TRẺ TỰ KỶ – CAN THIỆP HAY DẠY DỖ

CAN THIỆP là gì và có liên quan gì đến THỜI GIAN VÀNG ?
Can thiệp là một hoạt động dành cho các trẻ đặc biệt ( VIP ) – Và nên hiểu là một hoạt động hỗ trợ hay hướng dẫn bằng sự khích lệ để giúp trẻ phát triển nhiều năng lực khác nhau từ lời nói, đến nhận thức, hành vi và đặc biệt là khả năng giao tiếp . Đây là những hạn chế cơ bản nhất của trẻ tự kỷ .
Có nhiều người cho rằng : Can thiệp là dùng các biện pháp và kỹ thuật để ngăn cản hay uốn nắn các hành vi tiêu cực , dập tắt các cơn bùng nổ, phấn khích của trẻ cũng như tác động để trẻ có thể nói được và học được các kiến thức… Tuy không sai nhưng đó là những biện pháp không phù hợp, không có giá trị tích cực . Vì vậy, can thiệp được hiểu là kỹ thuật làm bạn với trẻ, giúp cho trẻ cải thiện và phát triển dần dần . Điều quan trọng nhất trong hoạt động Can thiệp là phải căn cứ vào chính khả năng hay sự tiếp nhận của trẻ để từ đó tác động bằng các biện pháp phù hợp. Nói cách khác, phải dựa trên mức độ phát triển của từng em mà đưa ra, chứ không dùng một chương trình chung cho mọi đứa trẻ, giống như một chương trình mẫu giáo chung dành cho trẻ 3 – 4 tuổi hay 5 tuổi.
Có nhiều nhà chuyên môn hay đưa ra khái niệm CAN THIỆP SỚM , để nhắc nhở phụ huynh mang con đi can thiệp càng sớm càng tốt – nhất là phải can thiệp vào THỜI GIAN VÀNG ( Hay Giai đoạn Vàng ) thì mới hiệu quả . Nói về tiến trình phát triển của trẻ em , thì người ta nhận thấy thời gian trẻ phát triển nhanh nhất, có khả năng nhận biết tốt nhất là từ 0 – 3 tuổi , nên gọi đó là giai đoạn vàng hay thời điểm thích hợp nhất để tác động vào đứa trẻ. Điều đó không sai. Thế nhưng, để dụa vào đó mà ta có thể : Cung cấp nhiều kiến thức nhất cho trẻ hay để có thể vận dụng những kỹ thuật can thiệp một cách hiệu quả nhất cho trẻ thì lại không chính xác . Chúng ta nên nhớ rằng , sự phát triển của trẻ đặc biệt không đồng đều, như so với các trẻ bình thường. Một trẻ bình thường thì các em có khả năng tiếp nhận trong giai đoạn 0 – 3 tuổi những hoạt động với công cụ, với khả năng về ngôn ngữ, nhận thức tương đương với lúa tuổi thực của mình, nhưng với trẻ VIP, nhất là với các trẻ có yếu tố Chậm phát triển, thì khả năng tiếp nhận của các em thấp hơn so với tuổi thực của mình khá nhiều, và không đồng đều trong mọi lĩnh vực . Một trẻ 3 tuổi theo khai sinh, nhưng khả năng phát triển vận động chỉ bằng trẻ 2 tuổi, khả năng ngôn ngữ chỉ bằng trẻ 1 tuổi và có khi nhận thức chỉ bằng trẻ 10 tháng tuổi thì sao ? Có những trẻ 5 – 6 tuổi nhưng ngôn ngữ chỉ bằng trẻ 2 tuổi vậy có nằm trong giai đoạn Vàng để can thiệp được tốt hơn, hay đã trể rồi ? Vì vậy khái niệm Giai đoạn vàng không nên vận dụng với trẻ đặc biệt, mà chi nên gọi là Can thiệp Đúng thời điểm, chứ không phải là càng sớn càng tốt.
