cho ba quả bóng. Cảm ơn” – Ramon xòe tay ra và nhận quả bóng Manuel đưa cho. Manuel lại đập bóng thêm vài lần nữa. Và Ramon lại tường thuật “Đập, đập, đập” bằng tiếng Anh.
Ramon cầm chiếc búa và một quả bóng để đưa cho Manuel và nói “Manuel, con chơi thêm không?” bằng tiếng Tây ban nha. Manuel chìa tay lấy bóng. Ông bố nói tiếp bằng tiếng Tây Ban Nha “Con muốn bóng à? Đúng chứ?”. Khi Manuel nhận lấy bóng, Ramon lại nói “đúng rồi, là quả bóng”. Khi Manuel đập bóng, ông phụ họa “Bang, bang”. Sau đó ông lại yêu cầu Manuel đưa bóng đồng thời xòe tay mình ra. Ông nói “Cảm ơn” khi nhận bóng từ Manuel. Đến lượt ông đập bóng, ông nói “Một, hai, ba” và đập. Rồi ông nói “lượt con nè” khi đưa cái búa cho Manuel. Manuel lại đập bóng, và ông lại phụ họa theo “Bang, bang, bang”. Ông tiếp tục đưa ba quả bóng nữa cho Manuel để cậu bé cho vào lỗ, và ông đếm “Một, hai, ba. Ba quả bóng”.
Trong đoạn tường thuật trên ta có thể thấy tất cả các điểm chúng ta đang thảo luận. Ramon, đã sử dụng ngôn ngữ và câu đơn giản để mô tả hành động và đồ vật Manuel đang quan tâm. Ông chơi trò qua lại với con và sử dụng ngôn ngữ đơn giản để phụ họa hành động của con trai. Ngôn ngữ lặp đi lặp lại, chỉ sử dụng câu với một hoặc hai từ, các câu mẫu “một, hai ba”, và các cử chỉ đơn giản (xòe tay ra) khi ông yêu cầu hồi đáp từ con mình. Ông đã giúp Manuel hướng theo được các chỉ dẫn bằng lời nói đơn giản thông qua sử dụng ngôn ngữ vui vẻ chủ động.
Ramon đã tham gia vào trò chơi mà Manuel lựa chọn, tìm được vị trí thích hợp để theo dõi được hoạt động và ánh mắt của con, do đó ông có thể đặt tên cho những thứ Manuel quan tâm, chú ý đến. Chúng tôi gọi điều này là tường thuật hoạt động của trẻ (narrating) và phù hợp với trình độ của trẻ. Như vậy, chỉ trong một tháng, Manuel đã bắt chước được nhiều từ như: “một, hai ba” “Cảm ơn” “Bóng” … và một số từ bằng cả hai ngôn ngữ. Ở mốc 18 tháng cậu bé đã có ngôn ngữ và 22 tháng bé có thể nói những câu ngắn bằng cả tiếng anh và tiếng Tây ban nha, với hơn 50 từ và có thể hiểu được những ngôn ngữ và tiếng nói đơn giản của cha mẹ.
Bước 5: Gắn liền âm thanh (âm tố) với hành động, cử chỉ
Căn cứ: chúng ta đã đề cập đến các bước can thiệp giúp trẻ tập nói gồm (1) phát triển nhiều âm và từ (2) giúp trẻ bật ra được tiếng nói (3) tạo nên trao đổi qua lại bằng từ hoặc âm tố giữa trẻ với bạn hoặc với người khác – “cuộc trò chuyện ngắn”. Với những trẻ đã thực hiện tốt ba bước trên, trong bước tiếp theo chúng ta sẽ gắn các hành động cử chỉ với âm tố để tăng giao tiếp không lời ở trẻ. Chúng ta cũng đã đề cập đến việc đến việc giúp trẻ xây dựng các cử chỉ và ngôn ngữ cơ thể trong chương 7. Bây giờ chúng ta sẽ kết hợp âm tố với cử chỉ hành động.
Để giúp trẻ học cách kết hợp lời nói, âm thanh với cử chỉ một cách hợp lý, chúng ta cần làm mẫu các kỹ năng này một cách thống nhất. Quá trình này thường diễn ra theo các bước sau:
Bước 1: lựa chọn các cử chỉ hành động và một từ mà trẻ thường xuyên sử dụng, bạn làm mẫu bằng cách kết hợp chúng với nhau
Bước 2: gắn liền âm thanh hoặc từ ngữ đơn giản vào các cử chỉ, hoạt động của trẻ
Bước 3: Nếu trẻ phát âm nhưng không phải từ có nghĩa cùng với cử chỉ, hãy thêm từ có nghĩa (danh từ hoặc động từ) thay cho âm thanh đó
Dưới đây là một số gợi ý để thực hiện các bước trên:
- Lựa chọn một cử chỉ và một từ hoặc âm gần giống từ để kết hợp. Bạn hãy chọn một âm tố mà trẻ có thể phát âm được, tiếp theo hãy chọn một cử chỉ mà trẻ thường thực hiện, để ý rằng nên chọn các cử chỉ dễ dàng kết hợp với các âm tố. Ví dụ như khi con bạn dễ dàng thực hiện việc chỉ tay vào đồ vật để yêu cầu và hàng ngày trẻ thực hiện việc này nhiều lần, bây giờ hãy nghĩ đến âm tố bạn muốn trẻ sử dụng kết hợp với việc chỉ tay. Vậy con bạn đã nói được từ “đó” chưa? Hoặc thi thoảng con bạn có thể nhại lại từ “đó” từ bạn không? Nếu có, chúng ta đã có sự kết hợp tuyệt vời giữa hành động chỉ tay và từ “đó”. Hoặc nếu con bạn chưa nói được từ “đó”, vậy trẻ đã nói được âm “ó” chưa? Âm này cũng gần giống với từ “đó”.
Sau khi quyết định được cử chỉ, hành động và từ để kết hợp, bạn yêu cầu trẻ hướng theo tay mình chỉ và bắt đầu vừa chỉ tay và nói “đó, con muốn cái đó”, như vậy bạn đã làm mẫu để trẻ học theo. Và khi trẻ chỉ tay để yêu cầu lấy thứ gì đó, trước khi đưa cho trẻ vật trẻ muốn, hãy bắt chước hoạt động chỉ tay của trẻ và nói “đó? Con muốn cái đó à?”, bạn chờ đợi và xem nếu trẻ cố gắng bắt chước từ “đó” bằng việc phát âm “đờ” hay “ó” trước khi bạn đưa cho trẻ. Nếu trẻ phát âm gì đó, hãy ngay lập tức đưa cho trẻ vật trẻ muốn. Nếu trẻ nhìn vào vật mà không phát âm gì, bạn cũng vẫn đưa vật cho trẻ. Hãy làm mẫu hàng ngày khi trẻ có yêu cầu. Tôi chắc rằng không lâu sau, con bạn sẽ phát ra âm thanh kèm theo cử chỉ để yêu cầu vật gì đó.
- Gắn liền âm thanh hoặc từ ngữ đơn giản vào các cử chỉ, hoạt động của trẻ theo một cách nhất quán: trong quá trình chơi, hãy gắn cử chỉ và các âm thanh một cách thống nhất – “ú” khi trẻ giấu mặt đi, “bye” khi trẻ vẫy tay byebye, “không” khi trẻ vứt đồ chơi hoặc thức ăn. Bạn hãy thực hiện các lời gợi ý ở trên để tìm ra từ – hay âm thanh đơn giản để ghép với các cử chỉ của trẻ. Sau đó hãy bắt đầu làm mẫu, cố gắng làm trẻ bắt chước lại hành động này. Thông qua việc đọc sách, nhại lại tiếng động vật, hoặc các tiếng trong trò chơi của bạn với con để giúp con bắt chước kết hợp các âm thanh và cử chỉ theo bạn.
