“Ngày nay, con em mình có thể có chẩn đoán vừa bị tự kỷ, vừa bị chứng rối loạn tăng động giảm chú ý đi kèm, các bạn ạ. Tiếng Anh gọi là ‘co-morbid condition’ hay ‘double whammy’. Buồn!”
– Ở Hoa Kỳ, nhiều tiểu bang đòi hỏi trẻ phải có hồ sơ chẩn đoán tự kỷ hay ADHD, hoặc cả hai, trước khi họ cung cấp những dịch vụ thuộc chương trình giáo dục sớm. Người Mỹ rất khác với phụ huynh mình, bởi họ cho rằng thà con em có sự chẩn đoán lệch lạc (false positive diagnosis) còn hơn bị trì hoãn những dịch vụ can thiệp sớm cho con em trong chặng tuổi vàng.
Những chuyên gia/bác sỹ được công nhận có khả năng và trình độ chẩn đoán tự kỷ, ADHD thường là các bác sỹ nhi đồng chuyên về phát triển và hành vi (developmental-behavioral pediatrians, viết tắt D-BP), các bác sỹ tâm thần khoa nhi (child psychiatrists), các bác sỹ khoa nhi chuyên về não bộ (child neurologists), các chuyên gia tâm lý nhi đồng (child psychologists), các chuyên gia tâm lý/giáo dục học đường (educational/school psychologists) v.v…
– Phụ huynh cần lưu ý rằng trong vấn đề chẩn đoán tự kỷ hay tăng động giảm chú ý, các bác sỹ, chuyên gia thường dựa vào hồ sơ bệnh và qua lời tường thuật của phụ huynh, giáo viên, nhất là qua sự quan sát chuyên môn của họ về những biểu hiện của trẻ trong phòng khám. Họ không dựa vào những thử nghiệm y học để đi đến kết luận tự kỷ hay ADHD. Cho nên, sự chẩn đoán của họ có phần chủ quan, hối hả, mang nặng tính thương mại, và rất hiếm khi có sự trùng hợp về một dạng khuyết tật nào đó. Nghĩa là, bác sỹ/chuyên gia nầy có thể chẩn đoán một đứa trẻ bị tự kỷ điển hình, nhưng các chuyên gia/bác sỹ kia có thể cho rằng trẻ thuộc chứng tăng động giảm chú ý , bị khuyết tật trí tuệ, hay thuộc về những chứng rối loạn tâm thần khác.
– Tuy nhiên, sự trung thực, không dấu diếm của phụ huynh về những khiếm khuyết của con em mình đóng góp một phần rất quan trọng trong quá trình chẩn đoán. Vì vậy, cách hay nhất là phụ huynh nên chuẩn bị thật đầy đủ và cung cấp những thông tin chính xác khi trả lời những câu hỏi có tính sàng lọc, nghe rất ư là nhàm chán của các chuyên gia/bác sĩ.