Buổi ngoại khóa nhóm tiền tiểu học

“Cô ơi! chúng mình đi đâu thế”
“Cô ơi! chúng mình đi đâu thế”, “đèn đỏ kìa, đèn đỏ phải dừng lại” “đèn xanh được đi”…các câu nói cứ thay nhau cất lên rất lần lượt và cũng xuyên suốt theo 1 chủ đề “hôm nay chúng mình đi đâu cô ơi”. Dù đã được các cô thông báo trước hôm nay cả nhóm sẽ được tham gia buổi dã ngoại nông trại, các con sẽ cùng nhau trải nghiệm và khám phá về thế giới tự nhiên vô cùng bổ ích và thú vị. Thay vì suốt ngày các bé ở trong 1 không gian kín được bao bọc bởi những bức tường thì hôm nay các con sẽ được thoải mái chạy nhảy, tự do tìm tòi và khám phá về một thế giới mới xung quanh bé.
Đoàn chúng tôi bắt đầu xuất phát từ TT GD hòa nhập trẻ em , nơi hàng trăm trẻ và gia đình đang gửi trọn niềm tin tìm lại nguồn sáng và đem lại cho các bé nhiều cơ hội hòa nhập. Bạn nào cũng tỏ ra háo hức và cũng muốn đứng đầu hàng , còn có 1 vài bạn cứ mải tìm dép, tìm mãi mà không được “cô ơi! Dép của con đâu” “không phải”. Sau vài phút lộn xộn các bạn cũng nhanh chóng ổn định và xếp ngay ngắn thành hàng dài. Khi có hiệu lệnh xuất phát các bạn bắt đầu di chuyển ra xe dưới sự hướng dẫn của các cô các bạn biết là phải đi về bên phải, khi đi qua quán nước có rất nhiều bác phụ huynh đang ngồi 1 bạn biết giơ tay nói chào bác thế là cả đoàn các bạn nhao nhao cùng nói theo “cháu chào bác”.

“Cô ơi! Ô tô”, ô tô đang đợi chúng mình, mời các bạn lên xe, thay vì cảnh tượng chen lấn mà cô hình dung từ trước thì lạ thay các bạn lần lượt từng bạn một lên xe ngồi đúng vào vị trí, không cần ai hướng dẫn và sắp xếp chỗ ngồi cả, khi hàng ghế dưới đã đủ các bạn tự biết điều chỉnh và chuyển lên hàng ghế trên. Xe cũng bắt đầu dời bánh trên xe có 10 bạn nhỏ 2 cô chủ nhiệm, 1 cô văn phòng cùng 1 cô hướng dẫn, đi cùng đoàn xe có cả cô Phượng (giám đốc TT). Lúc xe chuyển bánh cũng là lúc các tiếng nói bắt đầu vang lên, những câu hỏi không ngớt. Sau khi được cô hướng dẫn các bạn sẽ được tới thăm một nông trại: được cho gà, vịt ăn, được trồng rau cuốc đất.. các bạn ai cũng tỏ ra hứng thú và câu chuyện càng rôm rả hơn. “Cho vịt ăn, trồng rau”, “chúng mình đi nông trại”, “ngõ 32, Lĩnh Nam”, “đèn đỏ dừng lại”, dưới sự trợ giúp của các cô các cô các bạn nhỏ đã tạo ra những câu chuyện xoay quanh chủ đề đi dã ngoại tại nông trại.
“Huế ơi! Bạn nào vừa nói đấy ?“ – bạn TT. “bạn nào đây- cô Huế?”.- bạn NY…Không chỉ các con hay cô Phượng mà ngay cả tôi một GV chủ nhiệm ngày nào cũng theo sát các bạn nhưng cũng không khỏi bất ngờ bởi các câu nói của các bạn, hằng ngày các bạn trong nhóm tỏ ra khá trầm lặng có bạn còn rất nhút nhát và thú động chỉ nói khi được hỏi, nhiều tình huống còn phải chờ cô trợ giúp nhưng trong chuyến xe này các bạn đã tự tạo cho mình một câu chuyện với nhiều màu sắc riêng.

Chuyến xe dừng lại tại một nông trại cách TT 7Km gần cầu Thanh Trì – HN. Khi các bé vừa xuống xe nhìn những ánh mắt ngơ ngác đầy ngây dại của các con khi được tiếp xúc với 1 khung cảnh hoàn toàn xa lạ. Nhưng cũng có bạn thì lại tỏ ra rất hứng thú xông xáo chạy xung quanh như muốn tìm hiểu ngay. Đầu tiên các bạn được cô hướng dẫn dẫn xuống khu vực chăn nuôi, nơi có rất nhiều gà và vịt đang sinh sống. Các bạn được tận mắt nhìn những chú gà đang chạy trong vườn và những đàn vịt đang bơi dưới ao mà bình thường các bé chỉ được học qua tranh ảnh. Những tiếng cục ta cục tác, tiếng vít vít làm phá tan cái không khí vốn đang tĩnh lặng lúc trước, thì ra có 1 số bạn tỏ ra hứng thú thái quá muốn lại gần để xem tận mắt, sờ tận tay nhưng chưa biết cách cứ thấy gà, vịt là chạy tới vồ, có bạn còn lấy gạch ném làm cho các con vật cứ nháo nhác cả lên