Ghi nhớ: lần đầu tiên khi trẻ bắt chước được từ ngữ và cử chỉ, hành động, bạn hãy đưa ngay cho trẻ đồ chơi và giữ cho tương tác này được tiếp tục diễn ra. Bạn không nên đòi hỏi con bạn bắt chước thêm ngay lập tức. Bạn có thể rất mong muốn trẻ làm lại, nhưng đối với trẻ đây là một kỹ năng hoàn toàn mới, và thực sự khó khăn cho trẻ để làm lại điều đó hai lần liên tiếp. Thay vào đó bạn nên bỏ qua và quay lại làm mẫu hành động đó vài lần nữa. Sau khi bạn làm mẫu, hãy cho trẻ bắt chước, trẻ có thể bắt chước sử dụng đồng thời âm thanh và cử chỉ hoặc không bắt chước được. Bạn cũng nên áp dụng trò tương tác này liên tục vào những hoạt động hàng ngày. Khi trò chơi này đã trở nên dễ dàng và đơn giản với trẻ, bạn sẽ thấy trẻ làm được nhiều hơn, và bạn sẽ làm mẫu nhiều hoạt động hơn để trẻ bắt chước. Tuy nhiên chúng tôi vẫn đề cập rằng, bạn nên hướng con mình đi từng bước nhỏ một để đạt được kết quả cuối cùng.
Lời khuyên hữu ích: khi bạn bắt đầu sử dụng các từ để gán cho các phát âm của trẻ, bạn không nên sử dụng từ “nữa” “xin” để dạy trẻ yêu cầu, thay vào đó hãy sử dụng tên của sự vật hoặc hành động trẻ muốn, điều này sẽ giúp trẻ mở rộng vốn từ và tránh cho trẻ lạm dụng từ “nữa”. Theo cách này con bạn bắt đầu biết cách sử dụng tên đồ vật và hành động để giao tiếp
- Gắn danh từ hoặc động từ vào các âm đơn giản: bây giờ con bạn đã có thể phát âm kết hợp với cử chỉ trong các trò chơi trẻ con và các trò chơi sử dụng âm thanh, nhưng trẻ chỉ nói các từ như “ah” hay “da”. Và bạn vẫn đang tiếp tục chơi các trò chơi sử dụng âm thanh ngôn ngữ đó chứ? Con bạn đã phát âm nhiều âm vị hơn, có thể bắt chước qua lại các hoạt động của bạn. Như vậy sau khi trẻ kết hợp cử chỉ với các từ như “ah” “da” hoặc các âm khác, bạn bắt chước lại và làm mẫu với các từ ngữ phù hợp. Ví dụ, nếu trẻ chỉ tay vào hộp ngũ cốc và nói “da”, bạn sẽ nói “cái đó à? Ngũ cốc, ngũ cốc” và đưa lọ ngũ cốc cho trẻ. Bạn thêm từ ngữ có nghĩa vào các hành động cử chỉ đã kèm theo những phát âm của trẻ, và đảm bảo rằng những từ ngữ này bao gồm những âm tiết mà trẻ có thể phát âm và bắt chước được. Sau khi bạn thực hiện kỹ thuật này trong vài ngày, nếu như trẻ vẫn không bắt chước phát âm các từ mới, bạn nên tiếp cận gần hơn với trẻ nhìn vào trẻ và nói “ngũ cốc, ngũ cốc” chờ đợi trẻ bắt chước lại bạn. Và bạn hãy cứ đưa cho trẻ ngũ cốc bất kể là trẻ có nói được hay không.
Nếu bạn và trẻ đã tham gia rất nhiều trò chơi bắt chước phát âm, và trẻ cũng bắt chước được rất nhiều âm thanh của bạn, trẻ cũng có thể tự mình bắt chước và kết hợp âm thanh với cử chỉ, tuy nhiên trẻ vẫn chưa phát âm được từ có nghĩa, thì bạn vẫn nên chấp nhận tất cả âm vị của trẻ. Sẽ mất nhiều thời gian để trẻ chuyển từ phát âm “Ss” sang nói được từ “ngũ cốc”, thế nhưng đây vẫn là cách mà bất kỳ trẻ nào muốn học nói đều phải trải qua. Trẻ chỉ nói được những gì trẻ có thể nói, và theo thời gian thì cơ hàm lẫn cã kỹ năng thuần thục nhờ thực hành, và khi trẻ nghe chính xác hơn những âm thanh khác nhau – trẻ sẽ dần tiến tới phát âm đúng các từ có nghĩa.
Tóm tắt bước 4-5
Nếu như bạn đồng ý với các nội dung trong danh sách dưới đây thì bạn đã nắm trong tay những kỹ thuật căn bản để xây dựng được vốn từ vựng ban đầu cho trẻ. Đây sẽ là những kỹ năng bạn sẽ sử dụng trong quá trình dạy trẻ học ngôn ngữ – dựa trên những âm thanh trẻ có thể tạo ra, dựa trên việc cung cấp cho trẻ từ mới trong các tình huống thú vị và giúp trẻ mở rộng vốn từ trong các hoạt động có ý nghĩa. Nếu như bạn chưa chắc chắn về nội dung trên, hãy đọc lại các nội dung và xin ý kiến từ các chuyên gia ngôn ngữ của trẻ.
Danh sách kiểm tra: tôi đang xây dựng vốn từ cho trẻ?
- Tôi đã nói chuyện với trẻ khi chúng tôi hoạt động cùng nhau trong các trò chơi và hoạt động sinh hoạt hàng ngày
- Tôi nói với trẻ bằng ngôn ngữ đơn giản, sử dụng câu chỉ dài hơn từ một đến hai từ so với ngôn ngữ của trẻ
- Tôi thường xuyên tường thuật lại các hoạt động của trẻ và chọn vị trí thích hợp để giao tiếp mắt với trẻ khi trẻ thực hiện các hoạt động đó
- Tôi thường xuyên trao đổi qua lại với trẻ và gọi tên những hành động của tôi và của trẻ
- Tôi thêm các âm thanh đơn giản cùng với các cử chỉ hành động của trẻ, làm mẫu và chờ đợi phản ứng của trẻ để trẻ bắt chước theo
- Nếu như trẻ dễ dàng bắt chước các âm thanh kèm theo cử chỉ, tôi phát âm mẫu các từ có nghĩa và chờ đợi trẻ bắt chước lại
Chú ý: con bạn có dễ dàng bắt chước hay nhại lời không? Nếu trẻ dễ dàng nhại lại, bạn sẽ mong muốn dạy trẻ những câu dài, và khuyến khích trẻ nhại lại câu có nhiều từ, với hi vọng rằng trẻ sẽ nhanh chóng nói được nhiều từ đa dạng. Đừng làm điều đó! Điều này không giúp gì nhiều cho việc học nói của trẻ, nó chỉ làm trẻ nhại lời như một con vẹt, thay vì dạy trẻ những câu từ dài, hãy dạy trẻ ngôn ngữ chủ động, có ý nghĩa và không mang tính rập khuôn. Con bạn có thể nhại lại cả một câu dài, nhưng lại không thể tự nói một từ đơn giản. Trong tình huống này, bạn chỉ nên dạy trẻ từng từ một (câu có một từ đơn giản). Dần dần, bạn chuyển sang dạy trẻ câu có hai, hoặc ba từ theo các hướng dẫn ở trên của chúng tôi. Ví dụ, nếu trẻ tự phát âm từ “sữa” để đòi uống sữa, thì bạn đừng dạy trẻ “hãy nói: con muốn uống sữa” thay vào đó hãy nói “đây là sữa của con” hoặc “con muốn thêm sữa không?” hoặc “sữa Yummy” sau đó đưa cho trẻ ly sữa. Bạn hãy từ từ tập trung phát triển ngôn ngữ chủ động cho trẻ, trẻ sẽ tiến bộ dần dần.
Tóm tắt phần: Tạo lập ngôn ngữ và lời nói diễn đạt cho trẻ
Bước 1: Thiết lập hệ thống từ vựng âm thanh cho trẻ; hoạt động: phản hồi lại nếu trẻ dùng âm vị như là lời nói: nhắc lại, trả lời hoặc nói các từ khác có âm thanh tương tự như âm vị trẻ phát ra; Kỹ thuật: lựa chọn vị trí mặt đối mặt với trẻ, nhắc lại, phản hồi với các âm thanh trẻ phát ra, sau đó dừng lại và chờ đợi trẻ tạo ra các âm thanh khác. Khi trẻ tạo ra các âm thanh khác, bạn tiếp tục phản hồi và duy trì hội thoại không lời tiếp.
Bước 2: Phát triển các trò chơi âm với trẻ; hoạt động: tạo nên một cuộc hội thoại nhỏ thông qua việc tạo ra âm thanh giống như âm thanh trẻ tạo ra, chờ đợi trẻ phản hồi, và tiếp tục hồi đáp với những trả lời của trẻ; Kỹ thuật: Thu hút sự chú ý của trẻ bằng cách khởi xướng các trò chơi khi bạn và trẻ tiếp xúc trực tiếp mặt đối mặt, nhìn vào trẻ, tạo ra âm thanh và chờ đợi trẻ phản hồi, tương tác qua lại theo cách trẻ thích.
