Đôi khi mình nhận được câu hỏi tại sao trẻ tập cảm giác một thời gian đã có cải thiện (giảm hoặc mất hẳn các biểu hiện rối loạn cảm giác) thì lại thấy xuất hiện hành vi cảm giác trở lại (vẫn hành vi cũ hoặc hành vi mới).
Thường đó là khi trẻ được can thiệp về mặt cảm giác đã có cải thiện nhưng chưa tới mức ổn định hoặc có ổn định hơn nhưng có sự thay đổi lại làm trẻ căng thẳng (thay đổi nơi ở, trường học, giáo viên, lịch sinh hoạt, thời tiết, đi học hoà nhập, thay đổi ăn uống ngủ nghỉ…) hoặc khi tới một mốc phát triển nào đóĐể hiểu rõ hơn thì chúng ta đi lại 1 số điểm (vắn tắt) liên quan đến cảm giác như sau:
– Lúc bé, hành vi cảm giác như nhạy cảm, né tránh, tìm kiếm là bình thường vì đó là lúc trẻ đang phát triển, tìm hiểu về môi trường (tất nhiên các biểu hiện quá thường xuyên, hoặc khi được dạy vẫn lặp lại cản trở trẻ thực hiện hoạt động hàng ngày… thì là dấu hiệu rối loạn xử lý cảm giác)
– Rối loạn xử lý cảm giác (do nguyên nhân gì vẫn chưa xác định được) dẫn đến các hành vi về cảm giác. Những rối loạn đó nếu không được điều chỉnh sớm theo thời gian sẽ thành thói quen, tạo ra các kết nối thần kinh chỉ để phản ứng với các hành vi cảm giác (mà lẽ ra phải phản ứng hợp lý để tạo nên các vận động hiệu quả làm nền tảng cho việc học tập các kỹ năng cuộc sống). Vì thế trẻ càng lớn càng khó hỗ trợ điều chỉnh hành vi cảm giác đã thành thói quen, và trẻ càng bé thì càng có cơ hội tốt để điều chỉnh việc tiếp thu xử lý kích thích cảm giác tạo nền tảng vững cho sự phát triển.
– Trong mô hình sinh thái về điều chỉnh cảm giác (hình minh hoạ) thì cảm giác và cảm xúc tác động qua lại. Nền cảm giác (sensation) vững sẽ giúp kiểm soát cảm xúc (emotion). Ví dụ các biểu hiện khóc cười khó kiểm soát có thể thấy ở những trẻ tìm kiếm hoặc né tránh kích thích cảm giác. Ngược lại, cảm xúc bất ổn cũng sẽ tác động lại cảm giác.
– Khi cơ thể căng thẳng (stress), trục phản ứng với stress (HPA stress axis) sẽ tạo ra các hormones để thư giãn như endorphines, oxytocin… (ngoài những hormones đối phó với stress như cortisol, adrenaline…). Các hành vi tự kích thích cảm giác liên tục sẽ tạo stress và ép trục phản ứng tiết các hormones để thư giãn.
Như vậy, khi cơ thể căng thẳng (cảm xúc bất ổn cũng là stress), phản ứng tự nhiên là tìm cách giải toả, thư giãn. Trẻ sẽ tìm mọi cách (tình cờ lại là các hành vi cảm giác, hoặc nhớ lại các hành vi cũ) để giải toả cho mình. Đó là khi hành vi cảm giác quay lại. Vì vậy điều đầu tiên bạn cần tìm hiểu xem là đã có gì thay đổi trong cuộc sống của trẻ?T