XỬ LÝ HÀNH VI BÙNG NỔ CỦA TRẺ QUA PHƯƠNG PHÁP ĐÓN TRƯỚC – TẬP DƯỢT NHẬN BIẾT QUA TRANH

TLV: Nguyễn Thị Hà

Một số trẻ xuất hiện hành vi bùng nổ, giận dữ khi trẻ “ mắc kẹt” trong một vấn đề nào đó; ví dụ như khi người lớn nói không ngừng về một tình huống khiến trẻ khó chịu hoặc nổi xung vì trẻ không có được thứ mình muốn/ hoặc bị tước đi thứ mình thích…

Dù là nguyên nhân gì thì khi trẻ bùng nổ cảm xúc người lớn cần phải ghi nhớ các nguyên tắc sau trước khi tìm ra cách hay nhất để xử lý vấn đề đó ở trẻ:

  • Nguyên tắc 1: Khi trẻ bùng nổ, nói lý lẽ hoặc đe dọa tước mất quyền lợi với trẻ sẽ không tác dụng gì. Những lúc này tốt nhất nên dùng cách nào đó đánh lạc hướng để kéo tâm trí trẻ ra khỏi điều đã gây ra khó chịu.

Để giúp một đứa trẻ thoát khỏi cơn bùng phát thì chúng ta cần đưa ra điều gì đó để lôi kéo sự chú ý của trẻ. Vì vậy hãy luôn giữ bên mình những trò đánh lạc hướng hấp dẫn mọi lúc dùng cho những trường hợp khẩn cấp.

Đánh lạc hướng không có nghĩa là nhượng bộ cơn tức giận của trẻ. Nó nhằm mục đích giúp trẻ thoát khỏi yếu tố gây khó chịu. Tuy nhiên khi áp dụng kỹ thuật này nên cẩn thận để không tạo thành một dạng khen thưởng cho trẻ khi tức giận. Vd: Nếu trẻ tức giận vì không được xem tivi thì Tivi không phải là công cụ đánh lạc hướng tốt. Trường hợp khác, khi trẻ không lấy được bánh trong hộp, thay vì đưa cho trẻ một miếng bánh thì chúng ta nên đánh lạc hướng bằng một món đồ chơi mà trẻ thích.

  • Nguyên tắc 2: Khi cơn bùng nổ của trẻ qua đi, chúng ta phải lên kế hoạch nhằm ngăn chặn việc nó tiếp diễn.

Việc lên kế hoạch này bao gồm cả việc xác định yếu tố châm ngòi cho cơn bùng nổ. Cách đơn giản là chúng ta ghi chép lại những hành vi bùng phát; những gì xảy ra ngay trước và sau khi hành vi đó xuất hiện. Việc xem lại những ghi chép trước đó có thể đem lại cho chúng ta những dữ liệu về những gì xảy ra trước ( tiền đề) hoặc châm ngòi sự bùng nổ.

Và khi trẻ đã bình tĩnh trở lại chúng ta cần dạy trẻ một kỹ năng để chuẩn bị cho trẻ trong lần tới khi trẻ gặp phải vấn đề như trước đó.

  • Phương pháp đón trước – Tập dượt nhận biết qua tranh là gì?

Tập dượt nhận biết qua tranh là một “ phương pháp đón trước” – Phương pháp này bao gồm các thẻ tranh mô phỏng giúp trẻ dạy kỹ năng và chuẩn bị tinh thần cho trẻ khỏi khó chịu hoặc quá tải bởi các tình huống rắc rối cụ thể.

Chúng ta cùng hình dung phương pháp này qua ví dụ sau:

Ví dụ 1: Đ là một học sinh 8 tuổi và câu có vấn đề là không thể rời cái máy tính ra được. Khi cô giáo nói rằng đã đến giờ tắt máy, cậu liền nổi xung lên và không chịu rời máy.

Chúng ta sẽ áp dụng phương pháp tập dượt thẻ tranh như sau: Chuẩn bị sẵn 6 thẻ tranh.

+ Thẻ tranh 1 và 2: Thể hiện những gì xảy ra trước khi rắc rối xuất hiện ( Đ đang chơi máy tính, cô giáo đến và nói với trẻ là đã đến giờ ngừng chơi )

+ Thẻ 3 và 4: Thể hiện trẻ đang thực hiện hành vi đích mong muốn. ( Hành vi mong muốn đầu tiên ( thẻ 3) là Đ nghĩ rằng cô giáo sẽ vui nếu cậu rời máy tính và sẽ cho cậu dùng máy tính lần sau. Hành vi mong muốn thứ hai ( thẻ 4) là Đ nghe lời và nói “ Vâng, em sẽ ngừng chơi”

)

+ Thẻ 5 và 6: Là phần thưởng tích cực vì đã làm đúng hành vi mong muốn ( Thẻ 5 cho thấy Đ nhận được một điểm thưởng trên bảng điểm thưởng vì đã nghe lời cô rời máy tính. Thẻ 6 cho thấy cô giáo cho Đ dùng máy tính sau đó trong ngày bởi vì cậu đã nghe lời khi được yêu cầu dừng chơi máy tính).

Để phương pháp có hiệu quả thì cô giáo của Đ sẽ đọc các thẻ nhiều lần trong một ngày cho đến khi Đ có thể giải thích trong mỗi bức tranh điều gì đang diễn ra. Ở nhà mẹ của Đ cũng đọc các thẻ cho cậu như một câu chuyện kể trước khi đi ngủ để củng cố tiếp cho trẻ. Và quan trọng là các thẻ tranh này được đọc ngay trước khi Đ được ngồi vào dùng máy tính khi ở nhà và ở trường. Kiên trì áp dụng vài ngày trẻ đã không còn tức giận hoặc không chịu rời khỏi máy tính khi được yêu cầu nữa.

Ví dụ 2: Mẹ và G ( 6 tuổi) đang trên đường đến trường học nhưng trên đường đến trường G thấy một cửa hàng đồ chơi và đòi mẹ dừng lại mua . Mẹ từ chối vì sợ muộn giờ. Sau đó G tức giận thậm chí la hét vì mẹ không mua đồ chơi cho G.

+ Khi thực hiện phương pháp “ Tập dượt nhận biết qua tranh” sẽ giúp trẻ hiểu trẻ sẽ được gì nếu trẻ chấp nhận lời từ chối của mẹ khi hai mẹ con không thể dừng ở hiệu đồ chơi.

+ Chúng ta cần chuẩn bị các bức vẽ mô tả G đòi mẹ vào của hàng đồ chơi, mẹ nói “ không”, G đồng ý và không nổi nóng, sau đó G và mẹ quay trở lại cửa hàng đồ chơi để mua gì đó như một phần thưởng cho G vì trẻ đã chấp nhận sự từ chối trước đó.

+ Để phương pháp phát huy hiệu quả thì G cần ôn lại trình tự các tranh cho đến khi trẻ có thể tự nói. Sau đó trước mỗi lần đến trường mẹ sẽ tập dượt lại kỹ năng để chuẩn bị cho G có cách ứng xử phù hợp khi hai mẹ con đi qua hiệu đồ chơi. Khi trẻ chấp nhận lời từ chối “ không”, trẻ đã biết chờ đợi và hiểu rằng những phần thưởng đang chờ đợi mình phía sau đó.

Contact Me on Zalo
0912 218 692