Bước 3: gia tăng các cơ hội lắng nghe và phản hồi của trẻ với những âm thanh của người khác; trò chơi với các âm thanh phi lời nói: mô phỏng tiếng kêu của động vật, tiếng ồn của xe ô tô, tiếng điện thoại reo, và các tiếng khác khi chơi cùng với trẻ. Tạo ra các tiếng kêu như tiếng tặc lược, bập môi trong khi tương tác với trẻ. Nếu trẻ thích thú với những âm thanh đó bạn hãy làm lại và dừng đột ngột, chờ đợi trẻ bắt chước bạn. Kỹ thuật: chú ý đến phản ứng của trẻ đối với âm thanh bạn tạo ra. Lặp lại âm thanh để tăng sự thích thú và sự tập trung của trẻ. Chờ đợi trẻ phản hồi. Hoạt động liên quan đến từ và âm trong các bài hát và các trò chơi cảm giác mang tính xã hội: tạo ra các âm thanh và sử dụng từ ngữ khi chơi các trò chơi liên quan đến âm nhạc (bài hát) và các trò nhảy múa như trò trốn tìm, rồng rắn lên mây, … Kỹ thuật: sử dụng các bài hát hoặc các trò chơi nhảy múa liên quan đến nhịp điệu và âm thanh như “sẵn sàng, chuẩn bị, chạy” các bài hát hoặc trò chơi nhảy múa có nhịp điệu vui nhộn được sử dụng mang lại nhiều tác dụng với trẻ.
Bước 4: nói chuyện với trẻ theo cách giúp thúc đẩy sự phát triển ngôn ngữ của trẻ
Hoạt động: trò chuyện với trẻ thông qua các hoạt động chia sẻ hàng ngày như: khi bạn chơi với trẻ, khi bạn đang lái xe, bạn đang làm bữa tối và bất cứ khi nào có thể tiếp xúc với trẻ. Bạn hãy sử dụng từ ngữ đơn giản, các câu ngắn gọn để gọi tên sự vật hiện tượng, mô tả bằng những từ ngữ đơn giản hành động của trẻ và những thứ trẻ quan sát thấy. Bạn hãy tường thuật lại hoạt động của mình và của trẻ. Nhìn chung ngôn ngữ của bạn chỉ nên phức tạp hơn một chút so với trẻ (nếu trẻ chỉ biết sử dụng các âm vị, bạn nên sử dụng từ đơn để mở rộng vốn từ cho trẻ, nếu trẻ sử dụng các từ đơn giản, thì bạn sử dụng các câu đơn giản chứa các từ đó khi trao đổi với trẻ), bạn quyết định từ ngữ nào bạn muốn trẻ học, và giúp trẻ sử dụng từ ngữ này thành thạo trong nhiều tình huống khác nhau.
Bước 5: Gắn âm vị với cử chỉ và hành động:
- Lựa chọn cử chỉ và âm thanh (âm vị) hoặc âm thanh tương tự như lời nói để làm mẫu cho con bạn học theo
- Thêm từ ngữ hoặc âm thanh vào cử chỉ của trẻ
- Thêm các từ hợp lý kết hợp với các hành vi cử chỉ của trẻ
Ghi chú: bỏ qua bước 2 nếu như trẻ đã có ngôn ngữ; kỹ thuật: trong khi tham gia trò chơi hoặc tương tác với trẻ, bạn hãy làm mẫu các cử chỉ và từ ngữ bạn muốn dạy cho trẻ, và dạy trẻ sử dụng được các cử chỉ như với lấy hoặc chỉ tay, các âm thanh hay từ ngữ để biểu đạt mong muốn, trước khi bạn đưa cho trẻ vật trẻ muốn. Khi trẻ phát âm hay dùng từ ngữ diễn đạt khi trẻ chơi hay tương tác với người khác, hãy kết hợp các cử chỉ và hành động cùng với âm thanh.
Bạn có thể làm gì để giúp trẻ hiểu được lời nói
Khi được phát hiện mắc hội chứng rối loạn phổ tự kỷ, trẻ thường hiểu rất ít từ ngữ của những người xung quanh. Một số trẻ khác được xem là có thể hiểu lời nói hơn là do trẻ có thể hiểu được các tình huống (đọc được các tình huống) và có những hành động cử chỉ phù hợp với những gì sắp xảy ra dựa trên những trải nghiệm trong quá khứ của trẻ. Ví dụ khi bạn bảo với trẻ “đã đến giờ đi học rồi, lên xe nào”, nghe xong trẻ có thể đi đến cửa xe. Nếu nhìn vào hành động này, bạn có thể nghĩ rằng trẻ hiểu được những gì bạn nói. Tuy nhiên chính hành động cầm chìa khóa, cầm áo, hay việc bạn đeo ba lô, mặc áo cho trẻ mới là những tín hiệu phi ngôn ngữ giúp trẻ giải thích những gì đang xảy ra.
Lời khuyên hữu ích: Để biết được trẻ có thực sự hiểu được ý nghĩa của từ ngữ và lời nói của bạn không, thì bạn nên nói với trẻ mà không dùng bất cứ cử chỉ hoặc hành động mô phỏng nào và quan sát xem trẻ phản ứng như thế nào. Nếu như trẻ làm theo những gì bạn nói – lấy được đồ vật, làm theo chỉ dẫn, thực hiện một hoạt động thì chắc chắn trẻ có thể hiểu được ngôn ngữ. Nếu như trẻ không làm được theo hướng dẫn bằng lời nói của bạn, thì có thể chỉ nhận biết được tình huống chứ không phải là hiểu những từ ngữ mà bạn nói.
Trẻ tự kỷ thường bỏ qua (không quan tâm đến) những lời nói trực tiếp của bạn đối với trẻ. Do đó, bạn hãy chơi trò tường thuật lại trẻ, sử dụng ngôn ngữ đơn giản, và nói mẫu cho trẻ học, kể cả theo cách này thì những lời nói của bạn cũng có thể không thu hút được sự chú ý của trẻ. Trẻ có thể không tập trung lắng nghe, hoặc không làm theo những chỉ dẫn của bạn, nhưng bạn hãy cứ dạy trẻ lắng nghe và hồi đáp lại với ngôn ngữ, không sớm thì muộn trẻ sẽ làm theo bạn.
“Tôi nhận ra rằng con trai mình dễ dàng làm theo các tín hiệu (ám hiệu) hơn là các hướng dẫn bằng lời nói, chính vì vậy tôi đã giảm dần các cử chỉ hướng dẫn con. Con trai tôi thích đi ra ngoài và bé thường làm theo khi tôi nói “ đi ra ngoài nào con”. Tôi đã giảm gợi ý bằng cách bỏ những hoạt động như chỉ tay ra cửa, …qua đó tôi khuyến khích con mình trả lời và chủ động phản ứng với lời nói của mẹ. Bước đột phá đã xảy ra khi bé đi lấy giầy và lại gần cửa theo chỉ dẫn bằng lời của tôi, lúc đó tôi biết rằng con đã hiểu được lời nói của mình. Thực tế, việc con có khẳ năng nắm bắt được những tín hiệu phi ngôn ngữ cũng chứng minh con có động lực to lớn để học tập.
Có một thông tin tốt là khi bạn làm theo những hướng dẫn của chúng tôi để phát triển ngôn ngữ diễn đạt của trẻ thì đồng thời ngôn ngữ tiếp nhận của trẻ cũng được cải thiện, các kỹ thuật can thiệp trên giúp phát triển cả hai kỹ năng ngôn ngữ cho trẻ. Qua thời gian, khi bạn thực hiện các kỹ thuật can thiệp chúng tôi đã trình bày ở phần trên, con bạn sẽ hiểu được học nói là quan trọng, và trẻ cần phải tập trung và lắng nghe những gì đang được nói đến, và dự kiến được những hồi đáp lại lời nói. Nếu bạn đang trong giai đoạn dạy trẻ kết hợp ngôn ngữ với hành động, thì chắc hẳn bạn cũng mong con mình có thể nghe được và bắt chước lại từ ngữ và âm thanh mà bạn làm mẫu. Trong ví dụ về lọ ngũ cốc, bạn chờ đợi trẻ phản hồi lại âm thanh của bạn trước khi bạn lấy lọ ngũ cốc cho trẻ, như vậy rõ ràng bạn đã mong đợi trẻ lắng nghe và phản hồi lại bạn. Thông qua hoạt động này bạn đã dạy cho trẻ cách lắng nghe và hiểu ngôn ngữ của bạn. Điều này cũng lý giải cách bạn dạy trẻ hồi đáp lại những yêu cầu hay những hướng dẫn bằng lời như thế nào.
