KĨ NĂNG XÃ HỘI CỦA TRẺ TỰ KỈ (PHẦN I)

PHẦN I :KHIẾM KHUYẾT VỀ KỸ NĂNG XÃ HỘI CỦA TRẺ TỰ KỶ LÀ GÌ?

Cẩm Nang Thống Kê Cẩm Nang Thống Kê & Chẩn Bệnh Tâm Thần, hiệu đính lần thứ 5 (DSM – 5), định nghĩa khiếm khuyết về kỹ năng xã hội của trẻ tự kỷ là “sự vô cảm, không biết rung động, chia sẻ tình cảm, sở thích cá biệt của mình với người khác, không thể bắt chuyện, nhập chuyện, và cách đối đáp trong giao tiếp xã hội rất khác thường”.

Trẻ tự kỷ luôn biểu hiện “những khiếm khuyết về kỹ năng xã hội qua sự bày tỏ cử chỉ, hành vi, qua cách dùng lời và không dùng lời, qua sự giao tiếp bằng mắt, không thể hiểu hay diễn đạt bằng điệu bộ hoặc bày tỏ cảm xúc trên nét mặt, gặp nhiều khó khăn trong vấn đề kết bạn và duy trì tình bạn, ngoại trừ cha mẹ và những người chăm sóc khác, không thể thay đổi hành vi theo sự đòi hỏi của mọi người… thiếu khả năng chơi giả vờ, và không có hứng thú sinh hoạt chung theo nhóm…”.

“Nếu không có dịch vụ trợ giúp thì khiếm khuyết về giao tiếp xã hội của trẻ tự kỷ sẽ biểu lộ rõ nét theo thời gian trong giai đoạn từ 3 – 5 tuổi ở nhà trẻ và mức độ quan tâm, gần gũi với mọi người ngày càng giảm thiểu; sự rập khuôn về hành vi, sở thích, hoạt động sẽ có ảnh hưởng nghiêm trọng và đối nghịch về mọi mặt trong đời sống của trẻ về sau.” (1)

Kỹ năng xã hội là gì?

Khả năng giao tiếp sớm với mọi người và mọi vật quanh mình trong thời thơ ấu chính là nền tảng cho sự phát triển những kỹ năng xã hội thích hợp và cần thiết cho đời sống, sinh hoạt và học tập của trẻ em trong tương lai.

Theo chuyên gia Guralnick và Neville, kỹ năng xã hội là khả năng mở đầu, gợi ý, xây dựng và duy trì mối quan hệ tốt đẹp với mọi người trong những tình huống giao tiếp khác nhau, rằng vấn đề huấn luyện kỹ năng xã hội cho trẻ em được xem là nhiệm vụ hàng đầu của phụ huynh và giáo viên (2).

Một đứa trẻ biểu hiện nhiều khiếm khuyết về kỹ năng xã hội, không có sự tương tác hai chiều với người lớn và các bạn cùng độ tuổi thì chắc chắn sẽ gặp vô số trở ngại trong các mối quan hệ giữa người và người. Nhiều nghiên cứu của các nhà tâm lý, giáo dục cho thấy sự phát triển kỹ năng xã hội là con đường dẫn đến sự thành công khi trẻ lớn lên, giúp trẻ bước vào đời bằng sự tin và ý chí tự lập (3).

Ở các trường mầm non, những em có kỹ năng giao tiếp tốt thường biểu hiện thái độ thân thiện, cởi mở, biết gợi ý và đáp lời qua lại, biết chia sẻ và nhường nhịn các bạn, biết tuân theo sự chỉ dẫn của giáo viên, có tinh thần hợp tác, tự biết kiềm chế cảm xúc và kiểm soát hành vi của chính mình (4).

Hầu hết sự tiếp thu và phát triển kỹ năng xã hội của trẻ em là điều bình thường và theo lẽ tự nhiên, nhưng đối với các em chậm phát triển thì sự học hỏi, bắt chước những kỹ năng xã hội luôn gặp nhiều khó khăn vì sự hạn chế về mặt trí tuệ và ngôn ngữ (5). So với các trẻ bình thường, trẻ chậm phát triển có mức độ giao tiếp rất thấp với các bạn cùng lớp và cùng độ tuổi. Trong các lớp nhà trẻ, các em chậm phát triển không dành thời gian giao tiếp với mọi người, không thể gợi ý bằng lời, nhất là không muốn tham gia vào các trò chơi tập thể, và đây chính là nguyên nhân các em bị chúng bạn khai trừ, xa lánh, khiến cho sự học hỏi, bắt chước kỹ năng xã hội của các em trong lớp học ngày càng khó khăn hơn (6).

Vì sao trẻ tự kỷ không thể có sự phát triển kỹ năng xã hội một cách bình thường và tự nhiên?

Rối loạn phổ tự kỷ là một trong những dạng chậm phát triển lan tỏa (pervasive developmental delays). Trẻ tự kỷ bao gồm một số em có thương số thông minh trên mức trung bình và những em có chẩn đoán tự kỷ đi kèm với khuyết tật trí tuệ, năng động thiếu chú ý, khiếm khuyết về nói/ngôn ngữ, v.v…

Nói chung, trẻ tự kỷ không có sự phát triển tự nhiên và bình thường về kỹ năng xã hội như những em không bị khuyết tật. Các nhà chuyên môn liệt kê 3 khiếm khuyết chính của trẻ tự kỷ về kỹ năng xã hội (autistic triad) như sau (7):


1) Khó khăn giao tiếp và xây dựng tình bạn. Trẻ tự kỷ chỉ muốn sinh hoạt một mình, không thích mọi người xâm lấn vào thế giới riêng tư.

2) Đa số trẻ tự kỷ không thể dùng lời diễn đạt ý muốn, ý nghĩ, và sở thích của mình. Riêng những em tự kỷ nói được thì không có khả năng gợi ý hay duy trì những cuộc đối thoại hai chiều – trẻ nói chỉ muốn người khác nghe và không chờ đợi người khác nói, không quan tâm đến phản ứng của người đối thoại, không nhìn vào mắt họ, không quan tâm đến những cử chỉ, điệu bộ của thân thể, hoặc cảm xúc thể hiện trên gương mặt của người khác, luôn thay đổi chủ đề đối thoại một cách đột ngột và không thích hợp. Lắm lúc, cách sử dụng từ ngữ của trẻ tự kỷ có vẻ như là sự giảng thuyết của một giáo sư tí hon hơn là trò chuyện, thường đưa ra nhiều chi tiết hơn là sự chú tâm vào trọng điểm.

3) Trẻ tự kỷ không biết chơi giả vờ. Chẳng hạn, các em không biết dang tay, vờ làm máy bay xòe cánh và tạo những âm thanh như khi máy bay cất cánh lên không, không biết chơi công an đi bắt quân gian, giả làm nhân viên chữa cháy, vờ đút búp bế ăn, ru búp bế ngủ.

Danang Ho

Tài liệu tham khảo

  1. APA. DSM – 5 (2013).
  2. Guralnick & Neville (1997), Designing early intervention programs to promote children’s social competence & the effective way of early intervention.
  3. Disalvo & Oswald (2002),Pier- mediated intervention to increase the social interaction of children with autism.
  4. Raver & Zigler (1997), Social competence: An untapped dimension in evaluating Head Start’s success.
  5. Odom (1993), Exceptional children.
  6. Guralnick & Kinnish (1996), Immediate effects of mainstreamed settings on the social interaction s and social intergration of preschool children.

       7. Connor M. (2002), Promoting social skills among children with autism. http://www.mugsy.org/connor38.htm

Contact Me on Zalo
0912 218 692