Bởi vì trên thực tế, thì việc phát hiện sớm, có thể cho ta biết một trẻ lên 1 – lên 2 đã có nguy cơ tự kỷ rồi, nhưng với trẻ 1 – 2 tuổi, bố mẹ có dễ dàng kiếm được cho mình một cơ sở hay Giáo viên phù hợp dể can thiệp cho con không ? hay phải đợi đến 3 – 4 tuổi mới có thể gửi trẻ ? Như vậy việc phát hiện sớm và can thiệp sớm lại chỉ có khả năng được vận dụng ngay trong gia đình của các trẻ mà thôi .
Ngoài ra, phụ huynh cũn nên nhớ rằng, việc can thiệp cho trẻ không phải chỉ là bỏ ra một vài tháng,thậm chí là một vài năm để tích cực can thiệp với mục tiêu là cho trẻ nói được, đi học hòa nhập được và váo lớp Một cho kịp với các trẻ khác, mà hoạt động can thiệp phải được tiến hành từ năm này qua năm khác cho đến khi trẻ bước vào tuổi thanh niên, có khi vẫn phải còn …can thiệp ! Vì vậy không có gì sớm hay trễ ở đây, mà chỉ có là can thiệp đúng hay chưa đúng, có xác định được mục tiêu hay chỉ can thiệp theo tình trạng của trẻ. Đó mới là vấn để cần đặt ra .
TÂM VẬN ĐỘNG LÀ GÌ – ÂM NGỮ TRỊ LIỆU LÀ GÌ ? dạy ra sao ?
Có nhiều người thích dùng chữ TRỊ LIỆU thay vì CAN THIỆP , và xem các kỹ thuật như Âm ngữ Trị liệu hay âm nhạc trị liệu – vận động trị liệu … là những phương pháp đặc thù dành để điều trị, chữa lành cho trẻ tự kỷ . Tuy nhiên, các phương pháp gọi là trị liệu ấy, chỉ có thể áp dụng một số nguyên tắc hay kỹ thuật trong đó để hỗ trợ cho trẻ tự kỷ, vì các phương pháp đó là những kỹ thuật trị liệu cho nhiều đối tượng khác nhau kể cả cho người lớn, hay cho những bệnh nhân trầm cảm chứ không phải dành riêng cho trẻ VIP. Vì thế trong hoạt động CAN THIỆP, các giáo viên và chuyên viên có thể vận dụng một số kỹ thuật khác nhau trong các phương pháp Âm ngữ trị liệu, hoạt động trị liệu, Âm nhạc trị liệu, hội họa trị liệu, vũ đạo trị liệu, tâm vận động, Điều hòa cảm giác hay Thủy trị liệu, Ngựa trị liệu ..v.v. Tùy the điều kiện, nhu cầu, khả năng và môi trường mà áp dụng hoặc không cần áp dụng.
Nói về TÂM VẬN ĐỘNG – chúng ta nên biết là có 2 hình thức gọi là tâm vận động . Một hình thức được gọi là phương pháp Tâm vận Động Bernard Aucoutouriel – là một phương pháp dành cho mọi đứa trẻ bình thường hay có vấn đề về tâm lý , chứ không riêng gì trẻ đặc biệt hay Tự kỷ. ! Phương pháp này có 3 cấp độ là Giáo dục Tâm vận Động , Can thiệp Tâm vận Động và Trị liệu Tâm vận động . Ở cấp độ Giáo dục tâm vận động thì các giáo viên nếu được hướng dẫn thì có thể giúp cho mọi đứa trẻ được phát triển tâm lý qua các hoạt động vận động tự do . Ở Cấp độ Can thiệp tâm vận động là dành cho các trẻ có vấn đề về tâm lý , có thể hoạt động theo nhóm dưới sự giám sát, hỗ trơ của một chuyên viên tâm vận động và ở cấp độ Trị liệu tâm vận động, là một hoạt động giữa một đứa trẻ và một chuyên viên hay chuyên gia tâm vận động – Trẻ tự kỷ chỉ là 1 trong những đối tượng có vấn đề về tâm lý có thể tham gia can thiệp hay trị liệu tâm vận động . Một hình thức thứ hai cũng được gọi là Tâm vận động – nhưng đúng ra nên gọi là Hoạt động vận động thì đúng hơn, là các kỹ thuật mà giáo viên hướng dẫn cho trẻ để phát triển vận động ( Vận động thô và vận động tinh ) hình thức này có thể tiến hành trong nhà hay ngoài sân với các công cụ hoạt động vận động bình thường . Còn hình thức Tâm vận động Aucoutouriel đươc tiến hành trong phòng vận động với các công cụ chuyên biệt . Đây chính là điều dễ gây nhầm lẫn nhất vì hầu như các trung tâm dù lớn hay bé, cũng cố gắng trang bị cho cơ sở mình một phòng với các công cụ vận động bình thường, có thể cho mọi trẻ hoạt động vui chơi, nhưng lại gọi đó là phòng Tâm vận động, thậm chí gọi là Phòng Trị liệu Tâm vận động ! mà thực ra không có gì được gọi là trị liệu có thể áp dụng tại đây.