Trong những chương trước, bạn đã dạy trẻ đặt tên cho các sự vật hiện tượng thông qua các hoạt động hàng ngày của trẻ. Kỹ thuật này cũng giúp ích trong việc tạo lập khả năng ngôn ngữ tiếp nhận cho trẻ. Bây giờ chúng ta sẽ đến mục: Giúp trẻ hiểu chỉ dẫn của người khác
Chúng ta sẽ tiếp tục sử dụng những bước can thiệp đã sử dụng như trong phần ngôn ngữ diễn đạt và bổ sung một kỹ thuật theo các bước dưới đây, tập trung vào giúp trẻ hiểu và hồi đáp lại lời nói của người khác:
Bước 1: Mong chờ và đón nhận hồi đáp của trẻ
Bước 2: Nắm rõ những nhân tố tự nhiên thúc đẩy khả năng nói của trẻ, và sử dụng chúng để thúc đẩy trẻ phản hồi lại lời nói
Bước 3: Chỉ dẫn ít hơn nhưng kiên trì hướng dẫn trẻ thực hiện nhiều hơn
Bước 4: Dạy trẻ hiểu từ và những chỉ dẫn mới
Bước 1: Mong chờ và đón nhận hồi đáp của trẻ
Nâng cao kỳ vọng của bạn đối với những hồi đáp của trẻ chính là một phần giúp trẻ hiểu được ngôn ngữ.
Căn cứ: khi bạn có con mắc hội chứng rối loạn phổ tự kỷ chưa biết nói nói hoặc chưa hiểu lời nói, qua thời gian bạn có thể không còn kỳ vọng trẻ hồi đáp lại bạn nữa. Thế nhưng một đứa trẻ không được ai mong đợi hồi đáp lại, sẽ không bao giờ biết được tầm quan trọng của lời nói. Chính vì vậy chờ đợi một hồi đáp của trẻ là rất quan trọng trong quá trình dạy trẻ.
Hoạt động: Hãy chú ý những gì bạn nói với trẻ để chắc chắn nhận được hồi đáp từ trẻ
Mong đợi phản hồi và theo dõi phản hồi của trẻ là phần rất quan trong trong quá trình bạn dạy trẻ hiểu ngôn ngữ, lời nói. Đầu tiên, bạn hãy giúp trẻ phản ứng lại bằng cách cố gắng thu hút sự chú ý của trẻ, cung cấp cho trẻ những chỉ dẫn đơn giản, ngắn gọn. Nếu trẻ vẫn không có hồi đáp, bạn hãy nhanh chóng sử dụng những điệu bộ cơ thể hoặc nhắc nhở trẻ làm theo, và sau đó củng cố lại hành vi đó của trẻ. Các ví dụ tuyệt vời để minh họa có trong phần chơi tương tác đã được chúng tôi giới thiệu tại chương 6 cuốn sách này. Khi trẻ quay lại phía bạn, bạn xòe tay ra và nói và nói “đưa mẹ” chờ đợi một lát để trẻ đưa cho bạn, giúp trẻ đặt đồ vật vào tay bạn nếu như trẻ cần bạn giúp đỡ để thực hiện điều này, sau đó nhanh chóng để đồ vật về vị trí cũ để bắt đầu vòng tương tác mới với trẻ. Đưa ra những yêu cầu và hướng dẫn đơn giản, nhẹ nhàng nhưng thường xuyên và yêu cầu trẻ làm theo là kỹ thuật quan trọng giúp trẻ hiểu ngôn ngữ cũng như phát triển khả năng tập trung và phản hồi của trẻ với lời nói của người lớn.
Bước 2: Nắm rõ những nhân tố tự nhiên thúc đẩy khả năng nói của trẻ, và sử dụng chúng để thúc đẩy trẻ phản hồi lại lời nói
Kỹ thuật này nghe có vẻ rất đơn giản, tuy nhiên để tìm đúng yếu tố kích thích – phần thưởng giúp trẻ hợp tác là rất quan trọng trong quá trình dạy trẻ học ngôn ngữ. Bạn dạy trẻ khi bạn hiểu được mục đích và động lực của trẻ. Ví dụ, thời điểm bạn hướng dẫn trẻ “ngồi xuống” khi trẻ muốn thứ gì đó mà bạn có, trẻ sẽ ngồi xuống ghế nhỏ hoặc sàn nhà trước khi bạn trao cho trẻ cốc nước hoa quả mà trẻ muốn, hoặc bạn nói “đến đây” để đưa trẻ ra ngoài chơi, “đứng lên” để dẫn dắt trẻ đang ngồi vào hoạt động trò chơi nào đó. Trong các ví dụ trên trẻ làm theo các hướng dẫn nhờ có các yếu tố kích thích (hay phần thưởng). Nếu bạn cung cấp cho trẻ một hướng dẫn thích hợp trước khi bạn thực hiện điều trẻ muốn, trẻ sẽ lắng nghe và làm theo những hoạt động bổ ích kể cả những hoạt động thể chất như đứng, ngồi hay đi bộ cùng với bạn. Đề ra những yêu cầu đơn giản với trẻ trước khi đáp ứng mong muốn của trẻ chính là một trong những kỹ năng quan trọng trong quá trình dạy trẻ làm theo những chỉ dẫn đơn giản.
Alex 2 tuổi thường chỉ thích chơi một mình. Bé thường từ chối nỗ lực tham gia chơi cùng của bố mẹ. Khi bé đang thả các hình vào ô tô đồ chơi, mẹ bé đến gần chỉ vào một cái lỗ và nói “bỏ vào đây”, nhưng Alex bỏ qua lời nói của mẹ và thả hình vào vào vị trí khác. Sau đó bé đi tìm những quả bóng len, khi bố nhìn thấy thứ bé đang tìm kiếm, ông cầm một quả bóng len lên và đưa cho Alex và nói “con muốn bóng len à?”, nhưng Alex tránh xa khỏi bố và tự nhặt một quả khác dưới sàn nhà. Bố Alex đưa cho con quả bóng len, nhưng bé cầm và vứt xuống sàn, sau đó quay trở lại với trò chơi thả hình vào ô tô của mình. Mẹ bé làm mẫu cho xe chạy và tạo tiếng ô tô vroom vroom, nhưng bé không quan tâm đến mẹ và vẫn tiếp tục hoạt động của mình.
Bố mẹ của Alex thực sự thất vọng vì con không hề phản ứng lại với những nỗ lực tương tác của họ, thậm chí họ không biết làm cách nào để thúc đẩy Alex tương tác với họ. Sau đó họ đã quyết định sử dụng những chiếc xe giống hệt và bắt chước những trò chơi của con. Khi họ bắt đầu bắt chước và tường thuật lại hoạt động của Alex, chú bé bắt đầu chú ý đến họ. Khoảng 10 phút sau khi bắt chước con, cha Alex đột nhiên dừng lại, Alex nhìn vào cha và phát ra âm thanh như muốn nói “chơi tiếp đi bố”, bố Alex chơi tiếp, Alex mỉm cười và thoáng nhìn bố. Sau khi bắt chước hành động của Alex, bây giờ bố mẹ cậu bé bắt đầu cho một hình vào xe của bé. Alex không từ chối, nhưng ngước nhìn mẹ và tiếp tục trò chơi của mình. Sau vài lần như thế, mẹ Alex đưa cho Alex một khối hình, và bé thả vào chiếc xe của mình. Sau trò đó, bé tiếp tục trò chơi đi tìm bóng len, bố đặt vào tay Alex và nói “bóng len đây Alex”, Alex nhận lấy, sau đó bố lấy một quả bóng len khác và nói “Alex, bóng len” và đưa nó cho bé, bé nhận lấy bóng len, sau đó bé quay lại chiếc xe ô tô và tiếp tục thả hình khác vào xe, trong khi mẹ bé vẫn bắt chước làm theo bé. Một lát sau mẹ bắt đầu cho xe chạy và phát ra âm thanh vroom-vroom, nhưng Alex vẫn tiếp tục thả hình vào xe, mẹ bé nhặt một cái khối hình đưa cho vé và nói “Alex, hình”. Alex nói “hình” và thả nó vào xe.
