Viết cho ngày 2-4

Giá như tự kỷ chỉ là cơn trầm cảm, rồi yêu thương và chăm sóc sẽ làm nó qua đi.
Giá như tự kỷ chỉ là xem quá nhiều tivi, chỉ cần dùng đến nút power off.
Giá như đó là lỗi của bố mẹ, thì chỉ cần người lớn tự thay đổi bản thân mình.

Nhưng tự kỷ là một hội chứng rối loạn phát triển đã gắn với số phận con từ khi sinh ra. Không sao, nếu như bạn nhận biết sớm, nếu như bạn hiểu đúng, nếu như bạn chăm chỉ và những người xung quanh thân thiện, thì không có gì ngăn cản con vẫn lớn lên hạnh phúc trên đời.
( 2-4)- Ngày Thế giới nhận thức về chứng tự kỷ (autism), theo lời kêu gọi của Liên Hợp Quốc. Ở Việt Nam tự kỷ chưa được thừa nhận là một dạng khuyết tật.

Debbie Rasiel, một nhiếp ảnh gia đến từ New York. Cô là một người mẹ có con trai tự kỷ. Đi nhiều nơi trên thế giới và nhận ra, do những khó khăn trong giao tiếp và tương tác xã hội đặc trưng của tự kỷ, cùng với những định kiến sâu sắc ở trong cộng đồng, người tự kỷ và gia đình của họ không có cách nào để nói lên tiếng nói của mình. Và cô đã có ý tưởng về một triển lãm nhân văn với tên gọi Picturing Autism nhằm tạo ra cầu nối giữa hai thế giới: Nghệ thuật và Tự kỷ – giúp người tự kỷ và gia đình được ghi nhận, lắng nghe và thấu hiểu.

Debbie Rasiel cho biết: “Việt Nam là nơi có trình độ học vấn cao, nhưng nhận thức về rối loạn phổ tự kỷ – một thách thức lớn về y tế trên thế giới – vẫn còn hạn chế. Bạn sẽ thu hẹp khoảng cách này như thế nào? Tôi hy vọng là bằng sự nhận thức, cởi mở và tộn trọng sự khác biệt. Việt Nam có rất nhiều tiềm năng. Khi tới Việt Nam tôi thực sự rất buồn khi chứng kiến quá nhiều trẻ em tự kỷ phải ở trong nhà và không có cơ hội được đi học. Đó là những đứa trẻ rất thông minh nhưng kỹ năng của các em chưa được phát triển. Những đứa trẻ này, những thanh thiếu niên nam và nữ có tự kỷ, cũng là tương lai của Việt Nam. Rất nhiều em có tài năng, một số đã được phát triển, một số thì còn chưa được khai phá”.

Mùng 2-4 hàng năm là Ngày Thế giới nhận thức về Tự kỷ. Tháng tư hàng năm cũng là tháng nâng cao nhận thức về tự kỷ. Có một chuỗi chương trình #ÂMNHẠCĐƯỜNGPHỐ, mang tên ‘TÔI ĐÃ HIỂU, CÒN BẠN?”, đã tổ chức tại Hà Nội, và được tiếp diễn tại Hải Phòng vào 14h-17h chiều chủ nhật 16-4-2017 (tại vườn hoa dải trung tâm thành phố), và lan tỏa đến TP Hồ Chí Minh vào ngày 23-4-2017.

Đến với chương trình bạn sẽ thưởng thức âm nhạc với nhiều nghệ sĩ chuyên nghiệp, nhiều tài năng nhí, chơi trò chơi với tôi và nhận tài liệu miễn phí. Tài liệu sẽ giúp bạn hiểu đúng tự kỷ, theo dõi quá trình nuôi dạy trẻ nhỏ để phát hiện sớm các rối loạn phát triển, và những lời khuyên cần làm gì nếu bạn có một đứa con tự kỷ. Với tỷ lệ trung bình 1/100 trẻ sinh ra có hội chứng tự kỷ như hiện nay, hiểu biết chính là vũ khí của bạn.
Hòa cùng nhiệt huyết để mọi người dân đều biết đến hội chứng này, tại Hà Nội, đoàn giáo viên của trung tâm tham gia các buổi tình nguyện phát tài liệu, làm bài test miễn phí các kiến thức về tự kỷ tại bờ hồ Hoàn Kiếm vào 4 buổi( 12,19.26/2 và 2/4).

Liên hiệp quốc hiện chưa gọi là bệnh tự kỷ, vì cơ bản bệnh thì có thuốc chữa, chứng tự kỷ có những rối loạn mang tính suốt đời. Tất nhiên không ai cấm, mà khuyến khích thì đúng hơn, chúng ta hy vọng, nhưng chúng ta đừng ngồi chờ, hãy hành động và hỗ trợ trẻ tự kỷ bằng tất cả những gì mình có thể.
Ở Nhật Bản, tự kỷ được coi là một dạng khuyết tật, từ đó Chính phủ Nhật xây dựng các chương trình phát hiện sớm trẻ bị tự kỷ, hỗ trợ trẻ tự kỷ điều trị từ khi còn nhỏ đến lúc đi học, trưởng thành. Nhật Bản còn có những chính sách trợ cấp cho chủ doanh nghiệp từ 500.000 – 1.350.000 yên/năm nếu tuyển mới hoặc sử dụng người bị tự kỷ. Các cơ quan nhà nước cũng ưu tiên sử dụng những hàng hóa, dịch vụ của người tự kỷ như: Giấy tờ, đồ văn phòng, đồ ăn, in ấn, giặt, xử lý thông tin, ghi băng… để đảm bảo họ có việc làm phù hợp với khả năng.
Trong 11 nước Asean, chỉ còn Việt Nam chưa nhận thức được về vấn đề này. Nhiều quốc gia đã đưa vấn đề trẻ tự kỷ vào trong luật khuyết tật khi coi tự kỷ là một dạng khuyết tật.

Các hoạt động phát bóng bay và làm bài test miễn phí các kiến thức về tự kỷ

Không có đứa trẻ “bị tự kỷ” mà là đứa trẻ có hội chứng tự kỷ. Phương Tây dùng từ rất tinh tế, họ không nói “Autism boy” mà nói “a boy has autism” hoặc “a boy with autism”. Họ giải thích là nếu nói “thằng bé tự kỷ” thì người ta chỉ tập trung vào sự tự kỷ chứ không tập trung vào em bé, còn nói “em bé có hội chứng tự kỷ” tức là em bé còn nhiều thứ khác, tự kỷ chỉ là một phần của em thôi. Chúng ta là số đông nên chúng ta cho rằng họ khác thường, chứ nếu đổi lại ta là số ít thì chúng ta lại trở lên khác thường thôi.
Hãy gọi chung là người có chứng tự kỷ, không phải “bị tự kỷ. Người tự kỷ có khác biệt, như chúng ta thi thoảng có những khác biệt. Chỉ thế thôi. Và văn hóa là chấp nhận sự khác biệt như vốn có trong đời. Người tự kỷ có cuộc sống thú vị đấy, chỉ là họ chưa biết cách thể hiện thôi, bạn hãy chìa tay ra, mỉm cười với họ, họ sẽ chỉ cho bạn thế giới của họ, bạn nhé. Người tự kỷ cần được bạn giúp đỡ để hướng tới khả năng sống có ích.

 

 

 

 

 

 

Contact Me on Zalo
0912 218 692