ÂM NGỮ TRỊ LIỆU LÀ GÌ ? – Nhiều phụ huynh hiểu một cách đơn giản là cho con đi trị liệu âm ngữ là cho con đi tập nói hay chỉnh ngọng ! Điều đó cũng không sai – nhưng đó chỉ là 1 kỹ thuật trong hệ thống này thôi, vì âm ngữ trị liệu là một chuyên ngành chứ không phải là một phương pháp , bởi vì có rất nhiều phương pháp dành cho nhiều đối tượng, nhiều độ tuổi có trong âm ngữ trị liệu . Muốn can thiệp với âm ngữ trị liệu thì cần có chuyên viên âm ngữ , nhưng chuyên viên âm ngữ cũng chỉ giúp cho trẻ Đặc Biệt qua một số kỹ thuật mà một Giáo viên được đào tạo tốt có thể thực hiện được .
Như vậy, có thể nói Tâm vận Động hay Âm ngữ trị liệu là những chuyên ngành với các chuyên viên trong 2 lĩnh vực này và một trẻ VIP có thể chỉ cần một số kỹ thuật của 2 chuyên ngành này , chứ không hẳn phải có giờ riêng cho Tâm vận Động và giờ riêng cho âm ngữ trị liệu . Tất cả là tùy vào tình trạng, nhu cầu của đứa trẻ, chứ không phải tùy vào mong muốn của Phụ huynh hay khả năng của chuyên viên.
Còn các hoạt động TRỊ LIỆU khác Như ĐiỀu hòa Cảm giác , Â m Nhạc, Hội Họa, Múa, Yoga .v.v.Thì nên goi đó.. là những hoạt động HỖ TRỢ và cũng tùy theo nhu cầu cần thiết hay không của trẻ , chứ không phải dùng các phương pháp đó để TRỊ LIỆU cho trẻ Tự Kỷ được Hồi phục hay chữa lành. Trẻ Tự kỷ cũng như bất kỳ một đứa trẻ nào cũng cần được HỖ TRỢ ĐỂ PHÁT TRIỂN , chỉ có điều đó là HAI LỘ TRÌNH KHÁC NHAU , một đằng là đưa trẻ bình thường vào một lộ trình chung gọi là HỆ THỐNG GIÁO DỤC PHỔ THÔNG , từ Mẫu Giáo đến đại học. Một đằng là một LỘ TRÌNH RIÊNG với những khả năng riêng cho từng trẻ mà ta gọi đó là CHƯƠNG TRÌNH CAN THIỆP CÁ NHÂN , không nhằm vào mục đích cố gắng đưa trẻ vào hệ thống giáo dục để hòa nhập , mà là để giúp trẻ có khả năng TỰ PHỤC VỤ và trong một chừng mực là có thể PHỤC VỤ NGƯỜI KHÁC . Vì thế, dù là trẻ bình thường hay đặc biệt, thì có thể nói mục đích chung của mọi gia đình, mọi phụ huynh là làm sao cho trẻ được VUI SỐNG với một cuộc sống có ý nghĩa – chỉ có cách thể hiện và lộ trình để đạt tới là khác nhau mà thôi .
LÊ KHANH
Contact Me on Zalo
0912 218 692