Bố mẹ Alex đã áp dụng hiệu quả kỹ thuật can thiệp trong trò chơi này. Họ đã bắt chước trẻ, tường thuật và giúp Alex chơi luân phiên, đưa ra cho trẻ những chỉ dẫn đơn giản áp dụng vào các hoạt động, trò chơi. Bố mẹ nắm bắt được sở thích của trẻ, nhưng bố mẹ vẫn tương tác trong trò chơi và thưởng cho trẻ khi trẻ làm theo hướng dẫn của mình và dùng phần thưởng để duy trì trò chơi. Sau vài lần, khi bố Alex đưa ra lựa chọn “bóng len hay hình” cho Alex, Alex đã nói “hình” và lấy nó, như vậy bố đã đặt tên cho các vật và hoạt động của Alex “con chọn hình”, còn Alex đang giao tiếp với bố mẹ bằng cử chỉ, ánh mắt và thậm chí cả bắt chước từ nữa. cách bắt gửi chỉ điệu bộ và thậm chí nhại lại cả từ ngữ (lời nói).
Alex là một trường hợp khó tiếp xúc so với các trẻ khác mắc hội chứng tự kỷ khác. Tuy nhiên, bố mẹ bé đã rất kiên nhẫn với bé. Họ đã không từ bỏ, và cố gắng tìm được cách tiếp cận, tham gia chơi cùng với con. Giống như hầu hết các trẻ khác, Alex thích được người khác bắt chước mình, thích thú với những điều bất ngờ và mong chờ điều đó – những trải nghiệm này được sử dụng làm phần thưởng cho các hoạt động mang tính chia sẻ. Cha mẹ Alex đã dùng từ ngữ và hành động rất thận trọng, họ tham gia vào các hoạt động yêu thích của con và cẩn thận đưa ra những chỉ dẫn hợp lý sau khi đã bắt chước hành động do trẻ dẫn dắt một thời gian nhất định. Chính sự kiên trì, khả năng thiết lập (tạo ra) các hoạt động khuyến khích trẻ tương tác, và sự khéo léo đã giúp họ đưa ra những hướng dẫn trong trò chơi để giúp trẻ thực hiện được những việc mà họ mong muốn – các kỹ thuật này đã cho phép cha mẹ Alex can thiệp vào phần ngôn ngữ tiếp nhận của con – mà khởi đầu là dạy trẻ tên của sự vật (đồ vật). Chỉ trong vòng 12 tuần, Alex đã dễ dàng tham gia tương tác với bố mẹ hầu hết các trò chơi trẻ con, bắt chước phát âm những từ đơn giản và sử dụng khoảng 25 từ đơn một cách chủ động.
Nhưng chúng ta phải làm gì khi không tìm ra được vật yêu thích (yếu tố thúc đấy) trong các hoạt động cùng chơi với trẻ? Trong ví dụ trên bố mẹ Alex đã tìm được phần thưởng (vật yêu thích) trong hoạt động của bé là hình và bóng len và họ tập trung ngôn ngữ và kỳ vọng thông qua việc Alex phản ứng với những vật đó. Tuy nhiên, nếu như không có phần thưởng (mục tiêu liên quan đến hành vi của trẻ) trong các trò chơi, bạn có thể tạo ra nó. Như trong chương 9 chúng ta đã đề cập đến việc quá trình học hỏi chỉ xảy ra khi các hành vi thực hiện nhờ yếu tố thúc đẩy (phần thưởng). Tuy nhiên liệu bạn có thể tạo ra được yếu tố thúc đẩy khi mà trẻ không thể hiện ra điều đó?
Lời khuyên: Quy tắc Grandma, hay nguyên tắc Premack: Quy tắc Grandma “làm trước, chơi sau”, nguyên tắc Premack là khi một hoạt động trẻ thích hơn theo sau một hoạt động trẻ ít hứng thú, thì hoạt động trẻ thích hơn sẽ được coi là yếu tố thúc đẩy đối với hoạt động trẻ ít hứng thú.
Thi thoảng bạn có thể dùng những hoạt động mà trẻ thực sự thích thú và sắp xếp lại thứ tự công việc hàng ngày để có thể dùng những hoạt động trẻ thích làm phần thưởng sau khi đã hoàn tất những việc khác. Ví dụ, vào mỗi sáng các cha mẹ thường khó bắt trẻ mặc quần áo trước khi đến trường, mặc dù trẻ hoàn toàn có thể tự làm được, vậy hãy nghĩ đến yếu tố nào sẽ thúc đẩy trẻ mặc quần áo, đó là gì? Nếu như trẻ đói vào buổi sáng, hãy dùng bữa sáng làm yếu tố khuyến kích trẻ, cha mẹ có thể lập ra quy định trẻ phải mặc quần áo trước khi ăn sáng. Như vậy việc ăn sáng sẽ diễn ra sau khi trẻ mặc quần áo, và đây được coi là phần thưởng hay (yếu tố thúc đẩy) của hành động mặc quần áo.
Lời khuyên hữu ích:
Hãy nghĩ xem bạn sẽ thưởng cho trẻ điều gì khi trẻ phản hồi lại yêu cầu của bạn. Đôi khi bạn sẽ thưởng cho trẻ sau khi trẻ đã thực hiện hành vi bạn mong muốn, ví dụ:
– Mặc áo sau đó ăn sáng
– Rửa tay sau đó mới được ăn nhẹ
– Đi vệ sinh trước khi đi chơi
– Mặc áo khoác trước khi đi trượt tuyết
– Muốn lên giường ngủ phải đánh răng và đọc sách
Khi dành cho trẻ phần thưởng khi trẻ làm theo hướng dẫn của cha mẹ, không có nghĩa là hối lộ hay làm hư trẻ như mọi người nghĩ, mà đó là cách chúng ta dạy trẻ học. Bạn sẽ không làm việc nếu bạn không nhận được lương đúng không? Điều đó cũng tương tự đối với trẻ, trẻ chỉ làm khi đạt được phần thưởng nào đó. Bạn cần phải tìm ra thứ gì thúc đẩy trẻ (trẻ mong muốn): như một hành động yêu thích, một vật trẻ trẻ muốn có, đồ chơi điện tử thậm chí là một ít ngũ cốc hay nước hoa quả. Thậm chí trong một số trường hợp bạn không được ngần ngại làm theo yêu cầu của trẻ chỉ để dạy trẻ. Nếu con bạn bị sổ mũi, bạn đưa giấy ăn và giúp bé xì mũi, bình thường bạn sẽ phải nói “xì mũi ra” và giúp trẻ lau, khi trẻ xì ra, bạn vỗ tay và hoan hô trẻ, bế trẻ lên và xoay trẻ trên không, hoặc là một hành động vui vẻ khác. Tất cả những hành động đó được coi là phần thưởng cho việc trẻ xì mũi ra giấy lau.
Bước 3: Chỉ dẫn ít hơn và kiên trì hướng dẫn trẻ thực hiện
Để dạy trẻ hiểu được điều bạn nói, bạn cần phải kiên trì từ đầu tới cuối – một cách vui vẻ, thoải mái nhưng phải kiên định. Bạn phải rất cẩn thận với những gì bạn nói, nói là phải làm. Bạn đưa ra chỉ dẫn (mệnh lệnh) nhưng không kiên trì hướng dẫn trẻ thực hiện sẽ làm trẻ học được cách bỏ qua những chỉ dẫn của cha mẹ. Nếu như bạn không thể giúp trẻ thực hiện được các chỉ dẫn (hướng dẫn) bằng lời nói mà mình đưa ra, thì tốt hơn hết bạn không nên đưa ra chỉ dẫn đó. Bạn càng đưa ra ít chỉ dẫn nhưng kiên trì hướng dẫn trẻ thực hiện thường sẽ tốt hơn cho trẻ trong việc dạy trẻ hiểu được lời nói của người khác.
Bước 4: Dạy trẻ hiểu từ với và các hướng dẫn mới
Như vậy chúng ta đã nói đến việc đưa ra những hướng dẫn mà trẻ có thể thực hiện được. Chẳng hạn, trẻ có thể ngồi, đứng, đưa vật, nhặt đồ hoặc cho rác vào thùng rác. Ban đưa ra một chỉ dẫn cho trẻ và theo dõi trẻ thực hiện, hướng dẫn hỗ trợ trẻ ngay khi trẻ cần. Thông qua việc này, trẻ hiểu được ý nghĩa của chỉ dẫn đó. Tuy nhiên hầu hết hướng dẫn chúng ta đưa cho trẻ thường yêu cầu trẻ phải có những kỹ năng mà trẻ thường còn thiếu. Bây giờ chúng ta sẽ dạy trẻ đồng thời cả kỹ năng và ngôn ngữ. Ví dụ như cất áo khoác, tháo giầy mang py-gia-ma cho mẹ, chia sẻ đồ chơi với anh trai – đây là những kỹ năng mới trẻ cần học.
