KỸ NĂNG – TƯ DUY KHÁC NHAU NHƯ THẾ NÀO?

Tuần trước tôi post một stt ‘Thinking như design thinking hay critical thinking là một kỹ năng hay tư duy? Làm sao để phân biệt hai thứ ấy?’ thì nhận được khá nhiều góp ý khác nhau cho thấy chúng ta chưa có một sự đồng thuận về mặt ngôn ngữ khi dùng hai từ này. Nếu chúng ta không đồng thuận về mặt ngôn ngữ thì khó mà đồng thuận về nhận thức giữa hai từ này.
Tôi không phải là một nhà ngôn ngữ học nên không thể giải thích nguồn gốc tiếng Việt của hai từ này, do đó tôi dùng kiến thức từ thần kinh học, tâm lý học và từ ngôn ngữ tiếng Anh để phân biệt hai từ này. Do đó nếu bạn không đồng tình với lời giải thích của tôi thì khả năng cao bạn đang sử dụng một hệ kiến thức khác để nhìn nhận vấn đề.
Từ skills được dịch là kỹ năng. Từ mindset được dịch là tư duy.
Kỹ năng là năng lực làm một việc gì đó bằng kiến thức và kinh nghiệm. Có hai loại kỹ năng: Kỹ năng cứng và kỹ năng mềm. Kỹ năng cứng là năng lực thực hiện công việc đòi hỏi kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm qua quá trình đào tạo. Công việc này không giới hạn chân tay mà bao gồm cả trí tuệ như sửa xe hay viết phần mềm. Điều quan trọng là kỹ năng cứng có thể đánh giá (cân đo đong đếm) được qua các tiêu chí khác nhau. Trong khi đó, kỹ năng mềm là năng lực làm việc với người khác bao gồm tương tác, lãnh đạo, giải quyết vấn đề, tính thích nghi, v.v. Kỹ năng mềm khó đo lường hơn và thường được đánh giá qua phản ảnh của đồng đội cũng như tự đánh giá.
Tư duy là một hệ tin tưởng và giá trị của một người, có thể ví như một hệ điều hành của máy tính. Nó là nền tảng và cơ sở tạo nên suy nghĩ, nhận định, nhận thức dẫn đến hành vi của người đó. Tư duy là một khái niệm trừu tượng liên quan đến nhân sinh quan (bao gồm cả tâm lý và cảm xúc) khi đứng trước các vấn đề từ môi trường bên ngoài. Do đó, thái độ và tâm thế của một người khi đứng trước biến cố có liên quan đến tư duy nhiều hơn. Mỗi một người có một tư duy khác nhau. Trước đây, có nhiều nguyên cứu khoa học tìm cách phân loại tư duy để hiểu và thúc đẩy các phương pháp phát triển cá nhân. Có một cách phân loại khá dễ hiểu và đã tạo ảnh hưởng lớn đó là phân loại theo ‘tư duy cầu tiến’ và ‘tư duy cố định’. Tư duy cầu tiến cho rằng kỹ năng và cả trí thông minh có thể được cải thiện qua học hỏi và kiên trì tập luyện. Ngược lại, tư duy cố định cho rằng kỹ năng và trí thông minh do trời sinh không thay đổi được như tử vi cho rằng bạn không có khả năng lãnh đạo hay không thể học nhiều. Tư duy rất khó đánh giá định lượng mà chỉ qua quan sát hành vi khi người đó đứng trước các thử thách trong cuộc sống.
Tư duy của một người được hình thành từ khi sinh ra qua tương tác với người chăm sóc (cha, mẹ, bảo mẫu, thầy cô, v.v.), bằng các trải nghiệm được dạy bảo có ý thức hay qua quan sát và hấp thụ một cách vô thức. Thường tư duy của một người hầu như đến khoảng 10-11 tuổi là đã hình thành và lúc bấy giờ cha mẹ có thể nhận ra khi con mình bắt đầu cãi lại, phản kháng, hay có những nhận định cá nhân. Một khi đã hình thành thì tư duy rất khó để thay đổi và hầu như chỉ thay đổi qua các biến cố lớn trong cuộc sống. Nó cũng có thể thay đổi theo thời gian qua kiên trì phản ảnh cá nhân và luyện tập một cách có ý thức. Bạn có bao giờ hỏi ‘Tại sao tôi nghĩ vậy?’ ‘Tại sao tôi có nhận thức như thế?’, ‘Tại sao tôi có phản ứng như thế trược sự kiện đó?’, và rất nhiều câu hỏi khác đánh sâu vào nhận thức và hành vi của mình.
Nhưng giữa tư duy và kỹ năng có tương quan gì với nhau không? Câu trả lời ngắn gọn là CÓ.
Tuy đây là những khái niệm liên quan đến những quy trình não bộ phức tạp, tôi mạn phép dùng hình ảnh đơn giản đính kèm để nêu lên sự tương quan giữa những khái niệm trên cho dễ hiểu. Vùng ngoài cùng là vùng mà ta không biết hoặc không có năng lực để thực hiện, v.v. Để có năng lực cho việc gì thì điều đầu tiên là ta phải chấp nhận là ta không biết hay kém về việc đó và cần phải học tập hay trải nghiệm. Nếu bạn bị giới hạn bởi tư duy cố định cho rằng trời sinh ra bạn không thể làm điều đó hay cho rằng ta không cần phải biết thì bạn sẽ không học. Đây là một rào cản lớn để khởi đầu hành trình phát triển năng lực và thay đổi tư duy.
Một khi đã bắt đầu học thì bạn sẽ không bao giờ giỏi liền. Cần phải tu luyện và kiên trì để có kinh nghiệm làm việc ấy ngày càng giỏi hơn. Nếu vì một lý do nào đó bạn bỏ cuộc thì hành trình phát triển này chấm dứt. Nhưng nếu bạn kiên trì rèn luyện làm công việc ấy nhiều lần thì dần nó sẽ trở thành kỹ năng.
Trong quá trình rèn luyện làm việc gì mới, bạn bắt đầu hình thành và củng cố những kết nối nơron mới và cũng từ đó đưa ra những tin tưởng (công thức thành công, v.v.) mới qua tự phản ảnh, tự đánh giá, và ý thức cải thiện. Nếu những hành xử hay hành vi ấy không được đánh giá lại thường xuyên thì bạn duy trì hoạt động tự động theo tư duy sẵn có và sẽ không thay đổi gì. Do đó, người có tư duy cầu tiến thì lúc nào cũng mở rộng vùng học tập, học hỏi những kỹ năng mới và có cơ hội cập nhật tư duy thường xuyên. Người có tư duy cố định thì sẽ bị biên giới ngoài cùng (giữa vùng không biết và vùng học hỏi) làm rào cản cho hành trình học hỏi và phát triển tự nhiên. Họ chỉ học nếu bị ép hay dưới một áp lực sống còn nào khác.
Tôi hy vọng bài viết này làm rõ các khái niệm về kỹ năng và tư duy hơn. Đương nhiên sẽ có bạn không đồng tình với quan điểm này vì dựa trên nền tảng lý luận khác thì tôi cũng sẵn sàng lắng nghe và học hỏi.
Contact Me on Zalo
0912 218 692