LÝ DO TRẺ KHÓC VÀ CÁCH XỬ LÝ HÀNH VI XẤU CỦA TRẺ

Trẻ khóc có thể kể đến rất nhiều nguyên nhân như do trẻ đói hay khát; do trẻ buồn ngủ; do trẻ cảm thấy không khoẻ…Ngoài các nguyên nhân kể trên thì trẻ còn xuất hiện hành vi xấu này vì một số lý do sau đặc biệt ở nhóm trẻ RLPT rất hay gặp.

  1. Trẻ khóc vì muốn đòi cái trẻ muốn

Đây là một lý do rất hay thường gặp ở tất cả trẻ bình thường hay trẻ đặc biệt. Nếu trong trường hợp đây là thứ ta có thể đáp ứng cho trẻ thì có thể xử lý theo cách sau:

– Bố mẹ/ Người lớn nên bỏ sang nơi khác và lờ đi việc trẻ đang gào khóc. Chỉ sử dụng cách này khi đảm bảo trẻ không có những hành vi gây tổn thương bản thân hoặc những hành vi nguy hiểm như gây đổ vỡ.  Khi trẻ nín khóc người lớn có thể quay lại và nhắc trẻ yêu cầu đúng mực.

– Sử dụng kỹ thuật đếm: Kỹ thuật này cho trẻ thấy lúc này không có phần thưởng cho bé. Hãy làm như sau:

Người lớn: “Không khóc”- đếm ngay khi bé nín lấy hơi và ngừng khi trẻ bắt đầu khóc lại

Người lớn: “ Không khóc” – ( nhắc lại) – bắt đầu đếm từ đầu khi bé nín

Trẻ: Nín được đến 10 à Người lớn sẽ hỏi “ Con muốn gì?” bằng cách mô phỏng, ra dấu… tuỳ theo khả năng của trẻ để nói lên điều trẻ muốn.

Lưu ý: Trong trường hợp ta không thể đáp ứng đòi hỏi của bé thì hãy đưa bé ra khỏi môi trường đó và dùng một hoạt động khác thu hút trẻ để trẻ quên đi vật kích thích trước đó với trẻ.

  1. Nếu trẻ gào khóc mà không tỏ ra muốn thứ gì thì cần làm thế nào?

Trong trường hợp này có thể trẻ dùng tiếng khóc để thu hút sự chú ý của người lớn. Thường thì khi thấy trẻ khóc người lớn hay có xu hướng chạy đến vỗ về tìm hiểu xem con có gì không ổn. Lâu dần đứa trẻ thấy mỗi khi cần bố mẹ chú ý đến là sẽ tiếp tục dùng hành vi gào khóc. Chúng ta cần xem xét trong hai bối cảnh:

+ Nếu trẻ đang buồn hay bị đau vì ngã thì chúng ta không chọn cách ngó lơ mà hãy vỗ về an ủi trẻ.

+ Nếu trẻ thường xuyên khóc nhưng khi bạn đến trẻ không có gì bất ổn cả thì trong trường hợp này ta cần chấm dứt việc tiếp tục dành chú ý cho trẻ khi trẻ đang khóc. Nếu trẻ làm hành vi xấu để được chú ý thì chúng ta sẽ ngừng ngay việc chú ý đến trẻ bởi càng chú ý càng củng cố hành vi này ở trẻ. Thay vào đó hãy thật quan tâm đến trẻ khi trẻ có hành vi tốt. Ví dụ: Khi bé uống sữa xong trẻ chủ động đi vứt rác hay khi trẻ tự lấy sách ra xem thì hãy dành lời khen cho trẻ ( nếu trẻ thích khen).

Lưu ý: Nếu trẻ gây tổn thương mình hoặc đập phá ném đồ để gây sự chú ý thì không để trẻ một mình vì điều đó gây nguy hiểm cho trẻ. Hãy chặn hành vi của trẻ nhưng không nói hay vuốt ve nựng nịu trẻ. Hãy dạy trẻ dùng lời hoặc hành động phù hợp để có được sự chú ý.