Quá trình dạy tương tự theo bước sau: (1) bạn chỉ ra phần thưởng sau khi hoàn tất các công việc – cởi đồ xong sẽ được tắm, cởi áo khoác, treo lên móc trước khi vào lớp học, mang py-giama cho mẹ trước khi được đọc sách, chia sẻ đồ chơi sẽ được bạn cho mượn đồ chơi mới (2) Bạn đưa cho trẻ hướng dẫn và giúp trẻ thực hiện theo hướng dẫn; (3)Bạn thưởng cho trẻ khi trẻ làm theo hướng dẫn.
Thực hiện thường xuyên các chỉ dẫn (hàng ngày, vài lần trong ngày) bạn sẽ giảm dần các giúp đỡ trẻ mà vẫn đảm bảo trẻ thực hiện được theo các hướng dẫn. Điều đó có nghĩa là bạn sẽ càng ngày càng giảm việc giúp đỡ trẻ khi bạn đưa ra hướng dẫn cho trẻ, cho đến khi bạn chỉ gợi ý rằng trẻ nên làm theo. Sau đó bạn bỏ hết những cử chỉ hướng dẫn đi và con bạn chỉ làm theo lời nói và sử dụng kỹ năng một cách độc lập không phụ thuộc vào bạn.
Vậy đối với các kỹ năng mà phải thực hiện làm nhiều bước thì sẽ phải hướng dẫn trẻ như thế nào? Đối với những việc phải làm nhiều bước như tắm, trẻ cần phải học tất cả các bước để thực hiện được hành động. Đối với trường hợp này, chúng ta phải dạy trẻ thành từng bước và giúp trẻ làm được một cách độc lập bước cuối cùng trước sau đó mới chuyển dần đến các bước đầu tiên, kỹ thuật này gọi là chuỗi ngược (backward chaining). Ví dụ khi ta dạy trẻ cởi áo, đầu tiên ta giúp trẻ toàn bộ và chỉ dạy bước cuối là trẻ bỏ áo ra khỏi đầu, sau khi trẻ thuần thục, ta mới dạy cho tay ra khỏi áo, sau đó bỏ áo ra khỏi đầu. Kỹ thuật này chúng ta đã đề cập ở Chương 7, chia nhỏ các kỹ năng thành nhiều bước nhỏ, dạy trẻ từng bước nhỏ một, tuy nhiên vẫn cho trẻ tham gia vào tất cả các bước, như vậy trẻ sẽ học được chuỗi hành động.
Chú ý: Chúng tôi khuyến cáo các bạn không nên sử dụng hướng dẫn bằng lời cho cả hoạt động (một loạt các bước). Ví dụ chúng ta hướng dẫn trẻ “rửa tay”, đây là hành động đòi hỏi một chuỗi các bước nhỏ. Chúng ta dạy trẻ các bước phức tạp thông qua các nhắc nhở cơ thể hay bằng cử chỉ, tuy nhiên không sử dụng ngôn ngữ để chỉ dẫn cho trẻ từng bước một, bởi nếu bạn chỉ dẫn bằng lời cho trẻ từng bước một thì sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng trẻ sẽ chờ đợi bạn hướng dẫn từng bước một chứ không phải cả kỹ năng. Bạn đang cần hành động trước sẽ là tiền tố cho hành động sau trong chuỗi, thì bạn phải sử dụng các điệu bộ cơ thể và các cử chỉ để chỉ dẫn cho trẻ nhằm giúp trẻ hiểu được một chuỗi các hành động liên quan đến đồ vật (ví dụ lấy quần áo ra và để lên giường hoặc để trên bàn)
Tóm tắt bước 1-4
Nhóm can thiệp sẽ đưa ra những lời khuyên để giúp con bạn phát triển khả năng học hỏi ở các lĩnh vực. Tuy nhiên trong khuôn khổ cuốn sách này, chúng tôi chỉ cố gắng giúp đỡ bạn những bước đầu tiên (Những trợ giúp ban đầu sau khi con bạn được chuẩn đoán mắc hội chứng tự kỷ và đang trong giai đoạn chờ đợi để được áp dụng những kế hoạch can thiệp), và theo sát việc can thiệp (một cách bạn tăng cường can thiệp cho trẻ thông qua những tiếp xúc hàng ngày giữa bạn và con được chứng mình bên cạnh các chương trình can thiệp khác). Thông qua danh sách câu hỏi dưới đây bạn có thể kiểm tra được xem bạn đã hiểu nội dung trong chương này. Nếu như bạn đồng ý với các nội dung trong danh sách này thì bạn đã nắm trong tay những kỹ thuật quan trọng giúp con bạn hiểu được ngôn ngữ (lời nói). Nếu chưa chắn chắn về điều đó, bạn nên đọc lại và thực hành thêm.
Hoạt động: Tôi đã xây dựng các kỹ năng giúp trẻ hiểu được lời nói?
- Tôi sử dụng các từ và chỉ dẫn đơn giản trong các trò chơi và sinh hoạt hàng ngày với trẻ
- Tôi kiên trì giúp trẻ thực hiện theo các hướng dẫn mình đưa ra
- Tôi nhận biết được những phần thưởng mà trẻ muốn có để thực hiện theo những hướng dẫn của tôi
- Tôi khuyến khích trẻ độc lập thực hiện các chỉ dẫn bằng cách giảm dần các hỗ trợ
- Khi dạy trẻ kỹ năng mới, tôi sử dụng ngôn ngữ trực tiếp và đơn giản để biểu đạt hành động
- Khi tiếp xúc với trẻ, tôi đưa ra nhiều cơ hội để trẻ vui vẻ lựa chọn, chúng tôi tương tác qua lại và là bạn của nhau.
Tóm tắt phần Ngôn ngữ tiếp nhận
Kỹ thuật can thiệp chia theo các bước:
Bước 1: Kỳ vọng trẻ phản hồi và đón nhận. Các hoạt động cần làm: Trong quá trình tương tác qua lại bạn sử dụng cử chỉ, ngôn ngữ và mong đợi trẻ phản hồi lại bạn. Hãy nhẹ nhàng yêu cầu, ra lệnh hoặc đòi hỏi phản ứng từ phía trẻ. Hãy khuyến khích bất cứ phản ứng nào từ trẻ. Kỹ thuật: Thu hút sự tập trung của trẻ, chỉ dẫn trẻ một cách đơn giản, chờ đợi một lát để trẻ phản hồi. Nếu trẻ không phản hồi, hãy cầm tay chỉ việc giúp trẻ làm theo, và chú ý đến những yếu tố kích thích trẻ phản hồi (giúp trẻ).
Bước 2: Nắm rõ những yếu tố kích thích trẻ nói, và sử dụng những yếu tố này để giúp trẻ học nói. Hoạt động: Chú ý đến mục đích và động lực hành vi của trẻ, hãy sử dụng những yếu tố này để làm phần thưởng giúp trẻ thực hiện theo các chỉ dẫn, yêu cầu, đòi hỏi của bạn khi dạy trẻ. Bạn hãy đưa ra các yêu cầu, đòi hỏi trước khi đáp ứng mong muốn trong các hoạt động hàng ngày của trẻ. Kỹ thuật: Khi trẻ muốn có một đồ vật, bạn đề nghị trẻ làm theo yêu cầu nào đó trước, ví dụ “đến đây” “ngồi xuống” trước khi bạn trao cho trẻ vật đó. Đưa ra một hướng dẫn cho trẻ ngay trước khi đưa cho trẻ vật trẻ muốn thay vì đáp ứng trẻ vô điều kiện sẽ giúp trẻ tập trung lắng nghe chỉ dẫn để đạt được phần thưởng mà trẻ muốn.
Bước 3: Ít chỉ dẫn nhưng phải kiên quyết hơn. Hoạt động: Trong các hoạt động vui chơi và chăm sóc hàng ngày, bạn hãy dạy trẻ ý nghĩa của từ ngữ thông qua việc sử dụng nhất quán những hướng dẫn và yêu cầu của bạn đối với trẻ. Kỹ thuật: Sử dụng ít chỉ dẫn đối với trẻ, nhưng luôn luôn theo dõi sát sao những phản hồi của trẻ, giảm dần cử chỉ, hành động tín hiệu cơ thể khi hướng dẫn và chờ đợi phản hồi từ trẻ.
