Đôi dòng cảm xúc về nghề giáo dục đặc biệt
Gv: Lê Thị Hồng Tuyết- Tổ Ngôn Ngữ
“Lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo
Khi tới trường cô giáo như mẹ hiền”
Lời bài hát luôn văng vẳng bên tôi. Chúng tôi luôn thấy tự hào vì mình là một giáo viên và tự hào hơn nữa khi mang trên vai trọng trách của một người giáo viên đặc biệt. Bởi vậy, từ sâu thẳm trong tâm can, chúng tôi thấy mình cần phải có trách nhiệm hơn với những đứa trẻ có số phận kém may mắn này. Vì vậy mà chúng tôi luôn tự cố gắng, trau dồi và học hỏi chuyên môn không ngừng nghỉ để xứng đáng là những người mẹ thứ 2 của các con. Chúng tôi đều dành những tình cảm của mình cho tất cả các con như nhau, nhưng để lại ấn tượng sâu đậm nhất trong lòng tôi đó là hình ảnh của bé trai mà tôi đã từng dạy.
Tôi vẫn nhớ như in ngầy đầu tôi đón nhận con, là ánh mắt vô hồn, cái nhìn vu vơ không chủ đích. Khi tôi gọi tên, con chưa biết quay mặt lại, và gần như đối với con thì không có sự hiện diện của tôi ở đó. Con vẫn mải miết nhìn theo ánh điện sáng, cánh quạt trần quay trên trần nhà. Khi tôi hỏi:
-Con tên là gì? Nếu là đứa trẻ 2 tuổi hàng xóm nhà tôi thì đã trả lời ngay : “Con tên là Duy”
-Thì con “Con tên là gì?”- con lại lặp lại câu hỏi của tôi
Dù con nói được nhưng con không hiểu người khác nói gì, con nhại lại tất cả ngững gì người ta nói với mình. Tôi thấy rất buồn, ái ngại và lo lắng về tình trạng của con. Nhưng tôi lại thấy mình cần phải có trách nhiệm giúp cho bạn nhỏ này quay gần về với thế giới của các bạn đồng trang lứa. Thế là tôi đánh giá lại tất cả các lĩnh vực cho bé và đặt ra mục tiêu can thiệp cụ thể theo từng giai đoạn. Khi dạy, tôi đã áp dụng các phương pháp can thiệp chuyên sâu cùng các kỹ thuật dạy trẻ đặc biệt, ngòai ra tôi còn không ngừng tìm kiếm các tài liệu về tình trạng như của bé để đồng hành cùng bé và gia đình. Cứ như vậy, 2 tuần liền tôi nỗ lực mà con chưa hề có chuyển biến gì, tôi thấy rất buồn và sốt ruột nhưng không hề mất niềm tin, tôi vẫn tiếp tục, kiên trì, bền bỉ đi tham vấn chuyên môn từ tất cả các thầy cô kỳ cựu trong nghề, rồi thấy sách gì liên quan là tôi đọc để tìm hiểu về hiện tượng của bé và đã được Cô Phượng Giám đốc TT tôi hướng dẫn thêm cho tôi nhiều kiến thức mới khác, quả nhiên tôi áp dụng với con liên tục khoảng 1 tuần-10 ngày tiếp đã có 1 sự thay đổi không hề nhỏ. Đến một ngày tôi đã vỡ òa trong nước mắt và hạnh phúc khi tôi gọi tên con biết “dạ” và nhìn tôi cười, hay con nói được tên của tôi khi có người hỏi. Con đã không phụ lòng mong đợi bấy lâu của tôi.
Với chúng tôi niềm vui, niềm hạnh phúc chỉ giản đơn vậy thôi nhưng đó lại là những ngọn đuốc thắp sáng thêm cho chúng tôi và cha mẹ của các con để tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi bước tiếp trên con đường đầy chông gai phía trước. Trong cuộc chiến đấu này các con như những chiến binh dũng cảm trên chiến trường, các con và gia đình không hề đơn độc, phía sau luôn có các thầy cô đồng hành và cỗ vũ. Mỗi khi tôi buồn hay gặp khó khăn tôi lại nghĩ về các con-những chiến binh nhỏ tuổi kiên cường và nỗ lực biết vượt lên trên số phận của mình. Khi các con đi hòa nhập với thế giới bên ngoài là các con không còn được sự hỗ trợ, bao bọc của cha mẹ và thầy cô ở TT nữa thì hàng trăm nghìn câu hỏi lại đặt ra trong đầu của chúng tôi: Không biết các con có biết cách tìm kiếm sự giúp đỡ từ bạn bè và thầy cô ở trường mới không? không biết họ có hiểu và thông cảm cho những khuyết điểm nhỏ của con không? Họ có thấy những cố gắng dù nhỏ mỗi ngày của các con không? Những câu hỏi đó cứ lảng bảng trong đầu của chúng tôi mỗi khi tiễn một bạn nhỏ ra hòa nhập. Phải cho đến khi nhận được kết quả hòa nhập tốt của các con thì chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Có lẽ đó là những món quà tinh thần vô giá mà các con tặng chúng tôi.
Ai đó đã từng nói: “Trong một bản nhạc của cuộc đời có nốt thăng, nốt trầm nhưng có một nốt nhạc mà bạn hãy không ngừng ngân nga nó. Đó là nốt nhạc hi vọng”. Tôi mong rằng dù cho trong hoàn cảnh nào đi chăng nữa, chúng ta cũng hãy giữ vững niềm tin và hi vọng về các con và cuộc sống này. Bởi phía sau cha mẹ và các con luôn có chúng tôi-những thầy cô ở Trung tâm giáo dục hòa nhập trẻ em luôn sát cánh cùng.