Sau khi được các cô hướng dẫn và giúp các bé có thể tiếp cận được với đàn gà, còn trực tiếp cho chúng ăn. Các bạn đều hiểu muốn gần chúng cần nhẹ nhàng, không làm gà sợ và cho chúng ít đồ ăn. “cô ơi! Cho con ít thóc”“Con hết rồi.” “nào, của tớ”…cuộc hội thoại lại bắt đầu xoay quanh việc cho gà, vịt ăn. Có bạn nhanh nhẹn còn cầm ca thóc chia đều cho mỗi bạn nhưng mà các bạn thích nên ai cũng muốn được cho ăn nữa và thế là người chia phần đành phải đấu tranh để giữ lại vài hạt thóc cho mình.

Buồn thay các bạn đã nhanh tay hơn lấy hết cậu bé đành bỏ đi với vẻ mặt buồn thiu trông thật đáng yêu mà cũng thật đáng thương(1 câu chuyện với nhiều bài học được áp dụng vào thực tế). Bất ngờ thay khi các cô nhìn tấy TL 1 bạn nhỏ vốn rất thụ động tay cầm nắm thóc, cố rắc cho gà ăn. Con cố gắng nắm chặt các ngón tay để không làm hạt thóc rơi ra nhưng những ngón tay yếu ớt cứ dời ra làm những hạt thóc rơi ra ngoài. Một cảm xúc khó tả, niềm niềm vui tràn ngập trào dâng trong mỗi chúng tôi những giáo viên đặc biệt.

1 số bạn không kìm chế đượcc ảm xúc của mình, tỏ ra hứng thú thái quá chạy lăng xăng, cũng có bạn chưa hiểu luôn tìm cách phá để cho đàn gà chạy nháo nhác…Khi được các cô hướng dẫn cụ thể, áp dụng các bài tập điều chỉnh cảm xúc, các bạn đã phần nào kìm chế được cảm xúc của mình.

Sau khi được các cô hướng dẫn và làm quen với thế giới động vật các bạn lại được hòa mình cùng thiên nhiên, rau dền, rau muống, rau mùng tơi, cải thảo, rau ngót….bao nhiêu là rau xanh mướt cả 1 vùng. Sao nhìn chúng không giống trong ảnh gì cả “cô ơi! Rau gì đây?…”. Bài học đặt câu hỏi đã được áp dụng khá tốt. Các bé còn được các cô hướng dẫn cách làm đất gieo hạt, tự tay cầm cuốc xới đất, rắc hạt. Sau đó các bạn được cô Phượng hướng dẫn các bạn cách hái rau dền hái như thế nào? rau ngót hái thế nào? các bé phải thật chăm chú lắng nghe mới nắm được các bước và quy trình cô hướng dẫn. Cũng đến phần thực hành bạn nào cũng háo hức nhưng có bạn không hiểu đưa tay túm cả nắm rau mà tuốt. Các cô kiên nhẫn hướng dẫn tỉ mỉ lại cho mỗi bạn tay trái kết hợp cùng tay phải như thế nào. Nhìn những ngón tay non nớt, yếu ớt của các con khi đang cố gắng tỉa từng cành rau ngót ra khỏi thân cây lòng cô nghẹn ngào, ngày nào trên lớp cũng rèn cho các con các bài vận động tinh nhưng đây mới là cái thiết thực nhất để các con được rèn khả năng vận động của mình. Cô mong tuần nào cũng có 1 chuyến thực tế để các con có thể vận dụng được những gì mình đã học vào thực tiễn giúp các con có nền tảng kiến thức sống vững chắc nhất.

Đoàn chúng tôi lên xe và trở lại TT, trên quãng đường di chuyển về vẫn câu chuyện, vẫn chủ đề dã ngoại nhưng được kể với lại bằng ngôn ngữ của các bé hơi lộn xộn, lủng củng thiếu mạch lạc nhưng dưới sự hướng dẫn của các cô chủ đề được giữ xuyên suốt trong cả chuyến đi. Một chương trình nhỏ – Một buổi học ngắn nhưng mang lại bao ý nghĩa lớn với các bé: các con được tự mình tìm tòi, khám phá một môi trường mới với nhiều điều bổ ích và thú vị đồng thời cũng giúp các con rèn các kỹ năng hoạt động nhóm, kỹ năng thể chất, phát triển tình cảm, trí tuệ của mình, giúp các con mạnh dạn, tự tin trong giao tiếp. Dễ dàng thích nghi trong môi trường mới là tiền đề cho các con hòa nhập sau này. Mong các con sẽ được tham gia nhiều buổi thực hành thực tế để giúp các con tự chăm sóc bản thân và hòa đồng được với cộng động xã hội.
Giáo viên chủ nhiệm
Nguyễn Thị Huế

Contact Me on Zalo
0912 218 692