Bước 4: Dạy trẻ hiểu từ và chỉ dẫn mới. Hoạt động cần làm để dạy trẻ các kỹ năng đơn giản có 1 hoặc 2 bước: Trong các hoạt động hàng ngày, khi bạn muốn dạy trẻ một kỹ năng mới, trước hết hãy chỉ cho trẻ phần thưởng khi trẻ hoàn thành kỹ năng đó (trẻ được tắm sau khi tự cởi quần áo, ….) sau đó bạn hướng dẫn trẻ, giúp trẻ hoàn thành hoạt động (kỹ năng), và thưởng cho trẻ thứ trẻ muốn. Kỹ thuật: sau khi trẻ lặp lại các cơ hội thực hành các kỹ năng này hàng ngày hoặc vài lần trong ngày, bạn sẽ giảm dần sự trợ giúp nhưng vẫn đảm bảo trẻ thực hiện được các kỹ năng này. Bạn giảm chỉ dẫn cho đến khi bạn chỉ cần dùng cử chỉ để diễn đạt mà trẻ vẫn làm theo được, sau đó bạn loại bỏ những cử chỉ diễn đạt và để tự mình trẻ làm theo hướng dẫn bằng lời nói của bạn. Hoạt động cần làm để dạy trẻ các kỹ năng gồm nhiều bước: Có nhiều hoạt động thường ngày yêu cầu thực hiện làm nhiều bước, bạn hãy sử dụng phương pháp dạy như đối với dạy trẻ hoạt động chỉ bao gồm một bước, nhưng hãy dạy giúp trẻ làm được bước cuối cùng trước sau đó mới chuyển dần đến các bước đầu tiên. Kỹ thuật: Hãy chia các kỹ năng phức tạp thành một loạt các bước đơn giản, dạy trẻ từng bước một và bắt đầu bằng bước cuối cùng. Thao tác một chuỗi các bước đó chính là dạy trẻ kỹ năng phức hợp. Chúng ta cũng nên tránh sử dụng những lời chỉ dẫn khác nhau cho mỗi bước, thay vào đó chỉ sử dụng một lời hướng dẫn cho toàn bộ quá trình thực hiện kỹ năng phức tạp này. Bạn nên sử dụng những hướng dẫn cơ thể (cầm tay chỉ) và các cử chỉ để giúp trẻ xâu chuỗi được các bước khác nhau.
Tóm tắt chương 13
Trẻ nhỏ mắc hội chứng phổ tự kỷ thường gặp những khó khăn trong việc hiểu và sử dụng lời nói. Tuy nhiên chúng ta hoàn toàn có thể giúp trẻ cải thiện lĩnh vực này. Trong các nghiên cứu và ứng dụng lâm sàng của chúng tôi đã chứng minh rằng đa số trẻ tự kỷ đều có khả năng tự nói, nói cả câu và phát âm có nghĩa. Để kích thích sự phát triển ngôn ngữ, trẻ cần được can thiệp và thực hành ngôn ngữ thường xuyên trong giai đoạn đầu đời (mầm non). Chính cha mẹ chứ không phải là các chuyên gia ngôn ngữ mới là người quan trọng nhất giúp tạo ra nhiều cơ hội học hỏi ngôn ngữ nhất cho trẻ.
Lời nói được hình thành dựa trên các kỹ năng như: ngôn ngữ không lời, bắt chước, cùng chú ý, chơi đồ chơi và trò chơi sử dụng âm. Giao tiếp có nghĩa bằng lời được bắt nguồn từ những kỹ năng trên. Các kỹ thuật can thiệp cơ bản mà bạn áp dụng có liên quan đến việc đơn giản hoá ngôn ngữ của chính bạn: tạo ra nhiều cơ hội để trẻ tương tác với bạn mỗi ngày, sử dụng cử chỉ, điệu bộ cơ thể, từ ngữ và âm thanh trong mỗi hoạt động của bạn với con, giúp trẻ nhắc lại lời thông qua các trò chơi bắt chước phát âm như tiếng động, tiếng kêu của các con vật, nhịp điệu bài hát trong các trò chơi, nâng cao kỳ vọng của bạn đối với trẻ trong việc kết hợp phát âm với các cử chỉ, cũng như hướng dẫn trẻ lắng nghe và thực hiện theo các chỉ dẫn của bạn. Hãy để thói quen giao tiếp trở thành một phần cuộc sống hàng ngày giữa bạn và trẻ (bao gồm cả các hoạt động vui chơi và sinh hoạt). Thu hút trẻ tham gia vào công việc nhà hàng ngày nhiều nhất có thể và giúp trẻ tương tác với những người xung quanh, những người đang giao tiếp và chia sẻ hoạt động với trẻ chính là cách giúp trẻ học hỏi được ngôn ngữ. Và đây cũng chính là cách để dạy trẻ hiểu và sử dụng được ngôn ngữ nói.
CHƯƠNG 14. PHỐI HỢP CÁC KỸ THUẬT
Bạn đã dành khá nhiều thời gian chăm con rồi. Bạn hẳn đã tích lũy được khá nhiều kỹ thuật để giải quyết từng vấn đề của tự kỷ. Tất cả những kỹ thuật này đều được kiểm chứng thành công với Mô hình can thiệp sớm Denver, mô hình nhằm giúp trẻ nhỏ học một cách tự nhiên thông qua các hoạt động sinh hoạt hằng ngày, và đặc biệt liên hệ mật thiết với các hoạt động chơi. Trẻ nhỏ tự kỷ cần cảm nhận được niềm vui trong tương tác, vì tương tác hay giao tiếp với người khác chính là cách để học hỏi mọi điều, bao gồm cả học nói.
Chúng tôi hy vọng từ giờ, thông qua thực hành hàng ngày, bạn có thể sử dụng các kỹ thuật chúng tôi mô tả trong cuốn sách này một cách tự nhiên. Và chúng tôi cũng hy vọng rằng con bạn đã đạt được mốc phát triển rõ rệt trong giao tiếp, tương tác và học hỏi, là nền móng cho các bước phát triển trong những năm tiếp theo.
Trong chương cuối này, chúng tôi sẽ tổng kết lại những thành tựu mà bạn đã tích lũy được, và khái quát hóa bức tranh can thiệp hàng ngày của bạn cho con giúp thúc đẩy quá trình phát triển của con trong giai đoạn vàng này. Chúng tôi cũng đã chỉ ra giúp bạn những hoạt động can thiệp của cha mẹ có thể giao thoa như thế nào với các chương trình can thiệp sớm của các chuyên gia – những người đang hỗ trợ bạn và con bạn. Cuối cùng, chúng tôi sẽ chỉ giúp bạn cách ghi tâm các nguyên tắc can thiệp quan trọng để bạn có thể tiếp tục dạy con mình trong những năm tháng tiếp, và chúng tôi cũng sẽ hướng dẫn bạn tới những chương thích hợp để đọc lại nếu bạn gặp bất kỳ khó khăn nào trong quá trình sử dụng các kỹ thuật trong cuốn sách này.
Tuy vậy đầu tiên, đây là hai lời khuyên quan trọng cho bạn nếu bạn mới bắt đầu và bạn cảm thấy lo lắng rằng việc đan xen những kỹ thuật này trong cuộc sống hằng ngày vốn dĩ đã khá bận rộn của bạn là rất khó:
- Tạo những khoảng khắc tương tác và chơi với con: Nếu bạn thấy khó để áp dụng các kỹ thuật, thiết lập các hoạt động chơi với con, hoặc sắp xếp các hoạt động hàng ngày thì hãy tạo những khoảnh khắc để chơi với con. Trẻ tự kỷ cần thời gian để học một kỹ năng mới. Dạy trẻ tự kỷ kỹ năng mới cần nhiều thời gian, thậm chí con bạn có thể còn phản ứng khó chịu với việc thay đổi thói quen của trẻ. Tuy nhiên nếu bạn thực hành càng nhiều kỹ năng với trẻ, bạn sẽ càng cảm thấy tự nhiên khi dạy trẻ. Bạn sẽ không còn phải nghĩ hoặc lập kế hoạch giám sát bản thân – mọi thứ đều diễn ra hết sức tự nhiên. Và điều này cũng đúng với con bạn. Con bạn sẽ linh hoạt hơn và học được nhiều kỹ năng mới hơn, và đặc biệt con bạn sẽ thích tương tác với cha mẹ (trẻ càng nhỏ thì sẽ càng linh hoạt). Dù đó là thời gian mặc quần áo, thời gian ăn, chơi trên sàn nhà, hay đọc sách trước khi đi ngủ, thì điều quan trọng nhất là bạn phải tìm được cách tương tác hàng ngày với con đảm bảo việc mặt đối mặt khi bạn đang tường thuật các hoạt động và khơi gợi hứng thú cho con tham gia. Đó chính là cách con bạn đang học.
