BƯỚC VÀO THẾ GIỚI CHƠI CÙNG CON

Có rất nhiều trẻ khi đang chơi đồ chơi mà bố mẹ ngồi chơi cùng và muốn con chơi theo ý của mình thì trẻ lập tức có phản ứng bỏ đi, thu đồ chơi lại hoặc thậm chí là hét và ném đồ chơi đi. Lúc đó bố mẹ cảm thấy thật sự khó khăn để có thể tiếp cận được con. Vậy khi ở vào tình huống này bố mẹ sẽ phải làm gì để trẻ chấp nhận cho người lớn chơi cùng?

Chơi là một trong những hình thức để giúp kết nối mối quan hệ và giao tiếp tương tác giữa người lớn và trẻ. Chơi mang lại nhiều lợi ích cho trẻ như phát triển trí tưởng tượng, phát triển nhận thức, phát triển tương tác xã hội – cảm xúc…Chơi có hai loại chính là chơi với đồ vật và chơi tương tác người- người, mỗi một loại lại có nhiều giai đoạn/ mức độ chơi khác nhau. Bài viết này sẽ đi sâu vào việc trẻ chơi đồ vật với một số cách chơi rất “ đặc biệt” cũng như làm sao để bố mẹ có thể trở thành bạn cùng con.

Rất nhiều bố mẹ từng chia sẻ rằng con ở nhà chơi theo kiểu “ không giống ai” như: Chỉ xếp đồ vật/ đồ chơi thành hàng, nhìn sát mắt vào các đồ vật, thích xếp theo màu sắc, cầm hai khối hình gõ vào nhau rất lâu mà không chán…Và khi bố mẹ muốn con chơi đúng chức năng thì con lập tức “ phản ứng” rất dữ dội.

Muốn con chơi theo cách của mình thì bước đầu tiên bố mẹ phải làm sao trở thành “bạn” với con. Trở thành bạn với con thì bố mẹ mới có thể bước được vào thế giới của con, hiểu con, hưởng ứng con và cuối cùng là được con chấp nhận. Muốn trở thành “ bạn” của con thì bố mẹ cần:

  • Đưa con vào một không gian an toàn, có đồ chơi và sau đó hãy để trẻ lựa chọn thứ con thích. Bố mẹ hãy học cách tìm hiểu thế giới riêng của con, sở thích của con là gì, quan sát xem con chơi như thế nào…
  • Loại bỏ thứ có thể gây xao nhãng cho trẻ, ví dụ: Mở ti vi gây tiếng ồn; phòng có quá nhiều đồ lộn xộn; có nhiều người đi lại trong phòng…
  • Luôn ở vào vị trí trung tâm: Ngồi đối diện, mặt đối mặt với trẻ.
  • Từ từ tham gia vào trò chơi của trẻ để không làm trẻ mất đi sự thoải mái. Hãy thêm từ đơn giản hoặc thêm các cử chỉ hành động, ví dụ: Ow, đẹp quá ( giành lời khen cho trẻ khi trẻ đang xếp hình) hay cho một chiếc ô tô từ từ chạy trên bàn khi trẻ đang chơi xây nhà để thu hút trẻ trước . Bố mẹ đừng bao giờ ngồi cùng với trẻ cái đã có tâm lý nóng vội kiểu “ con phải chơi giống mẹ/ bố như thế này mới đúng”. Điều đó vô tình khiến trẻ cảm thấy khó chịu vì mình đang chơi tự nhiên lại có người đến “ chỉ đạo” mình vì vậy mà có nhiều trẻ không hợp tác cho bố mẹ chơi cùng là vậy.
  • Hãy giúp trẻ vô điều kiện, chỉ bình luận, nhận xét, không hỏi, không yêu cầu kiểu: Con hãy…Con phải…Con cần…Con nên…

Khi trẻ đã chấp nhận và không có hành động từ chối thì coi như bố mẹ đã thành công được một nửa. Lúc này chúng ta sẽ chuyển sang bước tiếp theo – cũng là mục đích mà bố mẹ mong muốn: Con hợp tác chơi cùng và có thể chơi theo hướng dẫn của người lớn.

