Hoạt động tháng 7 nhóm lớp N2-HN: Tạo hình sâu từ lá chuối

  Với nhóm trẻ có nhu cầu đặc biệt, các hoạt động tích hợp nhằm phát triển ngôn ngữ, nhận thức, tư duy là vô cùng quan trọng. Trong chương trình trị liệu, những hoạt động có đồ dùng gần gũi, trẻ được trực tiếp cầm sờ, cảm nhận sẽ phát huy hiệu quả cao. Tại TT giáo dục hòa nhập trẻ em, ngoài các tiết trị liệu nhóm các con sẽ được tham gia các giờ trị liệu nghệ thuật để bổ trợ phát triển các kỹ năng. Dưới đây là hoạt động sáng tạo Làm sâu từ lá chuối.

  Tuổi thơ, ai cũng từng một lần được xé lá chuối tạo hình những con vật mình yêu thích. Ở thành phố, rất khó để các con có thể tham gia được trải nghiệm gần gũi và ý nghĩa như này. Mong muốn các con có những giờ trị liệu bổ ích, các cô đã tìm kiếm ở vùng ngoại thành những tàu chuối, sau đó rửa sạch- lau khô, đảm bảo an toàn, sẵn sàng cho các con trải nghiệm.

  Các con sẽ được tự mình xé nhỏ sợi theo gân tàu chuối, thao tác này cực kỳ khó với những trẻ vận động tinh và lực cơ tay yếu. Đây là mục tiêu đầu tiên các cô mong muốn đạt được khi tổ chức hoạt động, một số các con có thể tự xé được miệng lá nhưng    nhiều con sẽ cần hỗ trợ ở khâu này

  Sau khi xé thành sợi, các con được quan sát cô làm mẫu: cách gập lần lượt 2 sợi chuối vào nhau giữ cho sợi không bị bung ra và cứ tiếp tục như thế cho đến hết lá sẽ được một chú sâu nhỏ xinh, đáng yêu. Ở khâu này đòi hỏi các cô phải thu hút tối đa sức tập trung của trẻ, níu giữ sự tập trung và hợp tác bắt chước hành động.

  Các con sẽ cần sự hỗ trợ thể chất ở một, hai lượt đầu khi tiến hành thao tác gấp. Sau đó cô có thể dần dần giảm mức hỗ trợ từ hỗ trợ thể chất- hỗ trợ một phần- gợi ý bằng lời. Cần hết sức linh hoạt trong quá trình hỗ trợ nhằm phát huy tốt khả năng độc lập trong hoạt động, tránh tình trạng trẻ ỉ lại sự giúp đỡ của người khác.

 

Khâu cuối cùng là chia sẻ thành quả, những chú sâu nhiều hình thù do chính bàn tay của các con nắn nót tạo lên. Những cái ngắm ngía chăm chú, những tiếng cười thích thú, những cái chỉ tay,…chia sẻ thành công với cô. Khả năng tương tác- giao tiếp được phát triển từ đó.

(Trị Liệu Viên  Nguyễn Thị Phượng – Trung tâm Giáo dục Hòa nhập Trẻ em )

 

 

Contact Me on Zalo
0912 218 692