- Hãy đảm bảo con bạn thực sự tham gia các hoạt động. Dù chỉ là một bước tham gia nhỏ, nhưng hãy đảm bảo rằng đó là những hoạt động thú vị đối với con, rằng con bạn thích thú tham gia – mong muốn tham gia từng hoạt động. Bạn sẽ dần thấy trẻ càng ngày càng tham gia nhiều hơn vào cuộc sống của gia đình, học hỏi nhiều hơn về ngôn ngữ và các công việc hàng ngày của gia đình. Bạn hãy nhớ “chậm mà chắc”. Hãy dành thời gian dạy con thông qua các kỹ hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Các hoạt động này vẫn liên tục diễn ra. Và những kỹ thuật mô tả trong cuốn sách này sẽ giúp bạn cảm thấy vui vẻ trong quá trình chăm sóc trẻ, và con bạn cũng thế.
Hãy chia sẻ những kỹ thuật dạy này với những người chăm sóc con bạn: người bạn đời, ông bà, anh chị em trẻ, người trông trẻ, giáo viên ở trường mầm non và những người khác hay chơi với trẻ. Bằng cách đó, con bạn sẽ càng có nhiều cơ hội học tập hơn, và những người chăm trẻ cũng sẽ cảm thấy vui vẻ hơn khi chơi với trẻ, và tất nhiên bạn nên chia sẻ trách nhiệm chăm trẻ với nhiều người thân của bạn nữa. Bạn có thể nói với mọi người về kỹ năng gì thì đang tiến triển và kỹ năng gì thì chưa. Con bạn sẽ học được cách sử dụng các kỹ năng mới với nhiều người, không chỉ với bạn. Và mỗi người sẽ dạy con bạn các tình huống khác nhau theo cách dạy hay ý tưởng của người đó, và chính điều này sẽ làm phong phú thêm khả năng học hỏi của con bạn.
CHÍNH BẠN XÂY DỰNG NỀN TẢNG GIÚP CON CAN THIỆP SỚM
Về điểm này, không còn nghi ngờ gì việc chính bạn là người mang đến nhiều cơ hội học hỏi cho con mình trong mọi hoạt động chăm sóc và hoạt động vui chơi của con hàng ngày. Nếu bạn bắt đầu thực hiện các kỹ thuật chúng tôi gợi ý trong cuộc sống hàng ngày, chính là bạn đã ứng dụng nhiều nguyên tắc quan trọng trong việc dạy trẻ tự kỷ.
Bạn có kỹ năng thu hút và kéo dài sự chú ý của trẻ. Bạn biết rằng trẻ không thể học mà không có sự chú ý, và nếu bạn đã thực hiện theo những hướng dẫn trong cuốn sách này về xác định vị trí của bạn với trẻ, về các cách để thu hút sự chú ý và về cách để đảm bảo trẻ chú ý tới bạn trước khi bạn bắt đầu dạy hay củng cố một kỹ năng mới, chắc hẳn con bạn đã chú tới bạn rất nhiều so với thời điểm bạn khởi đầu thực hiện theo cuốn sách này. Nếu có điều duy nhất cần nhớ từ cuốn sách này, bạn hãy nhớ nguyên tắc quan trọng để thu hút và kéo dài sự chú ý của con trong quá trình bạn dạy.
Bạn đã hiểu cấu trúc của một hoạt động chung và tầm quan trọng của một hoạt động chung, cũng như khung chương trình dạy và thu hút trẻ tham gia. Trong hoạt động chung, người tham gia giữ quyền kiểm soát như nhau, có lúc dẫn dắt và có lúc làm theo. Họ cùng chơi, cùng xây dựng hoạt động chung thông qua bắt chước nhau, cùng biến hóa hay luân phiên chờ lượt. Hoạt động chung có thể diễn ra ở nhà hay bên ngoài, với bạn hay với các thành viên trong gia đình, với bạn bè của trẻ hay các bạn ở lớp. Các hoạt động chung bắt đầu từ việc thu hút sự chú ý của trẻ, tạo động lực và hứng thú tham gia của trẻ. Trong quá trình tham gia, bạn nhớ giữ cho mặt đối mặt với trẻ, vì thế cả bạn và trẻ có thể cùng chú ý đến nhau và đồ vật của nhau. Bạn cùng trẻ xây dựng một hoạt động chung, biến hóa thay đổi cho hoạt động thêm thú vị. Cuối cùng, bạn và trẻ cùng kết thúc hoạt động, và chuyển nhịp nhàng sang hoạt động khác. Bạn hãy duy trì sự chú ý của trẻ trong suốt quá trình chuyển sang hoạt động khác, vì vậy có thể đảm bảo sự tập trung và học hỏi thông suốt ở trẻ.
Bạn có lẽ đã thực hành khá nhiều các cấu trúc của một hoạt động chung, sử dụng cấu trúc này tại bữa ăn hay các hoạt động chăm sóc trẻ như tắm, mặc quần áo, thay đồ, và đi ngủ, cũng như các hoạt động vui chơi. Bạn và con bạn có lẽ đã có nhiều hoat động chung với nhau. Một vài hoạt động sử dụng đồ chơi và các đồ vật khác. Những hoạt động sử dụng đồ vật sẽ giúp con bạn tăng cường nhận thức, kỹ năng chơi, vận động và ngôn ngữ. Còn những hoạt động xã hội cảm giác giúp con bạn cải thiện kỹ năng trao đổi cảm xúc và cùng chú ý, và đặc biệt tăng cường ngôn ngữ, bắt chước và giao tiếp xã hội. Bạn có lẽ đã nhìn thấy một vài bước tiến rõ rệt của trẻ khi tham gia các hoạt động chung với bạn và người khác – trẻ chú ý hơn, có động lực hơn để tham gia, có nhiều kỹ năng hơn, chơi đồ chơi đúng chức năng hơn và khôn hơn, và giao tiếp nhiều hơn. Hãy thở sâu, và nhớ đừng quên khen mình về những gì mà bạn và con bạn đã làm được.
Bạn đã hiểu nhiều về cách thức học của con. Bây giờ, bạn hiểu rằng bạn đang áp dụng nguyên lý ABC trong tất cả các hoạt động của con. Thuật ngữ Tiền đề, Hành vi, Kết quả và Củng cố đã trở nên quen thuộc với bạn. Bạn biết các hành vi của trẻ xuất phát từ một vài yếu tố kích thích nào đó (Tiền đề), và quá trình dạy – học áp dụng ABC tức là quá trình gắn chặt tiền đề (bạn tạo ra) với hành vi của trẻ để theo sau đó là một kết quả mong muốn đối với trẻ (phần thưởng cho trẻ) – xuất hiện ngay sau khi trẻ sử dụng kỹ năng bạn dạy (thực hiện hành vi). Hiểu nguyên lý ABC không chỉ giúp bạn dạy trẻ các kỹ năng mới, mà còn giúp trẻ thay thế các hành vi không thích hợp bằng những hành vi thích hợp hơn khi trẻ mong muốn đạt mục đích nào đó. Nguyên lý này cũng giúp bạn phát triển các kế hoạch dạy trẻ những kỹ năng và hành vi mới bằng cách áp dụng ABC cho chính mình.
Nếu bạn đã thực hiện toàn bộ các phần của cuốn sách, hẳn là bây giờ bạn đã hiểu biết khá nhiều về phát triển kỹ năng giao tiếp của trẻ. Bạn hẳn đã từng phút từng giây hiểu rằng phát triển kỹ năng giao tiếp của trẻ sẽ giúp trẻ tăng cường khả năng học từ người khác của trẻ – thông qua bắt chước, cùng chú ý, giao tiếp bằng lời và cử chỉ, đối thoại, chơi và các hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Bạn cũng đã biết cách cải thiện kỹ năng bắt chước của trẻ trong tất cả các sinh hoạt hằ