Để thực hiện được mục đích đó thì bố mẹ sẽ sử dụng chiến lược tương tác chuyên sâu. Chúng ta sẽ làm gì với chiến lược này?

  • Đầu tiên là bắt chước hành động của trẻ; Khi ta bắt chước hành động của trẻ thì trẻ sẽ chú ý đến chúng ta; ban đầu có thể trẻ chỉ chú ý trong một vài giây nhưng chúng ta cũng sẽ ghi nhận điều đó ở trẻ.
  • Tiếp theo tạo ra những hoạt động mà trẻ thích để thu hút trẻ hoặc trẻ thấy tò mò về chúng ta.
  • Với một số trẻ thì cần giữ khoảng cách vừa phải để trẻ cảm thấy an toàn. Thay vì áp sát thì bố mẹ có thể chơi cách con một khoảng, khi con chú ý và tin tưởng thì bố mẹ từ từ tiến lại gần trẻ. Hãy để trẻ làm quen một cách từ từ thì trẻ sẽ không thấy áp lực khi bố mẹ tiếp cận trẻ.

Như vậy ở chiến lược này chúng ta sẽ lưu ý ba vấn đề:

  1. Bố mẹ bắt chước như thế nào để thu hút trẻ trong khoảng thời gian đầu
  2. Bố mẹ chơi gì để khiến con thích và chú ý đến mình
  3. Bố mẹ có tạo được an toàn để con chấp nhận mình hay không.

Để hướng con chơi theo ý bố mẹ (hoặc chơi đúng chức năng) thì chúng ta sẽ đi theo các bước sau đây:

+ B1: Bắt chước hành động trẻ đang chơi

+ B2: Tạo ra một hoạt động mới ( không liên quan tới đồ vật hay hoạt động cũ) để lôi kéo trẻ ra khỏi hoạt động cũ.

+ B3: Thử hoạt động mới dựa trên nền tảng hoạt động cũ.

Ví dụ: Trẻ thích gõ hai viên gạch vào nhau, cứ chơi đi chơi lại mà không chán. Bố mẹ cần làm gì? Đầu tiên bố mẹ cũng gõ hai viên gạch giống trẻ, sau đó dừng lại và làm một hành động khác gần giống như: thay vì gõ vào nhau và nói “cắc/ cắc” thì có thể gõ xuống bàn và nói “cộc/ cộc”

Hay khi trẻ xếp gạch thành một hàng thẳng thì bố mẹ có thể xếp cùng trẻ rồi sau đó lấy một chiếc ô tô và cho nó chạy trên đường thẳng đó rồi làm tiếng “ bíp bíp”.

+ B4: Để trẻ chơi luân phiên cùng chúng ta. Hãy cân bằng lượt chơi giữa trẻ và người lớn hoặc ban đầu ta có thể để trẻ có được nhiều lượt hơn.

+ B5: Hỗ trợ/ gợi ý nếu trẻ không làm được hoặc chỉ làm được một phần

+ B6: Khen thưởng khi trẻ hợp tác hoặc làm tốt yêu cầu.

Bố mẹ cần lưu ý rằng mọi thứ đều phải diễn ra rất từ từ, không bắt ép khi trẻ chưa muốn tham gia. Nếu trẻ không muốn có thể chuyển sang một hoạt động khác thu hút con hơn rồi sau đó quay lại hoạt động cũ. Một yếu tố cũng rất quan trọng khác nữa là thái độ của bố mẹ phải vui vẻ và sử dụng giọng nói hoạt hình để có thể thu hút được trẻ. Bên cạnh đó trước khi chơi cùng trẻ thì trong đầu bố mẹ đã phải có sẵn các hoạt động mà mình sẽ chơi cùng, có như vậy bố mẹ mới không bị lúng túng và rơi vào tình trạng không biết chơi gì tiếp theo.

Chúc bố mẹ thành công và sớm trở thành một người bạn của con!

HÌNH ẢNH HỌC SINH NHÓM CAN THIỆP SỚM CƠ SỞ 3 – LÊ VĂN LƯƠNG  THAM GIA HOẠT ĐỘNG CHƠI VỚI BÓNG

Contact Me on Zalo
0912 218 692