BÀI VIẾT CẢM NHẬN NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM “NGÔI NHÀ THỨ HAI”CỦA TÔI

Một mùa Hiến chương Nhà giáo nữa lại sắp về,  mời các quý phụ huynh cùng đọc một bài viết đầy xúc động và chan chứa yêu thương như một lời tri ân của  MỘT TRỊ LIỆU VIÊN ĐÃ GẮN BÓ VỚI TRUNG TÂM GẦN 10 NĂM – Trị liệu viên Nguyễn Thị Hà (Quản lý chuyên môn cấp cao tại cơ sở 3 Lê Văn Lương )

Năm 2011 tôi ra trường và bước chân vào nghành giáo dục đặc biệt. Bạn bè tôi khi ấy chọn con đường giảng dạy trong các trường Trung cấp/ Cao đẳng hoặc Đại học và tôi cũng từng có cơ hội xin giảng dạy ở một trường cao đẳng trên Hòa Bình nhưng cuối cùng tôi đã từ chối cơ hội đó. Có lẽ tôi có “ Duyên”  với trẻ đặc biệt nên 10 năm qua tôi vẫn gắn bó với nghề. Ngôi trường mang tên “ Trung Tâm Giáo Dục Hòa Nhập Trẻ Em” chính là ngôi nhà thứ hai của tôi trong suốt những tháng năm qua. Ở đó tôi có những đứa con rất đáng yêu và những đồng nghiệp vô cùng trân quý và cũng đã có khoảng thời gian tôi nghĩ mình sẽ phải rời xa ngôi nhà thứ hai này sau nhiều năm gắn bó. Đó là năm 2019 khi tôi quyết định chuyển nhà về Hà Đông. Với quãng đường đi làm lên tới 17km điều đó khiến tôi phải cân nhắc rất nhiều. Phần vì con nhỏ lại thời gian về muộn, chồng thì công việc thường xuyên phải vắng nhà cộng với quãng đường rất xa nên buộc tôi phải suy nghĩ và lựa chọn: Tiếp tục hay dừng lại để tìm một ngôi trường mới gần nhà hơn! Sau rất nhiều ngày suy nghĩ cuối cùng tôi đã chọn “ Tiếp tục” để mình có cơ hội được gắn bó với các con nhiều hơn. Ở ngôi trường đó- Mỗi khi bước chân tới trường tôi và đồng nghiệp của tôi luôn cảm thấy ấm áp bởi chúng tôi luôn được các con và phụ huynh nở nụ cười chào đón mỗi ngày. Tôi cần một ngôi trường không chỉ giúp tôi duy trì công việc mà tôi còn cần một ngôi trường có thể giúp tôi trau dồi và phát triển bản thân nhiều hơn nữa. Có lẽ đó cũng là một quyết định quan trọng đánh dấu những sự thay đổi sau này của tôi. Và ngôi nhà thứ hai này đang giúp tôi thực hiện những mong ước đó mà không phải môi trường làm việc nào cũng có được.

Nếu ai đó quyết định bước chân vào nghành giáo dục đặc biệt thì hãy bồi đắp cho mình chữ “Tâm”, sự “ Thấu hiểu” và “Tình yêu” với nghề. Có người từng nói với tôi: Làm nghề lâu như vậy em có chán không? Đúng là bình thường nếu làm cái gì lâu quá hay nhiều quá chúng ta thường có tâm lý chán chường. Nhưng nếu ta dành cho nghề sự đam mê và nhiệt huyết thì nó sẽ mang ý nghĩa ngược lại. Vì vậy mỗi một năm qua đi tôi lại thấy mình trưởng thành hơn và thêm yêu nghề mà tôi đã chọn. Ngoài tình yêu thì tôi còn học cách thấu hiểu cảm xúc và hoàn cảnh của từng cha mẹ học sinh bởi tôi tâm niệm rằng có sự đồng cảm thì chúng tôi- giữa giáo viên và phụ huynh mới có thể đồng hành lâu dài trên con đường tìm lại cơ hội hòa nhập cho các con. Và một điểu chắc chắn rằng giáo viên làm việc với trẻ đặc biệt thì chuyên môn giỏi thôi là chưa đủ mà còn cần một cái tâm sáng cũng như sự yêu thương với từng đứa trẻ. Có thương trẻ thì giáo viên mới biết quý trọng từng giây từng phút trong mỗi giờ học của trẻ. Tôi cũng như đồng nghiệp của tôi luôn cảm thấy hạnh phúc khi thấy các con tiến bộ mỗi ngày hay nghe phụ huynh chia sẻ: Cô ơi đợt này con tiến bộ lắm… Câu nói tưởng chừng đơn giản đó thôi nhưng lại tiếp thêm cho chúng tôi vô vàn động lực để cùng các con vượt qua khó khăn. Và với tôi trẻ tiến bộ không chỉ là thành quả sau cả quá trình can thiệp mà đó còn là niềm vui, sự ghi nhận và thôi thúc bản thân hãy cố gắng hơn nữa

Contact Me on Zalo
0912 218 692