  1. Nếu trẻ biết nói nhưng không chịu nói cái trẻ muốn thì phải làm sao?

Một số trẻ có thể biết đòi một vật nhưng chưa chắc đã biết dùng chính tên gọi của vật đó để yêu cầu. Một số khác có thể đã từng biết đòi vật đó bằng lời nhưng đôi khi trong tình huống căng thẳng trẻ lại không thể hoặc những trẻ bị apraxia cũng thường gặp khó khăn trong tình huống này. Và trẻ lại sử dụng tiếng khóc, vậy trong tình huống này ta nên làm thế nào?

Chúng ta nên nhắc trẻ kể cả khi bạn biết trẻ đã biết từ đó rồi. Hãy cho trẻ vật trẻ muốn nhưng chỉ một chút thôi ( chia nhỏ ) sau đó hãy hỏi lại xem trẻ có thể tự trả lời không.

Ví dụ:  BM: Con muốn gì? Bim bim.

            Trẻ: Bim bim (Sau đó thưởng cho trẻ một miếng bim bim trong túi)

             BM: Con muốn gì?

             Trẻ: Bim bim

             BM: Con đang làm gì?

            Trẻ: Ăn

             BM: Đúng rồi. Con đang ăn… ( Tạo cơ hội để trẻ điền chỗ trống)

             Trẻ: Bim bim

             BM: Đúng rồi. Con giỏi quá

                        Con muốn gì?

             Trẻ: Bim bim

  1. Nếu trẻ khóc để trốn một bối cảnh hay thoát ra khỏi một nơi thì nên làm gì?

Xét theo chức năng có thể thấy đây là một hành vi chạy trốn. Nếu trẻ xuất hiện hành vi xấu vì mục đích này thì cần ngăn trẻ trốn lệnh mà người lớn đã đưa ra. Nếu đã đưa ra lệnh mà trẻ không làm thì bố mẹ có thể làm cùng trẻ. Sau đó hãy xem xét lại xem yêu cầu mình đưa ra đã phù hợp với khả năng của trẻ chưa? Xem lại xem môi trường quanh trẻ có điều gì khiến trẻ chạy trốn không ( Ví dụ: ánh đèn; tiếng ồn…). Với hành vi này bố mẹ có thể: Chia nhỏ hoạt động cho vừa sức với trẻ; dạy trẻ cách yêu cầu được nghỉ giải lao; có khoảng thời gian nghỉ ngắn giữa các phiên làm việc thay vì làm việc 1 thời gian dài liên tục; thông báo lịch trình những việc trẻ cần thực hiện trước khi bắt đầu để trẻ có sự chuẩn bị tâm lý trước.

  1. Nếu hành vi xấu đó hấp dẫn với trẻ vì chúng tự kích thích trẻ thì phải làm thế nào?

Một số trẻ xuất hiện hành vi như: gào khóc đập đầu vào tường; đánh người thân; la hét cào cấu bản thân mình…trong trường hợp này cần ngăn hành vi của trẻ lại. Những hành vi này đã tự kích thích bản thân trẻ và nếu ta cho phép trẻ tiếp tục làm thì hành vi đó sẽ càng gia tăng.

Vậy chúng ta sẽ làm gì khi trẻ có những hành vi như vậy? Hãy sử dụng các tương tác xã hội bằng cách gắn nó với phần thưởng và các hoạt động khác để để chuyển hướng hành vi của trẻ hoặc đem lại cảm giác kích thích tương tự nhưng phù hợp và bớt nguy hiểm hơn. Có thể cung cấp và cho phép trẻ có được các đồ vật có tính chất kích thích giác quan để xoa dịu trẻ.

                ( Tài liệu tham khảo: VERBAL BEHAVIOUR (ABA)

Trị liệu viên : Nguyễn Thị Hà (Trung tâm Giáo dục Hòa nhập Trẻ em)

Contact Me on Zalo
0912 218 692